|
Cổ Thành Quảng Trị.
Ảnh Mai Lĩnh |
Việt Thành, một người con Quảng
Trị, đang ngự chốn Sài thành đô hội, vẫn đau đáu niềm nhớ quê hương bằng cái dự
định lớn lao là xuất bản một cuốn sách về đất mình, thật khâm phục em. Nhìn lại,
mới đó cũng đã gần 9 năm xa xứ tha phương cầu thực. Đưa con trai đầu lòng ra đi
lúc con mới 8 tháng, rồi sinh con gái thứ hai nay 7 tuổi. Thiệt lạ, con hai
đứa, sinh trưởng ngoài xứ, vẫn đặc sệt cái giọng Quảng Trị nơi lỗ miệng, từ
phương ngữ đến âm điệu, như chính mình. Là, yêu quê hương quá, nên sớm gửi vào
trong con cái tình yêu thiêng liêng ấy, phải không?
Hồi tưởng lại những gì đã đọc,
đã đi, đã thấy và đưa ra cảm nhận riêng của mình về nơi chôn rau cắt rốn. Tuổi
thơ cho đến hết trung học cơ sở, chỉ loanh quanh luẩn quẩn Đông Hà, Quảng Trị.
Lâu lâu mới được đi xa đến Cửa Tùng, Cồn Tiên, Cam Lộ. Mà chỉ đến đó, hoặc
chơi, hoặc thăm thú bà con, chứ chưa có cảm nhận gì về đất, về người mỗi
nơi.Khoảng thời gian năm 92 - 93 và sau này cuối 95 đến nữa đầu 96, có dịp đi
lại nhiều, hầu hết các nơi trong tỉnh, mà cũng không khác lúc nhỏ, chỉ đi rồi
về chứ không chủ đích lưu lại gì nhiều về từng nơi đã đến trong trí nhớ. Chừ mà
có điều kiện lủi lại thì sẽ nhìn nhận ra nhiều cái mà viết mà nói. Tạm cóp nhặt
những ký ức nhỏ nhoi còn sót lại cùng với những gì đã đọc về quê hương để viết
ra dưới đây.
|
Bến sông Ô Lâu ở Hội Kỳ.
Ảnh Nguyễn Vỹ |
Đoái từ Nam, Hải Lăng nằm trong
cùng tỏ một vẻ rất riêng. Về văn hóa, về con người đều rất thâm sâu. Người ở
đây giỏi các nghề nông gia lẫn buôn bán. Về phương diện âm ngữ nói ra tương tự
người vùng Thừa Thiên từ Bắc Huế trở ra. Nhất là những người làm nghề buôn bán
thì giống sệt ở đuôi “n” thành “ng”, có hơi khang khác chút ít chỗ ngữ điệu.
Đầu đất là Mỹ (Hải) Chánh bên dòng Ô Lâu nước trong văn vắt, đẫm trong mình mấy
trăm năm các lớp trầm tích văn hóa từ kể khi Huyền Trân Công Chúa trẩy Chiêm
bồi giang san. Thị trấn huyện lị Diên Sanh gối đầu lên trảng cát đạp chân xuống
đồng Hải Thọ, Hải Quế mênh mông nước mùa mưa. Gạo đồng này ngon không đâu bằng.
Cơm nấu ra dẻo hạt, vị ngọt lại thơm mùi lúa làm đòng, thúc ăn thủng đáy nồi
không thấy khẳm bụng. Cứ đến mùa gặt là xe tải của mấy người buôn xáo thuê vô
chở đi Sài Gòn, Hà Nội bán đắt, mua lại gạo rẻ ngoài đó chở về. Ở Đà Nẵng giờ
vẫn có mấy quán cơm người Huế gởi xe đò mua gạo chỗ ngã ba Diên Sanh chở vào
từng bao, nấu gạo ngon cho được khách. Ai đến đất cổ Diên Sanh, ghé vào đình
Hải Lăng ngó cái, mấy cột đình to cả người ôm không xuể, thì biết nơi đây từng
thịnh lắm. Lùi ngược lên trên chun chút là Nhà thờ Diên Sanh, lui thêm chặng
nữa có chùa Diên Bình, cho thấy tín ngưỡng thờ tổ tiên với các tôn giáo chung
sống trong yên bình của người kẻ Diên. Chợ Diên ngày trước ngự ở ngã ba, nay
được xây mới dưới một chặng, luôn tấp nập kẻ bán người mua. Hải Lăng có nhiều
thắng địa như có tiếng như trằm Trà Lộc ở Hải Xuân là một khu sinh thái xanh
giữa đồng bằng, nơi loài cây đước tưởng như chỉ có ở phương Nam xa xôi kết
thành mảng rừng xanh ngăn ngắt, có chim chóc, có chồn, khỉ trú ngụ. Biển Mỹ
Thủy bên dưới Hải An ngày càng đông những đoàn người đến tắm, đến chơi biển vào
mùa hè, thưởng thức hải sản tươi sống được đánh bắt trong ngày, đặc thù của
vùng biển bãi ngang. Nổi tiếng hơn cả là thánh địa La Vang, nơi được cho là Đức
Mẹ đã hiện hình cứu giúp đoàn con Thiên Chúa chạy loạn vì bị truy đạo thời Tây
Sơn. Hằng năm vào giữa tháng tám là có Kiệu Đức Mẹ, thêm mỗi 3 năm là Kiệu lớn,
thu hút hàng chục ngàn tín đồ Công giáo khắp thế giới hành hương về. Nơi đây có
quần thể tượng mô tả các tích cổ trong đạo của điêu khắc gia Lê Ngọc Huệ với
giá trị nghệ thuật rất cao. Đất đầu Nam còn có rất nhiều làng cổ như Trà Trì,
Câu Hoan, Đơn Quế được lập từ thế kỷ 16. Ai về Phương Lang, ai về Kim Long hôm
nay vẫn thấy còn đó hương vị chợ quê ẩn sâu hàng trăm năm trong lòng vùng lúa
nước. Chợ quầy quả họp từ tảng sáng đến độ mười giờ tan ráo, chỉ còn vài ba mẹt
hàng của các cụ già bán mớ rau củ vườn nhà, gắng gỏi thêm ít đồng mua kẹo cho
mấy đứa cháu, ngay dưới tán cây vong đồng choàm lên cả chợ.
