HAI ĐẦU NỖI NHỚCần Thơ nắng ấm không em?Anh hong nỗi nhớ… mượt mềm tóc xanhSợi hồng se kết duyên lànhCột vầng mây trắng vào nhành tương tưĐong đưa gió níu hương thuÀ…ơi! Em ngủ anh ru… mộng vàngVấn vương tình nặng đa mangBiết yêu rồi cũng muộn màng lặng câmVần thơ vận ngữ âm thầmTrăm năm duyên số có gần được nhau?Thẫn thờ ôm mối tình ngâuHai đầu nỗi nhớ tiếng sầu chơi vơiSài Gòn mưa đẫm Hạ rơiThầm mơ màu nắng vợi vời Cần Thơ.Nhật Quang
TRANG THUẦN TÚY VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ VÀ NGƯỜI YÊU MẾN QUẢNG TRỊ.
Chúc Mừng Năm Mới
Friday, June 28, 2024
HAI ĐẦU NỖI NHỚ - Thơ Nhật Quang
Wednesday, June 26, 2024
Ca khúc CHIỀU TRÊN SÔNG LA NGÀ - Thơ Nguyễn Văn Long - Nhạc: Nguyễn Khắc Phước - Ca sĩ: Thùy Dương - Hòa âm phối khí: Võ Công Diên - Video: DC Film
MÙA HÈ TỚI - Nhạc: Phạm Anh Dũng - Giọng ca: Thái Hiền
Dòng sông trong vắt xoay quanh đồi đưa sóng trôi
Trời trong sáng
Hàng mây trắng cuộn trôi lãng đãng
Bầy chim ríu rít hót lên mừng mùa Hè sang
Gió mát về êm êm vờn mơn man
Tiếng sáo diều vi vu tràn không gian
Lũ bướm vàng lang thang tìm nhụy hoa
Tiếng ve sầu lâng lâng gọi hồn ai
Mùa Hè tới!
Làn môi thắm cười trong nắng mới
Ngàn cây xanh lá vui tưng bừng trong nắng mai
Trời trong sáng
Tà áo trắng lượn bay thấp thoáng
Lòng ta phơi phới khúc ca mừng mùa Hè sang …
CHÙM THƠ VIẾT CHO NGƯỜI TA - Lê Minh Hiền
NỬA KHUYA
NGHE ĐỌC TRUYỆN LIÊU TRAI
NHỚ NGƯỜI TA
Nửa khuya nghe đọc truyện liêu trai
giật mình ta bấm đốt ngón tay
chuyện tình chí dị từ năm ngoái
bốn mùa góp nhặt lại đêm vui
.
Giá như Người ta loài hồ ly
ta gã thư sinh mộng mưa mây
thật lạ! tinh ma mà mộng mị
đêm về lõa thể dáng kiều mai
.
Tiếu diện khuynh thành nét thơ ngây
nõn nà dậy men độ xuân thì
Người ta giũ áo nhìn hoang dại
trút quần phong nhụy ta tà huy bay*
.
Nửa khuya nghe đọc truyện liêu trai
hư thực phân thân giữa đêm ngày
Người ta gian ngoa động mùi ma quái
ta về chết lặng hồn còn say
Stanton June 18th, 2024 (3:13 khuya)
*Em về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhụy cho tà huy bay (Bùi Giáng)
___
MỘT NỤ HÔN CHIỀU
GỬI LẠI CHO NGƯỜI TA
Người ta có kịp về phố đang xưa
cho ta lại nghe đời vui lạ
trong ta sóng lòng cõi tương giang
mây qua ta xin chiều chút nắng
buông xuống cầu mơ bên kia sông
.
Người ta có kịp về phố đang chiều
bước vắn bước dài khoan bước vội
mùi hoa năm trước sẽ dậy hương
lòng ta quạnh hiu từ dạo ấy
sương mai vài giọt đọng tinh khôi
.
Người ta có kịp về phố đang xưa
tiếu diện giai nhân khuynh thành cũ
tiếc chi vó ngựa vụt qua nhanh
dẫu có nói gì chiều cũng xuống
một nụ hôn này bước thiên thu
Stanton 2017- May 26th, 2024 (7:39 pm)
___
THÁNG 6 NẮNG HƯỜM
NHƯ NGƯỜI TA
Tháng 6 xứ xa mơ cố quận
ngày trôi trên những ngó tay mềm
ký ức dạt về theo hơi thở
nhớ ai chỉ nhớ thuở hiền ngoan
.
Tháng 6 chờ hoài chưa thấy nắng
dạo nầy chẳng tha thiết tương lai
tháng 6 nắng hườm như con gái
thơm mùi táo chín nhìn không ăn
.
Tháng giêng, 2, 3... qua tháng 5
tháng 7, 8, 9, 10... tháng chạp
tháng 6 về giữa mười hai tháng
tháng nào ta gặp lại người ta
.
