Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, December 31, 2012

MỘT THỜI ĐÃ QUA - thơ Nguyễn Thanh Bá



Tôi sinh ra giữa thời ly loạn
Buổi giặc về đốt cháy quê hương
Hai tháng tuổi mẹ bồng sơ tán
Giữa cánh đồng trơ trọi gió sương

Mẹ đói cơm lâu ngày thiếu sữa
Tôi ốm o – thân mẹ mỏi mòn
Cha trụ cột gia đình sớm tối
Một thân già lặn bể trèo non

Thơ ấu lớn lên trong khói lửa
Tôi đã chai lì bỡi đau thương,
Chơi tập trận dựng cờ đại nghĩa
Đuổi quân thù giành lại quê hương

Lủ bạn bè cùng đồng trang lứa
Mới lớn lên sớm thấy hận thù
Tuổi đến lớp – làng không trường lớp
Hướng tương lai đen tối mịt mù

Sau đình chiến làng quê mở lớp
Bỏ gươm đeo, ôm vở tới trường
Ngày tháng qua miệt mài học tập
Toả sáng dần toán học, văn chương . . .

Năm năm sau trường làng hết lớp
Rời quê nhà theo học trường xa
Nhà túng quẩn chất chồng công nợ
Mỏi mòn thân cha mẹ tuổi già

Kiếm miếng cơm, hằng đêm kèm trẻ
Mang hoài mong theo học đến cùng
Có ngờ đâu chiến tranh bùng nổ
Mộng công danh dang dở nửa chừng

Quê bốc cháy - biết đâu thù bạn?
Ngày bên này tối lại bên kia
Làng cũng phân vân điều chính nghĩa
Chỉ thấy rằng xáo thịt nồi da

Lủ bạn bè xưa chơi tập trận
Đều lớn lên khí phách phi thườnng
Lại chia ra hai đầu chiến tuyến
Đạn bom rền giành giật quê hương

Mỗi ngày qua một lần đổ nát
Xác xơ từ bụi chuối bờ tre
Ngôi chùa sập – thánh đường tróc mái
Xóm điêu tàn lửa khói lập loè

Lệ trong mắt cạn khô dòng chảy
Lòng tấc gang chất ngất đau thương
Xác thù địch lại là dòng tộc
Chẳng chùng chân , nuốt lệ căm hờn

Khi cuộc chiến đến hồi kết thúc
Tôi trong phe bại trận trở về
Đâu còn thuở chơi trò tập trận
Vẫn được khoan dung của bạn bè !

Lủ bạn bè trăm bề ngàn nỗi
Có đứa ra đi biệt không về
Đứa vong thân, đứa là liệt sĩ
Mấy đứa sống còn lắm nhiêu khê

Chỉ mấy đứa về trong thắng trận
Ghi công lao với gốc tre làng
Giữa trận mạc giành cờ đại nghĩa
Giờ khải hoàn đón nhận vinh quang

Một lần nữa đến trường học tập
Học làm người – khi đã làm người
Thầy giáo nay là người bạn cũ
Tôi phải ngoan để được điểm mười

Giữa tàn tích quê hương đổ nát
Cha mẹ già trước tuổi, nhăn nheo
Tôi yếu đuối chừng như đã mỏi
Cùng chung vai qua buổi ngặc nghèo

Thuở cha mẹ cho ăn cho học
Không quen nghề cuốc bẩm cày sâu
Lỡ cơ cuộc phải đành lăn lóc
Giữa đồng chua mưa nắng dải dầu

Đời gian lao cắn  răng chịu đựng
Nỗi tái tê cứng đọng môi sầu
Con thơ dại , vợ thì yếu đuối
Cha mẹ già , nương tựa vào nhau

Ngày hai bữa cơm núp trong sắn
Cơm con ăn - phần sắn cho mình
Cơm chẳng đủ, con suy dinh dưỡng
Ốm tong teo, đau yếu xập xình