|
Đánh cả ở Hưng Nhơn. Ảnh Nguyễn Vỹ |
Kề Hải Lăng về hướng Bắc là thị
xã Quảng Trị nhỏ bé với 5 phường xã được Hải Lăng và Triệu Phong góp thêm đất
vào. Vậy mà, bốn mươi năm trước đó đã oằn mình trong chiến trận tàn khốc nhất,
để đến hôm nay, cứ đào hố móng làm nhà mới, thì hay gặp hài cốt của những người
con các miền từng về tham chiến. Trong lòng thị xã có thành cổ trước mang tên
thành Đinh Công Tráng, một lãnh tụ khởi nghĩa Ba Đình ngoài xứ Thanh. Được xây
từ thời Gia Long với hệ thống thành lũy kiên cố nhằm bảo vệ từ xa kinh thành
Huế về hướng Bắc. Nơi đây từng là tỉnh lị củ của tỉnh Quảng Trị dưới chính
quyền miền Nam. Cũng phố xá, cũng nhà lầu, chùa chiền, chợ tỉnh một thời sầm
uất. Lớp người trước, ai mà không biết trường Nguyễn Hoàng, với niềm tự hào rất
lớn nếu từng học ở đó, học trò của trường từ Hải Lăng ra, từ Đông Hà (khi đó là
chi khu) vào, bên Triệu Phong qua. Đi trên đường Trần Hưng Đạo từ ngoài đường
Lê Duẩn vào một chặng bên tay trái, xác trường nay còn đó với chi chít những lỗ
bom lỗ đạn trên tường, chứng tích của 81 ngày đêm chiến sự vào mùa hè đỏ lửa
1972. Sau này, trường PTTH Quảng Trị, kế thừa truyền thống ấy, được tiếng
trường hay, thâu hút nhiều học sinh vùng dưới lên, mạn Ái Thượng qua, trên Trấm
về. Những người Quảng Trị xưa dường như đi hết trong chiến tranh, sau có ít
người lui về đất củ. Giải phóng, Quảng Trị sáp nhập và mang tên thị trấn Triệu
Phong, huyện lỵ của huyện cùng tên. Đến năm 1981, huyện Triệu Phong sáp nhập
tiếp với Hải Lăng thàng huyện Triệu Hải, Quảng Trị vẫn là trung tâm huyện lỵ
của huyện mới và bắt đầu nên hình nên dạng trở lại dù không bằng xưa. Cư dân
chủ yếu từ các xã thuộc Triệu Phong và Hải Lăng lên sinh sống, theo sau những
cán bộ, những chủ nhiệm hợp tác được thăng chức lên huyện. Rồi dân các nơi tụ
về buôn bán ở chợ, chủ yếu nông sản, huyện lị đông dần lên. Cũng do nguồn cơn
tái sinh như vậy, mà nay thị xã vẫn mang trong mình cái chân chất bình dị từ
nông thôn, chứ không xô bồ như những thị xã khác. Những cái tên Góc Bầu,
Trí Bưu, Cầu Ga, Cầu Trắng gợi gì cho những người xa xứ từ mảnh đất này?
|
Làng quê ở Triệu Phong. Ảnh Mai Lĩnh |
Cam Lộ, nơi giao thoa nhiều nhất
về văn hóa miền xuôi miền ngược từ thủa lập đất. Sông Cam Lộ (Hiếu giang) bắt
nguồn từ Đầu Mầu xuôi đến ngã ba Dã Độ (Gia Độ) mang trong mình các lớp áo trầm
tích văn hóa vừa nông vừa thương. Những xóm Hạ, xóm Thượng (thuộc Cam Thanh)
sát bên sông với các bờ tre chống lở đất ngâm chân dưới nước. Những Cam Thủy,
Cam Tuyền còn đó những ngôi nhà gỗ ba hai, ba bảy hơn trăm năm, điển hình cho
nhà cổ Quảng Trị. Nhà quay mặt hướng Nam đón gió “Lào” cho mát vào mùa hè,
tránh bấc mùa đông, mái nhà thấp để hạn chế ảnh hưởng của bão. Những hàng cột
nhất, cột nhì gối trên gối đá chống lún và chống nước ăn chân mùa lụt. Nhà
thường làm từ gỗ mít (nài) hoặc thượng chua hạ mít, khác với nhà cổ vùng Lệ
Thủy thường làm bằng sến, táu. Nhà giàu thì làm khổ nhà lớn hơn, thường gọi nhà
bốn hai, còn gọi là nhà đại phú. Vùng Cùa trên đó có hạt tiêu cay xè, từ xưa
gọi là tiêu Cam Lộ, nức tiếng khắp nơi. Cũng còn đó dấu tích thành Tân Sở, nơi
Vua Hàm Nghi chạy loạn sau thất thủ kinh đô. Bên sông Cam Lộ chợ Phiên tháng
họp sáu lần, mùng ba, mùng tám, mười ba, mười tám và hăm ba, hăm tám tháng âm.
Vẫn góc chợ xưa, nón Huế đưa ra, trứng vịt Quảng Bình đưa vào, nhưng khác một
điều là không có voi để đổi bạc trắng, đổi súng và không còn những phiên chợ có
đến 300 con trâu… như nhà bác học Lê Quý Đôn từng chứng kiến. Khách từ trên Cùa
xuống, người mạn Tân Lâm, Tân Định, Ba Thung về, lại bên Cồn Tiên, Cam Vũ băng
qua, kẻ từ Cam Hiếu, Cam Thành lại, chợ phiên Cam Lộ vẫn nhộn nhịp, tấp nập
người bán kẻ mua những sản vật trong vùng, hơn là một chợ dân sinh. Ai còn nhớ
cầu Đuồi củ bắc bằng dầm thép, mặt cầu lót gỗ đạp xe qua lộc cộc trên từng
miếng ván? Ai còn nhớ hai hàng xà cừ mát rượi kéo dài từ QL9 vào tận chợ chừng
hơn cây số, nay bị đốn hạ để làm đường mất rồi!
|
Giếng cổ và ruộng rau xà lách xon ở Gio An.