Đôi lúc vô tình nhìn qua gương
có phải ta không chợt hãi hùng
mấy thu nguyên trăm năm một thoáng
quê người đêm mơ thấy kiều ngoan
Stanton June 2019 – June 19th, 2024 (10: 20 am)
___
YÊU MÃI NGƯỜI TA
Cuối cùng rồi cũng lại yêu
ở cái tuổi đã hết rồi ngu ngơ khờ
đêm qua lại gặp ởm ờ
người ta đó với răng khểnh với giả vờ làm duyên
Stanton 2016 – June 19th, 2024 (10:31 am)
NHỮNG NGÔI VƯỜN - Khê Giang
Khê Giang
NHỮNG NGÔI VƯỜN
1. Như định mệnh run rủi, gần cả cuộc đời ba tôi luôn quanh quẩn, nặng nợ với những ngôi vườn. Từ tuổi ấu thơ, tôi đã được tắm mát, vui đùa dưới những tàn lá xanh um, được bẻ hái những chùm cây chín mọng. Như chú ong cần mẫn, ba tôi luôn sắp đặt, bồi đắp khu vườn bằng một niềm đam mê kỳ lạ, ngoài việc vun xới chăm sóc, ông còn thổi hồn vào từng gốc cây từng lối đi với sự phối trí đơn giản nhưng hết sức ấn tượng. Vườn nhà tôi day mặt ra dòng Ô Khê hiền hòa rợp bóng, con sông hình như cũng nặng lòng với khung cảnh cảnh điền viên, nên ngày ngày vẫn vuốt ve, níu kéo khu vườn bằng những con gió lao xao, mát rượi. Từ sáng sớm, khi mặt trời chưa kịp ló đầu bên kia triền sông, ngôi vườn đã tràn ngập tiếng chim, lũ chim Sẻ chiếm hữu các cây Cau, một tán cây có khoảng mười gia đình trú ngụ, chúng tàm tổ trên các bẹ lá, có lẽ do nhà cửa gần kề, dễ bị nhòm ngó, nên chúng cải nhau suốt ngày. Trên ngọn khế Giành là nơi làm tổ thường xuyên của đôi chim Chào mào, tiếng hót của chúng nghe trong trẻo, yên bình, man mác vị thơm của mùa trái chín. Trong hốc cây Duối sau vườn là ngôi nhà của cặp chìa vôi (Chích chòe than) bản hòa ca của chúng mỗi buổi sáng nghe lảnh lót ngọt lịm như tiếng suối trong vắt giữa núi rừng. Ồn ào náo nhiệt nhất vẫn là lũ chim Rôộc ( Dồng dộc). Chúng làm tổ trên bụi tre cao nhất trong vườn. Ngoài việc lắm mồm, có lẽ loại chim này là loại giữ quán quân trong việc xây tổ. Gần cả trăm ngôi nhà treo, được chúng kỳ công xây dựng, lủng lẳng bám trên ngọn tre, sớm chiều đu đưa theo gió. Chót vót trên những đọt măng Vòi (tre non) là nơi độc tấu của mấy chú Chàng Làng, chúng bắt chước hầu như tất cả những giọng hót hay của các loài chim, thậm chí lúc cao hứng chúng giả luôn giọng của các loài gia súc hay tiếng khóc trẻ con... nghe là lạ.
Cạnh bờ ao sau lưng vườn, dưới những gốc tre già là nơi lũ Cuốc hay lần mò, trà trộn vào đàn gà nhà để kiếm ăn, chỉ nhác thấy bóng người là chúng lủi ngay vào bụi.. lũ Cuốc chẳng bao giờ cất nổi một tiếng hót, nhưng tiếng kêu của nó vào những đêm thanh vắng nghe thật não ruột.
Rồi một mùa hè không giống như những mùa hè êm ả khác, tiếng súng, dồn dập vọng về. Khi hơi thở chiến tranh đã lượn lờ bên kia sông, lũ chúng tôi cùng gia đình gồng gánh hớt hải hòa vào đoàn người di tản, bỏ lại ngôi vườn với những hàng cây đứng run bần bật sau mỗi tiếng bom.
Sau hai năm tản cư trở về, chúng tôi bàng hoàng đứng trước ngôi vườn hoang phế, khu vườn thân thương nơi cất giữ những kỷ niệm êm đềm tuổi ấu thơ của chị em tôi đã biến thành bình địa. Những cây cau đổ gục úp mặt nằm sóng soài trên đất, những cây ổi bậc gốc, da thịt cháy xém, loang lỗ...những thân tre ngã rạp, cành víu vào nhau dùng dằng che khuất lối đi. Khu vườn im ắng, oi nồng, không một tiếng chim. Một hố bom sâu hoắm, nằm cạnh góc vườn đã xô chôn vùi toàn bộ ngôi nhà cổ, tổ ấm thân thương mấy đời của gia đình tôi.
Ngậm ngùi đứng nhìn ngôi vườn hoang lạnh, đổ nát, mắt ba tôi đỏ hoe, ông như muốn khụy xuống trên khu vườn cổ nơi tuổi thơ ông đã chăm chút vun trồng. Rời khu vườn tang tóc, ông lên khu chợ cạnh Quốc lộ 1 dựng một căn nhà, mở quán cho mẹ tôi buôn bán. Trong hơi thở tất bật của phố xá, tôi nghĩ ba tôi cũng sẽ nguôi ngoai về khu vườn..
2. Nhưng chưa đầy một năm, kể từ ngày rời khu vườn cổ, ông lại một mình mò mẩm trở về với nó, vậy là một mình một bóng, ông gầy dựng lại từ đầu. Ngày đi làm Hợp tác, chiều về ông tranh thủ dọn lại khu đất loang lổ, nhặt nhụm đôi chút thời gian rảnh rỗi, ông tìm đến những ngôi làng ít bị ảnh hưởng của chiến tranh để xin cây con về trồng. Thấy ba kham khổ, mẹ tôi điều chị Hai tôi về vườn để hỗ trợ cho ông công việc nội trợ, nhưng có lẽ không quen cảnh ruộng vườn, nên chị tôi đã im lặng rút lui. Mười hai tuổi có lẽ chưa hiểu gì nhiều về trách nhiệm, nhưng vì một phần thương ba, một phần đam mê ruộng vườn, cây cỏ… Tôi quyết định rời bỏ phố xá về ở với ba. Ngày qua tháng lại chẳng biết tự lúc nào tôi đã trở thành một nông dân thực thụ. Một buổi đi học, buổi còn lại tùy theo mùa vụ, tôi tháp tùng cùng ba làm vườn, ra đồng trồng khoai, cắt cỏ, bứt rạ, bẫy chim…rồi ra hói xuống sông cất vó, tát đìa… Tối đến lui cui xắt chuối, vằm rau nấu cám cho heo, khuya phải lật đật dậy sớm thổi lửa, nấu cơm để kịp bữa ăn sáng cho ba ra đồng.
