Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, February 27, 2010

LINH ĐÀN - DỊ BẢN BÀI THƠ “ĐỘC TIỂU THANH KÝ” CỦA NGUYỄN DU



Nhân chuyến đi sứ Trung Hoa năm Quý Dậu 1813 Triều Gia Long thứ 12, Tiên Điền Nguyễn Du (1765 – 1820) sáng tác rất nhiều áng thơ hay làm bằng chữ Hán (Đa phần là thơ Đường luật thất ngôn bát cú), trong đó có bài thơ:













ĐỘC TIỂU THANH KÝ

Tây Hồ mai uyển (1) tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Chỉ phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân (2) khấp Tố Như

Nguyễn Du
(1) Có bản chép: hoa uyển
(2) Có bản chép: thùy nhân

Bài thơ nầy đã đi vào nền văn học của nước nhà, nhưng vẫn từ lâu không ít người thơ, kể cả những nhà nghiên cứu văn học không khỏi thương thầm tiếc rẻ, là một bài thơ bị thất niêm ở hai câu kết. Cái lỗi thất niêm nầy chúng ta phải nghĩ lại, bài thơ trên có phải nguyên tác đã thành văn hay chưa, hay là bản thảo (bản nháp) mà người sưu tầm bắt gặp (trong Bắc Hành thi tập) rồi để nguyên như thế, thành ra những ấn phẩm sau nầy bị sai lạc chăng? Chúng tôi sẽ đề cập sau.


Đến đây xin đại khái nói về nàng Tiểu Thanh:


Vào đầu Đời Minh ở tỉnh Chiết Giang bên Trung Hoa có một người con gái sống trước Nguyễn Du 300 năm, nàng có mấy cái tuyệt: Giai nhân tuyệt sắc, Văn chương tuyệt tác, Nét chữ tuyệt bút. Nàng là người họ Phùng lấy lẽ một người chồng có tên là Phùng, vì trùng tên chồng nên đổi là Tiểu Thanh. Người vợ cả quá ghen tuông ác độc, ép nàng về sống dưới chân núi Cô Sơn hiu quạnh, những tác phẩm của nàng bị đốt cháy một cách oan uổng phũ phàng, bỡi thế nàng tuyệt mệnh vào năm mười tám xuân xanh.


Nhân chuyến Bắc Hành nầy Nguyễn Du đọc đến bài ký của nàng còn sót lại mấy tờ mà không khỏi ngậm ngùi thốt lên:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.

Có nghĩa là “không biết ba trăm năm sau, trong thiên hạ có ai người khóc Tố Như ?” cũng như Nguyễn Du đã khóc người sống trước mình 300 tuổi, tự thấy như người cùng hội cùng thuyền, đó là tấm lòng riêng của tác giả.


Để trở lại bài thơ trên có bị thất niêm không? Trên phương vị tìm hiểu chúng ta hãy cùng nhận thức:

Đại thi hào Nguyễn Du làm thơ mà bị thất luật thất niêm là điều không thể xẩy ra được, và không thể so sánh với bất cứ một ai, ở bất cứ thời đại nào, nên không thể ví với bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, Thục Trung Cửu Nhật của Vương Bột, hay Kim Lũ Y của Đỗ Thu Nương được v.v...Ở Đời Đường, luật thơ chưa chặt chẽ cho lắm, còn về thời Lý, Trần, Lê của nước ta luật Thơ Đường đã nghiêm chỉnh lắm rồi, mà còn khắt khe nữa là đằng khác, huống chi thời Nhà Nguyễn, mà người xưa gọi là “Thơ Luật”, hơn nữa Nguyễn Du là giám khảo các kỳ thi Hương dưới Triều Gia Long. Ngày xưa các môn thi của các khoa thi Hương đều có” THI, THƯ, LỄ, NHẠC, ĐỘC”.


Vậy THƠ LUẬT là bộ môn chính của trường thi:
Khoa Đinh Mão - Gia Long thứ 6 (1807) tại trường thi Hải Dương

Đề điệu là Tham Tri Bộ Công Nguyễn Ngọc Ngoạn
- Giám thí là Đốc học Quốc Tử Giám Nguyễn Viết Ưng
- Giám khảo là Đông Các Học Sĩ Nguyễn Du
Cả trường thi có biết bao nhiêu sĩ tử dự thí, nhưng chỉ lấy đậu 5 người.
(Theo sách Quốc Triều Hương Khoa Lục của Cao Xuân Dục –trang 95)



Như thế Nguyễn Du đã đánh hỏng biết bao nhiêu thí sinh về bộ môn "thơ luật" nầy? Thế mà Nguyễn Du lại làm thơ thất niêm thì biết ăn nói làm sao với thí sinh của cụ, biết trả lời sao với khách văn chương và hậu thế? Hơn nữa, thời bấy giờ có các nhà uyên bác như Phạm Đăng Hưng là bạn quan trường, Phạm Quý Thích (viết tổng luận Truyện Kiều) và rất nhiều người bạn thơ nữa, nên cụ không thể vô tình làm thơ để cho thất niêm được.



Nói về một DỊ BẢN của bài thơ nầy, mà tôi xin giới thiệu dưới đây, tôi đã thuộc lòng vào đầu thập niên 1950 thì không hề bị thất niêm qua thiên hồi ức sau:


Trong những năm kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), ở vùng Lan Đình, Gio Linh chúng tôi, việc học hành vô cùng khó khăn, trở ngại trăm bề, không thể đến trường học chữ Quốc ngữ được, nên phải ở nhà học chữ Hán. Thầy dạy chúng tôi là cụ cử nhân Trần Doãn Trai, tham tri Hộ Bộ hồi hưu; các nho sĩ thời bấy giờ rất khó đi lại với nhau, hơn nữa hai người con trai lớn của Thầy đi theo kháng chiến làm lớn cho Việt Minh, nên Pháp cô lập nhà Thầy, chẳng có cách nào tốt hơn là bày lớp dạy trẻ cho quên ngày tháng. Lớp học của chúng tôi thời bấy giờ Thầy gọi là lớp VÔ THƯ, vì trước đó nửa năm nhà Thầy bị Tây đốt cháy sạch, không còn một quyển sách nào, thầy nhớ đâu dạy đó và chúng tôi học cũng không có tập vở, bút mực gì hết, chỉ viết trên khay cát, thế mà tiếp thu thật tốt, cách giảng bài của thầy rất dễ cảm và gần gũi, nên chúng tôi đứa nào đứa nấy thích học hơn chơi. Hai năm sau mới tập viết trên giấy dó, bút lông mực tàu và son đều tự chế vì quanh vùng rất hiếm bán dụng cụ học sinh. Đến cuối năm 1949 Tây đi lùng suốt ngày, việc học lại khó khăn gấp bội, lớp chúng tôi mấy anh lớn có anh bị Tây bắn chết, có anh vào du kích và nhiều anh lấy vợ ở nhà làm ruộng, chỉ còn lại sáu đứa kiên trì học với Thầy, đến thời gian đó chúng tôi viết đọc cũng được lắm rồi. Thầy bắt đầu dạy thơ chữ Hán, vào đầu năm 1950 đường sá đi lại có dễ hơn một chút, Thầy viết thư bảo tôi vào làng Hà Trung (phiá Nam huyện lỵ Gio Linh) đến nhà cụ Khôi (thuộc dòng thượng thư họ Trần Đình) mượn bộ sách "Thượng Thi Tập Ngâm" đem về sao chép. Vì nể tình nên cụ Khôi cho mượn cả bộ. Nói về bộ "Thượng Thi Tập Ngâm" nầy gồm có ba quyển (Thượng, Trung, Hạ) viết tay bằng giấy dó mực Tàu, bìa phết nước sim giấy bồi trông thật cổ kính thiêng liêng. Nội dung là ghi chép các bài thơ hay: Thơ Đường Trung Hoa, Thơ Đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn của nước ta, thơ của các cụ trong dòng tộc sáng tác và những bài văn ai, bài phú nổi tiếng của thời xưa, kể cả thơ Chữ Hán và Thơ Nôm, viết qua nhiều thời kỳ, nên có nhiều cách viết khác nhau, có bài viết chữ triện pha lệ, có bài viết chữ chân và rất nhiều bài viết chữ thảo, nét son điểm hàng, khuyên đơn, khuyên chuỗi trong thật công phu khả kính. Bộ sách ấy rất có giá trị về văn học, nhưng rất tiếc là của dòng tộc nên không được in thành sách lưu hành trong dân gian.


