Tên thật Phan Chánh Dinh.
Sinh năm 1941 tại Quảng Trị.
Bút danh Phan Duy Nhân , Nguyễn Chính, Dương Phù Sao, Thiết Sử ( bút danh do Hội Sinh viên sáng tác, Tổng hội Sinh viên Sài Gòn 1966-1967 chọn khi đăng bài thơ Thư gởi các bạn sinh viên trong tuyển tập thơ Tiếng hát những người đi tới).
Thơ đăng trên các tạp chí Sài Gòn ( như Bách Khoa, Văn Học,…) từ những năm 1960.
Trước công tác ở Ban Tôn giáo Chính phủ, nay đã nghỉ hưu.
Hiện ở tại TP Hồ Chí Minh.
Ngưỡng vọng
Thơ Phan Duy Nhân
Em mến yêu anh là sự sống
Trong anh như nhựa tiếp cây đời
Vươn cành xanh lá qua giông bão
Anh uống tình Em mà thắm tươi!
Những nắng gió trên đường đi tới
Những khuya trăng chia sẻ vui buồn
Em trong anh tim hồng trong ngực
Vượt lên cùng trăm núi nghìn sông...
Anh viết những bài thơ bất tận:
Em cho anh thêm một tâm hồn
Anh làm nước sông dài chẳng cạn
Chảy từ nguồn sâu thẳm yêu thương
Mỗi người có riêng mình thần thánh
Quan-thế-âm hay Ma-ri-a...
Anh cầu nguyện cùng em buổi sáng
Cho mỗi ngày mỗi bước đi xa.
Là Em và thơ và triết học
Yêu Em vô hạn tới vô cùng...
Say đắm cho Em thành có thật
Đến trọn đời vằng vặc vầng trăng.
Đêm hạ huyền ở Cửa Việt
" Vùi trong ngực
nằm yên
ngoan thế nhé,
Ngoài kia trăng
Đêm đã sáng đâu mà..."
Anh nhớ quá gọi thầm em thảng thốt
Những nụ hồng hôn mãi chỉ là hoa!
(Khúc dạo)
Trời trở lạnh Em dụi Đầu vào ngực
Không ngủ được ư Em
Đêm hãy còn dài!
Chưa dành nổi cho Em những gì êm ấm nhất
Mỗi thu về quê biển vẫn heo may...!
Tin cẩn giữa vòng tay, dịu dàng bé nhỏ
Lắng tim Em thơ dại bồi hồi
Gốc bồ đề trầm tư mà giác ngộ
Vượt trăm lần phiền não tới an vui...
Bền bỉ lạc đà mịt mùng sa mạc
Cho anh uống qua Em từng giọt cam lồ
Tựa vào em băng ghềnh vượt thác
Vạm vỡ tâm hồn phơi phới cơn mưa...
Giá lạnh qua rồi
không còn cay đắng nữa
Ai thương yêu không mở rộng lòng mình?
Cháy rực lò cao xanh ngời ngọn lửa
Nồng nhiệt yêu đời từ tha thiết yêu Em!
Những gian khổ tháng ngày gió bụi
Tạ ơn đời còn lại ngọt ngào Em
Suốt đầu nguồn từ trăng rằm diệu vợi
Chảy suốt trăm năm qua giao hưởng êm đềm.
Sắp rạng đông rồi
vườn bên chim đã hót
Xin cúi hôn vầng trán thiên thần
Đâu chỉ giấc mơ
Em nồng nàn giữa ngực
Với thủy triều trên biển cũng trào dâng...!
Tháng chín
P.D.N
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)
Vĩ thanh
Mới gió Lào khô đã heo may Hà Nội
Chon von đỉnh núi giong buồm
Thuở trước thiền sư làm chính ủy
Câu thơ tới giờ còn mang gươm!
Thơm dấu hài thêu khuya chuyện cũ
Giữa Hàng Đào cô Tấm có là em?
Ôi em đẹp với vô cùng mà đời ta có hạn
Gió lộng vẫn ngang trời
trong đáy mắt hồ Gươm...
Hà Nội, những mùa sen 1990
Phan Duy Nhan
Quán tưởng
Nhắm mắt để nhìn em thật rõ
Thanh thoát trong tôi một đóa hồng
Đêm sáng lên từ tia lửa nhỏ
Hồn tôi nắng sưởi giá băng tan...
Mùa xuân TP Hồ Chí Minh 2007
Thư cho mẹ và chị
Phan Duy Nhân
Đầy nước mắt đi trong chiều biển động
Thân san hô sóng vỗ một đời tròn
Trông cây tùng gặp bão cũng cong lưng
Đời kiêu mạn chẳng còn tâm sự với
Con nhớ lại sắt se lời mẹ dạy
Những đêm qua ngõ hẹp phố phường sâu
Đầu gối trên tay nghe đường máu chạy
Trong tim con ngựa mỏi muốn quay đầu
Những buổi sáng nằm vùi trên gác trọ
Những chiều hôm mong đợi chẳng ai về
Tình thuở trước đắp cao dần nấm mộ
Trong lòng con cỏ mọc đã vàng hoe
Ngã bảy ngã ba hẹn hò bè bạn
Áo cơm nhau nhờ vả đến bao giờ
Xương từng ống hút dần theo lũ quạ
Ngó lui mình rỗng tuếch chúng bay xa
Thơ với ngô khoai bánh mì giữa chợ
Có kiên gan Lã Vọng cũng buông cần
Khí phách văn chương công bằng cách mệnh
Xưng lỡ anh hùng không lẽ đến xin ăn?
Con đã ngấy những ngày thư viện đói
Nói khôi hài kinh kệ những ai xưa
Khi rách áo xem ra chiều thủ lợi
Không manh tâm thiên hạ cũng nghi ngờ…
Ngần ấy bụi con mang về với mẹ
Hận nghìn đời trong đáy mắt chưa nguôi
Thân đau yếu em quỳ bên gối chị
Lòng lênh đênh muốn lặng cứ trôi hoài
Con phiêu bạt ngỡ thân tàn ma dại
Chẳng còn gì nguyên vẹn để đem dâng
Xin mẹ rót cho con lời phủ dụ
Ngửa hai tay xin chị nhận em cùng
Cho ánh mắt đau buồn nay tỏ rạng
Soi xuống lòng ẩn hiện ánh trăng trong…
(Huế, tháng ba, 1962)
Phan Duy Nhân
Tự tình với Huế
Phan Duy Nhân
Huế duỗi tay mềm anh gối nhé
Sông Hương thơm trải lụa xanh chìm
Trăng rằm lộng lẫy phong lan nở
Mê mải vùi trong say đắm em…
Thức giấc mưa sương gợn nét mày
Não nùng em tựa ấm bên vai
Anh cùng cung điện xuôi theo nhạc
Mỗi giọt dư âm mỗi dấu giày…
Ngày cứ tròn căng nỗi khát khao
Đêm đêm ngây ngất nụ hôn đầu
Trăm năm sau nữa qua Thành Nội
Anh vẫn còn em, ta có nhau!