Việc chăm sóc ngôi vườn thường diễn ra trong những chiều muộn hay giữa những đêm trăng sáng, hai cha con cặm cụi, tất bật, nhiều khi mê mải quên cả bữa ăn. Thế rồi, trời cũng không phụ người lam lũ, bằng sự sự nỗ lực của hai cha con, chỉ năm năm sau, khu vườn đã sum suê ngọt ngào cây trái. Những chùm cây trĩu quả, ngọt lịm, những lối đi râm mát đã đẩy lùi hình ảnh hoang tàn, xơ xác mới hôm nào.
Ngôi vườn nhà tôi hiện ra như một ốc đảo xanh tươi, trù phú nằm thanh bình giữa thôn xóm vẫn còn loang lỗ những vết tích của chiến tranh. Hình như cảm nhận được cái không gian yên bình quen thuộc đang hồi sinh, nhiều loài chim đã mách bảo, rủ nhau về vườn trở lại. Niềm vui, sự đầm ấm trong gia đình cũng được nhân lên, các em tôi đã quyết định về ở hẳn với ba, thay vì chỉ về thăm vườn mỗi dịp hè như những năm trước. Ngôi nhà nhỏ lại đầy ắp tiếng cười và mỗi tối lại văng vẳng tiếng học bài ê a, của các em tôi.
Nhưng niềm hạnh phúc trong ngôi vườn yên bình ấy cũng không được kéo dài. Số phận khu vườn đã được định đoạt sau số phận của chị tôi. Sống trong một vùng thuần nông, nhưng nhà tôi là một trong số ít ỏi những gia đình sống bằng nghề buôn bán, vì vậy từ nhỏ đến lớn chị tôi chưa tiếp xúc với việc đồng áng bao giờ, sau khi nghỉ học chị đi học may và giúp mẹ tôi quán xuyến công việc kinh doanh. Mười tám tuổi chị đi lấy chồng, sau khi về làm dâu chừng được nửa năm, chị theo chồng vào Nam lập nghiệp.
Từ miền Nam xa xôi những thông tin buồn bã tới tấp đổ về. Chị tôi vào miền Nam bao nhiêu ngày là bấy nhiêu thời gian mẹ tôi thao thức trăn trở, lúc thở ngắn thở dài, lúc đầm đìa nước mắt. Cuối cùng không thể chịu nổi những tháng ngày phập phồng lo âu cho cuộc sống của đứa con bé bỏng trên đất khách quê người, mẹ quyết định đưa cả gia đình rời quê hương vào Nam sinh sống. Một quyết định được nhiều người cho là liều lĩnh. Tuy nhiên ngay thời điểm ấy và mãi về sau này tôi luôn cảm nhận đó là một quyết định hợp lý và kịp thời, vậy là tất cả anh em chúng tôi buộc phải nghỉ học để lên đường vào Nam.
Những ngày chuẩn bị xa quê, tôi thấy ba bần thần im lặng, trong tâm trạng rối bời ngổn ngang ấy, ông vẫn ra vườn chăm sóc, sờ sẩm từng loại cây, những động tác ông làm có vẻ tẩn mẩn, chậm chạp hơn, tôi nhận ra việc ông ra vườn không phải là chăm sóc mà là sự vuốt ve bịn rịn, khi biết mình vĩnh viễn không bao giờ trở lại trên mảnh vườn yêu thương, gắn bó này nữa. Bao nhiêu năm dày công tạo dựng, vun đắp ngôi vườn từ một hình hài tàn phế trở thành một mái ấm tươi xanh, nên cái cảm giác xa rời nó làm ông đau đớn gấp nhiều lần so với khu vườn cũ bị tan hoang trong bom đạn. Điều đau đớn đó cũng dễ dàng lý giải: khu vườn cũ do chiến tranh đã bỏ ông, còn bây giờ khu vườn mới, chính ông đã đành lòng bỏ nó, bỏ cái núm ruột quê hương, nơi đã gần sáu trăm năm tổ tiên khai phá giữ gìn.
3. Vẫn cái điệp khúc da diết ấy, đôi khi như một lập trình có sẵn, vừa đặt chân vào vùng đất phương Nam, sau khi mua một ngôi nhà tại chợ cho mẹ tôi buôn bán, ông lại dồn công sức cho việc làm vườn, khác với quê nhà là vùng chiêm trũng, nơi định cư mới là mãnh đất Ba zan màu mỡ, vừa trồng hoa màu ba tôi vừa thả cây lâu năm. Thật không thể tin được, tại đất khách quê người thiếu thốn trăm bề, chỉ một mình Ba chăm chút gầy dựng (lúc này tôi đi học xa) vậy mà cũng chỉ có bốn năm, ngôi vườn đã thành hình. Những cây Điều, cây Mít trĩu quả, hàng trăm bụi Dứa cho trái ngọt thơm, những choái Tiêu cũng đến tuổi cho hạt. Với diện tích lên đến nửa ha, ông dùng cây Mì rào hết chu vi khu vườn để thả gà, ba làm chuồng nuôi thỏ.. Do là vùng đất Bazan quanh năm đỏ quạch vì bụi đất nên khó có thể so sánh với khu vườn xanh mướt ngày nào. Nhưng tôi luôn mừng thầm vì cuộc sống của gia đình đã phần nào ổn định, chị tôi đã được bảo bọc, nâng đỡ và đặc biệt là ba tôi có chổ để khuây khỏa lúc tuổi già.
