Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, March 31, 2020

CHIỀU SAY - Thơ Lê Kim Thượng



     Nhà thơ Lê Kim Thượng
   

CHIỀU SAY

 (Giải thưởng “Tác phẩm hay”
Văn học nghệ thuật Đồng bằng Sông Cửu Long)

Ngày đáo xứ em buồn dễ sợ
Nơi đây mù mịt khói quan biên
Chiều say chợt nhớ về phố chợ
Thương ta đời oằn gánh oan khiên

Rừng dựng chân mây rừng u tịch
Đường xa hiu hắt bóng nhạn về
Thời mạt dấn thân lầm Đất Trích
Thương quê nhà lạc nẻo sơn khê

Lâu nay xuôi ngược dòng định mạng
Mỏi vó trăm năm bước thẫn thờ
Núi chắn, rừng ngăn, chiều lãng đãng
Thở một tiếng dài động căn cơ

Lâu riết đâm khùng như trái đất
Cũng vu vơ hết sáng lại chiều
Hát quẩn quanh bài ca tàn tật
Lòng nhớ nhà quyện khói hắt hiu

Buông thân rớt xuống đời khinh bạc
Tráng sĩ buồn thiu một chỗ nằm
Lâu năm sầu dấy lên bát ngát
Về đâu, về đâu, cuộc trăm năm ?

Rượu uống, đôi khi cuồng bất tử
Túm áo người xưa đòi ấn công hầu
Không lẽ suốt đời làm lê thứ ?
Nhớ kiếp xưa, đội mảo mang râu

Thương ta trọn một đời mây nổi
Theo bóng công hầu lắm gian nan
Bây giờ người trốc trơ già cỗi
Vỗ bụng mình thấm ý cười khan !                     

          Nha Trang, tháng  4. 2020

                  Lê Kim Thượng 

READ MORE - CHIỀU SAY - Thơ Lê Kim Thượng

BẰNG LĂNG THÁNG TƯ - Thơ Trần Mai Ngân



                                Nhà thơ Trần Mai Ngân



BẰNG LĂNG THÁNG TƯ

Tháng Tư Bằng Lăng tím cả trời
Đâu có biết cuộc đời khốn khó
Corona chập chờn đe dọa
Bao con người cuộc sống bất an...

Tháng Tư Bằng Lăng vẫn huy hoàng
Màu chung thuỷ cũng là thương nhớ
Đâu biết bao điều đang lỡ dở
“Off” nhà hàng, trường học... vui chơi...

Bằng Lăng cứ nở, cứ chơi vơi
Đâu hề biết đời đang phân cách
Corona đến từng ngõ ngách
Làm nguy nan lắm cảnh trái ngang...

Tháng Tư Bằng Lăng nở bình an
Đâu biết lòng em hoang mang lắm
Cung đường nào cho đời yên ắng
Có anh em đón nắng bình minh...

Tháng Tư Bằng Lăng của chúng mình
Em khẽ nói : tình yêu bất tận
Tháng tư Bằng Lăng... em hờn giận
Vì cớ gì... lận đận đời nhau!

                              Trần Mai Ngân

READ MORE - BẰNG LĂNG THÁNG TƯ - Thơ Trần Mai Ngân

LÒNG CỨ TƯỞNG, LÒNG THẬT BÌNH YÊN, LỜI KINH BUỒN CHUỘC TỘI - Thơ Lê Văn Trung







LÒNG CỨ TƯỞNG

Lòng cứ tưởng ngày mưa cùng tháng nắng
Đã vạn lần hò hẹn với trăm năm
Ai ngờ được mưa mịt mù vô tận
Để nắng tàn vàng cả giọt sương tan

Lòng cứ tưởng trời kia và đất nọ
Là thiên thu nghìn kiếp bất phân ly
Ai ngờ được bên vực đời sinh tử
Đất và trời tàn cuộc bỏ nhau đi

Lòng cứ tưởng trăng nghìn thu vẫn khuyết
Để chờ nhau mầu nhiệm buổi trăng rằm
Ai ngờ được nỗi lòng trăng tận nguyệt
Để đò chiều lặng lẽ một dòng sông

Lòng cứ tưởng, ôi lòng tôi cứ tưởng
Trái tim người còn nhịp đập trong tôi
Ai ngờ được chỉ là cơn ảo mộng
Chỉ là nguồn khát vọng cháy khôn nguôi.

                                  
LÒNG THẬT BÌNH YÊN

Lòng thật nhẹ, thật bình yên em ạ
Gió vàng thu còn níu lại bên thềm
Tiếng chim hót ru mềm trên phím lá
Mây trời xanh nhuộm thắm áo thiên thanh
Lòng cũng vui, chập chờn theo cánh bướm
Tiếng ai cười rơi giọt nắng giòn tan
Tôi bỗng nhớ bóng người qua cửa lớp
Mang mùa thu về nhuộm áo thu vàng
Tôi bỗng nhớ buổi nụ rằm chưa chín
Trăng cài hoa lên tóc chảy đôi dòng
Cơn gió nào đã âm thầm hò hẹn
Mà đất trời tỏa ngát một mùi hương
Lòng nhẹ quá đã tan thành sương mỏng
Em có về cho áo quyện màu sương
Lòng nhẹ quá đã tan vào cơn mộng
Nở giùm tôi, em nhé, nụ môi hồng.