Đôi lá thuyền trôi giữa thực hư
Mênh mang sông bến lắng câu hò
Ôm trong Huế tình yêu dịu ngọt
Da diết Nam Bình điệu hát ru
Em vẫn trong anh giữa nắng ngày
Giữa trời xanh mát núi xanh mây
Cơm thường mỗi bữa em chăm chút
Giấc ngủ mơ màng thơm cánh tay
Mỗi lần về Huế rồi xa Huế
Anh cứ rưng rưng nỗi tạ từ
Đâu chỉ chia tay cùng kỷ niệm
Nồng nàn trong Huế vẫn em xưa…
Phan Duy Nhân
Hành thiền
Kính tặng Tôn sư tôi,
Hòa Thượng Thích Trí Quang
Tròn đầy mùa rỗng lặng
Biển vô lượng thủ triều
Ôi thương đời vạn dặm
Vân du vượt suối đèo
Đường về tâm hết động
Tuyệt chiêu mà vô chiêu!
Thôi hòa lòng với bụi
Thanh tịnh vầng trăng treo.
PDN
Trầm luân nào có chừa ai
Dương Đức Quảng
Nhiều người biết đến ông vì ông là người khá nổi tiếng trong phong trào đấu tranh ở đô thị miền Trung những năm kháng chiến chống Mỹ, từng bị bắt và bị tù Côn Đảo. Ông chính là Phan Duy Nhân từng đảm trách nhiều vị trí quan trọng của Đảng và Nhà nước...
Sau giải phóng 1975, ông đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, trước khi nghỉ hưu từng giữ chức Quyền Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ. Ông là Phan Chánh Dinh, tức nhà thơ Phan Duy Nhân, tức Nguyễn Chính, một nhân vật mà “cuộc đời vinh quang chung không ít, trầm luân riêng cũng nhiều”.
Bị tù vì… một bài thơ
Tôi quen biết ông từ năm 1974 tại tỉnh Quảng Đà trong kháng chiến chống Mỹ. Tết Đinh Hợi 2007, tôi gặp lại ông tại TP Hồ Chí Minh sau gần chục năm ông rời Hà Nội vào Nam công tác và về hưu trong đó. Gặp nhau sau nhiều năm xa cách, lại trong ngày đầu xuân, dẫu lúc đầu không muốn, nhưng rồi, như ông nói vui "nể lòng người cũ vâng lời một phen", ông đã bộc bạch với tôi về cuộc đời của mình...
Phan Duy Nhân sinh năm 1941, quê Quảng Trị, nhưng lại sống từ nhỏ ở Đà Nẵng. Tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, ông là thương binh, trải qua ba lần bị thương và ba lần bị địch bắt, tù đầy, trong đó có 6 năm bị giam ở nhà tù Côn Đảo.
Lần đầu tiên Phan Duy Nhân bị bắt là vào năm 1959, khi vừa 18 tuổi. Lần thứ hai anh bị bắt vào năm 1965. Năm đó, sau cuộc đảo chính lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm 1/11/1963, phong trào đấu tranh đô thị tiếp tục diễn ra sôi nổi ở Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ…
Ở Huế, một số anh chị em học sinh, sinh viên ra tập san Nhận thức, đăng nhiều bài viết cổ vũ tinh thần đấu tranh của giới trẻ, kêu gọi đồng bào tham gia phong trào yêu nước.
Phan Duy Nhân vừa dạy học vừa theo học các chương trình chứng chỉ tại Viện Đại học Huế; cùng một số trí thức, sinh viên tham gia phong trào đấu tranh tại thành phố này. Một lần, từ Hội An, anh nhờ một người bạn đem bài thơ anh mới sáng tác ra Huế gửi cho các bạn cùng phong trào để đăng trên tờ Nhận thức.
Không biết vì lý do gì mà bài thơ ấy đã lọt vào tay An ninh Quân đội Sài Gòn. Lập tức Phan Duy Nhân bị bắt. Bài thơ ấy có đoạn: "Hãy đứng dậy tất cả/ Đấu tranh không mất gì/ Trừ cái gông trên cổ/ Trừ dây xiềng trên tay/ Hãy chiếm mỗi ngã tư/ Trái tim làm khí giới…/ Cùng anh em đồng đội tiến lên.../”.
Tôn Thất Xứng, Thiếu tướng Tư lệnh Vùng 1 chiến thuật Quân đội Sài Gòn trực tiếp gặp anh. Xứng cầm bài thơ do chính tay Phan Duy Nhân viết đưa ra trước mặt anh, ngọt nhạt:
- Ai dạy cho anh Tuyên ngôn Cộng sản để anh biến thành thơ ca kêu gọi nổi loạn này?
Phan Duy Nhân đáp:
-Tôi làm bài thơ này là từ suy nghĩ và cảm xúc của tôi, nay mới nghe ông nói nó giống với Tuyên ngôn Cộng sản! Quả thật tôi có đọc Tuyên ngôn Cộng sản ở thư viện Đại học Huế từ bản in bằng tiếng Pháp.
Nó có một câu rất hay, đập vào tôi rất mạnh. Câu ấy kêu gọi người nô lệ đấu tranh không mất gì cả, có mất chăng chỉ là mất cái xiềng mà thôi. Còn trong bài thơ của tôi, cái gông là do tôi nghĩ ra!
Xứng sa sầm nét mặt, hỏi lại anh có đúng là tại thư viện Đại học Huế có bản Tuyên ngôn Cộng sản không, và vẫn cố giữ cái giọng ngọt nhạt như trước:
- Anh nói vậy thì tôi biết vậy. Thôi được, anh là người có học, lại dạy văn, hôm nay tôi tạo điều kiện cho anh ở lại đây, để anh có thời gian suy nghĩ viết cho tôi bài bình giảng về bài thơ của anh!
Thế là Phan Duy Nhân bị đưa về giam tại Trại giam số 11 của Quân đoàn 1, bị An ninh Quân đội Sài Gòn dùng cực hình tra tấn cốt tìm ra đầu mối tổ chức cách mạng hoạt động bí mật tại Hội An và Đà Nẵng. Sau nửa năm bị giam giữ, không khai thác được gì ở anh, lại thấy dư luận bên ngoài bất lợi, chúng phải thả anh ra.
Sau đó, có dịp trở lại thư viện Đại học Huế, Phan Duy Nhân thử tìm lại cuốn Tuyên ngôn Cộng sản mà anh đã đọc thì không còn. Chắc sau ngày bắt anh, viên Thiếu tướng Tôn Thất Xứng đã cho người vào lấy đi!
