Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, July 31, 2024

Thơ: Khaly Chàm - MÙA THU CHẦM CHẬM ĐANG VỀ

 


khaly chàm

mùa thu chầm chậm đang về

.tặng mùa hè thầm lặng ra đi


tảng sáng, họa tiết ngày bị ánh sáng câu lưu

tội thản nhiên tung tẩy xem thường quy luật nhất định

lũ chim  trừng mắt nhìn tinh tế

mỏ của chúng rỉa lông dường như tự róc thịt mình 

mặt trời đang tự do hay là tự tử


cái bóng ta trốn vào đâu đó

mùi lạnh tát khẽ da mặt bong tróc từng mảng

có thể, phải nhăn nhở với người đời

hãy nhìn ta đẻ non bài thơ đẫm nhờn nhợt máu 

chẳng biết bầy đàn thi sĩ có dám nhìn? 


sáng nay, ảo hình em lung linh

luyến ái nào mà không động cỡn

ta không là pho tượng dành cho tình yêu

biết chứ, em luôn khỏa thân trong yếu tố đồ họa khôi hài


tháng tám, nắng màu lửa đã tắt lịm chưa 

vạt cỏ trong ô vuông vỉa hè chứa gốc cây sần sùi

khát thèm môtip trang điểm sự thất thần kinh điển

cảm thức ta, mùa thu chầm chậm đang về


tpsaigon 7/2024

 khalycham1954@gmail.com



READ MORE - Thơ: Khaly Chàm - MÙA THU CHẦM CHẬM ĐANG VỀ

MƯA THU - Thơ: Nhật Quang

 

Nhà thơ Nhật Quang


MƯA THU

 

Thềm khuya lạnh 

rủ trăng gầy

Vọng trong sương 

vạc gọi bầy chơi vơi

Giật mình… tiếng lá vàng rơi

Nghiêng  đêm sao lệch 

lưng trời đổ mưa


Nằm nghe 

từng giọt ngâu thưa

Hững hờ …

chăn gối chưa vừa ấm nhau

Trăm năm mấy cuộc bể dâu? 

Mắt  khuya khoắt  

giấu lệ sầu 

xanh xao


Đêm gầy guộc 

giấc chiêm bao…

Gối bờ ảo mộng…

chênh chao bóng mình

Còn âm khuya lẳng lặng thinh

Mưa Thu đọng lại giọt tình vội tan.

                             Nhật Quang



READ MORE - MƯA THU - Thơ: Nhật Quang

Tuesday, July 30, 2024

NHỮNG MÃNH GHÉP KÝ ỨC VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG (9) _ Trương Ngọc Bỉnh

  


NHỮNG MÃNH GHÉP KÝ ỨC 

VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG  (9)

Trương Ngọc Bỉnh, Cựu học sinh Trường Trung học Hải Lăng, Khóa 5, 1964 -1968.

               

Phần  9

Một nữ giáo sư giảng dạy môn Vạn vật và Anh văn bậc Trung học Đệ nhất cấp. Cô có "body" cao ráo, cân đối  và thật đẹp.  Khuôn mặt Cô trắng sáng, căng như trứng gà bóc ... và càng ửng hồng, bừng lên mỗi khi Cô nổi cơn thịnh nộ, cùng lúc giương đôi mày lên cao... Qua cơn sóng gió, vẻ mặt Cô trở lại tươi sáng, phơn phớt nhạt hồng, hiền như "Ma Soeur ", cuốn hút học sinh vào lời giảng. Thế mà trong tiết dạy của Cô, đã có "Ngựa chứng..." tung cát bụi!

   Một thời đã xa, không biết có còn đọng lại một vài ký ức trong Cô vào những năm đầu chân ướt chân ráo vào nghề dạy học? Cô bây giờ đang ở bên kia "thiên đường tự do ", xa tít nữa vòng trái đất, thời gian vụt qua hơn nữa thế kỷ rồi!  Cô Phan Thị Lan, dạy  môn Vạn vật, lớp Đệ lục chúng tôi năm học 1965 - 1966.

     Có ai trong lớp mình (lớp Đệ tứ, Khóa 5) còn  nhớ chuyện bây giờ mới kể, xin bật mí lại rằng:

     Hồi đó, Cô Lan đang giảng bài “Con nhện” (Phần đời sống và tập tính), Cô dừng lại, đưa ra câu hỏi cho cả lớp: -"Vì sao nhện mẹ ôm bọc trứng dưới ngực và bụng của nó " Dưới lớp im re, không một tiếng động! Thuở ấy, tôi có vóc hình thấp và nhỏ con nên ngồi bàn trên cùng, đối diện với bàn giáo viên. Tôi cúi đầu hơi thấp xuống gầm bàn, hớn hở nhìn lui mấy bạn nữ ở bàn sau: Gái, Thể, Mỹ, Thị Bình, Diên... và cả lớp. Chẳng có mống tay nào đưa  lên xin trả lời! Theo ý tôi đoán biết, nghĩ thầm : Nhện mẹ thao tác như vậy để bọc trứng của nó nhận lấy thân nhiệt từ nhện mẹ mà nở ra theo chu kỳ, tựa như con gà mái ấp ổ trứng. Tôi vội vàng nói nhỏ với các bạn  nữ ở bàn sau: - "Ê! Bây đừng cười nghe , để tau trả lời." Tôi đưa tay và được phép trả lời: - "Thưa Cô, do cái chôống hắn rứa!" Cả lớp phá lên cười, xé tan sự im lặng trong mấy giây lát vừa qua, (chôống = giống, giống nòi, thuộc về phương ngữ ...như rựa= rạ, đầu gối= trốôc cúi, rỗ = đúa v.v...). Cô im lặng, đỏ mặt, nhìn trân tráo vào tôi, tỏ vẻ tức giận nhưng không có phản ứng lộ vẻ ra ngoài! Giây phút căng thẳng của lớp qua mau. Cô lấy lại bình tĩnh, giải thích đúng như điều tôi suy nghĩ và thêm ý: để bảo vệ, tránh các kẻ thù (thiên  địch) tấn công bọc trứng làm mồi! Tiết dạy rồi cũng nhẹ nhàng, từ từ trôi qua như những áng mây trắng mùa Hạ bên khung cửa sổ, tan nhanh vào bầu trời cao trong xanh vời vợi ...

