Ai chưa
đến đó
Tà Rụt,
tôi đã từng nghe nhiều người đến đó, thậm chí có những người đã sống ở đó kể lại
về một vùng đất heo hút. Tôi chỉ mường tượng, không định hình được nó như thế
nào, con đường đến đó ra sao. Và Tà Rụt trở thành ước mong của tôi là một ngày
sẽ đến.
Tôi tâm
đắc câu thơ của Tố Hữu: Trường Sơn Đông nắng Tây mưa/Ai chưa đến đó thì chưa rõ
mình. Thật vậy, Tà Rụt chưa đến thì chưa hiểu được Tà Rụt, và mình chưa hiểu được
chính mình.
Đầu
tháng 8, Đông Hà vẫn còn nắng rát với gió Lào khô khốc. Tôi được điều lên Tà Rụt
công tác ba ngày - tập huấn chương trình dạy học của Intel ITGS. Vui lắm. Chạy
xe máy từ Đông Hà lên đến cầu treo Đakrông, cảm giác bình thường với nóng trong
khung cảnh quen thuộc, đồi tiếp đồi, núi tiếp núi cao dần cao dần. Dừng chân
nghỉ ở quán nước ven đường Đường 9 tại ngã rẽ ngay chân cầu treo tôi lại bắt đầu
đi theo Đường 14 - là đường Hồ Chí Minh đi vào phía Nam .
Chập
chùng đại ngàn
Con đường
quanh co, khúc khuỷu, uốn lượn theo sườn núi, bám theo dòng sông Đakrông. Nuớc
sông mùa này không nhiều, thậm chí cạn ráo để trơ những lèn đá liêu xiêu hay những
bãi cuội vàng ươm xen kẻ cây bụi lúp xúp. Hai bên sườn núi dựng đứng cao vút, bỗng
thấy mình lọt thỏm giữa đại ngàn trùng điệp, núi tiếp núi lô nhô, sừng sững.
Con đường sáng lên màu xám bạc tựa như con rồng con rắn uốn mình, lúc lên, lúc
xuống. Có những đoạn đường nằm chênh vênh tưởng như đang treo bên sườn núi, sườn
đổ xuống phiá sông dốc sâu thăm thẵm.
Bây giờ
hơn 4 giờ chiều, tôi biết được từ Cầu treo Đakrông vào đến Tà Rụt là 50 km nên
phải làm sao đến nơi trước 6 giờ tối. Lạ đường, đường quanh co hiểm trở nên
không giám chạy nhanh dù rằng đường rất vắng xe. Thỉnh thoảng mới có một chiếc
xe máy đi ngược chiều hoặc ai đó quen đường phóng nhanh chạy vượt lên - đặc biệt
là mấy thanh niên người Pakô, Vân Kiều chở ba không đội mũ bảo hiểm. Phải vào Tà
Rụt trước lúc trời tối cũng do sợ giữa đường trời mưa. Đuờng 14 nằm phía Tây Trường
Sơn rồi nên khí hậu giống đất bạn Lào có nghĩa là nếu Đông Hà mùa nắng thì đó
là mùa mưa. Mà mưa rừng nhiệt đời thì xối xả, chạy xe trong mưa thì như ai ném
đá vào mặt. Hơn nửa phiá bên núi bạt taluy dốc quá nên dễ sụt đất.
Đi mấy
cây số vắng ngắt mới có một bản người
dân tộc. Bản nằm trên sườn núi gần bờ sông. Cũng có vài bản thức thời hơn làm
nhà dọc theo Đường 14. Qua một vài trung tâm xã như Tà Liêng, Tà Long, Húc Nghì
, Pa Hy... cũng có trường, có trạm y tế, có điểm giao dịch của ngân hàng chính
sách... và bóng dáng người Kinh.
Dọc đường
cầu nhiều lắm, tên cầu cũng là điều cần phải nói. Ngoài một vài cầu có tên
riêng như Cầu Tà Liêng, Cầu Húc Nghì.... còn phần lớn có hai cái tên được gọi
nhiều nhất là CẦU BẢN - có lẽ do gần một bản làng nào đó, hoặc CẦU BTCT (tôi
đoán là CẦU BÊ TÔNG CỐT THÉP). Cứ nghĩ rằng nếu gọi điện cho ai đó nói là mình
đang đến cầu BTCT thì chắc người Tà Rụt cũng không thể biết mình đang ở chỗ nào
đâu nếu không nói rõ vị trí.