Bàn thờ người sống và ngày trở về
Năm 1966, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thường vụ Thành ủy, Phan Duy Nhân được cử tham gia hoạt động công khai trong phong trào đấu tranh của Phật giáo, thanh niên, học sinh, sinh viên Đà Nẵng.
Anh là Ủy viên Thường vụ của Ban lãnh đạo “lực lượng nhân dân tranh thủ cách mạng”, phụ trách kế hoạch tranh đấu; Ủy viên liên lạc miền Vạn Hạnh của Phật giáo miền Trung, từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, đồng thời là cán bộ đấu tranh chính trị của Thành ủy Đà Nẵng trong cuộc đấu tranh nổi dậy làmchủ thành phố Đà Nẵng 76 ngày đêm.
Sau khi cuộc nổi dậy bị đàn áp, bị lộ, Phan Duy Nhân phải thoát ly lên chiến khu. Tết Mậu Thân năm 1968, anh được giao làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng Lâm thời TP Đà Nẵng sau khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy chiến thắng.
Sáng mùng 1 Tết, anh dẫn đầu cuộc biểu tình, thị uy của bà con phật tử và đồng bào TP Đà Nẵng từ trung tâm thành phố đi chiếm trụ sở chính quyền. Đoàn biểu tình kéo từ Chùa Tỉnh hội Phật giáo ra đường Ông Ích Khiêm thì bị địch đàn áp. Phan Duy Nhân bị bắn gãy chân và bị bắt đem về Ty Cảnh sát Gia Long, sau đó bị giải qua Trung tâm thẩm vấn Thanh Bình và nhà lao Kho Đạn, Đà Nẵng.
Ngày 16/9/1968, Phan Duy Nhân bị đầy đi Côn Đảo. Năm 1970, do có một người bạn tù cùng bị giam với anh bị đánh đập đến chết, tin tức trong tù đưa ra làm nhiều người lầm tưởng anh đã hi sinh.
Bạn anh, Hoàng Phủ Ngọc Phan, một sinh viên cùng hoạt động trong phong trào đấu tranh ở Huế, lúc đó đang công tác ở chiến khu Trung ương Cục, đã viết một bài báo để tưởng nhớ anh, nhan đề: "Phan Duy Nhân, một nhà thơ trẻ biết xung phong".
Bài báo ấy được in trên Báo Văn nghệ giải phóng và được Đài phát thanh giải phóng phát đi. Tờ Đất nước của một nhóm trí thức và sinh viên yêu nước xuất bản nửa công khai hợp pháp ở Sài Gòn cũng đăng bài tưởng niệm anh.
Tại một quán cà phê trên đường Lê Lợi, Sài Gòn, một số bạn bè của anh ngày trước, trong đó có cả P.N.N., một cây bút chống Cộng nhiều người biết, đã tổ chức một buổi gặp mặt để tưởng nhớ anh.
Tin anh bị chết trong tù đến tai cha mẹ anh, khi ấy ông bà đã về sinh sống tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên, làm cả hai như rụng rời chân tay. Sau khi người em gái của anh bị chết đuối, rồi người em trai tật nguyền lại bị bom Mỹ giết, mẹ anh đã khóc hết nước mắt, nay lại nghe tin anh - người con duy nhất còn lại bị chết trong tù, bà cụ phát bệnh, bị tâm thần rất nặng.
Nguồn: http://antgct.cand.com.vn/
Hà Khánh Quân -
Phan Duy Nhân Trên Con Đường Từ Thức
Trong bài viết Gởi Những Người Bạn Trẻ, nhà biên khảo Hoàng Nguyễn, cũng là thầy hiệu trưởng trường trung học Phan Châu Trinh – Đà Nẵng Nguyễn Đăng Ngọc, đã “hướng nhìn theo chiều hoài niệm”, gởi về các học trò cũ của ông những tình cảm, những suy nghĩ rất chân tình. Những người học trò cũ đó, được ông cho biết: “... tất cả đều trên 40 tuổi, cái tuổi không còn ngập ngừng gì nữa ở cuộc đời (tứ thập bất hoặc!), đã biết gánh chịu trách nhiệm cho ngày nay và hôm mai”. Bài viết không trực tiếp so sánh, đánh giá sự khác biệt của lễ nghĩa sư đồ, giữa thời kỳ điện toán với những niên khóa vừa quay gót không lâu. Nhưng cái ngụ ý của người viết, bạn đọc ai cũng hiểu ra.
Cái tình bao la của người thầy không cho phép thiên vị trong đối xử. Xã hội Việt Nam chúng ta, con người vẫn thường trực bị đẩy vào hai thế đứng đối nghịch. Đám học trò của thầy Ngọc cũng không nằm ngoài sự chia phân ấy. Nhưng dù ở bên này hay bên kia lý tưởng, những người học trò vẫn được người giáo dục mình nhớ đến đồng đều và trìu mến. Học được tính bao dung chân tình của người thầy cũ. Tôi bớt hẳn nỗi ngại ngùng, bị người khác đội cho mình cái mũ không vừa đầu, để viết về một dòng thơ quí, mà tác giả đã ngã sang hướng nghịch chiều với quốc kỳ màu vàng của tôi.
Khởi từ đầu thập niên sáu mươi, tại thành phố Đà Nẵng, lớp sinh hoạt thơ văn trung niên và sắp về già như: Thái Can, Vũ Hân, Quốc Dân,Việt Trữ, Hồ Mộng Thiệp, Trần Gia Thoại, Tô Như, Thanh Phương, Anh Đô, Hoàng Trọng Thược... hình như chỉ thu hẹp sinh hoạt trong địa bàn thành phố. Cùng lúc đó, trong đám học sinh, nở rộ việc thành lập thi đàn, bút nhóm. Có vóc dáng và nghiêm chỉnh nhất trong những tập họp này là nhóm Cùng Đi Một Đường. Tôi không rõ ai khởi xướng, ai giữ chân nhóm trưởng. Nhưng thành viên của nhóm, hết thảy, với tôi, đều bạn thân tình : Phan Duy Nhân, Huy Giang, Lam Hồ, Tô Yên, Hồ Cư. Trong năm tay viết, có đến ba nhân vật tập tành... khuynh tả. Và cả năm đều có bài đăng khá đều đặn trên các tuần báo, nguyệt san, tạp chí tại Sài Gòn.
Huy Giang tên thật Nguyễn Đăng Trừng, hiện hành nghề luật tại Sài Gòn.
Lam Hồ tên thật Nguyễn Hữu Nuối, viết mạnh và đều nhất thời bấy giờ, nhưng đã sớm gác bút khi hành nghề dạy học, hiện vẫn ở Đà Nẵng.