Nhưng niềm vui của ba như ngọn lửa mới vừa nhen nhúm lại bị dập tắt, khoảng thời gian này không hiểu vì lý do gì mẹ tôi không muốn cho ba tiếp tục làm vườn, cho rằng việc làm vườn không mang lại hiệu quả kinh nên mẹ quyết định kêu người để bán.
Là người hiền lành ít nói, ba thường nhịn mẹ trong những lúc có chuyện quan trọng hay bất hòa. Không còn ai để cầu cứu chia sẻ, ba vịn vào tôi như một tia hy vọng cuối cùng. Trở về thăm nhà, tôi đã cố gắng thuyết phục, giải thích cho mẹ việc ba làm vườn ngoài kinh tế còn là niềm vui. Nhưng rồi, tia hy vọng cuối cùng ấy cũng dần đà lịm tắt, tôi không đủ sức để làm sứ giả hòa bình. Không thể cải thiện được tình hình, tôi buồn bã vác ba lô lên vai đón xe trở lại trường, leo lên chiếc xe than đầy khói bụi, tôi đau đớn ngoái nhìn ngôi vườn như đang giãy nảy giữa trưa hè oi bức và hình ảnh ba tôi hiện lên với nét mặt thất thần, buồn bã.
4. Phải đến hai năm sau kể từ ngày mẹ tôi bán đi khúc ruột thứ ba của ông, tôi mới lóp ngóp ra trường.
Sau khi ổn định công tác, tôi tranh thủ mở phòng khám tư ở nhà và lặng lẽ, gom góp nuôi nấng ước mơ của mình. Tôi còn nhớ như in cái ngày tôi báo với ba là tôi đã có đủ tiền để mua một mảnh đất cho ba làm vườn, ông vui mừng hớn hở như một thanh niên trai trẻ mới lần đầu lập nghiệp, đêm đó hình như ông thức trắng.
Vậy là tôi và ba tiếp tục gầy dựng lên ngôi vườn thứ tư. Để thỏa sức tung hoành, lần này khu đất mới mua có diện tích rộng gấp đôi khu vườn cũ, tôi hăm hở cùng ba đi mua cây giống về trồng. Tranh thủ những ngày nghỉ tôi lên vườn cùng đào lỗ, ươm cây cùng ba, tôi thấy ông như trẻ lại. Rút kinh nghiệm từ ngôi vườn trước, ba đầu tư những loại cây công nghiệp có giá trị thu nhập cao, còn cây ăn trái chỉ trồng xen canh vừa đủ ăn vặt. Chẳng bao lâu sau, khu vườn đã cho thành quả ngoài mong đợi. Từ tiền thu hoạch cây trái, ngoài việc trang trải cuộc sống, ông đã về quê xây lăng mộ cho ông bà, một ước nguyện đeo đẳng bao nhiêu năm kể từ ngày rời xa núm ruột quê hương. Từ một cái chòi tranh tạm bợ trong vườn, ba tôi đã xây được một ngôi nhà khang trang và đón mẹ tôi về ở, có lẽ đây là khoảnh khắc gần gũi đầm ấm nhất của đôi vợ chồng đã ngoài lục tuần.
Nhưng cái số phần nghiệt ngã lại bám riết lấy ông, đang vào thời điểm an nhàn và đầm ấm nhất thì mẹ tôi lâm bệnh, cơn tai biến đã cướp đi những bước chân từng một nắng hai sương của mẹ. Thế là ba tôi ngoài công việc vườn tược giờ phải kiêm thêm nhiệm vụ làm Ô sin. Mặc dù được chữa trị nhiều phương pháp Đông, Tây, nhưng đôi chân của mẹ tôi yếu dần theo năm tháng. Các em tôi cũng lần lượt lập gia đình, không còn ai ở lại vườn với ba mẹ nữa, vậy là chúng tôi quyết định đưa hai ông bà về thị trấn để dễ bề chăm sóc.
Về thị trấn chỉ mới vài tuần ông đã quay lại khu vườn, ông không chịu nổi sự tù túng của cuộc sống đô thị, biết khó lòng thay đổi quyết định của ba, chúng tôi đành lòng bố trí một đứa cháu về ở với ông, ngoài việc chăm sóc nội trợ còn phòng lúc trái gió trở trời...
Rồi đứa cháu ngoại ngoan hiền ấy cũng đến tuổi lập gia đình, vậy là ba lại sớm tối thui thủi một mình. Việc để ba phải đơn côi trong ngôi vườn vắng người qua lại là nỗi phập phồng của chị em tôi, khi mà sức khỏe của ba cũng lui dần theo năm tháng. Vậy là chúng tôi âm thầm lên kế hoạch xây cho ba thêm một ngôi nhà ở thị trấn, việc thi công được giữ bí mật tuyệt đối, đến ngày khánh thành công trình, chúng tôi mới đưa ông về. Biết sự sắp đặt có phần cương quyết của chúng tôi, ông đành phải buông xuôi.
