Chuyện cũ làng xưa
Nguyễn Thị Liên Hưng
Làng tôi xa nhịp sóng trùng khơi
Cũng chẳng cheo leo núi chọc trời
Nằm giữa quãng đồng suông cánh gió
Bốn mùa ngô, lúa đượm màu tươi
Làng tôi núp dưới bóng tre xanh
Như núp bên trong Vạn Lý Thành
Mỗi buổi chiều vương bao sợi khói
Dịu dàng ôm mấy nếp nhà tranh...
Đó là những câu trong một bài học thuộc lòng của những năm đầu thập niên 60. Thuở đó, chị An Lành của tôi còn là học sinh tiểu học trường làng. Mỗi buổi sáng trước khi đến trường chị phải quét sạch sân nhà. Vừa quét chị vừa học bài, khi cái sân rộng thênh thang sạch bong cũng là lúc chị thuộc bài. Tuy còn là cô bé con chưa biết chữ, nhưng mỗi sáng tôi lại thích ngồi trên thềm nhìn chị quét sân và nghe chị học bài. Thế mà tôi thuộc làu những bài học thuộc lòng chị đã đọc, những bài học ấy theo tôi suốt đời, những câu vần mà tôi không nhớ tựa và cũng không biết tên tác giả ở trên sao mà giống tả cảnh làng tôi chi lạ.
Làng Lam Thuỷ của tôi cũng những mái nhà tranh núp dưới bóng tre xanh, hoạ hoằn mới xen vào một vài nhà mái ngói đỏ. Các xóm nằm chung quanh còn chính giữa là quãng đồng suông cánh gió chấp chới cánh cò bay. Tuổi thơ của tôi ở nơi làng quê không tới mười năm nhưng sao ký ức ấy cứ mãi vướng vít suốt cuộc đời, phải chăng vì đó là nơi chôn nhau cắt rốn?
Có lần anh hỏi đường về Lam Thuỷ, tôi đã diễn tả con đường về thôn như thế nầy: Nếu đi đường sông thì cứ xuống đò máy ở bến đò chợ Tỉnh và dặn chủ đò cho ghé bến xóm Tả, rời khỏi con đò là chân đã dẫm lên mảnh đất đầu làng. Còn nếu theo đường bộ thì cứ theo con đường trước trường Nguyễn Hoàng, từ sân trường đi ra cứ tay phải mà đi thẳng về Góc Bầu sẽ có hai hướng, rẽ phải là về thôn Trí Bưu, qua cầu Quy Thiện trên sông Giồng rồi đi theo con đường thẳng chia hai cánh đồng làng Quy Thiện là quê ngoại của tôi. Đi hết cánh đồng sẽ thấy dòng sông Vĩnh Định, cứ men theo con đường bên bờ sông mà đi, qua làng Trâm Lý, Văn Vận, Trà Trì, Phú Xuân rồi Trà Lộc. Đi hết làng Trà Lộc thì qua đò (nay qua cầu) sẽ thấy chợ Ngô Xá. Còn nếu đi theo đường Góc Bầu trên tỉnh lộ 8 thì qua làng Hạnh Hoa đến cầu Ba Bến là nơi sông Vĩnh Định gặp sông Giồng đổ vào rồi chảy về hướng Sãi để nhập vào sông Thạch Hãn. Anh cứ hỏi cầu Ba Bến ở đâu? Thế nghĩa là anh cũng chưa bao giờ đến đó, cũng phải thôi vì anh là dân tỉnh, lại rời quê khi vừa lớn nên chưa lần đi về hướng ấy. Còn tôi tuy là dân địa phương nhưng cũng rời quê lúc còn nhỏ nên cũng không rõ lắm. Nhưng trong trí nhớ thời thơ bé về khúc sông ấy, chiếc cầu ấy mới lớn, mới dài làm sao. Tôi nhớ nơi đó còn gọi là cây số 5 thì phải, giữa cánh đồng mênh mông có một con đường rộng thẳng tắp chạy mãi về những xóm thôn xa tít tắp và tôi cũng chưa hề rẽ về hướng ấy. Tôi còn nhớ ngày xưa con đường ấy rất thơ mộng với hai hàng thông reo vi vu che mát. Hình như hương lộ ấy là đường tắt về được vùng