Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, November 28, 2018

SAO LẠI ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI? Phạm Đức Nhì



SAO LẠI ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI?

Phạm Đức Nhì
  
Đọc bài viết “Hiểu Đúng Nghĩa Câu Hát Của Trịnh Công Sơn Như Thế Nào?” của giáo sư Hoàng Đằng trên Văn Nghệ Quảng Trị, thấy hay hay nên “góp vui” mấy ý.

Độc giả có thể đọc bài viết theo link dưới đây:
  
Điểm Tựa Để So Sánh
  
PHONG LAI SƠ TRÚC

Phong lai sơ trúc 
phong khứ nhi trúc bất lưu thanh
nhạn quá hàn đàm 
nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh 
thị cố quân tử 
sự lai (#) nhi tâm thỉ hiện 
sự khứ nhi tâm tùy không 
(daitangkinhvietnam.org)

(#) Có bản dùng chữ đáo


GIÓ ĐẾN BỤI TRÚC 

Gió đến bụi trúc 
Gió qua rồi mà trúc không lưu lại âm thanh 
Nhạn bay qua đầm nước lạnh 
Nhạn qua rồi mà mặt nước đầm không lưu lại hình ảnh 
Cho nên người quân tử
Việc đến thì tâm khởi 
Việc qua thì tâm hoàn không

(Tự dịch) 


Một Nho gia đã viết Phong Lai Sơ Trúc để chỉ cho đám hậu bối phương cách “chính kỳ tâm”, một trong chuỗi mắt xích “thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” mà nho sinh phải từng bước tu tập để thành người quân tử. Ý chính của Phong Lai Sơ Trúc là đừng tiếc nuối, níu kéo, trói buộc tâm mình ; hãy buông xả tất cả - hạnh phúc hay đau khổ - để lòng thanh thản, nhẹ nhàng. 

Rất tình cờ, ở đây Nho học đã gặp Phật học. Nhiều Phật tử trên đường học đạo đã cho đó là một bài thơ chuyên chở một lý đạo và thường chiêm nghiệm để tu tâm. (Thật ra Phong Lai Sơ Trúc không phải là thơ.) 

Bây giờ chúng ta cùng đọc Thơ Trên Cát của thiền sư Viên Minh. 


THƠ TRÊN CÁT 

Viết bài thơ trên cát 
Cơn sóng vỗ xóa đi 
Vô tình đâu biết được 
Mình viết bài thơ gì. 

(Viên Minh, từ tác giả) 

Cũng cái ý đấy, nhưng ở đây thiền sư của chúng ta đã thực sự đối diện với cảnh đời, cảnh bao la sóng nước của biển cả, để có hứng, có cảm xúc viết thành bài thơ. Những thành viên của Tâm từ Tam Tạng (bản tâm), Tề Thiên (lý trí), đến Trư Bát Giới (bản năng, ai duc), Sa Tăng (tình cảm) đều có mặt. Nhưng do được “tu luyện đến nơi đến chốn” nên tất cả đều hoan hỷ lặng thinh. (Hoan hỷ ở đây không phải là lạc thú “thủ đắc” của người đời mà là niềm vui đã buông bỏ hết thất tình lục dục để được thanh thản, an lạc). 

Thơ Trên Cát được viết ra để nói về bài thơ đã mất; mất thật sự, không lưu lại một dấu tích gì trong lòng tác giả; bài thơ mất mà người viết ra nó không một chút bận tâm, luyến tiếc. Ở đây khả năng buông bỏ của thiền sư đã đến mức thượng thừa. Bài thơ viết xong, cơn sóng trào lên xóa mất; thời gian chắc chỉ chừng một vài phút. Vậy mà thiền sư đã: 

Vô tình đâu biết được 
Mình viết bài thơ gì 

thì đáng nể phục thật. Tôi cho rằng đây là bài thơ thiền của một người đạt đạo.
  
