Là một cựu nhà giáo hiện đang sinh sống tại Thi Ông, Hải Vĩnh, Hải Lăng, Quảng Trị, anh Võ Đình Hương luôn thao thức làm thế nào để bảo tồn văn hóa làng quê trong thời đại văn minh đô thị đang lan tràn và mang theo văn hóa tây phương xa lạ. Với trăn trở đó, anh đã bỏ công sưu tầm những câu hò ở vùng quê Hải Lăng, là nôi của những điệu hò mái nhì, mái đẩy, giả gạo, đối đáp… một thời nhộn nhịp sân đình, ngân vang trên cánh đồng vào vụ cấy hoặc đến kỳ làm cỏ và từ những con đò dọc của dân thương hồ ngày đêm xuôi ngược trên những giòng sông quê hương.
VNQT sẽ lần lượt đăng tải tất cả nhưng câu hò mà anh Võ Đình Hương sưu tầm được, mong rằng chúng sẽ trở thành di sản phi vật thể của quê nhà, là tài liệu quý giá cho những ai quan tâm và mong thế hệ sau còn có cơ hội được đọc và bảo tồn những câu hò mà cha ông chúng ta đã gởi gắm vào đó rất nhiều tình cảm, nhiều tâm sự, được diễn tả một cách dí dỏm, thông minh, và qua chúng, hiểu được đời sống lao động và văn hóa của người nông dân chân lấm tay bùn một thời ở làng quê.
CÂU HÒ QUẢNG TRỊ
VÕ ĐìNH HƯƠNG SƯU TẦM
Ngày xưa. ở miền quê, đa số người dân quanh năm suốt tháng lo việc cấy cày, chẳng mấy người có cơ hội đến trường. Trong một làng chỉ có vài người được đi học, nên đa số các cụ từ 80 trở lên nay còn sống đều không biết chữ, âm nhạc cũng sơ sài. Vào tuổi lập gia đình, mặc dù không thể gởi thư nhưng họ lại bày tỏ tình cảm với nhau qua những câu hò rất mộc mạc chân tình tự sáng tác hoặc đã được truyền khẩu từ bao đời.
Các cụ kể rằng sau một ngày công việc đồng áng trở về, cơm nước xong, đến tối, trai gái xóm này với xóm nọ hoặc làng này với làng khác tu tập, vừa cầm chày giả gạo vừa trao gởi tình cảm với nhau bằng những câu hò.
Không chỉ ở những buổi tụ tập về đêm mà trên đồng ruông, nương khoai, đồi sắn…, bất cứ nơi đâu, người ta cũng có thể cất lên những giọng hò để xua tan đi mệt nhọc. Những chuyện hò đó không cần phải khuôn mẫu như âm nhạc cung đình mà chỉ cần có vần điệu là được. Các điệu hò như hò giả gạo, hò maí nhì, hò khoan rất phổ biến và còn được chia ra các loại như hò ân tình, hò đối đáp, hò ru con, hò cách mạng, v.v.
Qua một thời gian ngắn, tôi đã sưu tầm trên 100 câu hò bằng cách tiếp xúc với một số cụ ở Hải Vĩnh, Hải Lâm, Hải Thiện. Vì đây là văn hóa truyền khẩu nên có sự tam sao thất bổn, cần thời gian để tham khảo thêm những dị bản của các cụ cao niên khác. Những bài ghi được ở đây cũng có thể sai từ ngữ, thiếu vần điệu, nhưng vì thiện ý muốn lưu lại loại văn hóa truyền khẩu mộc mạc và mang đậm cái hồn quê mà một mai trở nên mai một thì rất đáng tiếc.
Vậy tôi gởi những câu hò này đến các bạn, xem như là bản nháp, xin được nghe những góp ý, sửa đổi để cùng nhau gìn giữ nét văn hóa độc đáo của quê hương.
Rất mong được các bạn chỉ giáo.
Quý hạ Tân Mão 2011
Võ Đình Hương
ĐỌC TIẾP
CÂU HÒ QUẢNG TRỊ: Câu 1-10
CÂU HÒ QUẢNG TRỊ: Câu 11-20
No comments:
Post a Comment