Tôi còn nhớ rất kỹ, chính tay tôi sao chép cả năm trường mới được hai quyển, vì hồi đó chiến tranh, phần thì phải trốn giặc Tây, phần thì ca-nông, moóc-chê nổ bất thình lình, nên khi viết được khi không, chưa chép đến quyển Hạ thì cụ Khôi đến đòi lại, vừa trả sách được mấy hôm, Tây về đốt nhà Thầy lần thứ hai, cháy luôn hai quyển vừa mới chép, may mà trả lại được bộ cũ. Thế rồi Thầy cũng thôi dạy, chúng tôi cùng theo học trường chiến khu vùng Việt Minh.



Trong thời gian chép tay tôi thuộc được nhiều bài thơ, trong đó có bài ĐỘC TIỂU THANH KÝ, Thầy tôi say sưa với bài thơ này, rồi chúng tôi cũng ngâm theo Thầy, thành ra thuộc lòng như thế nầy:


ĐỘC TIỂU THANH KÝ

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Tây Hồ mai uyển tẫn thành khư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Chỉ phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

Nguyễn Du


Bài nầy thì không bị thất niêm, nhưng chưa thấy có trong văn chương nước nhà, nên chúng tôi tạm gọi là Dị Bản.

Vậy chúng ta cùng tìm hiểu.

Cần Chánh điện Học sĩ Nguyễn Du làm quan tại triều dưới thời Gia Long, đồng thời với các cụ thượng thư người quê Hà Trung (làm quan thượng thư liên tục nhiều đời) là bạn thơ văn của cụ, nên tôi thấy bài chép nầy rất chính xác, nhưng rất tiếc trong những năm chống Mỹ vùng quê Gio Linh gọi là vùng Bạch Hóa (san bằng), dân chúng chạy loạn nên rồi thất tán, không biết bộThượng Thi Tập Ngâm ấy người trong dòng tộc có còn giữ được hay không? Mãi tới nay tôi cố tìm nhưng chưa được gặp.
Thử lạm bình tạm gọi bài trước là nguyên bản bài sau là dị bản, với hai câu mở đề của nguyên bản:


Tây Hồ mai uyển tẫn thành khư (phá đề)
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư (thừa đề)


Có nghĩa là cảnh "vườn mai xứ Tây Hồ đã biến thành gò hoang" hết rồi tác giả mới "đến viếng ngồi trước cửa sổ đọc mấy tờ sách" của nàng Tiểu Thanh còn sót lại, nhìn thấy cảnh vật đổi dời trong tưởng tượng làm cho tác giả nhuốm một nỗi sầu, rồi liên tưởng việc muốn nói điều đó cũng có lý. Nhưng cảnh vật ấy so với đời tư của cụ thì có thấm vào đâu đối với cuộc "Giang sơn đổi chủ" giữa triều Lê, triều Tây Sơn và Triều Nguyễn mà Cụ là chứng nhân lịch sử? Nỗi hoài Lê là nỗi lòng thầm kín gấp cả trăm ngàn lần cảnh "vườn mai Tây Hồ" xa lạ ấy, cho dù có thay đổi mấy cũng không thể làm xao động được cõi lòng của Nguyễn Du, do đó cách nhập đề lung khởi như trên là không ổn mà câu thơ trở nên lạc lõng làm sao.


Với hai câu mở đề của dị bản:


Độc điếu song tiền nhất chỉ thư (phá đề)
Tây Hồ mai uyển tẫn thành khư (thừa đề)


Có nghĩa là "viếng thăm ngồi trước song cửa sổ vừa đọc mấy tờ sách" của nàng Tiểu Thanh còn sót lại rồi nhìn ra cảnh vật bên ngoài nào "vườn mai xứ Tây Hồ (ngày trước) nay đã biến thành gò hoang" làm cho cõi lòng của tác giả thêm một chút bâng khuâng thương nhớ vẩn vơ. Chúng ta thấy cách nhập đề trực khởi như trên rất hợp lý, làm cho câu thơ mạnh thêm lên, mạch thơ vô cùng thông suốt. Cũng như trong Truyện Kiều nhập đề hết sức trực khởi:


Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau


"Tài mệnh" là mục đích chính của cốt truyện, còn Nàng Kiều chỉ là nhân vật chính mà thôi, do đó Truyện Kiều bất hủ là thế, thì ở đây cũng không thể khác được.


Bây giờ ta thử nhìn cặp thực và cặp luận, có nghĩa là hoán vị lẫn nhau:


Chỉ phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư

Có nghĩa là son phấn có cái thần của nó, chính bởi cái thần đó mới mang một nỗi đau sau khi giã biệt, văn chương không có số mệnh làm sao khỏi ưu phiền khi tác phẩm bị đốt cháy oan uổng đến thế.

Hai câu thơ trên tự nó suy diễn một cách sâu rộng cho toàn ý bài thơ. Vậy điểm nhãn cho bài thơ là chính hai câu thơ đó, thì làm sao đứng vào vị trí cặp thực cho được, mà đứng vào cặp luận là vô cùng hợp lý.


Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư


Có nghĩa là: "những việc oán hận xưa nay làm sao thấu đến trời, rồi nỗi oan kỳ lạ của một kiếp người mà ta tự thấy có mình trong đó".

Vậy có phải diễn tả sự thật phũ phàng của lẽ đời xưa nay là như thế, thì làm sao đứng vào cặp luận cho được?
Còn hai câu kết như chúng tôi đã nói ở trên, nên ở đây không bàn tới, duy còn chữ hà nhân hay thùy nhân mà xưa nay còn trong vấn đề tranh cãi.


Vậy ta hãy xem chữ thùy mà người xưa dùng trong thơ chữ Hán như thế nào.


Lâu Dĩnh trong bài Tây Thi Thạch:

Nhất khứ Cô Tô bất phục phản
Ngạn bàng đào lý vị thùy xuân?

Cô Tô một chuyến đi đi biệt
Đào lý bên bờ xuân với ai?

Khương Hữu Dụng dịch

Văn Thiên Tường (Nguyễn Công Trứ trong bài Chí làm trai):


Nhân sinh tự cổ thùy vô tử?
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh


Người đời từ trước ai không chết
Cốt để lòng son rọi sử xanh


Á Nam Trần Tuấn Khải dịch (?)


Đặng Trần Côn: Chinh Phụ Ngâm (chữ Hán):

Mạch thượng tang! Mạch thượng tang
Thiếp ý quân tâm thùy đoản trường?


Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Đoàn Thị Điểm dịch


Chinh phu mạo thùy đan thanh?
Tử sĩ hồn thùy ai điếu?


Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn

Đoàn Thị Điểm dịch


Vậy ta thấy chữ thùy đứng riêng mà không cần có chữ nhân vẫn đủ nghĩa cho một câu thơ mang thể nghi vấn. Nhưng trong thơ chữ Hán vẫn không thiếu chữ thùy nhân, thùy gia, thùy tâm, thùy vị, v.v…


Và ta thử xem cách dùng chữ Hà:

Chữ hà đứng sau chữ như:

Lý Thường Kiệt:


Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư


Chữ hà đứng trước chữ nhân:

Cách ngôn xưa:

Thiên sinh nhân hà nhân vô tộc?
Địa sinh thảo hà thảo vô căn?

