Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, November 30, 2010

NGUYỄN ĐĂNG BÌNH - NHẠC SĨ VÕ CÔNG DIÊN:"CHUYẾN ĐÒ BIỀN BIỆT 28 NĂM"

Nhạc sĩ Võ Công Diên















VÕNG GIÓ
Nhạc: VÕ CÔNG DIÊN
Lời :TRƯƠNG NAM HƯƠNG -VÕ CÔNG DIÊN
Biểu diễn: THANH HOA


Nhạc sĩ Võ Công Diên quê ở xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng. Sinh năm 1957, anh lớn lên bên con sông Thạch Hãn bốn mùa nước xanh trong vắt. Thời niên thiếu, cứ mỗi lần nhìn những con thuyền theo dòng sông đến những bến bờ xa, lòng anh lại rạo rực khôn tả . Anh đã từng mơ ước có một ngày nào đó mình sẽ theo những con thuyền lênh đênh đi khắp đó đây cho thỏa chí tang bồng. Và rồi ngày đó đã đến, vào một buổi chiều quê năm 1979, có một chuyến đò như thế đưa anh lưu lạc xa quê hương biền biệt suốt hơn 28 năm qua chưa lần trở lại.

Bây giờ sống ở giữa TPHCM, mỗi khi có dịp cầm bút sáng tác một ca khúc mới thì trong anh lại trổi dậy những tình cảm quê hương mãnh liệt, những tình cảm này đã giúp anh cho ra đời một số ca khúc quê hương mang âm hưởng dân ca. Đa số các ca khúc của anh nếu có khác nhau về cấu trúc, thể loại, tiết tấu nhưng có một điểm chung dù viết về đề tài nào: Quê hương, Tình yêu, Tình người, Tình nghĩa mẹ cha… thì trong mỗi đề tài đó đều thấp thoáng hình ảnh quê hương nơi anh sinh ra và lớn lên, ở đó có dòng sông quê, một bến sông, một con đò, một cội ngô đồng, bên kia sông là ngôi trường một thời anh đi học, là khoảng sân trường im lắng, mấy cánh phượng hồng lác đác rơi vào những buổi trưa hè, là ánh trăng non bàng bạc trên con đường quê cho những lứa đôi tình nhân yêu đương hò hẹn...

Hiện nhạc sĩ Võ Công Diên là Giám đốc PR của Công ty Âm nhạc - Phim ảnh - Phù Sa Trẻ, đồng sáng lập Công ty cùng với nhạc sĩ Trung Phước, nhạc sĩ Phạm Nguyễn. Ngoài mảng ca khúc viết về tình yêu, quê hương, anh còn tham gia sáng tác một số ca khúc thiếu nhi, anh được Ban biên tập Đài truyền hình HTV đề nghị viết một số ca khúc thể loại này. Các ca khúc của anh đã được phát sóng vào mỗi sáng chủ nhật trong chương trình Bim Bim, chương trình Cầu Vồng Xanh, chương trình vui Trung thu năm 2007 của Đài Truyền hình HTV, môt số ca khúc khác cũng đã được phát sóng trên Đài Truyền hình Đồng Nai, Đài Truyền hình VTV do hãng phim Tây Đô thực hiện.

Một trong những bài hát của nhạc sĩ Võ Công Diên được bà con người Quảng Trị tại TPHCM ưa thích đó là bài “Quê hương tuổi thơ” trong đó có các câu như “Tìm lại tuổi thơ đi qua/Nơi tôi sinh ra bên dòng Thạch Hãn/…” và những lời nhắc đến các địa danh của quê hương như Vĩnh Định, Thi Ông, Gia Môn, Cửa Việt, gió Lào…

Nhạc sĩ Võ Công Diên tâm sự: “Bài hát “ Quê hương tuổi thơ” được tôi viết sau gần 30 năm ngưng sáng tác vì điều kiện mưu sinh... Trong một dịp giao lưu Hội thân hữu miền Trung Q7 tại nhà anh Huy Trường, Chủ tịch Hội, tôi có cơ hội được giao lưu với nhiều anh em văn nghệ sĩ Quảng Trị hiện sinh sống và làm việc tại TPHCM. Đêm giao lưu thật đầm ấm và chân tình, những kỷ niệm về Quảng Trị được anh chị em nhắc lại khiến cho mình cảm thấy rất nhớ quê hương, biết bao kỷ niệm thời thơ ấu chợt ùa về trong tâm trí và tối hôm đó bài hát “ Quê hương tuổi thơ” ra đời”.

Nguyễn Đăng Bình


READ MORE - NGUYỄN ĐĂNG BÌNH - NHẠC SĨ VÕ CÔNG DIÊN:"CHUYẾN ĐÒ BIỀN BIỆT 28 NĂM"

Monday, November 29, 2010

NGUYỄN ĐỨC TÙNG - ĐỌC MỘT BÀI THƠ NHƯ THẾ NÀO (KÌ 2)

Nhà văn Nguyễn Đức Tùng. Ảnh từ trang arttao.wordpress.com


Tặng nhau từ ngữ lạc lầm

Cũng xin hồng lệ hãy đầm đìa tuôn

(Bùi Giáng)

BÀI HAI

Sự hấp dẫn của chữ

Ảnh hưởng của phương pháp siêu thực:

Chủ nghĩa siêu thực xuất hiện từ Pháp. Người đầu tiên đặt tên cho nó vào năm 1917 là Guillaume Apollinaire, nhưng người cổ vũ đến cùng là André Breton. Các nhà siêu thực nhấn mạnh đến phương pháp sáng tạo tự động (automatic writing), liên tưởng tự do (free association) và các giấc mơ. Rõ ràng là họ chịu ảnh hưởng của phân tâm học.

Breton kể một giai thoại rằng có một thi sĩ nọ, sống trong một ngôi biệt thự vùng Camaret, mỗi khi đi ngủ, ông lại cho treo trước cửa nhà mình tấm bảng đề: “nhà thơ đang làm việc”.

Thật đúng là:

Mía cứ ngọt âm thầm trong bóng tối

(Mai Văn Phấn)


Phương pháp siêu thực cho phép các nhà thơ đi xa trong liên tưởng, tạo ra các hình ảnh không có liên hệ thuần lý (disjunctive images). Các hình ảnh và các ý tưởng trong thơ có mối liên hệ khó giải thích, có thể gọi là vô thức. Cần chú ý rằng mặc dù phong trào siêu thực đã thúc đẩy những tiến bộ đáng kể trong văn chương, những người lập ra hay khai triển nó như Breton, Aragon, có lẽ với một ngoại lệ duy nhất là Octavio Paz - lâu về sau, đều có tính quá khích, phá hủy, thậm chí phá hoại, đồng bóng. Hầu hết các nhà thơ Việt Nam đều có sử dụng, không nhiều thì ít, hình ảnh siêu thực. Từ Bùi Giáng, Trần Dần, Dương Tường trước đây…đến Thường Quán, Đỗ Kh., Chu Vương Miện, Nguyễn Quang Thiều, Trần Nghi Hoàng, Bùi Chát, Đỗ Quyên, Lý Đợi, Phan Nhiên Hạo, Đặng Thân, Đỗ Lê Anh Đào, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Vi Thùy Linh hiện nay… chẳng hạn đều có khuynh hướng vô thức. Trong âm nhạc, có một người chịu ảnh hưởng sâu đậm của phương pháp siêu thực khi viết lời, nhưng điều này hình như chưa được ai nói tới, đó là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Nhờ phương pháp siêu thực, cách sử dụng các ẩn dụ trở nên giàu có, gần như phóng túng, bất tận.

Nhưng bao giờ cũng thế, cái dễ là cái bẫy chết người.

Ngày nay, chủ nghĩa siêu thực không còn tồn tại như một phong trào văn học, nhưng vẫn tiếp tục sức mạnh của nó như một phương pháp sáng tác, mà tôi cho rằng sẽ còn lâu dài. Người đại diện xứng đáng đầu tiên của nó ở Việt Nam là Thanh Tâm Tuyền vào những năm 1960 ở miền Nam, mặc dù tôi tin rằng lúc đó ông còn khá xa lạ với phân tâm học. Do áp lực của thời cuộc, chiến tranh trở nên khốc liệt, du kích đánh phá các thành thị, lính Mĩ đổ bộ vào miền Nam, người đọc thơ chưa có thời gian trang bị cho mình kiến thức để sẵn sàng tiếp nhận nó, các nhà phê bình ở miền Nam lúc đó cũng không có đủ sự chuẩn bị về lý luận để đánh giá nó. Các nhà phê bình miền Bắc cùng thời dĩ nhiên là không hay biết hay là không được phép tiếp cận phong trào này. Gần bốn mươi năm sau, chủ nghĩa siêu thực trở lại Việt Nam, lần này đơn giản như một phương pháp. Nó chinh phục một số không ít các nhà thơ trẻ trong nước cũng như hải ngoại, và trong khi hào phóng khơi nguồn ở họ những dòng chảy năng lượng sáng tạo dồi dào, không biết vung phí vào đâu, thì lại dẫn họ vào các khu rừng rậm đầy gai của thơ ca, bỏ mặc họ ở đó, không có một viên sỏi nào, và nhiều người mãi mãi không tìm thấy lối ra.

2. Ngôn ngữ và vài dòng tự sự về việc chọn chữ:

Trên Talawas, độc giả Quỳnh Thi hỏi như sau:

“Anh lật trái lá sen hồ

Thấy đề mấy chữ

Lên chùa

Vậy là anh lên chùa

Thăm Phật

Theo tôi hiểu, người Phật tử lên chùa là để lễ Phật hay là để cúng Phật. Không ai nói là để “thăm Phật.”

Người đọc thơ đọc như Quỳnh Thi là rất kỹ, tinh ý. Đúng là Phật tử lên chùa là để lễ Phật hay là để cúng Phật. Vấn đề là tôi không biết chắc Chế Lan Viên có phải là Phật tử hay không? Nhưng quan tâm của chúng ta không dừng ở đó. Bất cứ nhà thơ nào khi viết cũng dụng công rất kỹ về từ ngữ. Tôi cũng thế. Nhiều người tìm cách định nghĩa thơ, nhưng không ai định nghĩa được trọn vẹn. Dù định nghĩa như thế nào thì có một điều chắc chắn là thơ gồm có…những chữ. Các loại thơ không có chữ là những ngoại lệ mà chúng ta chưa bàn ở đây.

