Phan Thạch Nhân
MÙA THU
Bây giờ đã vào tháng 9, buổi sáng trời có sương mù nghe thấm lạnh, những vầng mây trắng lững lờ xuất hiện rồi bay lang thang về đâu đó, vài cơn gió nhẹ thổi qua làm tôi chạnh lòng để nhớ và …Nhớ nhiều lắm! Một mùa thu nữa sắp đi qua.Có lẽ trong mỗi chúng ta ai cũng có một thời được làm học trò, với tôi, kỷ niệm đẹp đầu tiên là không phải: “Mẹ tôi nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp.” Mà: “Buổi mai hôm ấy một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh,” ba tôi chở tôi trên chiếc xe đạp sườn ngang, bỏ lại con đường làng lui đằng sau, trên tay lái kiểu chử U có sẵn cây roi tre dẫn tôi đến trường với bao âu lo và e ngại. Từ đó, tôi được làm học trò.
Tuy sinh ra ở một vùng quê nghèo thiếu đủ thứ, nhưng con cái phải được học hành, nên ba tôi rất nghiêm khắc, ngược lại, mẹ tôi thì rất hiền, một con người đôn hậu, luôn bao dung cho con trai nên tôi có một tuổi thơ khá nghịch ngợm, nhưng nhìn lại mình thì cái nghịch ngơm dễ thương chứ không phải quá đáng.
Được làm học trò của một trường tiểu học, khi đã biết viết, biết đọc, nhưng sự nghịch ngợm vẫn luôn len lén trong tâm hồn tuổi thơ, có thể bung ra bất cứ lúc nào, và mỗi lần có tội thì thầy cô phạt ba roi, nhiều quá thì cô cho mắc nợ, sau đó bắt về nhà chép phạt bài văn xuôi: "Tôi đi học" của nhà văn Thanh Tịnh, chép 5 lần, 10 lần rồi 20 lần… cứ tăng dần theo lỗi phá phách của mình, nếu viết bẩn thì thầy lấy thước đánh lên hai bàn tay, viết cẩu thả thì cô tăng hình phạt chép gấp đôi, với một cây bút tre vừa chấm mực màu tím vừa viết, một buổi đi học, một buổi chép phạt ở nhà, nếu lỡ ham chơi đi đá banh hoặc tắm sông Thạch Hãn với bạn bè thì tối phải thức đêm bên ngọn đèn dầu hỏa mà ba tôi thường gọi là đèn “Huê Kỳ”để chép. Nhìn ba tôi có vẻ vui hơn vì từ khi đưa đến trường con mình quá ham học,chắc sau này lớn lên sẽ được làm thầy giáo, mỗi lần chị tôi qua chợ tỉnh thường mua bánh kẹo cho tôi, nhưng tôi luôn dặn chị mình không thích bánh kẹo, chỉ thích vở bút và mực để học, nhưng thật ra thì để chép bài phạt muốn khùng luôn. Cho đến một ngày chuẩn bị vào hè hết bậc tiểu học,Thầy cô nhìn những bài chép phạt của tôi rồi mỉm cười thân thiện và nói môt câu:” Sức học của em chỉ tàm tạm, nhưng chẳng bao giờ có phần thưởng,.”Thì ra lúc này mình mới hiểu Thầy Cô bắt mình luyện người, luyện chữ. Mà thật vây, 5 năm ở trường tiểu học mình chẳng có cái phần thưởng nào, học hành cuối năm được lên lớp là may lắm rồi.Những lúc ngồi nhớ lại tuổi thơ của mình tôi lại mỉm cười, vì trên thế giới này nếu nói về môn thể thao như bóng đá thì có nhiều ngôi sao xuất sắc như chuyên gia đá phạt,chỉ tiếc một điều giá như ngày ấy thầy cô tăng cho mình danh hiệu ngôi sao chuyên gia chép phạt thì cũng oai ra phết nhỉ!
Đó là chuyện ở trường, còn về nhà cũng chẳng khác gì, ngoài sự nghiêm khắc của ba tôi thì còn một ông cậu và một người anh, cậu và anh mình bắt mình phải học thuộc lòng bài này, anh mình lớn hơn mình 14 tuổi, anh đi suốt ngày ít khi ở nhà nhưng gặp mặt là bắt trả bài Tôi đi học, có nghĩa là anh nhắc mình học và coi lại bài vở. Sau khi được vào học trường Nguyễn Hoàng mình mới biết cậu mình là bạn cùng lớp với Thầy Phan Phụng Thạch, giờ thì cậu và thầy đã không còn trên thế gian, còn anh minh thì một học sinh Nguyễn Hoàng, nhưng đam mê văn hơn toán, bởi vì sau chiến tranh từ miền Nam trở về quê nhà dưới những đống hoang tàn của ngôi nhà ấy, mình tìm và đọc được những gì anh viết, những bài văn xuôi viết tay, những dòng thơ tình đầy lãng mạn trên những tập giấy mỏng manh màu xanh màu hồng của một thời anh đi học.
Bây giờ là mùa thu, mùa tựu trường, Phan Thạch Nhân xin đươc nhắc lại hai tác giả trong bút nhóm Vọng Thời Gian năm nào của cựu học sinh của hai thế hệ, họ tiếc nuối mùa thu năm xưa với một thời học trò khoác lên mình màu áo trắng thư sinh, và Phan Thạch Nhân cũng xin phép tác giả được đăng lại hai bài viết về tháng 9 năm nào vào trang Đồng Môn Nguyễn Hoàng.
Đồng Nai, mùa thu 2017
Phan Thạch Nhân
No comments:
Post a Comment