Như một sự quan thúc cuối đời, trong chuỗi ngày còn lại, ba tôi đã phải quanh quẩn giữa bốn bức tường, với phố xá ồn ào náo nhiệt.
Sống trong căn nhà đầy đủ tiện nghi với sự chăm sóc ân cần và chu đáo của chị em tôi, nhưng sức khỏe của ông ngày một yếu dần. Tiểu đường, Tăng huyết áp, hai căn bệnh ấy cứ âm thầm bám riết ba. Mặc dù, ngày ngày vẫn mê say công tác xã hội, vẫn vui vẻ cười đùa với con cháu, nhưng trong sâu lắng tôi biết ba như con chim đang ở trong chiếc lồng chật chội ngột ngạt. Việc sơn phết, trang trí ngọc ngà cho chiếc lồng cùng với thức ăn bổ dưỡng cũng không thể giúp ông tăng thêm khí lực như khi tung cánh giữa đại ngàn.
Và ba tôi đã ra đi chỉ vài năm sau đó, trong muôn vàn lý do mà người ta thường đổ cho bệnh tật, tuổi tác, số phận...Tôi rưng rưng nhận ra một nguyên nhân sâu thẳm, đó chính là nỗi buồn vì những tháng ngày bị quản thúc của chị em tôi.
Khu vườn cuối cùng của cuộc đời ông, đến bây giờ chị em tôi vẫn giữ lại, tuy nhiên do thiếu bàn tay chăm sóc của ba, chúng không còn xanh tươi, mượt mà như trước nữa. Chỉ có điều, mỗi khi đặt chân lên con ngõ quanh co ấy, là tim tôi như bị nghẹn lại, trên từng lối đi, từng đám cỏ vẫn thấp thoáng tiếng bước chân của ba, vẫn còn nguyên vẹn gương mặt thất thần, buồn bã của ba trong những tháng ngày… ba đối diện với sự tuyệt vọng.
Trong sự yên ắng tĩnh mịch của ngôi vườn, trong cái cảm giác chênh vênh giữa cõi hư hao, tôi chỉ muốn thét lên: Ba ơi! Chúng con có lỗi với ba.
Khê Giang
Tuesday, June 25, 2024
ĐỌC TẬP THƠ “THÌ THẦM VỚI CỎ” CỦA NHÀ THƠ VẠN LỘC - Châu Thạch
Vậy cỏ với Vạn Lộc không phải là loài thực vật tầm thường mọc dại dưới bước chân đi, mà cỏ là một loài cây tri kỷ với trời đất, với không gian với thời gian và với con người. Cỏ thì thầm với càn khôn vũ trụ và nhà thơ Vạn Lộc hạnh phúc biết bao khi lại thì thầm với cỏ một cách “Miên man xanh dưới trời xanh bất tận” để mỗi bài thơ của bà đẹp biết bao, đẹp như “Chợt bay lên chấm trắng một cánh cò” trên cánh đồng cỏ xanh mơn mởn ấy.
Tập thơ “Thì Thầm Với Cỏ” Vạn Lộc hầu như viết cho tình yêu, không phải là thứ tình yêu nam nữ bình thường mà là thứ tình yêu cao thượng hơn, cho quê hương, cho gia đình và cho con người. Tình yêu đó rất cao quý với đời, nhưng khi thành thơ thì nó khó hay vì nó khô khan hơn tình yêu nam nữ. Thế nhưng chỉ cần đọc tựa đề “Thì Thầm Với Cỏ”, ta cảm nhận ngay nó không khô khan. Không khô khan vì cụm từ “Thì Thầm Với Cỏ” ẩn chứa những biểu tượng đẹp giữa thiên nhiên và giữa cuộc đời. Điều đó cho ta niềm tin để bước vào, đi tiếp trong vườn thơ Vạn Lộc, để nghe tiếng thì thầm với cỏ mà thi nhân đã tự nhận “Giống như gió thoảng qua hồn lá”, “La lả bay dịu vợi đến nao lòng”.
Nhà thơ Vạn Lộc xuất thân là một thôn nữ, bà sinh ra và lớn lên ở làng Đông Yên, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Thơ bà rất nặng tình với quê nhà, bởi bà quan niệm “Đất quê là bến là bờ/ Từng cơn gió cũng vào thơ dịu dàng”. Từ đó thơ Vạn Lộc viết cho kỷ niệm trên đất thời thanh xuân không khác chi hương đồng cỏ nội, thổi vào lòng người hơi mát của dòng sông, của lũy tre của cánh đồng bát ngát và của tâm hồn chất phát đơn sơ:
Ngọn nguồn từ suối từ khe
An lành đất Mẹ chở che một đời
Thu Bồn mãi miết dòng trôi
Duy Xuyên lúa mượt hát lời gió thơm
…Cỏ cây xanh những tiếng chào
Hình cha bóng mẹ lẫn vào bóng quê.
(Quê Hương Và Mùa Xuân)
Lấy ý thơ quê hương đón chào ta về thì nhà thơ nào cũng viết được, nhưng lấy tứ thơ tiếng chào của quê hương xanh trong cỏ cây, hay lấy tứ thơ hình cha bóng mẹ lẩn khuất trong màu xanh đó, thì chỉ có Vạn Lộc mới viết mà thôi.
Với hai tứ thơ trên, đủ cho ta hiểu thơ Vạn Lộc như ngọn gió nhẹ nhàng, nhưng lắng đọng trong thơ thi vị của một miền quê hương yêu dấu: Duy Xuyên Quảng Nam.
