Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, November 30, 2021

THU SANG - XỨ LẠ - Đinh Hoa Lư

 


 

 THU SANG - XỨ LẠ

 

 Ai lướt đi ngoài sương gió

Không dừng chân đến em bẽ bàng

Ôi vừa thoáng nghe em

Mơ ngày bước chân chàng...

(Buồn Tàn Thu/ Văn Cao)

 

Có một ngày vài kẻ lữ hành sẽ dừng chân để nhớ về những chặng đường đã qua. Gió thu lành lạnh hồn người, ráng tây vàng vọt, hồ nước bên đường lăn tăn sóng gợn. Trời chiều, vài cánh chim bay muộn đang tìm về tổ ấm, riêng những kẻ tha huơng vẫn lang thang về chân trời vô định.

 


Chiều chiều vợ chồng tôi hay dạo quanh khu đồi vắng vẻ. Khu đồi khá yên tĩnh, dễ chịu. Chúng tôi cảm thấy may và khá mừng khi dời nhà lên ở được nơi đây.

 


  Tiếng xào xạc của đám lá phong khô giúp tôi cảm nhận  một mùa thu nữa đang qua và một năm tiếp nối sẽ tiếp tục đi vào quá khứ. Vùng này cứ độ cuối thu có nhiều hàng phong lá vàng rực rỡ rồi tiếp đến cả những hàng cây đó sẽ đồng loạt chuyển qua một màu đỏ ối hay vàng rực rở. Những hàng phong tiếp nối nhau hai bên đường thẳng tắp chạy tít đến cuối đường. Tôi nhận ra hình ảnh này thật đẹp, vẻ đẹp này ngày xưa tôi chỉ có dịp biết qua sách vở thôi. Một cảnh quan cứ mỗi mùa thu đến và thu đi giúp cho tôi nhận chân ra mình đang ở xứ người xa "tận chân trời góc biển " với quê hương.

 

  Cách biệt ly hương đó là những nét đặc thù với những khách đi bộ như chúng tôi hay những kẻ nhập cư kia, họ là ngừơi xứ khác, không cùng tiếng nói Việt Nam. Tất cả đều im lặng rảo bước trong trời thu lành lạnh, tĩnh mịch. Bước chân người đếm nhịp thời gian; ta chuẩn bị gì khi những chiếc lá phong chuyển qua một màu đỏ ối đợi xuân tới, chờ đâm chồi nẩy lộc .

 

Thu ở đây nét đẹp riêng biệt của những hàng phong màu huyết dụ làm tôi nhớ hai câu thơ trong truyện Kiều:

 

“Người lên ngựa kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”

 

  Thu vẫn im lìm qua đi, như vô tình trong nhịp điệu vô cảm ở xứ người. Đếm thời gian qua để biết rằng tóc chúng tôi sẽ bạc thêm, sức vơi dần và kỷ niệm nào cho những lần thu qua đông đến? Chẳng một ý niệm lãng mạn nào khi tôi nghe xào xạc dưới chân những chiếc lá phong khô nhắc nhở tôi một năm sắp qua và chúng ta sẽ thêm một tuổi! Cứ thế, những buổi tàn thu khách ly hương như họ và vợ chồng tôi sẽ rảo bước dưới hàng lá thu phong mà nhớ về những gì đã mất hay đã qua đi./.

 

ĐHL

thu 2018

Nguồn: 

https://theobongthoigian.blogspot.com 

Website của tác giả ĐINH HOA LƯ 

READ MORE - THU SANG - XỨ LẠ - Đinh Hoa Lư

ĐỌC BÀI THƠ “SAY YÊU”, NGHĨ VỀ THƠ TÌNH CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Hương Mai

 

 

ĐỌC BÀI THƠ “SAY YÊU”, NGHĨ VỀ

THƠ TÌNH CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN


Đọc bài thơ “Say yêu” khi gặp 2 từ “gian díu” tôi nghĩ có lẽ Đặng Xuân Xuyến đã dùng từ sai hoặc anh viết sai chính tả nhưng ngẫm nghĩ kỹ và đọc lại bài thơ mới thấy anh đã có chủ ý dùng từ “gian díu” vì chỉ 2 chữ đó mới diễn tả đúng được tâm trạng yêu của bài thơ: Một tình yêu cuồng nhiệt và vụng trộm! Và chỉ 2 chữ “gian díu” mới lột tả được những khát khao yêu đương, những đau đớn khi yêu và cả những nổi loạn bất cần giáo lý đạo đức của kẻ “Say yêu”, “Cuồng yêu” như gã si tình nổi loạn Đặng Xuân Xuyến!

Tình của "Say yêu" là thứ tình "gian díu", không phải là thứ tình "díu dan" “dan díu” như thường thấy ở đời nên một kẻ "Cuồng yêu", bạo liệt khi yêu, bất chấp quy tắc định chế của xã hội như Đặng Xuân Xuyến mới thẳng thắn rằng:

"Yêu thương nhé!

Một lần thôi. Là đủ

Ta đâu cần gian díu giữa nhân gian"!

Ngay khi sử dụng 2 chữ "gian díu" nhà thơ Đặng Xuân Xuyến đã có chủ ý khẳng định với bạn đọc đấy là chuyện tình trái ngang vụng trộm. Anh "huỵch toẹt" cuộc tình đó giữa thanh thiên bạch nhật, bất chấp sự soi mói đàm tiếu của người đời:

"Yêu thương nhé.

Một lần thôi. Là đủ

Ta đâu cần gian díu giữa nhân gian.".

Vì đó là thứ tình yêu “vụng trộm” trái ngang, yêu kiểu “bất chấp” nên anh sòng phẳng, không chấp nhận ngay cả sự e ngại của người phụ nữ vì theo khẩu khí của anh thì đó chỉ là kiểu làm dáng, làm mất đi thi vị của tình yêu:

"E ngại thế... Làm sao ta chẳng giận.".

Thơ tình của Đặng Xuân Xuyến thường có sự song hành cùng lúc 2 tâm trạng đối nghịch ngay trong một bài thơ, đó là sự đối nghịch giữa tâm trạng ngùn ngụt đam mê dục vọng với tâm trạng dằn vặt đau khổ trong tâm hồn vì cuộc tình đã không đạt được trọn vẹn một chữ TÌNH như mong muốn.

Tác giả Châu Thạch đã rất chính xác khi ông khái quát về thơ tình của Đặng Xuân Xuyến:

Đọc “Cưỡng Xuân” (tập thơ tình) của Đặng Xuân Xuyến, ta có hai sự rung động cùng một lúc. Đó là sự rung động của con tim yêu chân tình, say đắm và độ lượng. Cùng lúc đó cũng bốc lên trong bầu máu nóng của ta một thứ hương tình của thể xác. Hai thứ hương đó quyện vào nhau cho ta sự khoái lạc lạ lùng trong nỗi đau khổ quặn thắt. Khoái lạc vì thơ Đặng Xuân Xuyến như ngùn ngụt ngọn lửa của ái ân thể xác và của âu yếm tinh thần. Đau khổ vì thơ Đặng Xuân Xuyến làm lạnh con tim, nỗi sầu được diễn tả như bông lơn nhưng làm cho người nghe quặn lòng se thắt. Thơ đó không phải là thứ thơ hư cấu. Thơ đó là thứ thơ nở ra như những bông hoa trường trải được nẩy mầm từ hạt của nó, hạt ấy đã bị vui dập trong bao nhiêu biến động của đời.”.

Những câu thơ tả dục tình cuồng nhiệt, táo bạo, nóng bỏng, nhiều chất phồn thực nhưng không hề “khiêu dâm” “dung tục” đã làm nên nét riêng của thơ tình Đặng Xuân Xuyến, ví dụ:

- “Đêm phập phồng, ngực nõn hứng trăng non

Môi đón lưỡi uống hương tình bất tận.”

(Say yêu)

- “Thôi, ngả vào ta, cuộn vào ta

Để đêm thánh thót rót trăng ngà

Để làn gió thoảng loang hương lạ

Để trộn vào ta, nghiến nát ta..”

(Cuồng say)

- “Ta muốn đêm này em với ta

Quyện từng hơi thở trộn thịt da”

(Ở lại)

- “Nướng thời gian với ngọn đèn hiu hắt

Mắt tìm môi thêm lơi lả ánh nhìn.”

(Chiều ta về)

- “Chẳng rình em tắm như người ta

Anh sỗ sàng dụ em buông thả

Vội vã thành đàn bà

Ngơ ngẩn làm "vợ người ta"

Em mặc miệng đời bủa vây mai mỉa

Lời yêu nuốt sâu cuống họng

Em thị phi khác thường...”

(Bến đợi)

- “Thì...

Ngủ với nhau một đêm

Ta nếm môi nhau một bận

Ta lần ngực nhau một bữa

Cho chừa cái nết sợ đêm.”

(Sợ đêm)

- “Vội vã cuống cuồng quấn chặt nhau

Chẳng vì yêu

Chẳng vì đầu mày cuối mắt

Ngấu nghiến nhau chỉ giải nghiền cơn khát

Trách móc làm gì câu nói đầu môi.”

(Tình vội)

- “Em hững hờ thả từng lọn trăng suông

Anh nén thở đè muôn ngàn con sóng

Vòng tay ôm có phần em lơi lỏng

Khẽ co người khi chạm khúc triều dâng.”

(Phía không em)

- “Em rướn mình hà hít nụ hôn anh

Tê tái lắm. Cuộc tình mình thật tội

Môi khóa môi mà sao xa vời vợi

Đêm cuống cuồng khỏa lấp nỗi chơi vơi.”

(Mơ trăng)

Những câu thơ cuống quýt yêu, bạo liệt yêu như thế xuất hiện trong thơ Đặng Xuân Xuyến khá nhiều và các chuyện tình trong thơ của anh cũng phần nhiều rơi vào những sự éo le, ngang trái. Với “Chuyện tình của "Mơ Trăng" là cuộc tình một bên cuống quýt được thỏa mãn cơn khát thèm thể xác, vội vã tận hưởng những phút giây ân ái, một bên lặng người, xót xa, tội nghiệp cho tình yêu "em" đang dâng hiến và cũng tê tái cho cuộc tình ngang trái của cả hai.” (Vài cảm nhận về 2 bài thơ tình của cậu học trò lớp 12 - Đặng Xuân Xuyến). Thì “Tình vội” lại là một chuyện tình đơn thuần chỉ là cuộc giao hoan giữa 2 thân xác, cả 2 lao vào nhau để tự giải tỏa những khát khao tình dục cho nhau còn chuyện tình của “Say yêu” thì đích thực là lời mời gọi khát tình của một kẻ cô đơn này với một kẻ cô đơn khác:

SAY YÊU

- Với T.L.A -

.

Yêu thương nhé. Một lần thôi. Là đủ

Ta đâu cần gian díu giữa nhân gian

Uống nữa đi. Đây rượu ngọt. Môi mềm

Đêm lạnh lắm đừng để ta lẻ bạn.

.

Nào nâng chén cho sầu sầu rũ bỏ

Trút áo xiêm cho đêm bớt ngại ngần

Đây rượu nồng, men ủ đã nhiều năm

E ngại thế... Làm sao ta chẳng giận.

.

Thì ta biết thuyền em chưa bến đậu

Giấu mơ hoang vật vã đợi phong cuồng

Ta nhốt mình đằng đẵng mấy mùa ngâu

Nén lơi lả loạn điên nơi cõi mộng.

.

Ừ thì rượu. Ừ thì thơ. Ừ mộng đẹp

Ừ thì say cho hỉ hả phong trần

Đêm phập phồng, ngực nõn hứng trăng non

Môi đón lưỡi uống hương tình bất tận.

.

Yêu thương nhé.

Một lần thôi. Là đủ

Ta đâu cần gian díu giữa nhân gian...

*.

Hà Nội, đêm 11 tháng 04 năm 2014

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Trong thi ca Việt Nam, hầu hết những người đẹp trong các tiệc rượu của các nhà thơ Lưu Trọng Lư, Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu... là gái giang hồ, là kỹ nữ... chỉ là khách mua vui của các thi nhân nhưng những người đẹp trong thơ rượu của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến (Say yêu, Em, Mơ đêm, Ở lại,...) lại là những người con gái khoác áo “con gái nhà lành” nhưng khát yêu, cuồng yêu vì cô đơn, vì những trắc trở của các cuộc tình... đến với thi nhân cũng chỉ để thỏa mãn những bức bách của dục tính gần như là tình một đêm, tình chớp nhoáng.

Đặng Xuân Xuyến đã bộc bạch quan niệm về thơ tình qua bài anh cảm nhận về tập thơ “Sóng ngầm” của nhà thơ Ngô Nguyễn:

Thơ Ngô Nguyễn ít có những giằng xé dữ dội của tâm trạng, của những ham muốn yêu đương xác thịt mà thường là những chuyển biến rất nhẹ nhàng, những xáo trộn tình cảm vẫn còn nằm trong sự “kiểm soát” và “giữ gìn” của lý trí, kiểu: Ừ thì,/ gió thoảng mây bay/ Ừ thì,/ chỉ cái chau mày/ nhếch môi....(Ừ thì)... của những nỗi buồn chơi vơi, của những xâm chiếm nhẹ nhàng hồn cốt: Được lời/ em đến thăm nhà/ Ngó cau/ cau mới đang hoa/ bao giờ (Mùa cau)... Tình yêu đấy “sạch” quá, “lành” quá. Ôi! Tình yêu! Phải có những lườm nguýt “ứ hự”, phải có những cắn, cấu, cong người, những “nổi loạn”, hả hê... thì mới sướng, mới khoái, mới đã, mới đích thực là tình yêu, chứ cứ lượn lờ mây trôi cá lội, í a í a thì quá chán... Vâng! Tôi quan niệm tình yêu phải vậy.”

Nhà thơ, nhà phê bình văn học Châu Thạch thì chắc nịch về thơ tình của Đặng Xuân Xuyến:

Phải chăng thứ tình yêu bình thường, những ân ái bình thường không đáp ứng được cho một trái tim nhạy bén, một tâm hồn thơ luôn mơ mộng sự trong trẻo, sự vô biên, dây quyến luyến vượt quá cuộc đời. Con người thật của Đặng Xuân Xuyến ra sao ta đâu biết được nhưng thơ Đặng Xuân Xuyến quả là đúng như vậy.”

Còn tôi thì chua thêm câu về thơ tình của Đặng Xuân Xuyến:

Đặng Xuân Xuyến cuồng nhiệt yêu, bạo liệt yêu vì anh chưa thực sự được sống trọn vẹn với tình yêu!

*.

Hà Nội, ngày 1 tháng 12 năm 2021

VŨ THỊ HƯƠNG MAI


Email: huongmai8081@yahoo.com.vn

.

READ MORE - ĐỌC BÀI THƠ “SAY YÊU”, NGHĨ VỀ THƠ TÌNH CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Hương Mai

GÓC CAFÉ SÁNG NGỒI CHỜ ÁP THẤP – Thơ Khaly Chàm

 
 
            Nhà thơ Khaly Chàm
 

góc café sáng ngồi chờ áp thấp
 
mỗi sáng được nghe câu chuyện mới
người ta bàn cãi về sự đời chỉ biết hóa trang
tranh luận với nhau cái tính chất và hình thức chết
một khi chết đi để rồi tiến hóa và vĩnh hằng
thiên đường, niết bàn, cảnh giới này nọ kia
 
làm sao biết được những ngày của đoạn cuối
này em, chúng ta đã ra đi và trở lại từ khi nào
hiện tại cứ phải cõng mãi giấc mơ luẩn quẩn trong tiếng gọi của đất
hãy như những cây đời thinh lặng có vội vã gì đâu
lá vẫn biếc xanh từng ngày giữa lòng thành phố luôn náo nhiệt
 
bình minh chưa hửng nắng để kịp rơi âm sắc
dường như vị đắng muốn đắng hơn khi nhỏ giọt
những lá ngải dụ khách cùng vài đóa hoa lan ngỡ ngàng vì tiếng hót lạc giọng của lũ chim
chẳng ai có ý tưởng ngửi mùi đậm đặc của cơn áp thấp
có thể là như vậy
ngoài trời lửng lơ những khuôn mặt trôi đi còn lơ mơ giấc ngủ
 
tptayninh 11/2021
khaly chàm
 
READ MORE - GÓC CAFÉ SÁNG NGỒI CHỜ ÁP THẤP – Thơ Khaly Chàm

Sunday, November 28, 2021

CHIỀU ĐÔNG QUÊ MẸ - Thơ Tịnh Bình





CHIỀU ĐÔNG QUÊ MẸ
 
Sương giăng trắng phía mênh mông
Ngó về quê mẹ chiều đông rối bời
Cỏ may xao xác chân trời
Từng cơn gió vỡ chơi vơi lặng thầm
 
Xa rồi tuổi dại mù tăm
Co ro đi học rét căm đông về
Đồng mùa lúa trĩu vàng đê
Củ khoai ấm dạ lời quê ngọt bùi
 
Khoảng trời mây trắng ngược xuôi
Bến quê con nước ngậm ngùi hoàng hôn
Lạnh đông se sắt vào hồn
Ngõ về quê mẹ bồn chồn bước chân
 
Lau gầy đôi nhánh bâng khuâng
Bờ tre khóm trúc tần ngần gió lay
Rụng vào mắt khói chiều cay
Bếp quê tình mẹ nhen hoài lửa rơm...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)

READ MORE - CHIỀU ĐÔNG QUÊ MẸ - Thơ Tịnh Bình

EM GIẤU MÙA THU TÔI Ở ĐÂU? – Thơ Nguyên Lạc

 
 


EM GIẤU MÙA THU TÔI Ở ĐÂU?
 
Em giấu mùa thu tôi ở đâu?
Hình như trong phiến nhớ rêu màu
Thu ơi khẽ tiếng chi thương nhớ?
Hãy để tình tôi đáy huyệt sâu!
 
Khơi mở hồn tôi thu thế sao?
Hắt hiu vàng lá chao ngang đầu
Khói sương vương mắt mờ nhân ảnh
Dấu vết tình tôi thu giấu đâu?
 
Vẫn nhớ vườn thu em với tôi
Quế hương son đẫm ngất môi người
Thu phong se sắt trời cô lữ
Hãy chỉ giùm tôi dáng thu ngời
 
Dấu vết tình tôi thu giấu đâu?
Sầu tôi từng cánh gió ru hời!
Em theo mộng ước đời xanh biếc
Bỏ lại hồn tôi lệ lá rơi!
 
Bức tử tình tôi như thế sao?
Em mang theo hết những ngọt ngào
Trong tôi còn lại trời nhung nhớ
Và phiến môi son nguyệt quế nào
 
Em giấu mùa thu tôi ở đâu?
Em, mối tình thu tôi phương nào?
Bao năm rồi đó "mùa thu chết" *
Tôi giấu tình tôi đáy huyệt sâu!
 
Nguyên Lạc
 
............
 
Tên bài hát của Phạm Duy
 
READ MORE - EM GIẤU MÙA THU TÔI Ở ĐÂU? – Thơ Nguyên Lạc

Saturday, November 27, 2021

QUAY VỀ - Nhạc và lời: Nguyễn Tâm Hàn - Giọng ca: Hà Thanh





Quay về


Nguyễn Tâm Hàn

 (Chép từ hopamviet.vn.)


1. Dòng [Em] người [B7] như nước [D] lũ
Kéo [B7] nhau [C] lầm lũi quay [Em] về
Nhớ ngày nao bước [Am] đi
Chôn lòng đau rời [D] quê dấu [G] yêu.

Mộng [C] đời thoát trầm luân
Nhưng khốn cùng [Em] vẫn không [B7] rời
Thôi [Am] đành [C] dẫu đói [B7] no
Tìm bình [Am] yên giữa [C] nơi [B7] thôn [Em] làng.

ĐK:
[Em] Tha [C] hương [B7] nổi [Em] trôi
Đời [G] sống quá khốn [Em] khó
Nhưng lòng [B7] cố vượt [Am] bao cam [D] go
Mong ngày [Am] sau thoát qua cơ [B7] hàn
Thay quãng đời chỉ ngô [Am] khoai
Vui tháng [Em] ngày được no [B7] ấm cơ [Em] ngơi.

2. Nào [Em] ngờ [B7] như cơn [D] lốc
Bỗng [B7] nhiên [C] từ phương [Em] nào
Dịch bệnh lan khắp [Am] nơi
Giết người nhanh tưởng [D] trong giấc [G] mơ.

Đành [C] lòng biết gì hơn
No đói tìm [Em] lối quay [B7] về
Bước [Am] đời [C] thêm tái [B7] tê
Cuộc phù [Am] sinh khác [C] chi [B7] bọt [Em] bèo.




READ MORE - QUAY VỀ - Nhạc và lời: Nguyễn Tâm Hàn - Giọng ca: Hà Thanh

VÌ SAO GỌI LÀ “MƯA NGÂU”, “ÔNG NGÂU BÀ NGÂU” MÀ KHÔNG GỌI THEO CÁCH KHÁC? - Phiếm luận của La Thụy



Hôm nọ, anh em khi trà dư tửu hậu có người thắc mắc vì sao gọi là “mưa ngâu”, vì sao gọi là gọi là “ông ngâu bà ngâu”. Tất nhiên, truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ được đưa ra để giải thích. Người thắc mắc lại hỏi vậy sao không gọi là “mưa ngưu”, “ông ngưu bà ngưu”. Một ông bạn cho rằng “ngâu” là cách đọc chệch chữ Ngưu. Thế là một ông bạn khác cười chế nhạo: “mưa ngưu” là “mưa trâu” “ông ngưu bà ngưu” là “ông trâu bà trâu” à !?!  Vì sao có sự đọc chệch như thế ? Mà vì sao không đọc chệch theo cách khác đi ?

Ông bạn khác lại cho rằng:
Gọi là “mưa ngâu”, “ông Ngâu bà Ngâu” vì loài hoa ngâu gắn liền với câu chuyện tình Ngưu Lang – Chức Nữ từ xa xưa. Hoa ngâu mang ý nghĩa về một tình yêu thủy chung, với khát vọng tự do trong tình yêu.  Nhưng ông bạn lại không nêu được sự liên quan giữa Ngưu Lang Chức Nữ và hoa ngâu như thế nào trong truyền thuyết.


Tôi nghĩ ông bà của ta xưa gọi là “mưa ngâu”, “ông ngâu bà ngâu” chắc có lý do, mình thử tra tìm tiếng “NGÂU” trong chữ Nôm (chữ viết của ông bà ta hồi xưa) xem sao! Chữ Nôm vốn mượn âm và chữ của Hán Tự mà, nên chắc chắn có liên quan về cách viết, cách đọc thôi.

Vì thế, tôi mới mầy mò tra từ điển Hán Nôm mới biết chữ Nôm có tới 6 cách viết chữ Ngâu. Đó là âm đọc chữ Hán “ngưu” (trâu); kế tiếp là các chữ “ngưu” bộ mộc, bộ thảo; chữ “ngô” bộ mộc, bộ thảo; chữ “ngao” bộ mộc.

(Ảnh chụp một phần trang của quyển từ điển Hán Nôm của Vũ Văn Kính)

Xét 6 cách viết tiếng NGÂU theo tự dạng chữ Nôm, ta có:
 
1/ NGÂU là âm Nôm đọc chữ Hán “ngưu”   
NGƯU   chữ  Hán, còn có nghĩa là con bò, là sao Ngưu hay là họ Ngưu.
Trong truyện kiếm hiệp ‘Lục Tiểu Phụng’ của Cổ Long có nhân vật Ngưu Nhục Thang nghĩa nôm na là ‘canh thịt bò’. Người ta gọi con trâu là thủy ngưu để phân biệt với con bò là hoàng ngưu

2/ NGÂU là âm Nôm đọc chữ Hán “ngưu” có bộ thảo  䒜 : hoa ngâu.     
   
3/ NGÂU là âm Nôm đọc chữ Hán “ngô” có bộ thảo   : hoa ngâu.   
      
4/ NGÂU là âm Nôm đọc chữ Hán “ngô” có bộ mộc  𫉎 : hoa ngâu.

5/  NGÂU là  âm Nôm đọc chữ đọc chữ Hán “ngưu” có bộ mộc: Hoa ngâu

(Mời xem ảnh chụp một phần trang của quyển từ điển Hán Nôm của Vũ Văn Kính)

Hoa ngâu còn có tên là “mộc ngưu” ( )     
                        
6/ NGÂU là âm Nôm đọc chữ đọc chữ Hán “ngao” có bộ mộc: Hoa ngâu

(Mời xem ảnh chụp một phần trang của quyển từ điển Hán Nôm của Vũ Văn Kính)
       
* Ta thấy “vợ chồng Ngâu”, “mưa ngâu” đều viết bằng tự dạng chữ Nôm là  牛 (âm Nôm đọc chữ Hán “ngưu”)
- Riêng “hoa ngâu” đều được viết với âm Nôm có 5 tự dạng chữ Hán khác nhau: “ngưu” bộ mộc, chữ “ngưu” bộ thảo; chữ “ngô” bộ mộc, chữ “ngô” bộ thảo; chữ “ngao” bộ mộc
(Bộ thảo, bộ mộc dùng để chỉ về cây cỏ, nên viết về hoa ngâu là đúng quá)
 
* Thế thì tại sao NGÂU trong tự dạng chữ Nôm không có cách viết với chữ “ngưu” với bộ thủy (để có thể chỉ cơn mưa ngâu)?
 
Theo tôi nghĩ, đơn giản “mưa ngâu” có nghĩa là “mưa của vợ chồng ngâu”. Mưa rơi bắt nguồn truyền thuyết những giọt nước  mắt của “ông Ngâu bà Ngâu” rơi. Loại mưa này phụ thuộc về nhân vật trong truyền thuyết nên chữ viết phải theo tên nhân vật thôi. Và, Hán tự đã sẵn có chữ 水牛 (thủy ngưu) có nghĩa là con trâu (trâu nước), để phân biệt với hoàng ngưu là con bò.
Đã có chữ thủy ngưu là con trâu rồi thì mưa ngâu (‘chữ ngưu có bộ thủy’ làm chi có chỗ chen chân vào đây được!) khác với hoa ngâu viết với chữ ngưu” bộ mộc, hơn nữa hoa ngâu có tên Hán Việt là mộc ngưu

*
Như thế, xét theo chữ Nôm thì “NGÂU” trong các từ ngữ “mưa ngâu” và “ông Ngâu bà Ngâu” là do nói theo âm Nôm của từ Hán “ngưu” về nhân vật “Ngưu Lang”, 1 trong 2 nhân vật chính trong truyền thuyết Ngưu Lang - Chức Nữ. Hầu như ai cũng biết về truyền thuyết này - một chuyện tình cổ tích, trong đó, ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch hàng năm là ngày họ gặp nhau (qua chiếc cầu Ô thước - do đàn quạ nối đuôi nhau tạo thành chiếc cầu cho 2 người đến với nhau). Thật ra, Ngưu Lang (牛郎) và Chức Nữ (織女) không phải là họ tên (họ Ngưu, họ Chức; tên Lang, tên Nữ; cho dù trong xã hội có 2 họ này) mà là cách gọi căn cứ vào nghề nghiệp của họ. Ngưu Lang là chàng trai chăn trâu; Chức Nữ là cô gái dệt vải.

Nên, không phải như sự chế nhạo của ông bạn kia, “mưa ngưu” là “mưa trâu”“ông ngưu bà ngưu” là “ông trâu bà trâu”. Vì Ngưu Lang là chàng chăn trâu (chứ không phải là “chàng trâu”) nên “ông ngâu bà ngâu” là ông bà nhà chăn trâu (chứ không phải là “ông trâu bà trâu”), “vợ chồng Ngâu” là “vợ chồng nhà Ngưu Lang”
 

MƯA NGÂU là một loại mưa xuất hiện vào đầu tháng 7 Âm lịch ở Việt Nam hàng năm. Trong dân gian Việt Nam có câu tục ngữ: “vào mùng 3, ra mùng 7”, nghĩa là mưa sẽ có vào các ngày mùng 3 đến mùng 7; 13 đến 17 và 23 đến 27 âm lịch. Các cơn mưa thường không liên tục, rả rích, do vậy mới có cụm từ “trời mưa sụt sùi” để chỉ mưa ngâu.
 
Theo truyền thuyết thì Ngưu Lang và Chức Nữ chỉ gặp nhau một năm một lần vào ngày 7 tháng 7 Âm lịch. Vào ngày ấy, bao giờ cũng mưa dầm dề, đó là nước mắt của cả Ngưu Lang lẫn Chức Nữ, sau khi hàn huyên tâm sự, họ lại khóc cho nên các cơn mưa mới không liên tục, lúc mưa, lúc tạnh. Nước mắt của họ rơi xuống trần gian hoá thành cơn mưa, đó chính là “mưa Ngâu”. Do vậy, người ta còn gọi Ngưu Lang Chức Nữ là “ông Ngâu bà Ngâu”.
 
Với lời giải thích: Gọi là “mưa ngâu”, “ông Ngâu bà Ngâu” vì loài hoa ngâu gắn liền với câu chuyện tình Ngưu Lang – Chức Nữ từ xa xưa. Hoa ngâu mang ý nghĩa về một tình yêu thủy chung, với khát vọng tự do trong tình yêu. 
 
Tôi đã ra sức tìm trên mạng internet, tra cứu sách vở, thấy có lời giải thích giống như thế. Nội dung như sau:
“Hoa ngâu mang ý nghĩa về một tình yêu thủy chung, với khát vọng tự do trong tình yêu. Loài hoa ngâu gắn liền với câu chuyện tình Ngưu Lang – Chức Nữ từ xa xưa. Là biểu tượng của một tình yêu chân thành, vĩnh hằng hoa ngâu khiến người ta khó có thể quên.”

Tuy nhiên, tôi hoàn toàn chưa thấy tình tiết cụ thể nào cho biết loài hoa ngâu gắn liền với câu chuyện tình yêu chung thủy của Ngưu Lang – Chức Nữ cả. Ví dụ như giọt nước mắt của ông bà Ngâu thấm vào đất làm mọc lên loài hoa ngâu chẳng hạn...

Tra cứu tự dạng chữ Nôm về hoa ngâu, thì có 2 cách viết chữ NGÂU có gốc Hán tự là “ngưu”. Đó là NGÂU có chữ “ngưu” bộ mộc  NGÂU có chữ “ngưu” bộ thảo. Không rõ với tự dạng hai chữ Nôm này thì hoa ngâu có liên quan với Ngưu Lang Chức Nữ thế nào?



TÓM LẠI:
 
Những giọt nước mắt của Ngưu Lang - Chức Nữ rơi xuống trần thế trong đêm Thất Tịch ấy, dân gian chúng ta gọi là mưa Ngâu.
NGÂU trong cụm từ “ông Ngâu bà Ngâu”, “mưa ngâu” được viết theo tự dạng chữ nôm là   như NGƯU của Hán tự, Tiếng NGÂU này chính là nói theo âm Nôm đọc chữ Hán “ngưu”  牛 của nhân vật Ngưu Lang (牛郎) mà ra.
Vì “mưa ngâu” có nghĩa là “mưa của vợ chồng ngâu”. Mưa rơi bắt nguồn truyền thuyết những giọt nước mắt của “ông Ngâu bà Ngâu” rơi. Loại mưa này phụ thuộc về nhân vật trong truyền thuyết nên chữ viết phải theo tên nhân vật thôi. Các cơn mưa ngâu thường là loại mưa nhỏ nhưng rả rích suốt trong vài ngày.



Mưa Ngâu đã đi vào thơ ca, âm nhạc Việt Nam với hình ảnh đẹp và buồn. Mưa Ngâu có trong ca dao Việt Nam như:
 
Tục truyền tháng bảy mưa ngâu,
Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền
...Tháng sáu lo chửa kịp tiền
Bước sang tháng bảy lại liền mưa Ngâu
Tháng bảy là tháng mưa Ngâu
Bước sang tháng tám lại đầu trăng thu...

Tháng năm tháng sáu mưa dài
Bước sang tháng bảy tiết trời mưa Ngâu
Nhớ ai như vợ chồng Ngâu
Một năm mới gặp mặt nhau một lần.
                                           (Ca dao)
 
Nhà thơ Trần Tế Xương có bài “Mưa tháng bảy” được làm theo thể thất ngôn bát cú:
 
Sang tuần tháng bảy tiết mưa ngâu
Nắng mãi thì mưa cũng phải lâu.
Vạc nọ cầm canh thay trống mõ,
Rồng kia phun nước tưới hoa màu.
Ỳ ào tiếng học nghe không rõ
Mát mẻ nhà ai ngủ hẳn lâu.
Ông lão nhà quê tang tảng dậy
Bảo con mang đó chớ mang gầu.

Hay bài thơ song thất lục bát “Vợ chồng ngâu”
 
Tục truyền tháng bảy mưa Ngâu,
Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền.

Một là duyên, hai thời là nợ,
Sợi xích thằng ai gỡ cho ra?
Vụng về cũng thể cung nga,
Trăm khôn nghìn khéo chẳng qua mục đồng.
Hay là sợ muộn chồng chăng tá?
Hơi đâu mà kén cá chọn canh!
Lấy ai, ai lấy cũng đành,
Rể trời đâu cả đến anh áo buồm.
                          Trần Tế Xương

  Nhà thơ Lưu Trọng Lư từng viết:
 
“Đây là dải ngân hà
Anh là chim Ô Thước
Sẽ bắc cầu nguyện ước
Mỗi đêm một lần qua”

Trong tân nhạc, nhạc sĩ Lam Phương cũng mượn câu chuyện này để viết ca khúc “Thu Sầu”, ông viết “Người từ nghìn dặm về mang nỗi sầu, nhịp cầu Ô Thước tìm đến mai sau...”

Nhạc sĩ Đặng Thế Phong cũng nhắc tới “mưa ngâu” trong nhạc phẩm nổi tiếng “Giọt mưa thu”:
“Đến bao năm nữa trời, vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu...”
Mưa Ngâu cũng đã được lấy làm tên cho một bài hát của nhạc sĩ Thanh Tùng, bài Mưa Ngâu“...giọt mưa Ngâu hay là nước mắt ai nhớ nhau...”
 
Cũng giống như ngày lễ Valentine của Phương Tây, ngày thất tịch (mồng 7 tháng 7) cũng là ngày dành cho những người yêu nhau ở một số nước Á Đông


Tuy nhiên, đi kèm theo đó là nhiều lễ hội mang ý nghĩa tâm linh nhiều hơn. Ngày này tại Việt Nam được gọi là ngày “ông Ngâu bà Ngâu”.
Đêm Thất tịch, chòm sao Chức Nữ sẽ sáng vô cùng và người ta tin rằng hai người yêu nhau nếu cùng ngắm sao Ngưu Lang-Chức Nữ trong đêm 7/7 âm lịch thì sẽ mãi ở bên nhau.
Thông tin trên báo Thanh Niên cho biết, ngày 7/7 âm lịch hàng năm tại các nước Châu Á được chọn làm ngày Tình Yêu.
Tại Trung Quốc, ngày này được gọi là Lễ hội Qixi, Nhật Bản có Tanabata, Lễ hội Chilseok ở Hàn Quốc thì khi du nhập vào Việt Nam nó thành Ngày Thất tịch.
 
Mùa dịch Covid, suốt ngày chỉ ngồi bó gối ở nhà vì hạn chế ra đường, đi lại. “Rảnh rổi sinh nông nổi”, nên tôi viết lếu láo đôi dòng lạm bàn, nếu có gì sai sót xin quý bác bỏ qua.
 
La Thụy 

READ MORE - VÌ SAO GỌI LÀ “MƯA NGÂU”, “ÔNG NGÂU BÀ NGÂU” MÀ KHÔNG GỌI THEO CÁCH KHÁC? - Phiếm luận của La Thụy