Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, August 31, 2021

SỰ THẬT – Thơ Trần Mai Ngân

 
 
             Nhà thơ Trần Mai Ngân


SỰ THẬT
 
Anh
Thắt những chiếc nơ xanh nơ vàng
Cho những lời ngôn tình mơ màng
Rồi thả bay đi - về em và tất cả
Sự lập lại giống nhau như thuộc bài
Một đường cưa cũ người thợ đốn nhiều cây ngã…
 
Em
Chắt chiu chiếc hộp kỷ niệm
Giữ gìn như kho báu của riêng mình
Kết vòng nguyệt quế cho cuộc tình
Lấp lánh nhất tuyệt vời nhất
Những thánh thiện ngây và ngô - Em đặt tên tình yêu anh…
 
Hôm nay
Sự thật là màu xanh của trời
Là màu trắng đám mây bay đi
Nhẹ nhàng và đôi ta mỉm cười
Thắp nến cho ngày đã qua thật đẹp!
 
Trần Mai Ngân

READ MORE - SỰ THẬT – Thơ Trần Mai Ngân

BÊN BỜ SINH TỬ - Thơ Lê Văn Trung

 


BÊN BỜ SINH TỬ
 
Thôi bỏ lại bên này bờ sinh tử
Phận đời ta rơm rạ có ra gì
Bỏ lại hết cả nghìn sầu thiên cổ
Xót thương chi bèo giạt bến sông này
 
Lòng nhân thế, lòng mịt mù mưa nắng
Còn gì nhau mà muối mặn gừng cay
Khi đã biết đời nhau là hữu hạn
Còn gì nhau mà nghĩa trả tình vay
 
Ta đứng giữa trần gian mà bật khóc
Thương phận người tro bụi chảy về đâu
Ai thấy được thiên đường trong địa ngục
Ai thấy màu xanh qua cuộc bể dâu
 
Khi bỏ lại đời ta không tiếc nuối
Ta thắp câu thơ truy niệm kiếp người
Ta thắp câu thơ xưng lời thú tội
Cuộc tình người niệm khúc của chia phôi
 
Lòng dâu bể - tình em là dâu bể
Ta bỏ đi, tàn tạ, xác thơ buồn
Ai biết được ánh hào quang sự chết
Vẫn rực ngời trong sóng gió tang thương.
 
Lê Văn Trung

READ MORE - BÊN BỜ SINH TỬ - Thơ Lê Văn Trung

Monday, August 30, 2021

KHÁI NIỆM ĐÊM #1 – Thơ Khaly Chàm

 
 
                    Nhà thơ Khaly Chàm


khái niệm đêm #1
 
khép lại ngày
chớp cửa nghiến răng
còn sót lại đóm sáng cuối cùng
vụt tắt
 
những dây leo
từng đêm vươn lên
tìm hơi thở trên rào kẽm gai gỉ sét
giấc mơ đang trổ hoa gần hơn với cái chết
 
trong sự trỗi dậy
loài bướm đêm quên đi quá khứ
những giọt sương luôn ngụy trang
không thể hiểu được tiếng chuông ngân
khi lời thánh ca khoác áo choàng đen
đi xuyên qua bức tường
 
thủy tinh va chạm
âm thanh chảy tràn thảm sát bóng đêm
côn trùng chậm chạp
bò trên khuôn mặt bản tin dự báo thời tiết
 
tôi nhìn chiếc bóng của mình
trôi bập bềnh về vùng mặt trời tử nạn
 
khaly chàm
cuchisaigon  hè 2025

READ MORE - KHÁI NIỆM ĐÊM #1 – Thơ Khaly Chàm

NHẶT KHÚC RU HỜI, MÙA GẶT – Thơ Tịnh Bình

 
               Nhà thơ Tịnh Bình


NHẶT KHÚC RU HỜI
 
Cúi nhặt mùa ấu thơ bên cánh võng
Hoài niệm ùa về một thuở nắng mưa
Cơn gió khẽ đong đưa chùm cổ tích
Vọng tiếng gà xao xác gáy vào trưa
 
Dòng sông cũ bao mùa trôi thầm lặng
Cánh bèo xưa tím đến mênh mang
Những hoàng hôn chìm dần vào năm tháng
Lạc đâu rồi con diều giấy bay hoang
 
Ta về nhặt khúc ru hời ngọt lịm
Gió mùa thu xao xuyến dưới trăng mờ
Chú dế nhỏ khàn lời trong cỏ sớm
Hạt sương tròn ngỡ mắt biếc ngây thơ
 
Bước chân khẽ lối mòn xưa trở lại
Nồng nàn thương hương khói bếp quê nghèo
Trên mái ngói ríu ran bầy sẻ cũ
Gọi ta về miền thơ ấu trong veo...
 
 
MÙA GẶT
 
Thóc chín theo nắng lên bờ
Ngẩn ngơ hồn rạ chơ vơ nằm đồng
Héo lòng rơm cũng khô cong
Bén duyên hóa ngọn khói đồng chiều nay
Gửi gì theo gió bay bay
Sân phơi thóc lặng mắt cay hoen nhòa
Chân phương hạt lúa quê ta
Trắng trong lòng thóc hóa ra cơm vàng...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)

READ MORE - NHẶT KHÚC RU HỜI, MÙA GẶT – Thơ Tịnh Bình

Sunday, August 29, 2021

THANH THẢN NÀNG THƠ – Tản văn của Tâm Nhiên




Cỏ hoa là tinh anh của trời đất, nhật nguyêt, nghìn năm kết tụ tạo nên rồi chuyển mình hóa hiện thành em, người em gái dịu dàng, duyên dáng, đoan trang, thuần hạnh, thanh thản một Nàng Thơ vô cùng diễm tuyệt.
 
Hiền thục em về, tỏa ngát hương thanh tịnh trên mắt ngời tuyệt hảo, sáng tinh anh chiếu diệu từ thẳm sâu lòng long lanh, lấp lánh ánh tuệ tâm. Rồi rực bừng lên ngút ngàn hoa nắng lẫn mưa nguồn, tuôn chảy xuống biển trăng ngần, dậy sóng cung đàn giữa trần gian tha thiết huyền ngân…
 
Thác ca suối hát chan hòa cùng sông hồ, biển núi, mặt trời, mặt trăng, mây trắng, trời xanh, sương mù, chim bướm, cỏ hoa…tạo thành bản đại hòa điệu khúc. Rung hồn vũ trụ càn khôn và cũng là vẻ đẹp muôn thuở của thiên nhiên, của thi ca, của âm nhạc, biểu hiện từ cõi giới nội tâm thâm mật, ngân lên bản tình ca bất tuyệt thiên thu.
 
