Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, August 31, 2011

ĐỘC HÀNH - NHỚ MÃI TÌNH ĐẦU


Cảm hứng từ hai bài thơ gần đây của Châu Thạch và Võ Làng Trâm, Độc Hành vừa gởi đến một bài họa, gọi là “để có nhịp cầu bắc từ QUẢNG TRỊ đến ĐÀ NẴNG thẳng NHA TRANG sang ĐỒNG NAI” *.
Xin cám ơn các anh đã biến trang VNQT thành sân chơi “để anh em giao lưu xây dựng nhịp cầu TRUNG – NAM” * .

NHỚ MÃI TÌNH ĐẦU

ĐỘC HÀNH 

Tôi ghi khắc ngàn đời không giờ rã 
Thương cội nguồn lệ rớt tựa sương rơi 
Cả cuộc đời nhớ mãi chẵng hề nguôi 
Quảng Trị ơi! Hạ gió Lào đông lạnh 

Vui thơ ca cho lòng vơi hiu quạnh 
Những đêm buồn hồn thả lẫn gió trăng 
Cũng có lúc ngồi bên cạnh ánh đăng 
Qua cửa sổ - những vì sao lấp lánh 

Lòng nguyện cầu ở Thần, Tiên, Phật, Thánh 
Phò cho con sức khỏe sớm trở về 
Thăm Quảng Trị ngày thơ ấu say mê 
Cho ấm mãi con tim luôn rạo rực 

Tôi còn nhớ người em nơi xóm đạo 
Giữa trời xuân đuổi bướm dạo vườn hoa 
Nụ cười duyên - dáng kiều diễm thướt tha 
Ngự trị lòng tôi – em là người đẹp nhất 

Em tôi ơi ! mơ mộng gì chẳng nói ? 
 Khi chiều tà buông sợi nắng làm phông 
Đôi má em điểm sắc ánh nắng hồng 
Còn mắt ngọc khoe duyên khung trời sáng

Giờ tìm đâu? Dấu tích thời dĩ vãng 
 Đêm hẹn hò góc phố với bờ sông 
Đến cầu Phật chùa Tỉnh Hội đêm rằm 
Bên hương ngát của bình hoa huệ trắng

Kỉ niệm xưa giờ đi vào sâu lắng 
Nơi khung trời gió thoảng với mây bay 
Cả một thời thơ vui thú ngất ngây 
Của hai đứa tình đầu còn non dại 

Mùa xuân ấy ta còn ghi nhớ mãi 
 Tay đan tay dìu bước giữa chiều mưa 
Cơn gió đến lay cành liễu đu đưa 
Anh sợ dại – tình ta thành mây khói 

Ngày xưa đó ánh hồng lên nắng ấm 
 Đến gặp em anh từ giã ra đi 
Liếc nhìn em lệ thấm ướt đôi mi 
Em không nói! Nhưng tim em vẫn nhớ 

Mùa hè tới phượng hồng không kịp nở 
Quê hương tôi gặp phải cảnh tang thương 
Tình phân ly mỗi đứa ở mỗi đường 
Rồi sau đó chẳng còn chi dấu tích 

Chuyện tình nầy ai biết để giải thích? 
Em ra đi giữa hơi nóng khói cay 
Từ ngày ấy cho tới mãi hôm nay 
Em ở đâu? Anh không gặp em nữa 

Quảng Trị tôi một mùa hè đỏ lửa 
Cháy tan tình – đốt luôn ánh trăng đêm 
Tàn tình anh , trụi hết cả duyên em 
Tôi nhớ mãi tình đầu nơi phố cũ. 

Độc Hành 

Hình từ Internet: Bệnh Viện TX Quảng Trị, 1969
(Muốn xem to hơn thì bấm chuột trái vào hình)


* Trích từ email của Độc Hành
READ MORE - ĐỘC HÀNH - NHỚ MÃI TÌNH ĐẦU

VÕ XUÂN TƯỜNG - TRẦN LẪM "LIỆT TRUYỆN"



VÕ XUÂN TƯỜNG
Quê quán : Gio Linh. Quảng trị
Lớn lên, sống và làm việc tại Hà Nội
Chuyên viên cao cấp 6/6
Nguyên Vụ trưởng Bộ Ngoại giao
Huân chương Lao động hạng nhất

CÙNG MỘT TÁC GIẢ
Rừng Tắc Kè, tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà Văn,
Hai Kẻ Đơn Côi, tập truyện ngắn, NXB HNV
Ảo Giác, tiểu thuyết, NXB HNV
Những Kẻ Lỡ Vận, tiểu thuyết, NXB HNV
Những Người Muôn Năm Cũ, tiểu thuyết, NXB HNV


TRẦN LẪM "LIỆT TRUYỆN"
Truyện ngắn


Trần Lẫm không làm quan to, chẳng là danh tướng, cũng không phải là những "thích khách", "du hiệp" trọng nghĩa khinh tài. Khi còn trẻ, Lẫm nuôi chí lớn, ôm mộng Quản Trọng, Trần Bình, bụng đầy kinh sử, đầu nhiều kế lạ mưu hay nhưng không được dùng. Về vườn, nhờ làm "mưu sĩ" cho vợ mà nổi danh, hiến nhiều kế lạ giúp vợ từ một người nuôi gà trở thành một trọng thần vinh hiển giàu sang, thân toàn, danh vẹn. Tôi đọc bảy mươi thiên liệt truyện của Tư Mã Tử Trường chép từ thời Hoàng Đế đến thời Vũ Đế không thấy có chuyện nào như vầy nên chép vào đây để biết rằng dẫu có khác nhau song "hào kiệt" đời nào cũng có.


Trần Lẫm sinh ở thời chúng ta, sống suốt cả thời bao cấp đến thời đổi mới. Hắn chỉ là một con người rất bình thường, dung mạo không có gì xuất chúng: chân ngắn, tay ngắn, lưng dài, đầu to, mặt dài, tóc rễ tre.... Trên khuôn mặt hắn cái gì cũng nhỏ, mắt nhỏ, miệng nhỏ, cái mũi nhỏ và dài chia đôi khuôn mặt thành hai phần như "giải phân cách cứng" trên các đường cao tốc. Lẫm già trước tuổi, khi nào cũng mặc chiếc áo "đại cán" màu ghi, hàng khuy có bốn chiếc thì ba màu khác nhau, trong túi hắn bao giờ cũng có một cuốn sổ tay bìa đen, không biết hắn ghi chép những gì và cứ dở ra xem trước mỗi lần họp. Nhiều người sợ hắn, mở miệng ra là hắn phê phán, hắn gán cho bạn bè những tội mà hồi ấy chúng tôi không biết nó nằm ở điều mấy, luật nào, mức độ nghiêm trọng đến đâu, ai đó trong lớp mắc khuyết điểm hắn đứng dậy chỉ mặt:"Đấy là bệnh ấu trĩ tả khuynh", đối với người khác hắn bảo:"Đấy là tính cuồng nhiệt tiểu tư sản"...Lúc đầu, nghe hắn phê, chúng tôi hoảng lắm nhưng về sau thấy không ai bị làm sao nên cũng không sợ nữa nhưng dù sao đối với hắn nhiều người cũng dè chừng. Tôi thấy hắn lạ nên phục và thích chơi với hắn. Hắn có nhiều cái hay, biết đối nhân xử thế, tuy học hành vào loại làng nhàng nhưng các mặt hoạt động khác hắn rất sôi nổi. Về mặt xã hội, hắn tiến trước tôi một bước dài. Hắn là ủy viên ban chấp hành chi đoàn, cảm tình đảng, còn tôi chỉ là "Bạch vệ" chưa đoàn, chưa đảng gì trọi! 