Để Gió Cuốn Đi 

Trịnh Công Sơn, qua nhạc phẩm Để Gió Cuốn Đi - bằng ngôn ngữ riêng của mình - cũng muốn nói đến cái tâm của con người. 

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng,
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi...

Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông,
Ngày vừa lên hay đêm xuống mênh mông,
Ôi trái tim đang bay theo thời gian,
Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian.                                                                 
Tôi hiểu “tấm lòng” ở đây là “tâm ý tốt lành, thanh thản, hành xử nhân ái, vị tha, cao thượng”. Tại sao một tấm lòng như vậy lại để gió cuốn đi? 

 “Một tấm lòng” dù đã biến thành cách hành xử đầy nhân ái, vị tha, cao thượng hay mới chỉ là tâm lành, ý tốt cũng đều phát xuất từ trái tim. Nếu để nó trụ mãi trong tim thì - tâm sở này níu kéo tâm sở khác – không sớm thì muộn, nó sẽ bị biến dạng. Và nguy hiểm hơn nữa, nó sẽ thành đầu mối của vô vàn tâm sở bất thiện khác.

“Gió cuốn đi”, trong ngữ cảnh của bài nhạc, theo tôi, nên hiểu là gió cuốn “tấm lòng” ra khỏi trái tim của người có “tấm lòng” đó. Chứ khi nó đã ra khỏi chỗ nó được phát sinh thì đến được đâu là tùy duyên. Người có “tấm lòng” không nên nỗ lực tác động vào hướng đi, điểm đến của nó. 

Sự quảng bá “một tấm lòng” – tâm ý tốt lành, thanh thản, cách hành xử nhân ái, vị tha, cao thượng - của chính mình thoạt nhìn tưởng chừng như một việc làm cần thiết, có lợi cho nhân quần, xã hội. Thực tế đã chứng tỏ ngược lại. Muôn ngàn trường hợp vì muốn loan truyền, bảo vệ tiếng tốt cho mình và gia đình, con người đã phải gian dối, lừa đảo, nhiều khi còn phạm cả những tội ác to lớn. Lắm khi vì hám danh, “tấm lòng” ít lại xít ra nhiều, không có “tấm lòng” cũng tìm cách mua hoặc tạo “tấm lòng giả” để lên mặt, lấy le với đời.
  
Biết bao nhiêu những nhà lãnh đạo tôn giáo, lãnh đạo quốc gia, chính trị gia - để giữ bí mật, bảo vệ “tấm lòng giả” của mình - đã lừa phỉnh giáo dân, dối gạt dân tộc. Không ít trường hợp đã xuống tay tạo vô vàn tội ác.

“Tấm lòng” do đó, với người chính trực, nhiều khi lại là gánh nặng cho bản tâm.
  
Có lẽ vì thế TCS đã viết:

Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông,
Ngày vừa lên hay đêm xuống mênh mông,
  
Vâng, gió cuốn (tấm lòng) đi để tâm thoáng mát, thanh thản, thấy rõ sự vận hành của vũ trụ, tính vô thường của vạn vật.

Bởi nếu không thì

Ôi trái tim đang bay theo thời gian,
Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian.

Tới đây tôi muốn bày tỏ sự đồng tình với ông Trần Hào Trần Hào, người đứng nghịch phía với giáo sư Hoàng Đằng:

1/ Trần Hào Trần Hào: Theo tôi cuốn đi không phải là lan tỏa, mà quên đi, nghĩa là làm việc thiện là bản năng tự nhiên của con người, không nhắc làm gì nữa…

Tôi cũng đồng ý với 3 người đứng về phía giáo sư Hoàng Đằng.

1/ Văn Thanh:

 “Gió vô tư, gió không có chủ đích, gió cuốn theo thời vụ, việc tốt hay xấu đều lan tỏa theo chiều gió một cách tự nhiên, và con người có cảm thụ theo tâm lý và hoàn cảnh…”
  
2/ Hoàng Hữu Chiểu:

“Trong tự nhiên, hạt giống cũng nhờ ‘gió cuốn đi’ để tồn tại sự sống! Tấm lòng, cứ nghĩ, như hạt giống tốt vậy! Cũng nhờ ‘gió cuốn đi’ để rồi lan tỏa”.