Khi viết câu trên tôi đã chọn một số chữ sau đây, các nhà văn còn gọi là “thao tác chữ”: lễ Phật, cúng Phật, lạy Phật, viếng Phật, tìm Phật, hỏi Phật, thỉnh Phật. Thậm chí còn nghĩ đến những chữ rất táo bạo nhưng… không dám viết xuống. Không dám đây là không dám vô lễ với Chế Lan Viên, chứ không phải với Phật (Mô Phật!).

Cuối cùng, tôi đã chọn chữ nào?

Robert Frost, nhà thơ hàng đầu của Mỹ, có một lời khuyên dành cho những người làm thơ và cả những người đọc thơ, đó là đọc to các câu thơ để xem chúng vang lên như thế nào?

Tôi cũng tin là tai của chúng ta sẽ bắt được những chữ mà mắt của chúng ta bỏ sót.

Đọc như thế vài lần thì tôi chọn chữ thăm.

Đối với nhiều nhà thơ, âm nhạc của bài thơ là quan trọng nhất. Nhưng không phải bao giờ cũng vậy. Một số thể loại thơ không đặt nặng nhạc tính nhiều như một số thể loại khác. Thơ Đường rất mạnh về nhạc tính nhưng thơ Haiku Nhật Bản coi trọng hình ảnh hơn, mặc dù không phải là họ không chú ý vần điệu. Thơ Haiku vốn có vần điệu chặt chẽ. Thơ hiện đại và hậu hiện đại ngày càng xa rời nhạc tính, và đây có lẽ là điều đáng tiếc chăng?

Thật ra, trong bài thơ Chùa, yếu tố quan trọng nhất để người viết quyết định chọn chữ “thăm” không phải là nhạc điệu, mà là ý nghĩa của chữ. Chữ “thăm” dĩ nhiên rất khác với chữ “lễ”, chữ “cúng”. Tôi chọn chữ này để mô tả tính cách của Chế Lan Viên là người mà tôi đề tặng. Đúng ra không phải là tính cách mà là thái độ của ông trước một số vấn đề. Đó là một thái độ, theo tôi, vừa sang cả siêu hình vừa lưu manh phi trí thức đối với các vấn đề siêu hình và tôn giáo. Cho đến cuối đời Chế Lan Viên vẫn nằng nặc đẩy xa các câu hỏi siêu hình nhưng tôi nghĩ trong các nhà thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa chính thống, chính ông mới là người bị nó ám ảnh nhiều nhất, như trong ví dụ lát nữa đây.

Chúng ta bàn tiếp chuyện chọn chữ. Các nhà thơ ngày càng có khuynh hướng sử dụng ngôn ngữ của đời sống hàng ngày, vì vậy có một hiện tượng hiểu lầm đáng tiếc. Có nhiều thi sĩ ngày nay cho việc chọn chữ khi làm thơ cũng hệt như việc chọn chữ khi viết văn xuôi, “cả hai đều như rứa”. Vì vậy họ làm cho các độc giả yêu thơ rất đáng yêu của chúng ta vô cùng bối rối, nhiều khi như kẻ lạc đường. Không trách họ bỏ các nhà thơ, cầm tập thơ lên rồi bỏ xuống không mua, là phải. Bạn có thể tìm thấy vô số những thí dụ như vậy trên các trang web và báo chí, nên tôi thấy tạm thời không cần phải trích ra.

Nhưng hãy xem ngôn ngữ của một số nhà thơ khác. Từ các bài thơ tôi đang có sẵn trên bàn, lấy tiện tay, nhưng dĩ nhiên không chỉ giới hạn trong số họ.

Có hơi hướm của văn xuôi:

Một ngày loáng thoáng một ngày qua

(Nguyễn Bắc Sơn).

Chạm nhẹ vào văn xuôi:

Đom đóm chữ tụ về

Từ các bãi tha ma văn học

(Đỗ Quyên)

Rõ hơn nữa:

Nghệ thuật cũng vậy thôi. Cao siêu thường bị chối.

(Nguyễn Trọng Tạo)


Giễu nhại và rất thực:

Ở đâu có mùi thối là ở đó có hoa cứt lợn

Bởi vì hoa cứt lợn là một loại hoa rất bẩn

(Lý Đợi)


Nghi thức và rất… sạch:

Em tắm rất kỹ và rửa sạch tay mỗi khi ngồi trước giấy

(Vi Thùy Linh)


Dung dị:

Mẹ tôi chưa từng ăn một cọng bún

Một tô phở một tô bánh canh

Một hột vịt lộn

Một miếng cá chiên

(Du Tử Lê)


Còn Chế Lan Viên thì sao?

Bây giờ mà anh cứ lai nhai lải nhải

Tồn tại hay không tồn tại

Thì ai nghe anh?


Rõ ra là lối nói có chất ngôn ngữ đường phố. Thoải mái, thêm mấy chữ thì, mà…buông thả. Có vẻ như ai cũng viết được.

Không phải thế. Chúng ta cùng đọc lại xem: các chữ đi với nhau rất khéo- bây, lai, nhai, lải, nhải, tại, hay, tại, ai. Đó là các vần trùng điệp liên tiếp mô tả một anh chàng đúng là lai nhai, lải nhải. Tôi chắc chắn rằng ông đã chọn chữ rất kỹ.

Khi phỏng vấn loạt bài Thơ Đến Từ Đâu, tôi phải đọc nhiều thơ và trường ca của các nhà thơ đi từ miền Bắc, vốn xa lạ với tôi. Ngoài Bắc gọi đó là các nhà thơ thế hệ “chống Mỹ” (Xin dùng chữ này với nghĩa quy ước, vì ngày nay hầu hết họ đã thôi chống Mỹ, vì thấy chơi với Mỹ, như các nhà thơ miền Nam trước đây, vui hơn). Tôi nhận ra rằng các nhà thơ này (Thu Bồn, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Thụy Kha … ) có thể so sánh với các nhà thơ miền Nam cùng thời hay trước họ một thế hệ thơ (Tô Thùy Yên, Trần Dạ Từ, Quách Thoại, Nguyễn Đức Sơn, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Bắc Sơn, Du Tử Lê, Viên Linh, Nguyễn Tất Nhiên…) xét riêng về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ, và chỉ riêng về mặt này mà thôi, trong những thời điểm chiếu sáng nhất của họ, và chỉ trong những thời đìểm đó mà thôi, đạt đến mức tài hoa điêu luyện, mà các nhà thơ trẻ hiện nay, muốn chạy đuổi theo họ cũng còn… hơi bị lâu.

Thí dụ, Hữu Thỉnh. Nhà thơ này, điều hành Hội nhà văn thì dở, bị một số hội viên chê là bảo thủ giáo điều, nhưng làm thơ không tệ chút nào. Trong một trường ca, tôi quên mất tên, mở đầu, Hữu Thỉnh viết:

Đường xuống bến có mười sáu bậc

Mẹ nhớ thương đã bạc mái đầu


Quê tôi bên dòng nước trong xanh (nhưng nhiều cá!), mỗi ngày vào mùa hạ bọn học sinh đều xuống bến sông tắm rửa. Đó là nói trước chiến tranh, trước khi quân đội miền Bắc tiến vào, theo chân… nhà thơ Nguyễn Thụy Kha. Trước chùa sư nữ gần bến đò Thạch Hãn có một tam cấp dẫn xuống nước. Tôi đã từng đếm đúng mười ba bậc. Vì vậy tôi tự ý sửa lại như sau:

Đường xuống bến có mười ba bậc


Nhưng đọc lại, tôi thấy nó… kỳ kỳ. Tức là không hay. Ba chữ b đi trong một câu là quá nhiều. Tôi thử các phép khác: mười một, mười hai, mười bốn, mười lăm, mười sáu, mười bảy, mười tám, mười chín. Đọc đi đọc lại chỉ có mười sáu là hay nhất. Tôi không biết quê ngoài Bắc của nhà thơ Hữu Thỉnh có thật là có bến sông mười sáu bậc hay không? Nếu cử người về điều tra thì chúng ta có thể biết được sự thật, nhưng các nhà phê bình không ai dại dột làm điều đó. Tại sao thế?

Vì sự thật văn chương không phải là sự thật thông thường. Nếu là văn chương đích thực, nó phải cao hơn. Và đúng hơn. Kiểu khác.Tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một bài viết khác.

Tôi xin kể tiếp. Trong các chữ còn lại, tôi thấy chữ mười tám là khá hơn cả:

Đường xuống bến có mười tám bậc

Mười tám là thanh xuân. Mười sáu cũng thanh xuân. Nhưng ngày xưa mười tám thì có… hơi già. Vậy mười sáu đẹp hơn. Về âm, nghe kĩ thấy mười sáu đi với nhiều thứ. Này nhé: chữ sáu bậc phát âm dễ hơn chữ tám bậc hay bốn bậc. Cũng như mười ba, chữ bốn bậc, bảy bậc có quá nhiều vần bờ, trong khi chữ sáu lại vần với âm cuối của câu sau (bạc mái đầu).

Tất nhiên điều này chỉ đúng cho câu thơ nói trên, vì sự lập lại các âm tương tự (repetition) vốn là một thủ pháp quen thuộc của các nhà thơ bậc thầy.

It bleeds the black blood from the blueberries

(Warren)

Tôi có đang vượt qua lãnh vực của ngôn ngữ học không? Nhưng mười sáu thanh xuân mà đi với bạc mái đầu thì đối xứng lắm.

Trăng mười sáu tuổi, em mười sáu

Áo lụa phơi buồn sân gió xưa

(Trần Dạ Từ)

Tôi không cần phải bình nữa. Đọc lên thơm cả không gian.