Ngoài cái tội tập làm người lớn, học cung cách nói năng của người lãnh đạo khiến nhiều người không ưa, hắn cũng là thằng chơi được. Học xong cấp ba, hắn bảo tôi:
- Tớ sẽ thi vào khoa Trung văn trường đại học sư phạm.
- Cậu định làm ông đồ, gõ đầu trẻ đấy à? Buồn chết, tôi bảo.
- Cậu nhìn thiển cận quá, con đường của tớ là tiến làm quan, thoái làm thầy, "Đường mây rộng thênh thênh cử bộ.."cứ thế mà đi chẳng băn khoăn gì cả, hắn bảo.
- Làm thầy thì chắc chắn rồi, còn cậu định "làm quan" bằng cách nào thì tớ chịu! Tôi nói.
Hắn cầm cái thước gõ mấy cái vào đầu tôi rồi bảo:
- Tớ tưởng cậu đọc nhiều, thông kim bác cổ, kể chuyện Trương Nghi, Tô Tần, Lý Tư, Ngô Khởi... vanh vách nào ngờ cậu nông cạn quá vì khi đọc cậu chỉ nghĩ đến họ là những con người sống ở thời Xuân Thu Chiến quốc, thời cách ta hai ba ngàn năm mà không nhìn thấy những con người như thế đang sống trước mắt chúng ta, nên không rút ra được bài học gì bổ ích cho cuộc sống của mình.
- Tôi bái phục ông, nhưng xin chịu, tôi nói, ông đem chuyện của thời nông nô, thời phong kiến lạc hậu tối tăm để ứng dụng vào thời đại văn minh tiên tiến ngày nay thì có trời mới hiểu được!
- Càng nói chuyện với cậu, càng thấy chán và khinh cậu quá, không ngờ một học sinh được xếp loại "xuất sắc toàn diện" như cậu mà chỉ biết nói theo lời của mấy cái loa phát thanh công cộng treo ngoài cột đèn! Lẫm bảo tôi rồi nói tiếp:
- Đúng là mấy ngàn năm qua khoa học tự nhiên, khoa học kĩ thuật có những bước tiến kì diệu nhưng khoa học về xã hội nhân văn, về con người, về phép cai trị.. không khác gì nhau: Tào Tháo chém đầu Vương Hậu trước ba quân vì tội tham nhũng quân lương, nhưng lại cho đem thây về quê quán làm tang lễ rất trọng thị theo nghi thức quan đại thần, tuyên dương công trạng to lớn của Hậu, lại cho con trai của ông được tập tước cha. Làm vậy trước mặt ba quân Tháo được tiếng là người thanh liêm, chính trực, công minh. Ở hậu phương, nhân dân coi Tào Thừa tướng là người thủy chung, chính sách cán bộ chu đáo, còn cái việc Hậu cắt xén quân lương theo lệnh của Tháo thì chỉ có hai người biết thôi, giờ, một người đã bị giết coi như không ai biết điều này ngoài Tháo. Lại còn việc Lưu Bang phong tước "thập phương hầu" cho Ung Xỉ một kẻ thù không đội trời chung của mình để được tiếng là người đại lượng bao dung nhằm thu phục nhân tâm, củng cố chiếc ngai vàng đang mong manh của mình, trong khi đó lại đang tâm giết Hàn Tín một đại tướng, đệ nhất công thần đã từng cùng mình vào sinh ra tử cũng chỉ vì sợ uy thế của Hàn Tín lớn quá làm lu mờ ánh hào quang thiên tử. Những chuyện như thế nhiều vô kể, học cả đời không hết, học mấy đời không hết. Tớ quyết định đi học Trung văn để có thời gian nghiên cứu nhiều hơn về lĩnh vực này!
- Thế cậu định bắt đầu sự nghiệp bằng cách nào? Tôi hỏi.
Hắn cười:-Cậu chấp nhận "Tổng lộ tuyến" (Đường lối chung) của tớ rồi chứ?- Tớ sẽ bắt đầu sự nghiệp bằng cách đi làm "Xá nhân!"
- Cậu mộng du mất rồi! Tôi bảo, xá nhân là người theo hầu các quan to, cố thể hiện tài năng để được cất nhắc, tiến cử, đó là chuyện đời xưa còn bây giờ vào cơ quan nào đều có biên chế, ai vào đâu là do tổ chức sắp xếp, những cơ quan quan trọng phải xét lí lịch ba đời, làm sao cậu len vào được mà đòi làm xá nhân! Cậu định học theo Lý Tư, làm con chuột béo tốt trong kho thóc nhà vua xem ra khó đấy![1]
- Được! Hắn khẳng định. Học xong tớ xin đi làm phiên dịch, hầu hết các cán bộ lãnh đạo bây giờ, cho dù có tốt nghiệp đại học cũng không nói thạo một ngoại ngữ nào do vậy rất cần phiên dịch. Trung quốc là một nước lớn, quan hệ với Trung quốc có tầm quan trọng đặc biệt, mỗi lần có vấn đề là phải "xuất tướng", mình đi theo làm phiên dịch, làm người phục vụ thế là "cờ đến tay", thế nào tớ cũng phất được.Tớ có người anh con bác cũng "đi tắt" theo kiểu này bây giờ làm to lắm! Hắn nói tiếp:" Học xưa cũng phải biết cách học, chứ không phải như cậu học thuộc lòng bài sử để được điểm năm rồi chữ thầy trả thầy không dùng được việc gì."
- Xin xem hồi sau sẽ rõ! Tôi bảo Lẫm. 


Năm ấy Lẫm đỗ vào khoa Trung văn Đại học sư phạm. Y hớn hở ra Hà Nội, nung nấu chí lớn như Lý Tư trên đường về Hàm dương kinh đô nước Tần thưở trước.
Bốn năm học đại học, Lẫm học hành chăm chỉ, không chuyện gì không đọc từ bách gia chư tử đến Thuyết nan, Cô phẩn...Đông Chu liệt quốc, Tam quốc, Thủy Hử rồi Từ Hy Thái hậu,.. Vân vân thứ chuyện, đọc đâu nhớ đấy, ai nói chuyện thời sự chính trị gì hắn cũng có điển tích minh họa nhằm
"Ôn cố tri tân". Và, như người ta nói: "Họa tòng khẩu xuất" lắm phen hắn suýt chết vì cái miệng của mình. Bốn năm trôi qua, hắn vẫn chỉ là "cảm tình đảng", không được kết nạp. Một lần hắn gặp khốn khi dám so sánh những đường lối lúc bấy giờ với cách làm của Hán Vũ Đế trước công nguyên như độc tôn Nho giáo, tố cáo lẫn nhau, lấy của nhà giàu sung vào công khố, chia cho nhà nghèo cuối cùng cả nước ai cũng nghèo, làm được bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu, không ai để giành, không ai tích trữ vì sợ bị tố cáo là giầu! 