Tô Yên tên thật Lê Văn Nghĩa, trở thành thiếu tá binh chủng Thiết giáp VNCH, đã hy sinh ở mặt trận Quế Sơn Quảng Nam năm 1972.
Hồ Cư dùng tên thật làm bút hiệu, đã biệt tích khá lâu trong những ngày anh lên rừng “làm cách mạng”.
Phan Duy Nhân là người tôi đang níu thơ anh để lang thang hôm nay.
Tôi đã được đọc ba, bốn bài viết có liên quan đến Phan Duy Nhân trong mấy năm vừa qua, không lâu lắm. Những bài viết được thực hiện bởi những người bạn anh, hoặc ít ra khá thân với anh. Trên tạp chí Văn Học tại Hoa Kỳ, anh trai của nhà văn Hồ Đình Nghiêm, anh Hồ Đình Nam, hiện định cư tại Anh Quốc, viết một bài. Những bài khác của các nhà văn Phan Nhật Nam (tác giả Dựa Lưng Nỗi Chết, Dọc Đường số 1...vv) và Nguyễn Chí Thiệp (tác giả Trại Kiên Giam và Việt Nam Khát Vọng Dân Chủ Tự Do). Cả hai nhà văn nổi tiếng chống cộng này, đều là bạn học cùng trường Phan Châu Trinh với Phan Duy Nhân. Phan Nhật Nam cùng nhà nghiên cứu sử Trần Gia Phụng (hiện ở Toronto, Canada) học trên Phan Duy Nhân một lớp. Nguyễn Chí Thiệp ngồi cùng với Phan Duy Nhân một dãy bàn, trong suốt bốn năm đệ nhất cấp. Quan hệ thân mật trong tình bạn học, những bài viết của hai ông nhà văn rất chân tình dù đưa ra nhiều điều đáng suy ngẫm.
Thơ Phan Duy Nhân thường được “đi” trên tạp chí Bách Khoa, do ông Lê Ngộ Châu điều hành. Tòa soạn Bách Khoa nằm ở số 160 trên đường Phan Đình Phùng Sài Gòn. Dưới đây là Cuối Năm Rời Nhà Trọ, được tác giả xếp vào tập Ngậm Ngải Tìm Trầm. Nhưng tập này đến nay hình như vẫn chưa được xuất bản:
lòng trống không mà mưa cuối năm !
tre câm cam chịu nỗi cơ hàn
chăn đơn đời ngủ không đành dậy
tay vắt ngang mày đợi bóng trăng
này lối thầm xưa ngùi kỷ niệm
này vuông cửa sổ ngắm, chiều rơi
mai sương như khói lên đầu ngõ
giọt nến đêm dài thêm tủi thôi
cau vút thân vời cao chín bậc
thầm ru chim phượng ngủ trong lòng
bạn bè mộng thấy dăm ba bận
ai biết ta nằm đây nữa không ?
mơ ước xa như người đã khuất
cam thua cau mặt lật con bài
mưa chiều tượng mỏi im như Phật
từng giọt buồn rơi qua kẽ tay
trang sách, vuông khăn, vài vạt áo
vò lòng cúi mặt bước chân ra
chỉ cần mưa ngớt cho đôi chút
trời rộng xin đừng gió thổi qua !
Cả bài thơ toát ra một nỗi buồn lặng lẽ, đơn độc. Hơi thơ như những nhịp đập bồi hồi của trái tim. Những buổi chiều cuối năm, vốn mang sẵn một nỗi buồn rất thiêng liêng, rất vô cớ. Ở đây, cái ngậm ngùi bát ngát ấy, lại được lan tỏa bởi nhiều nguyên nhân. Người khách trọ hẳn là kẻ cô độc đã lâu, không rõ vì lý do gì phải rời nơi cư ngụ tạm bợ của mình. Tác giả không nói. Và chúng ta, tưởng chỉ nên chú tâm vào cái hoạt cảnh chia ly, giàu tâm trạng của người ra đi.
Với nỗi lòng trống không, chẳng chút tình nào đọng lại, người khách trọ buồn bã nhìn quanh. Ngoài trời dày kín những ngọn mưa sướt mướt. Cái lạnh của không gian thổi buốt cái lạnh trong lòng. Dù không đành rời bỏ nơi chốn hẩm hiu, nhưng biết không thể lưu lại, người khách trong những giây phút sau cùng, cố nằm nướng vắt tay ngang mày, nghĩ đến một ngày tươi sáng hơn. Và trong khoảnh khắc anh chợt nhận diện được những thân mật, những tình nghĩa, lâu nay đã sống bên cạnh mình. Đó chính là con đường, từng nâng đỡ những bước ngậm ngùi đi về. Đó chính là cánh cửa, từng thao thức chờ đợi để cùng chứng kiến, những buổi sớm mai sương đầy như khói, những đêm xuống chậm như từng vệt nhễu của ngọn đèn chong. Đời người rồi cũng mòn hao thầm lặng như sự đi đến vô tình của đêm, ngày. Để vượt qua những hoài nghi, hướng đến cái chí cao chín bậc của mình, không cách nào khác hơn là dựa vào cái mơ ước, vẫn nuôi trong lòng. Người khách trọ quyết thử thời vận thêm một lần nữa. Sá gì những giọt mưa, kể chi những nỗi buồn. Tất cả đang rụng xuống, lọt qua kẽ tay, khi con đường xanh mở ra trước mặt. Một chuyến khởi-hành-mới bắt đầu. Hành lý không khác những lần trước là bao. Vẫn một vuông khăn, một trang sách cùng vài vạt áo. Nhưng lần này có thêm được một tấm lòng, dù đã vò nhàu. Ý chí nuôi dưỡng một lý tưởng vẫn còn lóe lên niềm tin, chỉ cần mưa ngớt cho đôi chút...
Người lữ hành trong Cuối Năm Rời Nhà Trọ không xa lạ. Đó chính là Phan Chánh Dinh ngoài đời. Anh sinh năm 1941 tại Quảng Trị, nhưng trưởng thành tại Đà Nẵng. Gia đình anh nằm trong thành phần lao động, nhưng vật chất khả quan, chỉ khá nghèo niềm vui, bởi anh có vài người em không tốt số trong cuộc sống. Nhờ thân phụ là một viên chức nhỏ của ngành hỏa xa, cả gia đình được chung sống trong căn nhà nhỏ, tường xây mái ngói, ngay trạm đổi đường tàu, chạy ngang đường Ông Ích Khiêm. Tuổi niên thiếu của anh ở đó, cùng những đường ray (rail), những sỏi đá và những cánh cửa màu lá già, thường trực đựng đày những dòng thơ anh viết, xóa mỗi ngày. Phan Chánh Dinh theo học tại trường Phan Châu Trinh. Trường trung học công lập này cho anh nhiều bằng hữu thân thiết.
