Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, September 15, 2008

Nguyễn Quang Lập


(Các bút danh khác: Hồng Nhật, Hồng Đức, Quang Quang)

Tên khai sinh: Nguyễn Quang Lập, sinh ngày 30 tháng 4 năm 1956, tại thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Hiện nay ở Hà Nội. Tốt nghiệp đại học Bách Khoa. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1987)
Nguyễn Quang Lập tốt nghiệp đại học Bách Khoa năm 1980, rồi nhập ngũ, làm trợ lý kỹ thuật điều khiển tên lửa sư đoàn 375, quân chủng Phòng không. Năm 1984 chuyển ngành về công tác tại Sở Văn hóa-Thông tin Bình Trị Thiên. Nguyễn Quang Lập đã từng là Phó Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị. Ông còn là hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Tác phẩm chính đã xuất bản: Một giờ trước lúc rạng sáng (truyện ngắn, 1986); Kỷ niệm thời trai trẻ (thơ, in chung, 1983); Tiếng gọi phía mặt trời lặn (tập truyện, 1988); Những mảnh đời đen trắng (tiểu thuyết, 1989); Mười tám truyện ngắn Nguyễn Quang Lập (1997)

Nhà văn đã được nhận giải thưởng báo Văn nghệ (1986-1987) với truyện ngắn Cây Sến lửa. Giải thơ Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (1981-1987), với bài Nón em là Nhớ về đỉnh gió. Giải sân khấu 5 năm (1985-1990) Bộ quốc phòng với vở kịch Mùa hạ cay đắng. Giải Hội Nghệ sĩ sân khấu và Hội Nhà văn Việt Nam (1990) với kịch bản Mùa hạ cay đắng.


http://www.binhthuan.gov.vn/khtt/vanhoc/tacgia/TG236.htm



Người thổi kèn Trom-pet


Truyện ngắn



"Xin hát về bạn bè tôi

Những người sống với mọi người …"

(Lời một ca khúc)



Khi đó anh ngước lên, ngơ ngác trước mênh mông cát trắng. Em chỉ đứng cách anh có một quãng, sau một mô cát cao, thế mà anh chẳng thấy. Anh đi. Rồi chạy. Nhìn bóng anh cuống quýt trên bãi cát em buồn cười quá. "Ngốc ơi, em đây này!". Em kêu lên khe khẽ. Anh đứng khựng lại, nín thở lắng nghe. Nhưng dại gì em lại gọi anh nữa! Em đang trốn anh cơ mà …

- Hù … o …

Anh quay ngoắt lại, ngớ ra. Em cười to. Nhìn mặt anh ngẩn tò te, em cười rũ rượi. Anh cúi gầm mặt, khoát mạnh tay:

- Cứ như là … !

Rồi anh thả mịnh xuống cát, ngồi bó gối:

- Trốn … Trốn gì mà lạ thế?

Em cười, oà đến ôm lấy cổ anh:

- Ngốc ơi, người ta chỉ đứng sau có một quãng ... Thế mà cứ khoe: "Mắt anh một trăm phần mười! Thế mới biết con trai là chúa bốc phét nhá!" …

Anh cười trừ, vòng tay sau lưng ôm lấy em. Rồi đứng bật dậy, bế xốc em chạy như điên trên bãi cát. Anh hôn … hôn … hôn …

- Buông ra, cát vào cổ em hết rồi này!

- Mặc kệ! Bắt đền ... này! Bắt đền ... này!

- Thôi, em xin ... chao, quỷ ơi!

Cười to cả hai đứa. Bãi cát mênh mông thế kia chẳng ai nhìn thấy đâu, anh nhỉ?

... Bây giờ đoàn văn công của em đã rời trận địa từ hôm trước, thả em một mình với anh ở đây. Em biết anh thích lắm nhưng em thì buồn và lo quá. Liệu em có đuổi kịp đoàn không? Liệu em có kịp phục vụ bộ đội đang cố đập tan chiến dịch "Tái chiếm Q.T" không? Nếu không kịp thì chuyển công tác vào chiến trường của em thật vô tích sự. Nhìn anh, em thở dài: anh có biết em đang buồn lo điều gì đâu! Anh đang tràn trề hạnh phúc thế kia mà!

- Em ốm đúng thời cơ - Anh nói vui.- Nếu em ốm ở một trận địa khác thì quá lắm anh cũng chỉ được thưởng thức một vài điệu múa của em, và thế là chẳng có chuyện gì mà nói nữa.

- Anh đang biểu dương trận ốm của em đấy à?

Anh cười hiền lành, kéo đầu em sát má anh. Đúng là em vừa qua một trận sốt chưa từng có trong đời. Khi xe vừa qua khỏi đèo Ngang, thốt nhiên em thấy ớn lạnh. Sau đó em buồn nôn, đầu nhức buốt, cuối cùng em đổ vào lòng Kim Thoa - diễn viên hát, chuyên "sô- lô" cho đoàn. Rồi em chẳng biết gì nữa. Mấy ngày liền em nhức nhối, lơ lửng như hôn mê, cứ tỉnh được lúc nào là em lại khóc. Trời ơi, sáu năm ở Hà Nội sao không ốm đau ìg, chưa một lần em chịu hoãn lại một buổi biểu diễn, thế mà vào đây chỉ mong phục vụ bộ đội vài lần thì phải nằm chết dđ một chỗ. Càng khóc em càng kiệt sức, đến nỗi nhìn thấy thanh gỗ mít bắc ngang hầm, en tưởng nhầm là rắn, nhiều lần em rú lên …

… Rồi trong em chập chờn hình bóng anh chàng thổi kèn trom- pét. Anh không biết đâu, tay ấy khá trai lắm, cao hơn em một tấc chứ không lùn tịt như anh đâu. Tay ấy buồn cười ghê lắm! Khi nghe em thông báo là em đã đăng ký vào dnah sách những người xung phong đi phục vụ chiến trường, anh chàng đứng như trời trồng, nhìn em chằm chằm. "Thật à?". "Thật". - "Tại sao lại đi?" - "Thích!" - "Không thể thích như thế được!" - "Cứ thích!" … Anh chàng lắc đầu thở dài và cầm lấy cây kèn lững thững ra hành lang thổi một bản nhạc rầu rĩ: "Tôi đã xa em .. toe! toe! .. Màu trong tôi … toe! toe! … Trái tim tôi … toe! toe!". Em nhớ khi đó Hà Nội đang vào mùa hoa sữa.

Cho đến phút cuối cùng chia tay, anh chàng thổi kèn trom-pet vẫn cố gắng không tin điều đó là sự thật. Tay ấy cho đó chẳng qua là hành động bột phát, liều lĩnh của em. Tay ấy vẫn coi em như một lãng tử, thích giang hồ, mạo hiểm. Có lẽ cũng không sai lắm đâu. Tính em ngang ngược lắm, bướng lắm. Đầu tiên khi em cầm bút đăng ký vào danh sách chỉ vì em thích xê dịch, thích được biết cái nơi mà ngày nào người ta cũng ca ngợi hết lời trên đài, báo. Nhưng sau đó khi thấy tay phó đoàn và hai nhạc công chính của đoàn, những người buộc phải đi, đã chạy chọt xin cho bằng được ở lại Hà Nội, một vài người cũng "đăng ký xung phong" nhưng không phải vì tự nguyện, chỉ vì sợ bị chê cười, sợ bị kiểm điểm … thì em nhận ra tầm quan trọng của chuyến đi cùng với ý nghĩa thiêng liêng của nó.

