BÊN ĐÈO MÂY TRẮNG BAY
Bút ký và ảnh của Chế Cẩm Đình
Lâu thật lâu lắm,
tôi mới xuôi đèo Lò Xo rời cao nguyên về lại đồng bằng. Hơn mười năm trước, cái
thời còn đi bán xi măng cho các dự án thủy điện thì qua lại đây thật nhiều,
trên cơ thể vẫn còn lưu hăm mấy nốt sẹo do côn trùng đốt làm kỷ niệm với vùng đất
cổng trời này.
Rời Kon Tum bốn giờ
chiều, trời gắt nắng chứ không làm mưa như phía Gia Lai hay Đắc Lắc, tuy rằng
cùng là đất Tây Nguyên nhưng bên này ở mé sườn đông, nên hơi ngược mùa mưa nắng
với phía tây dãy Trường Sơn. Qua ngã ba đi Kon Rẫy, nhớ lời hẹn sẽ cùng em Y
Ngom về thăm palei Kon Dơ Xing xinh đẹp bên dòng Dakbla chảy xuống từ đỉnh Ngọc
Linh huyền bí, nhưng lúc này thì chưa phải dịp.
Thị trấn Đắc Hà nằm
im lìm bên đường chiều, thiếu hẳn sự nhộn nhịp như ngày trước tôi qua, e vì lúc
này không còn đông người dưới xuôi lên làm công việc xây dựng giao thông, thủy
điện. Tu Mơ Rông, Đắc Tô, Tân Cảnh lần lượt hiện ra trên những tấm bảng chỉ dẫn
địa danh. Nơi đây từng là chiến địa ác liệt nhất trong các cuộc giao tranh
giành quyền làm chủ cửa ngõ vào Tây Nguyên của quân lực hai bên Nam - Bắc Việt,
bởi ai chiếm cứ mái nhà Đông Dương thì hiển nhiên sẽ cầm trịch được cuộc chiến.
Đường băng sân bay dã chiến chạy dọc theo đường quốc lộ đến mấy cây số nay được
bà con dùng phơi nông sản, như mùa này đương phơi sắn lát, bay mùi tinh bột
thiu thiu.
Huyện lỵ Plei Cần
của huyện Ngọc Hồi nhà cửa chợ búa đông đúc hơn hẳn mấy nơi kia. Đây là trung
tâm phía bắc tỉnh Kon Tum, nơi có cửa khẩu Bờ Y cách đó mươi hai cây số chính
là ngã ba Đông Dương giữa ba nước Việt – Lào – Cam. Người ta lên đây buôn bán
làm ăn khá nhiều, tạo ra một vùng kình tế biên mậu khá trù phú. Ra khỏi thị trấn
là bắt đầu đổ đèo, đường nhựa được thay bằng đường bê tông chống trượt, tiếng lốp
xe cán đường gằn lên pật pật rần rần chứ không êm mịn. Lúc này gần sáu giờ chiều,
trời buông chút nắng nhạt cuối ngày. Từng lọn mây trắng kéo về vần quanh mấy rặng
núi xanh ngắt nhô lên giữa bình đồ. Dòng sông Pô Kô mùa này ít nước, chỉ rì rầm
chảy theo ven đường mười bốn như tiếng hát tự tình của đôi trai gái vào tuổi
yêu.
Đắc Glei hiện ra
trong màn sương mỏng giữa lưng chừng ngọn đèo. Hàng quán đã bắt đầu sập cửa nên
thưa hẳn người qua lại, lác đác vài ba chiếc gùi nhấp nhô trên lưng các chị gái
đồng bào trung tuổi ruổi bộ nhanh nhanh qua mấy con dốc trong thị trấn, để kịp
về nhà trước khi trời tối hẳn. Như tôi giờ này cũng rất vội, trong lòng có ý
tìm cho được một bản làng bên đường có nhà Rôông hay nhà Gươl để ghé lại thăm
chơi, sợ trời tối thì không tìm được nữa mà phải về xuôi ngay trong đêm nay.
Rồi điều mong ước
cũng đến, từ xa thấp thoáng một mái nhà Gươl với hai cái sừng trâu nhọn hoắt
trên hai đầu mái nằm bên triền đồi đoạn cây số 1.450 đường HCM. Dừng xe hỏi
thăm mới biết đây là một bản người Giẻ Triêng, mừng lắm, xin phép được vào thăm
và trò chuyện với dân làng. Hỏi thăm vì sao lại gắn sừng trâu trên mái nhà
Gươl, à, nó biểu tượng cho sức mạnh của thanh niên trong làng đấy, phải khỏe mới
vật được con trâu, mới lấy được cái sừng gắn lên đó! Hỏi làng ta còn đâm trâu nữa
không ạ? Bây giờ cấm rồi, cấm rồi, chỉ khi nào được mùa to lắm thì mới lên huyện
xin phép, có khi được cho đấy! Người Giẻ Triêng trông khá giống người Kinh, chứ
không giống người Khơ Me dù họ cùng ngữ hệ. Trong làng cũng còn nhiều họ tộc
như họ Kring, họ Xiêng, họ Hliêng và họ Bloong, nhưng tên thì đã Việt hóa, như
anh Ngọ, người đã trò chuyện cùng tôi đây cũng đã đổi tên.
Lúc trước đọc sách
của bác Nguyên Ngọc, thấy mô tả người Giẻ Triêng chỉ ở lưng chừng núi, vì trên
đỉnh núi là lối đi của Kia (thần linh), dưới thung lũng là nơi ma quỷ trú ngụ
cũng phải tránh ra, bây giờ đến thăm thấy đúng vậy. Hỏi về quan niệm lúc mình
sinh ra có 7 linh hồn tốt, xấu, siêng năng, ăn cắp … được bà mụ thổi vào thì
không còn ai biết. Chắc vì bây giờ đỡ đẻ là có y bác sĩ hộ sinh rồi, nên tục
xưa quên mất.
Xuống thêm chừng
mười cây số, gặp một bản khác ngay bên đường, lại dừng xe vào thăm hỏi. Không
phải bản Giẻ Triêng đâu nhé, mà là bản người Hà Lăng, một nhánh hay một tên gọi
khác của đồng bào Xơ Đăng. Đám trẻ con trong bản chạy lại vây quanh khi thấy có
người lạ đến chơi, vui quá. Chụp hình, chụp hình nào, ai nấy đều hồ hởi, chỉ mấy
cô sơn nữ thì còn chút e thẹn né ra ngoài khuôn hình. Mà kỳ lạ lắm, người Hà
Lăng có vóc dáng rất cao ráo, da trắng và khuôn mặt tây tây. Trong các khảo cứu
về nguồn gốc dân tộc Việt của cố văn sĩ Bình Nguyên Lộc từng đề cập đến những
người như “Tây trắng” ở trên dãy Trường Sơn có khi là đây? Ông biết được thông
tin về chủng người này qua các tài liệu của người Pháp, chứ ông chưa gặp được
bao giờ.
Đồng bào Hà Lăng
ít ở nhà sàn, mà làm nhà trình tường bằng đất như dưới đồng bằng hồi chưa có xi
măng sắt thép. Họ cũng làm lúa nước, cũng biết rèn các công cụ nông nghiệp như
người kẻ ruộng vậy. Cây lúa gọi là “mạu”, trong khi dưới xuôi gọi là “mạ”, rõ
là có họ hàng ngôn ngữ với nhau. Xin thâu âm số đếm từ một đến mười, thấy trùng
với tiếng Việt đến 8 con số, trừ số 2 và số 6 ra mà thôi. Hỏi thêm một số từ
nguyên thủy như nước thì gọi là “dak” (âm Việt cổ là nác), đất là “nei”, hỏi có
biết biển không? Biết đấy! Gọi là gì? À, ừ, à là “Dak xi”, cho dù tôi chưa tìm
thấy mối liên hệ giữa âm “xi” với âm “biển” nhưng khả dĩ rằng tổ tiên họ đã đi
lên từ dưới xuôi thì mới biết biển và có từ vựng để chỉ biển. Như mặt trời thì
họ gọi là “mat ngay”, tức là “mắt/mặt ngày”. Người quê tôi, cảm thán vẫn gọi
ngày là “ngay”, như trong câu “ban ngày ban mặt” thì nói là “ban ngay (nhấn
dài) ban mặt”. Trong tiếng Việt có tính từ “ngay” để chỉ sự ngay thẳng, ngay ngắn,
có lẽ bắt đầu từ âm “ngay ” này, với ý nghĩa rõ ràng (như ban ngày). Đó, tiếng
Việt của chúng ta đó, nguồn gốc dân tộc ta đó, hiện rõ trong tiếng nói của người
đồng bào trên dãy Trường Sơn, chứ tìm đâu cho xa!
Xe tiếp tục đổ xuống
con đèo dài cả trăm cây số, nó dài đến nỗi mà đoạn trên bên đường một chiếc xe
tải mất phanh đổ gục vào vách núi khiến tôi rùng mình, đoạn dưới hai xác xe
khách giường tầng cháy trơ khung sắt nằm ven đường cách nhau vài cây số, vì phải
phanh liên tục đến cháy lốp, bắt lửa lên cả xe. Màn đêm sập xuống khiến núi rừng
mờ mịt, chỉ còn ánh đèn pha trước đầu xe thắp phực lên những đóm mắt phản quang
như mấy đầu que diêm quẹt lửa cắm thẳng hàng dẫn tôi xuống tận chân đèo qua địa
phận huyện Phước Sơn thuộc Quảng Nam. Núi rừng Tây Nguyên ơi, sao lại làm cho
tôi yêu đến vậy, tôi còn lên nữa đấy, hãy cứ chờ tôi!
11/6/2017
Chế Cẩm Đình
No comments:
Post a Comment