Qua năm tháng thắt lưng buột bụng
Mang hoài mong sỏi đá thành cơm
Sức cần mẩn làm quen gian khổ
Gian khổ nhiều, nghèo đói càng hơn

Cơn đói lả giữa đêm mưa lạnh
Không củ khoai lang để đỡ lòng
Cuộn trong rơm chuyền nhau hơi ấm
Bếp tàn thiếu củi sưởi qua đông

Sức dù kiệt không hề nao núng
Bám đội đoàn chẳng thiếu ngày công
Sổ lao động tăng dần số điểm
Mùa thất thu, điểm cũng bằng không

Tháng mưa lũ nước về lênh láng
Quần quấn vai lội hói băng sông
Rớ tôm cá, săn lùng chim chuột
Suốt ngày đêm kiếm một đôi đồng

Vợ còn lại duy nhất nhẫn cưới
Giữ cho nhau kỷ niệm trong đời
Cũng đành phải cam lòng bán rẻ
Mua dăm ba lon gạo cầm hơi

Trước cảnh khổ không đường cứu khổ
Yêu quê hương – đành phụ quê hương
Lại lần nữa làm người “ phản bội “
Bỏ xóm làng phiêu dạt tha phương

Đành tạ từ quê cha đất tổ
Xa lìa nơi cắt rốn chôn nhau
Biết con cháu sau này xa lạ
Cũng đành nuốt hận - dấu thương đau

Buồn một nỗi mẹ cha yếu đuối
Trẻ nuôi con, già chẳng nhờ con
Phút cuối đời bám làng bám đất
Không thể cùng lặn bể trèo non

Anh chị dông, đều cùng cảnh khổ
Cũng là người thua cuộc hôm qua
Gia sản chỉ hàng tre bụi chuối
Mái nhà tranh núp buổi mưa sa

Và các cháu một bầy đông đúc
Đang nửa chừng nghỉ học chăn trâu
Tương lai tối mờ không định hướng
Vẫn cầu mong cơ hội ngẩng đầu

Ngày ra đi không đồng dính túi
Còn may chẳng có nợ nần ai
Liều thân gởi đường xa xứ lạ
Theo đoàn người tìm kế sinh nhai

Giữa miền Nam người thưa đất rộng
Chi mang theo hoài bảo bình thường
Đem sức lực phá rừng vỡ đất
Cùng mọi người xây mới quê hương

Với một biển người chung cảnh khổ
Cùng đem sự sống bám rừng hoang
Rừng hoang không đủ nuôi người khổ
Đời sống càng lâm cảnh khó khăn

Tôi lại bắt đầu nghề nghiệp mới
Phá rừng, đốt rẫy kiếp tiều phu
Hái măng, gáng cũi băng đồi  núi
Dãi nắng dầm mưa chốn mịt mù

Sức hạn hữu cơ chừng đã kiệt
Tay tróc da rướm máu bao lần
Bệnh thời khí rừng thiêng nước độc
Nóng lạnh thất thường, rã châu thân

Ngày tháng đói kéo dài chưa dứt
Cố nhúm nhen hi vọng tương lai
Để vững chí lao vào gian khổ
Nhẩn nhục qua từng nỗi đắng cay

Bữa thiếu cơm bo bo độn sắn
Đói lâu ngày ăn cũng thấy ngon
Khổ thân vợ lo bề chạy gạo
Lê gót mòn tất tả sớm hôm

Con lớn tuổi chưa vào lớp học
Cùng ngược xuôi kiếm miếng cơm ăn
Đêm xứ lạ không tròn giấc ngủ
Trước cảnh đời luống nỗi băn khoăn

Gian khổ dần qua theo ngày tháng
Mái nhà tranh ấm lửa nồi cơm
Đời sống hồi sinh theo luống đất
Cây xanh mầm lá toả hương thơm
                
  
 *** Đầu xuân 1978 khi đời sống gia đình ổn định, từ đó tháng ngày phấn đấu vươn lên, nay là cán bộ hưu trí, an dưỡng tuổi già.