   Cả lớp nghỉ chuyển tiết tại chỗ. Tôi quay lại nói với các bạn nữ: - "Lần sau, tau dám chắc bị truy bài cũ rồi bây ơi! " Tôi về nhà "gạo bài" tiết vừa học thật trôi chảy, vì nghĩ rằng tiết tới của Cô, mình như một tội phạm, sẽ đứng trước "vành móng ngựa!"

   Thời gian như lao nhanh hơn, giờ dạy của Cô với lớp rồi cũng sẽ đến. Sau thủ tục chào đón Cô vào lớp , Cô Lan đảo quanh nhìn một vòng bao quát lớp và chắc chắn kiểm tra sự hiện diện của tôi - học sinh có "sự cố" tiết trước, hôm nay có nghỉ học? Cô đến bên bàn giáo viên, đặt cái túi xách bằng da lên bàn, bắt đầu tiết dạy. Tên tôi có chữ cái B, chỉ xếp sau hai bạn Hoàng Thanh Bình và Lê Thị Bình. Xin mở ngoặc, tản mạn đôi dòng với những người bạn đã để lại ấn tượng khó phai của những ngày đầu bước vào đầu cấp học. Năm học lớp Đệ thất có bạn Phạm Hữu Ân, được xếp tên đầu sổ gọi tên và ghi điểm (theo Alphabet ), nhưng khoảng chừng một -hai tháng, bạn Ân cùng các bạn Lý  Ái Dung, Lê Đình Do, Nguyễn Thanh Sơn (cùng có gia đình ở Thị xã Quảng Trị ), lần lượt, lác đác chuyển về Trường Nguyễn Hoàng, Thị xã Q.Trị; còn bạn Nguyễn Ngọc Giàu (ở Tp Huế) chuyển về Huế - tất nhiên là vào Trường công lập! Hiện nay, bạn Ái Dung, Đình Do  đã định cư ở đất nước "Cờ hoa", còn các bạn Ân, Sơn và Giàu thì mịt mù "cà cưỡng". Sau khi "bẻ càng cua", các bạn ấy cũng thật "chịu thương , chịu khó" từ Thị xã Q.Trị vào - ra Hải  Lăng bằng xe đò, trong chiến tranh, đường sá bom mìn ... Trong số các bạn ở Thị xã Q.Trị , có bạn Sơn nói tiếng Bắc đặc ròng! Bạn thường mang theo cơm trưa, thức ăn của Sơn "trội hơn "  -món lạp xưởng! Chúng tôi thường ngồi ăn cơm nắm buổi trưa trên bàn học sinh và cùng trao đổi thức ăn với nhau bằng những đôi đũa  yếu ớt  của cành dương liễu vừa bóc sạch vỏ tươi từ phía sau trường. Các bạn Ân, Do và Dung thì không  thấy bóng dáng ăn cơm trưa tại lớp học. Bạn Giàu trọ học, ăn cơm tháng, nhà của Nguyễn Ngọc Dũng , cựu học sinh Khóa 6, ở Phe Nhất , xã Hải Thọ. Kể ra năm người bạn của lớp tôi vừa nói, cũng thật dũng cảm: trường nhà không "chọi" mà  chọi  trường xa? Các bạn lặng lẽ ra đi mà không một lời giã từ bè bạn! Có ai đó đem lòng quay quắt mà níu kéo đóa hồng Ái Dung, nổi trội, ấn tượng... họa may ở lại cho hết năm học... hết cấp không ? Buổi sáng, chúng tôi vào lớp , nhìn thấy chỗ ngồi lần lượt trống vắng từng bạn được nhắc tên ở trên... cho đến lúc không còn ai đi thêm nữa! Các bạn  đến và đi  như một hiện tượng đặc biệt, đã để lại trong lớp những dấu hỏi  và lưu luyến khó phai!

   Trở lại tiết dạy của Cô Lan, tôi được ưu tiên  đánh dấu vào sổ điểm và lên trả bài cũ! Các Cụ đã từng dạy: " Tri kỷ, tri bỉ - bách chiến, bách thắng ". Tôi đã đoán trước , có sự chuẩn bị, phòng thủ nên tôi đã tự tin và mạnh dạn mang vở bộ môn lên và trao cho Cô để chuẩn bị  trả lời. Cô "xoáy" hai câu hỏi. Tôi trả lời được nhưng chưa hoàn hảo mấy! Dưới lớp, lúc đó cũng hồi hộp theo dõi tôi ... và tôi cũng đọc được ý nghĩ của lớp: Tiết trước, trả lời hài hước, làm Cô giận, nay bị Cô truy bài. Cuối cùng,  Cô "phán" ngắn gọn và khô khốc "13 điểm" (nay = 6.5 điểm). Tôi nhận lại vở, cám ơn Cô và về chỗ ngồi ...

   Chuyện kể về bài học thứ hai, gần 60 năm trước, cũng môn Vạn vật với Cô Lan - lớp Đệ ngũ (nay lớp 8) vào năm học 1966 - 1967 như sau:

   Trong bài giảng : "Bắp thịt nhị phúc"  có hai tiết, tiết 1 đã qua , tôi chuẩn bị bài thật kỹ, kể cả phần hình vẽ theo nội dung đã học, nắm vững các vị trí có bắp thịt nhị phúc trên cơ thể con  người, mà Cô đã dẫn chứng bài trước. Do tính hiếu kỳ, muốn tìm hiểu để nắm thêm kiến thức bài thực tế hơn, tôi đã xin phép Cô đặt câu hỏi: -"Thưa Cô , ngoài các vị trí bắp thịt nhị phúc trên cơ thể người mà Cô đã dẫn chứng , vậy còn chỗ nào khác có bắp thịt nhị phúc nữa không? " Lúc này, Cô đứng nhìn cả lớp, có ý đưa ra câu hỏi, hỏi đố để nhờ cả lớp trả lời, để rồi Cô bổ sung, điều chĩnh! Chẳng có cánh tay nào đưa lên xin trả lời! Sau đặt câu hỏi, tôi vẫn  lớ ngớ đứng tại chỗ vì Cô chưa cho phép ngồi! Cô quay sang hỏi tiếp tôi: - "Vậy thì theo em, em có biết  nơi nào còn lại  ...có bắp thịt nhị phúc? " Lúc này,  cả lớp cũng lo cho tôi , có suy đoán là tôi thách thức Cô hoặc câu trả lời của tôi là một dẫn chứng hàm ý không trong sáng , có tính khôi hài, chọc cười cho cả lớp ... Tôi đáp lại câu hỏi của Cô với sự tự tin và trong sáng, không như các bạn suy đoán nghi ngờ từ một phía và có thể không tích cực của Cô! Tôi dẫn  chứng : Bắp thịt ở cằm và gót chân ... Vậy mà sau đó, bản thân tôi cũng áy náy, ví như làm phật lòng Cô giáo. Tôi quay lại bàn sau nói với các bạn nữ những ý nghĩ  như tôi đã kể về bài Con nhện đã học ở lớp Đệ lục, với Cô Lan. Quả đúng, tiết sau tôi đã bị truy bài cũ! Tôi nhận được con điểm 9 (=4.5 điểm bây giờ!) Bài mới , cả lớp im re, ngồi ngậm tăm, buồn như đám ma , chẳng ai khua mép... mà cố gắng,  "say sưa " nuốt những lời Cô truyền thụ ...

   Vậy là hai năm học được thọ giáo  với Cô Lan, Cô và trò như những người  có "oan gia trái chủ". Bên trời đất nước "Cờ hoa", mong Cô bao dung và nhận nơi đây tấm lòng xin thứ lỗi muộn màng của học trò cũ ngày xưa ...

                        (Còn tiếp )

READ MORE - NHỮNG MÃNH GHÉP KÝ ỨC VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG (9) _ Trương Ngọc Bỉnh

Monday, July 29, 2024

ĐÂU TÌM – Thơ Trần Mai Ngân


  

 
ĐÂU TÌM
 
Ghế bàn im thin thít
Khi chúng ta ngồi cạnh nhau
Khoảng cách chênh chao - là mùa hè hay thu
Khoảng cách là mưa hay sương mù…
 
Em chợt nhận ra, anh cũng chợt nhận ra
Những điều không nói không hò hẹn
Nên chẳng bao giờ bị phản bội hay chia xa
Tất cả còn nguyên trong trái tim ta nóng hổi
 
Cũng có lúc em muốn mình nông nỗi
Ôm chặt anh ngã vào bờ vai rộng
Rồi hôn anh cho tan hết thương nhớ trong lòng
Niềm nhớ thật dài trôi chảy một dòng sông
 
Nhưng
Chúng mình vẫn ngồi giữa mênh mông
Im lặng đến rõ từng giọt mưa thánh thót
Có tiếng chim “trong bụi mận gai” hót
Chỉ một lần rồi vĩnh viễn lặng im…
Đâu tìm!
 
                                        Trần Mai Ngân

READ MORE - ĐÂU TÌM – Thơ Trần Mai Ngân

Saturday, July 27, 2024

"ĐAU ĐẾN LƠ NGƠ" CÙNG NGUYỄN ĐỨC HẠNH - Đặng Xuân Xuyến

 

Nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh

"ĐAU ĐẾN LƠ NGƠ" 

CÙNG NGUYỄN ĐỨC HẠNH

*

Đọc bài thơ "Thái Nguyên Ngày Mưa Vỡ" của nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Đức Hạnh, bên cạnh những câu thơ lạ về tứ, mới về ngôn từ và độc, lạ, đẹp về thi ảnh khiến người đọc thích thú: "Tôi về cắn giọt em vừa qua phố / Mưa ngàn năm nhuộm trắng mái đầu", "Dốc Nhà Bò, núi Cô Kê, quán Ba Trăm lay mòn sách cũ / Bao người đẹp thành bà cụ đi bộ toàn vấp gió", "Người tôi yêu thành giọt mưa vỡ / Lăn trăm năm trong một tiếng thở dài …"... thì 2 câu thơ: "Cầu Gia Bảy nứt vì bom Mĩ / Vá víu rồi còn đau đến lơ ngơ" được tác giả sắp xếp câu chữ như viết rất chân chất tự nhiên lại làm người đọc phải chùng lòng bởi sự ám ảnh:

 

THÁI NGUYÊN NGÀY MƯA VỠ

.

Cà phê Xưa chỉ còn ly đầy gió 

Giọt ngày xưa rơi đắng bây giờ 

Cầu Gia Bảy nứt vì bom Mĩ 

Vá víu rồi còn đau đến lơ ngơ 

.

Sông Cầu qua đây e thẹn

Giấu xoáy ngầm gọi tím Bằng Lăng 

Yêu là thế! Tôi về cắn giọt em vừa qua phố

Mưa ngàn năm nhuộm trắng mái đầu 

.

Dốc Nhà Bò, núi Cô Kê, quán Ba Trăm lay mòn sách cũ 

Bao người đẹp thành bà cụ đi bộ toàn vấp gió 

Những xinh tươi vào Di chúc cả rồi 

Quả Sim nào lăn tím ngắt thơ tôi?

.

Về đến ngõ. Rung ngực. Thái Nguyên ơi 

Áo Chàm rơi thành Hồ Núi Cốc 

Người tôi yêu thành giọt mưa vỡ 

Lăn trăm năm trong một tiếng thở dài …

*.

                               NGUYỄN ĐỨC HẠNH

 

Viết về nỗi đau hậu cuộc chiến giữa 2 miền Nam Bắc đã có quá nhiều nhà văn nhà thơ khai thác theo chủ đề xuyên suốt tác phẩm nhưng với "Thái Nguyên Ngày Mưa Vỡ" của Nguyễn Đức Hạnh thì không thế, chỉ là ông vô tình chợt thấy di chứng của cuộc chiến mà nỗi đau ám ảnh vào thơ. Cả bài 16 câu chỉ có 2 câu thơ: "Cầu Gia Bảy nứt vì bom Mĩ / Vá víu rồi còn đau đến lơ ngơ" gợi lại ký ức buồn về một chặng đường lịch sử của dân tộc với những chữ giản dị, mộc mạc như tự bật ra từ lồng ngực, từ trái tim nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Đức Hạnh.