LỜI KINH BUỒN CHUỘC TỘI

Một ngày nào đó em sẽ trở về
Tình cờ và xa lạ
Quên lãng và hửng hờ
Bước qua nền sân gạch phủ rêu
Chợt thấy bàn chân mình in dấu
Quá đổi quạnh hiu
Chợt thấy bóng mình nghiêng xuống
Nặng trĩu nỗi niềm
Chợt thấy câu thơ ai đề trên bục cửa
Phủ bụi thời gian
Phủ bụi điêu tàn
Mà hơi thở của thơ còn làm run lòng hoài nhớ
Mà hơi thở của thơ còn làm rơi mòn giọt lệ
Thấm mặn cả hoàng hôn
Một ngày nào đó em sẽ trở về
Như bóng trăng xưa khuyết tròn mấy bận
Vẫn vô tình tròn khuyết giữa trăm năm
Em bước qua lòng tôi xưa chớm nở nguyệt rằm
Giờ chênh chếch nửa vành trên đỉnh núi
Giờ chông chênh linh hồn tôi tàn rụi
Em trở về - quên buổi bỏ nhau đi
Quên như những lãng quên mù xa nhan sắc xuân thì
Quên như lãng quên thấy mình quay trở lại
Em cúi xuống nền rêu lòng chạm niềm băng giá
Như chạm vào nỗi đau mòn mỏi đời nhau
Một ngày nào đó em trở về trả lại hết hạnh phúc khổ đau
Xin Thánh hóa tình em
Tôi nguyện làm người giữ đền như tín đồ trọn đời chuộc tội.

                                                                  Lê Văn Trung

READ MORE - LÒNG CỨ TƯỞNG, LÒNG THẬT BÌNH YÊN, LỜI KINH BUỒN CHUỘC TỘI - Thơ Lê Văn Trung

MỘT NĂM RỒI MỘT NĂM QUA - Ca khúc Mai Hoài Thu phổ thơ Nguyễn Hải Long -.Biểu diễn: Vân Khánh

READ MORE - MỘT NĂM RỒI MỘT NĂM QUA - Ca khúc Mai Hoài Thu phổ thơ Nguyễn Hải Long -.Biểu diễn: Vân Khánh

Lê Yên giới thiệu tiểu thuyết ĐOẠT HỒN TAM TUYỆT II, tác giả MACDUNG




LỜI GIỚI THIỆU

ĐOẠT HỒN TAM TUYỆT II

  Tác giả: MacDung

   Tôi nôn nao một cảm giác khó tả. Cảm giác hai bàn chân nhanh hơn một thời tuổi trẻ… Tìm một góc yên tĩnh với cuốn truyện kiếm hiệp trên tay. Ngày xưa những tác giả nổi tiếng của Trung Quốc như: Kim Dung, Huỳnh Dị, Cổ Long… với thế giới tưởng tượng phong phú trong tác phẩm đã hút hồn tôi say mê… Nhân vật chính là những trang tuấn kiệt và giai nhân, những anh hùng cái thế… Với thiện, ác đấu đá tranh giành, tạo nên kịch tính hấp dẫn… Hiện tại tôi được đọc một bộ truyện kiếm hiệp không kém phần hấp dẫn của tác giả MacDung - Người Việt Nam. Thật sự bái phục tác giả. Tình yêu văn học, say mê tìm tòi hiểu biết về nhiều lĩnh vực… Với một cây bút có tâm, cho dù tác phẩm là một thể loại kiếm hiệp hư cấu vẫn đầy tính nhân văn… Tôi cảm nhận: Một khi đã đặt bút, từng chữ như là tâm huyết tác giả gởi gắm cho đọc giả…Với một tâm tưởng phong phú tác giả đã có nhiều tác phẩm hay…! Đoạt Hồn Tam Tuyệt xứng đáng được trân quý trên kệ sách của những người yêu văn học…!

  Xuyên suốt Đoạt Hồn Tam Tuyệt. Tác phẩm có tính giải trí cao. Xa rời đời sống thực tại nhưng vô hình trung, trong thế giới tưởng tượng đầy hư cấu đó: Đất trời vẫn bạt ngàn xanh ngắt. Trời, mây, non nước hữu tình… Có tình yêu, tình bạn. Cái xấu được che đậy dưới nhiều danh xưng, mặt nạ để rồi tội ác hiện hữu… Và cuối cùng cái thiện cũng thắng cái ác.

  Anh hùng xem cái chết nhẹ tựa lông hồng nhưng ân tình và lời hứa nặng tựa Thái sơn… Cao Phong (Nhân vật nam chính) dù tánh mạng như ngàn cân treo sợi tóc vì trúng kịch độc mà ngất đi quá một tuần trăng, nhưngkhi tỉnh dậy trăn trở đầu tiên vẫn là đi kiếm Lâm Gia Hân. Người con gái đã in bóng hình trong tâm trí chàng trai. Trong lòng đau như cắt, lệ khô thấm ngược vào trong: “Ai bảo anh hùng không rơi lệ? Thật ra giọt lệ của anh hùng đôi khi bi thảm hơn kẻ khác. Nó không chảy ra theo thói thường tình mà lại chảy vào một nơi sâu kín không lời bày tỏ…”