NGUYỄN THANH BÁ
Xà Bang, Xuyên Mộc, BR-VT
thanhbaxb@yahoo.com.vn

READ MORE - MỘT THỜI ĐÃ QUA - thơ Nguyễn Thanh Bá

CHÚC MỪNG NĂM MỚI


READ MORE - CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Sunday, December 30, 2012

CÒN MÃI NỤ CƯỜI - Ca khúc của Lê Hoàng - Anh Vi - Giọng ca Lý Thành

READ MORE - CÒN MÃI NỤ CƯỜI - Ca khúc của Lê Hoàng - Anh Vi - Giọng ca Lý Thành

TÌNH QUÊ - thơ Nguyễn Hồng Trân

Tác giả NGUYỄN HỒNG TRÂN

              
Bao năm xa quê lòng ta đau đáu
Muốn trở về nơi yêu dấu tuổi thơ
Được tắm nước dòng sông trôi êm ả
Được đi về trên tất cả đường quê.

READ MORE - TÌNH QUÊ - thơ Nguyễn Hồng Trân

TRƯỜNG SA TÂM THƯ PHÚ - Kha Tiệm Ly

Tác giả KHA TIỆM LY


Trộm nghe:

Giặc ngoài dễ phòng,
Bệnh trong đáng sợ!

Hãy xem,

Hoàng Sa đã ngập trong chảo dầu sôi,
Biển Đông sắp chìm trong cơn bão tố.
Kẻ thất phu hừng hực thù căm,
Bậc trí giả  phừng phừng phẫn nộ.

Nhìn kẻ địch:

Bao phen cắt cáp hiếp tàu, diệu võ dương oai,
Mấy lượt tập trận dàn binh, khua môi múa mỏ.
Tàu cá khoang không tấc sắt, để nó bắn súng ngắn súng dài,
Ngư dân phơi tấm lưng trần, mặc chúng nện cây to cây nhỏ!
Làm con nhớ cha, cạn lệ lâm li,
Để vợ khóc chồng, tàn canh vò võ.
Hải đảo ta mà chúng đóng quân, xem giống của chùa,
Lãnh hải ta mà chúng thăm dò, làm như của chợ!

Chớ nên,

Thấy đồng bào mình nhục, mà đành ngoảnh mặt làm ngơ,
Nhìn tổ quốc mình đau, lại cứ khoanh tay đứng ngó!
Nghe qua  mấy câu chính khí, cầm bằng ăn ớt ăn tiêu,
Đạp vào mặt kẻ yêu dân, tưởng chừng đạp heo đạp chó!
Đi xe nệm dày một chống, bà ngồi êm đít sướng mông, 
Nhà dựng lầu ngót mấy tầng, ông ngước ngoẹo đầu trẹo cổ!
Thênh thang Hoàng Sa trăm dặm, địch đã cướp rồi xương máu cha ông.
Leo heo Tiên Lãng mấy sào, ngươi lại chiếm cho anh em giòng họ!
Ba hoa miệng lưỡi thì biết đâu ai quỉ ai người,
Bề thế tiện nghi thế mới rõ ai thầy ai tớ!
Mãi tham ô nên đất nước mãi nghèo,
Còn lãng phí nên nhân dân còn khổ:
Bỏ một màn lãng phí, sẽ cứu bao nạn dịch  thiên tai,
Gom mấy trận tham ô, xem còn hơn mưa giông bão lũ!
Lạm công quĩ nên vật giá leo thang,
Rút công trình nên cầu đường thành hố!
Xoay qua, xoay lại, để cầu lộc hưởng bách niên,
Xét tới xét lui, rõ là tội lưu thiên cổ!

Có hết đâu!