Hai chữ "vá víu" đã lột tả thực trạng tâm, tầm và lực của lối suy nghĩ và cách hành xử của các cơ quan chức năng có trách nhiệm với "Cầu Gia Bảy nứt vì bom Mĩ", rộng ra là với cuộc sống của người dân và với hiện trạng của đất nước.

Hai chữ "lơ ngơ" diễn tả nỗi đau khó nói thành lời với những chất vấn không hiểu tại sao lại có cuộc chiến 2 miền Nam Bắc? Tại sao di chứng chiến tranh lại để mãi kéo dài?... Hỏi đấy mà không thể có câu trả lời thỏa đáng vì những lý do đưa ra "không thể tin được", "không thể hiểu được"... càng khiến người “chất vấn” thấy lạ lẫm, ngớ ngẩn đến khó hiểu! Nếu nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh thay 2 chữ "lơ ngơ" bằng các chữ khác như: ngẩn ngơxót xaquặn thắtđắng lòng,... thì câu thơ thật bình thường, không có gì để bàn vì câu thơ dễ trôi tuột, không để lại ám ảnh với người đọc!

Tôi thích cách dùng câu chữ chân chất tự nhiên ở 2 câu thơ này. Bốn chữ "vá víu", "lơ ngơ" diễn tả được thật nhiều nỗi niềm!

*.

Hà Nội, ngày 25 tháng 07-2024

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

.

 

READ MORE - "ĐAU ĐẾN LƠ NGƠ" CÙNG NGUYỄN ĐỨC HẠNH - Đặng Xuân Xuyến

NỬA KHUYA NGHE ĐỌC TRUYỆN KIỀU – thơ Lê Minh Hiền

 C:\Users\hien\Pictures\kiều 6.jpg

 Lê Minh Hiền

NỬA KHUYA NGHE  ĐỌC TRUYỆN KIỀU


Nửa khuya nghe đọc truyện Kiều 

gập ghềnh chút phận sầu đâu lại sầu

thương mình cát bụi phù du 

một mai rồi cũng qua cầu gió bay 

thương người năm trước... hoang hoài 

nào hay lỗi nhịp mưa mây xuống chiều 

ngỡ ngàng giọt chậm giọt mau 

giật mình tinh thể nhuốm màu thời gian 

thu qua còn nhớ hạ vàng 

nguyên trinh nụ, hé môi non mê hồn

một tòa ngồn ngộn thiên nhiên* 

nõn nà mông mọng nốt huyền cồn hoa

một lần giũ áo mù sa*

cởi trần phong nhụy ta tà huy say 

người về bên ấy sương mai

ta về cô quạnh đêm dài còn lâu

.

Nửa khuya nghe đọc truyện Kiều 

truyện xưa còn đó mái sầu còn khua

hai trăm năm lẻ mờ xa*

cơn mưa chưa tạnh người ta cõi người* 

 

Stanton July 25th, 2024 (2:55 am)

 

*Rõ ràng trong ngọc trắng ngà

*Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên (Kiều, Nguyễn Du)

 

*Em về giũ áo mù sa

Trút quần phong nhụy cho tà huy bay (Cảm đề, Bùi Giáng trong Khung cửa hẹp)

 

*Nguyễn Du mất 204 năm 

 

*Trăm năm trăm cõi người ta (Kiều, Nguyễn Du) 


Lê Minh Hiền

  hienlehuong@gmail.com



READ MORE - NỬA KHUYA NGHE ĐỌC TRUYỆN KIỀU – thơ Lê Minh Hiền

Wednesday, July 24, 2024

CHÙM THƠ THU - Lưu Lãng Khách


Nhà thơ Lưu Lãng Khách


 

 Lưu Lãng Khách

NGỒI GIỮA VƯỜN THU


Mùa thu đã đến thật rồi

Dưới trời sương lạnh anh ngồi chi đây

Ngồi nghe gió hát ru cây

Hay ngồi ngắm lá vàng bay ngậm ngùi

Cửa lòng khép mở buồn vui

Vầng trăng lạnh lẽo thầm trôi giữa trời

Mưa nào đôi hạt rơi rơi

Để anh  thương quá bước đời phiêu linh

Lạnh lùng một kiếp phù sinh

Công danh huyễn hoặc ái tình hư hoang

Cõi lòng có thật bình an

Hay là trộm tiếc thầm than sớm chiều

Trăng tàn mở lối cô liêu

Anh ngồi vê mảng rong rêu đời mình

Chim dường quên hót bình minh

Ngựa xe đời mãi vô tình đi qua

Gượng đàn gảy khúc thu ca

Nàng thu sầu mộng hôn tà áo anh…



THU TRONG HÈ


Trời vào hạ ngỡ sang thu

Mưa rơi lác đác nắng u ảo vàng

Gió phương nào thổi lan man

Lạc con bướm trắng xế tàn phân vân

Láng giềng cúc nở đầy sân

Mang hồn thu mộng nhuộm vàng mắt ai

Chiều nương dè dặt gót hài

Thơ ngây giẫm nhẹ lên vài lá khô

Khiến lòng ai bỗng mơ hồ

Hay mình lỗi nhịp con đò thời gian

Sân hoa bóng ngả ngày tàn

Gió chao cánh bướm đổ vàng thu bay.



ĐÃ THU

 

Khuya nay mưa hắt hiu về.

Lạnh se mái phố buồn tê gót bồng

Nỗi gì như nỗi thương mong.

Tiếng gì như tiếng của lòng đã thu.

Trà Giang Thiên Ấn xa mù.

Lặng về đâu dưới trời u ám này.

Phong trần vẫn trắng đôi tay.

Vẫn đầy ảm đạm tuổi ngày chớm thu.