Trời sinh người người nào không họ?
Đất sinh cỏ cỏ nào không rễ?

Đỗ Phủ trong bài Càn Nguyên Trung Ngụ Cư Đồng Cốc Huyện, bài số 3:


Hữu đệ, hữu đệ tại viễn phương
Tam nhân các sấu hà nhân cường?

Em trai, em trai ở phương xa
Ba người yếu đuối ai người khỏe?

Bạch Cư Dị trong bài Ức Dương Liễu:
Dao ức thanh thanh giang ngạn thương
Bất tri phan chiết thị hà nhân?

Xao nhớ xanh xanh trên bến ấy
Vin cành bẻ liễu biết là ai?

Khương Hữu dụng dịch


Trương Nhược Hư: Bài Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ

Giang bạn hà nhân sơ kiến nguyệt?
Giang nguyệt hà niên sơ chiếu nhân
…………………………………………
Giang nguyệt niên niên vọng tương tự
Bất tri giang nguyệt chiếu hà nhân?

Ai người trước đã trông trăng ấy
Trăng ấy soi người tự thuở nao?
…………………………………..
Trăng vẫn năm năm sông nước giãi
Soi ai nào biết được lòng trăng?

Khương Hữu Dụng dịch.

Chữ hà dùng rất đa dạng trong thơ chữ Hán như: hà danh, hà tánh, hà sự, há xứ, hà phương, v.v…
Thôi Hiệu trong bài Hoàng Hạc Lâu:


Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu


Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai

Tản Đà dịch


Trên đây chúng tôi dẫn dụ một vài khái niệm về chữ hà và chữ thùy trong các câu thơ xưa, nhưng cũng không thể quyết đoán chắc chắn được. Dù sao với câu kết "Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như", hơi thơ vẫn nghe thấy mạnh mà từ xưa nhiều nhà uyên bác tán đồng.

Ngày nay chữ Hán đã lùi sâu vào quá khứ, đa phần những bài thơ chữ Hán đã bị quên lãng, nếu không có Đoàn Thị Điểm dịch Chinh phụ ngâm khúc, thì bản chữ Hán của Đặng Trần Côn hay đến thế cũng mai một với thời gian. Nếu không có Phan Huy Vịnh dịch Tỳ Bà Hành, Tản Đà dịch Trường hận ca và các nhà thơ khác dịch thơ Đường thì thơ Đường ngày nay cũng vắng bóng. Đặc biệt là thơ Lý, Trần, Lê, Nguyễn của nước ta làm bằng chữ Hán một lượng thơ vô cùng lớn lao và giá trị, được các cụ ngày xưa như Ngô Tất Tố, Bích Khê, Lê Thước, Đinh Gia Khánh, Đinh Văn Chấp, Phan Kế Bính, Bùi Huy Bích, Á nam Trần Tuấn Khải,v.v… đã dày công sưu tầm và dịch ra thơ Nôm để hôm nay chúng ta thừa hưởng kho tàng văn học nước nhà thật là phong phú. Còn nói về những bài thơ rất dễ thuộc mà không cần diễn Nôm như bài Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt thì rất hiếm mà có lẽ duy nhất, còn bài Cáo Tật Thị Chúng của Mãn Giác Thiền Sư thì đa phần người nghiên cứu về Đạo Phật mới thuộc lòng. Riêng bài ĐỘC TIỂU THANH KÝ rất nhiều người thuộc, nhưng chỉ thuộc lòng hai câu kết.

Còn Dị bản Độc Tiểu Thanh Ký mà chúng tôi giới thiệu ở đây rất có cơ sở văn học, nhưng chưa thấy phổ cập trong văn chương Việt Nam. Vậy ước mong những nhà nghiên cứu văn học bổ khuyết thêm. Chúng tôi kính gởi đến quý độc giả lời chào trân trọng.



SÔNG XƯA

Nay về thấy lại sông xưa

Hiền Lương vẫn nước lững lờ chảy xuôi

Tang thương qua mấy lớp người

Dòng sông thầm nhắc những lời Nước Non

(1992)


ĐỌC TIẾP:


BÀI THƠ ĐIỆP TỪ

LẦU HOÀNG HẠC, dịch

GẶP TRƯƠNG QUÂN

HỒI HƯƠNG KÝ SỰ, THƠ

READ MORE - LINH ĐÀN - DỊ BẢN BÀI THƠ “ĐỘC TIỂU THANH KÝ” CỦA NGUYỄN DU

Friday, February 26, 2010

TRẦN TÍCH - MƯA CHIỀU KHE SANH

Nhạc sĩ Trần Tích ( người cầm đàn)





Trước khi trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp, Trần Tích là người hoạt động trong phong trào âm nhạc thị xã Đông Hà, là cán bộ của phòng VH-TT. Viết nhiều thể loại nhạc cho kịch, cho múa, độc tấu nhạc cụ; trong đó ca khúc chiếm ưu thế. Từ cuộc sống lao động khẩn trương, sôi động của người dân Đông Hà dựng xây lại “Thị xã ngã ba” nơi anh cư trú, Trần Tích đã sáng tác ra nhiều ca khúc mà đa phần đều choáng ngợp trước sự thay đổi nhanh chóng của quê hương: Bài ca người thợ thêu; Tình ca người khai thác; Nghề em thấm đượm nghĩa tình; Mùa xuân của chúng ta; Khúc hát trên công trường thuỷ lợi cầu Đuồi... đều là những ca khúc anh dành riêng cho Đông Hà. Nhưng phải đợi đến năm năm sau (1980) khi “Nhịp chèo sông Hiếu” ra đời, Trần Tích mới chính thức bước vào con đường làm nghệ thuật chuyên nghiệp. Nhưng trước hết hãy xem cái gì tạo nên thành công ở ca khúc này.

Đã có lần anh tâm sự với đồng nghiệp Võ Thế Hùng như sau: Một đêm, gió lào đầu mùa ào về như con ngựa tung vó trên từng ngọn tre, làm xào xạc cả đôi bờ sông Hiếu. Anh đứng trên cầu Đông Hà dõi mắt về phía cửa sông, ánh sáng vàng mơ của trăng hạ tuần đang lan ra trên từng gợn sóng, phía bờ Nam điện sáng lung linh. Một giọng hò ai đó cất lên lan toả một vùng sông nước, một mái chèo nhẹ lướt trong đêm. Trong miên man anh nhớ lại, chính trên dòng sông Hiếu này đoạn gần ngã ba Gia Độ, quân và dân địa phương đã phối hợp với bộ đội chủ lực dựng lên thế trận “Bạch Đằng giang” tuyệt đẹp, nhấn chìm nhiều tàu chiến Mỹ vào một ngày xuân 1968... Bằng nhịp chèo, thông qua nhịp chèo, tác giả đã chuyển tải đến cho người nghe bức thông điệp về mảnh đất, con người Đông Hà anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bao nhiêu thì nay hồ hỡi, náo nức bấy nhiêu trong công cuộc tái thiết, xây dựng cuộc sống mới. Bức tranh sinh động ấy đã được tác giả triển khai trên một cặp phạm trù đối xứng có sự kế thừa giữa quá khứ / hiện tại bằng nhiều cụm ca từ trong sáng, súc tích tương xứng với tuyến giai điệu lên bổng xuống trầm, kết hợp nhiều loại hình tiết tấu từ điệu hò khoan và những điệu hò sông nước của quê hương. Có thể nói sự vận dụng ấy khéo léo đến mức ca khúc “lấp lánh, lung linh, có đoạn đang rạt rào như sóng gió mùa hè, bỗng nhiên dịu dàng như một lời nhắn nhủ”:

Em chèo thuyền đi / em chèo thuyền đi / Anh nghe chăng tiếng gọi năm nào / Khoan khoan hò khoan... Thuyền em đưa quân đến / Thuyền em đưa quân về / để em nhớ em mong / Khoan khoan hò khoan ơi khoan hò khoan...