Là cậu tú, mà viết chữ còn trật hỏi, ngã, tê, xê, trông giống cua bò,
Đậu ông nghè, mà hỏi sử còn ngọng ú, ớ, u, ơ, tưởng đâu lưỡi đớ!
Người mưu ích nước lợi dân, thì đong bằng vỏ hến vỏ sò,
Kẻ lo chạy chức mua quan, lại lường bằng cái thau cái rổ!
Khi tàu vũ trụ đã đến sao hỏa, sao kim,
Mà nền quốc học còn ở bờ đê, đầu lộ!
Khác nào bộ máy cà tàng,
Giống y con tàu cổ lỗ!
Kẻ vô sỉ thì đầy như lông chó lông mèo,
Quan thanh liêm lại hiếm như sừng heo sừng thỏ!
Lệ buồn lịch sử phải khóc sụt sùi,
Mồm thúi quân thù lại cười hô hố!

Tỉnh lại đi!

Hãy soi đạo đức Hồ Chủ Tịch để tự răn mình,
Hãy lấy tài năng Ngô Bảo Châu mà  làm xấu hổ.
Một trăm năm thuộc Pháp, lấy đó mà lo,
Một ngàn năm thuộc Tàu cớ chi không nhớ?
Chẳng thấy cái nguy phải chịu làm lệ làm nô,
Thì ở trong mơ cũng chẳng thành rồng thành hổ!

Một mai,

Trường Sa bốn hướng sóng trào,
Tổ quốc ngập trời lửa đỏ.
Thì của tham ô có ngăn được hỏa tiễn địch rời giàn,
Thì tiền hối lộ có đánh tan chiến hạm thù đổ bộ?
Hơi rượu ngọt “hàng hiệu” không làm cho lũ giặc lui binh,
Móng tay nhọn “chân dài” đâu xé được quân thù đứt cổ!

Đã tự hào:

“Một dân tộc anh hùng”
“Bốn nghìn năm lịch sử”.

Thì chớ quên câu:

“Dân gần trăm triệu mà lại yếu xìu,
Nước bốn ngàn năm vẫn như trẻ nhỏ!” (1)
Chớ để quân thù coi cọc Bạch Đằng là… cọng lạt xỉa răng,
Đừng để kẻ địch xem gươm Lê Lợi là… cây kim may áo!

Mà cho chúng biết,

Gươm Lê Lợi chất thép vẫn ngời,
Sông Bạch Đằng máu xưa còn đỏ.(2)
Quân ta đi đường núi, ầm ầm mấy hướng núi mòn,
Tàu ta lướt biển đông, ào ạt bốn bên biển lở!
Đổ máu đào cho tổ quốc quyết sinh,
Khai hỏa lực cùng quân thù quyết tử!

Trường Sa ta,

Hiên ngang đi trên ngọn lửa hồng,
Dũng cảm đạp lên làn sóng dữ.
Mặt quân thù càng lạnh như băng,
Lòng chiến sĩ càng sôi như lửa.
Lấy ba miền tổ quốc làm nhà,
Lấy trăm đảo biển đông làm mộ.
So gươm cùng địch, để xem ai sắc ai cùn,
Đọ máu với thù, thử coi ai đen ai đỏ!

Nay,

Tim sắt lòng son,
Trường Sa  hạ bút./.

Chú thích:

(1) Nhại theo  thơ Tản Đà: “ Dân hai nhăm triệu ai người lớn/ Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”
(2) Trộm nghĩa câu: “ Đằng Giang tự cổ huyết du hồng” (một vế đối của Thám hoa Giang Văn Minh, quan nhà Lê trung hưng)


KHA TIỆM LY
khatiemly@gmail.com

READ MORE - TRƯỜNG SA TÂM THƯ PHÚ - Kha Tiệm Ly

VỀ TỪ VÔ VỌNG - thơ Du Tử Lê - nhạc Phạm Anh Dũng


Nhạc sĩ PHẠM ANH DŨNG


 


