Tác giả Trần Kiêm Thiện và phu nhân
GIÒNG SÔNG LIỄU HẠ QUÊ TÔI
Trần Kiêm Thiện
Giòng sông Liễu Hạ là giòng sông quê tôi. Người ta gọi là sông
Bồ, sông Phú Ốc nhưng khi khúc sông chảy qua làng Liễu Hạ* của tôi từ cống Tây
Phương Cổ Lão đến cầu Khại phe Chùa dài chừng 1 ki-lô-mét thì đó là sông Liễu
Hạ. Tôi đã quen gọi tên nó như tên làng tôi.
Hơn 80 năm cuộc đời, khi tôi mới sinh ra thì giòng sông ấy đã
già hơn mấy mươi nghìn tuổi. Đối với tôi thì đó là một dòng sông đầy kỷ niệm.
Cả một thời tuổi trẻ của tôi ở Làng, giòng sông Liễu Hạ đã đóng nhiều vai rất đặc
biệt: Mùa Xuân lạnh lẽo thì sông im vắng. Mùa Hè nóng nực thì sông là nơi tắm
mát. Mùa Thu thì sông phẳng lặng hiền hòa với gió heo may. Mùa Đông lạnh lẽo
thì sông vắng luôn những chuyến đò. Trẻ con ở làng thì chỉ biết sống như câu
hát: “Ăn no tắm mát lên cành nghỉ ngơi!” Nhưng sợ nhất là những mùa lụt bão.
Nước bạc từ mưa nguồn trên núi Trường Sơn đổ về. Giòng sông trở thành một dòng
nước lũ cuồn cuộn và làm nước lụt dâng lên lút cả làng xóm ruộng vườn.
Bởi giòng sông chảy qua phía Đông làng tôi nên mặt trời buổi
sáng dọi những tia nắng xuống giòng sông làm cho nước sông xanh lóng lánh đẹp
như mặt nước có dát bạc dát vàng. Những buổi chiều mùa Hè, nước sông trong mát
chúng tôi chơi đùa, chạy nhảy đất bụi dính đầy người rồi kéo nhau “ra rào tắm”.
Ra rào tắm là ra sông tắm. Lũ con trai chúng tôi có đứa nhỏ, đứa lớn nhưng đều
thoải mái tuột hết áo quần nhảy tùm xuống nước. Mấy đứa lớn bơi giỏi thì bơi
qua rào; nghĩa là bơi qua bên tê sông. Phía bờ bên tê làng Phe Kiền Bến tắm
thích nhất là bến "Dấu Hàn Đưới".
Từ Cổ Lão xuống Phe Chùa bờ sông làng tôi có 3 kè đá do các đời
trước đã chất cao và đổ dài từ đất làng ra tới gần giữa sông để tránh đất Làng
bị sạt lỡ gọi là “Dấu Hàn”. Ba kè đá đó được gọi tên là Dấu Hàn Côi, Dấu Hàn
Bến Đình và Dấu Hàn Đưới hay “Bến Chú Trác”.
Tôi sống xa Làng đã hơn 60 năm, nhưng giòng sông quê hương vẫn
mãi là hình ảnh đẹp trong lòng tôi. Có những kỷ niệm bị mạ đập rát da rát thịt
nhưng tôi vẫn nhớ và thương còn hơn những chuyện đẹp nhất đời mình. Tôi xin kể
một chuyện khó quên của đời tôi với giòng sông quê hương Liễu Hạ: Ở Làng, tôi
có nhiều bạn nhưng chơi rất thân với người bạn chân đất là Cao Đức Dạng. Tuy
Dạng ở vai cháu và thua tôi 3 tuổi nhưng là bạn thân và cũng là bạn học ở
trường trung học Phan Sào Nam. Dạng nay đã thành người quá cố nhưng tôi biết
xưng là chi chừ. Là ông, là anh, là chú? Đều không ổn. Thôi thì chỉ xin được
xưng bằng tên thôi. Nhớ một buổi xế chiều ngày Rằm tháng Bảy vào năm 1961, tôi
và Dạng tắm ở bến Dấu Hàn và rủ nhau bơi qua sông. Qua đến bờ sông Phe Kiền,
thuận chân chúng tôi nhảy lên bờ và tời gần cái Miếu thờ đang cúng chuối, chúng
tôi hè nhau vào miếu xách nãi chuối đang cúng và chạy ùa ra sông để bơi về lại
phía làng. Không may ông từ giữ miếu bắt được và hô hoán lên: “Bớ làng xóm!