3/ Triêm Hoàng:

“Một chiếc lá ở điểm A mà bị ‘gió cuốn đi’ thì nó sẽ tồn tại ở một điểm B nào đó, chứ không thể bị triệt tiêu vì ‘gió cuốn đi’. Hiểu như thế thì ‘gió cuốn đi’ là để truyền bá, lan tỏa “một tấm lòng”, mà Trịnh Công Sơn muốn gởi gắm với đời …”

Tuy nhiên, xin được thêm một câu. Nhiệm vụ chính của gió (trong bài nhạc) là cuốn “tấm lòng” ra khỏi trái tim của người có “tấm lòng” đó. Sau đó thì dư lực của gió sẽ cuốn “tấm lòng” đi tiếp. Đến được bến bờ nào là tùy duyên.

Riêng với những lời đầy thiện ý của nhà giáo lão thành Hoàng Đằng. 

“Nhưng mình làm việc thiện mà dư luận biết được, truyền bá việc thiện của mình cho nhiều người cùng biết thì ấy là việc tốt, tại sao không? Dư luận sẽ làm cho việc thiện lan tỏa, thăng hoa, tạo thành tấm gương cho mọi người soi và noi theo.” 

Tôi rất nể phục và mến mộ, nhưng xin phép được giữ cách nhìn khác biệt của mình. 

Đặc biệt, vói bình luận của Trạn Trương Văn:

Từ xưa đến nay, người ta nói “để gió cuốn đi” nghĩa là mất hết, không còn gì hết, chớ không ai nói “để gió cuốn đi” là “đưa việc tốt của mình cho mọi người biết” … bao giờ. Chữ “cuốn đi” khác với chữ “lan tỏa” một trời, một vực. Có người nói với tôi Trịnh Công Sơn viết câu này rất “không nhân bản”; tấm lòng mà để gió cuốn đi thì vô ý nghĩa vì tấm lòng đó bay mất hết. Người có tấm lòng thì phải làm gì tốt đẹp cho đời chớ “để gió cuốn đi” thì xem như chẳng làm chi hết… Thật tình, tôi thấy những câu trên của Trịnh Công Sơn cũng không song suốt và hơi nghịch lý, nhưng vì ông là một “thần tượng âm nhạc” nên người ta cứ hùa theo mà khen, rồi mỗi người cứ theo ý chủ quan của mình mà giảng giải. Thật ra, câu văn “một tấm lòng để gió cuốn đi” rất tối nghĩa và nghịch lý.

Thì, theo tôi, hình như đã không cùng tần số với Trịnh Công Sơn.

Kết Luận

Trịnh Công Sơn qua những ca khúc Cát Bụi, Bốn Mùa Thay Lá, Cho Một Người Nằm Xuống đã biểu lộ một sự am hiểu sâu sắc về lẽ vô thường của đạo Phật. Để Gió Cuốn Đi lại mon men đến chữ Tâm. Tác giả của nó tuy chưa đạt đến trình độ “lý sự dung thông” như thiền sư Viên Minh trong thi phẩm Thơ Trên Cát, nhưng với ca từ ảo diệu, bàng bạc tính triết lý độc đáo của riêng mình ông đã tặng cho đời một phương cách đơn giản để giúp tâm được nhẹ nhàng và trong sáng. Hãy “Để Gió Cuốn Đi”. 

Tiếp nhận được hay không là tùy mỗi người.

PHẠM ĐỨC NHÌ

4 comments:

lehongngoc said...