Về Từ Vô Vọng

Nhạc Phạm Anh Dũng
Thơ Du Tử Lê
Xuân Thanh hát
Huỳnh Nhật Tân hòa âm
Video: SongBien Blue


Về tự một dòng sông
em nồng nàn như biển
gió cuốn muôn nghìn năm
lấp chôn tình vô vọng

Về tự một mùa đông
em rầu rầu sương cỏ
hồn mưng mưng mây mù
cõi nhớ mắt bơ phờ

Về tự một ngày mưa
em não nùng oan khổ
cây khẳng khiu đợi chờ
lá một đời héo úa

Về tự một tình đau
môi ứ tràn máu mặn
ngực ngậm lời trăm năm
hồn rũ bóng đìu hiu


PHẠM ANH DŨNG
phamanhdung1@gmail.com
READ MORE - VỀ TỪ VÔ VỌNG - thơ Du Tử Lê - nhạc Phạm Anh Dũng

TÌNH NGƯỜI PHỐ BIỂN – Võ Làng Trâm

                    Trao về Độc Hành





Đời người vốn dĩ lắm phong ba
Vinh hạnh làm sao đã vượt qua!
Bao năm lăn lộn thôi vừa đủ
Nghỉ hưu thanh thản tuổi về già

Ấm cúng bên nhau sống tại nhà
Con làm xa xứ cứ vào ra
Vợ hiền khuya sớm cùng tâm sự
Tối uống cao đơn sáng nhấm trà

Vui đời hạnh phúc khỏe thêm ra
Giao lưu bầu bạn họa thơ ca
Ba chàng* phố biển vui thi hữu
Luận thơ, tán gẫu nhậu khề khà

Bạn hữu lâu rồi vẫn thiết tha
Nha trang hội ngộ thắm tình ta
Về đây bạn nhé ôn thời cũ
Dang rộng vòng tay đón lại nhà.

*Ba chàng = VSQ, HT, VLT

                             Võ Làng Trâm
Nha Trang
volangtram@yahoo.com.vn




READ MORE - TÌNH NGƯỜI PHỐ BIỂN – Võ Làng Trâm

MÙA XUÂN QUA VĂN CHƯƠNG QUẢNG TRỊ - Phạm Xuân Dũng

                                           
    Theo vòng quay trái đất, trong tứ thời bát tiết thì mùa xuân có một ý nghĩa đặc biệt khởi đầu cho một năm mới, sinh thành một nguyên đán thời gian. Cũng chính vì sự riêng có của mình mà xưa nay mùa xuân vẫn thường gợi ý khơi tình cho biết mấy hoa trái văn chương.

    Từ trong mùa đông mất nước và nô lệ, nhà thơ trẻ tài ba Chế Lan Viên đã nhìn Xuân bằng đôi mắt chán chường, vô vọng:
                              Tôi có chờ đâu, có đợi đâu,
                              Đem chi xuân đến gợi thêm sầu?
                              Với tôi, tất cả như vô nghĩa,
                              Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!
     Thật đúng như minh triết Nguyễn Du: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!"
     Sau này khi đất nước giành được độc lập, tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình, thi sĩ đã thấy rằng mình: từ thung lũ đau thương ra cánh đồng vui. Thi nhân đã viết trong hứng khởi niềm xuân:
                             Con về với nhân dân như nai về suối cũ
                             Cỏ mọc giêng hai, chim én đợi mùa ...
     Nhà thơ áo lính Nguyễn Hữu Qúy hứng thú với lục bát dân gian mà dân dã đong đưa "Làm xuân" thêm ngọt ngào, tình tứ với một nhan sắc quê nhà:
                       Cầu lành, chẳng dựng nêu tre
                       Trúc xinh một dáng chở che lấy mình
                       Mỉm cười vớ nụ hồng xinh
                       Tối về, rủ bạn ra đình ý a ...
                       Nhớ giao thừa tuổi mười ba
                       Em đừng nước mắt kẻo mà bị giông
                       Lá răm ướm cặp đối hồng
                       Cứ vui như tết chưa chồng nghe em!
      Người thơ Võ Văn Luyến cứ dùng dằng, trắc ẩn khi biết mình "Lỗi hẹn cùng xuân":
                       Anh về muộn chân trời đùn mây trắng
                       Trang thư xanh gió lật sấp vô hồi
                       Nghe lồng ngực nhói đau nghèn nghẹn
                       Thời gian ngừng muối đọng mắt em tôi.
     Và một Hoàng Phủ Ngọc Tường thơ khi "Mùa xuân anh trở lại" chiến khu rừng cũ bời bời ký ức những ngày lên xanh của một người Việt Nam thật lòng yêu nước:
                     Mùa xuân này anh trở lại A Sao
                     Trong nỗi nhớ cánh rừng đã chết
                     Trong kỷ niệm hăng nồng mùi hóa chất
                     Chim phượng hoàng từ ấy đã bay xa