Quân ăn cướp...Quân trộm chuối. Bắt lại, bắt lại!” Nhưng hai chúng tôi đã xách
chuối chạy ùa ra sông và bơi trở lại về phía Làng. Vụ nầy đã làm mọi người
trong làng nhốn nháo cả lên. Phía Phe Kiền tức giận yêu cầu trị tội. Phía làng
Liễu Cốc Hạ, nhất là các bậc trưởng thượng đèu lên tiếng khiển trách và yêu cầu
gia đình trị tội. Ở Làng ai cũng biết tôi là con nhà vườn, đồ trái cây như
chuối, mít, ổi, vải… trái đầy vườn nhưng tại nghịch ngợm mà “chôm” nải chuối
chứ chẳng phải thiếu thốn hay thèm khát chi. Dạng đã bị ông già đập một trận
nên thân và tôi cũng bị mạ tôi quất roi lằn ngang lằn dọc. Chừ nhớ lại mà vừa
muốn khóc, vừa muốn cười khi nhắc đến giòng sông quê hương.
Tôi nhớ bờ sông “vạt Dứt” thời chưa bị sạt lở đất rộng ra tới
nửa sông bây giờ. Bờ có bốn cây cừa và những “trộ dòm” ven bờ sông. Trộ dòm là
cái chòi lá nhỏ từ trên bờ dài xuống tới nước, thường làm bằng lá đùng đình.
Mục đích là để làm nơi rình cá. Người chủ trộ dòm ngồi núp trong chòi với cái
đọt chĩa ba hay chĩa năm sắc lẻm. Khi thấy cá bơi vào tầm nhìn từ trộ dòm nhìn
xuống thì người rình nhanh tay đâm chết cá và vớt cá lên. Người nổi tiếng “sát
ngư” thường xuyên đâm được cả xâu cá là chú thợ Mực, đó là người thợ rèn nổi
tiếng trong Làng. Giòng sông Liễu Hạ quê hương tôi đẹp cả bốn mùa. Sông đẹp mùa
Xuân với cây xanh hai bên bờ trổ lá trổ bông. Mỗi lần Tết đến dân Làng tôi đem
ghe qua bờ Phe Kiền hụp xuống sông lặn xúc cát, rồi đổ lên ghe đem về Làng đổ
cát lên các con đường làng, đường xóm ngập bùn cho khô ráo mà đi lại thăm nhau
trong ba ngày Tết. Sông đẹp với mùa Hè khi nắng sớm, nắng trưa, nắng chiều vàng
óng chiếu dọi trên sông xanh. Sông đẹp trong mùa Thu với những bụi tre lá ngà
cao vút soi bóng nước và có những ổ chim “tổ rột” bện cỏ vàng hươm treo lủng
lẳng trên ngọn tre. Sông cũng đẹp trong mùa Đông trong trận lụt đầu mùa với
từng đụn củi rều từ núi trôi theo nước nguồn, chúng tôi ra vớt phơi khô làm củi
chụm bếp cả năm, lại thêm cá nguồn đủ loại về đồng đẻ trứng, chúng tôi đơm
chẹp, cất rớ bắt ăn tươi, làm mắm, ướp thính, phơi khô để dành có năm đủ để
dành ăn suốt cả mùa Đông.
Tôi thương giòng sông ấy một đời nhưng cũng có mấy lần sợ thất
sắc. Đó là khi tàu chiến của Tây về. Tàu thủy Tây chạy ngược sông Bồ về đổ quân
vào Bợt Lở. Lính Tây đen, Tây trắng, Tây rạch mặt đổ bộ đi lùng khắp làng khắp
xóm. Lính Tây có quyền như thần thánh và dữ tợn như ma quỷ. Tây muốn lấy đồ đạc
chi hay bắt ai, đánh đập ai, hãm hiếp ai cũng phải chịu. Có một lần Tây đốt nhà
cháy rụi cả làng. Đó là những năm chiến tranh đầy bom đạn mà giòng sông quê tôi
cũng phải nhiều lần đau xót.
Giòng sông quê tôi có đủ những kỷ niệm vui buồn đã thành dấu ấn
không bao giờ phai mờ trong lòng tôi. Dấu ấn đó đã ghi vào ký ức của tôi quá
sâu đậm từ thuở tuổi còn thơ nên không có chi xóa nhòa nổi.
Những năm gần đây về thăm Làng, giòng sông quê hương Liễu Hạ trong xanh tươi mát của tôi như đã thành quá khứ vì sông bây giờ đục ngầu bởi nước các đập thủy điện ở thượng nguồn xả ra và hai bên bờ chỉ thấy những vựa nuôi cá đan bằng tre mây nằm san sát. Những lũy tre làng và những hàng tre lá ngà soi bóng nước ven sông cũng không còn nữa. Nhìn những bờ sông và bến sông xưa trơ trụi nhưng sao tôi vẫn cảm thấy yêu lắm giòng sông quê hương. Giòng sông đó có thể không còn như xưa nhưng bù lại thì giòng sông Liễu Hạ quê hương vẫn còn nằm nguyên vẹn trong lòng tôi mãi mãi.
Trần Kiêm Thiện
No comments:
Post a Comment