Nguyễn Đức Tùng

(Còn tiếp)


Các sách tham khảo cho bài viết:

Thi Vũ: Bốn mươi năm thơ Việt Nam, NXB Quê Mẹ, 1993

Hai mươi sáu nhà thơ Việt Nam đương đại, Biên tập: Đinh Trường Chinh, Phan Nhiên Hạo, Thận Nhiên, Đỗ Quyên, Nguyễn Đức Tùng, NXB Tân Thư, 2002

Hoàng Ngọc Hiến: Những ngã đường vào văn học, NXB Giáo dục, 2006

Nguyễn Hưng Quốc: Thơ con cóc và những vấn đề khác, NXB Văn mới, 2006

Tuyển Tập Tiền Vệ I, NXB Tiền Vệ, 2007

Có jì dùng jì có nấy dùng nấy, NXB Giấy Vụn, 2007

Đặng Tiến: Vũ trụ thơ II, Thư Ấn Quán 2008

Trần Dần: Thơ, NXB Đà nẵng, 2008

Gary Geddes, 20th Century poetry & poetics, Oxford University Press, 1996

Harold Bloom: Genius, NXB Warner books, 2002

Dana Gioia: Twentieth century – American Poetry, McGraw Hill, 2004

David Lehman: The Oxford book of Poetry, 2006

Nguồn: Phongdiep.net

READ MORE - NGUYỄN ĐỨC TÙNG - ĐỌC MỘT BÀI THƠ NHƯ THẾ NÀO (KÌ 2)

HOÀNG CÔNG DANH - VỀ ĐI!


Truyện ngắn


Một năm nay, sư thầy về quê thường xuyên hơn, ít nhất mỗi tháng một lần. Ông cụ thân sinh của thầy đã già yếu lắm rồi. Trước ngày rời chùa, bao giờ thầy cũng thu xếp mọi việc, căn dặn đệ tử rồi mới an tâm xách túi vải màu lam thong dong bước ra cửa.

Những chuyến về quê thầy thường cho điệu Sanh đi cùng. Có lẽ tại điệu Sanh là chú tiểu nhỏ tuổi nhất trong các đệ tử nên được thầy cưng chiều hơn cả. Với lại thầy biết điệu Sanh vốn tính hiếu động, ở chùa mà vắng thầy thì thể nào điệu cũng bày trò quấy rầy các sư huynh hoặc khách hữu đến thăm viếng. Về quê, thầy nói cho điệu Sanh đi cùng vừa để chùa “yên”, cũng là để điệu ấy được tu. Điệu Sanh thắc mắc: “Tu là phải ở trong chùa, có Phật mới tu được chứ?” Thầy mỉm cười nhẹ, bao giờ điệu Sanh thắc mắc những điều như thế, thầy cũng chỉ cười mà không trả lời.

Ra đến cổng chùa, điệu Sanh lại hỏi: “Thầy ơi! Hôm qua con nghe các sư huynh nói đi tu là quên hết chuyện gia đình. Sao giờ thầy lại về quê?” Sư thầy dừng chân, yên lặng một lúc rồi lại mỉm cười hiền dịu và quay sang phía điệu: “Vậy điệu Sanh ở lại chùa, để thầy về quê một mình, nghe”. Nói xong thầy rảo bước đi. Điệu Sanh chạy theo cầm lấy vạt áo nâu. Thầy đưa tay lên xoa đầu điệu Sanh: “Thôi nhanh lên con, sắp tới giờ xe chạy rồi”.

Mất gần ba tiếng đồng hồ ngồi xe, sau đó hai thầy trò thả bộ chừng ba mươi phút mới tới được quê nhà của thầy. Con đường làng hai bên cỏ rợp lên, những bông cỏ dại nở màu vàng trắng tím khiến điệu Sanh thích thú. Đi một chặng, điệu Sanh cúi xuống hái hoa hoặc đuổi chụp cánh bướm vờn, rồi lại lon ton chạy theo thầy. Mỗi lần như thế, thầy lại mắng yêu: “Trên đường cứ mải hái hoa nghịch bướm thì chừng nào mới tới được”. Rồi như để điệu Sanh bớt nghịch, thầy kể chuyện cho điệu Sanh nghe. Mà điệu Sanh lại hay tò mò. Điệu Sanh hỏi: “Thầy ơi! Sao thầy lại đi tu? Có phải thầy cũng ghét cha mẹ như con không?”.

Sư thầy không trả lời. Nhưng câu hỏi đã khiến thầy như chạnh nhớ. Ký ức tưởng đã xa xăm chìm vào lãng quên.

*

Hồi mười tám tuổi, sư thầy lúc đó là chàng trai làng tên Khôi sức vóc, siêng năng.

Khôi thương cô Nguyệt cùng làng. Cô Nguyệt hiền lành, xinh xắn. Cả làng ai cũng khen hai người đẹp đôi. Đi làm đồng, lúc nghỉ giữa buổi thể nào Khôi cũng kéo Nguyệt lên trên triền cỏ ngồi tâm tình. Khôi khéo ăn nói, cả làng bảo thằng này đi cưa gái lắm đứa chết mê. Nhưng Khôi chỉ để ý đến Nguyệt. Biết tin hai người có tình cảm với nhau, ông giáo Tuệ, cha của Khôi, liền ngăn cấm.

Ông Tuệ chê nhà cô Nguyệt nghèo. Cha Nguyệt mất sớm. Song thân đằng ấy không đầy đủ. Không môn đăng hộ đối. Nguyệt còn có một chị gái, một em gái; nòi nhà toàn… cái. Mà Khôi là con trai duy nhất của ông giáo Tuệ, phải đẻ cháu đích tôn. Ông dõng dạc nói như phán: thằng Khôi nhà này không thể lấy con Nguyệt. Cấm!

Ông giáo Tuệ vốn là người nhất nhất nghi lễ. Biết cha mình “phong kiến” và nghiêm chỉnh, cộng với chút nông nổi tuổi trẻ, Khôi quyết chí bỏ làng đi vào Nam. Đi suốt một ngày chàng vẫn chưa hết buồn lòng, nhưng lại đói lòng, thế là Khôi tìm vào một ngôi chùa. Chàng ở lại chùa rồi xin xuống tóc. Tu luôn!

Ừ! Thầy đi tu có phải cũng vì ghét cha mẹ như điệu Sanh không?

*

Đến nhà rồi. Điệu Sanh ném mấy bông hoa dại mới ngắt lúc nãy, cùng thầy bước chậm vào ngõ. Cụ giáo Tuệ nằm trên giường ngó ra như thể ngóng đợi. Sư thầy mới bước qua cửa thì ông cụ Tuệ đã bật lời rền rĩ như mắng: “Về đi! Tu chi cho khổ”. Rồi cụ cố nghiêng người quay mặt vào tường. Sư thầy nhìn mọi người trong nhà và mỉm cười. Nụ cười thanh thoát của vị sư hai nhăm tuổi đạo.

Hai tháng sau, điệu Sanh lại theo sư thầy về quê. Thấy sư thầy gấp gáp chuẩn bị túi vải, điệu Sanh bớt hoang, dọc đường không nghịch hoa hay hỏi han nữa. Ông cụ Tuệ yếu hẳn đi, gầy rộc, nằm yên ắng. Cụ vẫy vẫy sư thầy tới, đưa tay kéo đầu thầy xuống và nói nhỏ vào tai, lần này không mắng. Cụ không còn sức mắng, hay là cụ đang năn nỉ? “Về đi! Lấy vợ. Cháu đích tôn”. Và sư thầy cũng không cười như lần trước nữa, dù chỉ là một nụ cười mỉm thật nhẹ.

Tu là để đạt đạo. Mà hiếu cũng là đạo. Hiếu đạo. Ngày xưa thái tử Tất Đạt Đa đã từng có vợ, sinh cháu cho phụ vương rồi mới đi tu để thành Phật. Vậy là Ngài trọn hiếu đạo.

Tu là đi. Về cũng là đi. Về đi! Tu, đi hoài liệu có tới cõi Phật? Nhưng về, ít nhất đối với sư thầy lúc này, về là sẽ tới... cõi người.

Sư thầy trầm ngâm nghĩ suy từ lúc ấy cho đến khi quay lại chùa. Trong thầy hai chữ về đi cứ thổn thức. Thầy như chìm vào cơn mê kiểu giấc mơ Trang Tử. “Không biết ta là sư thầy giữa cõi người? Hay ta là người thường lạc giữa cõi đạo?”

Đám tang cụ Tuệ tổ chức trọng thể. Đám làm cơm chay và theo nghi thức nhà Phật. Lễ nhập liệm, lễ cầu siêu… đều có các thầy trong giáo hội và đoàn sinh Phật tử tụng kinh. Đêm trước ngày di quan, mọi người đã đi nghỉ cả rồi, chỉ còn sư thầy ngồi trước bàn vong niệm kinh Sám Hối.

*

Thuở ấy tôi là điệu Sanh, nghịch ngợm bướng bỉnh, không yêu thương cha mẹ nên được gửi vào chùa tu để cải nghiệp. Tôi là con trai duy nhất của cha mẹ.

Đêm tôi ngồi trước thềm chùa, lá si rơi từng chiếc tán xuống sân.

Về đi!

Về đi!

Về đi!


Nguồn: www.daibieunhandan.vn
READ MORE - HOÀNG CÔNG DANH - VỀ ĐI!

Sunday, November 28, 2010

TRẦN HỮU TÁ - ĐÔI GIÒNG CẢM XÚC VỀ TẬP THƠ NGUỒN CỘI CỦA PHẠM BÁ NHƠN



VỀ HUẾ
Thơ: Phạm Bá nhơn - Nhạc: Võ Công Diên - Ca sĩ: Bảo Yến

Dân tộc ta vốn rất yêu thơ. Ngay từ thời xa xưa bên cạnh những tên tuổi lẫy lừng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương…đã có không ít những nhà thơ “không chuyên” - các hoàng đế, các thiền sư, các võ tướng đã góp phần làm cho nền thơ dân tộc thêm đa dạng về chủng loại và lộng lẫy sắc hương.

Ngày nay truyền thống tốt đẹp ấy đã được tiếp nối một cách tự nhiên và sôi nổi, dồi dào hơn trước. Nói là “đẹp”, vì suy cho cùng nếu một dân tộc có nhiều nhà thơ, e rằng dân sẽ dễ bị đói, nhưng nếu có rất nhiều người yêu thơ, cuộc sống tinh thần của dân tộc ấy sẽ trong sáng, hướng thiện, không bị văn minh vật chất với lối sống thực dụng tầm thường lũng đoạn. Nhà doanh nghiệp Phạm Bá Nhơn thuộc lực lượng "không chuyên" ấy và tập Nguồn cội mà quí bạn đọc đang có trên tay là thi phẩm thứ hai của anh.