                      Lòng bồi hồi như trong giấc mơ
                      Anh đứng giữa cây rừng sống lại
                      Hái nhánh tùng của mưa ngàn gió núi
                      Anh trở về, sương khói trên tay.

    Nhà nghệ sĩ này đã cảm nhận thật tinh tế vẻ đẹp tinh khôi, tươi mới của mùa khai sáng bằng chắt lọc văn chương qua bút ký "Mùa xuân thay áo trên cây". Ông đã sáng tạo thêm một huyền thoại mùa xuân với giả định bềnh bồng thi sĩ:
     "Tôi tin rằng trong cuộc tiến hóa của nhân loại, có một số giá trị được tạo thành cùng lúc với ý thức sống của con người, ngay trong lòng những nhóm tộc nguyên thủy sống lẻ loi chưa hề biết tới giao lưu, thí dụ cách lấy lửa, cách làm ra rượu thô sơ nhất, và cả ý niệm huyền ảo thuộc về vũ trụ gọi là Mùa Xuân. Loài người biết tới lịch pháp từ những nền văn minh xa xôi nhưng ý niệm về mùa tất đã nảy sinh từ những đáy thời gian sâu thẳm hơn nhiều, qua kinh nghiệm sống của người tiền sử. Vậy thì tiếp theo sau những tên gọi như đá, nước, lửa, trái cây, thú rừng ... có thể Mùa Xuân là từ trừu tượng đầu tiên của người hồng hoang, do một gã thi sĩ cất lên để reo mừng hiện tượng bừng sống của trời đất sau những ngày dài lạnh lẽo phải sống trong hang đá."
     Chính ân sủng thiên nhiên trao tặng đã kích thích trí tò mò và óc tưởng tượng phong phú của người nghệ sĩ nảy mầm lên những xanh biếc văn chương. Cú hích của đất trời đã làm bà đỡ sinh hạ nên tác phẩm của con người mang tên là nghệ thuật, nghệ thuật của ngôn từ và nghệ thuật của tâm hồn đa cảm, của sự quan sát và cảm nhận tinh tường:
         "Có một ngày ra khỏi mùa Đông nhá nhem trên rừng, tôi mải mê nhìn cánh rừng tràn trề nắng ấm, nghe tiếng reo hát của dòng suối đã trong xanh trở lại, tiếng chim ngẳng gọi nhau "đi họ đi làng" trên những đồi cây lá nón, và chợt nhận ra quanh tôi, những hoa dại đầu mùa đã vẽ những nét màu sáng tươi trên mặt đất. Đó là những ngày tiếp theo sau cái Tết kháng chiến đầu tiên của tôi ở rừng Khe Trái, và cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi ghi vào sổ tay lòng biết ơn chất phác với nhà thông thái bàn cổ nào đấy đã nghĩ ra cho nhân loại hậu thế cái tên gọi tuyệt vời này, Mùa Xuân."
      Nhà văn Lê Tri Kỷ, một người con của quê hương Quảng trị, nhà văn lực lượng vũ trang, từng là trưởng ty công an sau cách mạng Tháng Tám là cây bút chững chạc, đầy chất nhân văn cũng có những trang viết về mùa xuân đáng nhớ. Trong truyện ký "Những tiếng nói thầm" viết về nơi chôn nhau cắt rốn năm 1973 sau khi tác giả đã rời xa quê nhà một phần tư thế kỷ. Cách tự mố xẻ, phân tích tâm lý chân thực, sâu sắc và xúc động:
      "Một sáng đầu năm 1973, tôi trở về Quảng trị.           
        25 năm!