Chợ Cạn, Triệu Phong mà không cần phải đi ngược lên chợ tỉnh. Qua khỏi cầu Ba Bến bạn cứ theo đường nhựa mà đi cho tới khi thấy chợ Ngô Xá. Thế đó, từ tỉnh có hai hướng đều men theo hai bên bờ sông Vĩnh Định mà về quê tôi, con sông ấy chia làng tôi thành đôi bờ đầy tre xanh rủ bóng xuống dòng nước trong vắt, mỗi chiều hôm lại có tiếng khua lóc cóc xua cá vào lưới của đám dân chài. Từ chợ Ngô Xá, bạn rời đường nhựa, rẽ phải qua chiếc cầu La Duy nhỏ xíu, đó là nơi con sông nhỏ Cổ Hà chảy nhập vào Vĩnh Định. Bạn đừng đi vào làng La Duy mà cứ men theo bờ sông chừng non cây số. Qua bến nước xưa, lá hoa về chiều là vào xóm Tả với con đường đất rộng, phẳng phiu có hai hàng tre ngã bóng mát rượi (đó là ngày xưa chứ chừ tre bị trốc gốc hết rồi), rẽ trái là đến nhà tôi, trong tôi vẫn in bóng ngôi nhà trong khu vườn cây bốn mùa thơm hương hoa của thời bé dại, nhà tôi có nhiều cụm mẫu đơn, bông nào bông nấy đỏ tươi to bằng cái tô lớn. Ngày hè nấu canh ám (cá lóc nấu lá sôông chua), các chị thường bày một rổ rau sống thật ngon và đẹp mắt để và (ăn chung) với canh ám. Rổ rau sống nhà tôi đặc biệt lắm, này nhé, mạ và các chị xắt chuối con, trộn cùng cải con, rau thơm đủ loại, lại hái một ít hoa mẫu đơn, cánh hoa hồng và rứt vài cọng bông thọ rắc vào (bông hồng và bông thọ chỉ rắc ít thôi để làm màu cho đẹp). Thế là món rau sống với nõn chuối trắng, rau cải xanh, tô điểm thêm màu đỏ màu vàng của hoa, ăn vào đủ mùi vị: thơm thơm, ngòn ngọt, cay cay…không chỉ hấp dẫn khẩu vị mà còn bắt mắt nữa.
Đó là ký vãng của thời thơ bé năm xưa. Tôi nhớ những chiều đông lạnh giá co ro trong chăn hay đêm 30 tết bên ngọn lửa hồng canh nồi bánh tét, ba mạ thường kể cho chị em tôi nghe về nguồn gốc của làng, về Ngài khai canh khai khẩn và những truyền thuyết của vùng đất mà chúng tôi nghe hoài không chán. Rằng xưa thật là xưa, có một ông họ Nguyễn từ phương Bắc thiên cư vào đây, mà ngôi mả tổ thật lớn chính giữa cánh đồng bao la là mộ của Ngài. Người ta nói rằng Ngài đã chọn cồn đất nổi giữa bàu nước mênh mông để làm nơi yên nghỉ cuối cùng vì nơi đó là long mạch, cho con cháu hưởng phúc về sau và dòng họ Ngài bền vững đời đời. Nhưng sao chỉ có ông mà không có bà? Nghe đâu Ngài họ Nguyễn cùng sáu con trai, một con gái và hai con trai nuôi họ Võ và họ Lê đến đây lập nghiệp. Bởi thế sau nầy làng Lam Thuỷ phần lớn là họ Nguyễn, họ Võ và họ Lê rất ít. Mãi về sau mới có họ Hoàng đến trú. Đó là vài gia đình làm nghề rèn đến ngụ cư ở cạnh bờ sông, họ làm ra những vật dụng lao động để cung cấp cho dân làng như dao, rựa, liềm, vằng … và sống với nghề cha truyền con nối. Thời cận đại có một ông thầy thuốc đến lấy vợ ở La Duy rồi sinh con, người con kế nghiệp cha làm nghề bốc thuốc rất hay đã về định cư tại xóm Sông, được dân làng rất kính nể và yêu mến gọi ông là Bác Thầy và đó là họ Trần duy nhất trong làng.