Vạn Lộc còn bày tỏ tình yêu quê hương bằng những tự nguyện đơn sơ nhưng tuyệt vời ý nghĩa. Nhà thơ không làm chim, không làm mây để bay về quê, không thề thốt chết cho quê hương mà chỉ nhận làm một đóa hoa bên đường, làm ngọn gió, làm cánh cò bay lên bầu trời bát ngát:
Nếu mỗi người là bông hoa nhỏ
Tôi xin vàng lối cúc đường quê”,
…Nếu là gió tôi làm nồm hạ
Ru mát ban trưa buổi nắng hồng
Tôi sẽ vẫy những bàn tay lá
Chao cánh cò bát ngát trên sông.
(Ơi Quê Ơi)
Xuất thân từ nông thôn, ra thị thành để mưu sinh, lấy chồng xứ Huế xa xôi, cuộc đời Vạn Lộc trải qua nhiều biến cố và gian truân nhưng tâm hồn thơ của bà luôn luôn là “Vẩn chung một mãnh trăng gầy/Yêu thương cứ thế đổ đầy hồn tôi”:
Con đường tuổi thơ Duy Xuyên
Hồn tôi xanh với bãi cồn dâu xanh
Xa quê ra chốn thị thành
Ruổi rong phố xá, loanh quanh sông Hàn
Chợ Cồn vai gánh nách mang
Vẫn thương cố thổ bạc bàng trăng quê
Hương cần ơi, theo chồng về
Con đường xa ngái, sơn khê chập chùng
Sông Bồ, Sông Thủy, sông chung
Sóng níu gió để ngập ngừng bước chân
Ba quê mấy chặng đường xuân
Ba con sông vẫn trong ngần nước mây
Đọc bài thơ nầy để ta hiểu tiểu sử một đời Vạn Lộc, và câu thơ “ba con sông vẫn trong ngần nước mây” nói lên được nhân cách một con người thơ đầy tình yêu cao thượng. Dầu qua ba con sông hay nhiều hơn nữa thì nhân cách ấy vẫn “trong ngần nước mây” trong tâm hồn lãng mạn.
Trong “Thì Thầm Với Cỏ” Vạn Lộc viết nhiều về những địa danh đất Quảng, nơi chứa nhiều kỷ niệm trong dòng sông ký ức của thi nhân. Kỷ niệm thành thơ và thơ tràn cảm xúc như sóng gợn trường giang là đặc tính của Vạn Lộc trong tập thơ nầy. Trong tập thơ nầy, Quảng Nam, Đà Nẵng, Duy Xuyên, Duy Trinh, Quế Sơn, Quế Lộc, Thu Bồn, Ô Gia… thân thương như hình cha bóng mẹ, bài thơ nào cũng tha thiết trong lòng, nhớ thương da diết với tiếng thơ thì thầm, mến yêu, âu yêm.
Ta biết đời Vạn Lộc đã qua ba vùng đất của ba con sông, con sông nào cũng “Trong ngần nước mây”. Nhà thơ đã viết nhiều về vùng đất của hai con sông quê hương, bà không quên viết cho vùng đất của con sông thứ ba và viết cho con người của con sông đó, con người mà nhà thơ đã kết tóc xe tơ, 60 năm chia bùi xẻ ngọt bên nhau:
Em về với Huế thời xanh
Với đồng, với bãi quê anh sông hồ
…Có mây cổ tích bắc cầu
Gót hài thêu đỏ, che đầu lộng xanh
Em về làm dâu quê anh
Huế thành máu thịt em thành ca dao.
(Em Và Ca Dao)
Cuộc tình Vạn Lộc hạnh phúc đến đâu ta không biết được, nhưng những câu thơ của Vạn Lộc làm hiển hiện một khung trời cổ tích huy hoàng. Câu thơ “Có mây cổ tích bắc cầu/ Có hài thêu đỏ, che đầu lộng xanh” đẹp đến ngất ngây những hình ảnh xa xưa lồng lộng sắc màu. Câu thơ “Huế thành máu thịt em thành ca dao” hóa hình nhà thơ thành bức tranh thể hiện nền văn hóa dân gian xứ Huế, xứ cung đình đầy mộng mơ.
Vạn Lộc yêu chồng yêu Huế, nhà thơ tả Huế, ẩn dụ con người Huế vào thơ thật là thâm thúy:
Ai cũng nói Huế trầm mặc
Đìu hiu chiều tím ngàn sông
Ơ mà có ai hiểu sóng
Dào lên ướt bến ướt bờ
Âm thầm dội lên tiếng vọng
Muôn đời cứ thế thành thơ.
(Huế Là Thơ)
Đối với mọi người văn nghệ sĩ, quả đúng “mẹ là dòng suối dịu hiền/ Mẹ là bài hát thần tiên” để họ đem thiên tài của mình ra đặt nhạc, ca hát, làm thơ tôn vinh mẹ mình. Đối với nhà thơ Vạn Lộc, mẹ của nhà thơ không chỉ là người “gánh mưa gánh nắng” mà bà còn tặng mẹ một ý thơ trác tuyệt: mẹ của bà là một “Miền thơ của gió”:
Một đời mẹ tảo tần
Gánh mưa và gánh nắng
…Ôi Duy Trinh, Duy Xuyên
Ơi! Miền thơ của gió
Thơm thơm từng ngọn cỏ
Xanh muôn chiều Đông Yên
(Miền Thơ Của Gió)
Mẹ trong thơ Vạn Lộc không chỉ mang hình ảnh quê hương mà còn mang cả “nguồn trong sáng vô biên” của thi ca, nghĩa là mẹ còn là điệu hò, còn là bài hát, còn là câu ca dao hay những áng văn thơ đã thành cảo thơm lưu truyền hậu thế.