Từ đó em về. Từ nguyên sơ em đến, trên bước chân mật hiển vừa yểu điệu, dịu hiền vừa tân kỳ, hy hữu với bao niềm nhiếp dẫn âm thầm…Âm thầm lặng lẽ mà đưa anh lên cõi tiêu dao cùng cung cầm Đại bi tâm trầm Bát nhã và khơi mở con đường miên man sáng tạo, ngay trong từng bước đi tùy hứng, từng xuất thần nhập diệu vào tận hồn xương cốt trộn cùng máu tim hòa nhịp thở:
 
Ý huyền viết mãi bài thơ
Trên tờ mây trắng từng giờ phút trôi
Tặng cho mặt đất mặt trời
Và em muôn thuở muôn nơi chút lòng
 
Một chút lòng thôi cũng đủ chứa cả ba nghìn thế giới. Một chút lòng nguyên sơ, trong trắng, vốn sẵn hằng hữu ngay trước mắt với cái nhìn thấu thị bao la. Có ai trong chúng ta còn nhớ được điều này, như thi sỹ Hoelderlin đã từng nhớ: “Con người ngụ cư trên mặt đất như một thi nhân.”
 
Vâng, chỉ còn lại tiếng hát của thi nhân là bất tận. Chỉ cần sót lại một chút tình thương yêu thoáng hiện giữa lòng người, thì chắc chắn, mọi sự chưa hẳn là bế tắt, tuyệt lộ hay tuyệt vọng trong tiêu điều, hiu hắt, tàn xiêu, điêu linh, sầu thống khổ...
 
Ồ! Chỉ cần một chút tình yêu thương chân thật cũng đủ cứu vớt cõi người ta khỏi rơi tòm xuống hố hư vô trống rỗng, khỏi biến thành những con người máy không hồn, bởi sự sùng bái sai lầm nền cơ khí, kỹ thuật của thời hiện đại mà từ đó, vô tình đã giết chết tình cảm, tâm tư, đã làm tan hoang tinh thể sơ nguyên của con người. Phải vậy không, hỡi Người Em Thi Ca huyền mộng, huyền thi?:
 
Nàng thơ thuần hậu nhu mì
Mà sao xao xuyến niềm chi bồi hồi?
Chỉ cần thoáng nụ cười thôi
Là em cảm hóa ngay rồi hồn anh
 
Thành thực mà nói, không biết tự bao giờ, em đã đến giữa cuộc tồn sinh này, khiến cho thiên hạ ngất say trong cơn rung động, choáng váng. Em về đây, từ một thế giới ban sơ, vừa mộc mạc, giản dị vừa huy hoàng, tráng lệ. Thế giới của Thơ và Họa giao thoa trong tiếng Nhạc của trời giữa thiên thu vời vợi…Nơi đây, dư vang của huyền thoại quy hồi và em xuất hiện.
 
Em về đây, trên tay có cầm một đóa hoa, một chiếc lá như là món quà, tặng vật cho mặt đất, trần gian. Em đến như suối mát giữa lòng sa mạc khô khốc, làm phục sinh cho khách lữ hành cô độc, sống vượt qua cơn trôn xoáy ác liệt của hư vô…
 
Ồ! Em đến, nối liền đôi bờ có không, mộng thực, đúng sai, phải trái, hơn thua, cao thấp, tốt xấu, giàu nghèo, hay dở, dơ sạch, thánh phàm, ngu trí, mê ngộ, đạo đời, tịnh động, sống chết…và thênh thang mở ra phương trời bát ngát với một nụ cười diệu ảo vô ngôn.
 
Tồn sinh linh động, thần thái thanh lương là bước đi tri túc nhẹ trầm lặng lẽ mà nghe vang tiếng hát ngân huyền, văng vẳng từ thiên thu, vĩnh cửu, khiến cho du sỹ chợt rúng hồn trong xúc động, sững sờ:
 
Em như là một bài thơ
Mà anh viết mãi trên tờ nhân gian
Chao ơi! Quá đỗi dịu dàng
Sao nghe rúng cảm tâm can thế này
 
Trời xui đất khiến chi đây
Nên khi mới gặp liền đầy ắp thương
Em về gợi mở vô lường
Thương yêu bát ngát ngàn phương thơ hòa
 
Ngàn phương thơ hòa cùng trùng dương đại hải, hòa với thái hư hoằng viễn trùng trùng vô tận, chan chứa giữa trời thơ đất mộng yêu thương. Thương yêu em từng sát na, từng giây phút, từng hơi thở, từng niệm khởi ngay trong nhịp sống thường nhật, một cách thực tế, thực tại, quá đỗi phiêu diêu diệu vời:
 
Bởi vì đã thấy trời xanh
Nghe vi diệu quá từ ngành ngọn thương
Thương em vô hạn vô lường
Vô cùng vô tận nguồn thương yêu này
 
Yêu thương vô điều kiện là bài Tâm Kinh mà anh thường trì tụng suốt đêm ngày, suốt tuế nguyệt xưa nay. Hãy đến với em bằng thái độ vô cầu, không chiếm hữu. Bởi vô cầu, nên không hướng tới một mục đích nào cả mà hòa điệu vào với cái đang là, luôn luôn mới lạ và mới lạ tuyệt trù.
 
Từ đấy, kẻ cô hành độc lữ nghe ra biết bao niềm tương ứng, nên xin hoà âm với thanh thản Nàng Thơ trên cung bậc Nhất như chân thiện mỹ thi ca:
 
Là thơ là nhạc là hoa
Là chi cũng được em là em thôi
Em là huyết mạch cuộc đời
Khơi nguồn sáng tạo từ nơi đáy lòng…
 
Tâm Nhiên

READ MORE - THANH THẢN NÀNG THƠ – Tản văn của Tâm Nhiên

SÀI GÒN BÂY GIỜ - Nhạc & lời: Nguyễn Văn Thơ - Trình bày: Lệ Tuyền

READ MORE - SÀI GÒN BÂY GIỜ - Nhạc & lời: Nguyễn Văn Thơ - Trình bày: Lệ Tuyền

THÁNG TÁM SÀI GÒN - Thơ Nguyễn An Bình

 


NGUYỄN AN BÌNH

 

THÁNG TÁM SÀI GÒN


Đâu tháng tám Sài gòn

       bầu trời xanh vời vợi

Rộn rã mấy con đường 

       từng in dấu chân quen

Chủ nhật ngựa xe dập dìu

       thướt tha đôi tà áo mới

Nhịp sống sài gòn

       không ngủ suốt sáng thâu đêm.