   Tình bạn chí cốt giữa ba chàng trai: Cao Phong, Lý Bằng,Trương Chí. Mỗi người một cá tánh, nhưng có một điểm chung đều hào hiệp, trượng nghĩa sống chết có nhau khiến ta ngưỡng mộ… Giang hồ hiểm ác, tìm đâu ra tri âm, tri kỷ…  Những mẫu đối thoại như: “Con người căn bản, có thiện tâm. Chẳng qua họ bị dục vọng làm mờ mắt…” hay là: “Phải hòa mình vào cuộc sống mới hiểu hết nỗi thống khổ của bàn dân thiên hạ… Chỗ đứng của người nghèo và kẻ yếu thật sự không tồn tại…” Tác giả muốn gì đây? Muốn đi tìm sự công bằng ư…! Muôn đời trong nhân gian, kẻ mạnh hiếp kẻ yếu, người gian manh đầy mưu ma, chước quỷ luôn hại người…  Bã hư danh làm mờ con mắt thiện. Sự nhạy cảm như tơ đàn rung lên xa xót khiến tự do không còn,khi trong tâm còn bao nhiêu ràng buộc, phiền não… Một trang hào kiệt với thuật khinh công tuyệt đỉnh,nhún mình một cái là vút đi như cơn gió không chạm ngọn cây… Vậy mà tâm tư nặng trĩu … Phải chăng vì hai chữ nghĩa tình…!

   Qua bốn mươi chương của Đoạt Hồn Tam Tuyệt. Trải dài xuyên suốt, mỗi một chương đều có sự gay cấn, hấp dẫn giữa những tranh giành, đúng sai xuyên suốt. Bên cạnh đó không thiếu ân tình, nghĩa hiệp giữa sáng tối đan xen… Sự đan xen đó như một lực hút dẫn ta luôn dõi theo từng nhân vật, từng câu chuyện và mong một cái kết đẹp.

   MacDung là một nhà văn đa tài. Nghiệp văn chương như là máu thịt không xa rời. Ông từng là một nhà báo, trong ban biên tập của tòa soạn báo Tuổi Trẻ Cửu Longkhi xưa. Ông đã sáng tác nhiều thể loại: Truyện ngắn, truyện dài, truyện ma liêu trai. Truyện tình cảm tuổi mới lớn… Thơ và bình luận văn học.

   Không phải ai cũng được cuộc đời đãi ngộ… Con đường mưu sinh của ông cũng gập ghềnh khiến ông bỏ bút hơn hai mươi năm…! Nhưng con chữ cứ mãi thôi thúc, tràn đầy trong tâm tưởng ông, như nợ phải trả với đời… Ông đã trở lại và cây bút vẫn đầy nội lực… Chúng ta đã có Đoạt Hồn Tam Tuyệt II trên tay. Hãy cùng tôi bạn nhé! Khám phá thế giới kiếm hiệp hư ảo như một trải nghiệm nhân, tình, thế, thái trong một thế giới không có thực… Tại sao tác giả phải mượn sự hư cấu đó? Phải chăng niềm khát mơ: chân, thiện, mỹ…giữa thế giới thật, đôi lần trong cuộc đời tác giả đã khóc cười bên ly rượu cay… Để rồi thoát thai vào tác phẩm góp mặt cho đời.

   Cám ơn nhà văn MacDung với cả tâm huyết dành cho văn học. Để cho ra đời từng đứa con tinh thần, sẽ ở lại với văn học những tác phẩm hay. Tôi tin rằng không phải bây giờ truyện của ông lưu hành trên các trang mạng và được đọc trong những chuyện ma hấp dẫn người nghe, mà còn lưu truyền mãi với thời gian.

   Mời độc giả hãy đến với tác phẩm Đoạt Hồn Tam Tuyệt. Mong rằng món ăn tinh thần này thỏa niềm đam mê văn học của bạn. Đó cũng là sự trân quý chúng ta dành cho nhà văn MacDung. Cám ơn ông rất nhiều.



                                                                      Sài Gòn.26/6/19

                                                                            Lê Yên


Mời đọc tiểu thuyết ĐOẠT HỒN TAM TUYỆT I của nhà văn MacDung BẤM VÀO ĐÂY
.
Mời đọc tiểu thuyết ĐOẠT HỒN TAM TUYẾT II của nhà văn MacDung: BẤM VÀO ĐÂY
READ MORE - Lê Yên giới thiệu tiểu thuyết ĐOẠT HỒN TAM TUYỆT II, tác giả MACDUNG

NGOẢNH LẠI MỘT ĐỜI NÀY XANH CỎ... - Thơ Nguyễn Hồng Linh

Nhà thơ Nguyễn Hồng Linh



NGOẢNH LẠI MỘT ĐỜI NÀY XANH CỎ...
Nguyễn Hồng Linh

.

Từ người đi cỏ biếc hờn nhàu úa
Chim trong vườn thôi hót khóc mùa rơi
Lá hấp hối tiễn đưa lời ly biệt
Nợ ân tình chưa trả tiếc xuân xanh

Từ người đi trăng lịm chết trên cành
Áo tương tư đã vàng thôi trổ nhánh
Gió khắc khoải hồn lạc loài rên xiết
Lệ tràn mi vụn vỡ ướt ngày thơ

Từ người đi khép lại mùa trăng nhớ
Dấu rêu phong đã chạm khói tình mơ
Cánh thiên di bỡ ngỡ khuất chân trời
Ta ngoảnh lại một đời này xanh cỏ...

