Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, November 6, 2024

CHẠM MỘT BAN MAI, TRONG NẮNG CHIỀU THƠM, TIẾC THU – Thơ Tịnh Bình


 


CHẠM MỘT BAN MAI
 
Thôi quay lại trở về chốn cũ
Cánh đồng xanh găm nỗi nhớ cỏ may
Ôm vai núi bóng mây chiều trôi chậm
Ngửa mặt nhìn trời diều giấy có còn bay?
 
Thôi quay lại...ừ thì trở lại
Cơn mưa xưa nụ cười cũ ướt nhòa
Con châu chấu ẩn mình trong cỏ biếc
Xao động gì ngơ ngác giọt sương sa
 
Thì trở lại... bao năm xuôi ngược mãi
Tìm bình yên trong khói bếp mẹ ta
Chiều vương vãi đàn gà tranh hạt nắng
Bối rối cánh cò chấp chới phía xa xa
 
Nghe lắng đọng giữa nhịp đời hối hả
Cánh chim trời hun hút phía xa xăm
Dòng sông cũ có già cùng năm tháng
Người lặng yên hồi tưởng những thăng trầm
 
Chầm chậm thôi buổi hoàng hôn dần tắt
Đêm hoang vu le lói ánh sao gầy
Chẳng thể níu giọt thời gian cùng cạn
Vén ngày tàn chạm gặp một ban mai...
 
 
TRONG NẮNG CHIỀU THƠM
 
Lục bình neo bến sông quê
Chuyến đò xuôi ngược kẻ về người đi
Ráng chiều ngóng cánh thiên di
Nghe con cúm núm kêu gì cỏ cây
 
Bướm vàng lẻ bạn sang đây
Mù u ai nhặt đầy tay trái buồn
Gió đưa gió đẩy qua truông
Sông sâu cá lội in tuồng mong ai
 
Đèn dầu đôi ngọn lắt lay
Thương ai dầu dãi mờ cay mắt người
Dăm ba vệt khói về trời
Cánh đồng ở lại rối bời rạ rơm
 
Hoài vương trong nắng chiều thơm
Cơm sôi chái bếp sớm hôm ấm lòng
Tàn đông rồi lại lập đông
Lời quê gió bấc dòng dòng nhớ thương...
 
 
TIẾC THU
 
Hoa rơi thấm lạnh trên nền đất
Ướt đẫm sương trăng khúc dế mèn
Vườn hoang sầu chi loài cỏ dại
Nhớ bước chân người trên lối quen
 
Nhà xưa đành mặc rêu phong phủ
Ngói vỡ tiêu điều trên mái nâu
Tiếng chim giấu mặt sau vòm lá
Ngẩng tìm thơ dại biết nơi đâu
 
Rã rời chân mỏi tìm chốn nghỉ
Thèm ngủ quê nhà với gió thu
Ai hay phiến gió bên trời cũ
Sót tiếng thở dài như tiếc thu...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)

READ MORE - CHẠM MỘT BAN MAI, TRONG NẮNG CHIỀU THƠM, TIẾC THU – Thơ Tịnh Bình

XIN VỀ LẠI – Thơ Lê Văn Trung


   

 
XIN VỀ LẠI
 
Ta về lại xin làm người hành khất
Được chạm vào rêu biếc mái hiên xưa
Được cúi nhặt chiếc lá mùa quên lãng
Sợi tóc người bay rối những cơn mơ
 
Xin được ngắm áo vàng bay cánh bướm
Bóng mây chiều ai nhuộm mắt mù sương
Xin được chạm vào tấm lòng nhung gấm
Để nghe mùa ân ái dậy mùi hương
 
Xin được gọi tên niềm quên nỗi nhớ
Những con đường xuôi ngược của đời nhau
Những cánh đồng mùa thu vàng hoa nở
Những bến bờ xưa hò hẹn buổi ban đầu
 
Xin được tắm trong dòng sông trẻ thơ
Lòng xanh biếc buổi trăng vừa hàm tiếu
Ta về lại xin chút lòng niên thiếu
Ươm lấy mầm hy vọng của tương lai.
 
Lê văn Trung
Tháng Mười 2024

 

READ MORE - XIN VỀ LẠI – Thơ Lê Văn Trung

Tuesday, November 5, 2024

Trang thơ Nguyễn Văn Trình: SẮC TÍM VÙNG BIÊN | TRỒNG NGƯỜI TRÊN ĐẤT LỬA | THẾ NHÂN

  

Nhà thơ Nguyễn Văn Trình

 

Sắc tím vùng biên

(Kính tặng cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị.)                   