Không biết qua mấy đời, căn cứ vào các người con trai của Ngài, họ Nguyễn chia ra các họ lấy tên là họ Nhất, Nhị, Tam, Tứ, Ngũ, Lục ... để gã con cho nhau. Về sau ông họ Nhị tuyệt tự nên chỉ còn năm họ Nguyễn và hai họ là Lê (Thất) và Võ (Bát). Bởi thế ngày trước có chuyện cười ra nước mắt là các bà đi làm thẻ căn cước người ta hỏi họ gì? có bà trả lời họ Tứ; lại hỏi tên gì? bảo tên Tư chẳng hạn. Thế là thẻ căn cước mang tên Tứ Thị Tư, v.v…
Đến đời nhà Nguyễn, con sông đào mang tên Vĩnh Định chảy xuyên qua làng cung cấp nguồn nước ngọt và phù sa cho ruộng đồng và dân cư ven bờ. Con sông đã chia xóm Sông thành Bắc Sông , Nam Sông cũng như xóm Tả thành Bắc Tả , Nam Tả (còn gọi là xóm Trường vì ngày xưa có trường dạy chữ nho ở đó). Những tên xóm ấy là dựa theo vị trí địa hình mà gọi như xóm Hói có con mương dẫn nước thật lớn thông thương với sông Cổ Hà; xóm Cồn ở bên cồn; xóm Làng có đình làng, v.v…Bắc Tả xóm nhà tôi là tên gọi theo thói quen chứ trong sách ghi lại có tên rất hay kia, ngày nhỏ mỗi lần đi xem cúng xóm tôi nghe người ta đọc Vĩnh Hoà xóm, Lam Thủy thôn, Hải Vĩnh xã…gì gì đó. Còn các xóm khác thì trong sổ sách ghi tên là xóm Vĩnh Định, Vĩnh An, Thượng Lộc, Thượng An, Thượng Hoà, v.v...
Tương truyền khi đến lập nghiệp, đất đai màu mỡ ven sông Ngài khai canh khai khẩn chia đất cho các con trai sống quanh cánh đồng là các xóm Tả, xóm Hói, xóm Cồn, xóm Làng, xóm Sông. Còn người con nuôi họ Võ được chia vùng đất gần rú nên gọi là xóm Rú. Xóm Rú có đất pha cát trồng khoai rất ngon và cánh đồng phía trước cũng không kém phần màu mỡ. Tôi lại nghe kể rằng cô con gái khi gã chồng, ông tổ họ Nguyễn đã cho đất làm của hồi môn bằng cách bảo cô vác một cục đá lớn đi từ đầu cánh đồng, lúc nào hết đi nổi bỏ cục đá xuống đâu thì được hưởng đất hồi môn đến đó. Và vùng đất hồi môn của người con gái đó là làng La Duy có cánh đồng trải dài giáp ranh xóm Bắc Tả làng Lam Thuỷ. Ngày nhỏ tôi thường theo lũ bạn rong chơi khắp xóm, đến tận cột mốc ranh giới của hai làng và thấy cục đá mà người con gái ngày xưa đã vác đến đó thì thả xuống. Ôi! Cục đá khá lớn, cắm chặt xuống đất giữa cây cỏ um tùm. Không biết cô gái ngày xưa có ý chí và sức mạnh cở nào mà vác nổi để đi qua đoạn đường cả cây số vậy nhỉ? Và qua bao biến thiên thời cuộc, cục đá làm ranh giới giữa hai làng đến nay vẫn còn đấy.