Ảnh Mai Lĩnh |
Gio Linh vùng hạ, khoảnh đất lọt
giữa hai cửa biển, với nhiều địa danh Nhĩ Thượng, Nhĩ Hạ, Cát Sơn, Lâm Xuân đọc
lên nghe lặng cả hồn những người con xa xứ. Nơi mỗi làng quê có xóm, có đình,
lại có nhiều nhà thờ họ để con cháu tỏ lòng nhớ tiên tổ năm xưa. Điển hình nhất
là làng Mai Xá, nay vẫn còn cây đa, bến nước, sân đình là những đặc trưng của
một làng quê Việt Nam. Nơi đây còn có đầm Hà Côộc với một khoảng rừng ngập mặn
nguyên sinh, có chim bay rợp trời khi chiều buông. Dọc theo sông Hiếu, bên này
và bên kia ngã ba Gia (Dã) Độ, dân có nghề cào chắt chắt. Chắt chắt mà nấu canh
rau muống thái nhỏ, thêm ớt tươi với gừng giã cùng muối sống lúc ăn, thì đừng
hỏi! Trước năm 1995, muốn về Cửa Việt bằng đường bộ phải ra đến ngã ba Gio Linh
rẽ xuống, qua Gio Mỹ, Gio Thành xuống Gio Việt. Sau đó đường Xuyên Á (QL9 nối
dài) được đắp từ Sòng về tận cửa biển giúp cho vùng này phát triển rất nhanh.
Nhớ lúc đường mới làm xong, người lớn lẫn trẻ con thi nhau tập xe đạp trúc lên
trúc xuống, rồi xe máy chạy vù vù quên cái mỏi của những bắp chân to đùng vì
lội cát. Trên trảng đất nóng như rang lửa ngày xưa giờ là thị trấn Cửa Việt
đông đúc chỉ còn cách Đông Hà hơn 10 km đường bộ theo đường mới này. Ngày hè,
người Đông Hà, Cam Lộ, người Gio Linh tấp nập về tắm trên bãi biển trắng tinh
cát. Tắm xong lên ăn ghẹ ăn cháo cá ngon không tả được. Lại còn thưởng thức văn
nghệ với những cu em nhỏ bán hàng rong, hát những bài hát tình yêu kèm thêm
điệu nhún nhảy hồn nhiên nhại phong cách “bé Châu” để kiếm thêm khách mua
hàng.
Thượng Gio Linh đất đỏ bazan từ
trên Cồn Tiên, Nam Đông chuồi xuống đến Hà Thanh, Dốc Miếu. Nay còn đó những
giếng nước cổ ở vùng Gio An, Gio Bình, còn gọi là giếng mội, dấu tích cộng đồng
Chăm từng hiện diện ở đất này. Đất đỏ trồng cây công nghiệp dài ngày giúp cho
dân nơi đây khấm khá hơn các vùng nông nghiệp khác trong tỉnh. Nhưng cũng đất
này, chuyện cuốc phải bom mìn không ít, bởi ngày xưa đây chính là vùng hàng rào
điện tử Mcnamara băng qua, nên tang thương vẫn còn khi chiến tranh đã lùi xa.
Những gia đình sống trên các nông trường mới, di cư từ dưới Triệu Hải lên sau
giải phóng. Cũng có nhiều người tập kết ra các nông trường ngoài Nghệ An trong
chiến tranh nay quay về đây đem theo tiếng nói phổ thông chứ không dùng phương
ngữ như các vùng khác. Mà dưới một chút, thiệt lạ, cái đất Gio Châu người ta
thốt ra lời nghe thấy thích thú vô cùng: “đi chở tran, gặp con trâu, phan cấy
đứng ngăt” (“đi chở tranh (cỏ tranh) gặp con trâu, phanh xe đứng ngắt” mà chữ
ngắt phát âm “ngăt” không có dấu sắc lọt tai sướng chi lạ).
Giữa vùng hạ và vùng thượng Gio
Linh có Ba Dốc, có chợ Cầu, đi vào câu hát ru:
Ru em em théc cho muồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
Mua cau chợ Sãi, mua trầu chợ
Dinh…
Một huyện bị rứt ra trong hiệp
định Genève, Vĩnh Linh, ngay bên dòng Bến Hải. Truông nhà Hồ năm xưa ghi dấu
vua Quý Li vào phá thảo khấu Tam Giang, nay là thị trấn huyện lỵ Hồ Xá khá sầm
uất. Đặc trưng của thị trấn này là những ngôi nhà hai tầng mái tháp đỏ, “mô
đen” nhà một thời được ưa chuộng. Còn đó bệnh viện A đầu tuyến lửa, còn đó
Trường PTTH Vĩnh Linh là mái trường dưới miền Bắc XHCN từng dạy hệ 10 năm. Bên
trên là cụm liên xã Lâm Sơn Thủy, xéo dưới một chút có Trung Nam Tú Thái đọc
suôn vần như thể các xã ấy là một. Cũng trong vùng này, người các thôn thuộc
hai xã Vĩnh Tú và Vĩnh Thái nói riêng một giọng so với các xã còn lại của Vĩnh
Linh. Ai mà nghe đúng cái giọng ấy, kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng, với âm điệu đi
theo tiết tấu câu chuyện thì cười “đứt rọt” như chơi. Chầu chiến tranh có o nớ
mược áo trắng đi dởi về qua cánh đồng. Gặp máy bay bổ tới, khôông có lộ mô trốn
nên mọi người hét “cổi áo ra không hắn chộ hắn quăng bom chết cả lủ”. O nớ nghe
rứa sợ quá cổi ra liền chứ chờ dị thì ngủm củ tỏi, cổi ra xong thì mọi người
lại hét to “mược vô, mược vô khôông hắn quăng bom chết tươi, mau, mau!” Té ra o
nớ có nác đa còn trắng hơn cả cấy áo o mược! Vĩnh Tú còn có bàu Thủy Ứ nhiều
cá, có giống cá đô (đực tràu) bự chảng, dính câu là kéo cả thuyền câu chạy đuối
mới chịu bắt. Bên kia bàu là Rú Lịnh nguyên sinh trên đất Vĩnh Hiền, Vĩnh Hòa.