Em đi. Anh chàng thổi kèn trom-pet không tiễn em, chỉ đứng suốt đêm thổi kèn trên gác thượng… Thế mà trong cơn sốt mê man em đã mường tượng thấy anh chàng đang ngồi cạnh em, bón cho em từng thìa cháo hành, rồi bằng một cái so vai rất điệu, anh chàng nâng cây kèn có một vết xước đầu loe kèn thổi một bản nhạc vui Cu-ba mà em rất thích. Chao ôi, chỉ cần có thế thôi là đủ cho em yêu anh ấy rồi, không cần một lời ngỏ nào hết. Nếu anh ấy cùng đi với em chuyến này thì anh sẽ chẳng có em đâu, em sẽ yêu anh ấy để "trả công" cho bốn năm anh ấy theo đuổi em… Sao anh xịu mặt thế? Ghen à? Xấu quá kìa! … Nhưng ngốc ơi, đó là "giả sử" kia mà, còn bây giờ em đã thuộc về anh rồi, tất cả…



Nơi xuất bản: NXB Hội nhà văn - 2003

http://maxreading.com/?chapter=8029




49 cây cơm nguội


Truyện ngắn

Chỉ bước khoảng vài mươi bước chân, từ cái cổng sắt gỉ của một người bạn gái, chị đã giật mình nhận ra sai lầm của mình. Tại sao lại ngang nhiên rảo bước trên đường mưa vào lúc gà sắp gáy như thế này? - Chị đứng khựng lại, ngoái cổ về phía sau vào đúng lúc câu hỏi ấy vang lên trong chị. Có cái gì rung bần bật trên cao, trong vòm lá cơm nguội làm một khối nước mỏng rơi ào xuống vai. Trong vòm lá cây cơm nguội ở bên kia đường cũng có cái gì vừa rung lên bần bật... Chị nghĩ là đã ngước lên nhìn vào hai vòm lá cây cơm nguội, nơi có tiếng rung bần bật đó, ngay khi vừa nghe thấy, nhưng định thần một chút mới biết mình đã bước lùi hơn mười bước từ lúc nào và mắt cũng vừa mới mở ra. "Có cái gì đâu, trò con nít của thiên nhiên!" - Tự trấn an bằng một định nghĩa mà chị cầm chắc là không đời nào mình lại nghĩ ra loại từ ngữ hay ho như vậy. Có thể ai đã nói từ cái thủa xa lắc, hoặc một người nào vừa "thổi" vào tai phải chị. Thốt nhiên chị cảm thấy tai phải nong nóng. Chị bước lên. Một bước, hai bước, ba... bốn... năm... sáu... bảy - "Đấy, đúng chưa? Có cái gì đâu, trò con nít của thiên nhiên! Đã bảo mà...". Rõ ràng có một người nào đã "thổi" vào tai trái chị, bởi vì, bước thứ bảy vừa dứt thì tai trái bỗng nóng rực lên!... Rốt cuộc cả hai tai cũng đã nguội lạnh khi chị dấn thêm vài mươi bước nữa. Bắt đầu thấy an tâm hơn, da bụng cũng không còn rung lên như mặt trống Jazz lúc phải dùi nữa, tuy chị vẫn không thôi rủa thầm cái tính tự ái vặt đã đẩy chị ra khỏi căn phòng còn có một cái giường không vào lúc không có một phụ nữ táo tợn nào dám bước ra đường. Người bạn gái cùng tuổi bốn mươi với chị chẳng có lỗi gì to tát, chỉ là cái sự vô tâm khi luôn mồm than phiền rằng cô vừa bị cắt hai suất lao động tiên tiến - giữa và cuối năm - vì đã đẻ "ngoài kế hoạch" hai đứa nữa. Chỉ hai suất đẻ mà có bốn đứa con, đáng lẽ phải phổng mũi lên trước thiên hạ rằng bố mẹ của cô, ông bà của cô, ông bà của ông bà của ông bà của ông bà... của cô ăn ở có phúc đức như thế nào trời mới ban cho cái đặc ân được tiết kiệm số lần đẻ tối thiểu để có bốn đứa bé kháu khỉnh đến mê người, lại ở "tỷ lệ vàng" nhiều người nằm mơ cũng không thấy: hai trai hai gái, thế mà cô ta cứ rên rỉ mãi về số tiền thưởng hai suất lao động tiên tiến - giữa và cuối năm - tính theo tỷ lệ tiền lương kiểu nào đó không biết, có tổng số mất đi là chín trăm mười bốn đồng hai hào chẵn!

Chín trăm mười bốn đồng hai hào, thật là vớ vẩn. Nếu chị đẻ được chị sẽ đẻ 100 đứa dù có mất đi một trăm lần chín trăm mười bốn đồng hai hào chẵn ấy. Chị không đẻ được không phải bởi vì chị không đẻ được... Chị thừa sức làm cái công việc tối thiếu ấy của phụ nữ một cách dễ dàng, không một chút kêu ca như người bạn gái lúc nào cũng "loa! loa! loa! loa!" về hai suất lao động tiên tiến. Giá cô ấy ngồi lặng lẽ bên chị, đưa cặp mắt u sầu ngước lên nhìn chị, khẽ khàng cầm lấy hai bàn tay xanh gầy của chị, thì thầm: "Đã có ai chưa? Có chưa..." thì lúc đó chị thở dài, khẽ lắc đầu, hoặc sẽ gục vào vai cô ấy mà khóc, khóc tức tưởi... nhưng chị sẽ ngủ lại với cô ấy. Chị sẽ nằm giữa bốn đứa trẻ để ngửi cái mùi sữa hoi hoi và mùi nước tiểu của chúng. Và hát. Đúng như vậy, chị sẽ hát như một người mẹ đang có bốn đứa con, hai trai hai gái, vừa hát vừa hít lấy hít để cái mùi sữa hoi hoi và mùi nước tiểu của lũ trẻ cho tới khi bật khóc. Thà phải khóc như thế còn hơn là bây giờ đang một mình lủi thủi giữa đường đêm hiu hắt đầy mưa...

