Nhà thơ Thuý Nga |
MÙA QUẢ CHÍN
MacDung
Già néo đứt dây! Nước nhiều tràn ly! Quả chín thì rơi rụng! Vậy quả sầu rơi vào đâu!?
Có lúc nào đó tôi lạc bước miên man về miền quá vãng để nghĩ về sự không may của chính mình và cả người trong thiên hạ… Nỗi buồn từ đâu lại về! Nó day dứt cắn xé khiến cho đêm dài ra, kết tinh nỗi sầu thành quả rồi rơi rụng… Quả sầu rơi vào vùng dĩ vãng…
Tôi vốn nhạy cảm, và càng có tuổi, chứng bệnh này lại tăng thêm! Vì vậy thơ nhạy cảm từ tác giả bao giờ cũng gây sự chú ý, trong mơ hồ không sao giải thích được!...
Quả sầu rơi trong quá khứ ngập tràn hơi men. Quả sầu rơi trong mưa lệ. Có khi quả sầu lại rơi vào cơn Điên… Có lẽ Điên là cảnh giới cuối cùng của chàng thi sỹ Hàn Mặc Tử nhưng cũng không là duy nhất, bởi cảm xúc có khi trùng lặp… Cuối cùng, chả có ai giành cái Điên cho riêng mình!? Hậu thế lại cho ra đời một Bùi Giáng, rồi khắp trong cõi thơ ươm mầm những cơn Điên âm thầm chưa lộ diện…
Thiền Tông nhấn mạnh chữ Duyên. Chữ Duyên tương tác giữa tôi và các tác giả không thể đong đo cả chiều ngang lẫn dọc, khi nói theo cách cửa thiền là: Chưa Đủ Duyên. Như vậy, khi vô tình tôi phát hiện và viết đôi dòng cho tác giả nào đó phải gọi là Duyên. Duyên này theo dòng chảy Vô Thường tùy lúc bèo nước gặp nhau… Và tôi chợt bắt gặp từ một người bạn vừa mới biết nhau đã gây ấn tượng qua cơn Điên trong cõi Thương nhớ…
M Ù A Q U Ả C H Í N
t h ú y n g a
......
Phía trời thương đổ cơn giông
Ta điên… có lẽ, nên không thấy gì…
Gieo nhân từ thủa sân si
Khi trổ quả đã giáp kỳ nhất như..
Đâu là thực… đâu huyễn hư?
Bóng người nghẹn giữa nghìn thu lưu đày
Mặc kệ tỉnh, mặc kệ say
Thản nhiên ta lại "mua dây" buộc mình!!!
Tác giả Thúy Nga có vẻ khoái dùng ẩn ngữ như thách thức bạn đọc đi tìm kết quả cho bài toán chứa độ phủ rất rộng, nhiều tâm trạng. “Phía trời thương đổ cơn giông” có phải là mưa? Khi hầu hết những ai giàu tâm trạng đi vào vùng tưởng ký ức, chạm vào nỗi Thương để thấy bão giông nổi lên!? Dễ dãi tí xíu thì: Ừ, mưa khiến mình nhớ về trời Thương, rồi buồn! Hình tượng hơn, xét nghĩa bóng, mới thấy cái ác của tác giả “xúi” người đọc khóc khi nhìn về phương nào đó chứa cõi Thương đã bị lưu đày!... Và… “Ta điên… có lẽ, nên không thấy gì…”. Tác giả đang dùng chứng Điên giả tạo để bao biện cho thị lực sút kém. Không thấy ở đây vì một lý do khác chứ mới nhìn “Phía trời thương đổ cơn giông” kia mà!? Thấy gì kia chứ, khi lệ đã đẫm hết mi! Nỗi buồn hai câu thơ như chất ngất trên đỉnh sầu, khiến ai đặt mắt vào không sao cưỡng được cảm xúc trào dâng…
Mọi cái đều có sự bắt đầu! Người học Phật thường hay nói về Nhân Quả! Gieo nhân nào thì gặt quả đó. Thế nhưng trong cuộc sống nhiều người gieo nhân nhưng chưa bao giờ đợi được quả chín vì đã đi xa... Chỉ người ở lại nhận quả, hiếm khi là ngọt ngào mà man man chua xót… Từ Chân Như trong phạm trù Phật Học vốn chỉ sự Ổn Định, Thường Hằng… Nhưng Khởi và Diệt cũng bắt đầu từ Chân Như nên Duyên vốn vô định. “Gieo nhân từ thủa sân si” khi mọi sự mới bắt đầu, nhưng theo tác giả đến lúc hiểu được, định tâm được thì Quả đó bình thản nhận lúc Nhân đã không còn. Thế cho nên đối với Thúy Nga “Khi trổ quả đã đến kỳ nhất như”. Một phản kháng với thực tế khó ai chấp nhận được khi Trời Thương còn đó chứ đâu biến mất theo thời gian. Và trong cơn thảng thốt bị giằng xé, quá khứ Thực, Huyễn cứ cào cấu tâm trạng người đương cuộc không thể lấy lại được bóng người đã Nghìn Thu Lưu Đày. Cái hay của tác giả Thúy Nga là sử dụng nghệ thuật so sánh ẩn dụ trong câu lục bát:
“Đâu là thực… đâu huyễn hư?
Bóng người nghẹn giữa nghìn thu lưu đày…”
Một nỗi nghẹn ngào đối với một “trời thương” đã bị lưu đày không sau gặp lại được khiến tác giả hóa Điên và trong cơn say ấy mặc kệ Tỉnh, Say để thể hiện thực trạng không giấu giếm, thậm chí đi ngược lại sự Buông, Bỏ nhằm tìm đến Bình An. Ai cũng nói Buông, Bỏ thực dễ dàng nhưng mấy người Buông, Bỏ được!?
Có những Buông, Bỏ cho là Giác Ngộ. Nhưng… Có những sợi dây trói buộc tâm trạng con người không sao Buông, Bỏ được, còn gọi là Sắt Son…
“Mặc kệ tỉnh, mặc kệ say
Thản nhiên ta lại "mua dây" buộc mình!!!”
Thoáng chiều bâng quơ, viết đôi dòng hy vọng không làm phiền lòng tác giả…. Tác giả “mua dây” buộc mình. Còn tôi lại buộc tình cùng con chữ…
Mượn một đoạn thơ thay cho lời kết:
"Hỡi thế gian tình là chi mà khiến đôi lứa hẹn thề sống chết.
Trước đây trời Nam đất Bắc, nắng mưa gió rét vẫn có nhau.
Trải qua thời gian bên nhau đẹp đẽ, ly biệt thật đau lòng.
Chung quy vì si tình như đôi nam nữ.
Hãy nói cho ta, từ nay sớm chiều qua ngàn núi tuyết, lẻ bóng đơn độc, biết đi đâu về đâu…"
“Hỡi thế gian tình là chi mà khiến đôi lứa hẹn thề sống chết.
Trước đây trời Nam đất Bắc, nắng mưa gió rét vẫn có nhau.
Trải qua thời gian bên nhau đẹp đẽ, ly biệt thật đau lòng.
Chung quy vì si tình như đôi nam nữ.
Hãy nói cho ta, từ nay sớm chiều qua ngàn núi tuyết, lẻ bóng đơn độc, biết đi đâu về đâu…"
(Trích đoạn: Mô Ngư Nhi – Nhạn Khâu của nhà thơ, nhà sử học Nguyên Hiếu Vấn cuối thời Nam Tống.)
Sg – 22.5.2022
MacDung
macdungvh@gmail.com
No comments:
Post a Comment