Phần lo
sợ trời tôi, đường quanh co lo giữ vững tay lái nên cái lưng mỏi cứng mà không
dám nghĩ, chỉ mong sao đến được Tà Rụt. Xung quanh toàn núi bao quanh, khoảng
trời thu nhỏ lại cùng mấy đám mây đen bay lững thửng. Gió núi mát lạnh. Tôi
miên man suy nghĩ về những đồng nghiệp của mình đã gắn bó với mảnh đất này. Tôi
tự hỏi vì sao họ có thể bám trụ ở đây hay ngày đầu tiên họ lên nhiệm sở thì họ
có suy nghĩ gì và có ý định bỏ về không, nếu có thì cái gì níu giữ họ lại cho đến
hôm nay...
Cái vẻ đẹp
hùng vĩ của đại ngàn Trường Sơn làm tôi nhớ đến câu thơ của Quang Dũng trong
Tây Tiến: Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm / Heo hút cồn mây súng ngửi trời...
Tôi ngắm như cố thu hết tất cả vào trong tâm trí mình. Có dừng lại chụp mấy cái
ảnh nhưng sau phải cúi đầu chạy cho kịp về trước khi trời tối.
Thị tứ
Rồi Tà Rụt
cũng hiện phía bên kia sườn núi. Lác đác mấy cái nhà xây hai tầng, một cột
ăng-ten của viễn thông có vẻ ra dáng thị thành. Ah, mà Tà Rụt là một thị tứ mà.
Hai bên đường có nhiều quán xá: quán nhậu, quán café, quán karaoke, quán bán tạp
hoá, bán hàng điện tử, tiệm may... đủ cả. Giữa đường, mấy chú dê vẫn chạy nghênh
ngang, miệng gọi nhau be be... Mấy sơn nữ Pakô vẫn mang achói, miệng ngậm tẩu
thuốc nhưng áo và xấn cũng bằng vải người Kinh đưa lên, cũng có mấy mé mang xấn
thổ cẩm. Có những chiếc xe Wave Tàu lao vun vút do hai hoặc ba thanh niên dân tộc
phóng đi vẫn đầu trần không mũ bảo hiểm.
Bao
quanh thị tứ vẫn là núi, là mây. Có lẽ quá trình đô thị hoá đang diễn ra nhanh
chóng trên đất này. Sau này tôi biết có một miếng đất rộng 10 mét sâu 25 mét nằm
trên đường nhánh đi vào trường THPT Tà Rụt mà giá hơn 180 triệu. Oái, không biết
người ta dự đoán nơi đây diễn ra những gì trong tương lai gần mà hét giá đất
lên cao như vậy, cao hơn giá trị thực tại quá nhiều lần.
Hai bên
đường nhánh rẽ vào từ Đường 14, nhà ở của đồng
bào dân tộc xen lẫn quán xá của người Kinh. Nhà sàn cũng đổi thay theo,
vật liệu bê tông cốt thép, ván tráp xung quanh, mái lợp tôn thép hoặc tôn xi
măng. Lâu lâu mới có được nhà sàn lợp tranh, vách nứa. Dù sao họ vẫn giữ lại nếp
xưa đó là cái bậc thanh lên nhà vẫn bằng gỗ rừng, khung cửa sổ mặt trước vẫn là
nơi để mọi người ngồi trầm lặng nhìn ra bên ngoài. Tôi có cảm giác như ngôi nhà
bó buộc họ như rừng núi bó buộc họ cho dù cuộc sống hiện đại đang phát triển và
lan dần đến đây và họ ngồi nhìn sự thay đổi và xem mình không phải là chủ thể của
sự thay đổi đó.
Giữa bãi
đất rộng sau trường THPT Tà Rụt còn những cây nêu bỏ lại sau ngày lễ hội đâm
trâu tế Giàng của người Pakô. Chúng đã ngã mục vì nắng mưa lâu ngày bên gốc cây
gạo cao vút lá réo với gió rừng lộng lộng. Không ai dám đến đó vì những đồ vật
tế Giàng mà sờ vào thì bị phạt trâu, phạt bò cho cả bản. Ở đó chỉ có mấy con dê
lẩn thẩn gặm cỏ, rồi tung tăng rượt đuổi nhau và cất lên be be be...
