Những kỷ niệm cùng Đỗ Tư Nghĩa
ĐỖ TƯ NHƠN
LTS TC CỬA VIỆT:
Nhà giáo, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa
người Quảng Trị, từng sinh sống và làm việc lâu năm ở Lâm Đồng. Sống lặng lẽ,
song ông đã dịch nhiều tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng đã được xuất bản;
và còn nhiều tác phẩm dịch thuật ở dạng bản thảo, hoặc được đăng tải trên mạng.
Một năm sau ngày mất của Đỗ Tư Nghĩa, thương tiếc người em tài hoa, nhà giáo Đỗ
Tư Nhơn có bài viết gửi cho tòa soạn Cửa Việt.
Giờ
đây Nghĩa đã về với tổ tiên, ông bà, thầy mợ nơi cõi vĩnh hằng sau 75
năm Bước lững thững qua trần gian một bận / Đã thấy sầu in vết dưới chân im (Bi
khúc 1-1972 trong tập Gởi tình Yêu- Gởi Cuộc đời của Đỗ
Tư Nghĩa). Những kỉ niệm với gia đình, bè bạn còn trong ký ức của những người
thân,từng gắn bó kết giao tình cảm.
Ba
chị em chúng tôi: Đỗ Thị Như Mai, Đỗ Tư Nhơn, Đỗ Tư Nghĩa vốn nguyên quán là
làng Cui, Tuy Lộc, Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Bố chúng tôi vào Quảng Trị làm viên
chức thừa phái dinh Tuần Vũ đóng tại Thành Cổ, nhưng mất sớm lúc tôi vừa lên
ba, Nghĩa còn trong bụng mẹ.
|
Chân dung Đỗ Tư Nghĩa qua nét ký họa của Thanh Trí |
Nghĩa
cất tiếng chào đời ở làng ngoại Quảng Điền, Triệu Phong, Quảng Trị khi gia đình
tản cư về đây, sống trong căn nhà của ông bà ngoại đã qua đời. Biết bao kỷ niệm
giữa bom đạn chiến tranh, với những mùa mưa lụt nước mênh mông mà ba chị em
chúng tôi cùng chịu đựng nơi miền quê này.
Khoảng
7,8 năm sau, gia đình tôi chuyển lên thị xã Quảng Trị, mẹ buôn bán kiếm sống
nuôi con ăn học. Chúng tôi có chung kỷ niệm ấu thời. Từ lúc nhà ở gần trạm điện
cho đến khi sống giữa làng Thạch Hãn cùng bạn bè chơi bi, đánh đáo, ù mọi, đánh
căng và làm báo viết tay.
Những
năm học trung học Nguyễn Hoàng, Nghĩa nổi tiếng giỏi Văn, Anh Văn. Tôi và Nghĩa
đều yêu thích văn chương, sách báo. Khi quyển sách Ý thức mới
trong văn nghệ và triết học của Phạm Công Thiện ra đời, anh em chúng
tôi tìm mua cho mình mỗi người một tập, Nghĩa đọc kỹ, gạch đỏ những đoạn văn
tâm đắc. Sau này chính Nghĩa cho biết đã chịu ảnh hưởng của Phạm Công Thiện khá
đậm.
Mẹ
của chúng tôi tần tảo, thương yêu các con vô cùng, mà chưa thể nào chúng tôi
báo đáp thì mẹ đã qua đời. Đó là mùa xuân năm 1971, Tết đó, sau những ngày buôn
bán cuối năm vất vả, mẹ tôi nhuốm bệnh. Vợ chồng tôi, Nghĩa, Thắng ở một bên
giường mẹ lo lắng, rồi nhờ chị Định, y tá truyền nước biển. Ngày mồng một, mẹ
tôi còn nhận biết, nhưng tờ mờ sáng mồng hai, mẹ ra đi không lời trăng trối.
Anh em chúng tôi vô cùng buồn đau, thương tiếc. Ở tầm hồn Nghĩa, bắt đầu có sự
hụt hẫng vì Đìu hiu trái đất đâu còn mẹ / Sông núi xanh còn ta lãng du (Bi
khúc 3).
Một
biến cố thứ hai “đã ném” Nghĩa và người dân Quảng Trị ra khỏi quê nhà, đó là
mùa hè đỏ lửa năm 1972. Tất cả chạy loạn vào trại tạm cư Đà Nẵng - Quảng Nam.
Nghĩa đưa bà nội vào Đà Lạt nương náu tại nhà người cậu ruột một thời gian rồi
về Bảo Lộc dạy học. Tâm thức Nghĩa buồn đau vô vọng, đã gởi vào 4 bài Bi
khúc được sáng tác vào năm này.