Cũng trong những ngày đông giá rét hay đêm hè trăng thanh gió mát của thời thơ bé ấy, tôi thường nghe ba mạ kể những giai thoại đầy thú vị của quê mình, nghe hoài mà không chán. Ấn tượng nhất là câu chuyện ông thầy pháp cao tay ấn. Chuyện rằng ngày xửa ngày xưa ấy làng tôi có một vị pháp sư rất giỏi phép thuật. Ông biết luyện âm binh để giúp việc cho mình. Ruộng nhà ông không cần thợ cấy, thợ gặt mà mạ vẫn cấy xong, lúa vẫn về nhà. Người ta nói rằng có mùa hạn hán, người người lo kéo nhau ra đồng tát nước vào ruộng để cứu lúa, còn ruộng nhà ông chẳng hề tát mà khi nào nước cũng đầy ăm ắp. Nghi hoặc nên chờ lúc nửa đêm, trai tráng trong làng ra đồng xem thử, đứng xa xa thì thấy có hai người đang tát nước sàn sạt vào ruộng, nhưng khi đến gần chả thấy gì cả. Một thời gian sau, bỗng dưng việc đồng áng nhà ông cũng phải mướn người giúp như bao nhà khác. Hỏi ra mới biết, thì ra ông có phép thuật luyện đậu thành câu môi (còn gọi là con nộm – người ma) để giúp việc, ông cho những hạt đậu vào chén dĩa, úp kín trong căn phòng riêng, làm phép đủ 3 tháng 10 ngày thì đậu thành câu môi. Ban đêm khi những sinh vật đã ngon giấc, câu môi sẽ làm những việc do ông sai phái và trở khi trước khi người ta thức dậy. Câu môi chính là âm binh, chúng làm việc lặng lẽ theo lệnh chủ nhân và khi có người tới gần sẽ biến mất. Ông luyện âm binh trong một căn phòng đóng kín và cấm vợ con bén mảng đến. Một lần, ông có việc phải vắng nhà mấy ngày, vợ ông tò mò mở cửa phòng thì chỉ thấy mấy cái chén úp trên bàn chứ chẳng có gì, thấy phòng đầy nhện giăng và bụi bặm, bà bèn lấy chổi vào quét dọn. Vô tình quơ phải bàn làm những chiếc chén nghiêng ra, thế là những hạt đậu ông luyện chưa đủ thời gian thành câu môi đổ văng tứ tung. Những con câu môi chưa đủ ngày tháng nên thành những hình nhân nhỏ xíu rất dễ sợ, cái thiếu tay, cái thiếu chân, cái thiếu đầu. Chúng quờ quạng hoặc bò khắp phòng làm bà rú lên hãi hùng và chết ngất. Khi ông về, biết sự thể xảy ra bèn cất tiếng than ta không còn được hưởng cái phước nầy nữa. Nghe đâu từ đó ông thôi luyện âm binh để giúp việc nhà.
Tôi lại nghe kể rằng một chiều nọ ông cần qua sông nhưng do nước lụt nên người đưa đò ngang nghỉ sớm. Bên kia bờ có chiếc ghe nhỏ đang đậu và chủ nhân của chiếc ghe đang cất rớ (dỡ vó). Ông bèn xin người cất rớ cho ông qua sông có việc cần nhưng người nầy từ chối. Thế là trước sự kinh ngạc của người đánh cá, ông ngả nón bỏ xuống nước rồi ngồi vào nón đưa tay khoát nước để qua sông giữa dòng nước đục ngầu đang chảy băng băng ra biển mà không hề bị ướt áo. Khi ông đi khuất thì người đánh cá bỗng dưng không dỡ rớ lên được. Nghĩ chắc là trúng quả nên ông ta liền chạy vào xóm rủ người đến phụ sức. Nhưng khi cả năm, bảy lực điền cùng xúm vào mà cái rớ cá vẫn trơ trơ. Thấy chuyện lạ, một người bèn hỏi ông nãy giờ có gặp ai không, có chuyện gì không? Ngư phủ bèn kể lại câu chuyện kỳ lạ nọ. Người biết chuyện à lên rồi chỉ đường và bảo người đánh cá đến nhà ông thầy pháp tạ tội mau đi và dĩ nhiên khi ngư phủ trở lại thì chiếc rớ nhẹ tênh.
Rồi có một buổi chiều tà ông thầy pháp đi qua cánh đồng có một nhóm phụ nữ đang cấy lúa. Nhóm thợ cấy nầy vốn nỗi tiếng là đanh đá. Thấy ông đi một mình, các bà bèn lên tiếng chọc ghẹo. Ông không giận hay mắc cỡ như những người đàn ông độc hành khác mà lên tiếng hỏi vui Các bà có cấy xong lúa kịp trước khi trời tối không mà còn đùa thế? Mấy bà bèn trề môi Ối dào, còn một mảnh ruộng nhỏ xíu, mặt trời còn cao thế kia, chị em chúng tôi đông như thế nầy vừa cấy vừa chơi cũng xong trước khi mặt trời lặn chứ nói chi là tối. Ông thầy pháp cười bảo Lo mà cấy đi chứ ham ghẹo người khác thế coi chừng đến tối cũng chưa xong đó. Một người đàn bà khác cong cớn mắng thằng cha nầy có khùng khùng không mà coi thường tay nghề của các bà vậy? Thầy pháp không trả lời, vừa cười kha kha vừa bước đi. Khi ông ta khuất bóng, bỗng dưng cá đâu chạy lung tung trong mảnh ruộng chưa cấy, thế là các bà bỏ mạ chạy theo bắt cá, bắt con nào trượt con nấy, thế là thi nhau chạy theo cá. Các bà mê bắt cá đến nổi dẫm đạp lên cả những luống mạ vừa cấy. Đến khi trời sẩm tối, giật mình nhìn lại thì chao ơi! Mạ non nát bét tơi bời mà cá chẳng ai bắt được con nào. Sau đó kể lại chuyện mới biết mình đã đắc tội với lão phù thuỷ danh tiếng của làng Lam Thuỷ nên bị phạt, các bà chỉ biết thở dài và từ đó cũng bỏ bớt tánh kiêu căng, đanh đá.