Cuộc đời thơ của Phan Chánh Dinh sinh động dưới hai bút hiệu Phan Duy Nhân và Dương Phù Sao. Mỗi bút hiệu không chỉ có ý nghĩa mà còn bao trùm cả hoài vọng của người mang nó. Ở bút hiệu thứ hai, thành hình theo lắp ghép: họ của người yêu, cộng một động từ, cộng một biểu tượng.
Phan Duy Nhân bắt đầu làm thơ năm 1957. Một năm sau bài được đăng trên các tạp chí văn học tại Sài Gòn, nhiều nhất trên tờ Bách Khoa. Nhịp viết của anh bất ngờ lơi dần trong năm 1966. Cũng từ dấu mốc này, cuộc đời chính trị của một Nguyễn Chính, một Thiết Sử được mở ra với nhiều thay đổi dập dồn, bất ngờ.
Con Đường Từ Thức của Phan Duy Nhân chọn cho mình, xem ra ngược chiều với vị quan đất Kinh Bắc ngày xưa. Một người lơ là danh phận, chỉ hết lòng với thơ phú. Một người tạm gác cái mơ mộng thi ca để đi tìm công danh, dưới hình thức thực thi lý tưởng.
Tuyệt đỉnh của chức vụ trên Con Đường Từ Thức của mình, Phan Chánh Dinh có trong tay Quyền Trưởng Ban Tôn Giáo của chính phủ (CHXHCNVN). Một chức sắc nghe còn khá lạ tai. Không rõ quyền hạn rộng đến đâu ? Sự thành công này, có thật sự giúp cho Phan Chánh Dinh sống một đời dễ chịu, từ vật chất đến tinh thần ? Ngày nay, câu trả lời, ít ra, đã rõ cho một trong hai lãnh vực thiết thực nêu trên.
Chưa vào động Phi Lai, chưa gặp Giáng Hương, nhưng với chặng đường thơ đã qua, với thực tài, Phan Chánh Dinh đã làm nên một Phan Duy Nhân, óng ánh trong vườn thơ Việt Nam, đó là điều không thể không nhìn nhận. Nhìn lại chặng đường anh đã đi, chúng ta thấy: từ 1961 đến 1964, nhất là trong năm 1962, Phan Duy Nhân viết được nhiều bài thật xuất sắc. Tiêu biểu như bài Thơ Cho Mẹ Và Chị, trích trọn vẹn dưới đây :
Đầy nước mắt đi trong chiều biển động
Thân san hô sóng vỗ một đời tròn
Trông cây tùng gặp bão cũng cong lưng
Đời kiêu mạn chẳng còn tâm sự với
Con nhớ lại sắt se lời mẹ dạy
Những đêm qua ngõ hẹp phố phường sâu
Đầu gối trên tay nghe đường máu chạy
Trong tim con ngựa mỏi muốn quay đầu
Những buổi sáng nằm vùi trên gác trọ
Những chiều hôm mong đợi chẳng ai về
Tình thuở trước đắp cao dần nấm mộ
Trong lòng con cỏ mọc đã vàng hoe
Ngã bảy ngã ba hẹn hò bè bạn
Áo cơm nhau nhờ vả đến bao giờ
Xương từng ống hút dần theo lũ quạ
Ngó lui mình rỗng tuếch chúng bay xa
Thơ với ngô khoai bánh mì giữa chợ
Có kiên gan Lã Vọng cũng buông cần
Khí phách văn chương công bằng cách mệnh
Xưng lỡ anh hùng không lẽ đến xin ăn?
Con đã ngấy những ngày thư viện đói
Nói khôi hài kinh kệ những ai xưa
Khi rách áo xem ra chiều thủ lợi
Không manh tâm thiên hạ cũng nghi ngờ…
Ngần ấy bụi con mang về với mẹ
Hận nghìn đời trong đáy mắt chưa nguôi
Thân đau yếu em quỳ bên gối chị
Lòng lênh đênh muốn lặng cứ trôi hoài
Con phiêu bạt ngỡ thân tàn ma dại
Chẳng còn gì nguyên vẹn để đem dâng
Xin mẹ rót cho con lời phủ dụ
Ngửa hai tay xin chị nhận em cùng
Cho ánh mắt đau buồn nay tỏ rạng
Soi xuống lòng ẩn hiện ánh trăng trong…
Vịn những dòng thơ của thể tám chữ, không quá gò bó ở kỹ thuật vần điệu, một người con trai nhà nghèo theo học ở thành phố, đã quặn thắt gởi tâm sự của mình về cho mẹ và chị. Nguồn thơ bát ngát, không bày tỏ những nhớ thương thường thấy ở những người con xa nhà. Nhưng uất nghẹn những suy tư về thân phận, về cuộc sống.
Bằng kỹ thuật vẽ lại những hình ảnh thường mục kích trong đời sinh viên, (Những buổi sáng nằm vùi trên gác trọ/ Những chiều hôm mong đợi chẳng ai về... Ngã bảy ngã ba hẹn hò bè bạn/ Áo cơm nhau nhờ vả đến bao giờ...), lồng vào đó những xúc cảm, những suy nghĩ bi quan (Tình thuở trước đắp cao dần nấm mộ/ Trong lòng con cỏ mọc đã vàng hoe... Xương từng ống hút dần theo lũ quạ/ Ngó lui mình rỗng tuếch chúng bay xa) tuy có phần cường điệu, nhưng nhờ âm ngữ và hình ảnh, giúp những câu thơ trở nên linh động, có hồn. Phan Duy Nhân cũng dựng lại cái khí chất người xưa, để bày tỏ cái bản lĩnh, cốt cách của một nam nhi giàu ý chí, qua tám câu rất thu hút ( Thơ với ngô khoai bánh mì giữa chợ... Không manh tâm thiên hạ cũng nghi ngờ…) Nhưng cái buồn thâm trầm, đọc được rõ những xót xa, nằm ở ba đoạn tuyệt vời nhất, đó là khổ bốn câu thứ hai, và hai khổ cuối cùng. Lời mẹ dạy (con nhớ lại sắt se lời mẹ dạy) chính là cái phao để tác giả có đủ can đảm dàn trải, phơi bày những tâm sự. Thơ Phan Duy Nhân, hình như bài nào cũng có một ưu điểm khác, đó là sự trong sáng, một niềm tin lấp lánh ở cuối bài:
Cho ánh mắt đau buồn nay tỏ rạng
Soi xuống lòng ẩn hiện ánh trăng trong
Những suy tư về một hiện thực xã hội không được hoàn hảo, đã thấy thấp thoáng trong bài vừa dẫn trên. Ở Đường Bay Của Thơ, dù vẫn còn rất nhẹ nhàng, Phan Duy Nhân cũng đã vẽ lên một tâm cảnh u buồn:
“... giây phút ấy, tới cầm tay nỗi chết
sau lưng anh phường phố vẫn điêu tàn
máu một giòng, rơi hờn như giọt đá
thơ một lời dội lại tiếng kêu van
thôi từ đó xa bay ngoài hiện tại
anh đưa tay bồng thân thể lên đường
tiễn chân người, xanh xao cành lá lay
em cúi đầu thân huệ vốn lưng ong”
(Bách Khoa 123-1962)
Không khó để hình dung hiện trạng xã hội trong thời chiến tranh. Vì thế, ở đây không phô bày, lặp lại nhiều tài liệu đã thành sách. Hậu quả của bom đạn không dành riêng ai. Vết thương nặng, nhẹ có thể khác nhau. Nỗi đau buồn tủi nhục của đất nước dù có chia đều, thế hệ trẻ hẳn phải gánh chịu trực tiếp và nặng nề hơn. Ý thức rõ được trách nhiệm này, những tay thơ như Phan Duy Nhân, Phan Trước Viên, Đynh Hoàng Sa, Phan Nhự Thức, Lữ Quỳnh, Thái Tú Hạp, Thành Tôn, Lê Vĩnh Thọ... , muốn dành cái quyền giới thiệu những thảm cảnh chiến tranh, đồng thời bày tỏ thái độ của mình trước cuộc chiến. Riêng Phan Duy Nhân căm phẫn đến mức nào ?