Suốt
9 năm dạy học tại Bảo Lộc đã để lại trong tâm hồn Nghĩa những kỷ niệm đẹp. Đó
là mối tình với Hoài An, cô giáo Đà Lạt xa nhà. Năm 1976, lễ cưới được người
cậu tổ chức cho Nghĩa - An đàng hoàng, chúng tôi không vào dự được chỉ gởi quà
mừng.
Năm
1981, vợ chồng Nghĩa được chuyển lên dạy trường Nguyễn Du Đà Lạt, Nghĩa bắt tay
vào việc dịch thuật. Cuộc sống mỗi lúc một khó khăn đã tác động vào tâm hồn
Nghĩa, những bài thơ nhức nhói, trăn trở được viết vào năm 1983, 1984 sau này
in vi tính thành tập thơ Gởi tình yêu - Gởi cuộc đời.
Đôi
ba niềm vui đã đến, là khi các tập sách dịch được xuất bản từ năm 1986
như: Khi bố còn thơ, Như cơn mưa bay đi, Những cuộc phiêu lưu của
Sherlock Holmes… Nghĩa đã gởi về cho chúng tôi và bạn bè với chữ ký tặng.
Bạn bè chia sẻ niềm vui cùng Nghĩa qua những bức thư hồi âm.
Cuộc
đời không phải bao giờ cũng yên ả, gia đình Nghĩa bỗng phải chia hai. Vào năm
1992, Nghĩa quyết định ở lại Việt Nam, để cho vợ và hai con sang Mỹ định cư
theo diện gia đình vợ bảo lãnh. Chúng tôi góp ý, khuyên Nghĩa rất nhiều lần nên
cùng đi với gia đình. Sau này nghĩ lại, chúng tôi thấy Nghĩa đúng.
Ban
đầu, lúc vợ con ra đi, Nghĩa đến ở với anh bạn Nguyễn Diệp, trong khu đất Sở
Giáo dục Đà Lạt. Một thời gian ngắn sau, Nghĩa về thuê căn phòng trọ gần nhà cũ
hẻm số 19 đường Nhà Chung, cạnh nhà thờ Con Gà, ở đó suốt 30 năm cùng những
chồng sách cũ, mới ngập cả phòng.
Sống
một mình, dạy trẻ học tiếng Anh, ăn chay trường và tiếp tục dịch sách. Các anh
chị và các cháu thông cảm hoàn cảnh Nghĩa đã hỗ trợ một ít trong một thời gian
ngắn, trước khi liên lạc với vợ con. Nghĩa nhận được quà và tiền để chi phí cho
cuộc sống, sách báo, máy tính để làm việc.
Rồi
Nghĩa gửi một bức tâm thư cho Hoài An sau 10 năm xa cách. Nghĩa chân tình nói
với Hoài An rằng: Nếu có một người đàn ông biết yêu thương An và hai con, có
trách nhiệm với gia đình thì nên đồng ý. Còn về phần Nghĩa, bấy lâu quen cuộc
sống độc thân, không bị ràng buộc khó sống chung trong một gia đình.
Sống
Đà Lạt với hoa dã quỳ thơ mộng, nhưng cũng có lúc tâm hồn Nghĩa chợt nhớ quê cũ
Quảng Trị, với bạn bè người thân một thuở gắn bó. Mùa xuân 2004, con gái đưa
Nghĩa về thăm chúng tôi, cùng hưởng một cái Tết đoàn tụ, trong khói hương,
tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, thầy mợ. Rồi tôi và Nghĩa vào Huế thăm mộ bố chúng
tôi ở chân núi Ngự Bình, gặp các bạn thời sinh viên… Lần này chúng tôi muốn
Nghĩa ở lại quê nhà, để anh em cùng sống bên nhau lúc già yếu, bệnh tật. Nhưng
độ 2,3 tuần Nghĩa cảm thấy buồn, nhớ Đà Lạt, hơn nữa trời lạnh quá làm Nghĩa bị
mệt, phải chia tay Quảng Trị.
Tôi
lên Đà Lạt thăm Nghĩa nhiều lần. Có năm, lên Trúc Lâm thiền viện thỉnh kinh
sách, Nghĩa mua tặng tôi nhiều tập, đĩa CD giảng đạo của quý thầy. Nghĩa nghiên
cứu sâu xa và thực hành về đạo Phật cho nên sau này dịch sách của các đạo sư,
ni sư thật rõ ràng, chú thích rất bổ ích cho người đọc.