Tôi cũng có một thời đầy nhiệt huyết như giáo sư Hoàng Đằng:

Mang trong lòng một hoài bão sắt son
Bồi đắp vun trồng những mầm non nước Việt
Tôi cũng muốn mai đây trong cánh rừng tươi đẹp
Có thân cây mang vóc dáng của mình ngạo nghễ giữa trời xanh
(Vì Thế Tôi Ra Đi)

Như thầy giáo Phú Đoàn và cô giáo Vân Anh:

Hạnh phúc của tôi giờ là những cánh rừng xanh
Những buổi họp mặt, chơi đùa quanh đống lửa
Tôi sẽ chỉ cho đàn em nhỏ
Kìa! Đường đi của tuổi trẻ Việt Nam
Hỡi các em! Hãy tiến chiếm đỉnh vinh quang.

Nhưng những gì tôi thực sự làm được, so với 3 nhà giáo, thì lại ít hơn nhiều. Nhờ một chút tài mọn về thơ tôi đã “vẽ” ra một “tấm lòng” to hơn “tấm lòng” thực sự của mình. Những người bạn Mỹ đọc thơ tôi rồi “nghe đồn” về sự giúp đỡ của tôi đối với một số (rất ít) học sinh Việt Nam địa phương trong quan hệ giữa gia đình và học đường, đã đối xử với tôi như người có “một tấm lòng” to lớn. Thật ra “tấm lòng” của tôi, nếu có, nhỏ bé hơn nhiều. Xét kỹ, chính tôi đã ít nhiều gian dối trong việc “thổi phồng”, rồi sau đó hưởng lợi nhờ “tấm lòng sai kích cỡ” của mình.

lehongngoc said...

TRẢ LỜI BÌNH LUẬN CỦA NGUYÊN LẠC TRÊN FACEBOOK

Trước hết, bình luận của anh bạn tôi, Nguyên Lạc, có mấy điểm sai. Sai về kỹ thuật. Nghĩa là nếu được giải thích, thì độc giả có thể hiểu và tự quyết định giải thích đó hợp lý hay không, có thể chấp nhận hay không, mà không cần đến “phần cao cấp hơn của bản tâm” để cảm nhận.

1/ Anh Nguyên Lạc cho rằng “Theo tôi cả 2 phía đều bàn"trên mây", giống nhu kiểu Jacques Prévert.. Xin nói rõ bàn "trên mây" là bàn theo ý riêng của mình, ngoài ý của tg, giống như trường hợp Prevert”

Theo tôi (PĐNhì), thông điệp chính của ca khúc là:

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? (Đây chỉ là câu đệm, thêm vào để tròn một dòng nhạc). Để gió cuốn đi”

Trong số những người được giáo sư Hoàng Đằng trích dẫn và “chia phe” thì:

Có người cho rằng nên quên đi. Có người hướng sự chú ý vào điểm đến của tấm lòng, có người bàn đến đến sự mất còn của tấm lòng; có người cho rằng hãy để gió phát tán nó một cách tự nhiên, có người muốn chính mình tác động đến hướng đi, sự lan tỏa của nó.
Riêng tôi, chú ý đến khởi điểm cuộc hành trình của “tấm lòng”, nhờ gió cuốn nó ra khỏi tâm để có sự thanh thản.
Nói chung, mọi người đã bám rất sát “thông điệp” của bản nhạc. Cho rằng “cả 2 phía đều bàn ‘trên mây’” là “nói cho sướng miệng”, hoàn toàn không có căn cứ, là nói sai sự thật.

2/ Anh Nguyên Lạc thêm cụm từ “giống như kiểu Jacques Prevert” mà không chú thích Jacques Prevert là ai, đã tùng `bàn “trên mây” như thế nào, thì bố ai hiểu được? Xin anh lần sau đừng “đem con bỏ chợ”; đám độc giả ngờ nghệch như tôi mà lạc giữa vườn chữ nghĩa mênh mông của anh thì hết đường về nhà, vợ đợi con trông, buồn lắm.

3/ Anh Nguyên Lạc nói rằng “chỉ cần nhớ đến bản nhạc Cát Bụi là sẽ hiểu chữ ‘để gió cuốn đi’”.