“... cho anh một chỗ đứng nào trên hành lang
để anh nhìn niềm bi thương đang diễn hành dưới đất
...
anh quẳng ra khỏi vuông cửa sổ toa tàu
trang nhật báo em cầm trên tay
in đầy tin thời sự
anh sinh ra bé nhỏ mọn hèn
muốn giấu em chuyện người da vàng trên Trung Hoa lục địa
buổi sớm lệnh còi đồng phục sắp hàng đôi
anh muốn giấu em những hội nghị tài binh
nâng cốc
chế bom
trên đầu dân thuộc địa
anh muốn giấu em chuyện người mẹ kê đầu trên đường sắt
ngăn con tàu chở lính sang Alger
anh muốn giấu em những tin tức quê hương gần gũi
những khuya xung phong những ngày nước độc
những hận thù trói buộc
những giới tuyến phân chia anh em bè bạn xứ sở gia đình
...
anh buổi sáng vẫn mang giày mặc áo
phố hôm nay - vẫn đó, phố bao giờ
bước có nghìn lần nhịp gõ cũng còn khô
sống vẫn đi vòng không ra ngoài cát bụi
tuổi thơ người ta không ra ngoài nước mắt
con tim người dây kẽm cũng còn chia...”
(Văn Học 19 – 5-1964)
Anh vẫn sử dụng ngôn ngữ giản dị. Điều nổi bật: những nét vẽ trầm uất mỗi ngày hình như được chăm chút rõ hơn. Khuôn mặt của thời cuộc được nhìn rộng từ thế giới, trước khi dừng lại với thực tại quê nhà. Những điều bi quan anh muốn giấu, chính là những điều anh khẩn thiết nói ra. Sự mâu thuẩn này không có gì lạ. Nó như một nghệ thuật buộc người nghe phải chú ý hơn. Nó cũng làm cho sự lặp lại được tự nhiên hơn, và chuyện đã xảy ra, được lặp lại cũng trở nên mới . Thật ra những hình ảnh bi thảm của cuộc chiến được dựng lên trong Con Đường Từ Thức (tên bài thơ), không có gì mới lạ. Thậm chí những hình ảnh bi thảm cũng chưa đủ mức bi thảm so với hiện thực ngoài đời. Giá trị của bài thơ, vẫn nằm trong thể cách bày tỏ tình cảm, bên cạnh những hình ảnh được dùng để đánh động sự chú ý của người đọc. Ngôn từ của Phan Duy Nhân không mới. Tùy theo ý tưởng, anh đặt bên cạnh những câu thật giản dị, một vài câu giàu chất thơ, từ đó cả chụm chữ đều ngát hương thi ca:
“... anh không muốn môi em hồng mắt sáng
mười lăm mười bảy ngây thơ
mỗi lời sầu làm mát một mùa thu...”
Trong bài tổng quan cho cuốn biên khảo Văn Học Việt Nam Hiện Đại – Thi Ca và Thi Nhân, tác giả Cao Thế Dung có đưa ra nhận xét:
“... Về ý và kể cả ngôn từ, nhiều nhà thơ đã cố vươn cao để cho khác cái cũ – nghĩa là cái đã được nói trong thơ tiền chiến. Và đã thành công qua ý hướng đó như Phan Duy Nhân, Hà Nguyên Thạch, và những bản sắc mới gần đây như Tần Hoài Dạ Vũ, Luân Hoán, Thành Tôn...”
(Thi Ca Và Thi Nhân trang 325)
“Ý hướng đó” của ông Cao Thế Dung là gì ? Phải chăng đó là những mô tả, phân tích cùng nhận định về chiến tranh. Nguồn thơ có nội dung như thế, về sau được gọi là thơ phản chiến. Tôi nghĩ, dù có phản chiến hay chỉ nêu ra một hiện thực đau buồn của đất nước, nguồn thơ này, đã manh nha từ những bài viết nặng lòng yêu quê hương. Căn cứ vào đời chính trị tiếp nối liền sau đời thơ, có thể nói thơ Phan Duy Nhân không nằm trong dòng thơ phản chiến. Những người làm văn học hiên nay đã xếp anh vào hàng ngũ những nhà thơ dấn thân, cùng Trần Quang Long, cùng Phan Trước Viên... Theo định nghĩa trong Từ và Ngữ Việt Nam của ông Nguyễn Lân, “dấn thân là hy sinh thân mình” dĩ nhiên sự hy sinh này thường dành cho tổ quốc.