Suttgart, 24/03/2020

N.H.L.
READ MORE - NGOẢNH LẠI MỘT ĐỜI NÀY XANH CỎ... - Thơ Nguyễn Hồng Linh

ĐỌC: RÉT BÂN NHỚ MẸ - NGÀY 8 THÁNG 3 - Đặng Xuân Xuyến



ĐỌC: RÉT BÂN NHỚ MẸ

- NGÀY 8 THÁNG 3

*

RÉT BÂN NHỚ MẸ

.

Rét Bân vương má con hạt mưa

Kiểu mưa Bân này dễ ho, mẹ ạ

Chân mẹ ấm không / rét Đài sương giá?

Tay mẹ cóng không / rét Lộc buốt tê?

.

Mẹ ơi!

Từ hồi Mẹ đi

quanh con hơ hoác trống.

.

Mưa Bân chắt lọc

từ li ti hương xuân rất trong

Tình mẹ ấm nồng

gom nhặt từ tháng ngày vất vả

tháng ngày ngược xuôi tất tả

lần hồi mẹ áo nâu sờn...

.

Mưa Bân rất tròn

mỏng dầy xếp giọt

Trời thương Nàng Bân, Trời ban rét ngọt

Con xin Trời cho con nắng tươi

cho con thấy nụ cười

nhóng nhánh hạt na đen của mẹ.

.

Rét Bân rất nhẹ

Đủ lùa thông thống tháng ba.

Đủ cuốn tuổi đông con

về Mẹ chốn bao la

Tìm hơi ấm Mẹ.

*.

Hà Nội, 08 tháng 03.2019

BÙI CỬU TRƯỜNG
.

LỜI BÌNH:

Sáng ngày 8 tháng 3, tôi được đọc một bài thơ tự sự, viết về MẸ của nhà thơ, bác sĩ Bùi Cửu Trường.

Bài thơ có tựa đề: RÉT BÂN NHỚ MẸ.

Tôi ấn tượng với bài thơ ở ngay những câu đầu:

"Rét Bân vương tay con hạt mưa

Kiểu mưa Bân này dễ ho mẹ ạ

Mẹ đủ ấm không / khi trời lạnh giá?

Mẹ đủ ấm không / khi đất buốt tê?"

Những câu thơ tự sự giản dị, mộc mạc, trĩu nặng nỗi niềm, từ hạt mưa vương vào tay, gợi nên nỗi lo dịu dàng thường trực: "Kiểu mưa Bân này dễ ho mẹ ạ", rồi đột nhiên thay đổi tâm trạng, từ dàn trải tâm sự sang dồn nén những lo lắng:

"Mẹ đủ ấm không/ khi trời lạnh giá?

Mẹ đủ ấm không/ khi đất buốt tê?"

Khiến người đọc sững lại, rồi trầm lặng khá lâu trước sức ám ảnh của những hình ảnh xuất hiện trong những thước phim rất ngắn. Đến đây, người đọc mới vừa thốt lên lời đồng cảm cùng tâm trạng xót thương của người con hiếu đễ với người Mẹ đã khuất, thì lại vỡ òa cảm xúc bằng những câu tự sự lắng đầy nước mắt. Sự nhớ thương trong đau xót, cút côi được dồn nén đến tận cùng bởi những câu thơ ngấn lệ, trầm buồn:

“Mẹ ơi

Từ hồi Mẹ đi

quanh con hơ hoác trống.”

3 chữ “hơ hoác trống” đã diễn tả tất cả sự nhớ thương - mất mát - cút côi của người con khi mất Mẹ.

Tôi thích 4 câu thơ:

"Rét Bân vương tay con hạt mưa

Kiểu mưa Bân này dễ ho mẹ ạ

Mẹ đủ ấm không / khi trời lạnh giá?

Mẹ đủ ấm không / khi đất buốt tê?"

được viết ban đầu hơn so với 4 câu đã được nhà thơ chỉnh sửa.

Bởi theo cảm nhận của riêng tôi thì 4 câu chưa chỉnh sửa rất gợi cảm xúc với người đọc. Câu “Rét Bân vương tay con hạt mưa” gợi tâm trạng chông chênh, chới với của người con giữa trời mưa rét khi cô đơn, vắng (mất) Mẹ. Sự lặp lại cụm từ 4 chữ: "Mẹ đủ ấm không" ở 2 câu cuối khổ thơ: “Mẹ đủ ấm không / khi trời lạnh giá?” - “Mẹ đủ ấm không / khi đất buốt tê?" nghe chân chất, mộc mạc, như tự nhiên bật ra trong tâm thức nhà thơ trước cái lạnh giá của tiết trời và chính sự lặp lại cụm từ 4 chữ ấy đã làm câu thơ thêm day dứt, xót xa. Câu thơ lấy nước mắt người đọc bởi sự tự nhiên, chân chất ấy. Nhưng với 2 câu thơ đã chỉnh sửa: “Chân mẹ ấm không / rét Đài sương giá?” - “Tay mẹ cóng không / rét Lộc buốt tê?” thì sự cẩn thận về kiến thức, sự cầu toàn về ý thức tay nghề đã lấy đi nét mộc mạc, dung dị, khiến câu thơ trở nên thiếu nhựa. Sự rành mạch "rét Đài" - "rét Lộc" - “rét Bân” vì sự cầu toàn... ở 2 câu thơ trên là không cần thiết, bởi theo thiển nghĩ của người viết, sự rành rẽ câu chữ như thế khiến bạn đọc khó "phiêu" cùng bài thơ để khám phá và cảm thụ bài thơ, cũng vì thế mà làm bài thơ bớt hay.