 

BUỔI CHỚM THU


Gió lẻn vào song khe khẽ ru

Mới hay trời đất chuyển sang thu

Mới  hay ta vẫn ngồi đơn bóng

Giữa cảnh tàn khuya dịu dịu mù

Hạt sương ngần ngại hôn cành lá

Tà áo ai bay tím rặng mờ

Ngân Hà thăm thẳm trôi lờ lững

Huyền ảo mây trời nhuộm sắc thơ

Lá bàng nâu đỏ vàng xanh quyện

Bóng điện đường pha quá đẹp màu

Kỷ niệm len về như cổ tích

Cho hồn man mác thuở yêu nhau

Thu trong trời đất vừa mới chớm

Qua cửa lòng thu đổ bóng tàn

Bình minh mát rượi cơn gió sớm

Nắng ửng dần lên ngả ngả vàng

Phố phường phớt nhẹ màu nhung nhớ

Từng bước chân thu rất khẽ khàng

Nghe trong im lặng hồn cây cỏ

Lá cành như ngại buổi thu sang…



Lưu Lãng Khách

<luulangkhach@gmail.com>

READ MORE - CHÙM THƠ THU - Lưu Lãng Khách

NHỮNG THẮC MẮC THƯỜNG GẶP VỀ CUNG TỬ TỨC – Đặng Xuân Xuyến

 


 

(Trích từ TỬ VI VẤN ĐÁP của Đặng Xuân Xuyến; Nhà xuất bản Thanh Hóa 2009)

Con cái là điều kiện của đời người, vì thế, những quan tâm đặc biệt của nhiều người tới cung Tử Tức là điều dễ hiểu.
 
Bài viết này soạn theo dạng hỏi đáp những quan tâm của bạn đọc về đường con cái: nhiều con hay hiếm muốn? con cái thành đạt hay hoang đàng? sinh con trai đầu lòng hay con gái đầu lòng?... Hy vọng NHỮNG THẮC MẮC THƯỜNG GẶP VỀ CUNG TỬ - TỨC sẽ giải đáp được phần nào thắc mắc của bạn đọc yêu thích môn Tử Vi.


*
Thắc mắc:
Anh ơi cung Tử Tức Vô Chính diệu thì đường con cái như thế nào ạ?
Giải đáp:
Cung Tử Tức Vô Chính diệu là bất lợi đầu tiên về vấn đề con cái.
 
Tử Tức Vô Chính diệu thường sẽ rơi vào các trường hợp: không có con, ít con, hoặc chậm con, hoặc không nhờ cậy được con, hoặc con đầu lòng sinh ra sẽ khó nuôi. Trường hợp này rất cần có Tuần, Triệt án ngữ thì đương số chậm có con hoặc sinh con ban đầu khó nuôi nhưng sau này con cái rất khá giả. Nếu lại được thêm Nhật Nguyệt sáng sủa hợp chiếu thì đương số sẽ thuận lợi, may mắn về đường con cái và con cái sau này thường khá giả, quí hiển.
Trường hợp Tử Tức Vô Chính diệu mà có Hung tinh đắc địa độc thủ thì con cái khá giả nhưng khó nuôi con hoặc muộn sinh con, hoặc con cái không hợp với cha mẹ.
Nếu Tử Tức cung Vô Chính diệu mà Mệnh lại Vô Chính diệu nữa thì chắc chắn đương số cả đời vất vả về đường con cái, rất dễ rơi vào khả năng tuyệt tự, không con.
 
Thắc mắc:
Cho em hỏi sao hiếm muộn gồm những sao nào? Và cung Tử Tức cần tránh gặp những sao hiếm muộn nào để không ảnh hưởng xấu đến đường con cái?


Giải đáp:
Cung Tử Tức rất cần tránh gặp các sao hiếm muộn như: Vũ Khúc, Thất Sát, Thiên Đồng, Phá Quân, Liêm Trinh, Lộc Tồn, Phi Liêm, Kiếp sát, Đẩu Quân,...
 
Các Chính tinh được liệt kê vào danh sách sao hiếm muộn, không tốt cho đường con cái ở các trường hợp cụ thể sau:
- Vũ Khúc: dù đắc địa hay hãm địa cũng là sao chủ sự cô độc và ít ỏi. Ở thế hãm địa, con cái sinh ra càng khó nuôi và tốn kém lúc nuôi dưỡng. Ý nghĩa hiếm muộn càng rõ rệt hơn nếu Vũ Khúc nằm ở cung Tử Tức của nữ số. Nếu đi với Phá Quân thì may ra có 2 con nhưng không có con trai; đi với Thất Sát thì càng ít con, dễ tuyệt tự hoặc con có tật hay hoang đàng, cha mẹ không được nhờ cậy.
- Thất Sát ở Thìn, Tuất: hiếm con, con lại thường mang tật bệnh hoặc hoang đàng, cha mẹ khó được nhờ cậy. Nếu Thất Sát ở Tý, Ngọ thì nhiều lắm được 2 con, có thể có một con trai. Nếu Thất Sát đi với Liêm Trinh, con cái cũng ít và dễ gặp hình thương.
- Tham Lang ở Tý, Ngọ thì ít con, nhiều khả năng rơi vào hữu sinh vô dưỡng, đặc biệt là không thể có con trai. Ngoài ra, con cái lớn lên thường bất hiếu, bất hòa, khó dạy bảo.
- Phá Quân: hiếm con, hữu sinh vô dưỡng, lại hình khắc với cha mẹ dù Phá Quân tọa thủ ở cung nào cũng vậy. Đặc biệt đi với Liêm Trinh thì ý nghĩa cũng tương tự như Phá Quân tọa thủ.
- Thiên Đồng ở Thìn, Tuất, Tỵ, Hợi: hiếm con và khó nuôi con, may mắn thì được một con, ở Tỵ Hợi thì có hai con nhưng sau này phải tha phương cầu thực, con cái hoang đàng. Nếu đồng cung với Thái Âm ở Ngọ thì cũng vẫn hiếm con.
 
Cung Tử Tức cũng rất cần tránh gặp các sao sát tinh vì có nhiều sát tinh tọa thủ thì chắc chắn đường con cái sẽ gặp nhiều khó khăn như: hiếm muộn, khó có con, hữu sinh vô dưỡng, con cái bệnh tật, hoang đàng... Đứng đầu các sao hiếm muộn là Không, Kiếp, sau đó là đến các sao Kình, Đà, Linh, Hỏa, rồi tới các sao bại tinh: Khốc, Hư, Tang, Hổ, Đại (Tiểu) Hao.
 