Còn đó những đại thụ với chim muông, thú vật phong phú. Địa đạo Vịnh Mốc cuối
đất Vĩnh Thạch biểu hiện sức chịu đựng của con người trước bom đạn chiến tranh,
ai từng đến thì không khỏi khâm phục tột cùng. Biển Cửa Tùng sóng vỗ trắng xóa,
một thời là khu nghỉ mát được ưa thích, hằng năm đón rất nhiều đoàn đến an
dưỡng. Những chiều mùa hè trời trong xanh nhìn ra thấy đảo Cồn Cỏ anh hùng tựa
như một chiến hạm khổng lồ thách thức mọi kẻ thù xâm lược. Phía ngoài Hồ Xá là
Vĩnh Chấp, giáp ranh với các xã thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, nơi ngọn rau
khoai bò qua hai tỉnh. Trên thượng nguồn sông Sa Lung có các xã Vĩnh Hà, Vĩnh Ô
và Vĩnh Khê. Cũng như các xã vùng cao của hai huyện Cam Lộ và Gio Linh, bắt đầu
tựa lưng vào dãy Trường Sơn. Chốn ấy, có bà con người Vân Kiều, Bru sinh sống.
Mà thật giỏi, họ nói tiếng họ, lại nói thêm tiếng Kinh rất tốt. Và nay lớp trẻ
được học hành đàng hoàng do các cô thầy dưới xuôi lên dạy, nên tiến bộ rất
nhiều về văn hóa (chung) và đời sống kinh tế. Coi sách nhiều, và nghe chính họ
phát âm, mới biết họ nói bằng ngôn ngữ của người Khơ Me bây giờ, cũng là ngôn
ngữ của người Chăm xưa. Mới tự đặt câu hỏi, họ là ai? Chăm chạy loạn hay Khơ Me
bị bức dọc theo rừng núi Trường Sơn mà ra?
Huyện miền cao Hướng Hóa, nơi
tiêu biểu cho việc khai đất lập quê mới. Không khác gì thủa xưa khi mà lưu dân
Thanh Nghệ theo Nguyễn Hoàng vào đất Quảng Trị bây giờ, đem theo tên làng tên
xóm nơi chôn nhau cắt rốn để định danh cho mỗi vùng đất mới định cư. Tân Độ,
Tân Thành, Tân Phước, Tân Long có người Triệu Phong trú ngụ, lại Lương Lễ cho
người dưới hai xã (nay đã chuyển qua phường) thuộc Đông Hà, đến Tân Lập, Tân
Liên, Tân Hợp gợi ra việc đất mới của những nhóm người khác quê dưới xuôi gộp
lại.Tay trái đường 9 rẽ vào là 8 xã vùng Lìa từ ngã ba Tân Long men theo sông
Sê Pôn chảy từ núi rừng Đakrong ra, bên Lào bên Việt, nơi mà bà con đồng bào
dân tộc các bản hai bên qua lại như một nhà chứ không phân định Quốc tịch.
Những Rào Quán, Tà Cơn, Làng Vây chiến địa đưa chúng ta hồi tưởng về các chiến
dịch tàn khốc năm xưa. Khe Sanh nằm trong một thung lũng của dãy núi Trường
Sơn, bây giờ là thị trấn huyện lỵ, khí hậu mát mẻ quanh năm. Nơi đây đồng bào
các dân tộc chung sống với nhau an bình, cùng dựng xây quê hương đất nước. Các
xã nhánh tây của huyện như Hướng Sơn, Hướng Linh, Hướng Phùng ngày nay rất phát
triển kinh tế với cây cà phê và rừng trồng khai thác gỗ. Tây Trường Sơn từ cao
điểm Làng Vây đổ về Lao Bảo xuôi qua cao nguyên Nam Lào có khí hậu trái ngược
với Đông Trường Sơn, đúng như “bên nắng đốt bên mưa bay” trong câu thơ của Phạm
Tiến Duật.
Lưng chừng QL9 là Krong Klang,
thị trấn huyện lỵ huyện Đakrong nép ngay bên đường, chỗ ngày xưa gọi là “bốn
mốt” (km 41). Xe đò trước khi leo đèo Rào Quán không khỏi dừng lại chỗ kiểm
tra, đổ nước mui. Khi về thì khỏi tự giác cũng có tổ Kiểm soát liên ngành ngoắc
lại kiểm tra. Thuốc lá Samit, Thạp Luông, mì chính Thái, dép Lào xổ tung tóe, người
buôn lăn lộn khóc lóc, xin xỏ không ngớt khi xe “bị điểm”. Ngày nay, cũng phố
xá, cũng chợ huyện tuy không đông bằng dưới xuôi nhưng đông đúc hơn xưa nhiều.
Các dịp mùa màng trong năm, nào gùi, nào chóe nhấp nhô trên lưng theo từng bước
đi của bà con đồng bào từ các bản làng ra chợ thật vui nhộn. Màu sẫm đen của
trang phục với các đường diềm viền xanh đỏ vàng hết sức đặc trưng của người Tà
Ôi, người Bru – Vân Kiều, chỉ còn những người lớn tuổi mặc. Tuổi trẻ bây giờ
tóc xanh tóc vàng, áo pul quần ống chật, điện thoại di động như người thị
thành. Không biết họ có còn đi Sim, còn giữ được hồn làng hồn bản thêm bao lâu
nữa? Từ km 0 đường 14 ngay chân cầu treo Đakrong rẽ vào năm chục cây số, Tà Rụt
bây giờ không còn xa xôi như lúc trước, đến độ trêu đùa nhau “ở Tà Rụt mới về
à?” để ám chỉ ngưới nào đó chậm hiểu một vấn đề nêu ra. Nơi ấy, đã là một thị
tứ đông đúc. Có trường học, có bưu điện, có bệnh viện đầy đủ, cũng tiện nghi
lắm. Quên nói đến những đêm trăng sáng, đi xe từ Tà Rụt về, một bên suối, một
bên sườn đồi tranh loang loáng, thật đẹp, thật hùng vĩ.
