Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, September 7, 2010

MINH TỨ - MÂY TRẮNG BAY TRÊN ĐỈNH TRƯỜNG SƠN



Ảnh từ trang www.varchi.com


Bút ký


"Trường Sơn đông nắng tây mưa

Ai chưa đến đó như chưa rõ mình."

Câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết thời chiến tranh mà bây giờ đọc lại vẫn thấy xốn xang kỳ lạ. Với Trường Sơn, chúng tôi cứ đi đi, về về với các bản làng đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô, và mỗi lần như thế luôn thắp lên ước vọng về một cuộc đổi đời cho miền tây gian lao nhưng anh dũng kiên cường.

Chắc có lẽ nhiều người chưa quên chuyện ông Kbo, nhà dân tộc học người Hunggari hồi những năm tám mươi của thế kỷ hai mươi đã đến với vùng đồng bào dân tộc miền tây Quảng Trị. Quá say mê với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô Hướng Hóa nên ông quyết định làm nhà sàn ở lại nghiên cứu dân tộc học, để rồi vợ ông phải thân chinh qua Việt Nam nhờ Đại sứ quán tìm tung tích.

Ngày trở về, chia tay với bản làng và những người dân miền tây hào hiệp, mến khách, khi được các lãnh đạo huyện hỏi: "Qua thời gian thâm nhập thực tế dài như thế, theo ông làm thế nào để miền núi tiến kịp miền xuôi?", ông Kbo nói rằng: "Tôi không phải là kinh tế gia, cũng không phải là chính trị gia mà chỉ là một nhà dân tộc học, nhưng nếu được phép nói thì theo tôi phải có một con đường". Con đường mà ông đề cập ở đây là yếu tố để chuyển tải nền văn minh, có con đường là có tất cả.

Lời ông Kbo nói vậy ai cũng thấy được bởi có sống với miền tây hồi ấy mới thấy việc dịch chuyển đi lại ở miền núi khó khăn đến mức nào. Chuyện cũ có thật, có lần huyện gửi công văn mời cán bộ xã ra huyện họp, công văn gửi đi mười ngày sau mới đến đến được xã thì cuộc họp đã diễn ra cách đó lâu lắm rồi. Mà có nhận được sớm hơn thì ở vùng sâu Hướng Hóa, Đakrông phải cơm đùm, cơm vắt lội bộ bao nhiêu dặm đường rừng ra đến huyện mất hơn ba ngày đường, cả đi lẫn về mất một tuần chỉ để họp có một ngày.

Còn sản phẩm hàng hóa của dân làm ra thì khỏi phải nói, một quả dứa nặng một ký ở Abung, Ango, Đakrông bán 500 đồng cũng chẳng ai mua bởi không ai có thể gánh gồng trèo đèo, lội suối ra được đến chợ thị trấn để bán. Có khi đến mùa thu hoạch bà con phải bỏ đi sản phẩm mà biết bao công sức của mình đã đổ ra.

Nhắc lại một vài chuyện cũ như thế để thấy rằng đầu thế kỷ hai mươi mốt khi nhà nước mở con đường Trường Sơn thời công nghiệp hóa đã mở ra "con đường tương lai giàu có của Tổ quốc ta". Một thuận lợi là đường Trường Sơn từ miền tây Quảng Bình qua Quảng Trị có hai nhánh đi song song theo Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây với điểm gặp gỡ là cầu Đakrông theo đường 14 chạy dài vào Thừa Thiên- Huế có tổng chiều dài 180 km. Và, như thế những vùng núi đồi hàng ngàn năm u tịch ở miền tây của các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Đakrông và Hướng Hóa được đánh thức.

Cách đây mươi năm về trước, để đến được Sen Bụt, Cù Bai, chúng tôi phải đi xe ba cầu băng qua hàng chục cây số đường rừng hiểm trở, quanh năm vắng bóng con người, còn bây giờ dọc đường vào đã thấy thấp thoáng những điểm dịch vụ của dân từ Khe Sanh, Lao Bảo vào bán hàng nhan nhản khắp bản làng. Con đường khai mở đến đâu là có sự giao thương đến đó. Dọc đường lên Cù Bai chúng tôi phóng xe chạy băng băng trên con đường thảm nhựa, tha hồ ngắm nhìn những cánh rừng nguyên sinh miên man với đủ loại cây đẹp đến mê hồn.