Nét
nguyên sơ
Dù tại
thị tứ, thay đổi diễn ra là vậy, nhưng đi về phiá A Bung cách 10 km về phiá
Nam, cứ gọi là "Ngoại ô của Thị tứ" ta bắt gặp nét hoang sơ giữa núi
rừng. Mái nhà sàn lợp tranh tre vẫn giữ gìn ngọn lửa ở cái bếp chính giữa gian
nhà. Cô gái Pakô cười duyên mến khách,
trọ trẹ tiếng Kinh chào hỏi. Có gái chắc tuổi không nhiều nhưng những nếp
nhăn đã hằn lên gương mặt và tấm lưng cong lại như gánh gồng khổ cực, ba bốn đứa
trẻ đen nhẻm chạy đùa lung tung. Ngôi nhà với mái tranh toe tua, phên nứa xộc xệch,
gầm sàn chất đầy đầy củi rừng. Củi rừng được lấy về bằng gùi chứ không gồng
gánh như người Kinh. Gùi (achói) là loại công cụ lao động của người dân tộc
dùng để mang vác. Gùi đan bằng mây song rất chắc chắn, được đặt trên bếp để hun
khói và quét một lớp nhựa cây. Mùa này mới hái bắp xong, bắp phơi đầy sân.
Rất may
mắn, tôi bắt gặp một cái nhà dài bị bỏ hoang. Nhà dài vốn là nơi bảo lưu rất rõ
nét cơ cấu đại gia đình phụ quyền. Con trai lấy vợ, cháu trai lấy vợ làm thêm một
gian nhà, thế rồi nhà cứ dài ra. Hiện nay bà con dân tộc làm nhà riêng ứng với
một gia đình nhỏ. Quá trình phát triển xã hội và hiện đại cũng đồng thời là quá
trình hủy diệt văn hóa cổ truyền chăng??? Như máy bơm nước thâm nhập làm cho
gàu sòng, guồng đạp nước bị bỏ nát hay tivi, máy hát băng đĩa, karaoke làm xa dần
những nhạc cụ mộc mạc của người dân tộc và những câu hát lý lơi ... chính đó là
nguyên nhân làm rạn nứt các tập tục cổ truyền.
Mái
tranh của ngôi nhà sàn vẫn còn, chiếc mõ gỗ phát ra lách cách của chú bò gặm cỏ,
cái gùi vẫn đen màu khói, làn da cô gái Pakô vẫn rám nắng... bên cạnh là chiếc
xe máy Tàu, chiếc áo pull phơi bên cạnh cái chảo bắt sóng vệ tinh VTV hay
VTC...
Rồi cái
nguyên sơ kia sẽ mất theo tháng năm, quá trình hiện đại hoá, đô thị hoá đang diễn
ra ở đại ngàn Trường Sơn phiá Tây Quảng Trị vốn xưa là lam sơn chướng khí.
Tôi gặp
biển báo khu vục biên giới. Nơi đây vẫn vậy, những thay đổi không khác mấy so với
thị tứ Tà Rụt. Đầu nguồn dòng sông Đakrông vẫn cạn để trơ những bãi đá lô xô.
Phiá bên kia bờ xa xa, mấy cô gái đang tắm mình trong dòng nước đục ngầu. Mấy
hôm nay Tà Rụt mưa...
Xin hát
về bạn bè tôi...
Bà con ở
đây là vậy, nên những đồng nghiệp của tôi ở Trường THPT Đakrông II (Tà Rụt)
cũng gặp không ít khó khăn. Trường mới được xây một dãy nhà ba tầng, dáng tạc vào
dáng núi. Thị tứ chỉ có toà nhà này là cao tầng nhất. Học sinh ở đây gần 90% là
người dân tộc. Tiếng Kinh là ngoại ngữ nên chắc chắn thầy cô mình sẽ gặp rất
nhiều khó khăn. Tôi đến trường khi nhà trường đang tổ chức học sinh thi lại.
Nhìn danh sách gọi tên, từ đầu đến cuối toàn là họ HỒ. Các em ngồi làm bài
nghiêm túc, không ai hỏi ai.
Nhiều thầy
cô cho biết, nhà trường yêu cầu các em nên sử dụng tiếng Kinh trong giao tiếp,
nhưng mà học sinh dân tộc nhiều quá nên mấy em học sinh người Kinh cũng nói tiếng
dân tộc luôn. Các em thường theo bố mẹ lên rừng làm rẫy, hay nghỉ học. Mùa mưa
này, khi nước ở con sông, con suối lên cao các em không thể đến trường được.