Đâu tháng tám Sài Gòn

       thênh thang qua bao đại lộ

Có lá me bay trên con đường sách

       rộn rã ngọt tiếng em cười

Lời kinh cầu vang vang

      tiếng chuông nhà thờ Đức Bà buổi sáng

Đàn bồ câu yên bình

      lượn xuống mổ từng hạt thóc rơi.


Đâu tháng tám Sài Gòn phơn phớt

       gió heo may trở ngọn

Mấy đóa cúc vàng bung cánh

      mang hơi thở buổi chớm thu

Cánh cò trắng trên sông

       dưới ráng chiều bay về tổ 

Những chiếc cầu phơi mình

       rạng rỡ chưa thoáng chút mây mù.


Sài gòn của tôi đau cái đau

       đi qua những ngày giới nghiêm giãn cách

Số phận con người sao quá mong manh

       phải không bè bạn anh em

Tôi mang nỗi khát khao – một Sài Gòn

      qua từng đêm mất ngủ

 

Trên hàng bằng lăng xanh biếc

      bình minh ngày mới nắng đẹp sẽ lên.


23/08/2021

N.A.B.






READ MORE - THÁNG TÁM SÀI GÒN - Thơ Nguyễn An Bình

NHÌN TRĂNG NHỚ EM - Thơ Phạm Ngọc Thái

 NHÌN TRĂNG NHỚ EM

                                    Tặng Ánh Tuyết

image.png

Nhìn mảnh trăng trời lại nhớ em
Trăng trôi miên man khi mờ, khi tỏ
Chúng mình đến với nhau không còn thơ bé
Nhưng lòng tha thiết yêu thương.
 
Trăng giữa tháng khuyết dần, tình cứ tràn dâng
Cả tới khi không còn trăng nữa
Thì em vẫn bên vành vạnh tỏ
Đưa anh vào giấc mộng ru đêm.
 
Để cùng nhau say cảnh thần tiên
Cho quên hết biển đời ngang trái
Cuộc sống mưu sinh với bao mệt mỏi
Chân trời sẽ lụi tàn nếu chẳng có tình em.
 
Ôi, mảnh trăng nhỏ bé giữa mênh mang
Vẫn soi ngập cõi không gian vô tận
Sâu tận cùng trái tim anh hưng phấn
Đêm nằm thao thức vấn vương.
 
Trăng không còn. Em vẫn hiện lên...
Dìu anh qua phong ba, bão táp
Trong giấc ngủ chập chờn đêm bất diệt
Anh bay về ôm lấy trăng em.
 
Áp môi hôn lên vầng nguyệt của Cưng
Nghe trái đất dưới thân mình rung chuyển
Thế thái nhân tình dẫu bao đổi biến
Chẳng đảng phái nào sánh được hơn.

Cả nhân thế này chỉ một "mảnh trăng con"
Sống mãi muôn đời dù thay bao chủ nghĩa
Thức nhớ em hoài, trăng khuất không biết nữa
Nhìn khắp thiên hà càng da diết yêu thêm.
                     PHẠM NGỌC THÁI
READ MORE - NHÌN TRĂNG NHỚ EM - Thơ Phạm Ngọc Thái

Saturday, August 28, 2021

TỪ "THẬP GIỚI CÔ HỒN QUỐC NGỮ VĂN" ĐẾN "VĂN TẾ THẬP LOẠI CHÚNG SINH" - Lê Quang Thái

 

Văn tế thập loại chúng sinh.
Ảnh từ hanhtrinhtamlinh.com,

Từ ‘Thập giới cô hồn quốc ngữ văn’ 

đến ‘Văn tế thập loại chúng sinh’

Lê Quang Thái


Sáng tác Văn tế cô hồn hay Văn tế thập loại chúng sinh thể hiện lòng hiếu nghĩa đối với tiên nhân, người thân và kể cả đồng bào, nó dựa vào nguồn cội tri ân sâu thẳm.

 

1. NGUỒN GỐC

 

Rằm tháng bảy là tết Trung Nguyên, ngày giải thoát vong hồn, còn được gọi là ngày xá tội vong nhân. Nói về nguồn gốc của ngày Tết này, Lê Quý Đôn đã viết:

 

“Các đạo sĩ có phép tiêu tai giải ách, họ dựa vào thuật số âm dương ngũ hành, suy tính niên vận của người ta, rồi viết ra như cách thức biểu sớ: “Tâu lạy thiên tào, xin ngài giải ách”. Thế gọi là dâng sớ. Đến nửa đêm bày cổ bàn, nem rượu, bánh trái, lễ vật dưới trăng sao mà dâng cúng Thiên Tào Thái nhất (đại đế), Ngũ kinh, Liệt tú; cũng làm bài trạng như cách dâng sớ, gọi là làm lễ Tiếu (lập đàn cầu đảo). Lại lấy gỗ làm ấn, khắc chữ nhật nguyệt tinh thần; rồi hà hơi đóng dấu vào bệnh nhân, cũng có nhiều người khỏi. Đời sau làm trai đàn là bắt nguồn từ đây”(1).

 

Để làm rõ vì sao tết Trung Nguyên được gọi là lễ Vu Lan, nhà bác học tinh thông Phật học Lê Quý Đôn đã viết rõ về nguồn gốc của lễ này như sau:

 

“Tết Trung Nguyên, người ta để đồ mã và giấy ngũ sắc vào cái giường ba chân, như cái đèn nồi, gọi là Vu Lan bồn treo áo giấy, rồi lấy đóm đốt”.

 

Thích Thị Yên Lãm: Tiếng Phạn nói “Vu Lan bồn” như tiếng Hán nói

 

“Cửu đảo huyền” (cứu người bị treo ngược)”(2).

 

Theo Vu Lan Kinh: Đại đệ tử của Đức Phật là Mục Kiền Liên vì bất nhẫn khi thấy mẹ bị đọa vào đường ngục quỷ, chịu khổ, nên Ngài thưa hỏi Phật cách giải cứu. Phật dạy vào ngày Rằm tháng 7 là ngày chúng Tăng tự tứ hãy dùng thức ăn ngon quý, ngũ quả cúng dường Phật tăng trong 10 phương thì mẹ ông sẽ được thoát li khổ nạn. “Vu Lan” nghĩa là “đảo huyền”.

