Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, September 30, 2021

RÚ CÁT HẢI LĂNG - Chùm thơ Nguyễn Văn Trình

 Nhà thơ Nguyễn Văn Trình

 

 Rú cát Hải Lăng  (1)

                Nguyễn Văn Trình

           

Chiều về rú cát Hải Lăng

chập chùng đồi cát rú cấy um tùm

cuối trời tít tắp chân mây

cát như bất tận, dịu dàng bước chân

bần thần rú cát ven đường

thoảng hương hoa dại trên đồi cát bay

dấu chân bước vội chiều nay

gió về lấp cả núi đồi hoang vu

khúc ru miềm cát một thời

nơi vùng ẩn nấp, những người đấu tranh

để giành độc lập nên ngày hôm nay

cát bay dấu tích còn lưu

ưu tư đứng lặng, mơn man gió chiều… 

 

Chiều về rú cát Hải Lăng

gió như thịnh nộ cát xây nên đồi

bồi hồi đứng ngắn xương rồng

trông hoa khoe sắc lung linh đất trời

điểm tô vùng cát, một đời cằn khô

nhấp nhô hạt cát nhỏ nhoi

nhưng mà cứng rắn, dễ đâu coi thường

chẳng vương bụi bẩn trắng tinh

chẳng bao giờ chịu lẫn mình vào ai…

 

Chiều về rú cát Hải Lăng

mịn màng đồi cát, dáng cây ngập ngừng

lưng chừng bóng ngã chân đồi

xa xôi thấp thoáng, một vùng cỏ may

hoa may níu bước chân trần

vấn vương chút cát, đi về nhớ thương

câu thơ viết vội, lời thề uyên ương

người đi lưu luyến xương rồng

dấu chân trên cát, mong đừng vội tan

lòng ai trang trải cát vàng

trái tim lỗi nhịp, bàng hoàng cát bay…

 

                                   NVT 

                            Hải lăng, 2019

                             

(1) Rú : Tiếng Hải Lăng, Quảng Trị là rừng. Rú cát là rừng cây trên cát.

 

Rốn lũ Triệu Phong

                Nguyễn Văn Trình

 

Về nơi rốn lũ Triệu Phong

trắng trời mưa lũ, nước cuồn cuộn dâng

mênh mông ngập cả một vùng

lúa vừa chính hạt,

ngô, khoai, sắn , đậu… lũ ngâm ngoài đồng

trâu, bò, gà, lợn, cá, tôm…

trôi theo dòng nước, xuôi về Biển Đông

lũ lớn quá, bao ngôi nhà chạm nóc

cột đổ, nhà xiêu

bùn lấp đầy vườn, đầy sân, đầy ngõ…

chôn vùi tất cả công sức bao ngày

một nắng  hai sương, khó nhọc

người nhà nông phút chốc trắng tay

biết sống sao đây, đợi ngày giáp hạt…?!

 

Về nơi rốn lũ Triệu Phong

mưa như trời đang trút nước

lũ về ngập tới ngọn tre

trường học chìm sâu dòng nước

bốn bề tang tóc, đau thương…

nhà trẻ, trạm xá vùi chôn trong bùn

hốt hoảng người dân giữa cơn lũ dữ

mong manh phận số, nhọc nhằn

mưa lũ về tiếng xé lòng cầu cứu

chồng gọi vợ giữa cơn hồng thủy

mẹ tìm con trong dòng nước đục ngầu

ngập xóm ngập làng, giờ biết nơi đâu…

mưa lũ về đàn em nhỏ bơ vơ

đói cơm rét lạnh, đứng ngồi co ro

bữa ăn còn thiếu, áo quần tả tơi

sách vở giờ trộn chung bùn đất

ngày đến trường vất vả, còn xa…

 

Về nơi rốn lũ Triệu Phong

nước về trắng cả vùng quê

đường thôn ngõ xóm, tràn trề lũ dâng

nước ngập chẳng có chỗ trú thân

người, vật cùng lên nóc nhà tránh lũ

lòng hoang mang

nước mắt không còn đủ khóc

sống trong cảnh nguy nan rốn lũ

thất vọng nhìn trời

chẳng ngớt cơn mưa

thân ướt lạnh, bụng cồn cào đói lả

cảnh thương tâm

cuồng phong nổi cơn thịnh nộ

tài sản , con người bị lũ cướp đi

rồi sẽ sống sao đây

những ngày sau cơn lũ dữ  !?

từng đoàn cứu trợ về đây

tình người trong lũ giúp nhau

đùm bọc cho qua ngày khốn khó

bỗng vang lên câu ca hy vọng:

còn da lông mọc, còn chồi nảy cây (1)

mong qua cơn bĩ cực, đợi hồi thái lai…(2)

để ngày sau,

cây khô, cây lại đâm chồi trổ bông…

 

               Mùa lũ dữ - 2020

                      NVT

(1) Trích câu ca dao Quảng Trị :

“ Chớ than phận khó ai ơi,

Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây. ”

(2)Trích câu tục ngữ Việt Nam: “Qua cơn bĩ cực, đến hồi thái lai.”