Thắc mắc:
Thưa anh, tôi nghe nói có thể hiểu được phần nào mối quan hệ cha mẹ với con cái qua các sao tọa thủ ở cung Tử Tức. Điều đó có đúng không?
Giải đáp:
Vâng, đúng là thông qua sự hiện diện của các tinh đẩu ở cung Tử Tức có thể ước đoán được phần nào mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, Ví dụ: cung Tử Tức gặp Hỏa tinh thì con cái sẽ có người gặp nguy khó về tính mạng, hay cung Tử Tức gặp Kình Dương thì con cái không nghe lời bề trên, thường làm ngược với giáo huấn của ông bà cha mẹ hoặc cung Tử Tức gặp Đà La thì con cái có người mắc bệnh tật hoặc bị thương tật, khiến cha mẹ phải chịu nhiều vất vả, âu lo.
 
Bộ sao Cô Thần, Quả Tú, Đẩu Quân chủ về sự cô độc, sống nội tâm, ít giao tiếp hoặc giao tiếp không giỏi, còn chủ về sự hiếm muộn con hoặc gia đạo chia xa, tình cảm cha mẹ và con cái không được thuận hòa.
 
Hay trường hợp Thất Sát, Phá Quân, Tham Lang tọa thủ ở cung Tử Tức mà bản Mệnh bình thường nhưng cung Tử Tức có sao miếu vượng thì con cái sẽ tài giỏi hơn cha mẹ còn nếu bản Mệnh miếu vượng mà cung Tử Tức lại suy yếu thì con cái hoang đàng, bất tài, phá hại, nhất là khi Thất Sát ở Thìn Tuất hoặc Phá Quân hãm địa thì con cái chẳng yểu mệnh cũng bất tài, vô dụng.
Hoặc trường hợp Cự Môn tọa thủ cung Tử Tức, ngoài việc sinh nở khó khăn, còn gián tiếp “tố” tình cảm cha con không được hòa thuận, e gặp cảnh duyên mỏng phận bạc.
 
Thắc mắc:
Xin hỏi những sao nào đóng ở cung Tử Tức sẽ không lo về đường con cái, ví như không bị hiếm muộn?
Giải đáp:
Ngoài tránh gặp những sao, bộ sao đã liệt kê ở giải đáp thắc mắc về sao hiếm muộn thì các chính tinh đắc địa trở lên đều không ngại chuyện hiếm muộn hoặc không con.
Sự “góp mặt” của một số phụ tinh ở cung Tử Tức cũng có nghĩa không ngại về đường con cái:
 
- Thai: sao này chủ về vấn đề sinh sản, có sao này thì khỏi lo tuyệt tự. Tuy nhiên, sự hiện diện của sao Thai chỉ chỉ khả năng có con chứ không khẳng định nuôi được đứa con đó. (Nếu Thai gặp Hỏa, Linh, Không, Kiếp, Kình, Đà thì dễ mắc nhiều bệnh từ nhỏ và bị ảnh hưởng tới khả năng sinh sản sau này).
- Mộc Dục: chỉ sự thụ thai và sinh nở, ý nghĩa rõ về con cái hơn sao Thai.
- Long Trì, Phượng Các, Thanh Long: chỉ sinh nở được vuông tròn và con đẹp đẽ, dĩnh ngộ.
- Tràng Sinh, Đế Vượng: chỉ nhiều con, cụ thể là nhiều con trai.
 
Ngoài ra, một số sao khác chỉ sự may mắn, sự sớm có con như: Nguyệt Đức, Thiên Đức, Long Đức, Phúc Đức, Thiên Quan, Thiên Phúc, Tả Phù, Hữu Bật, Dưỡng, Thiên Hỷ, Hỷ Thần, Thiên Mã, Lưu Hà. Những sao may mắn này chỉ xác nhận thêm triển vọng sinh nở vuông tròn, suôn sẻ khi đi chung với sao tử tức kể trên.
 
Thắc mắc:
- Mình nghe một thầy tử vi nói là nên xem số tử vi từ khi đứa trẻ mới ra đời và dù sinh thường hay sinh mổ thì số phận cũng như nhau. Ông ấy nói hiện tượng sinh mổ xưa kia là hiếm nhưng ngày nay sinh mổ khá phổ biến, chẳng qua là do người mẹ khó sinh hoặc không muốn sinh thường mà thôi nên sinh mổ cũng như sinh thường cứ theo giờ sinh mà luận giải. Theo bạn thì thế nào ạ?
Giải đáp:
Việc xem lá số từ khi đứa trẻ mới ra đời là việc bình thường, nên làm nhưng đánh đồng sinh mổ với sinh tự nhiên như nhau (không riêng ông thầy Tử Vi đó mà kha khá thầy xem Tử vi cũng quan niệm như vậy) thì không ổn vì sinh mổ là ép số khi các tinh đẩu chưa hấp thụ đủ nguyên khí, nguyên thần thì sức ảnh hưởng của các tinh đẩu tới số mệnh không đủ và không đúng với bản chất nguyên thủy của các tinh đẩu đó, tựa như câu chuyện Cao Biền dậy non, bạn à.
 
Thắc mắc:
Xin hỏi anh căn cứ vào những bộ sao nào để biết đương số có con dị bào?
Giải đáp:
Con dị bào là con của người đàn ông có với mấy người vợ hoặc con của người đàn bà có với mấy người chồng (vợ trước, vợ sau hoặc chồng trước, chồng sau).
 
Cách chính để ước đoán có con dị bào là căn cứ vào sự hội họp của các bộ sao sau ở cung Tử Tức:
- Thiên Tướng, Tuyệt
- Thái Âm, Thiên Phúc
- Cự Môn, Thiên Cơ đồng cung
- Phục Binh, Tướng Quân
- Thai, Đế Vượng hay Thai Tả, Hữu.
 
Thắc mắc:
Thưa anh, liệu có thể nhìn vào cung Tử Tức mà biết được người đó có số sẽ sinh đôi, sinh ba không?
Giải đáp:
Sách Tử Vi liệt kê cách sinh đôi khi cung Tử Tức hội họp những bộ sao sau:
- Thai, Nhật, Nguyệt đồng cung
- Nhật, Nguyệt ở Tử giáp sao Thai
- Thai, Tả, Hữu đồng cung
 
Những bộ sao liệt kê dưới đây không chắc chắn lắm:
- Thái Dương, Thiên Hỷ
- Thái Âm, Thiên Phúc
- Hỷ Thần, Tuyệt đồng cung
- Thiên Mã, Tả, Hữu, Địa Không đồng cung.
 