Dòng sông Hiếu quê em / những chiến công lịch sử anh hùng / Nơi đây chèo em khua quân thù khiếp sợ / Giọng em hò giặc Mỹ run tay / Khoan khoan ơ hò khoan ơi khoan hò khoan...

Tiết tấu có vẻ như hành khúc, ấy thế mà nghe vẫn thấy sự đong đưa, dìu dặt, mênh mang thật khó diễn tả. Đặc biệt tiếng xô tập thể đã tạo nên sự vang vọng trầm hùng, lắng đọng mà mênh mông vô tận, trải dài lan toả theo sóng nước Hiếu Giang. Đã đành âm nhạc là cái gì đó thật khá trừu tượng mà người nhạc sĩ có nhiệm vụ giúp người nghe cảm nhận cho dù đó là cảm nhận mơ hồ bằng biểu tượng âm thanh về cái hay, cái đẹp của cuộc sống hôm qua và hôm nay. Với “Nhịp chèo sông Hiếu”, nhạc sĩ Trần Tích đã dâng tặng cho Đông Hà một giai điệu xanh mát nhẹ nhàng, ca khúc đi vào lòng người, gây được ấn tượng khó quên trong lòng người nghe. Chính vì thế mà bài hát được chọn làm nhạc mở đầu cho bộ phim “Đông Hà mảnh đất con người”, là một trong tám ca khúc hay được tuyển vào album nhạc đầu tiên (1990) chủ đề về quê hương, mảnh đất, con người Quảng Trị. Tất nhiên sau này anh có nhiều ca khúc hay như bài “Mẹ”, “Nhịp cầu Xuyên Á”, “Mưa chiều Khe Sanh”, “Đón Bác về thăm quê cháu”... nhưng đó là những giai điệu tác giả dành cho cuộc đời nói chung.

Trích từ bài: NHỮNG CA KHÚC TIÊU BIỂU VIẾT VIẾT VỀ ĐÔNG HÀ MANG ÂM HƯỞNG DÂN GIAN trên trang http://www.dostquangtri.gov.vn/ ( không rõ tác giả)




Mưa chiều Khe Sanh

Tác giả: Trần Tích. Ca sỹ thể hiện: Vân Khánh.
Được tìm từ: http://www.ohnhac.com/viet148414/anh_phuong.html



Chiều Khe Sanh nghe gió về
Chiều Khe Sanh mây trắng bay
Từng hạt mưa chiều rơi
Gọi đàn chim về núi
Ngồi bên nhau nghe tiếng sương
Chiều nghe mưa
mưa nói gì

Từng hạt mưa dịu êm
Gọi màu xanh bừng sáng
Từng hạt mưa chiều nay
Cho ta về với nhau

Mưa, mưa, mưa
xua đi bao nhọc nhằn
xua đi bao muộn phiền
Mang đến những niềm vui
Cho Khe Sanh Khe Sanh xanh mãi
Cho tình yêu tình yêu ở lại
Ấm áp những vòng tay
Ấm áp những làn môi
Thắm thiết thắm thiết những nụ hôn
Yêu, sao yêu sao chiều Khe Sanh
Yêu, sao yêu sao một màu xanh
rạng rỡ

Sau cơn mưa Khe Sanh
Sau cơn mưa Khe Sanh
Còn lại còn lại màu xanh
Và còn lại còn lại tình yêu!

Nghe ca khúc MƯA CHIỀU KHE SANH
READ MORE - TRẦN TÍCH - MƯA CHIỀU KHE SANH

Thursday, February 11, 2010

Nữ nhạc sĩ QUỲNH HỢP





Nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp
và những ca khúc phổ thơ
của Mai Thanh Tịnh và Xuân Lợi

Nguyễn Khắc Phước giới thiệu


Nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp hiện đang công tác tại Đài Tiếng Nói Nhân Dân TP Hồ Chí Minh đã hai lần đến thăm Quảng Trị. Lần đầu(tháng 6/2007) nhân kỷ niệm 60 năm ngày thương binh liệt sĩ và một lần khác vào dịp cùng đoàn CCB TPHCM về thăm lại chiến trường xưa nhân kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn huyền thoại (tháng 5/2009).

Trong hai lần đó, chị đã có dịp đặt chân đến những miền quê xa xôi nghèo khó, gặp gở những người dân chất phác thật thà sống cam chịu lao động vất vả trong không khí khô nóng của gió lào bỏng rát thổi suốt mùa hè. Đặc biệt chị đã vào thăm Cổ Thành nơi đã thấm máu biết bao chiến sĩ anh dủng trong trận đánh 81 ngày đêm lịch sử, đã viếng thăm Nghĩa Trang Trường Sơn, nơi yên nghỉ của hơn 10 ngàn liệt sĩ của cả nước đã chiến đấu và hy sinh trên dảy Trường Son thuộc tỉnh Quảng Trị. Chị biết mình đang đứng trên một miền đất đã trải qua và chịu đựng gian khó vào bậc nhất trong chiến tranh, đang gặp những anh hùng đã từng xông pha lửa đạn để diệt được nhiều giặc, đưa nước nhà đến thống nhất vẹn toàn và đang tiếp xúc với những người dân Quảng Trị đang lao động hết mình trong khó khăn để xây dựng lại quê hương.

Trong lúc chị đang dự định viết ít nhất là một ca khúc cho miền quê anh dủng này thì tình cờ chị gặp hai nhà thơ Quảng Trị “chính hiệu”, đó là Mai Thanh Tịnh và Xuân Lợi, cả hai đều đã trải qua tuổi niên thiếu trong bom đạn của chiến tranh nơi miền quê nghèo khó và đang thực sự lao động để dựng xây quê hương. Ngoài công việc ở công trường hoặc cơ quan, họ còn lao động nghệ thuật để diển tả trong thơ của họ những cảm xúc về con người và sự chịu đựng gian khó của họ trong nghịch cảnh cũng như sự vươn lên trong hòa bình, về cảnh đẹp thiên nhiên của quê hương, về kỷ niệm thời ấu thơ và tình yêu đôi lứa. Chị nhận thấy những cảm xúc của mình đã được hai nhà thơ này bằng ngôn ngữ thi ca đã diễn tả khá đầy đủ, và thế là những ca khúc phổ thơ Mai Thanh Tịnh và Xuân Lợi lần lượt cho ra mắt công chúng.