Ra trường, với cuốn học bạ "Học lực trung bình, mơ hồ về giai cấp", hắn được phân về dạy Trung văn cho một trường cấp ba ở huyện, đấy là một môn phụ, học sinh chán học không phải một hai đứa mà cả lớp chán học, cho điểm kém thì không đạt chỉ tiêu thi đua của nhà trường, hắn sẽ bị phê bình kiểm điểm, cho điểm khá giỏi thì day dứt lương tâm. Ở cái thời "lương tâm chẳng trọng bằng lương thực" dần dà hắn nhắm mắt cho qua, môn Trung văn của hắn năm nào học sinh cũng đạt trên 90% loại giỏi còn lại là khá. Học sinh nhìn tờ báo Hoa văn đứa bảo đấy là chữ Ấn Độ, đứa bảo chữ Ai Cập... Hắn trở thành con người vô dụng. Vợ hắn tốt nghiệp khoa sinh vật, được phân công lên dạy ở miền núi với lời hứa:"Sau năm năm hoàn thành nhiệm vụ sẽ được về xuôi và được chọn nơi công tác", hắn khoát tay bảo vợ:
- Thôi đi, đừng nghe lời hứa hão, sau năm mươi năm không biết có được chọn chỗ chôn không chứ đừng nói sau năm năm được về và chọn nơi công tác! Đúng là khát ngó rừng mơ, đói ăn bánh vẽ! Lương giáo viên 55 đồng/tháng chỉ đủ để mua được mười một cân gạo theo giá thị trường tự do, chẳng lẽ ở nhà không kiếm nổi trăm bạc một tháng hay sao?
Vợ chồng bàn nhau nuôi gà úm, mua gà con mới nở đem về nuôi khoảng một tháng làm gà giống bán ra thị trường. Kinh doanh mặt hàng này cần ít vốn, quay vòng vốn nhanh, không cần chuồng trại tốn kém.Vợ Lẫm-cô Hiền có kiến thức về sinh vật học nên làm công việc này cũng thích hợp, Lẫm suốt ngày loay hoay với chuồng trại, nhìn đàn gà lớn lên mơm mởn quên hết những buồn phiền bực dọc ở trường. Có hôm mải cho gà ăn, nhìn đồng hồ sắp đến giờ dạy, Lẫm nhúng vội tay vào chậu nước, chùi vào quần rồi chạy thẳng đến trường lên lớp quên mất cả sách giáo khoa ở nhà. Anh tặc lưỡi:"Cầm quyển sách để làm dáng vậy thôi chứ mấy chữ "Ụa mấn"( Chúng tôi) thì cần gì đến sách!" Mấy lứa gà liên tiếp thành công, tiền lãi thu về kha khá, chuồng trại được kiên cố hóa, hợp khoa học, chăn nuôi được mở rộng, đời sống kinh tế gia đình Lẫm vững vàng. Hiền phục Lẫm về quyết định sáng suốt không để cho Hiền đi dạy xa nhà. Đôi lúc cơm no rượu say, Lẫm kêu lên:"Hai sào ruộng ở đất Lạc Dương này làm tê liệt ý chí của ta mất rồi![2]", Hiền cười:
- Không làm tướng sáu nước thì ở nhà làm quân sư cho "Nữ Vương" này cũng xứng đáng chứ sao! Lẫm bảo:
- Bây giờ kinh tế ta tàm tạm rồi, người đời vẫn nhìn ta với con mắt khinh thường, cảnh giác, coi chúng ta là những mầm móng của chủ nghĩa Tư bản, em nên xung phong làm một công tác gì đó cho xã, tất nhiên là "ăn cơm nhà vác ngà voi" thôi, việc gì có tý "mầu" thì không đến phần mình. Sắp tới học sinh nghỉ hè, ở xã đang thiếu cán bộ đoàn quản lí chúng, em lại có năng khiếu hát múa, có khả năng sư phạm, làm công việc này rất thích hợp, cốt để lấy tý vốn chính trị mà làm ăn thôi.
"Được lời như cởi tấm lòng", Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã rất vui mừng, hoan nghênh Hiền tham gia công tác địa phương trong dịp hè. Hiền hăng hái tham gia, việc chăn nuôi ở nhà Lẫm đảm nhiệm phần lớn. Cũng nhờ Hiền tham gia công tác Xã, việc mua thức ăn cho gà theo giá ưu đãi của hợp tác xã tiêu thụ được dễ dàng hơn. Thành phố ngày càng mở rộng, xã của Hiền nay thành phường trực thuộc quận nội thành, trên cho một biên chế chuyên trách công tác đoàn, Hiền được tuyển dụng, có lương hàng tháng, có bảo hiểm y tế , tất nhiên nguồn thu nhập từ trại gà ngày càng lớn hơn.Từ xã chuyển thành phường là một sự thay đổi về chất, từ trồng cây gì, nuôi con gì, chuồng trại nay chuyển sang quản lí về văn minh đô thị, trật tự an toàn đường phố..đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lí phải có trình độ, trong hàng ngũ cán bộ xã cũ, chỉ có Hiền tốt nghiệp Đại học, còn lại có vài người tốt nghiệp trung cấp về trồng trọt, chăn nuôi. Mấy năm làm công tác Đoàn, phong trào thanh niên của Phường tiến bộ rõ rệt, Hiền được cử giữ chức phó chủ tịch phường, nhiệm kì tiếp theo làm chủ tịch.
Trường Lẫm cũng có sự thay đổi, môn Trung văn được thay thế bằng Nga văn, Lẫm phải đi học bổ túc tiếng Nga để về dạy, chẳng được bao lâu, trên yêu cầu Lẫm đi học tiếng Anh! Ngán ngẫm, một người cả đời ôm mộng làm Tướng quốc, làm Quân sư lại phải đi học chương trình vỡ lòng cho đến bạc đầu! Anh xin "về vườn" không học hành gì nữa. Hiền đã được đề bạt làm chủ tịch quận, trại gà giải tán. Lẫm cả ngày ra vào ê a:" Khuông Hành kháng sớ công danh bạc, Lưu Hướng truyền kinh tâm sự vi.."[3] 


Đời sống của vợ chồng Lẫm bây giờ rất sung túc nhưng vì Hiền đang làm việc nên muốn ăn miếng ngon cũng phải giữ ý, muốn đi chơi, đi nghỉ đâu đó cũng ngại ngần, vẫn ở trong ngôi nhà gạch ba gian bán kiên cố xây theo kiểu nhà quê từ khi vợ chồng bán được mấy lứa gà đầu tiên! Lẫm bảo vợ:
- Anh định mở một công ty du lịch lữ hành.
Hiền trợn mắt tưởng chồng vẫn giữ thói mộng du:
- Anh đừng giận, làm ăn lĩnh vực nào cũng đòi hỏi có kiến thức, có kinh nghiệm, anh bao năm ra trường trong tay chỉ có cuốn sách Trung văn, vốn liếng từ vựng chắc không quá cuốn "Tam tự kinh", anh làm làm gì cho mệt xác, tiền bạc bây giờ thiếu gì, không mua ôtô, không xây nhà lầu hiện đại chẳng qua là còn giữ ý đấy thôi, khi em nghỉ hưu rồi vợ chồng tha hồ thoải mái! Lẫm cười, nhìn vợ:
- Em phải phấn đấu nhiều nữa may ra mới có thể trở thành Võ Tắc Thiên hay Từ Hy Thái hậu được, kế sách của anh sẽ giúp em vừa được sống thoải mái, ôtô, nhà lầu, đời sống tiện nghi mà vẫn được thăng tiến, kê khai tài sản không có gì hết ngoài tiền luơng, tất cả những thứ còn lại là do anh, một Tổng giám đốc công ty du lịch tư nhân làm ra, anh sẽ được nêu gương, lên truyền hình, sẽ thành "danh nhân đất Việt". Hàng ngày em "đi nhờ xe" BMW của anh đến cơ quan, ngày chủ nhật, ngày nghỉ, anh "bao" em đến những khách sạn năm sao, đến những khu Resort tiện nghi bậc nhất Đông Nam Á nghỉ ngơi. Anh nổi tiếng về tài kinh doanh, em nổi tiếng về sự thanh liêm, trong sạch, cả hai ta nổi tiếng, cả hai ta vinh hiển. Quản Trọng thời Xuân Thu giúp Hoàn Công làm nên nghiệp bá ở Trung Nguyên công đức cũng đến thế mà thôi!