Nhà thơ Vạn Lộc bày tỏ tình yêu thương với con cháu của mình cũng bằng những ý thơ và tứ thơ khác lạ. Nhà thơ dùng chữ như dùng một chiếc đủa thần hóa hình nỗi nhớ chất đầy trong ngôi nhà trống vắng bay vào mênh mông, tràn ra nhiều hướng:
Các con đi xa
Nhà mênh mông một mình mẹ
Mẹ một mình
Với trông vắng mênh mông
Trái tim mẹ
Đập về nhiều hướng
Tìm các con
Xa xót phía nhà mình
(Khúc Hát Yêu Thương)
Chỉ mấy câu thơ “Trái tim mẹ/ Đập về nhiều hướng/ Tìm các con/Xa xót phía nhà mình” đã bộc lộ trọn vẹn hoàn cảnh, khung cảnh, tâm tư và bày tỏ nỗi cô đơn cũng như tình yêu mênh mông của mẹ dành cho con mình. Phải nói rằng người viết bài nầy không đủ trình độ để diễn đạt sự thâm thúy văn chương trong 4 câu thơ ngắn nầy.
Đối với nhiều nhà thơ, càng già thơ càng bớt hay, nhưng nhà thơ Vạn Lộc thì khác. Ở tuổi thất thập trở lên, mỗi ngày thơ bà thêm mượt mà sâu nhiệm trong hương tình yêu cuộc đời cao quý, trong hương thiền nhẹ nhàng thanh khiết. Trước những biến động bãi bể nương dâu trên quê hương, Vạn Lộc không u sầu trong hoài niệm như bao nhà thơ khác, bà vẫn nhìn quê hương bằng đôi mắt lạc quan, bởi tình yêu quê hương trong lòng bà là “nguyên vẹn” nên mọi thay đổi không làm cho tình yêu ấy kém đi:
Thu Bồn đã xôn xao sóng
Đã thôi bịn rịn chuyến đò
Trưa hè bầy chim chao võng
Giấc mơ thơm ngát tuổi thơ
Quê nhà vẫn quê nhà ấy
Vẹn nguyên thương nhớ lòng mình
Nhúm nhau đã cật đã ruột
Một đời máu thịt Duy Trinh
(Về Phía Mùa Xuân)
Tình yêu cúa Vạn Lộc là thứ tình yêu “nghìn trùng là mãi mãi”, nghĩa là thủy chung trong thời gian vô hạn định. Không chỉ tình yêu quê hương, tình yêu nam nữ của Vạn Lộc cũng luôn nghìn trùng là mãi mãi. Nhà thơ dùng cụm từ “Nghìn Trùng Là Mãi Mãi” để chỉ lòng chung thủy của mình. Cụm từ ấy vừa mới vừa hay, hay hơn nhiều câu thơ thề thốt không uống canh Mạnh Bà khi qua cầu Nại Hà để kiếp sau còn nhớ tìm nhau:
Ôi khoảng trời thương nhớ
Trong ký ức vợi xanh
Những hoàng hôn mây trắng
Thuở hoa còn liền cành
…Nếu anh là con sóng
Xin ru em mỗi chiều
Nếu tình anh là gió
Hãy thì thầm lời yêu
…Chung vầng trăng thương nhớ
Chung mây trắng trời xanh
Mà nghìn trùng cách biệt
Mãi mãi em không anh
(Nghìn Trùng Là Mãi Mãi)
Dầu ông trời bắt buộc “Mãi mãi em không anh” nhưng tình chúng ta đã “chung vầng trăng”, “chung mây trắng” nên tình chúng ta sẽ “Nghìn trùng là mãi mãi”. Đây là một bài thơ cấu ý cấu từ làm cho bài thơ mênh mông xa vắng và thâm thúy tuyệt vời.
Ở độ tuổi tám mươi, thơ người già của Vạn Lộc có thứ hương thiền thanh thoát, tứ đơn sơ, ý nhẹ nhàng, từ dễ hiểu nhưng thấm thía vào lòng như tiếng chuông chùa nhẹ bay trong gió, thoảng vào tai người âm thanh quyến luyến dịu êm:
Mơ trăng ngồi dưới cội đa
Thuở xưa thương nhớ hằng nga đi về
Ngồi đây nhặt lá bồ đề
Chỉ mong một nẻo cần kề thiền môn
…Hoa mai đã sẵn đường xuân
Chờ mai buông lá tần ngần sắc hoa
Ngõ chiều cũng sắp bóng tà
Cõi trần buông hết yên ba rồi về.
(Buông)
Nhiều người yêu mến, ái mộ Vạn Lộc bởi Vạn Lộc “Vẫn Mãi Là Mùa Xuân” dầu tuổi cao đến đâu. Mùa xuân của Vạn Lộc không phải là thứ mùa xuân huy hoàng chim ca hoa nở mà là mùa xuân của tự tại thong dong, mùa xuân của mây bay, trời xanh, nắng tràn tâm hồn thơ và từ tâm cho ta, cho người:
Ta về nép bóng cội nguồn
Nghe trăm năm tuổi đã gần đấu đây
Trời thì xanh hồn thì mây
Thêm mưa thêm nắng có đầy trăm năm
…Mỗi chiều trôi qua bình thường
Chim thong thả tiếng chẳng vương vấn gì
Đã ngoài sinh tử biệt ly
Thì đâu còn có điều chi để buồn
Thiên thu là bóng như không
Hồn ta mãi mãi cánh đồng mùa xuân
(Vẫn Mãi Là Mùa Xuân)
Đọc bài thơ nây ta hiểu được vì sao Vạn Lộc ở tuổi bát thập niên mà vẫn xuất bản thơ ra liên tục, tập sau hay hơn tập trước, đặc biệt tập thơ “Hái Mùa Đông Vạt Nắng” sức sống ngọt lịm, niềm vui dâng trào nói lên được mùa xuân ấm áp có luôn trong lòng tác giả.