Biên giới chiều, hoa mua tím ngắt

và trời xanh mây trắng dặt dìu

giữa rừng sâu, hắt hiu gió thổi

đồng đội tôi lên đồi thăm chốt

 

Biên giới đây, cột mốc biên cương

thương các anh ngày đêm canh gác

giữ đường biên, làng bản quê hương

cho xanh thêm nương khoai ruộng lúa

 

Đường tuần tra gió lùa lạnh buốt

suốt chặng đường vững bước trèo non

đạp lối mòn vui theo đồng đội

rồi mắt nhìn về phía mây đen

 

Nơi núi rừng, tuy lạ thành quen

đêm trên chốt, đốt đèn đỏ lửa

giữa rừng sâu thêm thấu ân tình

để hình hài đất nước mãi đẹp xinh…

 

                   Hướng Hóa, 10/2022.

                                  

 

Trồng người trên đất lửa

 (Kính tặng sở GD & ĐT tỉnh Quảng Trị, nhân dịp 50 năm của ngành.)                

 

Năm mươi năm một chặng đường

giáo dục Quảng Trị kiên cường vượt qua

biết bao hậu quả nặng nề chiến tranh

rừng đã cháy, gió lào rát mặt

bưng bát cơm rau, phải nghiêng che gió cát

dân khát chữ, xóm làng xơ xác

đồng khô cỏ cháy, khát dòng kênh xanh

trường, lớp sập tan tành đổ nát

giữa hoang tàn trường tạm mọc lên

dân dựng lại, bằng tranh tre nứa lá

mái còn tươi rơm rạ quê nhà

đội ngũ thiếu, giáo viên về bỏ việc

bụng cồn cào, sao giữ bước thầy cô ?(1)

thầy đi rồi, trò cũng chỉ bơ vơ

con vắng mẹ, ngẩn ngơ chiều mây tím

học trò nghèo ngất lịm, thiếu bữa ăn

đường đến trường vất vả, khó khăn

nay ngồi đây, ngày mai trống chỗ

lớp học buồn, xao xác tiếng ve

nghe hạ sầu, đâu khúc hát “phượng hồng”(2)

da diết quá, nỗi lòng xa nhớ

một thời quá khứ, đã qua lâu rồi… 

 

Năm mươi năm một chặng đường

từ trong gian khó quyết vươn bằng người

bằng giải pháp về trường, về lớp

ba mũi nhọn, phải đột phá tập trung(3)

huy động nguồn lực, xã hội chung tay

thành lập ngay trường chuyên, lớp chọn

có trò ngoan học giỏi, ra thi đấu trường

rồi trung tâm tin học sớm khai trương

kịp thời hổ trợ địa phương học hành

nhanh thực hiện mục tiêu lớn quốc gia

phổ cập tiểu học cho là ưu tiên

xóa mù công việc thường niên

cõng chữ về bản, sáng miền núi non

cơn khát chữ, người dân không còn

tiếng vui con trẻ, ê a học vần

từ đây giáo dục, nhẹ phần gian lao

từ đây khởi sắc phong trào

đạt ba thành tựu, tỉnh ta tự hào(4)

từ đây vững bước, sánh bao bạn bè

 

Năm mươi năm một chặng đường

trồng người sự nghiệp, khôn lường gian nan

thầy trò một dạ, vượt ngàn chông gai

hôm nay quả ngọt, bông sai

giáo dục Quảng trị, hương nhài thơm danh

nhìn về phía trăm năm, quyết trồng người đất lửa

tạo bóng cây xanh, để gọi tiếng chim về…

 

                              Đông Hà, Tháng 5/ 2022.                                 

 

Ghi chú:

( 1) Sau chiến tranh vì hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt, nên một số giáo viên không trụ nổi trong ngành, đành bỏ nghề đi tìm công việc khác.

(2) Bài hát: “Phượng Hồng” của nhạc sĩ Vũ Hoàng, lời thơ của Đỗ Trung Quân.

(3) Ba mũi nhọn cần đột phá: Đó là 3 lựa chọn lớn tập trung giải quyết:

a/ Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng chăm lo sự nghiệp giáo dục.

b/ Thành lập hệ thống trường chuyên, lớp chọn.

c/ Thành lập trung tâm tin học và thực hiện mục tiêu lớn của quốc gia phổ cập giáo dục cấp tiểu học và xóa mù.

(4) Ba thành tựu của tỉnh Quảng Trị đã đạt được trong 50 năm qua, đó là:

Sự nghiệp trồng lúa, Sự nghiệp trồng người và Sự nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng. Trong đó có thành tựu đáng ghi nhận của ngành giáo dục Quảng Trị, là: “Sự nghiệp trồng người cao cả”.

Nguyễn Văn Trình

 

 

  Thế nhân 

 

Thế nhân có mấy cuộc vui

mà sao cứ phải ngậm ngùi tiếc than

dẫu cho đời lắm gian nan

thì sao không cố vượt ngàn nỗi đau

 

Thế nhân nên biết thương nhau

mà sao phải cứ làm đau lòng người

sao là không sống vui tươi

bởi đời ngắn, cần nụ cười từ tâm

 

Thế nhân nên trọng chữ tâm

sao không chia sớt tình thâm với người

cứ vui mà sống tươi cười

sống cho rộng lượng mới người đáng yêu

 

Thế nhân sống có bao nhiêu

nên vì lẽ phải, biết điều đẹp hơn

để cho đời bớt tủi hờn

tiếng thơm còn mãi, giận hờn mà chi…!?

 

                                     Đông Hà, 2018

                                     Nguyễn Văn Trình

                                    <nguyenvantrinh56@gmail.com>

READ MORE - Trang thơ Nguyễn Văn Trình: SẮC TÍM VÙNG BIÊN | TRỒNG NGƯỜI TRÊN ĐẤT LỬA | THẾ NHÂN

CHÙA HÀ - LINH THIÊNG VỀ CẦU TÌNH DUYÊN - Đặng Xuân Xuyến

 



CHÙA HÀ - LINH THIÊNG VỀ CẦU TÌNH DUYÊN

.

Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, trước kia thuộc làng Dịch Vọng (tên nôm là làng Vòng), huyện Từ Liêm, nay thuộc phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Có hai truyền thuyết về chùa Hà.

Truyền thuyết thứ nhất:

Vào thời Lý, khi vua Lý Thánh Tông trị vì,lúc đã 42 tuổi mà vẫn chưa có con nên đã cầu tự ở một ngôi chùa mà sinh ra Thái tử Càn Đức, do đó ngôi chùa này gọi là chùa Thánh Chúa để kỷ niệm sự kiện này. Trên đường đi vua còn ghé qua một ngôi chùa khác và ban tiền bạc cho chùa để trùng tu lại, vì vậy chùa này (chùa Hà) còn có tên là Thánh Đức tự.

Truyền thuyết thứ hai:

Chùa Hà được xây dựng lên để vua Lê Thánh Tông bày tỏ lòng nhớ ơn các đại thần như Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt đã phế bỏ Lê Nghi Dân để phò tá ông lên ngôi vua vào năm 1460.

Trải qua bao phen binh hỏa, chùa Thánh Đức đã bị phá hủy nhiều lần. Đến năm 1680 chùa vẫn còn lợp lá gồi, tường xây bằng gạch vồ nên người dân gọi là chùa Vồi. Đến đời vua Lê Hy Tông (1675-1705) có hai người quê làng Thổ Hà tỉnh Bắc Giang sang ở chùa để bán các đồ gốm sứ ở chợ trong và ngoài thành Thăng Long. Nhờ buôn bán phát đạt, hai gia đình này tình nguyện công đức số tiền lớn cùng nhân dân trong xóm xây dựng lại chùa với quy mô lớn bằng gạch ngói vào năm Chính Hòa (1680). Từ đó hai làng Thổ Hà và Dịch Vọng Trung kết nghĩa, đặt tên xóm có ngôi chùa là Bối Hà và chùa có tên nôm là chùa Hà.

Kiến trúc của chùa được quy hoạch trong một khoảng không gian rộng thoáng. Ngoài cùng là cổng Tam quan xây hai tầng có hệ thống cầu thang lên ở phía trái. Tầng trên xây kiểu chồng diêm, giữa bờ đinh mái thượng đắp nổi hình mặt trời lửa đặt trên hình hổ phù, hai đầu kìm đắp hình rồng đuôi xoắn, miệng ngậm bờ nóc, mái lợp giả ngói ống. Tầng dưới chia làm ba gian, với 12 cột trụ xây nổi trên mặt tường. Tam quan có ba vòm cửa, cửa giữa rộng hơn.

Tầng hai Tam quan treo chuông đồng Thánh Đức tự, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7 (1799), một di vật thời Tây Sơn còn bảo quản nguyên vẹn. Chuông cao 1m20, chu vi đáy 1m80 được đúc tinh tế, phần trên bốn múi chuông được khắc nội dung văn chuông, phần dưới được khắc tứ linh: long ly quy phượng cách điệu mà rất sống động. Phía trên là hai con bồ lao đầu nhìn về hai phía, bốn chân gắn chặt vào chuông

Chùa Hà nhìn ra hướng tây, kết cấu kiểu chữ Đinh có Tiền đường và Thượng điện, tam bảo năm gian rộng. Tòa phật điện của chùa được bố trí theo nhiều lớp. Lớp cao nhất là ba pho Tam thế. Lớp thứ hai: là ba pho tượng Tam Thánh. Phía dưới tượng A Di Đà: tượng A Nan Đà, Đức Ông.

Phía ngoài chính điện giáp với đại bái là tượng Thích Ca sơ sinh. Lớp tượng ở nhà bái đường nổi bật nhất là tượng Thiên Tướng Hộ Pháp cao lớn mặc áo giáp vàng ngồi trên con sấu. Hai bên đầu hồi còn đặt 8 vị Thần Vương Hộ Pháp.

Phía sau chính điện của chùa là Điện Mẫu. Kiến trúc Điện Mẫu bao gồm phía trước là phương đình, phía sau là Thần điện. Trong phương đình có đặt đỉnh hương và đôi hạc lớn. Phía sau phương đình là nhà bái đường gồm 5 gian làm theo kiến trúc cổ. Gian chính giữa đặt Mẫu Thượng Thiên trang phục màu đỏ, bên trái là tượng Mẫu Thượng Ngàn trang phục màu xanh, bên phải là tượng Mẫu Thủy trang phục màu trắng, ngoài ra còn có tượng các ông hoàng, bà chúa, tượng các cô, các cậu. Đặc biệt là bức phù điêu Bát Tiên treo bên trái hồi rất sống động.

Bàn thờ phía dưới cùng của Điện Mẫu là Ngũ Hổ thần quan, hay gọi nôm là Quan Năm Dinh, biểu tượng bằng 5 mãnh hổ với màu sắc khác nhau.

Nếu như những ngôi chùa khác tập trung nhiều tầng lớp trung niên, các cụ ông cụ bà, đến lễ bái, thì chùa Hà được đông đảo học sinh, sinh viên tìm đến để cầu tình yêu.

Dân gian tín rằng chùa Hà rất linh nghiệm với những cầu nguyện về thi cử, học hành và tình duyên. Rất nhiều nam thanh nữ tú (nhất là những người đang cô đơn, lẻ bóng, những người không may trong chuyện gia đình) đầu xuân đến chùa Hà để cầu xin sớm gặp được người chồng (vợ) như ý, hoặc cầu xin tình yêu sớm đơm hoa kết trái, hạnh phúc gia đình được viên mãn.

Dân gian cũng tín rằng: Đức Ông chùa Hà rất linh thiêng nên dân quanh vùng có câu “Đức Ông chùa Hà, Đức Bà chùa Hương”.

-------------

(Trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT của Đặng Xuân Xuyến ; Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin 2006)



READ MORE - CHÙA HÀ - LINH THIÊNG VỀ CẦU TÌNH DUYÊN - Đặng Xuân Xuyến

Bài thơ: CHIỀU QUẢNG TRỊ NHỚ ANH - Tác giả: Hoàng Thị Bích Hà - Nghệ sỹ diễn ngâm: Hoàng Mạnh Hùng - (Youtube)

 

CHIỀU QUẢNG TRỊ NHỚ ANH 

Thơ Hoàng thị Bích Hà

Em đang đứng trên đất trời Quảng Trị
Lòng nhớ anh da diết đến cồn cào
Có phải nơi đây địa đầu giới tuyến
Anh đã từng in dấu bước hành quân

Gót giày anh qua những nẻo đường nào
Em muốn tìm dấu giày anh đã bước
Những nơi anh từng qua, nơi nào anh đã đến?
Để em tìm về dấu tích anh đi

Em ước mình trở thành một vầng mây
Che cho anh chiều hành quân nắng đổ
Em cũng muốn trở thành làn gió mát
Quấn quýt bên anh làm mát rượi làn da

Em tìm anh không biết ở nơi đâu
Hỏi gió hỏi mây, hỏi rừng cây, biển cả
Có ai biết người yêu tôi giờ đâu vậy?
Để một lần tay nắm lấy bàn tay
Đi bên nhau cùng ngắm những vì sao
Chờ trăng lên thảo vần thơ xướng họa

Anh nói với em rằng: anh yêu em nhiều lắm!
Vần thơ nào anh cũng viết cho em!
Và em sẽ là người hạnh phúc nhất thế gian
Bởi đươc anh yêu và yêu anh nhiều đến thế !


Ngày 03/3/2018
Hoàng Thị Bích Hà
 

READ MORE - Bài thơ: CHIỀU QUẢNG TRỊ NHỚ ANH - Tác giả: Hoàng Thị Bích Hà - Nghệ sỹ diễn ngâm: Hoàng Mạnh Hùng - (Youtube)

Monday, November 4, 2024

NHÀ THƠ NGUYỄN VĂN SONG VIẾT VỀ MẸ - Đặng Xuân Xuyến

 

Nhà thơ Nguyễn Văn Song 


NHÀ THƠ NGUYỄN VĂN SONG

VIẾT VỀ MẸ 


Nhà thơ Nguyễn Văn Song sinh năm 1974, tại Vân Điềm, Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội. Hiện là giáo viên Trường Trung học Phổ thông Phù Cừ, Hưng Yên. Anh đã xuất bản 2 tập thơ: Đi từ phía cổng làng, Mẹ và sen. Đoạt giải B (không có giải A, đồng hạng với nhà thơ Tòng Văn Hân (Điện Biên) với tác phẩm MẸ TÔI CHỬI KẺ TRỘM) cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam 2019 - 2020.

----------

Đọc thơ Nguyễn Văn Song viết về Mẹ, người đọc thấy sự cần cù, kiên nhẫn và trung thành của anh trong việc chọn hướng đi, chọn cách viết. Hình ảnh Mẹ trong thơ Nguyễn Văn Song luôn là hình ảnh người mẹ của làng quê nghèo khó, lam lũ, tảo tần với gam màu tối, với những hình ảnh xưa cũ quen thuộc đã được nhiều nhà thơ, nhiều thế hệ nhà thơ tiếp cận khai thác.

Tôi đã đọc khá nhiều bài thơ của nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Văn Song viết về Mẹ nhưng chưa thấy bài thơ nào anh viết về niềm vui, hạnh phúc của người mẹ, cũng chưa gặp nụ cười hay dáng mẹ đứng thẳng lưng trong các bài thơ anh đã viết! Lạ thật! Chẳng lẽ cả đời người mẹ không có được một niềm vui? Chẳng lẽ con cái được nuôi dậy nên người mẹ cũng hà tiện một nụ cười? Tôi nghĩ trên thế gian này không có người mẹ nào như thế! Và trong tâm trí của bất cứ người con nào thì những lo toan, vất vả của mẹ, những vui buồn thường nhật của tình mẫu tử sẽ luôn nằm trọn trong trái tim với đủ cung bậc, sắc thái nên ký ức về mẹ chỉ một gam màu, một cung bậc tình cảm như thế thì không thể!

Có lẽ nhà thơ Nguyễn Văn Song tâm niệm muốn lấy được sự đồng cảm của bạn đọc thì hình ảnh, ngữ điệu phải quen thuộc mới chạm tới nỗi xót thương của người đọc, mới lấy được nước mắt của người yêu thơ nên thơ viết về mẹ của nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Văn Song luôn lấy chất liệu là ngữ điệu xót xa của tâm trạng "ôn nghèo kể khổ", bằng những hình ảnh mẹ được anh đồng nhất với hình ảnh của sự lam lũ, nghèo khó nên mới đọc thơ anh một hai bài người đọc sẽ dễ đồng cảm với "nhân vật trữ tình trong thơ" nhưng nếu đọc nhiều hơn nữa sẽ gặp sự lặp lại về ngữ điệu, về hình ảnh, sắc thái đã quá quen thuộc trong cách khai thác của nhiều nhà thơ, thành ra dù nhà thơ Nguyễn Văn Song đã cố bỏ nhiều công sức trau chuốt câu thơ, trau chuốt bài thơ để có những câu thơ chạm được vào nhịp rung cảm của bạn đọc thì với những người đọc kỹ tính một chút, ưa sự sáng tạo một chút vẫn sẽ chau mày, thiếu kiên nhẫn để ngồi đọc hết nửa tập thơ:

- "Đồng xa mót tép mò cua

Mẹ về nghẹn gió giữa trưa nắng trầy"

(Giỏ tre)

- "Mùa đông lội xuống đồng làng

Mẹ gầy sương đổ bóng càng thêm xiêu"

(Mùa đông của mẹ)

- ”Mẹ ngồi sàng nhũng đêm dài

Sẩy từng câu hát thức ngoài thềm sương”’

(Đàn cò của Mẹ)

- "Mẹ ta quần mảnh, áo nâu

Đêm khuya cặm cụi ngồi khâu dưới đèn"

(Tiếng cuốc nửa đêm)

- "Giường đơn thiếu dáng mẹ gày

Nan tre buốt lạnh chở đầy hắt hiu"

(Mẹ vắng nhà)

- "Trưa hè tãi thóc, lật rơm

Bàn chân sấp ngửa chạy cơn mưa rào

Ai làm giông gió ba đào

Để cho bóng mẹ ngã nhào đổ xiêu"

(Đôi bàn chân mẹ)

........

Tuy kiên nhẫn và trung thành với việc chọn hướng đi, chọn cách viết nhưng mừng là nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Văn Song cũng rất ý thức tiếp thu góp ý của các bạn văn để câu thơ, bài thơ của anh thành hay, thêm cảm xúc. Ví như một lần vào trang facebook cá nhân của anh tôi "bị" mấy chữ "nhẹ bẫng", "nháo nhào" ở 4 câu thơ cuối bài “Cõng Mẹ” ám ảnh nên viết vài dòng cảm nhận về bài thơ, với những cảm xúc rất thật về 4 câu thơ cuối bài:

"Đọc “Cõng Mẹ”, tôi rất thích 4 câu thơ cuối bài:

"Mẹ nằm nhẹ bẫng lưng con

Mà nghe muôn vạn núi non đổ ào

Lưng dài, vai rộng, thân cao

Một lần cõng mẹ nháo nhào bóng xiêu."

Bốn câu thơ với những chữ gợi nhiều cảm xúc như: "nhẹ bẫng", "nháo nhào" khiến câu thơ dễ thấm sâu vào trái tim người đọc. Hai chữ "nhẹ bẫng" trong câu "Mẹ nằm nhẹ bẫng lưng con" làm người đọc nghẹn lòng chưa kịp lắng xuống thì 2 chữ "nháo nhào" trong câu kết bài thơ: "Một lần cõng mẹ nháo nhào bóng xiêu" như bồi thêm để cảm xúc nơi người đọc thêm se sắt. Bốn câu thơ đó chưa đến mức tuyệt hay nhưng để viết được những câu thơ hay như thế thì ngoài tình yêu, lòng biết ơn sự vất vả hy sinh của Mẹ luôn đậm sâu trong tâm tưởng thì sức lao động, sự sáng tạo của nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Văn Song góp phần không nhỏ!"

Sau đấy, tôi được nhà thơ Nguyễn Văn Song cho biết, ban đầu 2 câu kết anh viết: “Lưng dài, vai rộng, thân cao / Một lần cõng mẹ ngã nhào bóng xiêu” nhưng khi gửi đăng ở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội thì biên tập Lý Hữu Lượng đã gợi ý anh đổi “ngã nhào” thành “nháo nhào” vừa thể hiện đúng tâm trạng trữ tình mà chữ lại không cũ. Nhà thơ Nguyễn Văn Song thấy 2 chữ "nháo nhào" nâng câu thơ hay lên nhiều nên đã chỉnh sửa theo gợi ý của biên tập Lý Hữu Lượng.

*.

Hà Nội, ngày 25 tháng 10-2024

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Ảnh nhà thơ Nguyễn Văn Song từ:   

vanchuongthanhphohochiminh.vn/gioi-thieu-tho-nguyen-van-song

 

READ MORE - NHÀ THƠ NGUYỄN VĂN SONG VIẾT VỀ MẸ - Đặng Xuân Xuyến