       Tại sao với một người chờ đợi quá lâu, thì lời nói đầu tiên khi hết chờ đợi thường là một lời về thời gian nhỉ?
       Lẽ nào những nỗi đau xé ruột, những thương nhớ thắt tim, những mừng vui kinh ngạc đến điên người, tóm lại, cái mớ cảm xúc bộn bề, sôi sục bị đè nén lâu ngày như thế khi vùng dậy, lại chỉ chứa đựng một ý niệm máy móc về con số?
       Cũng như mọi người, điều đầu tiên đến trong óc tôi khi xe qua cầu Hiền Lương là một ý nghĩ về thời gian xa cách. Nhưng mãi những khi viết những dòng này, tôi mới biết rằng lúc đó mình chưa hiểu thế nào là hai mươi lăm năm."
         Đúng là cách nhìn, cách nghĩ của nhà văn, luôn muốn chẻ sợi tóc làm tư luôn muốn tìm hiểu khám phá tâm hồn và trải nghiệm của con người và bản thân mình cũng không là ngoại lệ. Cảm giác gặp lại quê hương sau vài chục năm xa cách được nhà văn thuật lại thật sinh động và chân xác:
         "Nhìn quê hương Quảng trị tôi những ngày đầu giải phóng, mọi sự tưởng tượng đều huyễn.
         ...Hình ảnh quê hương đổi thay đến mức làm tôi choáng váng.
         Cái gì không còn thì đã trở thành ... hư vô. Nói thế vì không phải chỉ cái ấy mất đi. Còn mất theo cả vùng rộng lớn không khí quen thuộc, mất theo những tình người, những cách làm ăn, thói sống, những tiếng động quen tai, màu sắc quen mắt, tóm lại cái mà ta quen hiểu là hồn quê.
      Cái gì còn nguyên - con đường sống trâu bùn ngập đến gối, những mâm xôi gà lên miếu ngày rằm - thì mang về một sức ỳ ghê gớm.Ta nhận ra nó y như thời ta còn để chỏm, nhưng bây giờ mang thêm vẻ lạc hậu nặng nề, khiến ta bỡ ngỡ tưởng như mình bị đẩy lùi vào xã hội thời cụ, kỵ.
      Cái gì sống thoát đến ngày nay và đang lớn lên lại làm ta kinh ngạc. Một tình yêu thương gia đình trong ánh mắt lũ trẻ con mà cha mẹ chúng buổi ta ra đi, cũng chỉ là trẻ con, những người vợ mà sự tích thuỷ chung đáng được trăm lần đưa lên thần thoại, những anh du kích đã được đồng hương truy điệu, nay bỗng gặp lại trong cuộc họp thôn ... Tất cả những cái đó đã trở thành truyện thần kỳ mà ký ức về quê hương của chúng ta chưa bao giờ ngờ đến."
       Cách quan sát ngoại vật và nhìn xoáy vào nội tâm của chính bản thân mình cùng với sự trải nghiệm của gần một đời người khiến trang viết nhà văn vừa có độ xúc cảm mãnh liệt của cảm xúc, vừa có cách nhìn sắc sảo của tài quan sát lại có sợ phân thân trong phân tích tâm lý nhân vật đã nhận được tình cảm và tin cậy của người đọc. Đó cũng là một thành công đáng kể của tác giả.
      Mỗi mùa xuân đến, mỗi nhà văn, nhà thơ lại thêm nhiều cảm xúc, tâm trạng muốn được chia sẻ, giải bày với người khác. Bởi vì bản chất của mùa xuân là hội ngộ, đoàn viên. Dù có chia ly cũng hẹn ngày gặp lại. Và cứ mong đến mùa xuân lòng người thêm Nguyên Đán.