Những chuyện tương tự như thế thì vô số, kể hoài không hết nhưng Mộ Trấn là câu chuyện ấn tượng nhất, dấu tích xưa dù qua bao chiến tranh bom đạn mà đến nay vẫn còn sờ sờ bên bờ sông Cổ Hà.
Có một điều người ta tin những giai thoại là có thật vì dòng họ ông thầy pháp đó qua bao đời vẫn có người nối nghiệp cúng bái, trừ tà yếm quỷ nổi tiếng cho đến thời chiến tranh ly loạn, dân làng bỏ xứ mà đi nên không biết bây giờ con cháu của dòng họ ông còn giữ được nghề cũ không?
Nghe tôi kể chuyện làng quê của mình anh cũng góp vào, anh bảo dù là dân ở tỉnh nhưng anh rất thích về quê, tuy đường về quê anh không cùng hướng quê tôi nhưng cảnh trí ven đường của làng quê Quảng Trị ở đâu cũng gần như nhau, cũng dòng sông, cũng cánh đồng và anh cũng rất thích hít thở mùi hương đồng nội. Mỗi lần về quê, anh được bà con cưng lắm mà thích nhất là theo lũ trẻ trong xóm ra đồng cưỡi trâu, bắt dế. Có lần thấy con bò mới đẻ chú bê non, anh tò mò đến gần xem bị bò mẹ tưởng anh đến bắt con của nó nên rượt anh chạy trối chết. Tôi nghe anh kể mà cười nôn ruột, anh đúng là con trai, còn tôi dù sinh ra ở quê nhưng sợ trâu bò lắm, tôi không bao giờ dám đến gần chúng dù đôi khi thấy chúng nằm bên đường lim dim đôi mắt một cách hiền lành và thong thả nhai lại.
Hồi ở quê tôi rất thích nhìn dòng sông, nhìn bóng núi mờ xa xa in lên nền trời mỗi khi chiều về. Còn mỗi lần ra đồng là tôi quên cả giờ về ăn cơm nên thường bị ăn đòn, cả đến bây giờ cũng thế, mỗi lần có dịp đi qua cánh đồng lúa là tôi hít lấy hít để mùi cỏ dại, mùi mạ non ngai ngái, mùi lúa chín vàng ươm và ngay cả mùi bùn oi oi nồng nồng trên ruộng ướt.
Tôi thích ra đồng để nhìn đàn cò trắng rập rờn trên ruộng lúa, thích nhìn những chiếc vằng (lưỡi hái) ăn lúa sồn sột trong tay đám thợ gặt và thích mót lúa rơi. Tôi cũng thích đi bắt cá nhưng sợ đĩa và rắn nước lắm, những đêm trăng ngày mùa bọn trẻ con như tôi đều thích thức đêm xem trâu đạp lúa và ăn ké bữa khuya của đám thợ xảy lúa. Khi trâu đạp xong một giã lúa, nhóm đàn ông dùng mỏ xảy hất tung những cọng rơm vàng nhẹ về một phía để những hạt lúa nặng rơi xuống gom lại một đống. Thế là đám trẻ con chui vào nằm trong đống rơm còn thơm mùi lúa tươi để rồi sau đó da thịt ngứa ơi là ngứa. Tôi theo bọn trẻ trong xóm chơi những trò như búng dây thun, ô làng, ù mọi, trốn tìm, … đến trò chơi đám cưới, gia đình vợ chồng con cái mà sinh hoạt là dựa theo nếp sống của cha mẹ lúc đó, v.v…nhưng tôi không biết bắn bi đâu nhé, con gái ai lại chơi bắn bi mà tôi thường chơi bán hàng hay chơi lò cò gọi là cạnh tàu bay để xây nhà chiếm lối đi trên những vạch ngang dọc như chiếc máy bay. Còn đánh căng là một trò chơi rất thú vị dành cho con trai, mỗi đứa thường lận lưng một bộ, đồ nghề càng cũ thì càng láng bóng và nói lên đó là tay chơi thiện xạ, chúng cưng đồ nghề lắm, tôi thường thèm thuồng nhìn chúng cốc mấy cái rồi đánh mạnh cho căng văng ra xa… rồi quày tay đo một cách điệu nghệ. Thế mà chị AL của tôi cũng lén mạ chặt căng để làm một bộ láng o rất đẹp, chờ khi nào mạ đi vắng mới lôi ra chơi một mình, cũng cốc, cũng đo thành thạo và say sưa không kém bọn con trai.
Trong vườn nhà, ba tôi trồng đủ thứ trái cây, thế mà tôi vẫn thích theo lũ bạn trong xóm rong rong qua những lùm tre kiếm trái dại. Ngoài việc nếm thử trái sầu đâu, thưởng thức cái vị vừa ngọt vừa thanh của trái dưới chín vàng ươm ra tôi còn ăn bất cứ trái cây nào hái được như chuông chuổng, cơm nguội, dánh dù, khe lù lù, mắm nêm mà trong sách thuốc gọi là chùm bao hay lạc tiên gì đó, v.v… Cứ hái được là cho vào miệng mà không cần rửa ráy, trái nào ngon thì nuốt mà dở thì nhổ ra, ăn uống mất vệ sinh thế mà sao không đau bụng nhỉ? Còn nếu lên rú vào mùa hè thì tha hồ mà ăn sim, ăn móc đến đen miệng. Bên mộ bà nội tôi còn có những cây cam rượu trĩu quả vàng ươm. Mỗi lần đi thăm mộ, ba tôi đều hái về cả nón bảo là cam rượu mệ gởi về cho cháu. Trái cam rượu chín vàng mọng nước, ăn vừa ngọt vừa có mùi rượu mà ai tham ăn nhiều cũng say ngây ngây như uống rượu vậy.
Mùa hè học trò nông thôn thường gắn với ruộng vườn, hết mót lúa lại phụ mẹ hái ớt chín, cạo vỏ sắn, v.v…Thế nhưng vẫn có những lớp dạy hè rôm rả. Thầy dạy hè thường là những học sinh trung học của trường Nguyễn Hoàng, vào giờ học thì nghiêm khắc một phép, nếu đứa nào phạm lỗi là thầy sẵn sàng rút roi mây bắt nằm hai tay ôm đầu đánh trót vào mông, nhưng đến giờ chơi thì thầy trò gì cũng căng, cũng ù mọi, cũng alơmanh (trốn tìm) say sưa. Thuở đó trên các doi đất cao ven sông thường có một loài cây lúp xúp gọi là cây dẻ, mỗi độ hè sang, những chùm hoa dẻ chín vàng được học trò hái ép vào vở thơm lừng đến tận năm sau. Và trong tôi, đó là mùi hoa học trò nơi chôn nhau cắt rốn còn phảng phất đến tận bây giờ.
Chuyện quê xưa không bao giờ nói hết. Ai cũng có một vùng quê, ai cũng yêu nơi mình cất tiếng khóc chào đời, nơi còn mồ mả ông cha trăm năm đi về một cõi. Hãy về thăm quê bạn ơi! Quê hương nếu ai không nhớ…
Và tôi, khi ghi lại đoản ký ức nầy tôi vẫn nghĩ:
Làng tôi đối với vạn muôn người
Chỉ một miền quê nhỏ bé thôi
Tôi đã trót yêu từ tấm bé
Thuở còn say giấc ngủ trong nôi.
Xin mượn đoạn kết của bài học thuộc lòng năm xưa để nói lên nỗi lòng mình vậy.
Biên Hoà (một ngày hè 2008)
2 comments:
Lâu rồi không đọc văn em.
Bây giờ đọc lại còn thèm giọng văn!
Mới đó thôi, trọn một năm!
Bóng em như đã xa xăm thuở nào.
Trên trời còn những vì sao,
Tình em im lặng đi vào thien thu.
Hảo hảo
Cám ơn Haohao đã vào đọc bài của Liên Hưng và viết comment.
Post a Comment