Sao lại thế được hả anh Nguyên Lạc? Nếu anh nói “Chỉ cần nhớ đến Cát Bụi là sẽ hiểu Bốn Mùa Thay Lá hoặc Cho Một Người Nằm Xuống” thì tôi không dám ý kiến. Lý do: Cả 3 bài hát đều nói về lẽ vô thường. Đàng này Cát Bụi nói đến lẽ vô thường còn Để Gió Cuốn Đi gợi ý cho một phương cách chính tâm, làm sạch tâm, giữ tâm thanh tịnh. Nội dung 2 ca khúc khác nhau nhiều mà.
Đành rằng, với triết lý đạo Phật thì “vạn pháp quy nhất” (các pháp đều quy về một mối), nhưng vô thường là vô thường, “phương cách chính tâm” là “phương cách chính tâm”; không thể đánh đồng cái này với cái kia được.

4/ Một điểm nữa là cách anh Nguyên Lạc bước vào cuộc tranh luận. Điểm này có thể có người có ý kiến khác nên mấy dòng tôi viết tiếp sau đây xin coi là cách nhìn của riêng cá nhân tôi.

Câu “cả 2 phía đều bàn ‘trên mây’” của anh Nguyên Lạc tuy có vẻ “nói chơi chơi” mà rất nặng. Hãy cứ bỏ bài viết của tôi qua một bên; đó chỉ là góp ý. Bài viết của giáo sư Hoàng Đằng tuy ngắn nhưng viết rất cẩn trọng, bài bản, ý tưởng mạch lạc, ngôn ngữ trong sáng, phong cách lịch sự. Đặc biệt, ông đã gởi vào đó nhiều thiện ý và không ít tâm huyết.

Bình luận của anh Nguyên Lạc đã tạt một gáo nước lạnh vào không khí nghiêm túc, ấm cúng của cuộc tranh luận văn chương. Anh lên giọng kẻ cả phán “cả 2 phía đều bàn ‘trên mây’” mà không đưa ra một lời giải thích. Giả sử anh có thể chứng minh mọi người đều sai bằng một lập luận đầy tính thuyết phục đi chăng nữa thì cách anh bước vào cuộc tranh luận đã là “không khéo”, làm mọi người mất vui. Đàng này, như tôi đã chứng minh ở trên (phần 1/), phát biểu của anh lại sai một cách rõ ràng mới đáng buồn.

Với tôi, Nguyên Lạc là một bạn FB khá thân. Kiến thức của anh rộng trên nhiều lãnh vực. Bình luận của anh trên FB được nhiều người chú ý vì nó vừa vui nhộn vừa bổ ích. Qua những lần trao đổi, tranh luận với anh tôi học được nhiều điều hay.

Có lẽ lần này anh quá tự tin nên có mấy điểm không đúng. May mắn được là bạn của anh, nhân dịp này tôi “đá giò lái” anh mấy cái. Tôi biết anh không giận nên tự nhủ: “Nếu ông thần này còn tiếp tục ‘trật bàn đạp’, sẽ ‘đá’ thêm mấy cái nữa”.

Steve Nguyen said...

Khi anh NP nêu ra lời phàn hồi trên tôi chỉ mới Cmnt vui rằng 2 ben "đi trên mây"sau đó tôi giải thích thêm rõ khi đọc được phản hồi này: -- câu "đi trên mây" là từ tên sách của nhà văn quá cố Nguyễn Xuân Hoàng,"Người đi trên mây", với nghĩa là xa rời thực tế thời. Và tôi giải thich luôn về J Prevert.. Anh NP đã hiểu rõ ra và chúng tôi vui vẻ , mời nhau uống rượu. Do vậy anh lập lại câu này tôi e... vì sau câu nầy - của anh NP - tôi mới viết bài về TCS để giải thích rõ ràng. Sau đó tôi có viết bài ĐỂ HIỂU NGHĨA
CÂU NHẠC CỦA TRỊNH CÔNG SƠN
https://www.facebook.com/stevngy50/posts/1322221547918866?comment_id=1324891540985200&notif_id=1544093719873198&notif_t=comment_mention
để nói rõ thêm quan niệm của tôi về câu nhạc của TCS, có gởi đến anh NP nhưng không thấy anh trả lời. Bài viết này sẽ đăng trên các web hải ngoại và VNQT nếu trang nầy OK. Mời các bạn đọc bài viết
Xin nói rõ, tôi và anh NP là bạn tâm giao (nhưng không vái nhau) Anh NP đã hiểu rõ ra và chúng tôi vui vẻ , mời nhau uống rượu