VÕ XUÂN TƯỜNG


1. Lý Tư, Tể Tướng đời Tần khi còn là một học trò nghèo ở quê thấy con chuột chui rúc kiếm ăn trong nhà xí rất khổ sở, khi về kinh thấy những con chuột trong kho thóc nhà vua béo núc ních, bèn than rằng:"Than ôi! người ta hiền tài hay kém cỏi cũng như những con chuột kia, đều là nhờ ở hoàn cảnh đấy thôi!"

2. Tô Tần người ở đất Lạc Dương thời chiến quốc, đề xuất thuyết "Hợp tung" được phong làm tướng sáu nước, có người hỏi ông về nguyên nhân thành công, ông nói "Nếu ta có hai sào ruộng ở đất Lạc Dương thì chắc chắn không có chiếc ấn làm tướng sáu nước này."

3. "Thu hứng" của Đỗ Phủ, ý nói những người có tài như Khuông Hành, Lưu Hướng mà danh hèn, phận mỏng!

Tiểu sử trích từ truyện dài Những Người Muôn Năm Cũ
Truyện ngắn trên trích từ  xuantuong.vnweblogs.com 

Hình từ hoihanoi.vnweblogs.com 
READ MORE - VÕ XUÂN TƯỜNG - TRẦN LẪM "LIỆT TRUYỆN"

Tuesday, August 30, 2011

NGUYỄN QUÝ – CHÁO BỘT: ĐẶC SẢN QUẢNG TRỊ

Cháo bột ở đâu cũng có nhưng cháo bột Quảng Trị trở thành món đặc sản vì nó có mùi vị đặc trưng mà chỉ dân Thuận Hóa mới cảm thấy khoái khẩu. Đã có không biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ ca tụng món cháo bột Quảng Trị dù đã ăn đến ...mòn răng. Nếu đang ở miền Trung thì việc về nếm lại món đặc sản quê hương cũng không có gì khó. Tuy nhiên, có một người ở bên kia nửa vòng trái đất nhớ cháo bột đến quắt quay nhưng tìm ra thứ cháo bột Quảng Trị chính hiệu thì vô cùng khó, vì thế cái nhớ, cái thèm lại càng da diết hơn. Mời các bạn đọc bài của Nguyễn Quý để xem cái nhớ, cái thèm của anh đến chừng nào.



Nắng trải dài mấy ngàn năm khô khốc, bão tố quần vây hàng trang sử của tổ tiên miền đất cát đá và gió Lào Quảng Trị đã tinh chắt những món ăn túy hảo có một không hai.

Cái khô cằn về thời tiết không làm cong queo được chất tinh hoa của con người và từ đó Quảng Trị sản sinh ra những món ăn nức lòng bụng dạ của biết bao tha nhân lai vãng xứ Thuận Hóa xa xưa này.


Cháo bột Hải Lăng, cũng không hẳn cháo mà gọi bánh canh cá lóc thì đúng hơn. Người thực khách như bị mê hoặc trước vẻ đẹp của hương vị ngạt ngào của sự lạ lẫm, như đứng trước một mỹ nhân đầy gợi cảm mà huyền bí, thon thả mà say mê, cổ kính mà khêu gợi.Thực khách có thể tưởng tượng ra chân dung của giấc mơ nào đó, như những chàng trai độ tuổi thiếu niên dậy thì mơ một nàng tiên từ trên trời bay xuống, lượn lờ quanh giấc mơ.

Và không thể không nao lòng trước hương khói bốc lên ngào ngạt của sự pha trộn của mùi hương củ nén, của lá hành, của những con cá lóc đồng được tao thứ nước mắm cá cơm nguyên chất tinh lọc kỹ càng.

Thứ bột mì được nhồi cẩn thận rồi sắt ra từng sợi nhỏ li ti bởi bàn tay khéo léo tảo tần chịu thương chịu khó của người con gái Quảng Trị. Và vị tiêu Vĩnh Linh nguyên chất hòa quyện với những trái ớt cay xè Quảng Trị thứ thiệt đã làm nên một nồi cháo bột đầy hấp lực.

Nước miếng tôi đã không ít lần chảy vào cuống họng rồi nuốt chửng gọn gàng xuống miền bụng một cách thèm muốn suốt tuổi thơ, mỗi khi ngửi thấy nồi cháo của mẹ sắp được hoàn thành.

Cái cách bay lên của khói không khác gì chàng tân giai nhân ngày xưa trải chiếc khăn trắng mịn mà xuống chiếu giường rồi run rẩy lần đầu cởi chiếc cúc áo của nàng tân nương.

Cái mùi thơm của cháo như hương vị của thiếu nữ đôi mười chạm vào mớ xúc cảm hỗn độn nhảy múa trong trí não chàng lần đầu tiên.

Vị cháo ngọt ngào xen lẫn hơi cay, những miếng cá lóc đồng ẩn hiện dờ dật trong cháo khiến thực khách như muốn du tìm và khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của mê cung huyền bí, những sợi bột mì nằm suôn đều như thể mời mọc và chọc tức vị giác.

Và tất thảy đã đánh thức vào lòng ham muốn của dạ dày, người khách như chàng tân giai nhân trong đêm tân hôn mất ngủ, mải mê kiếm tìm và thỏa mản, thưởng thức và cảm nhận, no say mà vẫn không ngừng ngơi nghỉ.

Chính vì thế, cứ một tô, rồi đến hai tô. Thứ cháo bột Quảng Trị cay xè càng ăn bao nhiêu thì mồ hôi ròng rã chảy ra bấy nhiêu, chảy khắp người, bao nhiêu khí độc hại tích tụ được giải mã và tuôn ra, bao nhiêu thèm muốn được đáp đầy thỏa thích.

Ăn cháo bột Quảng Trị ngày trời hè nóng oi bức, bức xạ thứ cát trắng quen thân với xứ sở thật ngon, và ăn thứ cháo này vào những ngày trời đông mưa phùn lạnh thấu xương da càng ngon hơn.

Đó là món ăn chắt lọc từ những con sông hiền hòa xứ Quảng, từ những mái làng thanh bình bao năm, chắt lọc từ nắng, từ gió Lào, từ cát, từ những thớ đất khô cằn của ông cha.