Bị chìm trong guồng quay đến chóng mặt của công việc kinh doanh xây dựng, anh vẫn tỉnh táo để cố thu xếp cho mình những phút giây nhàn rỗi hiếm hoi. Những đêm khuya "khi tỉnh mộng lúc tàn canh", những lúc dong duổi trên đường thiên lý hoặc trên tầng cao của mây trời, để thả hồn vào mảnh vườn thơ tĩnh lặng của riêng mình. Trước khi đứa con tinh thần của Phạm Bá Nhơn có được những người tri kỉ, anh muốn qua thơ để có thể thầm thì tâm sự với chính mình.

100 bài thơ, dài nhất cũng chỉ 9 khổ 36 câu thơ (Nỗi niềm xa xứ), ngắn nhất là chùm 7 bài tứ tuyệt (Vô đề, Ngẫm, Nghĩa tình vô tận, Với mình, Với đời, Sự đời, Đạo nghiệp); thể thơ khá quen thuộc (năm chữ, bảy chữ, tám chữ, lục bát); chữ nghĩa chân phương (đôi khi chưa được gia công trau chuốt); hình ảnh gần gũi (cũng có lúc bị trùng lặp); nhưng điều đáng trân trọng ghi nhận từ tập này là sự chân thành - tâm trạng chân thành, cảm xúc chân thành. Cũng có lúc anh suy tư và có thể cũng khiến ai đó trong chúng ta có sự thông cảm, thậm chí đồng cảm:

Trăm năm trong cõi siêu hình

Dường như có chút vô tình đã qua

Cũng là một kiếp người ta

Mà sao tìm mãi chưa là của nhau

(Vô đề)

Nhưng thế mạnh của thơ anh là ở chỗ khác: anh thể hiện khá hồn nhiên những tình cảm thấm đẫm chất nhân văn vốn đã thường xuyên đi về trong thơ ca của muôn đời và mọi nơi, nhưng vẫn có chút gì đấy, sắc thái nào đấy của riêng Phạm Bá Nhơn. Ngẫm về hạnh phúc “ngày thơ còn mẹ” và ngược lại, hạnh phúc của người mẹ khi có con thơ trong vòng tay yêu thương, anh có những câu thơ đẹp”

Mỗi ngày có mẹ một ngày xuân

Nhìn con khôn lớn cùng năm tháng

Quên hết gian lao, mẹ tảo tần

(Ngày thơ còn mẹ)

Do đặc trưng nghề nghiệp, Phạm Bá Nhơn đến với nhiều vùng miền khác nhau của đất nước. Và thật là thú vị, ở nhiều nơi sau những toan tính bàn soạn lạnh lùng về công việc, anh vẫn kịp "chớp" lấy những nét độc đáo của đất trời và con người các nơi đó. Anh có những cảm xúc tinh tế về Thanh Hoá (Mơ về xứ Thanh), Nha Trang (Nha Trang ngày trở lại), Vũng Tàu (Vũng Tàu ngày em đến v.v…) Anh lắng lòng lại, say đắm và tha thiết hơn, với Thủ Đô (Hà Nội trong tôi, Thăng Long Hà Nội ngàn năm, cũng như với Cố Đô (Về Huế, Huế vào xuân, Hẹn cùng với Huế). Thế nhưng dù thành đạt nhưng Phạm Bá Nhơn vẫn khắc khoải, da diết nhớ và nghĩ về quê nghèo Quảng Trị của mình (Hẹn về Quảng Trị, Nỗi niềm xa xứ, Bến sông xưa, Tôi về quê tôi, v.v…). Ngẫm ra trong cuộc sống vừa đa dạng phong phú vừa xô bồ phức tạp hôm nay, có thể tin được những con người không "vong bản", những người mà chỉ cần nhắc đến một bến sông, một bãi cát, một đồi sim, một con đò của nơi chôn nhau cắt rốn cũng khiến mình xốn xang, thao thức. Phạm Bá Nhơn có được nét son đó trong tâm hồn. Vì thế, anh có những câu thơ rất gợi. Và đây là một:

Đêm Gio Linh, trùm chăn trời mưa lạnh

Bến Hải buồn, hoang vắng bãi bồi xa

Thời khói lửa, đất nghèo chia đôi nửa

Thương mẹ cha lặn lội chốn quê nhà

(Hẹn về Quảng Trị )


Nhà thơ Phạm Bá Nhơn


Cũng như những người làm thơ khác, Phạm Bá Nhơn tìm cảm hứng thơ từ dòng suối mát trong lành của tình yêu nam nữ. Anh không quên những rung động thuở học trò (Thuở mộng mơ). Anh nhớ lại mối tình đầu trong sáng (Ngọn gió tình em). Anh “bực mình” với sự hồn nhiên đến mức thiếu trách nhiệm của một người bạn tình nào đấy (Lỡ hẹn). Và anh có cả những vấn vương khá duyên dáng với mối tình đơn phương, âm thầm nín lặng:

Chỉ là hai kẻ người dưng

Sao ta vẫn nhớ, vẫn mừng, vẫn thương

Ước chi mình ở chung đường

Để khi ta nhớ ta thường ghé thăm

Ước chi ngay cửa em nằm

Ta là chiếc bóng trăng rằm soi qua

Nhưng mà em của người ta

Nên chi mình chẳng phải là của nhau

(Lời ước vu vơ)

Đúng là lời ước vu vơ, nhưng thật dễ thương, dễ cảm. Và sự tỉnh táo của hai câu kết cũng khiến ta hiểu thêm nhân cách của người làm thơ.

Như trên đã nói, Phạm Bá Nhơn không phải và không định sống bằng thơ, nhưng cho đến nay (vì ai dám vội vã đoán định tương lai?) anh như muốn luôn được sống với thơ. Có lẽ để tạo “sự cân bằng sinh thái” cho con người làm doanh nghiệp, anh tìm đến sự trong lành, thanh khiết của bầu khí quyển thơ?

Dù gì lý do gì, chúng ta cũng mến và trân trọng đón nhận những sản phẩm tinh thần của Phạm Bá Nhơn, mà Nguồn Cội* là mới nhất. Có lẽ tôi đã dài lời, xin quý bạn đọc hãy trực tiếp lắng nghe tiếng lòng của anh qua các trang thơ.

PGS.TS TRẦN HỮU TÁ


*Phạm Bá Nhơn, Nguồn Cội, Thơ, NXB Văn Học, 2010


MỜI CÁC BẠN TIẾP TỤC VÀO XEM HAI TẬP THƠ KHUNG TRỜI MÂY TRẮNG VÀ NGUỒN CỘI CỦA PHẠM BÁ NHƠN BẰNG CÁCH BẤM VÀO ĐÂY

VÕ VĂN HOA - CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ KHUNG TRỜI MÂY TRẮNG
READ MORE - TRẦN HỮU TÁ - ĐÔI GIÒNG CẢM XÚC VỀ TẬP THƠ NGUỒN CỘI CỦA PHẠM BÁ NHƠN

HỒ SĨ BÌNH - HỘI AN: ĐỜI SỐNG MỸ THUẬT SA SÚT

Ảnh: Nguyễn Khắc Phước


Từ sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, Hội An với những nét đẹp văn hóa truyền thống đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, cũng từ đó phố cổ hình thành một thị trường mỹ thuật sôi động.

Nhiều họa sĩ đã về đây sống và vẽ hoặc mở gallery. Rảo bước trên các ngả đường giữa lòng phố cổ, có thể thấy hàng trăm gallery lớn nhỏ, cá nhân và tập thể; tác phẩm mỹ thuật đích thực không thiếu mà tranh du lịch cũng vô số… Bên cạnh các triển lãm hội họa, còn có nhiều dịch vụ mỹ thuật như vẽ chân dung, truyền thần, chép tranh… và có nhiều người đã thực sự đổi đời nhờ những hoạt động này.

Những tháng gần đây, khi kinh tế thế giới suy thoái, lượng khách du lịch nước ngoài giảm đáng kể thì hoạt động mỹ thuật của Hội An cũng trải qua thời kỳ đầy khó khăn. Tuy nhiên, ngoài sự suy giảm khách du lịch nước ngoài, vẫn còn những lý do khiến hoạt động mỹ thuật ở Hội An lâm vào cảnh chợ chiều.

Phố cổ Hội An với vẻ đẹp đặc trưng ẩn chứa trong những phố phường có bề dày lịch sử, trong một không gian kiến trúc độc đáo với những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi, những con đường nhỏ và những ngõ hẹp lô xô mái ngói rêu phong, cùng nếp sống xưa cũ của một cảng thị còn được lưu giữ nguyên vẹn, từng là nơi các họa sĩ nổi tiếng về sống và vẽ, có thể kể: Bùi Xuân Phái, Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Vũ Giáng Hương, Đinh Cường, Bửu Chỉ, Thành Chương…

Đặc biệt, cố họa sĩ Lưu Công Nhân từng ở lại đây một thời gian dài để vẽ; ông mê đắm đến độ chiều ba mươi tết vẫn còn đứng vẽ phố rêu. Ông từng nói: “Ở Hội An ngồi đâu cũng vẽ được tranh, đứng đâu cũng nhìn ra góc đẹp…”. Toàn bộ đô thị cổ này là một bức tranh dưới mắt Lưu Công Nhân. Không phải vô cớ mà Hội An trở thành nơi chốn của tranh. Mối duyên giữa hội họa và phố cổ phát triển sau này có lẽ cũng bắt đầu từ tình yêu của giới mỹ thuật cả nước dành cho Hội An vậy.

Khi Hội An trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động và dịch vụ mỹ thuật thì không chỉ giới họa sĩ chuyên nghiệp mà ngay cả những người chưa từng học vỡ lòng về hội họa cũng nhảy vào kiếm ăn. Không đâu như Hội An: một khu phố nhỏ loanh quanh vài bước chân đã về chốn cũ mà có đến mấy chục gallery bán tranh và các sản phẩm ăn theo, giá cả cỡ nào cũng có. Tranh chép, tranh nhái tác phẩm của những tác giả nổi tiếng xuất hiện khắp nơi; thợ vẽ, nghệ nhân phút chốc biến thành nghệ sĩ!