Là kẻ lười đọc thơ nhưng tôi lại thích đọc thơ Bùi Cửu Trường, có lẽ vì cách dùng từ ngữ của bà khá độc đáo, sáng tạo nhưng vẫn giữ được chất dân dã, chân quê. Những câu: “Từ ngày mẹ đi/ quanh con hơ hoắc trống”, "lần hồi mẹ áo nâu sờn .."/ "Nhóng nhánh hạt na đen của Mẹ." hay: "Rét Bân rất nhẹ/ đủ lùa thông thống tháng ba/ đủ cuốn tuổi Đông con" trong RÉT BÂN NHỚ MẸ, tuy chưa phải là những câu thơ thật hay, những câu thơ tài hoa nhưng những câu thơ đậm dấu ấn rất riêng của Bùi Cửu Trường như thế thì không phải dễ làm, không phải cứ muốn là viết được.

*.

Hà Nội, chiều 08 tháng 03.2019

ĐẶNG XUÂN XUYẾN




READ MORE - ĐỌC: RÉT BÂN NHỚ MẸ - NGÀY 8 THÁNG 3 - Đặng Xuân Xuyến

ÁO DÀI ƠI - Thơ Nhật Quang



ÁO DÀI ƠI!


Làn áo mỏng điệu đà cong uốn lượn
Tóc buông mềm, tha thướt dáng đài trang
Nghiêng vành nón che má hồng xuân thắm
E ấp làn hương thoảng nét dịu dàng

Gót yêu kiều đưa ai vào lối mộng
Mắt long lanh đắm đuối gã tình si
Bờ môi thơm như mật ngọt đam mê
Em cười chi cho ta về lạc lối

Như cánh bướm vờn nụ hoa tươi nở
Áo dài ơi! đôi vạt mộng nghiêng bay
Yêu yêu lắm, hồn thơ vút mơ say
Như bay bổng theo đôi tà áo thắm.

                                  Nhật Quang





















READ MORE - ÁO DÀI ƠI - Thơ Nhật Quang

Monday, March 30, 2020

NỢ TÌNH - Thơ Ngô Quý Lành





NỢ TÌNH

Khởi từ…
thăm thẳm mù xa
Mỏi chân… ngoảnh lại…
chưa qua mê lầm.
Vũng đời…
ngụp lặn bao năm
Ngoi lên...
cụng ánh vàng trăng…
giật mình.
Thì ra…
Mắc chút nợ tình
Nàng thơ…
còn lén… rập rình...
níu chân.

Ngô Quý Lành

READ MORE - NỢ TÌNH - Thơ Ngô Quý Lành

NÂNG CHÉN HỒ TRƯỜNG, CHIÊU HỒN - Thơ Nguyên Lạc





NÂNG CHÉN HỒ TRƯỜNG

Lũng chiều hoa cỏ bâng khuâng
Tay cầm hạt lệ hòa cùng chén cay
Hồ Trường rót nỗi sầu dài
Rót về xa đó phương đoài mù sương

Trách đời dâu bể đoạn trường
Hận người chia rẽ sâm thương nghìn trùng
Còn đâu lời hứa tình chung?
"Ba sinh hương lửa". Não nùng tình tôi [*]

Thôi thì "bèo dạt mây trôi"
Thôi thì lữ thứ kiếp đời lưu vong
Chiều nay sương lạnh trong hồn
Tay nâng chén đắng Hồ Trường ...
Mời ai?

Ai người tri kỷ cùng tôi?
Ngâm câu thơ cổ đắng môi Hồ Trường  [**]
Hồ Trường tôi rót một phương
Lũng chiều
Cô lữ
Quê hương
Nguyệt người

.……..........

[*]  Hương lửa là cây hương đang cháy."Hương lửa ba sinh" được dùng để chỉ lời nguyền, lời thề có ứng nghiệm đến ba kiếp, ba đời người: Quá khứ, hiện tại và kiếp sau.
 [**] "Trời đất mang mang ai người tri kỷ/ Lại đây cùng ta cạn một hồ trườngHồ trường!/ Hồ trường!/ Ta biết rót về đâu? - (Hồ Trường -Nguyễn Bá Trác)


CHIÊU HỒN

Động chiều tám sải hồng chung
Nhắc người: Sinh Tử. Sắc Không. Vô thường
Chiêu hồn chiến hữu mười phương
Rượu đây nghiêng chén thay hương tưởng người

Chén nghiêng rượu đổ tôi mời
Bạn. miên viễn. hãy cùng tôi đối sầu
Thanh xuân tàn mộng còn đâu!
Tang thương. oan nghiệt. xa nhau nghìn trùng

Thôi thì đây chén tình chung
Nhớ không? thơ cổ Hồ Trường cùng ngâm 
Xa rồi xa lắm buồn không?
Vĩnh hằng cõi đó bình thường bạn tôi?

Tháng ba! Lại tháng ba rồi!
"Tháng ba gãy súng" một thời cố quên [*]
Chiều nay lữ thứ buồn tênh
Rượu. câu thơ cổ. thay hương khóc người

.................