Thắc mắc:
Xin anh cho tôi hỏi liệu nhìn vào lá số Tử Vi của người nào đó có thể biết được người đó có nhiều con trai hay nhiều con gái không?
Giải đáp:
Sách Tử Vi liệt kê 7 sao nam đẩu tọa thủ tại cung Tử Tức thì lá số đó có con trai nhiều hơn con gái: Thiên Phủ, Thiên Cơ, Thiên Tướng, Thái Dương, Thiên Lương, Thất Sát, Thiên Đồng.
Còn khi nào cung Tử Tức có sao bắc đẩu tọa thủ thì lá số đó có con gái nhiều hơn con trai: Cự Môn, Tham Lang, Thái Âm, Vũ Khúc, Liêm Trinh, Phá Quân.
 
Trong trường hợp cung Tử Tức có cả nam đẩu, bắc đẩu đồng cung thì căn cứ vào âm dương tính của cung Tử Tức mà xét luận. Nếu cung Tử Tức ở dương cung thì con trai nhiều hơn, ở âm cung thì con gái nhiều hơn. Riêng sao Tử Vi thì vừa là nam đẩu vừa là bắc đẩu nên nếu đi chung với nam đẩu thì con trai nhiều hơn, với bắc đẩu thì con gái nhiều hơn.
 
Trong trường hợp cung Tử Tức Vô Chính diệu thì căn cứ vào chính tinh xung chiếu để tính: nam đẩu là trai, bắc đẩu là gái. Nếu có cả nam, bắc đẩu đồng cung xung chiếu vào cung Tử Tức thì tùy theo cung Tử Tức là dương thì trai nhiều, âm là gái nhiều.
 
Thắc mắc:
Vậy có thể cũng biết được sẽ sinh con trai hay con gái đầu lòng phải không?
Giải đáp:
Sách Tử Vi cho rằng: Nếu cung Tử Tức có nam đẩu tọa thủ thì sinh con trai trước, nếu có bắc đẩu tọa thủ thì sinh con gái trước.
 
Sách Tử Vi cũng chú rằng: Nếu từ cung Tử Tức biết con đầu lòng là trai nhưng thực tế con đầu lòng lại là gái thì phải luận sinh gái đầu lòng khó nuôi còn sinh đúng con trai mới dễ nuôi. Ngược lại, nếu cung Tử Tức cho biết con đầu lòng là gái mà thực tế lại là con trai thì phải luận sinh con trai đầu lòng khó nuôi còn sinh đúng con gái mới dễ nuôi.
 
Chú thêm này thường rơi vào trường hợp cung Tử Tức có cả nam đẩu, bắc đẩu đồng cung hoặc cung Tử Tức Vô Chính diệu.
 
Thắc mắc:
- Anh cho em hỏi nhìn vào những sao nào ở cung Tử Tức để biết đương số có số nuôi con nuôi?
Giải đáp:
Con nuôi là con khác dòng máu của cả bố lẫn mẹ, không phải là con riêng của bố hay của mẹ mang về nuôi chung với con ruột của bố và mẹ. Cũng không nhất thiết gia đình đó cứ phải tuyệt tự mới lập con nuôi. Thực tế nhiều gia đình có con cái đuề huề mà vẫn nuôi con nuôi vì họ thương cảm, họ nuôi vì làm phúc.
 
Vì nuôi con nuôi là do chủ ý nhân đạo nên trong cách con nuôi ở cung Tử Tức đều có những sao Phúc dưới đây
- Ân Quang, Thiên Quý.
- Thiên Quan, Thiên Phúc
- Dưỡng.
Có khi không cần phải hội đủ bộ 2 sao: Ân Quang-Thiên Quý, Thiên Quan-Thiên Quý, cũng có nghĩa có con nuôi. Riêng hai sao Ân Quang, Thiên Quý còn có nghĩa là có con nuôi hiếu đễ.
 
Thắc mắc:
Vậy xin hỏi những sao nào ở cung Tử Tức thể hiện là cung Tử Tức tốt?
Giải đáp:
Sách Tử Vi liệt kê cung Tử Tức tốt thường có các sao sau:
- Âm Dương sáng + Quang Quý: sinh con quý tử, thần nhân giáng thế.
- Đào Hồng ngộ Tử vi: sinh con quý Tử.
- Đẩu quân ngộ cát tinh: con cái giàu sang.
- Hỷ thần Dưỡng: sinh con thần đồng.
- Hóa Khoa: sinh con thông minh.
- Hóa Lộc: con cái khá giả.
- Hóa Quyền: con cái sớm hiển đạt.
- Khôi Việt: con cái thông minh, học giỏi đỗ cao.
- Long Phượng: sinh con quý tử.
- Lương Khúc Tuế: sinh con hiển đạt.
- Cự Nhật cư Dần: con cái khá giả.
- Cự Nhật cư Thân: con sinh sau quý hiển.
- Thất Sát cư Dần Thân: sinh con quý tử.
- Đồng lương cư Dần: sinh con quý tử.
- Tham Lang cư Dần Thân: con hiển đạt nhưng không hợp cha mẹ.
- Nhật hoặc Nguyệt sáng hội Quang Quý: có quý tử, gái nhiều hơn trai.
- Nguyệt Đồng Tuế cư Tý: có con là thần nhân giáng thế.
- Phủ cư Tỵ Hợi: sinh con quý tử.
- Quan Phúc Quang Tấu: có quý tử, thánh thần giáng sinh.
- Sinh vượng Lộc Quyền: sinh con quý tử.
- Thiên hỷ ngộ Âm Dương: sinh con quý tử.
- Thiên Lương cư Tý Ngọ: sinh con quý tử.
- Lương - Đới đồng cung: sinh con "thánh thần".
- Tướng - Đới đồng cung: sinh con "thánh thần".
- Tử, Phủ phùng Tả, Hữu: sinh con gái sau lấy chồng làm lớn.
- Tử Phủ phùng Thiên Tướng: sinh con quý tử.
- Tử Vi cư Ngọ: sinh con quý hiển.
- Xương Khúc sáng (Tị Dậu Sửu): sinh con quý tử, hiển đạt.
- Vũ Phủ đồng cung: sinh con quý hiển.
- Liêm - Tướng: sinh con khó nuôi nhưng hiển đạt.
Lưu ý:
khi luận giải phải cân nhắc sự hội họp của các sao khác, nhất là khi có thêm các sao hiếm muộn, các sao sát tinh, lục bại tinh.
 