Tập thơ “Thì Thầm Với Cỏ” của nhà thơ Vạn Lộc có gần 70 bài thơ với rất nhiều chủ đề, như là sự trải lòng của tác giả ở tuổi cao. Thủ thật đọc tập thơ nầy, Châu Thạch tôi có thể bình hay rất nhiều những bài thơ trong ấy. Không phải tôi tự cao, nhưng bình hay là vì thơ Vạn Lộc bài nào cũng hay, tiềm tàng những ý thơ sâu lắng ngọt ngào trong những vần thơ vô cùng bình dị.
Thơ như hoa mà ý thơ như nhụy, hương thơm tỏa ra từ nhụy. Thơ Vạn Lộc như hoa còn phong nhụy, hương thơm bay ra không ngào ngạt, nhưng tỏa đầy trong vạc nắng mùa xuân. Tôi nhớ hai câu thơ “Em là hoa còn anh là cỏ/Hoa đẹp cho đời cỏ giữ mãi màu xanh”. Đọc tập thơ “Thì Thầm Với Cỏ” của Vạn Lộc, là chúng ta trò chuyện với cả thiên nhiên, vì cỏ vạn niên thì thầm với trời đất, và Vạn Lộc thì thầm với cỏ rồi kể lại cho ta nghe bằng những vầng thơ như những tơ trời trong trẻo vô biên, quyến luyến đi vào lòng ta, êm dịu như sự êm đềm của cỏ nếu ta chịu lắng nghe thơ Vạn Lộc để thì thầm với nó.
Châu Thạch
Monday, June 24, 2024
CÓ CẢ ĐẠI DƯƠNG TRONG TRÁI TIM EM, CÓ LẼ - Thơ Khê Kinh Kha
CÓ CẢ ĐẠI DƯƠNG
TRONG TRÁI TIM EM
có giọt lệ nào trong trái tim anhcó nụ tình nào trong ngưỡng hồn emcó xót xa nào giữa đời mưa nắngcó nụ hoa nào vừa nở trong tim ?!?có tim của ai đang khóc cho aicó tim của tôi cúi xin tình ngườicó những con đường tôi qua rất vắngcó tình em nở nụ hồng sáng naycó cả trời trong trong trái tim emvà vạn hoa nở thơm ngát giữa hồncó cả bao la của bao triều mếncó cả đại dương trong tình của emcó cả đời ta trong vạn trăm nămvà tình lứa đôi trên bước đường trầncó git yêu thương trong đời mưa nắngcó cả đại dương trong tình cua emcó em giữa đời cho nụ tình nởcó em nên đời có một con timcó tôi nhỏ bé trong tình em lớncó cả đại dương trong tình của emcó giọt lệ nào trong trái tim anhcó nụ tình nào trong ngưỡng hồn emcó mộng yêu thương xây đắp cưộc tìnhcó xót xa nào giữa đời mưa nắngcó nụ hoa nào vừa nở trong tim ?!?có tim của tôi nở tình yêu aicó hồn của tôi ôm trọn tình ngườicó những con đường trãi đầy mộng ướccó tình em nở nụ hồng sáng naycó cả trời trong trong trái tim emvà vạn hoa nở thơm ngát giữa hồncó cả bao la của bao triều mếncó cả đại dương trong tình của emcó cả đời ta trong vạn trăm nămvà tình lứa đôi trên bước đường trầncó git yêu thương trong đời mưa nắngcó cả đại dương trong tình cua emcó em giữa đời cho nụ tình nởcó em nên đời có một con timcó tôi nhỏ bé trong tình em lớncó cả đại dương trong tình của em
CÓ LẼcó lẽ mây trời mượn tóc emnên mây lãng đãng rũ sợi mềmlang thang chiều vắng nhìn mây trắngmà nhớ nhung nhiều mái tóc đencó lẽ sao trời mượn mắt emnên sao sáng tỏ giữa đêm trườngđêm đêm anh ngẩng nhìn sao sángđể cố đi tìm ánh mắt trongcó lẽ nắng chiều mượn môi emnên nắng chiều nay quá ửng hồngmiên man nắng đọng trên cành láanh hốt nắng vàng ngỡ môi thơmcó lẽ quỳnh lan mượn hương emnên hoa thơm ngát những hương nồngbao ngày mơ ước bên hoa nởđể thắy hồn mình đượm phấn hươngcó lẽ gió ngàn mượn gót emgió vui trong gió, gió qua thềmđể anh đón gió vòng tay rộngôm gió vào lòng, ủ trong timcó lẽ trăng vàng mượn áo emnên trăng trải rộng ánh lụa vànggiăng tay ôm hết trăng muôn thuởấp ủ riêng anh giấc mộng lànhcó lẽ kiếp này anh yêu emnên anh mê mẩn giọt nắng hồngmê mây, mê gió, trăng, sao sángmê cả hương nồng của quỳnh lanKhê Kinh-Kha