[*] Tên sách hồi ký của Cao Xuân Huy

                                           Nguyên Lạc

READ MORE - NÂNG CHÉN HỒ TRƯỜNG, CHIÊU HỒN - Thơ Nguyên Lạc

Sunday, March 29, 2020

BẾN CŨ CHIỀU SƯƠNG - Thơ Quang Tuyết



                  Nhà thơ Quang Tuyết



BẾN CŨ CHIỀU SƯƠNG

Dòng sông mang bao nước mắt
Về đâu? Đi đâu sông ơi
Cuối nguồn biển đời xao xác
Tìm đâu bờ bến yên vui
Tôi về nghe lời gió hát
Thương màu áo trắng tinh khôi

Tuổi còn non xanh lộc biếc
Vùi trong sóng nước tơi bời
Bên nầy bờ nam Thạch Hãn
Đứng trông bên ấy Nhan Biều

Mù sương hay là ảo ảnh
Một thời tuổi mộng lời yêu
Chia tay một ngày trăng chết
Giăng giăng nắng cháy đường đi

Áo xưa úa nhàu mưa tuyết
Tình em chưa kịp xuân thì
Dòng sông chở đầy dư lệ
Với tay - hương cũ nhạt nhòa
Cuộc đời theo dòng trôi mãi
Đò qua bến cũ... tình xa

             Quang Tuyết
Quảng Trị - Chiều đông 2017
               
READ MORE - BẾN CŨ CHIỀU SƯƠNG - Thơ Quang Tuyết

CHUYỆN ‘SƯ PHỤ’ CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐĂNG HÀNH - Đặng Xuân Xuyến

Nhà thơ Nguyễn Đăng Hành.
Hình từ trang dangxuanxuyen.blogspot.com



CHUYỆN ‘SƯ PHỤ’ CỦA

NHÀ THƠ NGUYỄN ĐĂNG HÀNH

*

Sáng ngày 07 tháng 07 năm 2019, tầm 9 giờ anh đến nhà tôi ở phố Nguyễn Văn Trỗi theo lời hẹn. Bắt tay anh, tôi nói: - "Em có mời anh Đỗ Hoàng. Chốc gặp nhau, anh có ngại không?" Thoáng chút bối rối nhưng nét mặt anh rất nhanh tươi trở lại: - "Không sao! Chuyện thật người thật thì có gì tớ phải ngại." Rồi chậm chậm bước lên tầng.

Vừa gặp Đỗ Hoàng, anh đã quày quả trách tôi:

- Chú viết “Tưng tửng 7 chuyện cùng Nguyễn Đăng Hành” như thế hại anh quá. Nhiều người hiểu sai nói anh thế này thế kia..

Tôi ngớ người, phân trần:

- Em viết nhẹ đi rất nhiều so với lời anh nói. Anh mắng em hèn, không dám trich dẫn 100% lời anh vì sợ mọi người chửi, sao giờ lại trách em?!.

Không trả lời tôi, anh cười rất tươi với nhà thơ Đỗ Hoàng, giọng hồ hởi:

- Anh Đỗ Hoàng, bác Chử Văn Long, bác Nguyễn Khôi là 3 sư phụ em rất kính trọng! Đời em chỉ tôn kính 3 sư phụ đây thôi!

Rồi vồn vã chuyển đề tài thăm hỏi, luận bàn thơ phú. Tôi tròn mắt nhìn anh: Chẳng có lẽ tôi đang nghe nhầm?

Tôi nhớ, lần đầu anh rủ nhà thơ Hoàng Xuân Họa đến nhà tôi ở phố Nguyễn Văn Trỗi, Hà Nội. Vừa nhấp ngụm trà, anh hắng giọng, vẻ mặt cảm động:

- Thầy Hoàng Xuân Họa đây là sư phụ tớ rất tôn kính! Sư phụ dạy tớ nhiều chiêu thức làm thơ lắm. Tớ rất biết ơn sư phụ!

Rồi hai tay nắm chặt vào nhau, anh chớp chớp mắt, khiến nhà thơ Hoàng Xuân Họa lặng người vài nhịp thở mới run run gõ gõ ngón tay xuống bàn:

- Hành cứ quá lời nên thế... Mình giúp Hành được bao nhiêu đâu....

Ở làng Đá, quê tôi, cũng hơn một lần anh chém tay quả quyết:

- Tớ chơi với rất nhiều nhà thơ, đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi thành phần nhưng nói thật với cậu, chỉ bác Văn Thùy đây mới đáng mặt để tớ tôn làm sư phụ. Thơ của sư phụ Văn Thùy tuyệt vời lắm, đọc sướng lắm, khoái lắm, vào lắm...

Chỉ vài lời thế thôi đã giúp không khí đang tẻ nhạt vì người nào người nấy còn mải giữ kẽ tức khắc trở nên rôm rả, náo nhiệt, những câu thơ tếu, những chuyện lạ đời được "dị nhân" Văn Thuỳ kể nghe dí dỏm hơn, có lửa hơn và “bạn rượu” cũng hào hứng tán thưởng hơn.

Rồi bận nữa, cũng tại nhà tôi ở phố Nguyễn Văn Trỗi, anh rổn rảng trước nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm:

- Thầy Lâm là nhà “Hà Nội học”, là sư phụ kính trọng của tớ! Thơ của thầy đầy chất trí tuệ, đầy chất Thiền, rất đại chúng mà cũng rất bác học. Thơ như của thầy khó làm lắm. Không phải ai cũng làm được đâu. Vì thế, thơ của thầy rất kén bạn đọc. Phải có trình độ uyên bác, có khả năng cảm thụ văn học sâu sắc mới cảm được thơ của thầy. Mấy ông thơ Câu lạc bộ, thơ vườn... mà gặp được thơ của thầy Lâm thì thích lắm, mừng như bắt được vàng nhưng hiểu được thơ của thầy thì mấy nhà thơ vườn đó còn lâu, có mà mãi ú ớ như vịt nghe sấm.....