Đã nhiều lần lên với Trường Sơn nhưng lần này tôi mới có dịp cảm nhận đầy đủ hơn vẻ đẹp của những cánh rừng. Khi nắng xuân lan tỏa xua tan màn sương mỏng buổi sớm mai, cũng là lúc tiếng chim hót líu lo chào buổi sáng vang động tạo nên một bản đại hợp xướng của rừng. Thi thoảng trên đường bắt gặp những chú sóc nhảy ngang qua đường. Thú vị hơn cả là khi đoàn chúng tôi bắt gặp đôi gà lôi lam mào trắng trên đường đi Cù Bai với bộ lông thật sặc sỡ, loài gà được ghi trong sách đỏ và còn rất ít ở Việt Nam.

Một thành viên đi trong đoàn chúng tôi tỏ ý lo ngại cho những cánh rừng nguyên sinh quý giá này liệu có được gìn giữ, bảo tồn nếu không có kế hoạch bảo vệ ngay từ bây giờ. Đường Trường Sơn đâu chỉ là con đường chiến lược phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng mà còn là con đường của du lịch sinh thái rất hấp dẫn.

Anh bạn ở Văn phòng Huyện ủy Hướng Hóa cùng đi nói với tôi rằng hãy chờ đêm xuống ở nơi này mới thấy hết cảnh đẹp của miền tây. Quả thật ở tây Trường Sơn đêm xuống trời se lạnh, sương giăng giăng cả triền núi. Mùa này cà phê bắt đầu nở hoa trắng cả những quả đồi bạt ngàn. Có thể nói nếu như đất Hướng Hóa rất phù hợp cho việc phát triển trồng cà phê thì Hướng Phùng là nơi có tập trung với diện tích cà phê khá lớn với hơn 1500 ha. Nguồn lợi từ trang trại, nương rẫy cà phê mang lại không chỉ cuốn hút người dân miền xuôi lên đây lập nghiệp mà còn làm cho bà con dân tộc Vân Kiều bấy lâu nay chỉ quen với tập quán canh tác lạc hậu: phát, đốt, cốt, trỉa cũng chuyển sang làm cà phê với kỹ thuật canh tác mới. Đã có 80% hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều ở Hướng Phùng có vườn cà phê chè từ 2-3 ha.

Trong khi nhiều người trồng cà phê trong cả nước phải lao đao thì cà phê chè ở Hướng Hóa vẫn được giá. Sản phẩm chế biến của Công ty cà phê- dịch vụ đường 9, Công ty hồ tiêu Tân Lâm, Công ty chế biến cà phê Thái Hoà vẫn có thị trường tiêu thụ tốt không chỉ ở Tây Âu mà còn xuất sang cả Mỹ. Chỉ có điều còn phân vân của bà con nông dân hôm chúng tôi dừng lại ở Hướng Phùng là cách tổ chức thu mua của các công ty chế biến chưa tốt, nên gây ra cảnh nông dân bị ép giá. Giá sụt một tí là người trồng cà phê chết đứng bởi công chí phí đầu tư chăm sóc cho cây cà phê rất lớn.

Mà thôi, chuyện cây cà phê thì nói bao nhiêu cho hết, trong khi chuyện đồng bào các dân tộc miền tây sống trên đất đai màu mở, bạt ngàn mà phải chịu cảnh đói nghèo là chuyện đáng bàn. Cũng cần phải nói rằng Nhà nước đã đầu tư nhiều cơ sở vất chất hạ tầng để cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc, nhưng nhìn chung cuộc sống của bà con vẫn chưa khá lên được. Những năm trước đây hầu như năm nào cũng vậy, cứ vào cử này lên miền tây là nghe chuyện đồng bào dân tộc thiếu đói. Cái đói của đồng bào dân tộc được hiểu là thiếu gạo ăn, phải ăn ngô, ăn sắn thay cơm. Đó là cái đói triền miên chưa dứt được bởi tập tục canh tác lạc hậu: phát, đốt, cốt, trỉa; là diện tích lúa rẫy, ruộng nước còn quá ít, chưa được tích cực khai hoang để canh tác; là cái sự thiếu căn cơ tự thân của đồng bào khi làm được chừng nào lương thực đều dốc vào ghè rượu uống suốt mùa ăn mừng lúa mới.