 

Nhà thơ Lục Du (1125 – 1210) cho biết thời bấy giờ đã có tục làm cổ chay cúng gia tiên. Mốc thời điểm này tương ứng trong khoảng cuối đời vua Lý Nhân Tông đến đời vua Trần Thái Tông của nước Đại Việt.

 

Đây là một tập tục lâu đời ở nước ngoài, còn ở nước ta thì sao? Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Mùa thu, tháng 7, năm Giáp Dần, niên hiệu Thiệu Bình thứ 1 (1434); Ngày 15, mở hội Vu Lan, tha tù tội nhẹ 50 người, cho ai sử dụng kinh 220 quan tiền”(3).

 

Như thế thì ít nhất lễ Vu Lan đã trở thành quốc lễ của nước ta khoảng 580 năm. Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên (1908 – 1975), tác giả sách Văn minh Việt Nam bằng Pháp ngữ, xuất bản năm 1944; sách có đoạn viết rõ ràng hơn: “Hội lễ dân gian của Đạo Phật là ngày rằm tháng Bảy âm lịch. Đây là một kiểu ngày lễ của những người chết, trong ngày đó, ở địa phủ, do lòng từ bi của chư Phật, một cuộc xá tội lớn, được thực hiện, các ngục được mở và nhiều vong có tội tỏa đi khắp thế gian. Các gia đình đi chùa cúng và tụng Kinh để giải thoát cho hồn của thân nhân mình (4).

 

Nguyễn Văn Huyên phác thảo lại cảnh tượng Hội lễ dân gian của Phật giáo băng cách miêu tả như là “hiện tượng ngày Rằm tháng Bảy âm lịch”, chớ không đi xa hơn là truy nguyên nguồn gốc để giải thích câu ca “Tháng Bảy ngày Rằm xá tội vong nhân” được lưu truyền trong dân gian vào những năm cuối của thập kỷ 30 thuộc thế kỷ trước.

 

Kết hợp giữa hai yếu tố truyền thông mang tính cách kinh điển Phật giáo với hiện tượng lễ hội trong xã hội Việt Nam năm 1934; giữa lúc phong trào chấn hưng Phật giáo đang chủ xướng tìm về cái uyên nguyên, tinh anh của Văn hóa Phật giáo đang được cổ xúy canh tân.

 

Theo dòng chảy lịch sử – văn học nước nhà, ngày rằm xá tội vong nhân đã trở thành quốc lễ Vu Lan, nay đã trở thành VU LAN THẮNG HỘI diễn ra từ làng quê, chùa quê cho đến thành đô khắp nước, thể hiện lòng hiếu thảo đối với tiên nhân và người thân đã mất.

 

2. THẬP GIỚI CÔ HỒN QUỐC NGỮ VĂN

 

Xem chừng giữa Thập giới cô hồn quốc ngữ văn (十誡菰魂國語文)với Văn tế thập loại chúng sinh (文祭十類眾生) có nhiều nét tương đồng và khác biệt nhau tuy rằng cả hai danh phẩm này đều bắt nguồn từ Du gia khoa nghi.

 

Theo Nguyễn Lang, (tác giả bộ sách Việt Nam Phật giáo sử luận), thì Thập giới cô hồn quốc ngữ văn là một áng Văn Nôm cổ gồm có một đoạn mở đầu và mười đoạn nói về mười giới cô hồn: 1- thiền tăng; 2- đạo sĩ; 3- quan liêu; 4- nho sĩ; 5- thiên văn địa lý; 6- lương y; 7- tướng quân; 8- hoa nương; 9- thương cô; 10- đãng tử. (5)

 

Học giả Trần Văn Giáp cho biết 2 điều đáng lưu ý qua sách Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập I tại 2 trang 218 và 219 như sau:

 

Chi tiết 1: “Hiện nay thư viện khoa học Trung ương còn lưu tàng được một số sách” gọi là Thiên Nam dư hạ tập (ký hiệu A.334), gồm nhiều quyển, đóng 10 tập, từ tập sớ IX chép trên giấy hẹp (khổ 10 x 28) tờ 2 trang, trang 8 dòng, dòng 22 chữ, chữ viết đá thảo có vẻ xưa, còn thì toàn là sách mới chép lại bằng giấy kinh (khổ 22 x 31) tờ 2 trang, trang 9 dòng, dòng 22 chữ viết chân phương, không ghi rõ chép lại từ đâu và nguyên bản mượn của người nào” (6).

 

Chi tiết 2: “Tập VI, 122 tờ…, tờ 46 – 55: Thập giới cô hồn quốc ngữ văn (Lê triều Thánh Tông ngự soạn) (十誡菰魂國語文梨朝圣涼御撰) (?), không thêm Nguyễn Trực phụng bình như các bài khác.

 

Mười điều dạy bảo các cô hồn ấy như sau: 1- Thứ nhất thiên tăng rằng; 2- Thứ hai giới đạo sĩ rằng; 3- Thứ ba giới quan liêu rằng; 4- Thứ tư giới nho sĩ rằng; 5- Thứ năm giới thiên văn địa lý rằng; 6- Thứ sáu giới lương y rằng; 7- Thứ bảy giới tướng quân rằng; 8- Giới hoa nương rằng; 9- Thứ chín giới thương cổ rằng; 10- Thử mười giới đãng tử…”. (7)

 

Trần Văn Giáp không đồng tình Thập giới cô hồn quốc ngữ văn do chính vua Lê Thánh Tông viết. Nhà vua chỉ đề thơ lên bản thảo bài tựa sách Thiên Nam dư hạ tập (trong đó có áng văn Thập giới cô hồn quốc ngữ văn) đã soạn sẵn. Nguyên văn bài thơ tựa ấy bằng chữ Hán mà sách Đại Việt sử ký toàn thư đã phiên âm:

 

Hỏa thử thiên đoan bố;

Băng tâm ngũ sắc ty,

Cánh cầu vô địch thủ

Tài tác cổn long y. (8)

 

Trần Văn Giáp đã dịch:

 

Ngàn mảnh vải bông con chuột lửa,

Năm màu tơ nõn cái tằm băng

Lại tìm thợ khéo tay vô địch

May bộ áo rồng chi đẹp bằng.