Hội An trở thành một thị trường tranh sôi động nhất miền Trung với tất cả mặt tích cực và tiêu cực của nó. Một số họa sĩ như Hoàng Đăng Nhuận, Phan Ngọc Minh, Hoàng Đặng, Bùi Công Khánh… lặng lẽ rút lui nhưng cũng có những người khác đến như Từ Duy (gallery Lá Gai), Vĩnh Phong (gallery Ngói Nâu và Làng) hay hai anh em song sinh Lê Ngọc Thanh, Lê Đức Hải…

Trở lại Hội An những ngày này mới thấy đời sống mỹ thuật phố cổ sa sút thật rõ nét: số lượng phòng tranh, gallery còn tồn tại không bằng một nửa ngày trước, người mua cũng vắng vẻ, thưa thớt. Nói về tình trạng này, họa sĩ Huỳnh Thị Nhung cho biết: du khách nước ngoài không chỉ giảm hẳn mà họ cũng không còn mặn mà với tranh pháo như trước đây nữa trong khi đó thì giá thuê mặt bằng và tiền lương cho nhân viên không giảm nên “thị trường tranh ngắc ngoải là điều không tránh khỏi”.

Dễ nhận thấy tranh bày bán khắp nơi tại Hội An hiện nay khai thác sở thích của khách du lịch nước ngoài về sơn mài, song hầu hết được làm không theo quy trình truyền thống, sơn ta được thay bằng sơn hóa học cho mau khô để dễ sản xuất hàng loạt. Chính “công nghệ” làm tranh sơn mài đó đã làm mai một niềm tin ở khách hàng. Ông Bryan, một nhà sưu tập tranh người Ireland, trước đây năm nào cũng đến Hội An khi sang Việt Nam nhưng mấy năm gần đây đã không còn thấy ông dạo bước qua các gallery trên các phố cổ nữa.


Du khách nước ngoài giảm và không còn quan tâm nhiều đến tranh pháo như xưa…


Theo nhà biên kịch phim truyền hình Đoàn Huy Giao, tình trạng bát nháo của đời sống mỹ thuật phố cổ lẽ ra đã không đến nếu những người không chuyên không chiếm lĩnh thị trường. Họa sĩ Phan Ngọc Minh là người gắn bó sâu nặng với phố cổ, anh từng triển lãm tranh tại đây hơn 20 năm trước và từng đem vẻ đẹp của Hội An – Mỹ Sơn đến với nhiều nước trên thế giới.

Anh tâm sự: Hiện nay tranh ở Hội An vàng thau lẫn lộn, thật giả nhập nhằng, người người, nhà nhà mở phòng tranh. Ngay một số họa sĩ cũng nặng kinh doanh, coi nhẹ nghệ thuật, tranh cứ sản xuất rập khuôn theo kiểu souvenir. Theo Phan Ngọc Minh, Hội An là một đô thị văn hóa nên mọi sự phổ biến, truyền bá tác phẩm nghệ thuật phải mang tính thẩm mỹ cao. Anh đề nghị chính quyền địa phương cần khắt khe hơn trong việc cấp phép mở gallery. Cửa hàng lưu niệm phải được phân biệt rạch ròi với gallery mỹ thuật.

Bên cạnh đó, chính quyền thành phố phải thành lập một hội đồng nghệ thuật giám định chất lượng tác giả – tác phẩm để sàng lọc thật giả rồi mới cấp phép. Có như vậy Hội An mới mong sẽ trở lại là một vùng đất mỹ thuật của cả nước, là một địa chỉ mỹ thuật đáng tin cậy trong mắt khách du lịch và các nhà sưu tập tranh nước ngoài…



Bài và ảnh đã đăng trên Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần và www.nguoihoian.info, 15/9/09

READ MORE - HỒ SĨ BÌNH - HỘI AN: ĐỜI SỐNG MỸ THUẬT SA SÚT

Thursday, November 25, 2010

TRẦN XUÂN AN - CHÙM THƠ

Ảnh: Hoàng Hữu Tư


VỀ QUÊ

được phong phanh thuở nọ

quần màu đất nón cời
cùng trâu soi bùn nước
đều là ruộng: mỉm cười

bao năm lạc vào phố

mùi hôi trâu nhớ sao!
ta nặng qua sông rộng
trâu nhẹ thênh làm phao

bước mỏi trên đê cỏ

trâu cõng về xóm nghèo
nửa khuya thành sương biếc
bỏ chuồng, mây bay theo

ta thương ngàn năm cổ

trâu muôn xưa mệt rồi
chào máy cày gặt đập
hai đứa tìm xanh ngơi.



Ảnh: Hoàng Hữu Tư



NHỮNG MÙA HÈ QUÊ XA



tóc mây xoã mượt vai đầy

tôi từ rừng khổ về say láng giềng

chái lều thủng đạn tường nghiêng

nhìn qua đường đất nắng xiên rây vàng
và đêm sao mọc truông làng
mái trời tia biếc chiếu tràn dáng trinh

gió hè tre hóp gầy mình

em tươi mát với nét xinh thon tròn
cát mềm sương khói bãi cồn
bạch đàn rủ lá lả hồn dịu hương

nghe ngai ngái ngợp yêu thương

thắt tim: tay trắng, rụng buông, bao lần…




Ảnh: Hoàng Hữu Tư


THOÁNG XƯA



tôi trở về đây sông ơi

bước trên lối cỏ một thời ấu thơ

ơ kìa chú bé ngây ngô

mải theo chiếc bướm thoắt chờ thoắt bay

dù áo đầy bông cỏ may

súng vang, tiếng mẹ khô gầy tìm con!

vẫn thơm nắng gió say hồn

vời trông cánh nhỏ chập chờn dần xa

sông ơi bao năm trôi qua

thoáng xưa gặp lại ướt nhoà mắt tôi.

1990




Ảnh: Hoàng Hữu Tư

BÀU VỊT VÀ ÁNH TRĂNG



tặng Võ Văn Luyến

và những người anh đồng hương, cùng bạn bè Quảng Trị


bên bờ bàu Vịt tưởng như tù đọng này

các anh ngồi quanh chai rượu
ngâm thơ và hát
trên cành tre
trăng trong veo tưởng như huyền hoặc
trăng nghìn năm dân dã cao vời

bên bờ bàu Vịt bên bờ bàu Vịt

tưởng như mãi hoài câm nín tàn rơi
rượu ngấm vào lòng
thơ bừng lên từng tạng chất
thơ xanh tóc và thơ bạc tóc
nhạc tỉnh người và nhạc đắm say

bên bờ bàu Vịt bên bờ bàu Vịt

tưởng như tù đọng này
những mảnh đời
tưởng như chìm trong nỗi áo cơm
nỗi gỉ mòn
tận đáy
với tín ngưỡng thơ với tín ngưỡng thơ
ôi cõi miền thẳm sâu kì diệu ấy
nên vẫn rất người
giữa đời thường nhàm nhạt tháng ngày

bên bờ bàu Vịt bên bờ bàu Vịt

tưởng như tù đọng đến quẫn trí này
ta nhìn ra nhau – trăng bâng khuâng đáy mắt
những tấm lòng hoá khoáng đạt chân trời
nhạc và thơ mở ra lối thoát
cùng Thạch Hãn qua bao xóm làng
ra tận biển khơi
và mây xa khơi lại trở về
trong bầu nước ngời trăng dân dã.

1991

TRẦN XUÂN AN

READ MORE - TRẦN XUÂN AN - CHÙM THƠ

Monday, November 22, 2010

Phạm Hòa Việt - BÍCH KHÊ : THƠ VÀ THỜI GIAN






(TẬP THƠ TINH HUYẾT)