 

 

KỲ VĨ MỘT TƯỢNG ĐÀI (1)

                       Nguyễn Văn Trình

 

Chiều công viên Fidel

dạo quanh vòng hồ

kính cẩn nhìn về phía tượng đài

Fidel vĩ đại

nhà  cách mạng Cu Ba lỗi lạc

bạn bè quốc tế gọi ông

“anh hùng thế giới,

khuôn mẫu của Garibaldi” (2)

Fidel người bạn thủy chung

ông đã đến mảnh đất

tuyến đầu chống giặc (3)

hô vang lời thề đoàn kết:

“ Vì Việt Nam, Cu Ba sẵn sàng

hến dâng cả máu của mình” (4)

Việt Nam nhớ đến ông

Quảng Trị biết ơn ông

xây dựng công viên, tượng đài Fidel

thắm tình hữu nghị Việt nam - Cu Ba

 

Chiều công viên Fidel

người người đến đây

với nhiều lứa tuổi khác nhau

Những người già tập dưỡng sinh

và đi bộ

nhìn lên tượng đài

đau đáu về người anh em

một thời chia lửa

Những nam thanh nữ tú

những cặp tình nhân hò hẹn

thướt tha trong bộ cánh tươi màu

nhìn lên tượng đài

thầm biết ơn quá khứ

nguyện sống xứng đáng với máu xương

của cha ông mình đã đổ xuống đất này

để hồi sinh sự sống

Những đứa trẻ đến đây

với bao điều vui thú

đạp xe, đá bóng, đu quay, trượt cầu…

nhìn lên tượng đài

thấy đôi mắt Fidel rực sáng sáng, dịu hiền

thấy vầng trán Fidel mênh mông

và thấy bầu trời xanh đầy ước vọng…

chắp cánh bay cao, bay xa

cho một ngày mai tươi sáng

 

                        

                               NVT

(1) Fildel (1926 - 2016) nhà lãnh đạo CM nổi tiếng của Cu Ba và là người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam.

(2) Garibaldi (1807 – 1882) là nhà CM người Ý, người đấu  tranh cho sự thống nhất của nước Ý vào TK 19. Ông được xem là người anh hùng dân tộc nước Ý và được gọi là “ anh hùng hai lục địa” vì những đóng góp của ông cho công cuộc  CM ở Châu  Âu và Nam Mỹ .                                                       

 (3) Fidel đến tuyến lửa Quảng Trị năm 1973.

(4) Câu nói nổi tiếng của Fidel khi đến thăm Việt Nam,đến thăm mảnh

đất Quảng Trị anh hùng. Câu nói này bây giờ đã khắc lên bên dưới tượng đài của ông ở công viên Fidel TP Đông Hà.

 

Về thăm đồng trũng Hải Lăng

                           Nguyễn Văn Trình

 

Về thăm đồng trũng Hải Lăng

thênh thang ruộng lúa, mênh mang cánh cò

dịu dàng cơn gió đồng quê

mà say hương lúa, mà mê hương đồng

bóng ai thấp thoáng áo nâu

bồng bềnh tóc rối, giữa chiều ruộng sâu

 bao nhiêu bông lúa trổ cờ

thấy mùa no ấm, bến bờ yên vui…

 

Về thăm đồng trũng Hải Lăng

nhớ ngày gieo hạt vụ mùa

còng lưng vất vả sớm trưa cấy cày

chân lấm, tay bùn lặn lội

đội trời đạp đất, ngày đêm nhọc nhằn

thấm bao vị mặn, mồ hôi người trồng

cho đồng lúa chính đơm bông

hạt vàng sáng rực, giữa sân ngày mùa…

 

Về thăm đồng trũng Hải Lăng

vào mùa thu hoạch rộn ràng đó đây

cánh đồng lúa chín ươm vàng

tươi màu no ấm, dân làng mừng vui

nông dân kĩu kịt gánh về

dẫu vai nặng trĩu, chuyện trò say mê

lòng dân no ấm đủ đầy

bâng khuâng đứng lặng, bên nầy bờ đê

mãi thương về miềm nắng gió

bao nhiêu gian khó, mây trời nguồn cơn

tình ca, hơn ngàn trang viết (1)

nhớ người gieo hạt, vụ mùa ngày sau …

                              NVT

                        Hải lăng, 2018

                                                                         

(1) Bài hát: Tình cây và đất của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng (1944 – 2017 )

 

 

 

 

 

 

READ MORE - RÚ CÁT HẢI LĂNG - Chùm thơ Nguyễn Văn Trình

ĐOẢN KHÚC CHO MÙA THU - Tùy bút - Đinh Hoa Lư


Nhà văn Đinh Hoa Lư

Đon Khúc cho Mùa Thu 

Đinh Hoa Lư

 

Có khi ta bước chân trên con đường vắng khách chợt thấy rằng trời đã vàng thu.  Một mùa thu nữa lại đến, rất nhẹ nhàng và không ai mong ngóng. Cho đến khi tai nghe được tiếng chân dẫm lên lá khô, ta mới tin trời đang chuyển mùa, như  bảo ta một năm nữa sắp qua và ta sẽ thêm một tuổi đời! 

 


Bao cơn gió se lạnh về từ phương xa,  từ đài nguyên tuyết trắng, hanh khô, làm mấy hàng phong bên đường sắc hồng rực lửa.  Lá phong đỏ ối thi nhau phủ ngập bên đường. Bao bầy chim đã vội bay xa, về vùng nắng ấm phương nam. Mây xám dâng mau từ huớng bắc, chúng thi nhau đem gió lạnh về.  Rồi đêm sẽ dài thêm,  cho đến khi đỉnh núi xa phủ đầy tuyết trắng, tương phản bao hàng phong đỏ rực là lúc lòng người trầm mặc, như chùng lại  để đón nhận một không gian lạnh giá, rồi chấp nhận một luật đời-của tạo hóa - của sinh diệt - đến và đi!

 

Thu quyến rũ, quyện vào hồn người, dù chỉ một lần nào đó trong đời- rung động, đắm say.  Hạnh phúc cùng thanh tao biết bao cho ai cảm nhận được "dáng thu". Thu nhẹ nhàng như sương khói, bàng bạc mà ngất ngây như huơng thơm tách trà sáng sớm. Thu có khi lại ray rứt, xót xa như điếu thuốc lập lòe trong đêm-những giây phút suy tư, quay quắt nhớ sao kỷ niệm, bao ký ức bay xa! Thu từng làm hồn người sâu lắng, hoài cảm và mặc niệm…

 


Nếu thế thì ta hãy thản nhiên đón thu, khẻ ôm thu  vào lòng, dù chỉ một lần trước khi chúng kiến bao lá thu chới với chong chanh rơi theo ngọn gió lạnh lùng.

 

Thu sẽ qua, những chiếc lá vàng sẽ 'hóa kiếp', để lại trần gian bao cành cây chơ vơ, xương xẩu, đứng 'chịu tang' trong mùa đông rét mướt.

 

 THU 2016

 Đinh Hoa Lư

edit 28/9/2021


Nguồn: 
THEO BÓNG THỜI GIAN 
Trang Blogspot của tác giả ĐINH HOA LƯ 
với nhiều tản văn và dịch thuật rất thú vị
READ MORE - ĐOẢN KHÚC CHO MÙA THU - Tùy bút - Đinh Hoa Lư

Wednesday, September 29, 2021

HOA TÍM NGƯỜI XƯA - Chu Vương Miện





 

READ MORE - HOA TÍM NGƯỜI XƯA - Chu Vương Miện

NHƯ MỘT MÙA THU - Thơ Mặc Phương Tử

 


NHƯ MỘT MÙA THU

 

Lá đã vàng rồi, thu đã sang

Phương xa lớp lớp trắng sương ngàn

Đâu đây tiếng nhạn trong chiều vắng,

Còn đọng mùa xưa những lá vàng.

 

Năm tháng hoài hương bao kỷ niệm

Lòng đời chưa ráo vết thu xưa,

Rừng phong dẫu có phai màu lá,

Mạch chuyển còn xanh tiếp lại mùa.

 

Những lá vàng bay về tịch liêu

Gởi bao tâm sự lại trong chiều.

Đường mây vẫn mãi về vô tận

Còn mất, nào ai được bấy nhiêu?

 

Như lịch tuần lưu của đất trời

Kiếp người muôn việc cứ dần trôi.

Nhục-vinh mấy cuộc hưng rồi phế,

Thành bại, hay chăng tiếng ở đời!

 

Thu đã sang rồi, thu sẽ qua

Còn chăng ở lại cõi lòng ta.

Mấy mùa điểm sắc, và thu nữa...

Vẫn một tin yêu khắp vạn nhà!

 

                 

                    South Dakota, Chớm thu 2021.                   

   MẶC PHƯƠNG TỬ

 

READ MORE - NHƯ MỘT MÙA THU - Thơ Mặc Phương Tử

EM VẪN MÃI CÒN - Chùm thơ Hào Quang

  


EM VẪN MÃI CÒN 

(Vĩnh biệt ca sỹ Phi Nhung)


Tôi biết em rồi, dù em ở rất xa 

Qua đài, báo mỗi lần nghe em hát 

Em là mẹ hiền của những đứa con lầm lạc 

Là thiên thần cứu cánh mảnh đời đau!

Tiếng hát em, đã kết nối những nhịp cầu 

Đến với quê hương vùng sâu, nước đổ 

Tình mãi vang xa trong lòng thành phố 

Cho cuộc đời nghèo ấp ủ niềm vui!

Phi Nhung ơi! Em đã về với đất trời 

Để lại trần gian, hàng triệu người thương tiếc 

Xin gửi dòng thơ thay lời vĩnh biệt 

Em vẫn mãi còn với đất mẹ Việt Nam!


Hào Quang

14h 30’ - 28/9/2021

 

 

CHUYỆN ĐỜI CÓ THẬT

 

Đến Bạc Liêu một chiều mưa giăng đổ

Nghe Gành Hào sóng vỗ dạt bờ xa

Trời miền Tây, mây nặng trĩu sơn hà

Làm lòng kẻ khách xa, thêm thấm lạnh!

 

Khu dinh thự, sau cơn mưa vừa tạnh

Tôi một mình dạo bước ngắm hoa viên

Nơi một thời vang bóng ở khắp miền

Đại điền chủ, ruộng cò bay thẳng cánh...

 

Với những chuyện về: đốt tiền luộc trứng

Thú ăn chơi nổi tiếng ở Sài thành

Đất nước nghèo, dân chưa có bữa ăn

Hắc công tử sắm máy bay canh ruộng.

 

Ôi! Cuộc đời những bể dâu không tưởng

Chuyện hôm nào, còn đọng lại trong tôi

Khu dinh xưa, nay đổi chủ mất rồi

Con công tử, trở thành người hành khất (*)

 

Trước mắt tôi, là chuyện đời có thật

Theo thời gian, năm tháng sẽ nhạt phai

Rời Bạc Liêu, mà lòng dạ u hoài

Bởi chứng kiến cảnh lâu đài tráng lệ ...

 

Luật nhân quả ngàn xưa, nay vẫn thế

Rất công bằng, có thay đổi được đâu 

Sống hôm nay phải nghĩ đến mai sau

Đất cũng lở, huống chi cầu bắc tạm!


Hào Quang

9/2013-14/5/2017


 

ĐÊM LẠNH 


Có những lúc, một mình trong đêm lạnh

Anh nhớ em, anh nhớ lắm em ơi

Nhớ dáng em đi, ánh mắt nụ cười

Hàm răng ngọc, ôi! Chơi vơi nỗi nhớ!

 

Nhưng, anh làm sao có em được nữa

Hôm sớm đi về, hai đứa bên nhau

Nhớ lúc trăng lên, sương lạnh mái đầu

Em khẽ nói đừng xa nhau anh nhé!

 

Anh hôn em nghẹn ngào trong hơi thở

Có ai ngờ ngày ấy phải chia ly

Em xé tim gan, anh sướng sung gì

Cho giọt lệ đong đầy trong khóe mắt

 

Mất em rồi ư? mơ hay là thật 

Gió lạnh đã về trơ trọi bóng hình anh

Gói ghém tâm tư giấc mộng không thành

Phương trời ấy em chạnh lòng không đó?

 

Gió rét từng cơn rã rời ngọn cỏ

Giấc ngủ chưa tròn rạn vỡ trái tim anh!


Hào Quang - 1986


READ MORE - EM VẪN MÃI CÒN - Chùm thơ Hào Quang

CHUYỆN VỀ 3 LẦN XEM TƯỚNG TAY QUA ẢNH _ Đặng Xuân Xuyến

 



CHUYỆN VỀ 3 LẦN 

XEM TƯỚNG TAY QUA ẢNH

*

Tầm gần 11 giờ trưa ngày 26 Tháng 8 năm 2021, dạo facebook, tôi bị hút hồn bởi ảnh bàn tay minh họa cho status của họa sĩ, nhà giáo Nguyễn Duy Chuẩn: 

“KHÓC NGÓN TAY

Đang vẽ tự dưng đau ngón tay

Cứ tưởng ngày xưa con muỗi đốt

Mải làm một tí sẽ quên ngay

Nào ngờ đã uống mươi ngày thuốc

Không đỡ thì thôi vẫn cố đau

Quanh quẩn tìm phương như chống giặc

Đủ điều trong ấy đã yên chưa?

...

Giận mình mới vậy mà than khóc

Khóc người không khóc khóc ngón tay?”

Cũng như 2 lần trước ở facebook Hoàng Minh và facebook Hoàng Khang, tôi không thể cưỡng lại được ma lực của nguồn sáng “phát ra” từ khu vực gò Kim Tinh ở ảnh bàn tay trên facebook của anh nên tôi căng mắt ra tìm xem đằng sau nguồn sáng “nhấp nháy” đó là vọng những hình ảnh nào. 

Kết bạn facebook với anh chừng gần năm, chỉ “biết” chút ít về anh (là nhà giáo, họa sỹ, đang giảng dạy ở Hà Nội) qua những status (thường) rất ngắn và những comment khá kiệm lời của anh trên facebook. Cũng chưa gặp anh ngoài đời nên đắn đo rất nhiều tôi mới comment dưới status của anh:

Từ lúc nhìn bàn tay Thầy cứ đắn đo mãi. Định nhắn tin hỏi Thầy nhưng thôi hỏi luôn ở đây, nếu có gì làm phiền Thầy thì mong Thầy thông cảm.

Thưa Thầy Duy Chuẩn Nguyễn! Có phải nhà Thầy ở trong ngõ, một phía (diện tích đất) nhà bị vát (chéo) và gần đó có nơi thờ tự?”

Tôi hồi hộp chờ comment trả lời của anh để thẩm định khả năng “đọc” đất cát nhà cửa qua ảnh bàn tay của tôi, thì vài phút sau, anh gửi qua messenger:

Nhà thơ đoán như thần. Cũng định chỉ chụp cái ngón tay nhưng lại muốn cả bàn. Nhà tôi đúng vậy. Lại nằm trên đất chùa Liên Phái.”

Tôi liền đề nghị anh comment ở dưới status để tiện cho tôi sử dụng làm tư liệu cho bài viết về thuật xem tướng tay khi cần:

Thầy comment giúp vào status để em lưu làm tư liệu khi viết về thuật xem Tướng tay. Cám ơn Thầy nhiều!”

Anh gửi tiếp cho tôi bản vẽ tốc ký khu đất nhà anh để chứng minh những điều tôi “nhìn thấy” là chính xác. Tôi cám ơn anh bằng lời phân trần để anh thông cảm cho sự “hiếu kỳ khác người” của tôi:

Vâng, Thầy! Lúc nhìn bàn tay của Thầy thấy phát sáng (nhấp nháy) ở khu vực gò Kim Tinh, như có ma lực buộc em phải nhìn cho kỹ nên hỏi Thầy xem có đúng như vậy không.”

Và đây là đoạn comment của tôi và nhà giáo Nguyễn Duy Chuẩn dưới status ngày 26 Tháng 8 năm 2021 trên facebook Duy Chuẩn Nguyễn:


Đặng Xuân Xuyến:

Từ lúc nhìn bàn tay Thầy cứ đắn đo mãi. Định nhắn tin hỏi Thầy nhưng thôi hỏi luôn ở đây, nếu có gì làm phiền Thầy thì mong Thầy thông cảm.

Thưa Thầy Duy Chuẩn Nguyễn! Có phải nhà Thầy ở trong ngõ, một phía (diện tích đất) nhà bị vát (chéo) và gần đó có nơi thờ tự?

Duy Chuẩn Nguyễn:

Nhà thơ đoán như thần. Cũng định chỉ chụp cái ngón tay nhưng lại muốn cả bàn có ý gặp cao nhân chỉ giáo. Quả là hữu duyên. Nhà tôi đúng vậy. Lại nằm trên đất chùa Liên Phái.

Đặng Xuân Xuyến:

Duy Chuẩn Nguyễn Cám ơn Thầy nhiều! Chúc Thầy và gia đình luôn may mắn và bình an!

Duy Chuẩn Nguyễn:

Đặng Xuân Xuyến Rất cảm ơn nhà thơ!


Phấn chấn vì khả năng “đọc” thế đất, nhà cửa qua ảnh đã được xác tín nên tôi cố “đọc” xem Phúc Âm của anh thế nào? đất nhà anh lành hay dữ? có vong nào ám anh không?,... nhưng rất nhanh, nguồn sáng từ gò Kim Tinh ở ảnh bàn tay của anh biến mất, tôi không “nhìn” thấy gì nữa. Có lẽ, “duyên” của tôi với ảnh bàn tay của anh chỉ đến vậy.

Tôi phát hiện ra khả năng xem được đất cát mồ mả ở gò Kim Tinh trên bàn tay từ năm đầu học Đại học Văn hóa Hà Nội và từ đó cũng xem cho kha khá “bạn rượu” khi đã chuếnh choáng men say nhưng xem đất cát mồ mả qua ảnh bàn tay thì mới “xuất hiện” vài lần ở vài năm gần đây và chỉ xem được khi tôi thật tỉnh táo, không có “hơi” bia rượu.

Tôi chép vào đây chuyện 2 lần tôi xem tướng tay qua ảnh (năm 2018 và 2019) để quý vị tham khảo về những khả năng kỳ lạ của con người có thể có ở bất kỳ ai.


*. CHUYỆN CỦA NĂM 2018 Ở FACEBOOK HOÀNG MINH:

Khoảng giữa năm 2018, một lần dạo facebook, tôi “gặp” ảnh một bàn tay trên trang facebook Hoàng Minh khá đặc biệt: Ngón trỏ thon nhọn, cao xấp xỉ ngón giữa, gò Kim Tinh nhô quá cao, sát tận mép đường Sinh Mệnh, với những chỉ văn nhỏ chồng chéo ngang dọc phủ kín gò Kim Tinh, chạy sát xuống đường Sinh Mệnh. Theo sách Tướng thuật cổ phương Đông thì đó là những dấu hiệu của người có đời sống tình dục sung mãn, với những ham muốn tình dục bừa bãi, khác thường, thậm chí dâm đãng đến bệnh hoạn, có thể còn giao cấu với cả động vật.... Tôi định lướt qua thì bị một "nguồn sáng" phát ra từ gò Kim Tinh níu lại nên nhấp ảnh rộng hết màn hình xem cho rõ, rồi comment với chủ nhân bàn tay: - “Khu đất nhà ở có hình thước thợ, được tạo bởi 2 phiến đất. Phía trước và phía sau đều có ao hồ nên đất nhiều âm khí, khiến những người cư ngụ tâm tính bất định, hay ốm vất vưởng”. Chủ nhân bàn tay xác định chuẩn xác về thế đất rồi nhờ xem về tình duyên. Anh ta comment: - “Gái xinh theo nhiều quá, không biết chọn ai. Không muốn cưới vợ năm nay nhưng bạn gái dính bầu rồi nên đang bị ép cưới.”. Nhìn ngón trỏ của anh ta thon nhọn, cao xấp xỉ ngón giữa, trong khi gò Kim Tinh lại nhô quá cao, sát tận mép đường Sinh Mệnh nên tôi trả lời: - “Xem qua ảnh không nhìn thấy đường Hôn Nhân, đường Sinh Lý... nên chuyện cưới xin không dám nói bừa. Chỉ có điều, bàn tay này vượng về tình dục, thuộc dạng cuồng dâm, thấy toàn mê trai thôi.”. Thế là anh ta chửi tôi nói bậy bạ, rồi chặn nick facebook của tôi. Thật tiếc, ngày đó tôi chưa biết chụp ảnh qua màn hình điện thoại nên không lưu lại được những trao đổi với chủ nhân bàn tay đó.

Căn cứ vào đâu để tôi khẳng định chủ nhân của bàn tay đó là người "vượng về tình dục, thuộc dạng cuồng dâm, thấy toàn mê trai thôi" khi các sách Tướng thuật cổ phương Đông chỉ đưa ra kết luận là dấu hiệu bàn tay của người nhiều dục tính, có đời sống tình dục sung mãn, với những ham muốn tình dục trái biệt, khác thường?

Khi biên soạn cuốn sách "Khám phá bí ẩn con người qua bàn tay" (Nhà xuất bản Thanh Hóa 2007), tôi đọc cẩn thận các tài liệu tham khảo để loại bỏ những mâu thuẫn giữa các tài liệu và bổ sung thêm kiến thức từ kết quả những công trình khảo sát thực nghiệm của các nhà khoa học trên thế giới đã công bố trên báo chí về những điểm chưa có hoặc còn mập mờ, khiên cưỡng của các tài liệu (sách) tham khảo để đưa ra những lưu ý khi ước đoán.

Ví dụ như trường hợp bàn tay ở trang facebook Hoàng Minh, nếu chỉ căn cứ vào sách Tướng thuật cổ phương Đông thì tôi chỉ đưa ra lời ước đoán: Bàn tay của người có nhiều dục tính, dâm đãng đến bệnh hoạn, khác thường. Nhưng "bệnh hoạn" như thế nào? "khác thường" ra làm sao thì sách Tướng thuật cổ phương Đông lý giải rất chung chung: Là người quan hệ tình dục bừa bãi, có thể còn giao cấu với cả động vật.

Nhưng khi kết hợp những kết quả nghiên cứu của y học hiện đại đã công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng như:

- John Manning, giáo sư, nhà nghiên cứu sinh học của Trường Đại học tổng hợp Central Lancashire (Anh) cùng các cộng sự của mình đã tiến hành thí nghiệm đo chiều dài ngón trỏ so với các ngón tay khác ở nam và nữ sinh viên, đã tổng kết vào năm 1998 rằng: Đàn ông có ngón trỏ ngắn so với ngón đeo nhẫn thì tính đực mạnh mẽ, khả năng duy trì nòi giống cao, còn ở phụ nữ thì ngược lại, họ mang nhiều nam tính, ít có ham muốn tình dục và đời sống tình dục của những người phụ nữ này thường mang tính tự do, không chịu sự ràng buộc.

- Nhóm nghiên cứu của Mark Breedlove ở Đại học California (Berkeley) phát hiện phụ nữ đồng tính luyến ái có ngón trỏ rất ngắn (nhiều nam tính) so với phụ nữ bình thường, điều này thậm chí còn đúng với những cặp song sinh nữ trong đó một người đồng tính! Còn nam giới có tỉ lệ ngón tay “rất phụ nữ” (tức ngón trỏ dài hơn ngón áp út) cũng dễ mắc chứng trầm cảm, một bệnh thường có nhiều ở phụ nữ và có khả năng dễ rơi vào khuynh hướng tình dục đồng giới.

sẽ cho lời ước đoán cụ thể hơn. Ví dụ, tôi căn cứ vào chi tiết: "Nam giới có tỉ lệ ngón tay “rất phụ nữ” (tức ngón trỏ dài hơn ngón áp út) cũng dễ mắc chứng trầm cảm, một bệnh thường có nhiều ở phụ nữ và có khả năng dễ rơi vào khuynh hướng tình dục đồng giới.", bổ sung cho luận đoán còn mơ hồ, chung chung của các sách Tướng thuật cổ phương Đông: "Là người có đời sống tình dục sung mãn, với những ham muốn tình dục bừa bãi, khác thường, thậm chí dâm đãng đến bệnh hoạn, có thể còn giao cấu với cả động vật." để đưa ra lời ước đoán cụ thể cho trường hợp bàn tay ở trang facebook Hoàng Minh: Đời sống tình dục sung mãn, thiên về quan hệ đồng tính luyến ái.

Quý vị có thể vào Google tìm đọc bài viết "Những lưu ý khi xem tướng bàn tay" và "Tâm sự về việc soạn sách Văn hóa Tâm linh" để tham khảo thêm.


*. CHUYỆN CỦA NĂM 2019 Ở FACEBOOK HOÀNG KHANG:

Lần xem tướng tay qua ảnh thứ hai, tôi đã đề cập trong bài viết: "Và thêm vài chuyện về xem tướng tay" như sau:

“Chiều 31 tháng 07 năm 2019, dạo facebook, tôi “gặp” ảnh một bàn tay ở trang facebook Hoang Khang với mấy câu kệ:

“Bàn tay nữ mệnh sớm khóc chồng

Yêu thương luyến ái vội vụt tan

Người dương _kẻ âm, tình ly biệt

Có phải phận duyên kiếp bẽ bàng?”

Định đọc lướt qua nhưng như có một ma lực nào đó đã kéo tôi cúi xuống nhìn chằm chằm vào gò Kim Tinh. Những tín hiệu về hình ảnh khu đất cứ nhấp nháy, ngày một rõ, khiến tôi định viết vài dòng comment nhưng sợ phạm câu “Thiên cơ bất khả lộ” nên vội chuyển sang đọc mục khác. Được chừng mươi phút, tôi lại bị ma lực nào đó thôi thúc quay lại ngó kỹ gò Kim Tinh, và rồi, không thắng được tò mò, tôi đã gõ đôi dòng comment:

“Nhờ bác Hoang Khang hỏi chủ nhân bàn tay này để kiểm chứng giúp:

Nhà ở gần với 2 nguồn nước (sông hoặc ao hồ lớn) cùng một phía. Khu đất ở được tạo bởi mấy phiến đất chắp nối nên hình dáng méo mó, cao thấp không đều, trũng hơn đất liền kề, âm khí hơi mạnh. Có 2 lối để vào nhà, nhìn qua ảnh chụp, tôi lại đang ốm nên nhìn không rõ là cùng sử dụng 2 ngõ để vào nhà hay đã bịt một ngõ lại rồi. Đây là bàn tay của người có nhiều duyên âm nên sức khỏe tuy yếu, đời gặp nhiều phiền muộn nhưng nếu khéo tu, tuổi thọ cũng không đến nỗi nào.

Bị ảnh bàn tay ám ảnh ghê quá nên phá lệ, “phán” đôi câu nhờ bác hỏi giúp chủ nhân để kiểm chứng.

Cám ơn bác nhiều!”

Tôi hồi hộp đợi câu trả lời bởi đây là lần thứ 2 tôi viết comment khi bị ảnh bàn tay ám ảnh. (....) Lần này, tôi lại buồn khi nhận được trả lời của Hoàng Khang: “Tôi rất tiếc vì không liên lạc lại được với người này, anh Đặng Xuân Xuyến.”.”

Cũng trong bài viết "Và thêm vài chuyện về xem tướng tay" tôi lý giải khả năng xem tướng tay rất đặc biệt của tôi:

"Ví như khi xem ảnh một bàn tay ở trang facebook Hoàng Minh, nhìn gò Kim Tinh, tôi comment: “Khu đất ở hình thước thợ, được tạo bởi 2 phiến đất. Phía trước và phía sau đều có ao hồ nên nhiều âm khí, khiến những người cư ngụ tâm tính bất định, hay ốm vất vưởng”, nếu truy tìm sẽ không có tài liệu nào hướng dẫn xem mồ mả đất cát ở gò Kim Tinh cả nhưng tôi “nhìn được” vì theo cách giải thích của tín ngưỡng dân gian thì lúc đó “Thánh ốp bóng” cho “nhìn thấy”. Đọc những dòng vừa rồi (nhìn gò Kim Tinh, tôi comment: “Khu đất ở hình thước thợ, được tạo bởi 2 phiến đất. Phía trước và phía sau đều có ao hồ nên nhiều âm khí, khiến những người cư ngụ tâm tính bất định, hay ốm vất vưởng”), những ai nghiên cứu thuật xem tướng tay sẽ thắc mắc: Gò Kim Tinh chủ về đời sống tâm sinh lý, sao lại dùng để xem mồ mả đất cát? Vâng! Đúng là theo sách về thuật xem tướng tay thì quả là vậy! Nhưng khi xem tướng tay, những lúc đã chếnh choáng men rượu thì không hiểu lý do gì mà nhìn vào gò Kim Tinh, tôi chỉ thấy hiển hiện những dấu hiệu của đất đai, nhà cửa... có hình dạng thế nào, địa thế làm sao, thậm chí còn “đọc” được ngôi mộ hợp với người đó là ngôi mộ của ai? Nằm ở địa thế nào (cách sông, đường, quang cảnh khu vực ra sao)?... Nếu muốn hỏi điều chưa rõ, phải đợi lần sau, khi tôi đã ngà ngà men rượu vì chính tôi cũng không hiểu được tại sao chỉ khi đã “liêng phiêng” men rượu tôi mới có thể “nhìn” được như thế. Những “kiến thức” đó tôi chưa từng được đọc ở tài liệu nào, cũng chưa được nghe ai chỉ bảo. Và tôi tin cũng không có tài liệu nào hướng dẫn cách xem mồ mả, đất đai, nhà cửa ở gò Kim Tinh trên bàn tay cả.

Điều lạ là tôi chỉ có “hứng thú” xem tướng tay khi đã chếnh choáng men say, khi trong bàn rượu chỉ có 2 hoặc 3 người. Lạ nữa là tôi chỉ thích tả mồ mả, đất cát mà không thích xem các vấn đề khác như: tình duyên, sự nghiệp, ... độ chính xác (mồ mả, đất cát) như mọi người nói với nhau là “khá chuẩn”. Quý vị có thể tìm đọc bài “Những chuyện Ngô Tiến Vinh kiểm chứng” và “Kể thêm vài chuyện của tôi” đã đăng trên một số trang báo mạng.”

Về facebook Hoàng Khang, theo lý lịch tự khai trên facebook thì anh sinh năm 1970, sống và làm việc tại tỉnh Bình Dương. Qua một số status của anh trên facebook cá nhân, tôi nghĩ anh có niềm tin vào thuyết Thiên Mệnh và đang cố gắng củng cố niềm tin đó bằng việc sưu tầm kiến thức văn hóa tâm linh từ các trang mạng xã hội để nâng cao hiểu biết về tín ngưỡng dân gian xoay quanh thuyết Thiên Mệnh. Tôi và anh chưa gặp nhau ngoài đời, cũng chưa một lần nói chuyện qua điện thoại mà chỉ comment vài lần ở bài viết của nhau khi đề cập đến ảnh bàn tay của "vị khách" trên dòng thời gian facebook Hoàng Khang. Tôi cũng đã lưu ý khá nhiều các ảnh bàn tay trên trang facebook của anh nhưng dù đã cố gắng "soi" các ảnh đó tôi cũng không thể phát hiện được điều gì. Có lẽ duyên giữa tôi với ảnh các bàn tay trên trang facebook của Hoàng Khang chỉ có vậy!

*.

Viết tại phố Nguyễn Văn Trỗi, Hà Nội.

Chiều ngày 29 tháng 9 năm 2021

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

-----------------------------

Xin tham khảo thêm blog Trang Đặng Xuân Xuyến để lấy hình ảnh minh họa kèm bài viết:

https://dangxuanxuyen.blogspot.com/2021/09/chuyen-ve-3-lan-xem-tuong-tay-qua-anh.html



READ MORE - CHUYỆN VỀ 3 LẦN XEM TƯỚNG TAY QUA ẢNH _ Đặng Xuân Xuyến