Steve Nguyen said...

Đây để công tâm, tôi copy lại những cmnts của tôi trên FB của anh Nhi Pham
Lac Nguyen > Nhi Pham...Trả lời ông thần NP về :J Prevert và "trên mây"
--J Prevert tôi sẽ giải thích rõ trong bài viết của tôi HIỂU "SAI" CÂU NHẠC TCS
- "Trên mây" là tôi mượn tên quyển sách của Nguyễn Xuân Hoàng "Người đi trên mây" chỉ có nghĩa là xa thực tế thôi, nó chỉ có nghĩa là vui thôi, có gì đâu là "gáo nước lạnh" bạn hiền
Còn riêng về bài hát Cát Bụi đó là bài chính tôi dẫn ra để HIỂU "SAI" CÂU NHẠC TCS. nó liên hệ đến Tứ Đại của sinh vật và Thất Đại của con người. Nó sẽ cùng với bài NỐI VÒNG TAY LỚN để tôi HIỂU SAI TCS và đi "dưới đất"
Bài viết nầy sắp xong, sẽ mời bạn góp ý
Có gì là "quả tự tin" và "đá giò lái" bạn, chỉ là ý kiến "đi dưới đất" thôi, không dám "đi trên mây", Tôi không dám làm "người cõi trên".Chúc vui
2
Lac Nguyen Xin lỗi bạn Nhi Pham tôi đã quên trả lời đoạn này của bạn:
"Câu “cả 2 phía đều bàn ‘trên mây’” của anh Nguyên Lạc tuy có vẻ “nói chơi chơi” mà rất nặng. Hãy cứ bỏ bài viết của tôi qua một bên; đó chỉ là góp ý. Bài viết của giáo sư Hoàng Đằng tuy ngắn nhưng viết rất cẩn trọng, bài bản, ý tưởng mạch lạc, ngôn ngữ trong sáng, phong cách lịch sự. Đặc biệt, ông đã gởi vào đó nhiều thiện ý và không ít tâm huyết."
Tôi chỉ liên hệ đến 2 phia thuận và không thuận về bài chủ của giáo sư Hoàng Đằng đáng kính chứ chưa "thương thảo" trực tiếp với giáo sư, cho nên chưa "mạo phạm" đến ông, anh "đá giò lái" thì tôi e... không đúng
Tuy nhiên tôi quan niệm như thế này: Trong vấn để tranh luận, ta phải công bằng, xem ngang nhau: Tuổi tác, chức vị râu ria, danh tiếng đáng kinh hay không.v.v...không đặt nặng, chỉ quan tâm đến việc tìm hiểu đúng sai thôi.
Ngài giáo sư đã đặt tựa đề HIỂU ĐÚNG NGHĨA CÂU HÁT TCS và ghi thêm rằng: "Tuy nhiên, ý nghĩa đích thực của mấy lời hát trên chắc còn ít người hiểu đúng". "Ít người hiểu đúng" có nghĩa là chỉ giáo sư "hiểu đúng" thôi, còn những người khác, trong đó có tôi đã "hiểu sai", do đó tôi cũng có quyền nói lên quan điểm " hiểu sai" của tôi chớ, phải không bạn?. Đó là lý do tôi sẽ viết bài trả lời bạn và các ngài khác: HIỂU SAI NGHĨA CÂU HÁT TCS ...
Trân trọng và chúc sức khoẻ