*
* *
Chị dừng lại một chút trước khi vượt qua quãng đường tối nhất, để sau đó chị cần rẽ vào một lối hẹp chừng ba mươi mét là đến khu tập thể nơi chị sống với mười chín cô gái tơ suốt ngày thổi kèn đồng (tức là hát và cười ré lên) cùng với những câu chuyện chị cho là ngớ ngẩn, vô bổ về các anh chàng đần và nhát gái được họ vừa tranh nhau kể vừa cười vừa chép miệng... Bây giờ "mười chín cái kèn đồng" đã ngủ, chỉ mỗi mình chị lủi thủi giữa đường mưa. Như thế này còn thú hơn phải ngồi giữa dàn hỗn tấu vô bổ, ngớ ngẩn ấy. Sống với họ, chị thấy mình lạc lõng, vô duyên, y như một kẻ không biết uống rượu buộc phải ngồi giữa một lũ say. Chị buộc chặt tấm áo mưa, níu lại quai nón, hít một hơi thật sâu và bước. Mới đầu chị bước từng bước ngắn và nhanh, nhưng sau đó, khi mưa dồn dần về phía sau để lại phía trước từng đám mưa rây bột, thì chị bước dài hơn và chậm lại. Phía sau, tiếng mưa nghe như tiếng chân của một đám đông trẻ con đang chạy, chị nghĩ thế và bước chậm lại, thật chậm để chờ lũ nhóc thích nghịch nước ấy tiến lên. Chốc lát, mưa có vẻ lắng lại chút ít rồi chợt vỡ oà ra, tràn trề ở phía sau. Chị thấy mình rạo rực hẳn lên, bước từng bước thong thả, đầy tự tin, pha một chút kiêu hãnh - kiêu hãnh như "mười chín kèn đồng" mỗi bận bước ra đường - chỉ vì bỗng nhiên chị tưởng tượng có một triệu chàng trai đang lẽo đẽo sau lưng chị. Họ vừa bước vừa đưa mắt thăm dò nhau, rồi họ bước nhanh dần, tranh nhau bước... Chị mỉm cười. Thì chị cũng đã có một thời như vậy, tất nhiên không lấy đâu ra một triệu, chỉ năm bảy chàng trai lực lưỡng lẽo đẽo theo chị trên những nẻo đường rừng. Lúc đó chị còn là một cô gái xinh tươi và nghịch không thể tả. Chị đi, mải mốt đuổi theo những gì chưa có trong sự thật, để lại cho anh chàng cứ việc lẽo đẽo theo sau, thỉnh thoảng nói vớt vát vài câu không chủ vị. Và chị mỉm cười, y như bây giờ chị đang mỉm cười. Rồi số người đuổi theo chị thưa dần. Không phải họ đã nản: người này xuống đồng bằng và hy sinh, lại người khác, lại hy sinh... Chỉ còn một người, cái anh chàng cù lần có cái nốt ruồi to như hạt đỗ đen đậu thản nhiên trên mép trái, chướng mắt đến độ nhiều lần chị kêu toáng lên: "?i chết, con ruồi...!" Làm mặt anh chàng bỗng như một miếng cơm cháy, thì vẫn còn câm lặng kiên trì luôn cách cái gáy trắng muốt của chị năm bước chân - chỉ năm bước không hơn. Rốt cuộc chị đã yêu anh, đúng hơn là chớm yêu, đúng hơn nữa là khi môi chị run run sắp chạm vào môi anh thì một tiếng hắng giọng rõ to từ sau gốc cây lim trắng bỗng vang lên, đó là tiếng hắng giọng "oai hùng" của ông thủ trưởng binh trạm. Thường thường ông chỉ dùng tiếng hắng giọng ấy để báo hiệu bắt đầu vào cuộc họp, và bao giờ cũng hiệu quả như một phát súng hiệu báo đến giờ G, nên sau đó đúng một buổi chiều, khắp binh trạm người ta kháo nhau rằng anh chị chuẩn bị "họp" thì ông thủ trưởng hắng giọng... Người ta ôm bụng cười còn chị thì bị kiểm điểm vì tội "làm cách mạng nhưng chưa triệt để", hạ từ "đối tượng" xuống "cảm tình". Anh thì được điều xuống K11, ít lâu sau nghe nói vướng mìn clâymo và chết. Chị nhớ mãi đôi mắt hơi lồi của ông thủ trưởng đã nghiêm khắc nhìn hai người như thế nào khi ông xuất hiện bất ngờ từ sau gốc lim trắng. Sau đó, đôi mắt hơi lồi của ông thủ trưởng lại nghiêm khắc nhìn chị một lần nữa, không phải, lần này ông nghiêm khắc nhìn hết người trong binh trạm chứ chẳng riêng gì chị, để kiểm tra xem có ai dám tung tin ông đã ăn nằm với một nữ dũng sĩ diệt Mỹ chuẩn bị ra bắc báo cáo thành tích, hay không. Cấp ủy của binh trạm đã ra nghị quyết "về việc cấm tung tin này để bảo vệ uy tín cho lãnh đạo". Chị im re. Tất cả đều im re, trừ anh chàng thủ kho ngứa mồm, nhân vác con lợn nái xuống trại chăn nuôi của một đơn vị bộ đội gần đấy xin lấy giống, bô bô chuyện động trời này cho mọi người, bị "cạo" bốn ngày hai đêm vì tội "bôi nhọ lãnh đạo" đến nỗi một năm sau anh ta như một kẻ câm, chỉ thỉnh thoảng bật ra một tiếng cười gằn. Chị sợ quá đôi mắt hơi lồi của ông thủ trưởng binh trạm, một người luôn luôn nói rành mạch và khẳng khái cách mạng thế giới diễn ra mấy giai đoạn, giai đoạn nào thì nhảy vọt, giai đoạn nào thì nhảy qua... Đáng lẽ chị chẳng nhớ đến đôi mắt hơi lồi ấy vào lúc mưa gió th?này đâu nếu chị không để ý đến những cái bong bóng nước chợt phình lên - dọc các mép đường ở những chỗ có ánh điện - lấp lóe, lấp lóe rồi phụt tắt, lại phình lên... làm cho chị rùng mình. Chị còn thấy những cái bong bóng nước nữa, những ảo ảnh về nó vẫn còn, chị thấy sờ sợ, cảm hứng hoang tưởng về một triệu chàng trai đuổi theo bỗng tan biến! Chị bước nhanh, gần như chạy...

*
* *
Mưa đã quạt trở lại, từ phía sau dồn nhanh lên phía trước, ào ào. Chị rụt cổ sâu vào tấm áo mưa, thành thử cái nón như một vật thừa, xoay tứ bề phía trên chỏm tóc. Một đợt gió nhẹ, rất nhẹ, đã làm nó bật ngửa rơi chéo ở phía trái sau lưng chị. Chị quay lại, vừa cúi xuống bỗng há miệng nhảy lùi xa đến mấy bước. Một bóng đen như mọc lên từ những rễ cây cơm nguội cạnh đấy, lừ lừ bước ra. Bóng đen giơ tay chào rồi cúi xuống nhặt cái nón đội lên đầu, tiến về phía chị. Chị lùi dần, lùi dần. Chị muốn hét lên, hét thật to nhưng cổ họng cứng ngắc...

- Đư-ừng! - Cuối cùng chị đã hét lên. Ngay sau tiếng hét ấy, một sự bật nút chai, toàn thân chị dâm dấp một thứ nước nóng, có lẽ là mồ hôi.

- Tôi đây mà - Bóng đen đã lên tiếng, đó là tiếng của đàn ông.

Chị hoảng hốt giật lùi mấy bước nữa người đàn ông đã tiến lại gần, chị kêu lên run rẩy:

- Đừng, trời ơi! Tại sao cứ tiến lại!... Tại sao cứ tiến lại!

- Không tiến lại thì tôi sẽ ướt như chuột... Tôi xin được trú nhờ tấm áo mưa của chị một lát, một lát thôi, nhà tôi ở gần đây rồi.

Vừa nói người đàn ông vừa gỡ nút ni lông trong tay phải chị, nhanh nhảu và bình thản như người nhà, hất ni lông qua vai chị, đội cái nón lên đầu chị.