Thời gian là một chuỗi dài vô hạn vì chưa ai tìm được điểm tận cùng hay bắt đầu của thời gian. Tuy thế, người ta có thể tạo cho thời gian những giới hạn, đó là biên thành của quá khứ, hiện tại, tương lai, là vùng tuổi của con người…
Nếu Kant cho thời gian là sắc thái của tâm hồn, Bergson cho thời gian là những hoài niệm và Proust là những cảm thức về bao điều đã mất thì Bích Khê thời gian chính là những bước chân người đi vào đời chông gai và sạn đá. Mỗi bước chân là một bước phiêu lưu qua bao miền đất hứa và cũng có thểà qua bao miền sa mạc hoang vu nắng cháy.Van Gogh đã có lúc từ bỏ giáo hội với vai trò tôn nghiêm của mình để đến Borinage – miền nam Bỉ quốc – nhận chịu những nỗi đắng cay rồi trở thành kẻ uất ức điên cuồng…
Mỗi bước chân đi vào đời đánh dấu một sự đổi thay của tạo vật. Do đó, thời gian là khoảng mới gắn liền với không gian. Kim Định chia thời gian làm ba lĩnh vực : thời gian khoa học, thời gian tâm lý, thời gian sinh lý (1) . Còn Bích Khê thời gian là cuộc đời, là bước chân đi vào đời để tìm đủ mọi yếu tố nào đó mà vượt thoát. Nhưng vượt thoát để làm gì ? Vượt thoát khỏi cái gì ? Và vượt thoát để đi về đâu ? Đó là những câu hỏi mà cũng chính là ý nghĩa trong việc đi tìm thời gian của Bích Khê. Ông cố gắng thoát ra ngoài sự ràng buộc của xác thân, của xứ sở, của cái gì có và đang có. Rời bỏ một xứ sở thân yêu để đến nơi xa lạ, rời bỏ dãy núi xanh để đi về biển muối, rời bỏ vườn lá thắm để vào bãi cỏ hoang, rời bỏ căn nhà thân thuộc để đến một thành phố quạnh hiu… Đó cũng là cách vượt thoát. Có thể nơi đến chỉ có trong tưởng tượng, chưa hẳn đã hiện rõ trong không gian … Vượt thoát là một hình thức đi tìm. Với Bích Khê, thời gian thực sự có xảy ra khi cuộc đi tìm vẫn triền miên và thắm thiết, vẫn trường kỳ và vô hạn, vẫn diễm tuyệt và vô biên. Thời gian là cái gì mời gọi, sau cuộc mời gọi là kỷ niệm, kỷ niệm là ký ức và ký ức là thời gian. Nó đi suốt hàng vạn niên chu kỳ. Mỗi chu kỳ là một giới hạn, một giới hạn là mỗi điểm thời gian và mỗi phân tử cấu thành mỗi chu kỳ là một khoảng thời gian.
Khi nói về Nguyễn Du, Nguyễn Đăng Thục viết : }… thi sĩ thấy một cảnh tượng, nửa thức nửa ngủ như trong giấc mơ, tất cả không gian biến thành một màu vô hạn, tất cả thời gian lẫn lộn quá khứ với hiện tại, cảnh La Phù lúc này cũng là Hồng Sơn trong ký ức. Ở đây không hẳn là u buồn, không hẳn là nhớ nhung để mong mỏi một quá khứ yêu dấu trở lại. Đây là cái phút buồn nhớ đời dâu bể biến đổi với cái phút cảm thấy nó hư không vô bờ bến vậy ~. Thời gian ở đây không hạn định nên nó luân lưu đến một bờ vô định và trở lại cũng ở một bờ vô định. Song ký ức con người có thể phân chia ranh giới gần xa. Những chuỗi đời thân yêu của quá khứ lần lượt trở về rạo rực trong ký ức tùy theo lúc nhớ và đối tượng gợi nhớ của mình. Những gì đã qua với đầy ắp kỷ niệm đều là những nét thân yêu tác động thăm thẳm vào hồn người mỗi khi nhớ lại. Cho nên khi mơ về một vùng diễm tuyệt, quá khứ đôi khi cũng trở thành hiện tại mà là hiện tại vàng son vì không tìm được trong hiện tại của cuộc đời. Cái hiện tại của quá khứ ấy cũng là hiện tại của tương lai với ước mơ về viễn xứ. Viễn xứ là một miền đất lạ, một xứ thần tiên hay xứ sở của tương tư. Viễn xứ cũng có thể là chốn La Phù hay cảnh Hồng Sơn. Nhưng dù ở đâu, viễn xứ vẫn là nơi bí hiểm mà thi sĩ cần đi vào khám phá :
Thơ tôi bay suốt một đời không thấu
Hồn tôi bay biết bao giờ mới đậu
( Bích Khê –Tinh Huyết )
Dòng thơ vẫn đi mãi theo thời gian và nhờ thời gian dẫn dắt. Nơi giao thoa của thời gian là chân lý, là mỹ thể. Để giới hạn tính chất vô định của thời gian, Bích Khê đã tìm những điểm cho thời gian cư ngụ, đó là những biến cố . “Bàn tay ngà” là biến cố hiện tại của thời gian. Trong quá khứ, thời gian cũng đã tác động nhiều lần trên bàn tay người con gái. Tác động ấy bây giờ mất đi nhưng vẫn còn lại trong ký ức. Từ bàn tay nhỏ bé nằm nôi đến bàn tay búp măng dậy thì, từ bàn tay đỏ bỏng đến bàn tay trắng hồng, từ bàn tay vô tình đến bàn tay hữu tình là những biến cố do thời gian tác động và biến đổi tính chất đầu tiên của con người hiện hữu :
Thơ bay, thơ bay vô bàn tay ngà
Thơ ngà ngà say, thơ ngà ngà say!
Nàng ơi! đừng động có nhạc trong giây…
( Bích Khê – Nhạc - Tinh Huyết)
Thơ bay rồi đậu. Thời gian bay rồi đậu, rồi bay. Giới hạn của thời gian ở đây là bàn tay ngà . Nếu không có giới hạn thì không có những dòng thơ và khoảng thơ . Dòng thơ là nhịp cầu giao cảm giữa ngươì và người trong khoảnh khắc đối diện. Bích Khê đã thực sự lấy thời gian để bắt nhịp cầu giao cảm giữa ông và Song Châu, giữa ông và Thanh Thủy, giữa ông và Ngọc Kiều, giữa ông vàMinh Sim … Và dòng thơ nằm yên trên giấy chính là nhịp cầu giao cảm giữa người đọc và người viết , giữa tác phẩm và người thưởng ngoạn. Cũng có thể dòng thơ là nhịp cầu nối liền giữa hữu thể ( Être ) và hư vô (Néant ), giữa giới hạn và vô biên, giữa sự sống và sự chết. Không có thời gian thì không có dòng thơ, không có dòng thơ thì không có Bích Khê:
THỜI GIAN - DÒNG THƠ - BÍCH KHÊ - BÍCH KHÊ - DÒNG THƠ - THỜI GIAN
Khoảng thơ là bước tiến của thời gian; rõ hơn, nó chính là bậc thang cho thời gian tiến bước. Cho nên trong sự đột biến của từng biến cố – ngay cả trong dòng thơ và khoảng thơ – ta vẫn thấy có sự mâu thuẫn và phức tạp ở trong đó.
Mâu thuẫn chính là bước tiến của sáng tạo, bởi mâu thuẫn là sự xung đột nội tâm, “Nước mắt ly sầu hay giả dối ? ”(2) là một sự mâu thuẫn đưa đến ngờ vực “Chỉ có mình cô khóc với cô ? ”(3) . Tại sao lại ngờ vực khi biết rằng trong bất cứ vở tuồng nào diễn viên cũng chỉ đóng vai trò lập lại ? Những động tác của diễn viên không phải xuất phát từ tâm can họ mà theo mô thức nào đó của vỡ tuồng ? Có lẽ Bích Khê cho rằng tiếng khóc của cô đào hát bộ là tiếng khóc từ đáy lòng của chính cô ta. Mặt khác, có thể ông cũng cho là tiếng khóc giả dối. Đó là hai ý tưởng trái ngược nhau đang xung đột trong tâm trí của Bích Khê. Bởi xung đột nên ông lê bước đi tìm :
Tôi đi tìm đẹp trên sân khấu (4)
Bích Khê muốn đi tìm cái đẹp, đó là sự khát khao đi tìm chân lý và mỹ thể của ông. Mỗi bước đi là một ước mơ khoác chiếc áo mới cho thơ, đôi khi là hướng vọng bằng sự mộng mơ :
A ha ! Mê luyến những hình tiên nga ?
( Bích Khê - “ Mơ Tiên ” – Tinh Huyết )
Đi tìm là nỗi khát vọng và đằng sau nỗi khát vọng ấy là bao điều phức tạp.
Phức tạp là sự kết hợp những cái không thuần nhất, không hoàn hảo, bị mê hoặc giữa chân và hư, giữa mộng và thực. Nói như Hàn Mặc Tử : “Nhìn vào sự thực thì sự thực sẽ trở thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao lại thấy xô sang địa hạt huyền diệu ”
Không hoàn hảo là vì ngay trên cùng một lối đi, thi sĩ lại thấy hiện ra trước mắt một vùng tương tư, một vùng mộng mơ khác.
Thơ bay, thơ bay vô bàn tay ngà
Thơ ngà ngà say, thơ ngà ngà say!
Nàng ơi! đừng động có nhạc trong giây…~
( Bích Khê – Nhạc - Tinh Huyết )
Diễn tả sự chậm bước của thời gian. Trong Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến, Nguyễn Tấn Long viết : “Bắt đầu từ đây thi nhân kéo chúng ta lướt thướt trong cõi u hoài, trong thế giới hào quang, gây cho ta những điệu đàn hòa dịu, ngọt ngào, vô cùng cảm khoái.” Ở điểm này ta thấy nhà phê bình họ Nguyễn đã thật sự để cho lòng mình nương theo điệu nhạc trong thơ Bích Khê. Chính tiếng đàn hòa tiếng nhạc trong giây êm ả đã khiến cho tâm hồn thi sĩ lâng lâng, quên đi thực tại, quên đi thời gian. Nói cách khác, ý thức thời gian trong thơ ông lúc này mờ mịt, tiếng nhạc dẫn ông vào một không gian xa lạ, vào một thời gian hỗn tạp, lẫn lận giữa quá khứ, hiện tại, tương lai. Đôi khi thời gian vận hành chậm rãi theo từng bước đi của nhạc, bắt đầu từ bàn tay ngà, dừng lại ở bàn tay ngà, rồi đi vào nơi hoa mộng. Ở đó có cung Hường, có đào Động. Tiên nương từng lớp xiêm y rực rỡ, vũ khúc theo tiếng nhạc như xa xăm, như gần gũi tạo nên một khung cảnh mơ hồ.
Trong bài Thi vị, phải chăng Bích Khê chia thời gian thành các thời kỳ, mỗi thời kỳ là một biến cố :
THỜI GẶP NHAU:
Bắt đầu là sự chao động tâm hồn của thi nhân qua từng biến cố tình yêu. Thời gian ở đây được tô màu, màu vàng và màu vàng diễn tả một trời tương tư vàng úa. Đoàn Phú Tứ cũng đã từng tô màu cho thời gian qua bài Màu thời gian:
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh~
Mỗi người có quyền tạo cho thời gian một màu sắc. Người Pháp thường bảo : thời gian màu xanh, nhưng ai cấm người Việt bảo : thời gian màu vàng, màu hồng, màu tím,… Màu thời gian của họ Đoàn là màu nhớ lại, “ nhớ lại thời xưa, hồi người đương yêu, cứ thấy màu thời gian tím ngát vì người riêng thích một thứ hoa màu tím và màu hoa lẫn lộn với tình yêu”. Màu thời gian của họ Đoàn là màu kỷ niệm. Hoa tím là kỷ niệm của mối tình thắm thiết xưa của thi nhân. Họ Đoàn còn rắc lên thời gian một mùi hương đặc biệt, đó là Hương thời gian. Hương thời gian “ là thứ hoa kia mà cũng là tình yêu, một thứ tình yêu đã qua lâu rồi, nên chỉ thấy thanh sạch, nhẹ nhàng ”.
Hoa tím tỏa ra mùi hương đặc biệt, không nồng như hương lài, hương lý mà lại thanh thanh. Thời gặp nhau ở trong Thi vị là thời bắt đầu một cuộc tình có đủ nhân chứng – người yêu với người yêu:
Lá vàng rơi
( Tôi khóc anh ơi !)
Đàn rung tiếng
Người yêu đương ngồi… ~
( Bích Khê – “ Thi Vị ” – Tinh Huyết )
Thời gian của Đoàn Phú Tứ có màu, có hương. Thời gian của Bích Khê giàu hơn nữa, có đủ sắc - hương - thanh. Sắc - hương - thanh là sự kết hợp toàn vẹn của dòng kỳ gian. Màu Thời gian vàng là màu lá đầu thu, lá sầu đông, lá ngô đồng vàng rụng. Cả không gian đều là lávàng rụng, mang màu ảm đạm thu về. Đó là màu vàng của lá úa, là màu của tương tư, màu cách biệt, chia xa :
Quân tại Tương giang đầu
Thiếp tại Tương giang vỉ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương giang thủy
Cách xa là nỗi nhớ, nỗi nhớ là mối chân tình. Thời gian đi xa vạn dặm với nỗi mong chờ :
Nước sông Tương một giải nông sờ
Cho kẻ đấy người đây mong mỏi
( Cao Bá Quát – “ Giai nhân nan tái đắc ” )
Nỗi mong chờ ở đây đã kết trái, nên hương thời gian đượm vẻ ngùi ngùi. Ngùi ngùi là cảm thức của người yêu chứ không phải là mùi của lá; nó chính là hoài niệm :
Ôi nàng năm xưa quên lời thề
Hoa vừa đưa hương gây đê mê
( Bích Khê – “ Tỳ bà ” – Tinh huyết )
Ngọc Kiều và lời thề cá nước tưởng gắn bó keo sơn nhưng bây giờ nó trở thành mây khói hoàng hôn. Và vườn lá ngọc, sắc hoa thắm đã bị thời gian rũ tàn, còn lại màu vàng úa với buổi chiều hoang :
Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng!
Vàng rơi! Vàng rơi thu mênh mông!”
( Bích Khê – “ Tỳ bà ” – Tinh huyết )
Đó là buổi chiều thu hiu quạnh, lá thu vàng, sương thu lạnh và hương thời gian vẫn là hương ngùi ngùi. Bài Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu, hai câu cuối cho ta cảm nhận được hương thời gian cách xa và nhớ nhung :
“Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sư nhân sầu”
(Tản Đà dịch:Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai)
Đó cũng là hương ngùi ngùi, mùi hương lẫn lộn giữa thời qúa khứ và hiện tại, mùi hương lan nhẹ vaò mắt ta khiến lệ buồn rưng rưng…
Tiếng đàn và tiếng đàn là những âm thanh chen lẫn giữa mùi hương, nhưng sắc thái của nó biến đổi theo thời gian. Trong thời gian, tiếng đàn là không phải là biến cố ở ngoài đời mà là biến cố trong lòng người . Trong không gian tiếng đàn không phaỉ vùng quê hương còn lại cuả kẻ ở mà là ý thức hiện hữu cuả người đi.
Khúc Tỳ bà được gảy lên, tiếng đàn run run, dìu dặt, du dương… ngưng lại, đượm một nỗi buồn diệu vợi, buồn vạn đại cưa sự cách biệt chia ly. Tiếng đàn cất lên để nói rằng “Ta đang sống” , đang sống trong hy vọng và đau khổ, trong thổn thức và luyến lưu:
“Khách ngồi lại cùng em đây gối lả !
Tay em đây mời khách ngã đầu say !”
( Xuân Diệu – “ Lời kỹ nữ ” )
Yêu để sống, sống để tìm nhau, để yêu nhau để bơ vơ để cô đơn - cô đơn là ý nghiã của tình yêu - có yêu nhau mới có sự khát khao tìm kiếm, đợi chờ. Karl Jaspers nói: “Yêu nhau là kiếm tìm nhau đầu rừng cuối bể mỗi bước một bơ vơ.”
Tiếng đàn đưa thời gian vào nơi xa xăm, huyền diệu. Âm thanh của tiếng đàn đang cuộn lấy không gian, dẫn dắt ta vào thế giới ảo huyền, một thế giới chen lẫn chân, hư:
“Tình tang tôi nghe như tình lang”
( Bích Khê – “ Tỳ bà ”- Tinh Huyết )
Đó là thế giới mộng mơ của Bích Khê. Tìm cái đẹp trong thời gian qua hình hài cùa mỹ nữ, qua âm thanh của tiếng đàn, qua sắc màu của hoa lá. Thời gian ở đây là thời gian buồn, âm thanh não nuột, hình ảnh vàng phai và hương vị đắng cay ngùi ngùi ; nhưng thế giới này vẫn mang đến cho ta nét đẹp hư huyền , nhẹ nhàng như trong vũ trụ Đường thi . Phải tế nhị ta mới có thể đi vào vườn thơ của Bích Khê, vì thi sĩ đi tìm thời gian ở đây là đi tìm cái đẹp trong Dòng thơ và Khoảng thơ . Đây là cái đẹp u buồn, thê thiết của ngàn đời và khơi dậy mối sầu nhân thế đang lắng đọng trong hồn ta. “Đàn rung tiếng , người yêu đang ngồi ” cho ta thấy hình ảnh người con gái đang gởi lòng theo tiếng nhạc . Tiếng đàn làm trỗi dậy tiếng than thầm muôn thuở và muôn nơi trong lòng vạn vật, khiến cho thời gian mang màu sắc ảm đạm, màu sắc của “một trời yêu thương tha thiết, một trời tương tư, một trời âm hưởng buồn não buồn nê” (5) :
“Vàng rơi! Vàng rơi! thu mênh mông!” làm cho tâm hồn ta rung động nhẹ nhàng mà thấm thía; ta còn thấy tất cả những gì xa vắng của một người cô đơn trong chiều thu lá rụng .
“Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông!” đã nâng hồn ta lên chiều cao, sâu, rộng, đưa hồn ta vào cõi bơ vơ. Hai kẻ yêu nhau đồng bơ vơ với nhau nên dễ dàng gặp nhau trong chốn bơ vơ của vũ trụ. Ai bảo Bích Khê không bơ vơ ? Ai bảo Ngọc Kiều không bơ vơ?