Đó là món ăn phảng phất chút mặn từ biển, ngọt ngào từ đồng quê, son sắc từ bàn tay tảo tần khéo léo của con gái Quảng Trị.

Món ăn tinh túy hơn mà ai đã từng ăn nó mới thấm đẫm được chất lịch sử của vùng đất Thuận Hóa xưa đã kết tinh vào hương cháo, nó mang đậm phẩm chất và thân phận của con người Quảng Trị, mang hình hài của thời tiết và thổ nhưỡng của quê hương, tính cách dân dã , hiếu khách, tảo tần chịu thương chịu khó của dân nơi này.

Những người con Quảng Trị đi xa không ít người nhớ cháo bột như nhớ mẹ, lâu lâu phải thu xếp về thăm kẻo lâu ngày nghĩ đến tự dưng thấy nước miếng ròng ròng trôi xuôi xuống cổ.

Đối với người Quảng Trị, cháo bột như hình bóng của mẹ hiền luôn ẩn hiện đâu đó trong kí ức mình, và khi nhớ về cháo bột, họ cảm thấy yêu quê " miềng" hơn biết bao nhiêu...


Nguyễn Quý



Bài do tác giả gởi tặng
READ MORE - NGUYỄN QUÝ – CHÁO BỘT: ĐẶC SẢN QUẢNG TRỊ

Monday, August 29, 2011

VÕ LÀNG TRÂM - TÌNH RƠI PHỐ CŨ

Trang VNQT đang trở nên sôi động nhờ sự tham gia tích cực của nhiều cây bút đồng hương từ mọi miền đất nước. Bài của Châu Thạch (Đà Nẵng) đăng đầu hôm thì sáng mai nhận được bài "họa nương vần" của Võ Làng Trâm (Nha Trang). Nghĩa là bài Tình Rơi Phố Cũ sau đây chỉ được sáng tác trong một đêm. Thật là thú vị ! Phần bình luận xin dành cho bạn đọc. Xin trân trọng giới thiệu.

Trao về anh Châu Thạch

(Họa nương vần)

Nghe chuyện xưa lòng em như rệu rã
Bao năm trời nhớ mãi giọt sầu rơi
Một quãng đời thương cảm biết nào nguôi
Mùa hạ khô cằn, mùa đông rét lạnh.

Có bạn vui hoặc những lần cô quạnh
Nhớ làm sao dầu nắng lửa sương trăng
Những đêm xưa dự lễ thả hoa đăng
Mà chúng mình thả hồn sông lóng lánh.

Đêm No-el theo anh cùng lễ thánh
Trời về khuya hai đứa sánh vai về
Khẻ cầm tay lòng rung cảm đê mê
Nghe xao xuyến buổi đầu tim rạo rực.

Em được cha khen con chiên ngoan đạo
Khi tuổi đời đã tỏa ngát hương hoa
Có bao chàng tình tỏ cũng thiết tha
Nhưng em vẫn tin anh người duy nhất.

Cũng có lần biết anh đang chờ nói
Nhưng thẹn thùng em tượng đá làm phông
Tuổi mộng mơ mang mãi mối tình hồng
Đứng trước Chúa xin cầu người soi sáng.

Tình chúng con xin đừng cho dĩ vãng
Như Ngưu Lang Chức Nữ hợp hằng năm
Mãi sáng trong vằng vặc tựa trăng rằm
Cho đi trọn tuổi học trò trinh trắng.

Quảng Trị ơi ! những câu hò sâu lắng
Xuôi cùng thuyền trong đêm vắng xa bay
Có hiểu đâu cô bé tuổi thơ ngây
Lời trao gửi của đôi tình vụng dại .

Ngày anh xa em thương hoài khóc mãi
Tháng năm trôi lạnh lẽo suốt mùa mưa
Đường đến trường đâu còn được đón đưa
Và chiến cuộc cũng tràn lan lửa khói.

Khi anh về nghe như lòng sưởi ấm
Hai chúng mình vãn cảnh lại cùng đi
Đồi La Vang em khẻ khép đôi mi
Chờ nụ hôn của bao ngày nhung nhớ.

Bãi Nhan Biều cả vùng hoa cải nở
Hai chúng mình đi giữa một trời thương
Bến đò ngang anh bồng nhẹ lên đường
Mãi trong em nhớ hoài bao dấu tích.

Có bao nơi hai chúng mình vui thích
Giờ còn đâu bởi ngang trái đắng cay
Của chia ly vì lễ giáo đặt bày
Đành mất cả chẳng tìm đâu có nữa.

Quảng Trị ơi ! đã qua thời đạn lửa
Ta nhớ hoài về phố cũ hằng đêm
Của những ngày đôi đứa anh-em
Đã rớt lại chuyện tình nơi phố cũ . . .

Võ Làng Trâm
READ MORE - VÕ LÀNG TRÂM - TÌNH RƠI PHỐ CŨ

CHÂU THẠCH - NHỚ THƯƠNG QUẢNG TRỊ XƯA



Châu Thạch là bút hiệu của đồng hương Trương Văn Trạn, hiện cư ngụ ở địa chỉ 75 Phan Kế Bính, Thuận Phước, Đà Nẵng, ĐT: 0511.3894610. Anh là bạn đọc thường xuyên của VNQT và đây là lần đầu tiên anh "mạo muội" * gởi tác phẩm đến ra mắt bạn đọc.
Xin trân trọng giới thiệu.

NHỚ THƯƠNG QUẢNG TRỊ XƯA


Châu Thạch

Quảng Trị ơi những năm dài ròng rã
Nhớ thương người nước mắt tuôn rơi
Đêm từng đêm thổn thức khôn nguôi
Suốt năm tháng theo hoài cơn gió lạnh.

Ta vẫn nhớ những đêm hồn hiu quạnh
Mãi tìm thơ đi lạc giữa đường trăng
Cổng nhà em mở hé ánh khuya đăng
Tre Thạch Hãn vương đầy sao lấp lánh.

Ta vẫn nhớ những giờ xưa rất thánh
Nguyễn Hoàng tan ta đứng đợi em về
Trái tim rộn ràng! Trái tim si mê!
Ngập hết cả niềm vui, lòng rạo rực.

Ôi con đường Quang Trung,Trần hưng Đạo
Ta một thời làm bướm lượn tìm hoa
Hoa rất nhiều, hoa rất thướt tha
Bướm mơ ước đậu một cành duy nhất

Cành duy nhất là em, hoa biết nói
Đồi La Vang, Thành Cổ đứng làm phông
Dưới chân em nắng rải sợi tơ hồng
Và rêu mốc trên thành cao cũng sáng.

Bao hạnh phúc những lần trong dĩ vãng
Ta theo em con đường dọc bờ sông
Bước em đi xao động ánh trăng rằm
Bên dòng nước có bờ hoa lau trắng.

Chùa Tỉnh Hội tiếng chuông vờn sâu lắng
Trầm hương thơm trên sợi tóc em bay
Ta nhìn em thâu hết vẻ thơ ngây
Về ấp ủ trong buồng tim si dại.

Ta vẫn nhớ trong hồn ta mãi mãi
Dìu em đi trong những ngày mưa
Mắt em đầy như mắt ngọc đong đưa
Môi em thắm lời bay thành hơi khói,

Trời thì lạnh mà hồn ta thì ấm
Say nhìn em vừa nhảy lại vừa đi
Ta nhìn em như hóa mộng trên mi
Ngàn năm vẫn còn in trong nỗi nhớ.