Vốn
liếng triết học Đông Phương và Tây Phương cũng tạo cho Nghĩa niềm say mê khi
chuyển ngữ các tác phẩm mang giá trị tư tưởng: Nghệ thuật sống, Suy
niệm mỗi ngày, Kahlil Gibran, Phiếm thần luận…
Chẳng
bao lâu Nghĩa bị tai biến lần hai, tôi và con trai lên thăm vào 27 tháng chạp,
chuẩn bị đón Tết Tân Sửu. Bệnh tình của Nghĩa nặng hơn, tuy mắt còn sáng, trí
óc hiểu biết nhưng chân tay bị liệt, Nghĩa cảm thấy buồn vô vọng.
Khi
chúng tôi về lại Quảng Trị, được tin Nghĩa bị dịch tràn màng phổi, phải thở
ôxy, giữa lúc dịch Covid đang lan tràn. Con gái Nghĩa bằng mọi cách đã về bên
bố giai đoạn cuối đời. Chúng tôi thường liên lạc với nhau để biết tình hình sức
khỏe của Nghĩa, khi nguy kịch, khi tạm ổn.
Nhưng
rồi Nghĩa đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 6 giờ 15 phút sáng 16/9/2021, bên
cạnh con gái và 3 cháu điều dưỡng, ông cậu tu sĩ. Bạn bè, bà con, học sinh cũ
gần xa đã đến phúng viếng, gởi vòng hoa chia buồn cùng gia đình.
Nghĩa
là một con người quen sống thầm lặng, ít giao tiếp nhưng khi từ giã cõi đời lại
được nhiều người thương tiếc về nhân cách, tâm hồn, sự khiêm tốn và tài năng
qua các tác phẩm dịch và thơ để lại cho đời.
Nhà
thơ Bùi Minh Quốc và nhóm “người hiền Đà Lạt” mà Nghĩa từng kính phục, đã gởi
đến hai câu đối:
Xe thiên cổ đưa người về cực lạc
Chốn hồng trần bè bạn luống đau thương
Bình
tro được đặt trên bàn thờ. Con gái tiếp tục phóng sinh, làm từ thiện. Sau 49
ngày, tro sẽ được rải trên hồ nước trong xanh Tuyền Lâm, dưới chân của thiền
viện Trúc Lâm của Đà Lạt. Trong dịp này, cháu Diễm Thư, theo lời dặn của bố đã
trao trọn vẹn tủ sách quý giá của bố cho Trần quốc Vĩnh - làm thư viện Đỗ Tư
Nghĩa để thân hữu và con cháu yêu thích đến đọc để tâm hồn được thăng hoa, điều
Nghĩa luôn mong muốn.
_________________
Một số
sách dịch thuật văn học nước ngoài của Đỗ Tư Nghĩa đã xuất bản:
1. Những
cuộc phiêu lưu của Sherlock Holmes (Conan Doyler), Nxb Sở VHTT Lâm Đồng,
1985.
2. Khi
bố còn thơ (Araskin), Nxb Sở VHTT Lâm Đồng, 1986.
3. Như
cơn mưa bay đi (S. Krutilin), Nxb Sở VHTT Lâm Đồng, 1986.
4. Dưới
ánh trăng (Guy de Maupassant), Nxb Sở VHTT Lâm Đồng, 1986.
5. Truyện
phiêu lưu của Pick Wick (Charles Dickens), Nxb Thuận Hóa - Huế, 1994.
6. Con
đường tuổi trẻ (Daisaku Ikeda), Nxb Trẻ, 2005.
7. Cuộc
đời của luận sư Rajneesh Chandra (tự truyện Osho), Nxb Trẻ, 2007.
8. Tự
thú ( Lev Tolstoy), Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2007.
9. Tìm
lại nụ cười (Philip Martin), Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2009.
10. Kahlil
Gibran - ngọn lửa vĩnh cửu (Barbara Young), Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2009.
11. Suy
niệm mỗi ngày (Lev Tolstoy), Nxb Văn học & Khai Tâm, 2016.
12. Nghệ
thuật sống (Epictetus), Nxb Văn học & Khai Tâm, 2016
13. Đời
Tolstoy (Romain Rolland), Nxb Hồng Đức & Khai Tâm, 2017
14. Chuyện
tình của các triết gia (Andrew Shaffer), Nhã Nam, 2018.
15. Chuyện
tình của các nhạc sĩ thiên tài (Gustav Kobe), Nhã Nam, 2018.
16. Phiếm
thần luận (Paul Harrison), Nxb Tri thức, 2018.
17. Đời
Beethoven (Ramain Rolland), Khai tâm, 2021.
Ngoài ra
còn gần 20 tác phẩm trong bản thảo, đăng trên mạng, chưa xuất bản.
ĐỖ TƯ NHƠN
Nguồn: Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt
số 338, Đỗ Tư Nhơn gởi bản PDF qua Zalo.