May mà mấy năm trở lại đây có nhà máy chế biến tinh bột sắn ra đời, người dân trồng sắn bán được giá nên đời sống có nhiều cải thiện. Tôi đã gặp trên dọc hành trình Trường Sơn những nhân tố điển hình. Đó là những ông chủ trang trại đã làm chủ được cái nương, cái rẫy của mình, như Hồ Cài ở bản Trằm, xã Hướng Tân, Hướng Hóa có trang trại cà phê với diện tích 5 ha, mỗi năm thu hơn 70 tấn cà phê, cùng với cơ sở chế biến và các nghề phụ khác mỗi năm thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng. Tôi đã gặp Pảtahơn ở xã Thanh, người du kích gan dạ năm xưa trở thành ông chủ giàu có nhờ rẫy sắn, vườn ươm cà phê thu nhập hàng năm lên đến hàng chục triệu đồng, là hình mẫu cho nhiều người làm theo...

Nhưng với miền tây hiện nay, trước hết dân trí là một nhân tố hết sức quan trọng. Đã qua rồi cái thời nhận thức lạc hậu của bà con dân bản rằng con cái chỉ cần biết cái nương, cái rẫy. Hôm chúng tôi rẻ lại Abung, Ango, hai xã biên giới vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Đakrông, kiến nghị đầu tiên của Hồ Liên, chủ tịch xã Ango và Ađeng Thiếu, chủ tịch xã Abung là mong muốn tỉnh, huyện quan tâm mở thêm trường lớp cho con em học lên bậc học cao hơn tại cụm Tà Rụt, vì hiện nay ở địa phương mới chỉ có mới có lớp nhô. Còn Hồ Thị Lý, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hướng Phùng, Hướng Hóa thì nói với tôi rằng chị muốn được học lên thêm nữa mặc dù chị đã từng được đào tạo để làm cô giáo, bởi theo chị không có tri thức thì không làm được cán bộ tốt.

Khát vọng đó càng được nhân lên khi Hồ Thị Ân, ở bản Saly, Hướng Lập thổ lộ cùng tôi: "Mình lấy chồng sớm nên thấy tiếc cái thời trẻ không chịu học, bây giờ muốn học lên thì không có điều kiện". Tôi chia sẻ với suy nghĩ của Ân, bởi mới 28 tuổi đầu Ân đã có ba con nhỏ. Ân cho biết đã kiên quyết kế hoạch hóa để có điều kiện chăm sóc con cái và sắp tới có điều kiện đi học thêm cho có tri thức để về xã làm việc tốt hơn.

Khi con đường nối hai phía Trường Sơn, dự phóng về miền tây phát triển đang hiển hiện từng ngày. Và hôm nay dọc theo con đường Trường Sơn huyền thoại, khi lên thăm cột mốc biên giới R16 ở cửa khẩu quốc gia La Lay trong một buổi trưa mây trắng bay lãng đãng qua dọc triền núi, đứng ở cột mốc, nơi có độ cao hơn 500 m so với mặt biển, cảm giác sóng mũi cứ cay cay. Bất chợt tôi lại nghĩ đến lòng dân miền tây, nghĩ đến những người lính biên phòng, những thầy cô giáo đang cắm bản dọc khắp nẻo Trường Sơn mà tôi từng gặp. Có các anh các chị, có lòng dân miền tây, biên giới luôn trường tồn, cho những áng mây trắng như buổi trưa này cứ mãi bình thản bay qua trên đỉnh Trường Sơn hùng vĩ nắng lắm mưa nhiều.

Minh Tứ

Nguồn: vn.360plus.yahoo.com/minhtuqtri

No comments: