Truyện ngắn
ĐỜI LÀ THOÁNG CHỐC
Hoàng Thị Bích Hà
Nhưng dù sao ngồi dậy được cũng là một tiến bộ vượt bậc của lão rồi! Lão tự an ủi mình như vậy! Lâu nay mọi việc ăn, uống vệ sinh cá nhân đều trông cả vào bà Hường - vợ lão.
Kể từ
ngày ông Trần Hứa Dụng (tên của lão) bị một cơn tai
biến trối chết nằm hôn mê một tháng, sau đó tỉnh dậy
ú ớ, nói không rõ tiếng và bị liệt nửa người thì
bà Hường phải đút cho ông từng muỗng cháo, hai đứa
con phụ bà thay nhau phục vụ ông những đã hơn năm rồi
có lẽ. Ông mở mắt nhìn bà với cái nhìn biết ơn. Bà
Hường cũng không còn trẻ nữa, u bảy mươi rồi còn gì!
Nhưng vợ chồng mà! “Đui thì dắt, què thì cõng” -Người
xưa đã dạy đạo nghĩa tào khang nào có bỏ nhau được.
Bà đỡ ông ngồi lên chiếc xe lăn, đưa ông ra hiên nhà để hứng chút nắng gió ban mai của mùa xuân thổi tới còn lẩn quất đâu đây. Ngắm nhìn phố phường, dòng người và xe cộ tấp nập lướt qua trước cửa. Ông hồi tưởng lại đời mình, mới đây thôi mình là một sếp Trần Hứa Dụng oai vệ tại một cơ quan có đến hơn trăm nhân viện văn phòng. Đó là đơn vị lớn trong tốp đầu của thành phố. Hằng ngày tới cơ quan, nhân viên dưới quyền vui vẻ, dễ thương. Nhà tết lễ đầy khách khứa vào ra tấp nập. Mặc dù công việc đôi khi cũng có phần áp lực. Nhưng công việc ưa ý và cuộc đời đầy ý nghĩa. Lính lác hết giờ làm cù rũ mình đi chơi chỗ này chỗ nọ, quán xá các kiểu, thời gian lúc nào cũng bận rộn. Khi thì tiếp khách trên về, đối tác làm ăn, mệt nhưng vui. Lão bất giác tủm tỉm cười, một nụ cười kín đáo vừa liếc nhìn bà vợ già của lão đang lúi húi múc cháo vào tô sứ, mang ra cho lão ăn sáng.
Lão nhớ lại, hồi ở cơ quan nhiều em cũng đáo để lắm cơ! Có đứa son rỗi (gái tơ) không nói, có đứa chồng nó đi dạm ngõ rồi mà nó cũng sẵn sang sà vào lòng. Lão chỉ cần huýt sáo một cái là có ngay gái trẻ trung xinh đẹp hừng hực sức xuân, nhiều lúc cả tháng trời lão quên béng đi là mình còn có mụ vợ già. Về nhà lão như kẻ no xôi chán chè, nhìn mụ vợ già nua đen đúa, tóc tai nhễ nhại dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng mà phát chán, nên lão từng phụ rẫy bà vợ già của mình bằng những lời lẽ cộc cằn, xua đuổi. So sánh với các em thơm phức váy áo, da dẻ nuột nà, đôi khi lão ước gì ngủ dậy con vợ già cũ kỹ của mình biến mất. Thay vào đó là em Đào Mộng Điệp. Điệp mới về cơ quan làm chưa lâu, đang ở dạng thử việc một năm. Lúc này cơ quan cần một biên chế, nhưng người ta gửi về đến ba nhân viên nữ là Nguyễn Thị Vân Lệ, Đào Thị Mộng Điệp và Trương Thị Sương Mai. Trong ba đứa thì Mộng Điệp nhan sắc bắt mắt hơn cả. Biên chế dư, công việc của một người nay chia đều cho ba cô. Thời gian còn lại cho phụ trách thư viện cơ quan. Và kiêm tạp vụ, trà nước tiếp khách. Ba nữ nhân viên mới mỗi nàng đều có cách riêng để phấn đấu làm sao cho lọt vào vé biên chế. Vân Lệ và Sương Mai chăm chỉ, giao việc nào hoàn thành việc đó, không có gì phải phàn nàn. Nhiều khi xong phần việc của mình còn xuống phòng bảo vệ giúp luôn công việc của bác bảo vệ và dọn rác. Văn phòng cơ quan sạch sẽ ngăn nắp hơn từ ngày có nhân viên mới. Mộng Điệp thì khác, bởi nàng biết nàng đẹp, nàng dựa vào nhan sắc của mình: Nước da trắng ngần, eo thon ngực nở, mông tròn, dáng dấp đầy quyến rũ. Nàng nghĩ trong ba đứa, chắc chắn mình lọt vào mắt xanh của sếp là cái chắc. Nàng nghe đâu là con dâu tương lai của một sếp nào đó cũng lớn lắm, nên chuyện gửi gắm vào làm ở một cơ quan không có gì là khó. Mộng Điệp được giao làm tổ trưởng của nhóm nhân viên mới. Mông Điệp phân công cho hai nàng kia làm luôn cả phần việc của mình. Ba đứa lúc đầu, cũng chơi với nhau, thân nhau. Vân Lệ và Sương Mai thì vô tư, nghĩ Mộng Điệp cũng xuất thân nông thôn chắc cũng thật thà chất phác nên muốn hỗ trợ nhau để cùng nhau hoàn thành công việc được giao. Mộng Điệp không như vậy. Dù bên ngoài tỏ ra thân nhưng bên trong lúc nào cũng muốn loại bỏ hai nhỏ này ra khỏi miếng bánh biên chế cơ quan. Một hôm Mộng Điệp giao cho Vân Lệ làm kiểm kê sách, ghi vào sổ sách, rồi Mộng Điệp đem lấy sổ giấu mất để khi sếp kiểm tra sẽ thấy Vân Lệ không hoàn thành nhiệm vụ. Có mấy lần bị Vân Lệ bắt ốc rơ, tìm ra sổ sách, rồi hai đứa cự cãi. Đẩy qua, đẩy lại, Mộng Điệp nhào vào đánh Vân lệ hai bạt tai như trời giáng, Vân Lệ bị đánh bất ngờ nên tức giận cũng sấn tới và Mộng Điệp đi lui ngã vào cạnh bàn. Thế là Mộng Điệp chạy thẳng lên phòng sếp khóc rấm rức vừa tỷ tê mách sếp. Hôm sau cơ quan họp đem ra kiểm điểm kỷ luật. Lúc này bố của Vân Lệ đang ốm nặng nằm ở phòng cấp cứu khó qua khỏi, tối hôm đó bệnh viện trả về, Vân Lệ lòng tan nát, nhìn bố nằm thiêm thiếp, tiên lượng xấu, Vân Lệ viết đơn xin nghỉ để ở nhà bên bố những giây phút cuối. Nhưng cơ quan vẫn tiến hành họp đòi kỷ luật Vân Lệ.
Sau khi đưa bố về nơi an nghỉ, việc hiếu tang chế đã tròn. Vân Lệ trở lại cơ quan làm việc. Công việc gặp nhiều ngáng trở từ phía đồng nghiệp trẻ cạnh tranh không lành mạnh. Mộng Điệp ngày càng lên mặt, sếp hạch hỏi bất cứ khi nào, sau mỗi lần Mộng Điệp nhỏ vài giọt nước mắt làm xót xa lòng sếp.
Có lần Vân Lệ ôm chồng sổ sách lên phòng sếp ký, thấy cửa phòng không đóng, chỉ khép hờ, Vân lệ vô tình đẩy cửa đi vào thì thấy cảnh tượng như phim. Sếp với hai tay xoa xoa, nắn nắn khắp bờ vai Mộng Điệp. Vân Lệ nói lời xin lỗi và lui. Sếp quắc mắt hỏi:
- Vô phòng sao không gõ cửa?
Vân Lệ líu ríu trả lời:
-Là lỗi của em, tại em thấy cửa không đóng, lần sau em sẽ lưu ý hơn!
Từ đó về sau. Sếp và Mộng Điệp là hai gọng kìm ngày càng bóp nghẹt tinh thần và công việc của Vân Lệ. Được sếp cưng, Mộng Điệp ngày càng lộng hành. Vân Lệ nghĩ nếu mình buông xuôi là thất bại, trúng kế của họ nên phải nổ lực cố gắng. Nhờ sự chuyên cần, yêu nghề và chuyên môn vững, cùng với sự vào cuộc của các trưởng phòng ban chân chính, chỉ vẻ cho Vân Lệ, cuối cùng Vân lệ cũng được vào biên chế dù muộn so với bạn cùng khóa, vậy là trễ một năm.
Những cuộc họp hành liên miên, những hăm he phe phái diễn ra phức tạp, sau năm năm, Vân Lệ viết đơn xin chuyển vào đơn vị gần nhà. Trần Hứa Dụng cũng bị thanh tra vì bộc lộ nhiều bất cập trong quản lý nên bị thuyên chuyển. Ông bị đổi sang làm ở một bộ phận phòng ban gì đó của hội sở (cấp cao hơn) nhưng ở vị trí mới thì nhàn, ngồi chơi xơi nước nhiều hơn nhưng buồn, không còn lính lác gì ráo. Hằng ngày muốn đi nhậu thì phải share. Muốn uống một ngụm trà ngon cũng phải bỏ tiền túi ra mua, không còn cảnh nhân viên vây quanh, muốn gì được nấy như hồi làm ở cơ sở. Buồn ơi là buồn! Đúng là “đầu chó hơn đuôi voi”. Lên voi, xuống chó thiệt tình!
Thế là chiều tà đã đến với đời ta. Hứa Dụng nghĩ bụng, nhưng nhờ Mộng Điệp vẫn còn ngon ngọt khi cần nhưng cũng chỉ qua loa chiếu lệ chứ chuyện gặp gỡ thì không dễ như hồi cùng “chung một chiến hào”.
Đùng một cái, đang từ trong quán nhậu bước ra, Hứa Dụng bỗng xây xẩm mặt mày, té xuống. May có hai nhân viên quán chạy đến đỡ và đưa lão vào bệnh viện cấp cứu. Lão đã bị tai biến, rồi sau đó đi vào hôn mê. Hơn một tháng thì tỉnh. Cũng có vài đồng nghiệp lui tới thăm hỏi. Nhưng lão chưa lần nào thấy Mộng Điệp xuất hiện. Đời nó bạc như vôi! Lúc xưa mình là thủ trưởng, nó lúc nào cũng ngọt xớt: anh anh, em em, vậy mà khi mình bị bệnh đến tàn phế thế này, nó biến mất khỏi đời mình không một chút sủi tăm. Hóa ra nó chỉ yêu quý “sếp” khi còn ngồi trên ghế chức quyền. Xuống khỏi ghế rồi thì đường ai nấy đi -“Anh đường anh, tôi đường tôi. Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi” như chưa hề quen biết.
Ấy vậy mà mình vì nó, đã từng phụ rẫy mụ vợ già của mình với những cử chỉ lạnh lùng và lời nói rất chi là gừng nghệ cắt lát, lòng lão chợt chùng xuống, ân hận dẫu muộn màng. May mà bà vợ mình thuộc lớp người xưa được cha mẹ dạy dỗ chu toàn: Hiền thục, chăm chồng, chăm con hết lòng, không toan tính. Chứ thời nay thì khó giữ nổi, có người nói vui: “Chán cơm thèm phở, nhưng khi chán phở trở về chưa chắc đã còn cơm.” Mà cũng có lý của nó. Lão tự an ủi, bả chưa bỏ mình, mình cũng còn may mắn chán. Lão ngước nhìn người vợ tào khang đã già theo năm tháng, đang lụi cụi bưng chậu nước ấm đến lau mặt, lau tay cho lão. Mắt lão nhòe đi hai giọt nước mắt chiết ra sau hốc mắt già nua hốc hác sau những tháng ngày chống chọi với bệnh tật. Lão lại nghỉ vẫn vơ, nước mắt lại tứa ra, bà đút cháo cho lão, đoạn quay lưng lấy khăn thấm nước mắt cho lão và dỗ dành:
-Thôi ông đừng khóc. Đời người ai chẳng có lúc bệnh. Giờ qua rồi, ông đỡ nhiều rồi! Ông phải vui lên mới phải.
Sài Gòn ngày 30/3/2024
Hoàng Thị Bích Hà
No comments:
Post a Comment