Đông Hà, tên một ngôi làng nhỏ
bên bờ Nam sông Hiếu nằm chỗ cầu tàu (phường 3) bây giờ, đã trở thành tên của
một thành phố tỉnh lỵ. Sau giải phóng, từ một chi khu trước đây được nâng cấp
thành thị xã thay thế cho thị xã Quảng Trị đã điêu tàn trong chiến tranh. Rồi
nhập tỉnh Bình Trị Thiên, đến 1981, Đông Hà kéo về mình cả huyện Cam Lộ, rộng
vô cùng. Đội Vệ Sinh Phòng Dịch của thị xã Đông Hà năm nào cũng đi chống sốt
rét với chống ghẻ cho bà con Vân Kiều chỗ Cam Tuyền, Cam Chính và Cam Nghĩa.
Nhớ lại hơn hai chục năm trước, cái thời nhà máy đèn chỗ hồ Khe Mây đêm chạy
đêm không, nhà khá giả thì trữ bình ắc quy thắp đèn đêm, mấy cụ hưu trí thì cứ
pin Con Thỏ bốn cục cặp lại bằng hai thanh tre, quấn săm xe đạp để nghe radio
phát thời sự. Nhà giàu có sắm tivi National hoặc tivi Liên Xô, đều là hình đen
trắng kiểu như bây giờ chơi ảnh nghệ thuật. Tivi phải để ở phòng lớn nhất trong
nhà, hôm trời nóng thì quay ra sân mới đủ chỗ cho cả xóm, chứ xem một mình thì
nhà đó bị đặt vè liền, không ai chơi cái đồ nhà giàu. Cứ đúng 7 giờ bật lên xem
được có mỗi đài Phát thanh truyền hình Bình Trị Thiên phát từ Huế, chương trình
bắt đầu là Những bông hoa nhỏ, sau mới đến thời sự, cuối là chiếu phim hoặc cải
lương, hết. Nhiều khi đang xem chương trình hay sóng nhiễu mè hết cả màn hình,
thằng con nhà chủ chạy ra ngoài quay tới quay lui cái cột ăng ten trời, người
trong nhà thấy rõ thì hô “được rồi”, lại xem tiếp trong tiếng xuýt xoa vừa mất
đi đoạn hấp dẫn. Những gia đình cán bộ công nhân viên hoặc hưu trí thì có báo
đọc, báo Nhân dân, báo Thiếu Niên Tiền Phong, báo Nhi Đồng. Thỉnh thoảng có tờ
Họa báo Liên Xô giấy bóng khổ lớn, vừa đọc vừa xem hình đủ màu sướng cả mắt,
đọc xong cất lại bao vở đầu năm học, rồi năm sau lật mặt trong ra cho mới để
bao lại lần nữa. Vùng trung tâm thị xã lúc đó bụi đỏ mù mùa nắng và nhão nhoét
mùa mưa. Có 3 con đường trải nhựa là QL1A ngang qua thị xã, cùng đường 9A, 9B.
Đường Hùng Vương to rộng bây giờ, khi xưa là con đường đỏ nối từ lô cốt cũ vòng
ra sau nhà Việt Thành đến đoạn bên hông trường Đảng (giờ là nhà VHTN) ẹo qua
trước mặt Xí nghiệp 8 cũ rồi đổ dốc xuống đường 9B, chấm hết. Kiến trúc bên con
đường này còn sót lại là trường tiểu học Hùng Vương bây giờ, hồi xưa gọi là
trường 1B (phường 1) để phân biệt với trường 1A giờ là trường THCS Nguyễn Trãi.
Quanh cái lô cốt là xác mấy chiếc xe tăng, tuổi thơ của thế hệ mình ai chẳng
leo trèo ở đó. Mặt trước lô cốt có cái pano to đùng ghi mấy câu thơ cổ động của
bác Thọ, chẳng còn nhớ nội dung. Sau khi đăng bài lên Facebook thì anh Lê Đức
Dục, một nhà báo lớn, mới nhắc cho nhớ lại: “Xuân về trên đồi củ/Phấp phới ngọn
cờ hồng/Cả hai tên xâm lược/Chôn một nấm mồ chung”, anh còn nhắc thêm một chi
tiết là sợ người ta không biết hai tên xâm lược là ai nên thêm mấy chữ ở bên
dưới: “Lô cốt Pháp, xe tăng Mỹ”…
Thưởng thức văn hóa nghệ thuật
lúc đó, chỉ những ngày không mưa rét. Bởi rạp phim và nhà hát đều lộ thiên.
Phim thì, từ khối XHCN hoặc hãng phim Giải phóng. Nhà hát thì chủ yếu là xem
cải lương, thỉnh thoảng có xiếc từ trung ương về, cũng hay đáo để. Chuyện, ngồi
xem phim bãi, buồn ngủ nằm lăn lóc ra, hết phim không ai gọi, sực tỉnh về nhà
nữa khuya, vừa chạy vừa sợ ma đến khiếp. Lại có trò vui, lấy cái dây một đầu
buộc vào kim băng, đầu kia cột cục đá, mò đến chỗ khán giả nữ nào hăng say coi
trên màn ảnh, găm kim băng vô quần dây chun. Chờ hết phim, coi người ta đứng
dậy bị cục đá rị tuột quần là cười ầm rồi bỏ chạy, hoang tợn.
May mà quên một chuyện, quan
trọng lắm. Chỗ bên Bưu điện là cửa hàng lương thực. Xuân hạ thu đông, cứ sáng chủ
nhật định kỳ trong tháng là đến đó đặt sổ gạo xếp hàng. Khi đến lượt, không
quên giới thiệu mình có quen người này, biết người nọ, đại khái người ấy có làm
chức chi đó quan trọng, để mấy chị mậu dịch viên vén cho phần gạo ngon. Gạo
nhận về, khi vo để nấu, sạn cả vốc, lại còn mọt gạo nữa, hâm hẩm. Bên chùa Đông
Hà là nhà sách, đối diện xéo nhà sách (chỗ khách sạn Ngân Hà bây giờ) là quầy
kem mậu dịch, ngon lắm, có lẽ do thiếu thốn nên thấy thế. Sát đó là cửa hàng
bách hóa tổng hợp, bán đủ thứ hàng, theo chế độ tem phiếu.