THỜI NHẬN DIỆN :
Không còn là lá vàng rơi mà là mảnh trăng sơ huyền, trăng cuả thời kỳ vừa chớm, ánh sáng đơn sơ rơi xuống một vùng trời ước lệ,môi trường thích hợp cho buồi hẹn hò.Và cũng từ đây, tiếng đàn Chánh Thú (6) được gảy lên, máu huyết trào đầy mấy ngón tay…Rồi thôi !
Con trăng sơ huyền chênh chếch phía Tây,còn lại khỏang không gian tình yêu.Trăng sơ huyền là trăng hò hẹn, hò hẹn một cuộc tình mới chớm như nụ tầm xuân , một mai thức dậy trăng đi từ cuối hôm, người tình đi từ cuối trời tương tư, còn đây là kỷ niệm:
“Trăng vàng rơi
( Tôi khóc anh ơi!)
Đàn nghẹn tiếng
Người yêu đâu rồi…”
(Bích Khê – “ Thi Vị ” – Tinh Huyết )
Mấy câu thơ trên không phải là những câu tuyệt tác - có thể nói như Quách Tấn : giá trị chỉ ngang gỗxoài, gỗ trầm (7) nhưng ai dám bảo không có thời gian tính ở đây? Có người cho rằng, khi tìm hiểu tư tưởng cuả tác giả qua những bài thơ người ta khoác cho thơ một bộ áo mới đôi khi khác với điều tác giả nghĩ suy. Điều nầy có thể lý giải được khi nó không phải là tác phẩm nghệ thuật; đã là tác phẩm nghệ thuật điều kiện cho nó hiện hữu là phải có người thưởng ngoạn và do nơi người thưởng ngọan. Người thưởng ngọan có quyền tái tạo một thế giới nào đó lấy từ tác phẩm đã được viết ra.Tác giả là kẻ luì lại, là kẻ thoát xác trước tác phẩm của mình; tác giả-con người sáng tạo - lại chính là người vô thẩm quyền nhất trong việc bình luận tác phẩm cuả mình.Tác già là kè đả nhập thể vào tác phầm cuả mình, nhập thể vào từng chữ, từng câu, nhập thể để tác phẩm-vật sở hửu cuả nhà văn - chính là nhà văn. (8)
Bích Khê đã có những mối tình đi qua đời mình. Song trong lòng ông luôn có những mâu thuần với chính mình.Tưởng mình yêu Bích Thủy tha thiết nhưng ông đâu biết rõ nổi tha thiết ấy chính là để bù đắp nổi trống vắng thiếu Song Châu. Cho nên không lạ gì khi Bích Thuỷ bàn chuyện hôn nhân thì Bích Khê tỏ vẻ dè dặt .Bích Thuỷ đâm ra thất tình. Nàng thường gọi tên Bích Khê ,viết tên Bích Khê trên cát biển. Thất tình. Bích Thuỷ lâm bệnh. Bích Khê nghe tin liền viết bài Ngón giai nhân :
“Đây em, gượng khúc tranh nầy
Mới lên trục gấm nét mày đã cau
Em ơi! Nhấn mạnh thời đau
Em ơi! nhấn nhẹ khôn lau nét buồn
Tiếng mau e ruột như cồn
Lại trong tiếng đục luống hờn bấy thân
Tình anh lụy ngón giai nhân
Sống lià nay được ấy ngần đoàn viên ”
Còn đối với Ngọc Kiều, Bích Khê yêu tha thiết. Ngọc Kiều là một nữ sinh học lớp đêm của trường Bích Khê đang dạy. Nàng rất đẹp, có gương mặt hiền lành, đôi mắt buồn như mơ báo trước một điều tan vỡ. Bài Mộng cầm ca là bài thơ đầu tiên ông viết cho Ngọc Kiều, nhờ Thanh Phương - một học sinh nhỏ nhất lớp - chuyển cho nàng:
“Không gian tơ, không gian tơ gợn sóng;
Âm thanh gì sắp sửa …Ngọc Kiều ơi!
Hay hơi thở cuả hoa hồng mơ mộng?
Hay buồn đêm rào rạt,- ứ muôn nơi?
Không gian tơ - không gian tơ gợn sóng
Ngọc Kiều ơi! - hồn đếùn bến xa khơi!…
Níu cho ta, cho ta muôn yến nguyệt,
Ngọc Kiều ơi! Nầy khúc Lạc mai hoa
Suối tóc mát, nhúng trong vùng mộng tuyết:
Ta đê mê, ta gảy điệu tỳ bà;
(…)
Đâu đôi mắt mùa thu xanh tơ ngọc ?
Vú non non ? Da dìu dịu, êm êm ?
Đâu hang báu cho người ta phải khóc ?
Trên môi son, ta liếc lưỡi gươm mềm ! ”
( Bích Khê – “ Mộng Cầm ca ”- Tinh Huyết )
Đọc thơ Bích Khê Ngọc Kiều rưng rưng cảm động. Nàng đáp lại tình ông rất chân thành. Mối tình đó mỗi ngày một khắng khít giữa hai người. Họ cùng thêu dệt những mộng mơ hạnh phúc. Bích Khê đã làm rất nhiều thơ tặng nàng. Đó là những bài thơ tuyệt tác như : Tỳ bà, Aûo ảnh, Nhạc, Tâm hồn, Hiện hình, Hoàng hoa… Con tim Ngọc Kiều như đã thuộc về Bích Khê, hai ngừơi cắt huyết ăn thề, lấy huyết hai đầu ngón tay của họ vẽ hai trái tim trên hai tờ giấy lớn, mỗi người giữ một tờ làm tin; đó là kỹ vật thiêng liêng của họ.
Một đêm trăng vằng vặc sáng, tìm Ngọc Kiều không gặp, Bích Khê rủ người chị ra biền hóng mát rồi đặt vào tay chị một bài thơ:
“Chị ơi, trời ráng màu xanh,
Tình trăng sống dậy trên cành hoa tươi
Nói ra xin chị chớ cười:
Tình nay đẹp lắm hơn mười tình xưa”
Nổi lòng của ông tràn vào thơ như cánh bướm ngây ngất trong hoa. Thơ ông hướng vào cuộc sống và vực dậy nỗi ước mơ thủơ thiếu thời. Ông đã nhận diện được cuộc đời qua lăng kính mới với hoài bảo lứa đôi. Ông tâm sự với người chị: “Em yêu N đã tám tháng rồi. Chúng em hết lòng yêu nhau và muốn chung sống với nhau chị ạ. Vậy chị viết thư về tin mẹ vào cầu hôn cho em đi. Em nhờ chị tất cả…”.
THỜI CHIA TAY:
Tưởng mối tình với Ngọc Kiều gắn bó keo sơn nhưng đã trở thành nỗi nhớ. Nỗi nhớ trong ông như bảo tố nhưng không phân định rạch ròi đối tượng nhớ của mình bởi trái tim ông tuy thành thật song rất đam mê, tình nào đến rồi đi ông cũng đều quyến luyến. Thời gian như đang lẫn lộn giữa hiện tại, qúa khứ, tương lai trong nổi dằng dặc chia tay:
“Lá vàng rơi
(Tôi khóc anh ơi!)
Đàn rung tiếng
Người yêu đi rồi”
( Bích Khê – “ Thi Vị ” – Tinh Huyết )
Người yêu đi rồi : một màu mây xám triền miên dần dần lan phủ không gian, không gian còn lại là bóng tối vì Bích Khê muốn khước từ mọi nguồn sáng – những nguồn sáng đầy đau thương không còn gì để chiêm ngưỡng.
Trong bài Thi vị, tác giả lấy sự đau khổ để suy tư về thời gian. Thời gian ở đây không hẳn là tiệm tiến, không hẳn là xô bồ. Nó liên tục nhưng không đồng đều. Lá vàng rơi, trăng vàng rơi, hoa vàng rơi là những khoảng thời gian khác nhau. Ta nhận diện được sự khác biệt đó bởi những biến cố. Từ lá rụng, trăng tàn đến hoa rủa là cả một đường đi dài của thời gian. Nhưng dài như thế mà nó vẫn nối kết. Ta cảm tưởng biến cố này vừa qua thì biến cố kia lại đến. Mỗi biến cố đều có ngưng lại trong một khoảnh khắc hay nhiều khoảnh khắc rồi lùi lại để biến cố khác đến chiếm cứ – lùi lại chứ không biến mất, lùi lại ở trong vô thức để chờ dịp thuận tiện nào đó lại hiện về trong sự hoài niệm của con người.
Do đó, Bích Khê đi tìm thời gian là đi tìm cái gì đã mất :
QUÁ KHỨ ----HIỆN TẠI----TƯƠNG LAI
(Vàng son) --- (U buồn)----(Vùng mộng mơ )
Ông đi tìm thời gian không phải vượt đến một bản chất của thời gian trôi chảy, cũng không phải nghiên cứu về một thứ thời gian thuần túy (durée pur) – như Bergson quan niệm – mà đó chỉ là một sự bắt buộc phải có ở nơi ông để chống lại sự rã rời, sự quên lãng, chìm lắng của cuộc đời, tìm lại để chống với cái chết của những lúc vô vọng và tìm sự liên tục của đời sống – nối kết các khoảng thời gian. Nếu không tìm lại dĩ vãng thì không thể chống chọi với cái chết cám dỗ :
“ Có người thi sĩ nhặt hoa rụng,
Những cánh đau thường sắp mặt lầu ! ”
( Bích Khê – “ Mộng ” – Tinh Huyết )
Một chiếc hoa rụng đánh dấu một quá khứ. Nhìn một chiếc hoa rụng là nhìn lại quá khứ – tức quá khứ vẫn còn hiện diện. Do đó, quá khứ không phải là thời đã qua mất, đoạn tuyệt với hiện tại: dĩ vãng chính là thời gian dùng để nhận biết hiện tại. “Hoa vàng rơi” là dĩ vãng, một thời đã qua nhưng chưa chết. Nhìn chiếc hoa rơi, Bích Khê lại nhìn cả bước đi của người yêu – một viễn trình xa ngàn vạn dặm ở ngoài đời nhưng gần gũi trong ký ức. Nhìn bước đi của người yêu bằng tâm thức tức là đã tìm được thời gian. Thời gian tìm được ở đây là những khoảnh khắc, những mảnh đời hiện thực của ông đã và đang tiến bước. Giữa ông và người yêu có một sự liên hệ. Tìm người yêu tức là tìm dĩ vãng ở nơi ông. Cho nên khi lật một trang thơ, đọc một bài thơ, những mảnh đời sẽ xuất hiện tràn đầy sự sống – như ngày nào tác giả đã sống và ngày kia sẽ sống với những khoảnh khắc, những mảnh đời đó.
Tiếng khóc cũng là ý niệm của thời gian sống. “Khóc” để chứng tỏ ta còn hoài niệm. Dĩ vãng không tìm được ở ngoài đời thì nuối tiếc, nhớ thương, rơi lệ… “Khóc” để cho thời gian một tiếng nói, bởi thời gian vốn im lặng. Không ai thấy được thời gian và nghe được thời gian. Các giác quan của ta chỉ cảm nhận được công năng dưới hình thức ánh sáng, chuyển động của vật thể mà thôi. Ý thức được thời gian qua trung gian sự cảm nhận, hay nói cách khác, những cảm nhận tạo cho chúng ta những ý niệm về thời gian…
“ Hoa vàng rơi
( Tôi khóc anh ơi ! )
Đàn rung tiếng
Người yêu đi rồi…”
( Bích Khê – “ Thi vị ” – Tinh Huyết )
Đây là sự tìm lại quá khứ của một quá khứ. Đàn không còn được gãy lên nữa. Nhưng dư âm buổi chia tay với Ngọc Kiều vẫn còn vọng về, vọng về mãi. Cho nên thời gian ở đây đi theo những chu kỳ như sau :