Nhạc Sĩ Quỳnh Hợp viết, “Lời chào đầu tiên đầu tiên của Quỳnh Hợp với Quảng Trị anh hùng là ca khúc Chiều lên đỉnh Sa Mù phổ thơ Mai Thanh Tịnh. Đó là những âm vang của Trường Sơn huyền thoại và những cảm nhận còn tinh khôi của mình về mảnh đất Quảng Trị một thời bị bom cày đạn xới, tận mắt thấy và đắm mình trong sông núi Trường Sơn - nơi thấm máu xương bao CHIẾN SỸ TRƯỜNG SƠN…rồi sau đó là những ca khúc Hải Lăng đất mẹ ngọt ngào, Một thoáng Phương Nam, Đêm độc hành, Tìm thu xưa… và ca khúc Giấc mơ ứa màu (viết cho ngày da cam) đã có những hiệu ứng tốt đối với người nghe.”
Về ca khúc Hải Lăng đất mẹ ngọt ngào, Quỳnh Hợp đã diễn đạt bằng ngôn ngữ âm nhạc để nó “ phảng phất âm hưởng dân ca Quảng Trị. Giai điệu bài hát đẹp, ngọt ngào “khoe” cái vẻ hồn nhiên, tươi mới và đáng yêu của một miền quê. Một bức tranh thật quen và thật lạ mang hồn quê dịu ngọt, nên thơ giữa nắng cháy Quảng Trị làm cho ta thấy yêu một vùng đất dù chưa một lần đặt chân. Nghe bài hát có thể cảm nhận cái lắng sâu thanh bình của một vùng đất “đã qua rồi thương đau thời binh lửa” về đây nghe “chiều nắng hát đong đưa”…
Ca khúc Chiều lên đỉnh Sa Mù, “là ca khúc mang âm hưởng dân ca của người Vân Kiều sẽ đưa người nghe lên đèo Sa Mù trong chòng chành men say. Cái say không chỉ của đường đèo quanh co, khúc khỉu mà còn là cái say trước cảnh quan thật đẹp, thật quyến rũ của những cánh rừng Trường Sơn một thời bom đạn giờ đang khoác lên mình chiếc áo mới. Con đường trải nhựa phẳng như dải lụa, uốn lượn, cao dần theo sườn núi. Rừng đã hồi sinh sau những tháng năm bị chất độc da cam hủy diệt. Sự sống đang bừng lên từng ngày. Một vùng đất đang chuyển mình đổi mới với Hội Sim say đắm – Rượu Cần nồng môi.”
Chị còn khám phá một Mai Thanh Tịnh qua ca khúc Đêm độc hành với nỗi cô đơn da diết trong đêm ngồi đợi hoa quỳnh nở với sự kết hợp ngôn ngữ bóng bẩy khá mới lạ, “Đắng chát đêm hoang. Chua lè tình ái. Cay nồng khắc khoải. Nhạt mắt môi mềm…”
Khác với Mai Thanh Tịnh với ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, từ ngữ chọn lọc, biểu cảm tinh tế, chị tìm thấy một Xuân Lợi “hồn hậu, mộc mạc, trong trẻo và hồn nhiên”. Lần lượt 4 ca khúc phổ thơ Xuân Lợi ra đời: Tìm về, Đường bông tím, Bỗng và Bóng cau.

Ca khúc Tìm về, một ca khúc mang âm hưởng dân ca dịu nhẹ, “mang nổi nhớ thương khắc khải về làng quê Hà Thượng nghèo khổ với bao kỷ niệm của thời ấu thơ” và ca khúc Một ngày nơi đảo Cồn Cỏ “nghe nói đã trở thành “Đảo ca” rất được yêu thích.”
Để kết thúc bài này, chúng ta cùng nghe một vài ca khúc của Quỳnh Hợp để thưởng thức tài năng âm nhạc của chị qua tiếng hát điêu luyện của Trang Nhung, một ca sĩ quê Quảng Ninh “có chất giọng dân gian ngọt và khả năng biểu cảm đa dạng” và ca sĩ Y Jang Tuyn trầm ấm ngọt ngào.


READ MORE - Nữ nhạc sĩ QUỲNH HỢP

Tuesday, February 9, 2010

NGUYỄN HỮU LIÊM


















Ls Nguyễn Hữu Liêm (Ảnh trích từ voanews.vietnamese.com)


















Baltasar Gracian



Trí tuệ Gracian: Từ trong chính bạn, hãy chinh phục khuyết điểm của dân tộc mình.

Trong một chiều ngày cuối năm, ngồi trong văn phòng một mình ở trường Đại học Thành phố San Jose, California tôi nhìn ra bãi cỏ xanh và cảm nhận được một nỗi bình an giữa mùa đông đơn giản. Vươn tay lấy cuốn “The Art of Worldly Wisdom” của Baltasar Gracian nằm trên kệ sách trước mặt, tôi gác hai chân lên bàn. Dở nhanh các trang, tôi đọc lại những đoạn văn mà tôi đã gạch dưới. Lạ thật! Những điều này tôi đã đọc nhiều lần, trích dẫn rồi, mà vẫn còn như mới. Tiếng chuông báo thức cần phải reo lên nhiều hồi.

Gracian viết, “Từ trong chính bạn, hãy cố gắng chinh phục được những khuyết điểm của dân tộc mình. Giòng nước, dù có trong sạch bao nhiêu, cũng phải bị ảnh hưởng bởi đất sỏi mà nó đã chảy qua. Cũng như thế, con người nhuốm màu sắc văn hóa dân tộc mà mình đã sinh ra và lớn lên. Kẻ thì ít, người thì nhiều, tất cả đều là sản phẩm của văn hóa cộng đồng. Không có một dân tộc nào mà không mang một số khuyết điểm văn hóa. Do đó, hãy ý thức được những bản chất tiêu cực văn hóa của mình để mà loại trừ nó ngay trong chính bản thân. Hay ít nhất thì cũng che đậy chúng. Mỗi cá nhân là một tập hợp của nhiều khuyết điểm, từ di truyền, gia đình, cộng đồng đến thời đại. Nếu không nhận thức ra những khuyết điểm này, và nếu không cẩn thận để trau dồi bản thân và kiềm chế chúng, con người sẽ trở thành những dị vật xấu xa.”

Baltasar Gracian là một tu sĩ giòng Jesuit ở Tây Ban Nha vào thế kỷ thứ 17. Những tư tưởng của ông đã ảnh hưởng đến những vĩ nhân lịch sử, từ Schopenhauer đến Churchill, Nietzsche và Gide. Riêng trường hợp Churchill, người hùng của Anh quốc trong thế chiến thứ Hai, đã từng mang trong túi cuốn sách nhỏ của Gracian, “The Art of Worldly Wisdom.” Những gì mà trí tuệ của Gracian phát xuất từ mệnh lệnh triết học cổ đại từ Phật Thích Ca, Khổng Tử và Socrates. Đó là “Know Thyself” – hãy biết đến chính mình; hãy minh tâm kiến tánh. Và một trong những cái biết quan trọng nhất là hãy biết mình đang không biết gì và đang có những khuyết điểm nào.

Trong tinh thần đó, những trí tuệ về nghệ thuật sống ở đời là sự khai mở những nguyên lý triết học để áp dụng vào thực tế cuộc đời. Cái quý của Gracian là những lời cố vấn, khuyên nhủ cho con người, ở khắp nơi, và mọi thời, phải sống theo cái đạo làm người mà tiền nhân dù đã khai lối, nhưng vẫn còn mơ hồ cho con người và thời đại hôm nay.

Chúng ta hãy đọc tiếp Gracian từ cuốn sách trên. Ông nhấn mạnh rằng, đối với mỗi cá nhân, sau khi đã ý thức đến những khuyết điểm của chính mình, thì bước cần thiết kế tiếp là phải tu sửa những khuyết khuyết đó. Không có ai là con người tốt đẹp hay thành công nếu không mang nỗ lực liên tục không ngừng nghỉ để trau dồi và hoàn chỉnh nhân cách và nghệ thuật sống.

Gracian viết, “Thiên nhiên và nghệ thuật, vật liệu và tài nghệ. Không có cái đẹp nào mà không được xây đắp, không có sự ưu việt nào mà không bị rơi vào man rợ, nếu không được cứu vớt bởi nghệ thuật. Nghệ thuật tế độ cái xấu và toàn hảo cái tốt. Trạng thể siêu hạng của thiên nhiên thường bỏ rơi chúng ta; vì thế, hãy nương trú vào nghệ thuật. Cái đẹp nhất của thiên nhiên vẫn là sống sượng nếu không có nghệ thuật, và cá nhân giỏi nhất cũng mất đi một nửa nếu hắn không có văn hóa. Khi cá nhân, dù nhiều tài nghệ đến đâu, mà không được vun bồi từ giáo hóa, hắn chỉ còn là một kẻ hề vốn cẩn phải được trau chuốt.”

Một trong một nghệ thuật để thăng tiến văn hóa cho bản thân, theo Gracian, là học hỏi trong tinh thần Khổng Mạnh, “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư.” Hãy nhìn ra và hiểu được những bài học trong bất cứ trường hợp nào, khi giao du với bất cứ ai.