Anh say sưa như cử tọa lên đồng, khiến nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm thỉnh thoảng lại tháo kính, dụi dụi mắt, ngài ngại:

- Hành khen quá lên vậy, tớ ngượng ....

Rồi, có lần anh vung tay hào hứng:

- Đời anh may mắn được kết giao với nhà thơ Phạm Tiến Duật, được ông dạy nhiều chiêu thức làm thơ lắm. Dù luôn miệng chửi thơ anh là thơ con cóc, không xứng với thơ mấy Câu lạc bộ "trăm hoa đua nở" nhưng duy nhất ông mới đáng mặt là sư phụ của anh!...

Tôi ngẩn người với thắc mắc: Anh lắm sư phụ vậy? Sao ai anh cũng bảo là sư phụ duy nhất thế? Phải lặng ngồi đến gần tiếng đồng hồ tôi mới vỡ lẽ vì nhớ ra lần anh bị nhà thơ Nguyễn Khôi mắng là “thằng lưu manh chốn ngoại ô”, anh đã ghé tai tôi thủ thỉ:

- Bác Nguyễn Khôi khôn lắm, không chê ai trước mặt vì không muốn làm mất mặt người ta nên ai cũng quý bác ấy. Lần này chắc bác ấy bực lắm nên mới mắng tớ như vậy. Tớ thì khác, ai tớ cũng tôn làm sư phụ, cho họ sướng ngất ngây. Mình mất gì đâu ngoài lời khen mà lại được họ quý. Chú cứ thẳng ruột ngựa như thế sẽ bị nhiều người ghét lắm.....

Tôi thừ người khá lâu mới thấm được bài anh dạy: Đó là nghệ thuật trong giao tiếp, đánh thẳng vào điểm yếu của người đối diện là “cái tôi” thích được ca tụng, tôn thờ. Những lời khen có cánh đó làm cho người ta thấy được trân trọng, dù biết đó chỉ là những câu nói xã giao nhưng tâm trạng vẫn thoải mái, nói chuyện vẫn rôm rả hơn. Các cụ chả đã dạy: "Lời nói chẳng mất tiền mua / lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" đấy thôi.

Bái phục anh! Bái phục nhà thơ Nguyễn Đăng Hành! Nhưng thật lòng, đã quen với cách sống nghĩ sao nói vậy, giờ có bắt học anh rồi thưởng lớn chắc tôi cũng làm không được bởi cổ nhân đúc kết: “Giang sơn dễ đổi / Bản tính khó dời.”.

Tôi cứ vẩn vơ từ ngày đó đến giờ, giá anh là doanh nhân hoặc chính khách, có lẽ anh sẽ rất thành công!

----------

Mời nhấp chuột đọc thêm:

Tưng tửng 7 chuyện ... cùng Nguyễn Đăng Hànhl

*.

Hà nội, ngày 12 tháng 01 năm 2020

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - CHUYỆN ‘SƯ PHỤ’ CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐĂNG HÀNH - Đặng Xuân Xuyến

GIỌNG CỐ HƯƠNG - MacDung đọc thơ Nguyễn Hồng Linh


                                    

GIỌNG CỐ HƯƠNG                                                   


Người con gái gốc Việt sống tại Đức, tôi có duyên quen biết thông qua một người bạn đã thể hiện mình qua nhiều thi tác càng lúc thêm thuyết phục. Không biết niềm ly xứ ẩn chứa bao nỗi buồn khiến nhà thơ Nguyễn Hồng Linh mở ra một dòng tình thi nao lòng người đọc. Biết cô đã lâu, nhưng mỗi khi tiếp cận thơ tình lại ngỡ như sơ giao với bao điều mới mẻ.
Phải nhìn nhận khách quan mới thấy Nguyễn Hồng Linh rất chịu khó trong cách thể hiện và thơ cô bao giờ cũng đạt độ mượt khiến người tiếp cận dễ nhớ. Thơ sở dĩ được ghi nhận vào não bộ tốt bởi vần, điệu và hầu như khi chạm vào cảm xúc ai nấy đều mau chóng cất giữ vào trái tim. Chính vì điều này những danh thi bao giờ cũng vượt thời gian bất chấp văn bản. Rung cảm tạo ra sự chuyển động dẫn dắt cảm xúc theo tứ thơ, mạch ý… Người thưởng thức như hòa mình vào con chữ rồi say… Thi gia kim, cổ đã chứng minh cho điều này. 
Sự tận tình với thơ cho thấy cô gái gốc Việt vẫn nặng nợ với nước non, với những mối tình dằn vặt đêm dài rồi bỗng chốc hóa thân thành vần điệu. Ảnh hưởng lối sống phương Tây, tác giả không giữ thói quen trần tình e ấp, cứ rực lửa theo cảm xúc rồi dẫn đến cao trào. Rất nhiều bài thơ cho thấy Nguyễn Hồng Linh “thật” với cảm xúc và đôi khi tặng “sắc hồng” cho những ai tham gia câu từ. Tình yêu vốn có khổ đau nhưng không thể chối bỏ tính “lạc thú”! Vậy hà cớ chi phải phủ nhận một sự thật để kiếm tìm tâm sự thẹn thùng? Sức mạnh nội tại của nhà thơ từ đó khai sinh.
Chất trữ tình đạt được bởi độ nhạy khi nắm bắt thẩm mỹ từ - Nguyễn Hồng Linh cho thấy những gì đạt được là do sự cần mẫn học tập và tra cứu kiến thức. Chính thói quen này tạo nên một tác giả trong thời gian ngắn đến với thơ đã có sự vượt trội và nổi lên trên cộng đồng mạng được nhiều người biết đến.
Thuyền tình dù khổ đau nhưng yêu thương chưa kết thúc. Còn đó vẫn là đau đáu khát khao của cô gái đi khai phá, vun vén, nhắc nhở hạnh phúc chia lìa… Và nước mắt có khi rơi xuống cho những điều từng trải qua…