- Đi! Nhanh lên ướt hết cả bây giờ! ?i, tôi may quá... Tấm áo mưa được người đàn ông giăng rộng, khéo léo khép hờ bên trái kia một chút làm cho chị lọt thỏm vào phía trong, sau nách trái người đàn ông một vài phân. Đầu chị hoàn toàn trống rỗng, chị chỉ biết bước theo, bước bước bước bước...

- Cúi đầu xuống một tý! Đừng sợ, tiến lên. Nhanh...

- ...

- Mưa kiểu này cá bống nhiều lắm đấy. úi chà chà... ếch! Tiên sư mấy con ếch, bố mày mà có cái đèn!...

- A ha ha... Cái nón!

Cái nón bật ra, lăn mấy vòng xuống lề đường. Người đàn ông buông ni lông quay lui. Khi đó, đúng một tích tắc, chị định vùng chạy. "Chạy nhanh lên! Chạy nhanh lên!" - Vang vang trong chị tiếng kêu như tiếng còi cứu hỏa. Thế mà chị cứ đứng im cho đến khi người đàn ông quay lại, chui vào tấm áo mưa.

- Tiếp tục.

- ...

- Cẩn thận mấy cái vòi sắt! A ha ha... cái nón! Tiên sư bố nó chứ.

Người đàn ông lại buông ni lông quay lui về phía cái nón khi đó đang xoay tít ở phía sau. "Chạy nhanh lên"... chị run rẩy... "Chạy nhanh lên"... Chị cắn chặt môi, nín thở...

- Đi thôi, lần này đừng có hòng mà bay nữa nhé. Chị cầm hộ tôi đầu này... Đấy! Tốt ! Đi!

Chị lăm xăm theo từng bước dài, gấp gáp của người đàn ông, cảm giác như mình bị lôi đi xềnh xệch chứ không phải đang bước. Chị mụ đi trước sức cuốn táo tợn và vui vẻ của người đàn ông, chỉ có bước, vậy thôi, ngay vả việc ước tính khoảng bao lâu nữa sẽ tới nhà chị cũng không nghĩ tới.

- Đến rồi! Tốt rồi. Giờ phút chia ly đầy nước... mưa đã tới. Chị cầm lấy mảnh ni lông. Tốt. Tạm biệt!

Người đàn ông rời tấm áo mưa vụt chạy, được mấy bước chợt phá lên cười:

- A ha ha... cái nón! Suýt nữa tôi ăn cắp cái nón.

Người đàn ông quay lại, vui vẻ đặt cái nón lên đầu chị rồi vụt chạy, được vài bước lại kêu lên và cười:

- Chưa cảm ơn! A ha ha... thằng đần!

Ngay lúc đó, hoặc trước đó, hoặc sau đó, đầu chị bỗng dúi dụi. Một cái hôn bất ngờ đặt xuống đúng lúm đồng tiền bên má trái. Chị sững người, toàn thân run lên, một cảm giác mát rượi và ran rát từ lúm đồng tiền má trái chạy lân lan khắp cơ thể chị. Người đàn ông biến mất, hình như đã rẽ vào một lối nhỏ bên trái...

Chị rũ xuống trong giây lát rồi ngẩng phắt lên, chạy. Chị chạy tơi bời giữa một trời mưa gió...

*
* *
Rất lâu, sau khi vấp phải bức tường đen nhẻm chắn ngang trước mặt, chị mới đứng khựng lại, ngơ ngác ngó xung quanh: một đám cây rưới, một tháp chuông cao, một lạch nước nhỏ. Thôi rồi chị đã lạc vào ngõ nhà thờ! Không biết chị chạy như thế nào để có thể lạc vào một ngõ nhỏ heo hút nằm sau phía tây thành phố. Chị đứng dựa vào bức tường, thở dốc.

Mưa đã có phần giảm đi, qua một khoảng sáng được phản chiếu nhờ ánh lửa của mấy cái lò nung vôi nhỏ gần đấy, chị thấy rõ từng đám mưa cắt chéo đang thưa dần. Đành phải trở lại, chẳng có cách nào hơn. Chị vừa kéo lại tấm áo mưa, xốc ngược lên, chuẩn bị bước thì nhận ra cái nón đã bay từ lúc nào. Một cái nón mới, quai nhung mầu nước biển mới sắm hôm qua, bây giờ biết nó bay về lối nào để mà tìm? Phải quay trở lại theo đúng con đường đã chạy tới đây may ra mới tìm thấy nhưng làm sao nhớ được khi chị chạy như một con điên mịt mù những ảo giác? Chị bỗng thấy oan ức quá, một nỗi oan ức không thể gọi tên cứ liên tiếp ập xuống trên từng bước đường đời, đã toan hất tấm áo mưa gào lên một tiếng thật to và khóc, không hiểu sao chị chỉ khẽ nấc lên một tiếng nặng và trầm, nước mắt dân dấn...