“Hãy sống với những người mà mình có thể học hỏi; hãy để sự quen biết trở nên một trường đời cho kiến thức, và mối giao thiệp cho văn hóa. Hãy biến bạn hữu thành những người thầy để biến niềm vui thân thiện thành lạc thú học hành. Hạnh phúc của những kẻ hiểu biết là hỗ tương, được tưởng thưởng khi phát ngôn tương đồng với những gì được nhận, và những gì họ nghe bằng với cái học được. Vì lợi ích cá nhân mà họ tìm nhau, nhưng trong trường hợp này, nó được vinh quang lên. Khi muốn là một con người hiểu biết thì bạn sẽ tìm đến những căn nhà nơi có những cá nhân thanh lịch và chính trực, chứ không phải là vì lòng tự hào hãnh tiến.”

Theo Gracian, mỗi cá nhân, ngoài những khuyết điểm mà dân tộc và giòng họ mình truyền cho, ngược lại họ cũng mang những ưu điểm tự nhiên. Vì vậy, phát huy sở trường, chinh phục sở đoản là mệnh lệnh tiến hóa.

“Hãy biết đến cái gia tài lớn của riêng mình là gì, tài năng của ta nằm ở đâu, để mà vun bồi chúng. Bất cứ ai cũng có một số tài năng mà mình chưa tận dụng. Hãy khám phá chúng để mà khai thác đến tột đỉnh. Kẻ thì khôn ngoan trong phán đoán, kẻ thì can đảm trong ý chí. Bởi vì phần đông con người vi phạm sở trường của mình để mà vươn lên trong sở đoản. Cái gì mà khát vọng được thoả mãn quá sớm thì nó sẽ trở nên quá trễ đến khi nhận ra khuyết điểm của mình.”

Mỗi người đều là một mức độ của giới hạn, từ tiến hóa tâm thức, đến thời đại lịch sử, hoàn cảnh gia đình, khả năng bẩm sinh. Vì thế từ cột mốc hữu hạn mà mình đang sống, Gracian khuyên,

“Hãy suy nghĩ chính chắn đến cái gì là quan trọng nhất cho đời mình. Kẻ ngu thường bị mất hướng vì thiếu suy nghĩ, chỉ thấy mơ hồ một ít cái lợi, một ít cái hại, để mà cố gắng, nỗ lực cho cả hai chiều. Một số thì cố gắng toàn bộ cho những chuyện không đâu, mà lại không có nỗ lực nào cho những chuyện tối cần. Khi có chuyện đáng suy nghĩ chính chắn thì là lúc họ bị sai lầm nhiều nhất. Phần lớn họ mất đầu vì họ không có cái đầu. Kẻ thông minh bao giờ cũng suy tưởng chính chắn về mọi chuyện và phải biết phân biệt cái gì là hay, là quan yếu. Họ sẽ đào sâu hơn cho triển vọng cuộc đời khi biết rằng mỏ quí bao giờ cũng nằm sâu dưới lòng đất, nhiều hơn là họ biết đến. Làm như thế, kẻ khôn ngoan là người biến triển vọng thành thực tại.”

Và biết đến cái đức hạnh của tính kiên nhẫn. Cây cổ thụ mọc lâu hơn là chùm rau cải, nhưng nó sẽ to lớn, vững chắc và trường thọ hơn.

“Kẻ nào biết chờ đợi là kẻ mà trái tim có khả năng kiên nhẫn. Hãy đừng hấp tấp, nóng nảy. Hãy làm chủ chính mình để mà làm chủ tha nhân. Thời gian là khoảng đường mà bạn phải trải qua để đi đến mục đích. Sự chờ đợi trong cẩn trọng sẽ đem đến thời điểm thành đạt và chín mùi cho những gì đang chờ. Cây gậy què của thời gian có khả năng hoàn tất nhiều chuyện hơn là cây búa sắt của Hercules. Tạo hóa không chuyển hóa bằng roi vọt mà bằng thời gian. Chân lý là như vầy: Thời gian và Ta sẽ chống chọi được với tất cả. Thời vận sẽ choàng vòng hoa tươi đẹp nhất cho kẻ biết kiên nhẫn, đợi chờ.”

Ai trong chúng ta cũng có những chuyện hằng ngày làm cho không vui, bực bội. Trong cộng đồng cũng thế. Nhưng, cái khó là, “Hãy đừng quan trọng hóa những chuyện vốn nhỏ nhặt. Có kẻ thường có tật dựng chuyện lớn từ việc nhỏ, luôn làm ra vẻ to tát, bí ẩn với cái vặt vãnh tầm thường. Biến những chuyện vô nghĩa thành mối quan tâm là không nghiêm chỉnh quan tâm vào chuyện gì cả. Đó là một thói quen chất vào tim những điều mà ngay cả đôi vai mình cũng không thèm gánh. Nhiều chuyện ở thế gian này có vẻ như là nghiêm trọng, nhưng thực ra, nếu bạn biết bỏ qua thì chúng sẽ trở thành hư không. Hãy làm ngơ từ khởi đầu, đừng chờ đến khi ta dính vào quá sâu thì đã trễ. Có những toa thuốc vô ích chỉ tổ tác bệnh cho mình thay vì chữa lành một cơn đau vốn chưa hề có thật.”

Nuôi cao vọng cho đời, bởi vì, theo Gracian, người không mang lý tưởng cao đẹp và to lớn sẽ không bao giờ nâng chính mình lên với tầm cao của ước nguyện.

“Cao vọng là bước tiên khởi cho kẻ anh hùng. Nó thôi thúc mình tiến bước, thăng hoa khả năng thẩm mỹ và phán đoán, khơi sáng nhịp tim, quang minh tri thức, cao thượng hóa tinh thần, và nhân phẩm hóa cá tánh. Cao vọng sẽ soi tỏ từng bước đi, và dù khi mà số phận làm cho bạn ngã xuống, nó sẽ vực bạn dậy để trở lại chiến trường lần nữa, củng cố ý chí, để biến mình, trong mọi nghịch cảnh, trở nên là người tha thứ, rộng lượng, và can đảm.”

Nhưng cao vọng không đồng nghĩa với tham vọng mù quáng. Cao vọng phải đồng nghĩa, xứng đáng và tương đồng với giá trị tinh thần trong lý tưởng làm người. Khi cá nhân mang nhiều tham vọng mà không được điều hóa bởi tinh thần cao thượng và trong sạch, hắn sẽ trở nên kẻ ngu xuẩn. Cao vọng là tinh thần thăng tiến; tham vọng là mâu thuẫn nội tại.
Còn một yếu tố nữa. Đó là thời vận. Sông có khúc, người có lúc.

Đừng quên rằng, “Hãy biết cái mức độ hên xui của mình để mà sử dụng nó – hay là biết rút lui khỏi bàn tay thời vận khi không còn hên. Khi đang ở trước tuổi 40, bạn là thằng ngốc nếu không biết tham khảo đến Hippocrates (cha đẻ y khoa Tây phương); lại càng ngốc hơn, nếu ở 40 mà bạn vẫn không biết học từ trí tuệ của Seneca (triết gia La Mã). Muốn lèo lái được vận may, ta phải thật khéo tay, khi thì cần kiên nhẫn, khi thì phải đốc thúc hành động. Vận may có thời khắc và mức độ của nó, dù khó mà biết, nhưng điều chắc chắn là sự bất thường. Khi thời vận đã đến, hãy tác hành, vì vận may yêu mến kẻ dám liều, cũng như can đảm thì yêu tuổi thanh xuân. Kẻ nào biết thời đã đến mà không ra tay thì nên hãy về nghỉ hưu, vì ở đó, vận rủi sẽ chồng chất lên số kiếp của mình.”