Chùa Sắc Tứ, kỷ niệm hồ hoa nở
Tay em vờn, tượng Phật mỉm cười thương
Cổng Long Hưng trăng rải sáng con đường
Nơi hai đứa cầm tay thành thánh tích.

Những nơi đứng nơi ngồi em ưa thích
Nơi cùng em ăn tô bún thật cay
(Vị cay kia thành mỹ vị suốt đời)
Không có nữa, trong đời không có nữa.

Ôi Quảng Trị, ta hẹn lần hẹn lữa
Người không về để nhớ đến từng đêm
Ta sợ ngày quay lại chẳng còn em
Lầm lũi bước một mình nơi phố cũ ./.

CT

truongvantran@hotmail.com


*"Mạo muội" là từ của tác giả



READ MORE - CHÂU THẠCH - NHỚ THƯƠNG QUẢNG TRỊ XƯA

Sunday, August 28, 2011

Trần Đình Việt - THÁNG BA, MỘT NGÀY Ở QUÊ

Nhà văn Võ Xuân Tường và nhà thơ Trần Đình Việt (cùng quê Quảng Trị)

TRẦN ĐÌNH VIỆT
Sinh tại Gio Linh, Quảng Trị
Nghề nghiệp: Tiến sĩ, Kiến trúc sư
Sống và làm việc tại Hà Nội

THƠ ĐÃ IN
Gió Trên Những Con Đường (NXB Hội Nhà Văn, 2003)
Lặng Lẽ Bên Đời (NXB HNV, 2006)
Tiếng Vọng ( in chung TT BDVV Nguyễn Du, K1, NXB Thanh Niên, 2007)
Cây Bên Đường Và Nắng Và Gió (NXB HNV, 2011)


THÁNG BA, MỘT NGÀY Ở QUÊ
Tặng Cậu Tường

Lâu lắm mới về quê
Lòng chưa hết ngỡ ngàng
Trên lối cũ
Chợt một đường...
Tím ngát sầu đông

Rồi chợt gió
Hàng cây chao
Nhè nhẹ
Xuống người
Xuống một ngày
Xa lắm
Tuổi thơ tôi...

Những cánh hoa tuổi thơ trên mái đầu đã bạc
Ngày trở về
Vẫn tím ngát sầu đông.

Hà Thượng, 3.2009


NỖI LO NGƯỜI TRÀNG AN

Bất chợt gặp trong cửa hàng gốm sứ Bát Tràng
Tượng một gã
Như đã gặp ở đâu
Cái mặt đểu đểu, ngu ngu
Cười bất cần đời,nham nhở
Ai nhỉ?

Phải rồi, Chí Phèo
Người mà Nam Cao "nặn" ra từ mấy chục năm trước

Hình như tôi đã bắt gặp hắn chưa lâu
Trong một vụ chạm xe
Ngã tư đường Bà Triệu

Hình như tôi vừa gặp hắn mới đây
Bến xe phía Nam
Chuyến xe Tết đông người chen lấn

Hình như tôi vừa gặp hắn tuần trước
Trong quán bia hơi
Hắn mặt đỏ gay
Nói năng bặm trợn
Buổi chiều hè dễ mấy độ nóng thêm

Ôi Chí Phèo
Cái mặt đáng ghét của ngươi
Ta chẳng muốn nhìn
Sao ở đâu cũng gặp

Trời ơi!
Chiều qua thấy cái mặt hắn chễm chệ trong ô tô
Sáng nay lại cái mặt hắn trước cổng trường Đại Học

Nguy rồi!
Có ai giúp tôi để ngày mai không phải nhìn thấy cái mặt của hắn

(Chỉ phục Nam Cao
Ông khuất lâu rồi
Mà Chí Phèo của ông vẫn sống ở ngoài đời
Tươi rói

Còn tôi cứ nghĩ mãi
Sao dạo này hay gặp hắn
Trên đất người Tràng An?!)


Trần Đình Việt
6.2009

Thơ và tiểu sử trích từ tập thơ Cây Bên Đường Và Nắng Và Gió 
(Do anh Trần Đình Hùng - một người anh em của anh Trần Đình Việt - chép tặng VNQT)
Hình trich từ hoihanoi.vnweblogs.com
 

READ MORE - Trần Đình Việt - THÁNG BA, MỘT NGÀY Ở QUÊ

NGUYỄN KHIÊM - GIÓ MÁT TỪ ĐỈNH TRƯỜNG SƠN



Theo con đường 9 từ cầu vượt Đông Hà nhắm thẳng mà chạy. Con đường này giờ đây rộng, đẹp. Đường 9 được người Pháp xây dựng năm 1909, tính đến thời điểm này nó đã được 100 năm. Giữa cái nắng và gió, tôi bon bon chiếc xe già cỗi băng trên con đường huyền thoại này, những xóm làng lùi dần ra sau để rồi toàn đồi núi chập chùng.



Đồi thông ở Khe Sanh


Tôi đi qua Cam Lộ – vùng đất trung du, nơi chuyển tiếp độ cao của núi Trường Sơn xuôi theo hướng biển, thoải dần về phía đồng bằng. Nơi dãy núi cao ở Tâm Lâm là thượng nguồn của sông Hiếu, chảy qua Cam Lộ, Đông Hà rồi nhập cùng sông Thạch Hãn đổ ra Cửa Việt. Ở đoạn này có một ngọn núi đá thạch cao hùng vĩ, qua mấy năm người ta đục khoét, nổ mìn mà vẫn chưa hao mòn là mấy. Quanh ngọn núi này có làng Thượng Lâm, người ta gọi đùa là làng nghịch lý. Bởi người dân sống ở đây quanh năm bụi đá, bụi cát và thỉnh thoảng thảng thốt vì những vụ tai nạn từ đá, người dân cam chịu sống chung với bụi vì họ làm nghề chẻ đá. Sợ bụi là thế, sợ những tai nạn từ việc chẻ đá là thế, nhưng có một điều ai cũng muốn, muốn tiếng mìn nổ để họ có đá mà chẻ thay vì ăn không ngồi rồi!


Qua thị trấn Krong Klang, trung tâm của huyện Dăkrông. Ở đây có ngã ba, đi thẳng là lên Khe Sanh, Lao Bảo, rẽ trái là vào chiến khu Ba Lòng. Cách thị trấn này khoảng năm cây số là đến cầu treo Dăkrông, ngày xưa là cây cầu treo bằng sắt, sau một trận lũ đã bị nước cuốn trôi. Năm 1999 Cuba phối hợp với nước ta xây dựng lại bằng cầu dây võng, tuy nhiên người ta vẫn gọi theo tên cũ là cầu treo. Cây cầu nằm bên ngọn núi Klu hùng vĩ, đây là dãy núi đá vôi có nhiều cây bụi và cây cổ thụ quanh năm xanh tốt, hàng năm đến mùa xuân hoa ban nở trắng tô điểm trên nền xanh núi. Đường 9 đi qua Dăkrông thật đẹp, một bên là vách núi, một bên là sông, đường ngoằn ngoèo gấp khúc nhiều nhất là đoạn này.