PHẠM XUÂN DŨNG
Đài PT- TH Quảng Trị
Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Đt: 0985.972.975 
dpthachthao@gmail.com
READ MORE - MÙA XUÂN QUA VĂN CHƯƠNG QUẢNG TRỊ - Phạm Xuân Dũng

Saturday, December 29, 2012

CHUYẾN XE - thơ Vĩnh Thuyên



Từ ngày em lên xe ...
Anh chở loanh quanh đời
Ai ngờ là định mệnh
Chở cuộc đời loanh quanh

Anh dối em lần đầu
Nghe vừa mừng lại tủi
Anh dối em lần sau
Em chết trong mộng tưởng
Như con chim én lượn
Gãy cánh trước sân nhà

Chuyến xe khuya thầm lặng
Chở một người ... đi xa


VĨNH THUYÊN
duongvinhthuyen@gmail.com
READ MORE - CHUYẾN XE - thơ Vĩnh Thuyên

NGÀY TẬN THẾ - Kha Tiệm Ly




Ta hoan hỉ đón ngày tận thế
Như nhận hồng ân từ một đấng thiêng liêng.
Để xóa cho đời bao trò dâu bể,
Để xóa nhân gian vạn nỗi muộn phiền.

Không phú quí, cũng không cùng khổ,
Không bạo quyền, không có nhục vinh.
Triệu năm trước còn kẻ cao người thấp,
Nay một lần bình đẳng các sinh linh!


Chẳng còn hố sâu, chẳng núi cao vời vợi,
Chẳng còn màu da phân biệt trắng, đen, vàng.
Chẳng ánh mắt nhìn nhau rực lửa,
Trăm hận ngàn thù hóa bụi tro than.
… Cũng chẳng còn những loài hoa vô cảm,
Đen sắc hương đùa cợt với nhân gian.



Trái đất triệu năm trút xong gánh nặng
Đá sỏi triệu năm nay đã biết cười.
Ta thanh thản theo dòng người hoảng loạn,
Kẹp bên mình bầu rượi nhạt uống chơi!

KHA TIỆM LY
khatiemly@gmail.com
READ MORE - NGÀY TẬN THẾ - Kha Tiệm Ly

CHUÔNG NGÂN - KHI NÀO - thơ Ngọc Tình



CHUÔNG NGÂN

Thương nhau chẳng đến với nhau
Niềm riêng, riêng những khổ đau chất chồng
Chuông ngân vọng tới thinh không
Chiều đông lạnh giá khóc thầm tái tê
Thôi thì bỏ hết ta về
Vào chùa lậy phật, bồ đề mát xanh
Tâm ta được chút an lành
Câu thơ xin trả cho anh ngày nào
Ngoài trời gió thổi lao sao
Cho lòng ta nhẹ tình nào trả - vay
Bạn - ta không có những ngày…..
Thơ xưa.



Tác giả NGỌC TÌNH



KHI NÀO

Khi nào anh nói yêu em
Khi nào hôn nhẹ ở trên mái đầu
Khi nào hôn mắt thật lâu
Khi nào hôn má đào nâu phớt hồng.
Khi nào hôn môi nồng nồng
Khi nào ôm chặt vào lòng đắm say
Chỉ là một thoáng mây bay
Một giấc mơ đẹp những ngày xa xưa.

Tây Ninh, tháng 10-2012
NGỌC TÌNH
nguyentinhtn@yahoo.com.vn
READ MORE - CHUÔNG NGÂN - KHI NÀO - thơ Ngọc Tình