Chợ Đông Hà, trên bến dưới
thuyền, tấp nập. Đò lên từ Cửa Việt, Mai Xá, đò về từ Cam Lộ, Phường 4, ken kín
một đoạn. Những ai sống gần sông, thì đều dùng tiếng đò máy để xác định mốc
thời gian, ví dụ như đò chạy ngược lên chuyến nhất là mười, chuyến thứ hai mười
rưỡi, cứ nghe bạch bạch tiếng máy đò, canh theo đó mà bắc cơm trưa. Chợ có đến
mấy cổng, ngõ vào phía đường Phan Bội Châu, ngõ vào phía Phan Chu Trinh bây
giờ, còn cổng chính ngay ngã ba đường 9A đi vào. Những bà con bên Cam Thanh,
Cam Giang gánh bộ hoặc thồ hàng qua thì tắt từ ngay đầu cầu Đông Hà rẽ xuống
dốc, đến cái triền đất nghiêng, chỗ mấy gánh Sơn Đông mãi võ hay bán thuốc trị
thương, trị bịnh đủ thứ, tự quảng cáo bằng các chiêu lấy giáo đâm cổ, nuốt
kiếm, chặt vào tay cho bị thương, lấy thuốc gia truyền ra bôi bôi xoa xoa mấy
cái lành ngay tức thì, cho bà con thấy hiệu nghiệm, xin mời “mại dzô mại dzô”.
Xuống thêm lần dốc ngắn nữa là vào ngay cổng chính, chỗ có mấy ông của Ban quản
lý chợ đứng chờ sẵn dán cái tem giấy lên nón của mấy o mấy mệ gánh hàng, thu
hai đồng phí. Từ cổng lui ra hai bên là những hàng dán áo mưa với dán dép nhựa,
kê cái bàn nho nhỏ với cái ghế đẩu, bên cạnh bàn là mấy cái cơi hàn bằng sắt
cắm vào ống than bằng cái phích nhưng thấp hơn, có quai xách để lâu lâu cầm lên
quay vù vù hâm than cho rực để tăng nhiệt cơi hàn, dán lại mấy chỗ rách cho
khách. Cái dép tổ ông màu vàng đục hoặc màu xám sậm, nhiều khi không có nhựa
cùng màu, phải vá lên mấy miếng xanh có, đen có, thật tội. Bây giờ mà ai còn
chiếc dép đó sót lại trong nhà, không chừng bán đấu giá được nhiều bạc lắm,
người mua để lưu lại cái thời khó nhọc cơm áo của quê mình. Trong chợ, từ cổng
vào bên trái là hàng bánh kẹo, những mấy chục quày nối nhau dài đến chỗ cổng số
hai. Họa hoằn lắm mới được mẹ mua cho mấy cái kẹo gừng, kẹo chanh, còn bánh thì
đắt hơn, chỉ Tết mới được ăn. Đối diện hàng bánh kẹo là hàng tạp hóa. Kế đó có
đình chợ nằm ngang ra bến sông, trong đình là hàng ăn. Cũng chè cháo, cũng cơm
bún nhưng đơn món, phục vụ cho người buôn bán, người đi chợ. Khách lỡ đường lỡ
bữa cũng ăn ở đây chứ ngoài đường không mấy quán ăn như bây giờ. Cả thị xã chỉ
có mấy hàng trên ngã ba bến xe, thêm một cửa hàng ăn uống Quốc doanh chỗ Coop
Mart ngày nay, với đầu chợ cũng có thêm một chi nhánh Cửa hàng ăn uống Quốc
doanh đó, nhưng sợ đắt nên người ta không dám vô.
Trên dốc cầu, đối diện chợ nhìn
xuống qua bên kia là nhà kho Cảng vụ, dưới một chút là cảng sông, tàu thủy vài
trăm tấn chở than đá vô và ăn thạch cao ra lại Bắc, chứ chẳng thêm hàng gì
khác. Qua hết cầu Đông Hà, bên phải dưới bờ sông là Xí nghiệp sửa chữa tàu
thủy, suốt ngày lóc cóc ầm ĩ tiếng búa gõ cho rụng rỉ hà, hàn lại những chổ
hỏng của tàu, rồi sơn mới cho hạ thủy trở lại. Chuyện có thật, ngay dưới dạ cầu
là những tụm người sống vương vãi, làm đủ thứ nghề bóc vác, xe thồ, móc túi, và
cả đĩ. Khi có khách là trèo ngang qua thành cầu, chui vô cái dầm thép giữa hai
nhịp, làm bãi đáp. Trẻ con đi học về cứ thấy có người trèo xuống dưới là đứng
chờ để lò đầu xuống rình, cho vui. Lại có mụ Tận, một người tâm thần cứ sáng là
đi vào từ phía Sòng, áo quần rách rưới, vừa đi vừa lẩm bẩm. Đến chợ, đi lang
thang ai cho gì ăn nấy, quá trưa lững thững đi bộ trở về, ngày hạ như ngày
đông. Thầy Thanh, người Cam Thanh, lúc trước nghe nói học rất giỏi, sau làm
thầy giáo dạy ở trường 1A, chợt hóa điên, cũng năng qua về trên cây cầu này,
tay cứ cầm cục phấn quẹt những đường ngoằn ngoèo trên thành cầu bằng thép vê,
thỉnh thoảng đứng lại giữa cầu làm bộ như đang giảng bài, cầm phấn vẽ vào không
khí những vòng tròn vô định.
Đổ xuống hết dốc cầu, bên phải là
làng An Lạc, chuyên trồng hoa cúng hằng tháng và hoa Tết. Làng này có món bánh
ướt rất ngon, giờ vẫn còn quán bán bên đó. Bên trái là kho Cung ứng xi măng, kế
đến là Trung tâm Y tế Đông Hà, có chức năng như một bệnh viện hơn là công tác y
tế, khám chữa bệnh cho cả thị xã Đông Hà, chỉ những ca nặng mới đưa vào bệnh
viện Hà Lan cũ tuốt trong Triệu Lương. Cũng phía bên này thời ấy, chuyện bom bi
nỗ thường xãy ra, chết người, đui mắt, què tay què chân không tránh khỏi. Mà
trẻ con rất hay nghịch, đi học về cứ thấy có cục sắt lăn lóc bên bụi là lượm
lên ném, nổ tan tành mọi thứ.
Ngược vô lại, từ cầu chợ về bến
xe ngang qua cơ quan Tài chính thị xã Đông Hà có dãy nhà hai tầng, xéo trước
mặt là hồ cá phường 2, sau này bị lấp phía trước xây lên dãy nhà phố rồi. Tết
gần đến, chỗ khách sạn Đông Hà sát bên bến xe củ, là nơi có hội chợ. Đủ trò mua
vui, chuột chui lỗ, ném phi tiêu, ném vòng, bắn súng nhựa. Từ khoảng 27 tháng
chạp kéo đến mùng 4 là hết chơi. Được cái ngày xưa, pháo nỗ đì đùng, xác pháo
Hà Sơn Bình đỏ tươi, xác pháo Nam Ô sẩm màu nhưng nổ đanh hơn hẳn. Từ ngã ba
bến xe theo đường 9B đi lên đến Nhà hát mới, bên phải là nhà dân, xóm khá sung
túc nhờ buôn bán. Bên trái là sân bay Đông Hà trong chiến tranh. Đến những năm
tám mấy vẫn mấy đoạn còn nền bê tông đường băng, đoạn cuối gần đường tàu là hầm
rác cũ của sân bay, sau được xăm lên tất, moi lấy bất cứ cái gì có thể bán được
thì bán, dùng được thì dùng, kể cả thịt hộp đã mười mấy năm nằm dưới đất, chỉ
hơi rỉ bên ngoài, khui ra vẫn còn thơm. Đồ phế liệu đào được, vô cân trong khóm
1, chỗ đường Tôn Thất Thuyết bây giờ. Từ ngoài đường 9B theo đường Hải Thượng
Lãn Ông bây giờ băng qua cống tràn hồ Đại An hoặc theo đường Hàm Nghi lội bộ
lên hết đường là vô tới đồi Cọ Dầu, trèo hái trộm cọ về ăn, nhiều khi bị bảo vệ
đuổi bắn chỉ thiên hồn bay phách lạc, mà vui.
Ngày nay, người ta dùng số nhà,
tên đường và khu phố để xác định địa chỉ cho tương đồng với tầm vóc của một
thành phố thay cho cái thị xã nghèo những năm củ. Những tên Nhà Vòm, xóm Choi,
xóm Chó, xóm Vạn, những làng Điếu, Dốc Sỏi, xóm Heo, Tây Trì, Chùa Tám Mái, bãi
C15 để định chốn lúc xưa ngày càng ít người nhắc đến, từ từ tan theo con tuổi
của thời gian…
Viết về quê hương, những dòng chữ
như tự trào ra từ ngăn tim buồng phổi. Những điều thu nhặt, có mắt thấy tai
nghe, có sự võ đoán, đều không khỏi thiếu sót. Mong được anh chị em chỉ dạy
tường tỏ, sau có cái mà kể lại cho con cháu mình.
Cuối cùng, xin được nói về Triệu
Phong. Trãi rộng và dài theo hai bờ sông Thạch Hãn, từ Ba Lòng - Triệu Nguyên
(nay cắt về Đakrong) về Giang Ái Thượng bờ tây. Dinh Ái Tử, nơi chúa Tiên
Nguyễn Hoàng đặt thủ phủ đầu tiên trong cuộc nam di vĩ đại của dân tộc, giờ là
thị trấn huyện lỵ sau ngày lập lại huyện. Mé ngoài là Triệu Giang có làng Trà
Liên chia làm hai bên bờ sông Thạch Hãn gọi là Trà Liên Tây và Trà Liên Đông.
Nguyên do đất lỡ bên tây bồi sang bên đông, lệ cũ, dân bên lỡ được sang đó
trồng tỉa, sau lập thôn mới. Đình làng Trà Liên Tây có thờ pho tượng đồng hơn
năm trăm tuổi, tạc Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, cậu ruột và cũng là người dạy dỗ Chúa
Tiên từ lúc 2 tuổi, khi tể tướng Nguyễn Kim còn chạy loạn trên Ai Lao. Qua khỏi
Ái Tử vào phía trong là Triệu Thượng với các thôn chánh Nhan Biều, Trung Kiên,
An Đôn (chuyển qua phường thuộc thị xã Quảng Trị) và Thượng Phước kề đập Trấm.
Các thôn Nại Cữu phường và Tả Hữu phường là những thôn mà dân bên làng chánh
phía Triệu Đông, Triệu Tài qua lập, lấy tên làng cũ. Ngay ngã tư Nhan Biều trên
QL1A có cột cờ dựng năm 73 cao chót vót, tận Mỹ Chánh, Phong Điền (Huế) có thể
thấy cờ giải phóng bay phấp phới vào ngày nắng để dân ta chạy loạn vào trong ấy
biết đã giải phóng đồn nhau mà về.
Bên kia sông là những tên làng
tên chợ kêu lên nghe tự hào lắm. Bích La, Hậu Kiên, chợ Đình, chợ Sãi tiếng còn
vang mãi với thời gian. Bác Duẫn, sinh năm nhuận tháng nhuận gì đấy nên bố mẹ
lấy mốc đó đặt tên cho con để dễ nhớ. Lại quê mình, âm Nhuận gọi là Duận, Dụn
rồi chuyển sang Duẫn. Cũng nơi đây, họa sĩ Lê Bá Đảng lừng danh đã sinh ra. Kế
đó có làng Bích Khê thuộcTriệu Long góp cho đời nhạc sĩ trữ tình Hoàng Thi Thơ.
Vùng Triệu Thành trước là quận lỵ quân Triệu Phong, sau bom đạn chiến tranh phá
nát cả, dân ly tán rồi về lại. Chợ Sãi là chợ huyện, ngày xưa nổi tiếng nem
ngon, giờ chỉ còn làm chả đi bỏ khắp nơi. Chợ Đình thì còn vang câu hò:
“Bà con sinh sống gần xa
Nhớ về họp chợ mồng ba đình làng”
hoặc:
"Tháng giêng giờ tý - mồng ba
Rủ nhau đi hội Bích La chợ Đình”
Đã trải qua hàng trăm năm, đến nay,
lễ hội truyền thống chợ Đình làng Bích La vẫn được tổ chức chỉ một lần duy nhất
trong năm: Vào đúng lúc “gà gáy canh tư”, bắt đầu khoảng 2 giờ khuya ngày mồng
2, rạng sáng ngày mồng 3 Tết Nguyên đán hàng năm.
Vùng dưới, Thuận Hòa Đại Độ với đồng lúa rộng cò bay mỏi cánh. Sát biển có An
Vân Lăng kéo dài từ nam Cửa Việt vào giáp Hải Lăng. Mé ngoài sông có Triệu
Phước với những tên làng Lưỡng Kim, An Cư có nhiều họ lớn, nơi danh ca Duy
Khánh chào đời. Cái thời nghe băng cối bằng máy Sáp (Sharp là tên một nhãn hiệu
điện tử, dân mình gọi bất cứ thứ máy nghe nhạc nào cũng đều là máy Sáp hết, như
xe máy nào cũng là xe Hon Đa hết), tai chỏng lên, mà mắt cứ chăm nhìn vào cái
máy như sợ không nhìn thấy cái tiếng nó bay ra. Thì đi đâu cũng Duy Khánh, số
một, rồi mới đến Chế Linh, Thanh Tuyền..
Từ Quảng Trị thẳng về theo tỉnh lộ 64 chừng hơn 10 cây số là thị tứ Bồ Bản, nơi
trung tâm của các xã vùng dưới. Ở đó có Trường PTTH Triệu Phong, để con em vào
cấp 3 khỏi lên tới Quảng Trị hoặc Ái Tử xa xôi. Quanh vùng có chợ Thuận, còn
đặc sắc lắm nét chợ quê với những sạp hàng trải ra trên nền đất để họp. Dưới
một chút có làng Lệ Xuyên thuộc Triệu Trạch giỏi nghề ăn nói và buôn bán.
Chuyện có người lái heo, đến làng ấy coi heo đã muộn, nhìn vào chuồng thấy đàn
heo con trắng đốp, sướng mắt hỏi thõng mấy đực mấy cái? Chủ nhà đáp “đực hết”
gỏn lọn. Lái ta như mở cờ trong bụng bởi phen này chắc trúng to, nhanh chóng
làm giá, đặt tiền và dặn sáng ngày xúc sớm cho kịp chợ. Tờ mờ sáng, qua bắt hết
đàn heo con cho vô rọ, chở lên chợ tỉnh bán. Trời sáng dần ra, nhìn vào đàn heo
thấy toàn heo cái mà muốn xỉu. Bởi heo cái thì lười ăn chậm lớn hơn heo đực, ai
mà mua. Đến trưa không bán được con nào, tức mình chở về lại bắt đền lão chủ.
“Ai vẹ mua không dòm, tui nói đực hết là hết đực”, lão vặn. Lái ta tiu nghỉu
quay về.
Mạn tay phải Cổ thành đổ xuống, cắt qua đập Trấm là Triệu Tài, Triệu Trung và
đất cuối Triệu Sơn. Vùng này có làng An Trú mà dân gian còn gọi là U trán, Đau
đầu, khác với làng Đạo Đầu cũng gần đấy, nói một phương ngữ rất riêng, giàu
tính ngữ điệu. Ngang qua chút có Ngô Xá Đông, Ngô Xá Tây được lập từ thời Hồng
Đức, đổi tên mấy lần do chữ (hán tự) xấu, dân làm ăn khó, rồi do húy kỵ thời
Gia Long. Dọc theo làng này có con sông Vĩnh Định lươn rất nhiều. Dân trong
làng lấy cái sào dài hơn đầu người gắn cái ngoéo thép một đầu vừa lội vừa thọc,
cảm nhận có lươn vùng bên dưới là rút lên, túm chú lươn béo tròn, vàng hượm
quăng vô cái thau để nổi trên mặt nước đến hả tay.
Quanh bờ Thạch Hãn cũng là nơi giàu văn hóa tôn giáo, tự xưa. Chùa Tịnh Quang ở
Ái Tử được sắc phong Tổ đình Sắc Tứ, nơi linh nghiêm của phái phật giáo Bắc
Tông trên đất Quảng Trị. Bên dưới Xuân An sát bờ sông, có chùa Long An, ngày
trước gọi là chùa Sư Nữ dành cho nữ tu. Bên kia sông có chùa Tỉnh Hội là chùa
lớn, có nhiều người đến tu và học tập. Trong các làng xã khắp vùng, các chùa An
Lợi, chùa Dương Lệ Văn, chùa Hữu Liêm, chùa Kim Sơn được dựng ra giúp cho bà
con nông dân có chỗ trú ngụ tinh thần, cầu mong cuộc sống tốt đẹp. Công giáo
cũng thịnh ở đất này với các xứ đạo, làng đạo Đại Lộc, Dương Lệ Đông, Đồng
Giám, Mỹ Lộc, Bố Liêu và Phan Xá bên dưới. Bên trên chuông nhà thờ ngân vang
suốt ngày lễ các xứ An Đôn, Ngô Xá, Thạch Hãn, và Trí Bưu...
“Chẳng thơm cũng thể hương dàn
Chẳng trong cũng nước nguồn Hàn* chảy ra”
(*Nguồn Hàn, tên dân gian gọi sông Thạch Hãn)
21/12/2014
Chế Cẩm Đình