Vượt đèo Rào Quán, đèo không cao nhưng dài, lên đến hết đèo có cảm giác mát mẻ và trong lành hơn. Đứng trên đèo Rào Quán nhìn xuống thấy một ngôi làng nhỏ, nằm khiêm tốn bên dòng suối uốn khúc rồi đổ ra sông Dăkrông. Đó là Làng Cát, ngôi làng còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa của dân tộc Pako.



Đường lên đỉnh Trường Sơn chập chùng núi, lãng đãng mây


Từ đèo Rào Quán là độ cao tăng dần, càng lên cao càng mát. Và cuối cùng vượt đèo Khe Sanh là tới thị trấn Khe Sanh, đỉnh Trường Sơn. Tôi đã ngạc nhiên bởi cái sầm uất của phố núi, thật nhiều nhà cao tầng, chợ búa đông đúc bởi người Kinh và không ít người dân tộc thiểu số. Ngã ba tượng đài là điểm nhấn của Khe Sanh. Từ đây đi vào theo đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) là có thể ra tới Quảng Bình. Cách tượng đài sáu cây số là thủy điện Rào Quán. Hồ thủy điện rộng mênh mông, nằm dưới chân đỉnh Voi Mẹp. Đây là đỉnh núi cao nhất của Quảng Trị, với độ cao 1.739m so với mực nước biển, quần thể núi xung quanh đỉnh Voi Mẹp là khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, nơi tìm thấy đàn bò tót khoảng 10 con. Tương truyền, núi là nơi được vua Hàm Nghi đặt chân đến và nghỉ ngơi, nuôi quân để tiếp tục theo đường rừng ra Quảng Bình, vì thế núi còn được gọi là núi Vua, núi Hàm Nghi. Trên núi có vườn cam trĩu quả, vườn cam rất thiêng liêng luôn được các già làng người Vân Kiều bảo vệ không cho con cháu họ hái!


Tôi trở ra Khe Sanh và khám phá những thắng cảnh nơi này. Với độ cao trên 500m, Khe Sanh được mệnh danh là Đà Lạt của Quảng Trị quả không sai. Người dân địa phương mách: muốn thưởng thức Khe Sanh thì vào đồi thông. Tôi nhanh chân men theo con đường nhựa nằm khuất lấp sau lòng phố xá rồi đi. Con đường uốn lượn, dốc lên dốc xuống, đi trên con đường này làm tôi nhớ tới Đà Lạt, những con đường nằm nhỏ nhắn giữa các hàng thông rồi chìm trong sương mờ đục. Một cảm giác lâng lâng ào tới, không khí được gạn lọc bởi từng lá thông xanh ngắt. Vẻ đẹp của đồi thông Khe Sanh hoang sơ quá, nơi đây chưa có dịch vụ nào cả, thỉnh thoảng từng cặp tình nhân chở nhau vào đây rồi trải nilông ngồi trên thảm cỏ bên cạnh bờ hồ. Giá như ở đây có một nhà đầu tư nào khai thác và bảo vệ môi trường tốt sẽ là một điểm để du khách du lịch khi đi mua sắm ở Lao Bảo về.


Đỉnh Trường Sơn, tôi đang đứng trên đỉnh Trường Sơn, chợt thấy mình nhỏ bé trước vẻ đẹp hoang sơ mà kỳ vĩ. Nhìn về hướng trời đông, mây trắng bạc đầu những đỉnh núi chập chùng… lòng bỗng nhộn nhịp cất lên câu hát: “Hướng Hóa đẹp giàu, đây Khe Sanh, đây Lao Bảo bừng lên trong nắng mới…”.

Nguyễn Khiêm


Bài do tác giả gởi tặng

READ MORE - NGUYỄN KHIÊM - GIÓ MÁT TỪ ĐỈNH TRƯỜNG SƠN

Saturday, August 27, 2011

NGUYỄN QUÝ – VỀ NGỒI BÊN MÙA HẠ




Về ngồi bên nấm mộ
Cỏ lay lay mắt chiều

Nén hương buồn thổ lộ

Lao xao khói cô liêu.


Chiều hiu hắt bao nhiêu
Chiều hắt hiu nhiêu bao
Nắng rối ren nhiều lắm
Cát trắng râm ran đau.


Về ngồi bên mồ ba

Ậm ờ lật nỗi nhớ

Hình hài người mới đó

Đã khuất lấp bao giờ.


Về ngồi bên tóc mẹ

Mấy sợi đã phôi phai

Trong màu mắt buồn ấy

Thế kỷ đã an bài.


Về ngồi bên nụ cười

Chất đầy nỗi đắng cay

Quê hương lời thao thiết

Cánh đồng chua đường cày.


Về ngồi bên sông nhỏ

Nghe tuổi thơ quanh đây

Đêm trăng về soi tỏ
Sương rơi xuống bao vây.


Về ngồi bên mùa hạ

Với Quảng Trị ruột rà

Nghe dòng Thạch Hãn gió

Ngủ gật vào quê cha.


Nguyễn Quý
READ MORE - NGUYỄN QUÝ – VỀ NGỒI BÊN MÙA HẠ

VÕ THỊ NHƯ MAI - MỸ CHÁNH QUA KÝ ỨC TUỔI THƠ

Chợ Mỹ Chánh


I.

Đó là trận lụt của năm tám mươi ba
Anh cõng bà nội lên tra
O ngồi co ro trên cái tủ
Người ta đồn
thuyền chở ba mẹ nhấn chìm trong lũ
may mà sau dông
cả hai lạnh, môi thâm, ào ạt vào nhà
Ba ngày đêm bão vần vũ kéo qua
Anh lật thùng phuy nấu một nồi cơm nhão
Chờ khi trời ráo
Đâu thân chuối làm ghe
qua dì dượng xem chừng
Đài phát thanh thị xã rè rẹt không ngừng
Bao kẻ trôi sông, mấy người mất tích
Mỗi năm đến mùa bão cứ dòm lên lịch
Vái ông trời, cho Mỹ Chánh lặng yên

II.


Đó là những ngày thần tiên
Lội sình qua kênh thăm cô giáo ốm
Con Mai ròm
nẹo mình bên hông
tay cầm miếng cốm
sợ rơi tõm xuống bùn
Hình như nó vẫn ròm *
Thằng Chiến tổ trường
Năm nào cũng nhận phần thưởng
Giờ lang thang ca khản cổ khắp làng
Thằng Tân ngày xưa nhút nhát chẳng ai màng
Đang làm giáo sư bên Pháp
Sau những ngày bão táp
Cùng thằng Bửu nhặt me
Ăn có bao nhiêu, ném cả sau hè
Rồi cười như nắc nẻ

III.

Đó là những cô gái đang thời tươi trẻ
Tóc mượt, mắt long lanh, đáo để duyên ngầm
Các chàng trai hàng xóm ngờ nghệch yêu thầm
Không hay mỗi đêm
Dăm người già ra xua tay đuổi chó
“Mấy thằng khỉ gió
Chúng nó lại đi gò”
Đợi hoài thành âu lo
Các cô xuống đò
Ngậm ngùi về làm dâu làng khác


IV.


Đó là một chiều gió bạt
Cậu mượn thuyền chở bé đi chơi
Mê mải vớt lục bình, mưa rơi
Chèo hoài, chưa thấy đâu là bến


V.