Hãy nhận chân ra giá trị trong tất cả sự việc, tốt hay xấu. Như Chúa Jesus đã nhìn ra hàm răng trắng nõn trong một xác chết của con chó bên đường mà đệ tử của ngài muốn tránh. Gracian cũng vậy, “Kẻ khôn ngoan biết đến giá trị của mọi thứ bởi vì hắn nhận ra cái đẹp trong mọi việc, và biết đến cái gì cần phải làm cho mọi việc có thể tốt đẹp hơn.”

Còn trong những lúc bất đồng ý với tha nhân, Gracian khuyên làm người có trí tuệ thì,
“Hãy đừng là một kẻ đối thủ rẻ tiền. Mọi cố gắng để được nổi bật hơn đối thủ sẽ làm cho bạn thấp đi, bới vì bản chất của cạnh tranh là tung bùn đen để làm dơ bẩn kẻ khác. Rất ít kẻ nào có khả năng tham dự một cách công bằng vào tương tranh, vì bản chất đối nghịch sẽ phơi bày nanh vuốt mà phép xã giao lịch thiệp đã từng che đậy… Trong nhiệt lượng của trận chiến, người ta sẽ khơi dậy những hận thù đã chôn vùì từ lâu, và đào lên những gì thối tha vốn đã quên lãng. Tranh đua thường khởi đi từ mạ lỵ và… sự xúc phạm không phải là mục tiêu của chiến thắng, nhưng mà kẻ vang lời xúc phạm cảm thấy hả dạ trong những lời mắng mỏ của họ… Nhưng, với những con người có thiện ý bao giờ họ cũng sẽ được bình an, và kẻ trọng danh dự là kẻ có thiện ý vậy.”
Và, tối hậu thì vẫn là niềm hạnh phúc. Cứu cánh của cuộc đời, theo Aristotle, là hạnh phúc và bình an. Hãy biết an vui cho từng thời khắc hiện hữu giữa thế gian này. Vì, theo Gracian,
“Ở thiên đàng thì chỉ có an vui. Ở điạ ngục thì chỉ có buồn đau. Trên quả địa cầu, vì là ở giữa, nên khi thì vui, khi thì buồn. Chúng ta chia sẻ cuộc sống trong cả hai cõi. Thời vận đôi khi lên, có khi xuống. Thế gian này là con số không, và chỉ có nó mà thôi thì trị giá hoàn toàn vô nghĩa; nhưng khi kết hợp với thiên đàng thì nó trở nên vô giá. Không màng tới số phận là chuyện đời thường, nhưng mà không ngạc nhiên vì thời vận thì đó mới là trí tuệ.”

Gracian tiếp, “Cuộc đời chúng ta càng sống có vẻ như càng trở nên phức tạp. Tuy nhiên, sự sống thì thực chất chỉ như là một vở hài kịch, càng về sau càng trở nên đơn giản. Và nhớ rằng, tất cả các vở hài kịch đều có một kết cuộc thật vui.”


Trong tinh thần của những ngày lễ cuối năm, tôi mong bạn đọc xa gần được một nỗi an vui giản dị.





VAÌ DÒNG VỀ TÁC GIẢ




Nguyễn Hữu Liêm sinh năm 1955 tại Quảng Trị. Đến Hoa Kỳ năm 1975. Hiện sống tại California.

Tác phẩm đã in: Dân Chủ Pháp Trị: Luật Pháp, Công Lý, Tự Do Và Trật Tự Xã Hội (1991), Tự Do và Đạo Lý: Hegel, Lão Tử và Triết Học Pháp Lý (1993), Thời Lý và Hiện Hữu (1996)




ĐỌC THÊM:
OBAMA! OBAMA!
READ MORE - NGUYỄN HỮU LIÊM

Saturday, February 6, 2010

TRẦN KIÊM ĐOÀN - CỘT MỐC MÙA XUÂN



Canh Dần 2010

Nếu chọn một số tròn để ghi lên cột mốc thời gian của những mùa Xuân lạc xứ, xa nhà thì tôi sẽ đề số 35/30 trên cột mốc năm nay.

Đây không phải là số tuổi chín muồi của một cặp vợ chồng lý tưởng; cũng chẳng phải là hai con số cặp kè của sự phân chia bí ẩn nào đó. Nó chỉ đơn giản như những mùa xuân qua đếm bằng cuốn lịch trên tường và tóc bạc trên đầu. Con số đó là dấu chỉ của dòng thời gian nhớ nhớ, quên quên: 35 năm sống trên quê mẹ và 30 năm sống ở quê người. Ở tuổi về hưu, một người sống gần trọn đời giữa hai thế giới. Người ấy sẽ là ai ở giữa mùa Xuân?

Tôi tự vẽ chân dung mình. Rướn người, cố nhìn mình thật kỹ trong gương. Người xưa nói “tâm viên, ý mã”, nghĩa là tâm thay đổi chuyền cành nhanh như vượn; ý lao vun vút như ngựa chạy đường xa. Thế nhưng tâm lý con người vẫn không chạy đuổi kịp với thời gian…

Người trong gương, ông là ai thế?! Dưới mái tóc muối tiêu – muối nhiều tiêu ít – đó là khuôn mặt góc cạnh pha nếp nhăn của một ông già châu Á. Ba mươi năm ở Mỹ, ông đã đổi thức ăn, thức uống, thức dùng. Những bữa ăn ít dần mắm muối tương cà. Những bữa uống nhạt dần hơi men rượu gạo làng Chuồn, nếp than Đồng Tháp. Những đồ dùng từ tứ xứ tinh tươm. Nhưng nhìn kỹ ông hôm nay, ông cũng vẫn là một ông già của xóm Bàu, xóm Kên, xóm Cụt làng Liễu Hạ. Đã mấy chục năm rồi, ông không còn mặc áo tơi đi trong mưa lạnh rát mặt của mùa Đông xứ Huế. Ông ngỡ như đã quên những bếp củi than, lồng ấp mùa Đông; quên cái quạt mo phành phạch mùa Hè; quên tiếng ve đất và tiếng chim cu gáy buồn buồn gọi nhớ cuối Thu. Nhưng sao ông vẫn nhớ nhà, nhớ luống cải vàng của mẹ trồng, nhớ nhà thờ họ, nhớ cổng chùa làng, nhớ mái đình xưa đầy hương khói. Nhớ quặn mình muốn khóc như trẻ thơ khi mỗi năm Tết về: Nhớ mẹ! Bà Mẹ Quê Việt Nam không phải chỉ là người mẹ sinh con ra và nuôi con khôn lớn. Nếu đem lửa thử vàng thì bà là vàng ròng trong ngọn lửa. Chiến tranh, đói nghèo, gian nan là thế mà bà vẫn gánh một đầu thúng này là con thơ và đầu kia là sự sống còn của đàn con trong cơn nguy biến.

Thì ra, người ta chỉ già theo nhân dáng, nhưng không già trong tình tự quê hương. Tự xét hoàn cảnh riêng mình và các bạn cùng trang lứa và hoàn cảnh, tôi khó mà không đồng tình với nhà tâm lý học cừ khôi hàng đầu của Mỹ là Erik Erickson khi ông ta nói về sự hình thành bản sắc của mỗi con người (establishment of personal identity) đã hoàn thiện và chấm dứt hoàn toàn trong 30 năm đầu của một đời người: 10 năm đầu cho bản sắc tuổi thanh xuân, 10 năm tiếp theo cho bản sắc tình cảm, tư tưởng và 10 năm sau cho bản sắc văn hóa. Một người sinh ra và trưởng thành trên một vùng đất nào đó tới 30 tuổi thì dẫu muốn hay không họ đã hoàn toàn thuộc về nơi đó. Một “Erickson thi sĩ” Việt Nam là Chế Lan Viên đã viết về tâm lý:”Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn.” Tâm hồn là cách gọi khác của một gốc rễ vô hình đã nằm trong góc khuất của mỗi con người. Người ta hy sinh thân mạng để đấu tranh với ngoại xâm và nội thù cũng chỉ vì dính mắc với quê hương.

