GỒNG GÁNH CÙNG SƠN MÀI
Lý Hạnh
Sinh ra và lớn lên ở xã Vĩnh Thuỵ, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, Huy là nông dân "rặt". Không chối bỏ chính mình, Huy thừa nhận, hôm nay, anh vẫn là người nông dân đang "cày" trên mảnh đất hội hoạ…
Quen Huy đã lâu nhưng tôi ít có dịp nói chuyện với anh. Thi thoảng gặp anh ở những cuộc triển lãm tranh. Những câu chuyện về hội họa bắt đầu từ đó để rồi trở thành những đoạn đứt quãng… Huy trầm lặng và ít nói, thế mà, một lúc vu vơ nào đó anh lại buông những câu triết lý khá chua chát. Dần dần tôi nghiệm ra, trong sâu thẳm tâm hồn Huy luôn ngập tràn cô đơn, một nỗi niềm không dễ gì chia sẻ được. Ai đã từng gắn bó với Huy mới biết, hành trình đi qua tuổi thơ của anh không chỉ là một cuộc rong ruỗi đầy nụ cười mà còn có cả mồ hôi và nước mắt. Nói về một miền quê nghèo, người ta dễ liên tưởng tới hương lúa ngọt ngào, tới những ước mơ trong trẻo dưới bầu trời xanh và bóng tre làng. Quê của Huy lại khác: nắng gắt, gió Lào, cát trắng và những cánh đồng ngào ngạt vết đạn bom. Vừa mở mắt chào đời, Huy đã chạm ngay ánh mắt lo toan của bố, đôi bàn tay ram ráp nhọc nhằn của mẹ và cả miền quê nghèo oằn mình trước bom đạn chiến tranh. Những ám ảnh đầy khắc nghiệt ấy tự nhiên bước vào tiềm thức của Huy rồi ăn sâu, bám rễ lúc nào chẳng hay, để sau này dẫu anh đi đâu, về đâu, nó vẫn lặng lẽ nhức nhối như một vết thương không bao giờ lành lặn. Tưởng rằng, những đam mê nơi phố thị bon chen ngột ngạt vật chất và hơi người sẽ làm Huy tan loãng giữa mênh mang ký ức và hiện thực nhưng cứ "đọc" tranh Huy sẽ biết. Sau những nét cọ tung tẩy kia là những con chữ rất vững vàng, những con chữ như đôi mắt nhìn rất thẳng, rất sâu vào ngày hôm qua rực lửa, vào bầu trời tuổi thơ cứ trôi bồng bềnh trong mộng tưởng hằng đêm. Một đôi mắt trầm ngâm, suy tưởng mà trong trẻo như thể ngọn lửa tình yêu chưa bao giờ tắt giữa những cuộc đổi chác của đồng tiền, mồ hôi, địa vị và bùa mê phố xá. Thế mới biết, vì sao chưa đầy 40 tuổi, Huy đã là người mang gương mặt trầm tĩnh đến lạ lùng. Trên gương mặt ấy, có thể nhìn thấy sự vững chải đến chông chênh và sự im lặng đến buốt nhói. Sự tư lự giữa 2 trạng thái đã làm tranh Huy có những đối lập bất ngờ và cũng đầy suy tư, trăn trở. Nếu như với Mây và cỏ, Vũ điệu của cát, Chăn trâu, Đất và làng… Huy nắm tay người xem bước vào một miền quê trong vắt với bầu trời xanh màu mơ ước, cánh đồng cỏ ngọt ngào và những giấc mơ phiêu diêu cổ tích thì với Vỹ tuyến xanh, Đêm loạn… anh trở về với quá khứ mất mát và thương đau trên "chuyến xe" sắc màu. Một cuộc viễn du không còn sự hiện diện của ánh mắt trẻ thơ ngơ ngác và nụ cười tinh khôi như ánh nắng ban mai mà oà vỡ thảng thốt. Những mảng màu sắc đậm, tối, u uẩn cứ chạy lướt qua, không thể nắm bắt nhưng lại cứa vào tâm hồn như những vết xước bỏng rát. Xem tranh anh, bất chợt, lại níu bóng quay về với những câu thơ đầy ma mị:
Thiếu nữ chợ làng bán váy áo sồng nâu
Mua nỗi buồn thập thành phố thị
Sinh ra từ những tiếng thì thầm vào những đêm mất ngủ
Những đường cọ biến hình trong giấc mơ
(Những sắc màu - Lê Thị Mý Ý viết tặng Võ Xuân Huy)
Tôi vốn "dị ứng" với thuật ngữ đương đại. Có lẽ là hơi cực đoan nhưng tôi thích cái chất bác học sang trọng mà trầm ngâm dung dị của những tác phẩm nghệ thuật cổ điển hơn là cái phá cách ngông nghênh của các nghệ sĩ đương đại. Thế mà tôi lại thích nét đương đại trong tranh Huy. Có lẽ bởi Huy không khẳng định chính mình bằng những chiêu "quái" để thoát khỏi "khuôn vàng thước ngọc" mà những nghệ sĩ đi trước đã ngấm ngầm hình thành một qui ước riêng. Huy cũng không biến những tác phẩm nghệ thuật của mình thành nơi xả stress một cách cuồng loạn, một hội chứng của đời sống hiện đại. Ẩn ức trong tranh