Thắc mắc:
Tôi đọc một bài viết nói có thể căn cứ vào sao Phá Quân đắc miếu hay hãm sẽ biết được con cái có nối nghiệp cha ông hay không? Anh nghĩ thế nào về nhận định đó?
Giải đáp:
Tôi chưa đọc, chưa nghe tài liệu tin cậy nào đề cập đến quan tâm trên của bạn nhưng cũng có đọc kinh nghiệm lan truyền trên mạng của một số thầy Tử Vi về việc con cái nối nghiệp cha ông hay không phải chú ý tới sao Phá Quân có được miếu vượng? Nếu Phá Quân hãm địa thì dù cố ép con cháu chúng cũng không nối nghề của tổ tiên.
Cũng thầy Tử Vi đó quả quyết: Phá Quân tọa thủ tại cung Mệnh sẽ có con nối nghiệp nhưng thường là nối nghiệp muộn.
 
Dù chưa kiểm chứng thì quan điểm cá nhân của tôi với những “kinh nghiệm” của thầy Tử Vi đó bạn chỉ nên đọc để giải trí!
 
Thắc mắc:
Thưa anh, em nghe mọi người nói “con truyền tinh” nhưng lại không hiểu con truyền tinh là gì? Anh có thể giải thích giúp em được không?
Giải đáp:
Con truyền tinh được hiểu là đứa con có chính tinh hay bộ chính tinh tại cung Mệnh y chang chính tinh hay bộ chính tinh tại cung Tử Tức của người cha hoặc người mẹ thì đứa con đó là con truyền tinh của cha hoặc của mẹ. Tử Vi cho rằng, đứa con truyền tinh là đứa con sau này sẽ có nhiều liên quan với cha hoặc mẹ truyền tinh theo 2 chiều: con cái sống gần gũi cùng cha/mẹ, sớm khuya phụng dưỡng hiếu thảo cha/mẹ hoặc cha/mẹ hết lòng yêu thương chăm sóc con cái, vất vả lo lắng vì con cái...
 
Thắc mắc:
Làm thế nào để biết đứa con hợp hợp với bố hoặc mẹ?
Giải đáp:
Có 3 cách để nhận biết người con có hợp với bố hoặc mẹ:
- Cách 1: xem chính tinh/bộ chính tinh tại Mệnh của đứa con với chính tinh/bộ chính tinh tại Tử Tức cung của người cha hoặc người mẹ nếu trùng hợp thì đứa con đó là con truyền tinh của cha hoặc mẹ, cuộc sống sau này sẽ có nhiều liên quan với cha hoặc mẹ.
- Cách 2: dựa vào Ngũ hành giữa các bản Mệnh. Nếu Mệnh của đứa con có hành tương sinh với Mệnh của người cha hoặc của người mẹ thì mối quan hệ cha/mẹ với con cái thuận hòa, tốt đẹp, ngược lại nếu tương khắc thì mối quan hệ cha/mẹ với con cái không thuận hòa, không tốt.
- Cách 3: dựa vào cung Mệnh và cung Phụ Mẫu của người con để biết mối quan hệ giữa cha/mẹ với con cái. Nếu Mệnh nhị hợp với cung Phụ Mẫu mà cung Phụ Mẫu có Nhật tọa thủ thì mối quan hệ cha con thuận hòa, tốt đẹp hoặc nếu cung Phụ Mẫu có Nguyệt tọa thủ thì mối quan hệ mẹ con thuận hòa, tốt đẹp.
 
Thắc mắc:
- Cho em hỏi là cung Tử Tức thể hiện cảnh “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh” có những sao nào ạ?

Giải đáp:
Theo những sách mình đã đọc thì sách Tử Vi chỉ nói ảnh hưởng của các sao tới số lượng con ít hay nhiều, tính cách con cái khái quát ra sao, xung hợp với cha mẹ thế nào. Ví dụ: Thất Sát, Phá Quân tại cung Tử thì thường rất ít con, các bộ phụ tinh hội họp như: Đào, Thai thì Hiếm con; Hổ, Kình, Sát thì không có con; Kình, Đà, Không, Kiếp thì hiếm con, thường sinh con ngẩn ngơ; Hóa Kỵ thì muộn con, khó nuôi con và con cái xung khắc với cha mẹ; Tử thì rất khó nuôi con, nếu có con, con lớn lên cũng khắc với cha mẹ; Phi Liêm thì hiếm muộn… nhưng khi luận giải còn phụ thuộc vào sự hội tụ của các sao khác ở cung Tử Tức và sự tốt xấu của các cung Phúc Đức, Thân, Mệnh để gia giảm những ước đoán đó.
Nhưng theo kinh nghiệm (chưa được kiểm chứng) của một số thầy Tử Vi thì xem cung Tử Tức của nữ số (người vợ) độ chính xác sẽ cao hơn xem cung Tử Tức của nam số (người chồng).
Nếu ở cung Tử Tức của nữ số (người vợ) rơi vào những trường hợp sau:
- Cung Tử có sát tinh.
- Cung Tử có Địa không, Địa kiếp.
- Cung Tử có Thiên cơ tọa thủ tại chỗ hãm thêm sát tinh.
thì gia đình đó có nhiều khả năng sẽ gặp nghịch cảnh "người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh".
Hoặc cung Phụ Mẫu của con cái có sao Cự Môn thì cảnh “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh” cũng dễ sảy ra với gia đình đó.
 
                                                                              Đặng Xuân Xuyến

 &

Bài viết thể hiện quan điểm và kiến thức riêng của tác giả.

         

READ MORE - NHỮNG THẮC MẮC THƯỜNG GẶP VỀ CUNG TỬ TỨC – Đặng Xuân Xuyến