Mạnh mẽ nhưng có lúc sướt mướt. Âu sầu lại đôi lúc lạc quan. Tình thi Nguyễn Hồng Linh trở nên giàu cung điệu, có sức quyến rũ người đọc.
“Khúc ca ong bướm say
Chàng ru em tháng ngày
Đam mê tình rực cháy
Giờ chỉ là... thoáng mây
Nguyệt cầm ngân đâu đây
Giọt lệ đong trăng đầy
Nụ cười... rơi mắt cay
Ừ thôi! Tình khóc vay…”
(Người ơi! Người có hay…)
Khoa học kỹ thuật phát triển xóa đi khoảng cách giữa các dân tộc. Sự giao thoa về văn hóa khiến tình cảm con người trở nên gần hơn và phạm trù tình yêu từ đó cũng mở rộng. Tình yêu thời hiện đại không còn tuổi tác – Ai cũng có quyền yêu – Càng xa càng dễ yêu… Và nhung nhớ cứ mênh mông… Phản ảnh đầy đủ những điều này, tác giả thơ ngày nay cứ bung tấm lụa cảm xúc đi chinh phục khách yêu thơ, Nguyễn Hồng Linh chính là một trong số ấy!
Hồn của thơ rốt ráo là cảm xúc. Chạm được vào cảm xúc chính là điều tác giả luôn hướng đến. Mạch nguồn cảm xúc ai giàu, con đường khai phá càng rộng mở…
“Vỏ sò ơi! 
Sao không đem giấu 
Cuộc tình đầy cháy bỏng ngàn khơi
Dã tràng ơi! 
Sao xây cát hoài vô vọng
Nghìn năm biển động cuốn tình trôi
Còng gió ơi!
Sao lang thang một mình biển vắng
Gửi tình vào cát trắng miên man
Em giấu lời tình tự giữa gió ngàn 
Lâu đài cát! Dưới ánh trăng vàng dát bạc…”
(Lời tự tình trên biển)
Khả năng thuyết phục phụ thuộc vào độ kiên nhẫn và sáng tạo, nhà thơ Nguyễn Hồng Linh cho thấy tình yêu con chữ giúp cô đang vững bước. Không gian tình yêu do sự lựa chọn có vẻ hợp với cô gái sống tại Đức quốc nhưng ngày đêm cất “giọng cố hương”!...
Tình yêu vốn đa sắc! Cho màu như thế nào thuộc về người nghệ sĩ. Bảng màu Nguyễn Hồng Linh xem ra rất phong phú.
“Em ngồi 
hong tóc mây hồng
Dưới giàn thiên lý trổ bông hoa vàng
Hương nồng 
thoang thoảng bay ngang
Bên thềm rêu cũ đợi chàng ghé thăm…”
(Tóc rơi phím ngọc)
Với thi phẩm Tóc Rơi Phiến Ngọc ra mắt, tôi tin rằng chặng đường đến với thơ của Nguyễn Hồng Linh đang mở ra để cô gái xa xứ lần về với cố hương. Có nhiều loại Tình cần sự diễn đạt, nhưng phải chăng đối với tác giả Tình Yêu dành cho Quê Hương vẫn thượng tôn bằng văn học đất mẹ trường tồn.
Cảm ơn nữ sĩ Nguyễn Hồng Linh đã cho tôi được đọc và ghi nhận vài dòng cảm xúc gửi đến mảng văn học xa xứ nhưng khát khao cống hiến cho quê nhà. Dù khác biệt nhiều thứ về kinh tế và chính trị giữa các quốc gia nhưng Văn Học vốn không biên giới… Và Tình Yêu lại càng không có sự phân đo nào.
Chúc tác giả luôn thành công và cống hiến cho bạn đọc những áng thơ hay đầy lãng mạn…


Kết thúc bài viết tôi xin trích dẫn một áng thơ trong Mô Ngư Nhi – Nhạn Khâu của nhà thơ, nhà sử học Nguyên Hiếu Vấn cuối thời Nam Tống.
"Hỡi thế gian tình là chi mà khiến đôi lứa hẹn thề sống chết. 
Trước đây trời Nam đất Bắc, nắng mưa gió rét vẫn có nhau. 
Trải qua thời gian bên nhau đẹp đẽ, ly biệt thật đau lòng. 
Chung quy vì si tình như đôi nam nữ. 
Hãy nói cho ta, từ nay sớm chiều qua ngàn núi tuyết, lẻ bóng đơn độc, biết đi đâu về đâu…"

                                                       VL – 7.11.2019
                                                           MacDung

READ MORE - GIỌNG CỐ HƯƠNG - MacDung đọc thơ Nguyễn Hồng Linh