Sự phát triển tâm lý ngỡ như nghịch chiều nhưng lại là một hiện thực của tuổi già nơi xứ lạ. Tuổi về hưu như một bãi sa bồi đã qua nhiều cơn sóng gió. Những bụi cát phù sa lắng xuống. Đá sỏi hiện nguyên hình và nhận ra nhau. Đó là lúc tuổi già lắng lòng nhớ quê xưa và những khuôn mặt thân yêu ngày cũ. Nơi xứ người, nếu nguồn tình cảm nầy vắng bóng thì làm sao có được những phố Tàu, phố Nhật, phố Việt, phố Đại Hàn tại nhiều thành phố lớn trên các xứ Âu Mỹ đã tự phát từ buổi di dân ban đầu cho đến ngày nay. Người Việt xa xứ mê một “Little Saigon” như tha thiết với một bản sắc tình cảm quê hương đang bị han vùi tên tuổi.

Có một sinh viên Việt Nam trên 30 tuổi, qua Mỹ du học, kết hôn, ở lại. Sau 5 năm ở Mỹ, anh được vào quốc tịch Mỹ và cũng là năm anh tốt nghiệp cao học xã hội tại đại học Sac State. Một lần, sau giờ học về quan niệm bản sắc cá nhân của Erickson, anh hỏi: “Em vừa được vào quốc tịch Mỹ và muốn làm đơn xin từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Xin thầy giúp ý kiến.” Tôi góp ý: “Em và tôi đều rời đất nước ở lứa tuổi khi bản sắc nòi giống của cá nhân mình đã được xác lập. Bản sắc nòi giống đã biến thành tâm hồn. Người ta có thể chuyển hóa, nhưng không thể từ bỏ được tâm hồn. Thủ tục và tên gọi chỉ là nhãn hiệu bên ngoài chai nước mắm, chẳng có gì quan trọng.”

Mấy lần về thăm quê, bạn bè han tình hỏi tới: “Ở Tây, ở Mỹ lâu vậy mà bạn có bị lai căng, mất gốc gì không?” Tôi đùa mà rất thật: “Lai rai thì có nhưng lai căng, lai giống thì không!” Lai rai… thì có vô số chuyện để bàn. Cái lai đầu tiên là tiếng “Dạ” và “Không”. Trước một câu hỏi: “Ông không thích mắm ruốc à?” Mỹ trả lời: “Không, tôi không thích”. Việt trả lời: “Dạ (vâng), tôi không thích.” Hay ngắn hơn: “Dạ không!” Dịch ra tiếng Mỹ là “Yes/no!” Người Mỹ la làng, cho tiếng Việt là không rõ ràng giữa có và không. Thật ra, vì họ chưa hiểu rõ ràng về cái suối nguồn văn hóa bao la trong một câu trả lời ngắn gọn: “Dạ” trước là để bày tỏ mối quan hệ với đối tượng đang hỏi; rồi mới tới phần sau là ý kiến của riêng mình. Đó là một sự biểu hiện giao tình giữa người với ta; giữa cá nhân mình với bà con làng trên xóm dưới. Trong lúc người Mỹ với văn hóa đậm tính cá nhân, họ xác định ngay ý kiến riêng của mình từ tiếng “không” phủ nhận đầu tiên. Bởi vậy mà dân Âu Mỹ đặt Tên trước Họ; người Việt đặt Họ trước Tên.

Khi tiếp cận với một nền văn hóa mới, người ta mới thấy được những viên sỏi thường ngày trên đất nước của mình, có khi lại là những hạt quý trên xứ người: Đó là tiếng cười. Cười là một thứ ngôn ngữ không lời cao cấp nhất của văn hóa mà mình vô tình coi nhẹ nó như nắm xôi thằng Bờm. Xa xứ rồi, nếp cười hiện lên như một tiếng vọng nhắc nhở cội nguồn.

Người Việt đã trưởng thành trên quê hương khi tới xứ người có thể nói lưu loát và hùng biện những chuyện triết lý, văn chương, kỹ thuật bằng tiếng Tây, tiếng Mỹ nhưng lại rất ít người có khả năng chuyển tải qua, lại những “thông điệp cười” thống khoái trong tương quan sinh hoạt với người nước ngoài. Khó mà chia sẻ, hiểu hết được cái tinh túy trong Ngôn Ngữ Cười của một dân tộc. Đã gần ba mươi năm, thường xuyên làm việc và sinh hoạt trong thế giới người Mỹ, nhưng tôi cũng như hầu hết bạn bè cùng lứa hay một người bạn tuổi đã 70, du học Mỹ từ năm 1958 ở tuổi hai mươi, vẫn bị lạc xa tít mù khơi trong những câu chuyện khôi hài (joke) của người Mỹ và có lẽ cũng là trường hợp ngược lại, khi chúng tôi cố chia sẻ với người Mỹ chuyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Ba Giai Tú Xuất, rút từ trong kho tiếu lâm xứ mình. Tiếng cười khó thật. Chỉ là đôi tiếng “hì, hì”, không văn phạm, không câu kéo, không nội dung bí hiểm mà học một đời chắc gì thuộc nổi. Khó nhất đời là chuyện… sắc không!

Trời Cali suốt cả tháng cuối năm mưa buồn như mưa Huế. Trong bầu trời tím lịm của mưa lạnh, người ta mới nghĩ tới mùa Xuân. Tôi lắng lòng nhìn lại cột mốc mùa Xuân của đời mình và tẩn mẩn làm thơ – thơ 35/30 – trong cái lãng mạn xuôi dòng thời quá khứ có chút khật khừ lý tính phương Tây:

Chiều cuối năm ta ngồi nhìn nẻo ý
Trôi hoang vu như mấy trắng trên trời
Đêm vắng vẻ thân tâm về rỗng lặng
Thoảng hương Xuân mùa Tết đến nơi rồi
Ta thấy được mình khi đếm từng hơi thở
Gió đêm len vào cửa trống ơ hờ
Chút mỏi nản lắng nghe hồn suy tưởng
Không buộc ràng buông xả cõi vu vơ
Tiếng vĩnh cửu thay dòng đời du tử
Hiện bóng trong ta em còn đứng đó
Tiếng dỗi hờn ký ức thuở xa xưa

New Year Eve I sit and watch my thoughts
Come and go wildly like clouds in the sky
But tonight it is clear and all empty
I smell fragrance of the Spring and the Tet
Always in my mind when counting breaths
A night breeze enters through the open window
Tired of listening to my thoughts
Give the mind a rest
Listen to the eternity instead
Oh dear there it is
The whine of returning memory

Lâu ngày đón những Noel thay cho ngày Tết, nhưng quê người vẫn váng vất hương Xuân. Bởi thế, ngày đầu năm dương lịch mà dân mình hay gọi là “Tết Tây” nơi xứ người chỉ còn lưu lại nỗi nhớ. Tuổi càng cao, nỗi nhớ càng thấm thía mà rất tự nhiên như cảm xúc tự mình nhìn nhìn sâu hút vào chính mình. Nhớ nỗi buồn và nhớ tiếng cười ngoài sân, đầu ngõ của người thân, bạn bè. Vì cười nó vừa đơn giản mà cũng vừa khó kiếm đến như thế nên xin được ghi thêm một chữ quan trọng lên Cột Mốc Mùa Xuân 35/30: Cười!

Sacramento, Cali. Trước ngõ mùa Xuân 2010.

© 2010 Trần Kiêm Đoàn
READ MORE - TRẦN KIÊM ĐOÀN - CỘT MỐC MÙA XUÂN