QUÁ KHỨ XA( Tiễn chân người yêu)- QUÁ KHỨ GẦN (Buồn nhớ)
- HIỆN TẠI (sự xuất hiện của thơ) - TƯƠNG LAI (Thăng hoa bằng mơ mộng)

Ta có thể nhận rõ : Tác giả đang nhìn lại lúc chia tay. Và thời gian đã hiện diện ở nơi ông bởi sự cô đơn và vô vọng. Ông đang chiêm ngưỡng vô biên và mọi cái vô biên đang tràn ngập trong hiện tại. Biết chiêm ngưỡng vô biên của không gian tức là đếm được bước đi của thời gian. Biết chiêm ngưỡng vô biên tức cũng là biết thưởng thức – nói theo ngôn từ của Shaupenhauer là biết chiêm ngưỡng ý người. Nhưng muốn chiêm ngưỡng, trước hết cần phải có khả năng siêu việt mà Shaupenhauer gọi là thiên tài ( génie ). Phải chăng Bích Khê cũng là một thiên tài trong làng thơ Việt nam? Trong Thi nhân Việt nam, Hòai Thanh nhận định về Bích Khê như sau: “Tôi đã gặp trong Tinh huyết những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt nam:
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông”(9)
Phạm Hòa Việt
______________________________________________________________________________
(1) Kim Định, Chữ Thời (nxb Sáng, 1967), tr.30-31.
(2),(3),(4) Bích Khê, “Cùng một cô đào hát bộ”, Tinh Huyết (Trọng Miên
xuất bản, 1939).
(5) Hàn Mạc Tử, trong bài tựa Tinh Huyết.
(6) Tên một nhân vật trong tác phẩm Chùa Đàn, của Nguyễn Tuân.
(7) Quách Tấn, Đời Bích Khê (nxb Lửa Thiêng, 1971),tr.10.
(8) Huỳnh Phan Anh, “Hành Trình Của Tác Phẩm”, Tạp chí Văn
(Tháng11,1969), tr51.
(9) Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi Nhân Việt Nam

Nguồn: Bài đã đăng trên trang Yahoo Bog của Phạm Hòa Việt
http://vn.360plus.yahoo.com/hoavietqt
READ MORE - Phạm Hòa Việt - BÍCH KHÊ : THƠ VÀ THỜI GIAN