Các em thiếu sách, vở, dụng cụ học tập. Cái nghèo khổ còn đó, trông chờ vào cái
rẫy, cái nương, không đủ ăn, đủ mặc lấy gì mà sắm sửa cho việc học. Hàng năm Sở
GD-ĐT Quảng Trị vẫn đề nghị các trường ở đồng bằng quyên góp giúp đỡ, nhưng biết
mấy cho đủ... Đầu năm học, chưa có trợ giúp, các em không có sách học. Các thầy
cô có ý định bỏ tiền ra mua sách cho các em rồi thu tiền lại sau. Chà, biết khi
nào mà thu lại được, các em còn thiếu cái ăn, cái mặc, không có tiền mua sách vở
thì lấy đâu ra tiền mà trả lại cho các thầy...
Khu tập
thể giáo viên được xây mới thêm mấy phòng, còn chủ yếu ở 2 dãy nhà cũ. Các thầy
cô đề rất trẻ, nhiều thầy cô ra trường mới 1 năm, 2 năm. Cả thầy Hiệu trưởng
cũng xa vợ (vợ dạy ở Triệu Phong) cũng sống chung với anh em.
Bể nước tập thể buổi sáng, mọi người ra đánh răng, rửa mặt, giặt giũ như khu tập thể sinh viên. Họ nấu ăn chung, bếp tập thể tềnh toàng cũng có đủ bát đĩa soong nồi.
Mỗi ngày cắt bốn giáo viên không có tiết phụ trách cơm nước, cứ luân phiên nhau. Giữa rừng núi xa xôi nên giá cả đắt đỏ, nhưng mà hàng hoá ở đây khá đầy đủ.
Bể nước tập thể buổi sáng, mọi người ra đánh răng, rửa mặt, giặt giũ như khu tập thể sinh viên. Họ nấu ăn chung, bếp tập thể tềnh toàng cũng có đủ bát đĩa soong nồi.
Mỗi ngày cắt bốn giáo viên không có tiết phụ trách cơm nước, cứ luân phiên nhau. Giữa rừng núi xa xôi nên giá cả đắt đỏ, nhưng mà hàng hoá ở đây khá đầy đủ.
Chiều,
các thầy cô cùng nhau đánh bóng chuyền. Sinh hoạt thường nhật. Món ăn tinh thần
của anh em. Tôi cảm nhận được những tình cảm thương yêu, gắn bó sâu sắc, những
mối đồng cam cộng khổ để cùng vượt qua khó khăn. Những ngày sống ở đây, tôi mới
hiểu được và trả lời được câu hỏi mà mình day dứt trong suốt chặng đường lên với
Tà Rụt: Vì sao họ có thể bám trụ được ở đây để dạy dỗ? Có phải chăng trong khó
khăn gian khổ con người sống chan hoà yêu thương nhau hơn là khi họ được một điều
kiện sống sung túc thuận lợi. Chốn đô thị phồn hoa lấp lành ánh đèn màu, những
người chưng diện phấn son áo dài lả lướt đã khoả lấp và làm mờ nhạt những tình
cảm gắn bó yêu thương và chen lẫn vào đó là những đố kỵ, ganh ghét, tỵ nạnh,
nham hiểm và thủ đoạn...
Ai cũng
chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ về phần ai
Ai cũng
một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình
Phải đâu
may nhờ rủi chịu, phải đâu trong đục cũng đành
...
Xin hát
về bạn bé tôi những người sống vì mọi người
Ngày đêm
canh giữ đất trời, rạng rỡ như cành mai chiều xuân.
Ngày trở
về Đông Hà. Năm giờ chiều bắt đầu rời Tà Rụt. Suốt chặng đường 100 km tôi hát thầm
bài Một đời người một rừng cây không biết bao nhiêu lần. Bên tai vẫn văng vẳng
lời dặn: "Thầy về đến Đông Hà thì nhắn tin cho em nghe!"
Cáp Xuân
Tú
Bài và ảnh của Cáp Xuân Tú từ trang
Bài và ảnh của Cáp Xuân Tú từ trang
vn.360plus.yahoo.com/capxuan-tu và trang dayhocintel.net
Email: capxuantu@gmail.com,
ĐT: 0914 061 428, 0944 944 648.
Email: capxuantu@gmail.com,
ĐT: 0914 061 428, 0944 944 648.
No comments:
Post a Comment