Đó là tô canh hến
Là bún bò mụ Rác
Là cháo vạt giường chị Rê
Là chén chè kê
Hay mấy dái mít non
O Hai trộn chung với ruốt


VI.

Đó là những đêm đốt đuốc
Rước chị Hằng xuống quê
Là những lần hội họ, họp nhánh phái, đắp đê
Là khi Chánh –Tiên, Luận – Hà có con trai con gái
Làng quê giờ này xôn xao mùa gặt hái
Càng nao lòng, nẫu ruột nhớ xa xăm


Võ Thị Như Mai


_______________

* Lần rồi về quê, được biết là nó chẳng còn

Sông Mỹ Chánh. Bên kia sông là làng Lương Điền
READ MORE - VÕ THỊ NHƯ MAI - MỸ CHÁNH QUA KÝ ỨC TUỔI THƠ

HOÀNG TẤN TRUNG - LÀNG TRONG TÔI




Làng trong tôi là ầu ơ tiếng mẹ
Giọng trầm buồn qua bốn tao nôi
Những đêm đông mưa dầm quạnh quẽ
Con trở mình quờ quạng, tìm hơi


Làng trong tôi là con sông xanh thẳm
Lũy tre làng in bóng tuổi thơ
Chuyến đò ngang tình người chở nặng
Đêm khuya nghe thao thức giọng hò


Làng trong tôi là hương cau mộc mạc
Chuyện nằm lòng sự tích trầu cau
Trước hiên nhà bóng trăng đổ xuống
Ngày vui buồn đượm thắm môi nhau


Làng trong tôi là con chuồn ớt
Đậu rào tre chỏng đít lên trời
Con dế mèn nỉ non vệ cỏ
Lũ trẻ làng rình bắt về chơi

Làng trong tôi là tháng tư mùa gặt
Chim sơn ca lảnh lót hót vang trời
Làng trong tôi là cánh đồng mùa lũ
Đê vỡ tràn theo tiếng gọi chơi vơi !


Làng trong tôi là tháng ngày lửa đạn
Giặc càn về dày xéo, tả tơi
Trận mưa bom dội lên đầu con trẻ
Cháy trụi rồi thương quá làng ơi !


Làng trong tôi là ngày công hợp tác
Mấy lạng lúa de không đủ ấm lòng
Con trâu gầy run run trong gió
Thương dân mình áo rách long đong


Làng trong tôi là tháng năm đổi mới
Bông lúa vàng trĩu nặng mồ hôi
Đường ra đồng rộn ràng tiếng máy
Nón bài thơ trong trẽo nụ cười

Làng trong tôi là tháng năm xa cách
Về thăm quê tay bắt mặt mừng
Hạnh phúc reo trong từng ánh mắt
Cội nguồn ơi ! lòng cứ rưng rưng ./.


5/2008
READ MORE - HOÀNG TẤN TRUNG - LÀNG TRONG TÔI

Friday, August 26, 2011

MAI THANH TỊNH - CHÙM THƠ VỀ LÀNG QUÊ


EM GÁI ĐỒNG CHIÊM TRỦNG

Trông mưa – nng đt mt vàng
Lúa va ngm chn lt tràn đng sâu
Mnh mai thân gái dãi du
Ngc tròn chm nước phèn nâu nht mùa
Vô tình trút nước tri mưa
Chm tay đng trng na mùa treo niêu
Cht chiu tng ht cht chiu
Mo cơm sũng ướt ôi thiu tháng ngày
Cơm thơm ln ngp ai hay
M hôi nước mt gom đy bát ngon
Xuân xanh khô qut na hn
Em cười đáy mt gn bun xa xăm
Li th hn ước trăm năm
Bay theo ph th – lng câm st sùi
Tri mưa trút nước xung đi
Mưa em lng git đy vơi riêng mình …
9/2008


PHỐ LÀNG

Làng ph hây má hng thôn n
Công viên xanh b
rung bãi ngô
Thăm b
n hin tên đường không thèm nh
V
ương ro ch làng Điếu, Đi An
Ph làng ngt ngào hương hoa c
Mái đình cong l
thói nếp vườn quen
Ngày gi
tết không vt gà mua ch
Cau anh g
n tay vi mái tru em
Làng trong ph hoa bn mùa chúm chím
Mùi r
rơm thơm ký c tui thơ
B
ến Đng Soi đò neo đm mn nh
N
ước C Du tìm bóng hn ngn ngơ
Ph trong làng, làng trong ph nên thơ
Hoa sim tím hé c
ười ven đường mi
Sánh màu quê n
ước chè tươi mi gi
Ph
hay làng vn m áp – vành nôi

ỨC CÁNH ĐỒNG
c cánh đng – gió…
Hương bùn trinh nguyên hoa súng
Câu ca dao mênh mông – cánh cò
B đê xanh rì c mướt
Con ngi bt th diu vi vút tương lai
c cánh đng – mây
Mùi khói rơm đt đng thơm phc
Điu hò ngân dài năm tháng – thương yêu
Dòng kênh trong xanh mát rượi
Tm tui thơ con trong tro n cười
c cánh đng – thơ
Cá lóc nướng ngy chiu dân dã
Bài hát quê hương ngút mt – mùa vàng
Ô rung vuông phng lì sau mùa gt
Trái bóng bưởi khô lăn mãi gic mơ con
c cánh đng – nước
Phù sa khoe nưng nc hương rng
Li ru quê gia đt tri – vang vng
Con thuyn nan nho nh
Ch ước mơ con đi sut cuc đi
Con tìm cánh đng m – ph
Hương đc sn năm châu
Tiếng nhc Dance n – hi làng
Bên cn m thinh lng
V nát ký c con – chiu vi xung cánh đng…
9/2010

THÈM CHÚT GING QUÊ
Khói chiu vn si tơ vương
Làng êm
nh, rung nương lng ngày
Gi
ng quê võng cánh cò bay
Th
ương thân lúa mnh, thương tay chai sn
Rơm vàng men mé sân
Tre l
ơ thơ lá ngi ngn trêu sương
Hoa khoai tím , bông bí vàng
Ngày nao phơn pht điu đàng tóc thơm
Quê nghèo nhão nhot ni cơm
Gi
c mơ vi vút diu ôm gió ngàn
Mái đình cong gi
ng ve khan
C
i xay kin kít bun lan chái nhà
Tha hương rn m rut ta
Thèm nghe mt chút tht thà ging quê…

VỀ CHỐN CŨ
Tôi v chn cũ li rêu phong
Dâm bt mt cay hé my bông
Hàng cau xơ xác đang ch đó
Đâu cánh tru xưa thm thip hng
Tôi v chn cũ nếp vườn xưa
Mướp cà còm cõi đi ch mưa
Lá gai trông ngóng người năm cũ
Níu bóng chiu mưa viếng l chùa
Tôi v chn cũ mái trường xưa
Phượng hng thao thc đ gic trưa
Sân trường ngơ ngác đàn chim s
Bun đ chiu nghiêng my tàu da
Tôi v chn cũ gc nhãn già
Nhăn nheo sn s ni diết da
Tìm hương b kết ngày xưa y
Chnh nh -b vai gió nun nà
Ta v chn cũ mt mình ta…
7/2008
Mai Thanh Tịnh
thanhtinh.wordpress.com
READ MORE - MAI THANH TỊNH - CHÙM THƠ VỀ LÀNG QUÊ