 

Quan điểm của tác giả bộ sách Việt Nam Phật giáo sử luận phản biện về nhận thức của Trần Văn Giáp rất rõ ràng:

 

“Không chắc quan điểm của Trần Văn Giáp là đúng. Trong Thiên Nam dư hạ tập ta thấy có chép thơ văn của hội Tao Đàn, trong đó có Quỳnh Uyển Cửu Ca, Thập giới cô hồn quốc ngữ văn là một tác phẩm Nôm quan trọng, sao lại không thể đưa vào Thiên Nam dư hạ tập, nhất là khi tác phẩm này do Tao Đàn Nguyên Soái sáng tác?” (9)

 

Mở đầu áng văn Nôm cổ Thập giới cô hồn quốc ngữ văn có những câu viết:

 

“… Cổ tới nhẫn kim; sinh thời có hóa. Ấy vậy, hồn là thần, phách là quỷ, no nên bụt, đói nên ma… Có quân tử, có tiểu nhân, chẳng cùng một đấng; trong phong quang, trong nghệ nghiệp, tới trót 10 loài. Ai ai cải lấy lòng phàm; khăn khắn cùng thời nghe giới.”

 

– Về giới thiền tăng, Thập giới cô hồn quốc ngữ văn viết như lời răn:

 

“Chịu giáo Thích Già, thì lòng giữ giới…”. Có bài kệ than rằng, rõ nét lời than ở 2 câu kết:

 

Nói những thiên đường cùng địa ngục

Pháp sao chẳng độ được mình ta" (10)

 

– Về giới nho sĩ nhận những lời răn: Hỡi ơi! Sống bởi chưng bàn bạc sự người; thác cho phải phiêu lưu đòi chốn. Vài bài kệ có lời than trách; tiêu biểu là 2 câu kết:

 

Bút mực chẳng quên bề chi lũ

Lộc cao sao khéo lỡ người ta. (11)

 

Như vậy chữ giới (誡r) trong Thập giới cô hồn quốc ngữ văn khác nghĩa hẳn với chữ “loại” trong Văn tế thập loại chúng sinh, về thể tài văn học thì Thập giới cô hồn quốc ngữ văn được viết theo lối tản văn nghiêng hẳn về chính luận. Thơ kệ chỉ thâu tóm lời răn để minh chứng, minh họa mà khai thị cho người được nghe, kể cả cô hồn được nghe như nghe kinh vậy.

 


3. VĂN TẾ THẬP LOẠI CHÚNG SINH

 

Loại (類) có nghĩa là loài giống như tứ tự thành ngữ “phân môn biệt loại”. Mười loài khác nghĩa với mười giới. Chúng (眾) có nghĩa là đông, nhiều. 眾生 là “các loài có sống, có chết, có cảm giác”. Chúng sinh ở trong tác phẩm Văn tế thập loại chúng sinh có nghĩa là “người”, “mọi người”. Chữ (十): thập là pháp số, vay mượn để chỉ số nhiều. Bổ sung cho việc chỉ “người”, trong dân gian có từ “kẻ”. “Kẻ” và “người” đồng nghĩa, đồng thuyền, đồng hội.

 

Về thể tài văn học của áng thơ nôm bất hủ đã trở thành kinh với 4 tên gọi: 1- Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh; 2- Chiều Hồn Văn; 3- Thỉnh Âm Hồn Văn; 4- Ca Tế Chúng Sinh.

 

Qua tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du (1766 – 1820) đã viết hai câu 2967 – 2968 như để giải thích về ý nghĩa của việc Chiêu hồn:

 

Chiêu hồn thiết vị lễ thường

Giải oan lập một đàn tràng bên sông.

 

Đừng xem thường, danh từ “lễ thường” có nghĩa là quan trọng thứ yếu sau các lễ tế Giao, lễ tế Xã Tắc… Rút ruột từ cổ thư Lê Quý Đôn tìm ra chữ gọi của “lễ thường” có tên gọi là “tục tiết”.

 

Thỉnh âm hồn văn được sáng tác theo thể ngâm khúc gồm hơn 45 khổ, gọi là hơn bởi lẽ bài thỉnh cô hồn này được kết thúc bằng hai câu song thất “Phật hữu tình”:

 

Phật hữu tình từ bi phổ độ

Chớ ngại rằng có có không không…

 

Sau cùng, một nét đặc sắc khác của Văn tế thập loại chúng sinh được gọi là sám hoặc sám văn trong cúng tế, chiêu hồn, gọi hồn từng loại chúng sinh.

 

Trong suốt toàn áng văn gồm 182 câu thơ song thất lục bát được dựng theo thể ngâm một cách truyền cảm giao hưởng giữa hai cõi âm – dương, thế mà chỉ có lời gợi đến cô hồn, Nguyễn Du chỉ nhắc 10 loại liên quan chỉ có một lần nhắc chung tại câu 11: “Thương thay thập loại chúng sinh”.

 

Pháp số 10 hàm chỉ số nhiều, những trên 10 trở lên. Chúng sinh ám chỉ mọi người – Nguyễn Du đã dùng các danh từ “người” hoặc “kẻ” đến 19 lần qua những đến 15 lần “triệu hồn, được trích chọn từ câu 21 cho đến câu 136. Chọn đếm ra thì có tới 30 câu/182 câu”.

 

Không thể kể hết, tiêu biểu nhắc đến một số câu thơ minh họa:

 

– Câu 21, 22:

 

Cũng có kẻ tính đường kiêu hãnh,

Chỉ những lăm cất gánh non sông.

 

– Câu 45, 46:

 

Kìa những kẻ mũ cao áo rộng,

Ngọn bút son sống thác ở tay.

 

– Câu 93, 94:

 

Cũng có kẻ vào sông ra biển.

Cánh buồm mây chạy xế gió đông

 

– Câu 121, 122:

 

Cũng có kẻ mắc đoàn tù rạc

Gởi mình vào chiếu rách một manh.

 

– Câu 129, 130:

 

Kìa những kẻ chìm sông lạc suối,

Cũng có người xẩy cỗi xa cây.

 

– Câu 131, 132:

 

Có người leo giếng đứt dây,

Người trôi nước lũ, kẻ lây lửa thành

 

– Câu 135, 136:

 

Có người hay đẻ không nuôi,

Có người sa sẩy, có người khôn thương.

 

Nói 9 phương trời, 10 phương Phật thì đích thị là chuẩn mực. Viết thập loại thì có thể hiểu theo cách ước lệ. Phải hiểu là trên 10 như 12, 14… cũng đúng theo tư duy tổng quan của người Việt về số lớn. Nói 100 họ (bách tính) nhưng thực tế kê ra lại hơn 100 dòng tộc. Thói tục trong bán buôn mua 10 lại chầu thêm 2, 3 hoặc 4 là bằng chứng.

 

Cái khôn khéo của tác giả Nguyễn Du là đã dùng 10 loài chúng sanh lan tỏa qua phần triệu hồn (gọi hồn). Với “Cô hồn các đẳng”, dân gian thường nói thì họ chết đủ thứ nghiệp theo lỗi “sinh nghề tử nghiệp”. Đó là chưa kể chết non, chết già. Trên 10 loài chúng sinh như sĩ, nông, công, thương, binh, còn phải kể các loại chúng sinh khác như ngư, tiều, canh, mục hoặc cầm, kỳ, thi, họa chẳng hạn.

 

Đó là nét khác biệt và tiến bộ của Nguyễn Du so với các tác giả thuộc triều thần đời vua Lê Thánh Tông đã biên soạn Văn tế thập giới cô hồn quốc ngữ văn.

 

Trong toàn bài, tuyệt nhiên không tìm thấy câu nào nhắc đến giới tăng lữ như Thập giới cô hồn quốc ngữ văn do triều thần đời Lê Thánh Tông biên soạn mà chính nhà vua đề lời tựa của bộ sách Thiên Nam dư hạ tập ra đời vào thời Hồng Đức thứ 14, tức năm Quý Mão, 1483. Đời sau và đời nay đã phản biện tranh cãi: Ai là tác giả? Người bảo của Thân Nhân Trung, kẻ nói của vua Lê Thánh Tông. Và hiện nay chưa tìm ra lời giải mã đủ sức thuyết phục. Thiết nghĩ đó là khuyết nghi của lịch sử văn học để lại cho người đời sau. Chưa biết ai sẽ vén bức màn những bí ẩn này để làm sáng rõ vừa Quốc sử lẫn Phật sử nước nhà.

 

Riêng, Văn tế thập loại chúng sinh thì có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nguyễn Du đã từng nhen nhóm nguồn cơn: “Nhờ phép Phật siêu sinh Tịnh độ/ Phóng hào quang cứu khổ độ u”.

 

Năm 1973, giáo sư Thạch Trung Giả cho ra mắt bạn đọc bộ sách Văn học phân tích toàn thư đã viết:

 

“… Kinh Chiêu Hồn tả thế giới của người chết, nhưng nó chỉ là phần phản ánh thế giới của người sống, đó là hình ảnh thời Lê Mạt, mà cũng vì thế nên mặc dầu thê thảm ghê rợn nhưng Kinh Chiêu Hồn vẫn không quái đản như những tác phẩm Edgar Po, nó còn NHÂN LOẠI TÍNH (người viết tôn hoa lên) vì nó tả hình ảnh nhân loại qua những bóng ma, nó cảm lòng ta chứ nó không muốn cho thần kinh thác loạn” (12).

 

Tự thân Truyện Kiều và Văn tế thập loại chúng sinh tự nhiên đã đẩy đưa Tố Như Nguyễn Du lên văn đàn thế giới và trở thành Đại thi hào dân tộc kể từ năm 1965.

 

Vinh danh lớn không những dành cho người Việt Nam mà còn cho hàng nho sĩ không thấy trở ngại gì khi mình đồng thời cũng là Phật tử nữa. Đó là nội dung lời bình về Nguyễn Du của tác giả sách Việt Nam văn hóa sử luận (13).

 

Thiết nghĩ, đó là “cái dũng” của người cầm bút tung lên hay nói cách khác là khí tiết của nhà nho Nguyễn Du, Đại thi hào của thế giới.

 

Lê Quang Thái

(Theo Tạp chí Sông Hương, 05/9/2017)

 

——————-

1. Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn, Phạm Vũ và Lê Hiền dịch và chú giải, Nxb. Miền Nam, Sài  Gòn, 1973, tr.187; 195.

 

2. Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn, Phạm Vũ và Lê Hiền dịch và chú giải, Nxb: Miền Nam, Sài  Gòn, 1973, tr. 187; 195. Tiếng Phạn: Ullambana = Vu Lan bồn hội.

 

3. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Cao Huy Bin và Đào Duy Anh dịch, Nxb. Văn hóa – Thông  tin, Hà Nội, 2004, tr. 129.

 

4. Văn minh Việt Nam, Nguyễn Văn Huyên, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005, tr.361.

 

5. Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2000, tr.493.

 

6. Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Tập I, Trần Văn Giáp, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1984, tr.218.

 

7. Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Tập I, Trần Văn Giáp, Sđd, tr.219.

 

8. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Sđd, tr.386.

 

9. Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, Sđd, tr.492

 

10. Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, Sđd, tr.494

 

11. Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, Sđd, tr.495.

 

12. Văn học phân tích toàn thư, Thạch Trung Giả, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn, 1973, tr.33.

 

13. Xem Việt Nam văn hóa sử luận, Nguyên Long , Sđd, tr.675-676.

READ MORE - TỪ "THẬP GIỚI CÔ HỒN QUỐC NGỮ VĂN" ĐẾN "VĂN TẾ THẬP LOẠI CHÚNG SINH" - Lê Quang Thái

Dịch COVID Vũ Hán: NHỮNG NGHĨA CỬ CAO ĐẸP CỦA CHIẾN SĨ ÁO TRẮNG VÀ NHÓM THIỆN NGUYỆN - Võ Văn Cẩm

 

Giang Kim Cúc một doanh nhân địa ốc là thành viên môi trường Thế giới.

Là một thủ lãnh "Trashpackers" của Việt Nam.



Khi con Covid xuất hiện ở Vũ Hán, một thành phố có hơn 20 triệu dân, thành phố lớn thứ nhì Trung Quốc, tràn ngập trong dịch bệnh, nhìn những clip quá kinh hoàng, người chết không còn chỗ để, đang đi trên đường lăn ra chết, hấp hối đều bỏ vào túi nylon đem đến lò thiêu.

 Nơi đây là đầu mối của dịch bệnh Covid Vũ Hán. Người ta không thống kê bao nhiều người chết. Dịch lây lan ra hơn 200 quốc gia.

 Ngay các nước có nền y học tiên tiến cũng không thoát khỏi tai họa khủng khiếp này.

  Nước đông dân thứ nhì thế giới lại bị dịch bệnh thảm khốc nhất hoàn cầu. Ấn Độ có hàng triệu người ngã xuống, không thiêu kịp phải thả xuống sông Hằng.

 Trời đất còn thương dân tộc Ấn. Một trận lụt bão lớn đã đã chặn đứng dịch bệnh thế kỷ.

  Dịch COVID Vũ Hán còn gieo rắc đau thương quá lớn cho Malaysia và Indonesia...

 Gần đây nhất, Covid đã làm chao đảo cuộc sống của người Việt Nam. Hơn một năm rưởi với 4 lần Covid dịch bệnh lây lan. Lần này lớn nhất, dân thành phố Hồ Chí Minh run sợ trước đại dịch. Các chiến sĩ áo trắng đã kiệt sức, bệnh nhân ngày càng nhiều. Cao điểm hơn 5.000 ca bệnh, tử vong gần 400 người/ngày. Bệnh viện không còn chỗ, lò thiêu quá tải, xe quan tài nối dài chờ đợi hơn 3 cây số, năm ba ngày vẫn chưa đến lượt. Một con số chóng mặt, nhìn đoàn xe tang mà ớn lạnh, tàn ác hơn bất cứ một cuộc chiến tranh nào.

  Điều nguy hại đáng sợ là chiếc quan tài  không tốt, có cái làm bằng giấy, thời tiết nắng nóng, tẩm liệm không kỷ. Có thể chiếc hòm sẽ vỡ tung, dân vùng này sẽ chuốc lấy hậu quả vô lường. Sẽ gây ra nhiều bệnh tật.

 Sao lãnh đạo và cơ quan Chống dịch không nhận ra điều đó? Không tìm ra phương án để giải quyết? Không tìm nơi chôn cất? Làm lò thiêu dã chiến?

 Nhiều ngày cách ly, tôi thường ôm chiếc điện thoại để theo dõi thông tin hàng ngày, hàng giờ trước thảm họa của dịch bệnh, về những lời khuyên, những khuyến cáo của ngành y tế, những kinh nghiệm, những nỗi đau của bạn bè trong và ngoài nước. Những điều tử tế, những tấm lòng nhân ái của nhiều người.

 Những cọng rau, những hạt muối của bà con hàng xóm chia sẻ, những món quà của người thân ở xa gởi tới.

Lúc cơ hàn mới thấy giá trị của tình thương, của tình máu mủ, mới thấy "Máu chảy ruột mềm", "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ".

 Nhiều lần xem các thiên thần áo trắng theo lệnh điều binh, khi quê họ còn bình an, họ phải xa gia đình, nguời thân, lần  lượt đến các vùng dịch cứu viện. Không phải một ngày mà nhiều ngày, trong bộ đồ chống dịch, họ cam phận chịu đựng để làm việc cao cả hơn, hình ảnh ấy làm  nhiều người rơi lệ.

 Họ không sợ sự nguy hiểm của dịch bệnh, nguy cơ lây nhiễm, bệnh dịch có thể gây tử vong cho chính họ. Nhưng với  lương tâm người thầy thuốc, trách nhiệm của một cán bộ, nghĩa vụ của một công dân, họ đặt tình yêu thương lên trên sự sợ hãi, không thể từ chối việc làm mà Tổ Quốc đang cần, nhân dân đang có nhu cầu, lương tâm con người đang thúc giục, khi họ  đứng trước sứ mệnh cao cả, trước sự mất còn của Tổ Quốc, của nhân loại.

  Tôi cũng xem những thông tin trên mạng về những người làm từ thiện, họ dám bỏ cả cơ ngơi sự nghiệp vì cộng đồng, hy sinh cả tuổi xuân, dám đánh đổi sinh mạng cho việc làm đầy nhân ái, họ dám xông pha nơi vùng dịch bệnh, nơi người đang ngã xuống, nơi tang tóc nhất, nơi hiểm nguy nhất.

  Nhìn họ làm mà lòng tôi quặn thắt, ứa lệ, với những cảm xúc tận cùng.

 Có lẽ những ai có đứa con như thế rất đỗi tự hào nhưng cũng đầy lo lắng.

 Họ làm theo nhịp đập của trái tim, những thổn thức của lòng mình, không vì tiền tài danh lợi, nên  chẳng sợ hiếm nguy.

 Sự hy sinh ấy, nguy hiểm gấp ngàn lần trên mặt trận khi chiến đấu với kẻ thù.

 Họ tiếp tay với chính quyền chỉ mong đất nước vượt qua cơn đại dịch. Có những đại gia bỏ hàng ngàn tỉ để chống dịch, để mua vaccine, để mua thuốc và phương tiện giúp người.

Bên cạnh đó còn có những đoàn thiện nguyện ngày đêm sát cánh với các chiến sĩ áo trắng trong các bệnh viện, đang từng giờ cố dành lại mạng sống cho bà con.

 Trong những ngày giãn cách, rất cần những nhóm người quên thân minh để mong đáp lại những nhu cầu mà hàng triệu người dân TP HCM mong đợi.

 Trong các nhóm làm từ thiện, tôi theo dõi nhiều nhất là nhóm 5 cô gái trẻ với đoàn xe 0 đồng Giang kim Cúc, nhóm xe miễn phí của anh Đoàn ngọc Hải, nhóm nghệ sĩ Việt Hương, được sự tài trợ Oxy của anh. Chị Dũng Hằng.

 Các nhóm này hợp lực lại làm nên kỳ tích trong trận dịch COVID Vũ Hán này.

  Những cô gái trẻ, rất trẻ, sao có tâm từ bi, có tấm lòng đại lượng đến thế, họ dám xã thân làm cái việc mà người khác chỉ nhìn rồi quay mặt né tránh không dám quay đầu.

  Có hàng trăm xác người đang nằm trên xe trước các lò thiêu.

 Những người nắm xuống trong bệnh viện khi nhà xác không còn chỗ để, hàng trăm người kêu cứu trong từng xóm nhỏ khắp TP. Tiếng khóc than tuyệt vọng của nhiều gia đình.

 Chiếc điện thoại trên tay các cô reo liên tục về tin báo: Có người mất mấy ngày trong một căn nhà nhỏ, tất cả ngồi chịu trận bên xác người thân.

Tiếng khóc thảm thiết của người vợ trẻ trong nhà trọ, tiếng kêu của những cụ già khi con mình nằm xuống.

 Tiếng còi hụ liên tục của xe cứu thương tiếp cứu những mảnh đời nghiệt ngã vang khắp các nẻo đường, suốt ngày đêm.

 Nhóm thiện nguyện của doanh nhân Giang Kim Cúc. Cúc là thành viên thứ 33 của Liên Hiệp Quốc (Trashpackers) trong các dự án môi trường. Có tiếp viên hàng không Phan Quế Chi hảng hàng không BamBo Airways đồng hành. Chị tiếp viên tâm sự  "Nơi mảnh đất thân thương này mình được sinh ra. Trong tình yêu thương của mọi người, ta hãy xã thân để trả ơn đời, ơn người một thời nuôi ta lớn, sá gì hiếm nguy, sá gì thân xác."

  Không kể ngày đêm, không màng sức khỏe mình, cứ thản nhiên gom xác người, quên cả bữa ăn, giấc ngủ, quên luôn vẻ đẹp thuần khiết của đấng mệnh phụ, phu nhân một thời ngang dọc.

 Còn đó hình ảnh của vợ chồng nghệ sĩ Việt Hương, thức trắng đêm để đón nhận những tặng phẩm mà các Mạnh Thường Quân nhờ Việt Hương trao cho bà con nghèo. Còn đó anh Đoàn ngọc Hải một thời oanh liệt. Một mình trên chiếc xe từ thiện giúp những hoàn cảnh khó khăn, anh mang đến họ những lời an ủi để xoa dịu nỗi đau. Trong đêm u tịch anh lặng lẽ chở những bình Oxy do chị Hằng tặng cho những bệnh nhân đang hấp hối.

  Điều mà tôi tâm đắc và thán phục nhất là cô gái trẻ Giang kim Cúc, cô giải được bài toán khó mà ngay chính các lãnh đạo chống dịch đang nan giải: Giải quyết một lượng thi hài quá lớn trong dịch lên cao điểm.

  Nhà từ thiện Giang Kim Cúc tìm ra giải pháp. Cô nộp đơn xin phép lãnh đạo TP HCM cho phép cô mua 10 container. Theo tính toán mà cô giải trình. Cứ 60 xác/Container, thi 10 container sẽ giải quyết được lượng xe chở quan tài dài 3 km trước lò thiêu, số tiền không nhỏ. 

 Tránh được nguy cơ lây lan và tránh được ô nhiễm cả một vùng đông dân, đặc biệt lúc dịch lên điểm đỉnh.

  Nhìn sự tất bật của Giang Kim Cúc mà thương mến và bái phục.

 Nhìn tấm hình của bà ngoại GKC vừa mất treo trên tường, nhìn người mẹ đang nằm thở oxy ở nhà vì COVID Vũ Hán mà xót xa. Nhìn bộ đồ bảo hộ luôn luôn bận trên người mà khâm phục.

 Khi GIang Kim Cúc cầm điện thoại điều khiển công việc từ thiện từ xa mà thương cảm.

 Để làm được chuyện đại sự này chắc cô có trái tim nhân hậu, sự tiếp tay của nhiều nhà hảo tâm, nhiều tấm lòng đồng điệu, là một sự hạnh ngộ diệu kỳ.

 Ta dễ dàng tìm các Mạnh Thường Quân,  các nhà hảo tâm, nhưng khó tìm ra người có tâm thiện và dám hy sinh như GKCúc.

  Trong dịch bệnh ở  nhà còn sợ, mà họ một ngày biết bao nhiêu người bệnh qua đời được họ  tẩm liệm tươm tất với nhóm " Chuyển xe 0 đồng". Ôi cao quý quá. Đất nước này có được mấy ai?.

 Ngồi trong phòng trốn dịch, cứ tính chuyện núp cho kỷ, luôn nghe sang sảng những tiếng gọi bên tai "Ba ở trong phòng thôi " của đứa con gái, ngồi góc nhà ôm chiếc điện thoại nhìn con trên màn hình nhỏ, khi chồng và con về quê trốn dịch đã 4 tháng rồi. Một ngày nhiều cuộc điện thoại của vợ con của cháu, của bạn bè người thân trong và ngoài nước  hỏi thăm, vấn an sức khỏe và khuyên ông núp cho kỷ, dặn đủ điều về chuyện đề phòng dịch bệnh như dạy một đứa trẻ.

  Dù tuổi 80, nhưng sao thấy mình ích kỷ và nhỏ bé trước sự đóng góp của những cô gái trẻ kiên cường. Ngồi suy ngẫm tiếc đời mình tuổi lớn, giá như còn trẻ, chắc chắn trong đám tình nguyện ấy có dấu chân của  mình.

  Bên cạnh những công việc tất bật vì đại cuộc trong việc chống dịch, cái chết đang bủa vây, đang đe dọa mạng sống bất cứ một ai, già trẻ, trai gái, giàu nghèo, quyền cao chức trọng, cao tăng hay cha xứ, nó không chừa một ai.

  Cái chết cận kề, bên tiếng gọi của Ban Chống dịch, tiếng kêu cứu của dân, tiếng khóc than của người bệnh, lệnh  của Lãnh đạo.Tôi vẫn nghe đâu đó tiếng của những hạng người thiểu năng trí tuệ, điên rồ  mang cái đầu của loài thú, phát ra những loại âm thanh không phải là người làm cho mấy cháu trẻ phải rơi lệ, ngả lòng, nhụt chí, nhưng rồi các cháu vẫn ngẩng cao đầu hiên ngang bước tới.

 Tôi nghĩ không phải 10 container mà phải có nhiều xe nữa mới trữ được lượng người chết.  Phải dài ngày và có nhiều lò thiêu dã chiến, hoặc có nơi mai táng, mới khỏa lấp được nỗi đau thương mà người Sài Gòn đang gánh chịu.

  Thành phố trở lại bình yên, cuộc sống trở lại bình thường, chắc chắn trong đó có công lao lớn của nhóm trẻ này, hình ảnh các cô mãi trong trái tim ta.

  Một tấm gương sáng, một bài học đạo đức của một giai đoạn lịch sử đầy bi thương.

 Đây có phải là do nhiều cái nhân tụ lại mới có cái quả hôm nay? Luật nhân quả là có thật. Đời mong manh và vô thường lắm. Chúng ta đừng gieo khẩu nghiệp hay ác nghiệp mà nên gieo thiện nghiệp và chuyển nghiệp vì đó là chân lý cuộc sống.

 Chúng ta cầu nguyện cho người dân, các chiến sĩ áo trắng, các tình nguyện viên, các nhà hảo tâm gặp mọi điều an lành sức khỏe, vạn sự cát tường và cầu nguyện cho đại dịch sớm qua đi

           Sài gòn 25/8/021.    

            Võ Văn Cẩm

READ MORE - Dịch COVID Vũ Hán: NHỮNG NGHĨA CỬ CAO ĐẸP CỦA CHIẾN SĨ ÁO TRẮNG VÀ NHÓM THIỆN NGUYỆN - Võ Văn Cẩm