Huy vừa thăm thẳm chiều sâu của thời quá vãng lại vừa mang hơi thở hiện đại. Chất hiện đại toát ra từ màu sắc, đường nét, bố cục và cả cách thể hiện. Anh là người biết kế thừa cái cốt lõi tinh tuý của hội họa truyền thống lại vừa biết chuyển tải chúng bằng ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại. Ngay từ những ngày còn ngồi trên giảng đường đại học, anh đã chọn sơn mài làm hướng đi cho mình. Ngày ấy, Huy yêu sơn mài bằng cảm tính. Nó đẹp lóng lánh, huyền bí và sâu sắc. Không có màu trung tính, nhợt nhạt, màu sắc trong tranh sơn mài mạnh mẽ và dữ dội, đòi hỏi người xem phải cá tính, bộc trực và thiên về chiều sâu hơn là ngắm nhìn bằng đôi mắt thông thường. Lúc vẽ cũng vậy, sơn mài đòi hỏi người nghệ sĩ phải dồn vào đấy cả tâm và sức, không nhởn nhơ chiêm nghiệm, không thư thả suy tư mà để cảm xúc ào ạt tràn ra như thác đổ. Và anh chọn nó như chọn cho mình một nét tính cách, trầm tĩnh mà ồn ào dậy sóng. Sau này, càng vẽ, càng đi sâu tìm hiểu về sơn mài, anh càng khám phá ra chính mình. Tất cả những chọn lựa không chỉ là đam mê ngẫu nhiên và thuần tuý mà chính tình yêu quê hương với nỗi ám ảnh của tuổi ấu thơ đã thôi thúc anh chọn loại hình nghệ thuật này. Không biết từ bao giờ những mái chùa cong vút huyền bí, những đình làng phủ kín rêu phong, những bức phù điêu huyễn hoặc trong ngôi miếu đổ nát đã trở thành ma lực đối với anh. Và anh nghiệm ra, chỉ có loại sơn độc đáo, có một không hai của cây sơn Phú Thọ mới lột tả một cách sâu sắc, tinh tế hồn vía đậm chất Việt này. Ao làng, Giếng làng, Mạch của làng, Cõi thinh không… chính là cõi u linh, mầu nhiệm, đầy bí ẩn mà dẫu đã bao đêm thức trắng Huy vẫn không sao giải mã được. Anh đành gửi tình yêu, những ám ảnh của tuổi ấu thơ, những khoảng không hun hút không chạm tới đáy ấy vào tranh. Dấu ấn Võ Xuân Huy đã tạo nên từ những bức tranh không hình khối rõ ràng, không thoả mãn đôi mắt trần tục mà đòi hỏi chiều sâu tâm linh ấy.
Ở Huế, hiện nay, ngoài vợ chồng hoạ sỹ Trương Bé, Đức Huy và Lương Ánh Tuyết, rất ít người sống chết với sơn mài. Thi thoảng mới có những bức sơn mái "chính hãng", hầu hết là sơn mài đã bị đánh lận con đen bằng sơn công nghiệp. Lý do là giá sơn mài khá đắt và tranh sơn mài khó vẽ, khó bán. Huy chọn cho mình sơn mài, không phải vì muốn chơi trội, càng không phải để làm giàu. Đơn giản, anh yêu loại hình nghệ thuật này như yêu bóng dáng quê hương luôn ẩn hiện trên mỗi bước chân đi, trong đôi mắt đã mờ vì bụi bặm phố xá và trong giấc ngủ đêm đêm. Là giảng viên -Trưởng Bộ môn sơn mài ứng dụng-Trường đại học Nghệ thuật Huế, Huy luôn tâm niệm, mình phải truyền đạt điều gì đó thật mới, thật lạ cho sinh viên của mình. Không thể để thế hệ tiếp theo đi theo lối mòn của thế hệ trước, càng không thể để cho nghệ thuật trở nên bất động, vô cảm. Biết là khó nhưng Huy vẫn ôm ấp, vẫn mày mò cho bằng được. Chẳng phải nguồn gốc của sơn mài vốn chỉ là nghề thủ công mỹ nghệ đó sao. Từ một nghề trở thành một loại hình nghệ thuật không phải là một hành trình đơn giản. Nhưng tất cả cũng bắt nguồn từ bàn tay, khối óc và trái tim con người. Huy không cho rằng mình vĩ đại và làm những điều vĩ đại, đơn giản anh chỉ muốn cống hiến. Và cái mới mà anh có công khai phá ấy là giải phóng cây bút theo lối vẽ sơn dầu và đưa ngôn ngữ của đồ họa, điêu khắc… gồng ghánh cùng sơn mài. Không còn là một mặt phẳng hài hoà, trên tác phẩm của mình anh vận dụng những kỹ thuật khắc, chạm, đắp nổi, cào xước… Ngoài việc đem lại vẻ đẹp độc đáo cho tác phẩm, mỗi vết chạm khắc còn là nơi gửi gắm chiều sâu nội tâm, những trắc ẩn đa đoan của Huy. Nó thể hiện những dự cảm chông chênh về cuộc đời, số phận và sự bất toàn của đời sống đang ngày ngày mở ra trước mắt bao muộn phiền, âu lo.