Mưa đã ngớt. Thấp thoáng trên cao những vì sao nhỏ xíu đang nhấp nháy. Gió mạnh dần lên, mát rượi. Chị tháo tung tấm áo mưa, thong thả bước. Chẳng việc gì phải vội vàng khi đã quá khuya - quá muộn mằn không thể vớt vát. Tai họa phải sợ bắt gặp coi như đã gặp, còn một khoảng vắng cuối cùng dùng để nghỉ ngơi, nếu không ngủ được thì hãy thư thả bước. Chị không thấy sợ hãi nữa, thậm chí còn ngạc nhiên không hiểu vì sao mình lại sợ run lên khi mới rời cái cổng sắt gỉ nhà người bạn gái. Nếu bình tĩnh như lúc này, có thể chị đã nói ra được dăm ba câu thật có duyên với người đàn ông kia và dễ dàng tránh được cái hôn cưỡng bức đã làm cho chị phát cuồng chạy lạc vào tận ngõ sâu hút này. Sẽ kể chuyện này cho ai nghe? Có nên cho "mười chín cái kèn đồng" biết hay không? Không nên. Nếu chị kể họ sẽ cười váng nhà rồi mấy giây sau là quên béng. Đêm đêm, vào khoảng chập choạng tối, "mười chín cái kèn đồng" xắng lên sắm sửa áo quần lao về các câu lạc bộ vũ quốc tế, nhảy đến toát mồ hôi, rồi từng đôi, từng đôi... rút lẹ làng đến quấn quanh các gốc cây cơm nguội, bình thản nhận và bứt từng cái hôn, để rồi sáng mai lại tha hồ vừa tranh nhau kể vừa cười vừa chép miệng... về các anh chàng đần và nhát gái. Chị ở phía sau tâm hồn của "mười chín cái kèn đồng", lặng lẽ gạt những nỗi oan ức để mà bước, bước như bây giờ đang bước, như ngày xưa trên những nẻo đường rừng. Kể từ khi môi chị run run sắp chạm phải môi anh, chuẩn bị đón cái hôn đầu mà từ lâu thỉnh thoảng chị đỏ mặt hỏi thầm "không biết nó sẽ ra sao?", và bị chặn đứng lại vì cái hắng giọng rõ to từ sau gốc lim trắng... đã trọn 20 năm. Nhanh thật. Thì chị cũng chỉ bước bước bước... thế này thôi thế mà đã 20 năm. Hai mươi năm ừ nhỉ... "Không biết nó sẽ ra sao?"...ừ nhỉ... té ra mát rượi và ram ráp... Chao ôi, buồn cười chết đi được cái anh chàng cù lần có nốt ruồi to như hạt đỗ đen đậu thản nhiên trên mép trái... "A ha ha... cái nón!"... Khiếp, đôi mắt hơi lồi của ông thủ trưởng... "Tiên sư mấy con ếch, bố mày mà có cái đèn!...", Chao ôi, buồn cười chết đi được, thế mà mình lại khóc... Những liên tưởng rối rắm quay tít mù trong đầu khiến chị cảm thấy chóng mặt. Chị đứng lại hít sâu vài hơi, lại bước. Quãng đường mưa có những hàng cây cơm nguội chạy dài đã hiện ra trước mắt. Chị cảm thấy mình nhẹ hẳn, khỏe khoắn hẳn, bước nhanh hơn, khoan khoái và hứng thú. Con đường mưa đây rồi. Lối rẽ vào khu tập thể kia rồi. ?i giờ sao sáng sủa thế này? Có lẽ đã rạng sáng. Chị dừng lại chút xíu ở lối rẽ vào khu tập thể rồi bước thẳng. "Cần phải tìm cái nón chứ chắc là nó rơi gần đây thôi. Chắc thế". Chị ngước lên nhìn những vòm lá cây cơm nguội. Phía trên vòm lá là những vì sao nhỏ xíu, mọc thưa thớt, nhấp nhánh... "Cần phải tìm cho ra cái nón", chị luôn nhắc nhở mình để tiếp tục đi nốt quãng đường mưa mà chị đã bị người đàn ông "lôi đi xềnh xệch". Cuối cùng, chị tần ngần đứng lại ở chính cây cơm nguội, nơi chị đánh rơi cái nón lần đầu, nghĩ mãi vẫn không hiểu người đàn ông đã nấp ở chỗ nào khiến chị đi qua mà không thấy. Thơ thẩn dọc hàng cây cơm nguội, chăm chú nhìn từng gốc và đếm, chị đếm từng gốc cây. Có bốn mươi chín cây cơm nguội tất cả, kể từ cây chị đánh rơi cái nón lần đầu, cho tới cây người đàn ông cười ha ha "suýt nữa tôi ăn cắp cái nón". Bốn mươi chín cây không hơn đúng như vậy, không hơn bốn mươi chín cây, đừng có hòng mà sai, bốn mươi chín cây tất cả. Chị đứng tựa vào gốc cây cuối cùng nhìn thăm thẳm phía dòng sông, cố tìm xem trong lớp sương mù vương vất bờ bên kia còn một con thuyền nào không. Không có, tuyệt nhiên không, chỉ có mặt dòng sông đục mờ thấp thoáng... Chị gục đầu vào cây cơm nguội đây là cây cơm nguội thứ bốn chín, kia là lối rẽ trái của người đàn ông, một lối mòn nhỏ chạy ngoằn ngoèo xuống dòng sông đang chảy. Lối ấy không có nhà, những con thuyền cũng không... áp nhẹ má mình vào thân cây, thốt nhiên chị rùng mình ngơ ngác. Một cảm giác mát rượi và ram ráp từ vỏ cây xù xì, ướt nước đang lây lan khắp cơ thể chị. Kỳ lạ quá. Dòng sông không một bóng thuyền. Đây là cây cơm nguội thứ bốn chín. Kia là lối rẽ trái kia nữa, kia nữa... "A ha ha... Cái nón" mới đó mà đã hai mươi năm cái anh chàng cù lần... Chị áp má vào gốc cây, dúi dụi. Mát rượi và ram ráp, chị mỉm cười. Mát rượi và ram ráp. "Đừng!" - chị kêu lên thảng thốt - "thôi, kìa!..." Chị tủm tỉm cười về tiếng kêu nghốc ngếch của mình - "may mà không ai nghe thấy" - rồi nhắm nghiền mắt. Mát rượi và ram ráp. Mát rượi và ram ráp. Mát rượi và ram ráp. Mát rượi và ram ráp... Chao ôi buồn cười chết đi được cái anh chàng cù lần có nốt ruồi to bằng hạt đỗ đen đậu thản nhiên trên mép trái.