Mùa hạ năm 1963, Phan Duy Nhân hành nghề gõ đầu trẻ, cho một vài trường trung học tư nhân tại Hội An, nơi cư ngụ của Ngân Hà, vợ anh sau này. Anh có viết một số bài ký tên Dương Phù Sao. Bài trích dưới đây, có lẽ đậm đà hình ảnh quê hương nhất trong thơ anh. Bài thơ khởi đầu bằng một cảnh sắc chợt đến trong tâm trí anh: Bến sông Hoài êm ả với dòng nước thì thầm đang nằm đợi những con thuyền ra khơi trở về. Bến sông đó cũng là cõi lòng của người anh yêu. Sự liên tưởng, thi vị hóa không khó lắm, bởi vì nỗi nhung nhớ của anh cộng thêm cái hiện thực, ngôi nhà người đẹp họ Dương nằm ngay bên bờ sông
“anh nhớ quê hương phố chợ âm thầm
tre cúi ngọn ưu phiền chiều xuống chậm
nước thì thầm trôi vòng ôm xóm vạn
bến ngậm buồn nghe ngóng mắt thuyền thon
Đi xa đã nhớ, về gần lại nỗi nhớ như nhiều hơn. Tác giả thấy mình đang cầm trong tay những chiếc lá, những cọng rêu, những mùi hương, những ngọn khói. Đọt nắng vàng hình như cũng đậu lại, chia xẻ cái hạnh phúc: anh được người mẹ gắp chia lời dịu ngọt . Đẹp biết bao nhiêu, khi anh trân trọng đặt môi mình lên bậc cửa, nơi người mẹ già từng đứng quyến luyến mỗi lần anh đi xa. Nỗi nhớ nhung như chất men, lặng lẽ ngấm vào tim anh. Không đặt tay lên ngực, anh cũng nhận ra, đó là những giọt lệ, anh đang ủ trong vuông khăn, lận theo bên mình.
khi anh về đôi chút lá phù dung
đôi chút rêu mềm nằm ve vuốt ngói
mượt đất thơm đường, bao dung lòng mẹ đợi
bữa cơm chiều anh chị nắng chắt chiu
ngày xuống bên thềm với gió dìu theo
bao nhiêu nhớ bao nhiêu buồn thuở trước
đôi đũa mẹ gắp chia lời dịu ngọt
mến thương đời xao xuyến ngực như tơ
anh muốn hôn lên bậc cửa mong chờ
nơi chân mẹ dẫn lên lời quyến luyến
xin một vuông khăn gói thầm nỗi hẹn
ủ trong lòng từng giọt nước mắt khô
chuyến xe qua chiều bữa đó mơ hồ
Không những chỉ với: đôi chút rêu mềm nằm ve vuốt ngói , và đôi đũa mẹ gắp chia lời dịu ngọt , mà cả đoạn thơ cho thấy cái tài dùng chữ, trang điểm cho hình ảnh trong thơ Phan Duy Nhân. Bài thơ còn tám câu nữa. Và cũng như thói quen, cuối bài, là những nụ thơ trong sáng:
“trời gió lộng, chim bay thèm trở lại
nhớ mẹ cười mát lụa xuống vai con”
Phan Duy Nhân nói năng trôi chảy, lưu loát. Anh rất có tài hùng biện. Nhờ có trí nhớ tuyệt vời, anh thuộc nhiều điển tích, nhiều mẩu chuyện trong cổ sử Trung Hoa, nên thường đưa vào câu chuyện mình kể, dẫn chứng điều mình đang nói. Nhờ đó, anh thuyết phục nhanh chóng những người đang lắng nghe. Trong lớp, vào giờ thực tập thuyết trình, anh gần như không bao giờ thua cuộc. Nhưng anh rất nhát gái. Trước năm 1975, trái tim của nhà thơ, hình như chỉ có một bóng dáng duy nhất: Dương Thị Ngân Hà. Người con gái này trở thành người bạn đời, và tạo nguồn cảm hứng cho Phan Duy Nhân, viết một chùm thơ tình mang tên Thơ Của Hà.
Vẫn sử dụng thể thơ nhuần tay, những khúc tình ca cho Hà không thiếu những câu đẹp:
“... đã mấy mươi năm anh chờ, em đợi ?
hồn em trong thơm ngát một vuông khăn
anh yêu thương thơ cũng mọc như rừng
dẫu tới trăm năm em vẫn còn mười sáu
để mắt vẫn rụt rè, chim nhìn chưa dám đậu
hờn sâu xa anh thức dậy chập chờn
em thơ ngây phải động chút u buồn
...
anh sẽ cười buồn làm em rơi nước mắt
thế giới chúng mình lênh đênh mùa mưa
anh biến thành thuyền, em biến thành thơ
ta sẽ dong chơi cùng vầng trăng mời mọc”
(Thần Thoại, tạp chí Bách Khoa số 121, 15-01-1962)
“... tay em dài mỗi ngón lá phong lan
hãy góp cho nhau mươi cánh phương thảo trắng
nước mắt làm mưa thu, môi hồng làm nắng sáng
để anh dựng lâu đài trên ngực cao nguyên
để anh ngó xuống đời bằng cặp mắt vành khuyên
bằng đôi cánh bồ câu vỗ lên vầng trán biếc
với buổi sớm tình ca, buổi chiều nhã nhạc
với trái tim em, anh tiếp tục lên đường”
(Bày tỏ Bách Khoa 126, 01-4-1962)
Thơ tình Phan Duy Nhân có nhiều ý mới, nhưng hình như những dòng thơ hiện diện, bằng đường trí óc hơn là từ trái tim. Cái chân tình cũng thiếu vắng khá nhiều. Ở nhiều đoạn có nét óng mượt rất gần hơi thơ Nguyên Sa:
“... anh chỉ còn đây lời rượu ngọt
cùng thơ tâm sự, mắt du thuyền
tương lai thôi hãy mềm như lụa
mà gói đời anh trong áo em...”
(Thơ Cầu Nguyện Bách Khoa 124, 01-3-1962)
Có cả cái diễm tình của Đinh Hùng:
“... vầng trăng dại rơi gầy trong giếng mắt
thoáng mây bay trông rất đỗi ngập ngừng
cây rũ lá vàng thơ buồn rụng cánh
chân nai đi khe khẽ động chim rừng...”
(Rừng Vàng, Bách Khoa, 125 – 15-3-1962)
Nhìn tổng thể thơ Phan Duy Nhân, thật ra rất khó phân biệt rõ ràng từng chủ đề khác nhau. Tình yêu lứa đôi, tình quê hương, bàng bạc trong khắp niềm thao thức về thân phận con người. Những hoài nghi, những băn khoăn luôn luôn thắp sáng, từng dòng suy tư trong thơ anh. Nhưng cái xuất sắc nhất, chính là nguồn thơ khơi dậy tình yêu nước, đả phá những bất công xã hội. Tính chất mạnh mẽ trong từng dòng thơ có giá trị như những lời thúc giục, nếu không muốn nói là xách động.
“... Độc lập, hòa bình, công bằng, nhân đạo
Mắt em thơ hớn hở nụ cười tròn
…
Nòi giống Việt thương yêu đời sống Việt
Triệu con người vươn lên từ cõi chết
Yêu anh em, yêu xã hội công bằng
Người yêu người xây dựng đến muôn năm
(Tiếng Hát của Người Đi Tới)
Vẫn còn đó anh em hàng triệu đứa
Yêu thương nhau cùng mở rộng vòng tay
Khi chết đi tim người xin để lại
Anh mang theo khoảng trống lấp không đầy
Thân băng hoại nhưng niềm tin hiện hữu
Cùng tui em đi đốt lửa mặt trời
Chúng ta sống bằng máu người đã chết
Người nối người dĩ vãng nối tương lai
Vì trên mặt đất nầy cây đã mọc
Vì hoa đời anh hái cả hai tay
Nên cuộc sống khác ngày giờ hý viện
Vô duyên như giấc mộng chẳng tròn đầy
...
Thân xác ấy thôi rồi tan rã hết
Vào hư vô không giọt máu hồng tươi
Tôi đã dặn khi giã từ cuộc sống
Nhớ cho tôi xin lại trái tim người
(Trái Tim Còn Lại)
Nguồn cảm hứng này chắc chắn xuất phát từ trái tim. Sự uất ức thường dẫn đến những ngôn từ, hành động phản kháng mạnh mẽ. Nhưng đó chưa hẳn là lòng yêu nước. Ở tuổi mười tám, hai mươi, quả khó dằn lòng trước cảnh bị áp bức đồng bào ruột thịt. Nhưng Phan Duy Nhân đã mục kích những thảm cảnh gì ? từ đâu ? trong những năm đầu của thập niên 60, tại một thành phố yên bình như Đà Nẵng ? Lòng căm phẫn vì ngoại cảnh, vì yêu nước trong trường hợp Phan Duy Nhân thật đáng ngờ. Và nguyên nhân cụ thể, đủ để cho Phan Duy Nhân hãnh diện xác nhận, thể hiện qua bài viết của ông Dương Đức Quang, phổ biến trên trang tramhuong.com:
“... Năm 14 tuổi Dinh đã biết cha mình là cơ sở hoạt động bí mật của cách mạng tại nội thành Đà Nẵng, thường xuyên đón cán bộ về họp tại nhà. Trong số cán bộ đó có ông Hồ Vinh, một thày giáo dạy Dinh, trong kháng chiến chống Pháp từng là phóng viên của báo Nhân Dân tại Khu V. Cũng chính qua cha và người thày giáo này mà Dinh sớm giác ngộ cách mạng, trở thành người liên lạc cho tổ chức cách mạng hoạt động bí mật tại Đà Nẵng. Tháng 2-1957, vì một kẻ phản bội tố giác, thày giáo Hồ Vinh bị địch bắt, bị tra tấn đến chết, nhiều cán bộ khác cũng bị bắt, tổ chức cách mạng bí mật bị phá vỡ, cha con Dinh phải tạm ngừng hoạt động. Những năm tháng học trung học tại trường Phan Chu Trinh, Đà Nẵng sau đó, tuy bị mất liên lạc với tổ chức nhưng sẵn lòng yêu nước, Dinh vẫn nung nấu một ý chí cách mạng, sẵn sàng “nổi loạn”, chống đối chế độ độc tài Ngô Đình Diệm tay sai của Mỹ. Năm 15 tuổi, Dinh viết bài thơ yêu nước đầu tiên gửi đăng trên một tờ báo ở Sài Gòn, lấy tên là Phan Duy Nhân, nguyện là “một người con họ Phan vì nhân dân...”
Phan Duy Nhân đã dùng cái tài thơ của mình để mở đường phục vụ cho lý tưởng của mình, điều này không có gì sai trái nhưng đã hao hụt tình bằng hữu, một điều anh đã từng lo lắng:
mở mắt cột đèn nhìn ca rô giữa phố
bỗng ngại suốt đời xa lạ hết anh em
(Bày Tỏ)
Theo tôi, Phan Duy Nhân đúng là một người làm thơ, hơn thế nữa, anh là một nhà thơ rất vững tay trong làng thơ Việt Nam. Thật tình tôi đã rất mừng khi Phan Chánh Dinh vớt lại lưng lưng ly hạnh phúc lứa đôi, sau đứt đoạn vì hoàn cảnh. Tiếp đến anh vượt qua luôn chiều dài mười mấy năm im lặng (tính từ sau 1975) để trở lại với thi ca. Và điều quan trọng hơn, thơ anh vẫn còn nhiều người yêu thích:
Mới gió Lào khô đã heo may Hà Nội
Chon von đỉnh núi giong buồm
Thuở trước thiền sư làm chính ủy
Câu thơ tới giờ còn mang gươm!
Thơm dấu hài thêu khuya chuyện cũ
Giữa Hàng Đào cô Tấm có là em?
Ôi em đẹp với vô cùng mà đời ta có hạn
Gió lộng vẫn ngang trời
Trong đáy mắt hồ Gươm...
(Vĩ Thanh - Hà Nội, những mùa sen 1990)
Nhắm mắt để nhìn em thật rõ
Thanh thoát trong tôi một đóa hồng
Đêm sáng lên từ tia lửa nhỏ
Hồn tôi nắng sưởi giá băng tan...
(Quán Tưởng, 2007)
Em mến yêu anh là sự sống
Trong anh như nhựa tiếp cây đời
Vươn cành xanh lá qua giông bão
Anh uống tình Em mà thắm tươi!
Những nắng gió trên đường đi tới
Những khuya trăng chia sẻ vui buồn
Em trong anh tim hồng trong ngực
Vượt lên cùng trăm núi nghìn sông...
Anh viết những bài thơ bất tận:
Em cho anh thêm một tâm hồn
Anh làm nước sông dài chẳng cạn
Chảy từ nguồn sâu thẳm yêu thương
Mỗi người có riêng mình thần thánh
Quan-thế-âm hay Ma-ri-a...
Anh cầu nguyện cùng em buổi sáng
Cho mỗi ngày mỗi bước đi xa.
Là Em và thơ và triết học
Yêu Em vô hạn tới vô cùng...
Say đắm cho Em thành có thật
Đến trọn đời vằng vặc vầng trăng.
(Ngưỡng Vọng)
Dưới trang phục mới của đời thường phảng phất mùi kinh kệ, thơ Phan Duy Nhân vẫn còn mang gươm. Hy vọng mũi gươm này đã biết xoay chiều hướng đến một kẻ thù đích thực của dân tộc. Để nhà văn Phan Nhật Nam thở phào xóa đi những nghi vấn về bạn mình. Và hai chữ hào kiệt được tác giả Dựa Lưng Nỗi Chết, có cơ hội dùng lại. Mong thay (1) .
Hà Khánh Quân
(1) PNN từng gọi PDN là kẻ hào kiệt
Nguồn : luanhoan.net
No comments:
Post a Comment