Tâm huyết với sơn mài, Huy và cậu học trò của anh đã cho ra đời một Galery với cái tên mang màu sắc chủ đạo trong sơn mài: SON. Galery Son ra đời như một phiên bản đầy đủ và có hệ thống về sơn mài trong tâm thức Việt. Giống như bảo tàng lưu giữ thông tin và những hiện vật cổ, Son galery chứa khá nhiều hiện vật, từ nguồn gốc của cây sơn Tam Nông (Phú Thọ), những dụng cụ làm sơn, các loại sơn cánh gián, sơn then… cho đến những quỳ vàng, quỳ bạc, từ các làng nghề thủ công truyền thống ở miền Bắc mà ngày nay số người theo nghề chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Nó như một địa chỉ neo lại di sản phi vật thể trong tâm trí của chàng hoạ sĩ mê sơn mài Võ Xuân Huy. Đây chính là những bài học thiết thực và sinh động sẽ còn mãi với thời gian rồi đi khắp mọi miền để dấu ấn sơn son thiếp vàng Việt Nam mãi rực rỡ. Và rồi cũng chính vì sơn mài mà anh lại từ bỏ Son gallery để dành tâm huyết cho một cuộc cách tân sơn mài đầy tâm huyết. Huy sẽ có một triển lãm cá nhân tại Studiotho-78 Mã Mây –Hà Nội.
Với những bức tranh sơn mài hình vuông đơn giản, gắn với quan niệm trời tròn đất vuông của cha ông ngày trước, Huy đã Khẳng định tên tuổi của mình bằng hàng loạt cuộc triển lãm cá nhân trong và ngoài nước. Thế nhưng, khi lui về với thế giới riêng của mình trong một góc khuất nhỏ tại số 44 đường Trần Quang Khải, anh lại lặng lẽ với công việc của một người "thợ mỹ nghệ". Với Huy, vẽ là cuộc chiến chóng lại sự phi lý- sự tầm thường. Vẽ là mơ mang bờ cỏi của tâm hồn. Cần mẫn như con ong xây tổ, bằng sơn mài, Huy đang xây cho mình một thế giới tâm linh chứa đựng cả niềm hy vọng và nỗi cô đơn; cả những ám ảnh đầy ma mị của tuổi ấu thơ lẫn cái bất an rực rỡ của ngày mai đang ùa đến. Huy ẩn hiện trong thế giới sắc màu trừu tượng như ẩn hiện trong những câu thơ mà Hoa Ngõ Hạnh dành tặng riêng anh:
Những sắc màu hát về tình yêu
về niềm tin…
Và dự báo hiểm hoạ loài quỷ dữ
Tiền bạc ư?
Không phải hạnh phúc
Tôi rất nghèo
Thế giới chẳng giàu đâu!
CỬA VIỆT- XUÂN MẬU TÝ-2008
Với những bức tranh sơn mài hình vuông đơn giản, gắn với quan niệm trời tròn đất vuông của cha ông ngày trước, Huy đã Khẳng định tên tuổi của mình bằng hàng loạt cuộc triển lãm cá nhân trong và ngoài nước. Thế nhưng, khi lui về với thế giới riêng của mình trong một góc khuất nhỏ tại số 44 đường Trần Quang Khải, anh lại lặng lẽ với công việc của một người "thợ mỹ nghệ". Với Huy, vẽ là cuộc chiến chóng lại sự phi lý- sự tầm thường. Vẽ là mơ mang bờ cỏi của tâm hồn. Cần mẫn như con ong xây tổ, bằng sơn mài, Huy đang xây cho mình một thế giới tâm linh chứa đựng cả niềm hy vọng và nỗi cô đơn; cả những ám ảnh đầy ma mị của tuổi ấu thơ lẫn cái bất an rực rỡ của ngày mai đang ùa đến. Huy ẩn hiện trong thế giới sắc màu trừu tượng như ẩn hiện trong những câu thơ mà Hoa Ngõ Hạnh dành tặng riêng anh:
Những sắc màu hát về tình yêu
về niềm tin…
Và dự báo hiểm hoạ loài quỷ dữ
Tiền bạc ư?
Không phải hạnh phúc
Tôi rất nghèo
Thế giới chẳng giàu đâu!
CỬA VIỆT- XUÂN MẬU TÝ-2008
MỜI ĐỌCBấm vào đây:TRANG WEB CỦA VÕ XUÂN HUY
Triển lảm tranh của Võ Xuân Huy,tin ảnh của Võ Văn Luyến
No comments:
Post a Comment