NGUYỄN QUANG LẬP
http://www.maiyeuem.net/vtopic37382.html



Đêm 30 có mỗi truyện này



Chiều ba mươi tết, Quỳ đạp xích lô ra ga, tính đón khách chuyến tàu vét rồi gửi xích lô, bắt xe đò về quê. Vừa vào sân ga, tàu chưa về đã có khách gọi, may thế. Khách là một trung niên mặt rỗ, quần bò áo thun, kính đeo gọng vàng.
- Bưởi! Gã vươn vai dựa hẳn vào thành xe, rút thuốc lá hút. Ông cho con ba chục. Quỳ chưa đi vội. Loại này hoặc công chức, hoặc ma cô, phải ngã giá trước. Gã quay lại, lột kính lừ lừ nhìn Quỳ. Quỳ cảm thấy hai tia sáng mắt gã đang soi từng lỗ chân lông da mặt mình.
- Mày định ăn thịt người ta hay sao mà thét dữ thế.
- Dạ tết nhất đến nơi. Ông gọi hàng nào cũng thế. Âëy là con lấy rẻ năm ngàn.
Thì ra gã chỉ mắng thế thôi chứ không thêm bớt một hai gì. Đường phố ngày tết người ta đi như ăn cướp, như chạy giặc. Quỳ cũng lạng lách như ai, chủ yếu để người ta không coi mình là thằng nhà quê, ngờ nghệch quá. Từ từ thôi! - gã nhắc.
- Văng. Đi tử tế vào, rồi tao trả nốt năm ngàn.
-Văng. Quỳ thả lỏng, thong thả đạp. Xem ra gã cũng tử tế. Từ ngày ra phố làm ăn, cứ ba ông khách thì một ông tử tế. Quỳ thường khoe với vợ như vậy. Vợ Quỳ tròn xoe mắt: “Tử tế mà lắm thế à?”. Đàn bà suốt đời rúc xó bếp biết gì! Vợ Quỳ mặt đã to lại phèn phẹt, nhưng từ cổ trở xuống thứ nào thứ nấy không đáng yêu cũng đáng nể. Ăn uống kham khổ lắm, thế mà cái đít lúc nào cũng vổng lên. Rõ đáng tự hào.
- Ây! Gã khách kêu lên. Quỳ không kịp phanh xe, gã đã nhảy xuống lật đật chạy về phía sau nhặt lên một cái vòng. Quỳ cũng chạy tới. Vàng! Cái vòng vàng. Gã khách mân mê cái vòng vàng, cười toét một cái: “Một cây là cái chắc!”. Gã nhét ngay vào túi và nhảy phốc lên xe.
- Đi nhanh, mày. Tao tăng gấp đôi tiền cho. Quỳ thấy xót quá, nếu mình không nghĩ vẩn vơ thì mình đã thấy trước gã.
- Ông tính một mình lấy luôn cái vòng à? Quỳ hỏi giọng run run.
- Chứ sao, tao thấy trước mày.
- Con thấy trước ông nhưng con không kêu lên. Quỳ cố gắng không để lộ cái giọng run run của mình. Gã khách cười cái “rắc”, nghe như ai vừa bẻ một cành khô.
- Ai bảo mày không chịu phát biểu ý kiến! Quỳ thấy mình đuối lý. Đối đáp với người phố bao giờ Quỳ cũng là thằng đầu đất. Hôm qua có ông khách mắng Quỳ: “Tụi mày đói là vì không biết ngậm miệng ăn tiền”. Quỳ cũng thấy đúng quá. Quỳ cố nặn óc nghĩ được câu gì hòng thuyết phục gã chia cho một ít.
- Tết nhất được lộc trời, ông cho con xin một ít. Dứt lời, mặt Quỳ nóng bừng, khi không lại mở mồm xin xỏ. Gã khách lại quay lại nhìn Quỳ.
- Mày trông thế mà cũng có văn hóa đấy. Được, mày xin thì tao cho. Tao bảy mày ba, được không? Quỳ cười nịnh, cái mặt cười mới thảm hại làm sao:
- Ông cho con bao nhiêu,ơn ông bấy nhiêu. Gã khách lại cười cái “rắc”. Thằng cha cười đến hay, như chó khạc xương.
- Ơn nghĩa! Tụi mày đói mà xài sang quá. Cái vòng này cỡ một cây. Tao trả mày tiền ba chỉ, tao lấy cái vòng - Gã xỉa ra tập tiền sáu trăm ngàn, hất tay phía sau - Cầm lấy! Nhìn sáu tờ một trăm ngàn. Quỳ thấy chân tay mình cóng lại.
- Ông ơi, vàng bây giờ một chỉ gần năm trăm ngàn. Ông cho con ba chỉ mà được có... Gã lập tức đút tiền vào túi.
- Không lấy thì thôi. Vàng rụng vàng rơi, một chỉ hai trăm là quá lắm.
Quỳ định nói: “Thôi, ông cho con xin” nhưng không hiểu sao lại kêu lên:
- Một chỉ hai trăm thì thiệt con quá!
Gã khách nhảy phắt xuống, chậm rãi tiến sát chỗ Quỳ:
- Mày được voi đòi tiên. Đã bảo vàng rụng vàng rơi giá chỉ có thế thôi. Mày thích thì tao đưa tiền cho, không thích thì đưa tiền cho tao. Cũng giá đó.
Chưa bao giờ Quỳ tính nhẩm nhanh như lúc này. Một chỉ lãi ba trăm ngàn. Bảy chỉ lãi hai triệu mốt. Đạp xích lô cả năm trời cũng thế thôi. Gã khách moi cái vòng vàng ra, đưa cho Quỳ.
- Đây, mày xem có đúng một cây không. Hay bảo tao nói phét? Quỳ cầm cái vòng xoay xoay. Một chỉ lãi ba trăm ngàn. Bảy chỉ lãi hai triệu mốt. Cộng với ba chỉ phần mình nữa, bán vứt đi cũng được 4 triệu bạc. Chợt gã khách đập nhẹ vào tay Quỳ. Quỳ giật mình ngước lên. Một cô gái đang hớt hải chạy tới. Quỳ vừa kịp đút cái vòng vào túi quần.
- Các bác được cái vòng của cháu phải không ạ? Cô gái mặt non choẹt nhưng son phấn kỹ lưỡng lắm. Áo hở rốn, quần bò bó căng, cố tình làm nổi bật cái phần cần giấu đi. Xem “phong độ” biết ngay loại ăn chơi ngoại hạng.
- Cái vòng của mẹ cháu. Các bác được thì cho cháu xin. Không mẹ giết cháu.
- Vòng vèo nào ở đây. Gã khách trợn mắt quát. Không dưng lại túm áo người ta mà hỏi. Biến đi!
- Không mà... Người ta chỉ cho cháu...
- Biến! Gã khách đẩy cô gái ngã ngồi. Cô gái lồm cồm bò dậy vừa đi vừa nấc lên. Tự dưng Quỳ muốn gọi cô gái lại quá... Cách nào thì mày giải quyết đi. Nó đi gọi công an đấy.
Quỳ sực tỉnh, vội vàng lôi trong lưng quần ra cái bọc. Gã khách giật lấy. Bao nhiêu đây?
- Một triệu ba năm chục. Tao thiệt đơn thiệt kép. Gã khách thở ra. Thôi mày đi mau lên!
Quỳ cắm cổ đạp xe chạy vù vù. Thỉnh thoảng phanh kít lại, đập tay vào túi quần: Vẫn còn! Cái vòng vẫn còn! Lại đạp xe chạy vù vù. Còi ô tô kêu cái “roét!”, mồ hôi Quỳ túa ra, lạnh toát. Gớm, không biết cách nào Quỳ đã vọt ra tận Hồ Tây. Sờ túi, cái vòng vẫn còn, Quỳ cười nhăn một mình. Bây giờ phải quay trở lại, về Hàng Đào bán mới có giá. Ở đấy Quỳ có quen một chị hàng vàng, năm ngoái Quỳ đưa đón con chị đi học. Chị này giàu nứt đố đổ vách lại tử tế, chắc chẳng thèm ăn bớt của Quỳ. Một cây gần năm triệu, có cân non đi đằng giời cũng cầm chắc bốn triệu. Bốn triệu! Quỳ chưa bao giờ cầm số tiền lớn như thế. Vợ Quỳ cũng thế. Thị sẽ thế nào khi mình giơ bọc tiền ra nhỉ? Thị sẽ không dám cầm, ngờ vực hỏi: “Ai cho mà nhiều thế?”. Ai cho” - Quỳ bế xốc thị lên giường - “Tưởng tớ không kiếm được ngần ấy tiền à?”. “Ây, ây... Con đang chơi ngoài sân”. “Gọi nó vào, đem cái đĩa bảo đi mua nước mắm”. Thị đẩy Quỳ ra, lườm: “Thì tắm rửa đi đã. Được mấy hơi mà hoắng lên thế”. Ừ thì tắm. Tắm xong tớ sẽ nghiền nát cái đít tự hào của mình ra, xem có còn khinh tớ nữa không. Xong rồi, thể nào thị cũng hỏi đi hỏi lại: “Ai cho đấy, nói thực xem nào? Hay là có con đĩ nào nó cho?”. Chà thích quá rồi, còn ra vẻ! Quỳ kể Quỳ gặp vận may như thế nào, cái ông khách tử tế ra sao. Thị lại tròn mắt kêu lên: “Tử tế mà lắm thế à?”. Tử tế mà lắm thế à. Rõ lũ đàn bà đần độn ngu si. Quỳ vừa nghĩ ra câu thơ. Quỳ nhẩm đi nhẩm lại cho thuộc, mai về sẽ đọc cho thị nghe. Thị sẽ ré lên bóp cho Quỳ một cái. Thị bóp thì đau lắm nhưng mà thích.
Chị hàng vàng tung nhẹ cái vòngmấy lần rồi ngước lên nhìn Quỳ. Có khi cái này không phải vàng. Nhẹ lắm.
Quỳ cười to, vui vẻ nói:
- Thì chị cứ thử đi. Trông điệu bộ đi tìm đèn khò không được nhiệt tình cho lắm của chị, Quỳ đã thấy lo lo. Tuy vậy, Quỳ vẫn nói cười như không.
- Vàng đang lên phải không chị?
- Ừ. Bốn chín hai.
- Em bán bây giờ là được giá, chị nhỉ?
- Ừ. Đèn khò bật lửa. Ở cái nơi tia lửa liếm vào, một thứ nước rỉ xanh tứa ra. Mắt Quỳ tối sầm.
- Đồng em ạ. Mạ vàng thôi.
Một khối nước đá từ trên đỉnh đầu đang tràn xuống chân. Quỳ đứng trơ, nước đái từ hai ống quần túa ra, đọng thành vũng trên nền đá hoa.
Quỳ rơi phịch xuống ghế. Và kể. Chị không hỏi, Quỳ cũng kể. Không phải, Quỳ đang lảm nhảm như một thằng điên.
- Vàng giả sao nó dám đưa tiền cho em? Em ơi, có khi đó cũng là tiền giả. Quỳ nuốt nước bọt, ngước lên ngẩn ngơ nói:
- Tại em tham quá. Trong tích tắc, nước mắt Quỳ dàn dụa. Chị đưa cho Quỳ cốc nước lọc, khẽ thở dài.
- Em cũng đừng dằn vặt nữa.Tham là bệnh tật của giống người. Người ta trước sau rồi cũng mắc phải, chẳng ai nói phách nói tướng được. Thôi, coi như mình vừa bị mất cắp, bị trấn lột, còn mấy tiếng nữa là hếtnăm, ráng kiếm vài chục, về quê còn có chút gì đưa vợ. Quỳ đạp xe ra ga, về bến xe phía Nam, vòng vèo ra tận Phà Đen, lên chợ Bưởi, cũng chẳng có ma nào gọi. Phố phường vẫn đầy người ra đấy nhưng hôm nay là ngày vui của người ta, ngày chết tiệt của Quỳ. Đêm xuống rất nhanh, gió hun hút thổi. Quỳ không rét nhưng mà đói. Đói lắm. Phố xá tịnh không ai còn mua bán gì. Khổ nỗi đường phố giờ này lại ngậy mùi xôi thịt, rúc vào đâu cũng ngậy mùi, càng hít chân tay càng rời rã. Quỳ dừng xe một góc phố, tính làm một giấc lấy sức rồi gửi xe cuốc bộ về quê. Gần 40 cây số nhưng đi mãi rồi cũng đến, cũng không hết tết đâu mà lo.
Không ngủ được, nhạc nhéo đinh tai nhức óc. Nhà sát đường chưng đèn kết hoa như đám cưới, nhưng nhìn vào thời trống hoác, chỉ một đôi trai gái đang ôm nhau nhảy. Chúng nhảy như động rồ, ngoắc của nợ vào nhau chứ đâu phải là nhảy. Bỗng Quỳ đứng phắt dậy. Gã khách! Thằng quần bò áo thun! Thằng mặt rỗ! Con kia đích thị là đứa đến xin vòng. Tiên sư cha quân mất dạy! Quỳ chực xông vào nhưng hú hồn đã khựng lại được trước cổng. Đêm ba mươi vào làm ầm ĩ nhà người ta thì cầm chắc tiền mất tật mang. Cứ đứng đây đợi. Thằng kia nếu là chủ thế nào cũng tiễn con kia, nếu là khách thì quá lắm đến giao thừa cũng phải cút. Còn hai tiếng nữa đến giao thừa chứ mấy. Quỳ ngồi xổm, tựa lưng thành cổng, nghiến răng chờ đợi. Con chó bẹc-giê thấy có người lạ liền đủng đỉnh đi ra, đưa mắt lừ đừ nhìn Quỳ, gừ một tiếng, ra cái điều: “Nhìn cái gì mà nhìn”. Chó nào chủ nấy. Chó nhà quê nghe tiếng người cuối xóm, đầu xóm đã sủa nhặng lên, ra vẻ hung hăng lắm, nhưng người ta dậm chân một cái đã cụp đuôi mất dạng ngay tắp lự. Con bẹc-giê đến sát cổng, nằm bẹp xuống, trễ nải lim dim mắt nhìn Quỳ. Rõ nó coi Quỳ bằng nửa con mắt. Quỳ cười khẩy, nghĩ bụng: “Mầy là cái đéo gì. Đồ liếm cứt nhà giàu”. Nó lại gừ một tiếng rồi ưỡn ngực vươn vai, đủng đỉnh đi vào, ra cái điều: “Chẳng dư hơi đôi co với lũ chúng mày”. Thế mới tức. Tự nhiên Quỳ uất lên.
“Ba-ái!”. “Xí ố ghẻ-ên!”. Rồi! Thằng kia ra rồi. Quỳ vụt dậy. Gã vừa ra khỏi cổng, Quỳ đã túm chặt lấy tay gã.
- Ông! Đây là cái vòng giả! Ông cho con xin lại tiền.
Gã từ tốn nhìn Quỳ, không lộ một chút gì tức giận hay sợ hãi. Tuồng như gã đã biết trước thế nào cũng gặp Quỳ, thế nào cũng nghe Quỳ nói thế. Thì buông ra đã nào. Tao có chạy đi đâu mà sợ.
- Con đã thử rồi. Đây là cái vòng đồng mạ vàng.
Quỳ đưa cái vòng cho gã. Gã cầm cái vòng ngắm nghía. Giả à?
- V-ăng. Ừ, nếu giả thì tao đưa lại tiền cho. Coi như tao không được cái gì.
Gã nhảy lên xích lô, vui vẻ nói:
- Đi! Đi thử một lần nữa cho chắc. Rồi mày chở tao về Bưởi, tao lấy tiền đưa mày. Mau lên, giao thừa sắp đến rồi.
Quỳ định nói: “Thôi, không thử nữa, ông cho con xin lại tiền”, nhưng lại nghĩ bụng: “Thử thì thử, sợ gì! Lần này có ông nội mày cũng không lừa được ông nữa đâu, con ạ”.
Gã bảo Quỳ dừng lại trước cửa hàng vàng cách hàng vàng quen của Quỳ có mấy trăm mét. Chủ nhà đã đóng cửa nhưng thấy gã thì vui vẻ lắm, nhanh nhẩu tìm đèn khò ra xịt. Ủa, nước vàng chảy ra tươi rói! Thế là thế nào nhỉ?
- Mày thử kiểu gì lạ thế? Làm mất thời gian tao! - Gã vừa đi ra cửa vừa càu nhàu và nhét cái vòng vào túi.
Quỳ lẽo đẽo theo sau, nói giọng thiếu tự tin hẳn:
- Con thử nhà người quen hẳn hoi.
Lập tức gã quay ngoắt lại.
- Đâu? Nhà người quen mày ở đâu?
- Đó kìa! Có một đoạn.
Gã rút cái vòng ra đưa cho Quỳ:
- Cho mày thử lại. Không bảo tao hợp đồng nhà người quen lừa mày. Đi mau lên, Quỳ co cẳng chạy. Không kịp bấm chuông, cứ thế lao thẳng vào nhà.
Chị hàng vàng cầm cái vòng lật đi lật lại. Đâu? Vết thử của người ta đâu? Mỗi vết thử của chị đây này.
- Vừa thử xong mà. - Quỳ thở hắt ra.
Chị hàng vàng bỗng tái mặt kêu lên:
- Thôi rồi! Nó thử cái vòng thật của nó. - Chị đẩy Quỳ, hối hả giục. - Ra đi! Khéo không cái xích lô của em...
Quỳ lao như tên bắn. Ối cha mẹ ơi, họa vô đơn chí! Cái xích lô lấy lại của người ta, còn chưa trả hết tiền. Quỳ ngã sấp xuống mặt đường, mãi sau gượng ngước lên đã thấy chị hàng vàng ngồi trước mặt. Chị đỡ Quỳ dậy, nói như rên:
- Về quê mà làm ăn em ạ. Ỉa vào phố với phéo. Quỳ biết mình khóc nhưng không đừng được.
- Chị ơi, bao giờ em mới hết ngu?
Chị nhét năm mươi ngàn vào túi Quỳ, giọng nghèn nghẹn:
- Em đừng mơ tưởng viển vông nữa. Mình hết ngu thì người ta mưu mẹo lên gấp năm gấp mười. Cũng coi như mình ngu như cũ. Thôi, về đi em.
Không! Không về! Phải đến nhà con kia! Nó cùng duộc với thằng mặt rỗ. Không lấy được tiền thu được của thì cũng xé tan xác chúng nó ra.
Cô gái vẫn thức, đang ngồi ngắm nghía, nắn nắn ngực mình
- Cô gì ơi! Ra tôi bảo! - Quỳ nói như quát. Cô gái thủng thẳng đi ra, vênh mặt lên, hất hàm hỏi:
- Gì thế? Tự nhiên Quỳ tịt ngỏm, không biết nên tiếp tục thế nào.
- Cô mất cái vòng phải không? - Phải. Đây là cái vòng giả! Cô lừa tôi!
Cô gái cầm lấy cái vòng, bất ngờ ném thẳng vào trán Quỳ.
- Đồ ăn cướp! Đây mà cái vòng của tao à?
Cô gái nhào tới túm chặt lấy cổ áo Quỳ, kêu to:
- Mẹ ơi! Đây rồi! Thằng ăn cắp đây rồi! Quỳ há hốc mồm, không biết nên làm gì, nói năng thế nào.
Trong nhà đi ra một người đàn bà chừng năm mươi tuổi, mặt mày xem ra phúc hậu lắm.
- Thằng này giật cái vòng của con. Bắt được, nó lại trả lại cái vòng giả.
- Không phải! Cô lừa tôi! - Quỳ vặc lại và giật tay cô gái.
- Thôi, thôi. Đừng ồn. Nhà chị đang có khách. Có gì vô nhà nói. Chuyện đâu có đó em ạ.
Bà cất tiếng dịu dàng, nghe êm như tiếng Phật bà từ trời xanh rót vào tai Quỳ. Bà tự tay mở cổng, nhẹ nhàng kéo Quỳ vào.
Vào thì vào! Cây ngay không sợ chết đứng. Chừng nào còn chưa lấy được tiền và cái xích lô thời ông còn nằm ỳ ra đấy, chúng mày không cho ông ăn thời ông ỉa ra cho mà dọn.
Bà nhẹ ấn vai Quỳ xuống ghế bành. Cái ghế to đến nỗi Quỳ thấy mình như đang tụt xuống một cái hố. Bà xăng xái đi lấy nước, rất lâu sau cầm cốc nước đi ra ấn tận tay Quỳ, ân cần nói:
- Con bé nhà chị nó cũng hư lắm. Em uống nước đi, rồi kể chị nghe đầu đuôi thế nào. Quỳ tu một hơi, quẹt mồm, nói:
- Chiều nay con đi chở khách... Thì uống nước đi đã nào. Chuyện đâu có đó mà em. Bà tươi cười cắt ngang lời Quỳ. Vô lẽ bà này lại đẻ ra con khốn nạn kia? Quỳ uống thêm ngụm nước, đang nghĩ xem mình nên bắt đầu thế nào cho vừa gọn vừa rõ ràng thì một chiếc xe Jeep đỗ xịch trước cổng. Ba người đàn ông bước vào. Hai người trẻ, một người đã đứng tuổi có cái mũi cà chua. Hai người trẻ chẳng nói chẳng rằng ập đến bẻ quặt tay Quỳ.
- Ô, sao lại thế này? - Quỳ kêu lên.
- Câm mồm! - Người mũi cà chua quát khẽ. - Lôi cổ nó ra ngoài! Quỳ ra sức trì lại nhưng không được. Tuyệt vọng, Quỳ quay mặt về phía bà chủ kêu to:
- Bà! Bà ném cho Quỳ một nụ cười khinh bỉ rồi quay lại người mũi cà chua, thở ra:
- Tết nhất... phiền các chú quá.
Người mũi cà chua cụp mắt xuống, cố gắng lễ phép với bộ ngực xốp lúc nào cũng muốn nhào ra khỏi cổ áo của bà.
- Dạ có chi... Anh đâu chị?
Bà nhỏ giọng: Anh có khách.
Người mũi cà chua liền co vai, rụt cổ, nói khẽ:
- Thôi, em chào chị, em về đây. Chị cứ yên tâm đi, thế nào em cũng lấy lại cái vòng cho cháu.
- Thôi, khỏi phiền các chú đến thế.
Bà nói và tiễn người mũi cà chua ra cổng.
Xe jeep biến khỏi cổng. Bà quay lại lườm cô gái nãy giờ vẫn ườn ra trên đi-văng.
- Cái vòng đâu rồi, con chó?
Cô gái cười rúc rích. Mẹ cũng quá lắm. Mắng nhà quê xơi xới. Cứ làm như mẹ không phải ở quê ra. Bà ngồi xuống, hực ra một tiếng cười khô khốc.
- Là tao nói thế, chứ không có chúng, bố con mày bốc cứt mà ăn. Nói rồi bà vươn vai ngáp dài.
- Khách với khứa. Giờ này còn ngồi thầm thầm thì thì.
Bà uể oải lên cầu thang. Lát sau đã nghe tiếng bà ngọt như tiếng tơ đồng:
- Âëy không. Về là thế nào. Anh đến giờ này là lộc trời ban cho nhà em đó.
Cô gái ngửa cổ cười dài, thò tay nhổ một nhúm lông ném lên phía cầu thang.
Xe Jeep chở Quỳ đến ngã tư thì dừng lại. Người mũi cà chua tự tay cởi trói cho Quỳ.
- Thôi, cho về ăn tết với vợ con.
Quỳ chẳng thấy vui sướng gì, cứ ngồi lì không chịu xuống xe. Ngồi tù còn đỡ nhục hơn về nhà kể cho vợ chuyện này.
- Con không về.
- Sao?
- Chúng nó là bọn lừa đảo.
Người mũi cà chua cười phì:
- Mày bây giờ mới biết à?
Rồi anh vỗ vai Quỳ, dịu giọng:
- Về đi em, giao thừa rồi đó.
- Nhưng, chúng nó là bọn lừa đảo! - gần như Quỳ rú lên.
- Bé mồm thôi! Mày còn nói nữa, tao lại bắt mày bây giờ!
Xe Jeep biến mất, Quỳ đứng trơ giữa ngã tư đường. Bốn ngã đường vắng hoe. Không một bóng người, cả bọn mất dạy lẫn người tử tế.


Bắc Linh Đàm 11-2001

NGUYỄN QUANG LẬP

http://vietnameseface.com/novel/D/Dem-30-Co-Moi-Truyen-Nay_603075.php

No comments: