Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, August 25, 2017

NHỚ CHÚ CHẾ LAN VIÊN - Hồi ký của Lâm Bích Thủy


       
          Lâm Bích Thủy thời chưa lập gia đình



NHỚ CHÚ CHẾ LAN VIÊN

Chú đi khỏi thị trấn An Nhơn, khi tôi còn là hạt bụi. Tại Hà Nội, tôi ở xa gia đình. Tốt nghiệp ra trường về miền sơn cước (Nông Trường QD Ba Vì, Sơn Tây) công tác. Tôi chỉ mường tượng về chú qua những cuộc tranh luận của các  nhà  thơ - bạn văn của ba tôi tại 37 Hàng Quạt mà thôi. 
  
Lúc chú bị bệnh phổi, được Chính phủ ta cho sang Trung Quốc điều trị. Được một năm, bệnh chưa khỏi mà họ vẫn trả về; nghe nói phổi chú có vấn đề! 
   Trước đây, tôi thường nghe mọi người ca ngợi tình bằng hữu của nhóm Tứ hữu Bàn Thành; tôi không để tâm về vấn đế này. Song có một cảm nhận rõ trong tôi là cái tình mà ba tôi dành cho gia đình chú Chế Lan Viên khác xa tình bạn; đó là sự thương yêu, chăm sóc đùm bọc như người anh cả đối với đứa em út ruột thịt: Vào những ngày nắng ráo, tôi thấy ông già chạy lên chạy xuống gác gỗ mong manh từ nhà lên gác thượng để phơi sách, báo v.v...; ông lấy gạch chặn lên từng xấp tài liệu để khỏi bay. Thấy ông cứ chạy lên chạy xuống tôi lo ông ngã nên hỏi:
  - Con thấy những thứ này khô rồi, có mốc ỉu gì đâu mà ba phơi kỹ vậy?”
- Của chú Chế Lan Viên nhờ ba phơi cho chết vi trùng (lao), Nhà chú không có trần; các em lại còn nhỏ, chú sợ lây bệnh cho chúng . 
           
Chế Lan Viên thời còn trẻ


  Trước đây tôi thường nghe các chú ca ngợi tài văn của chú Chế Lan Viên: Năm 1938, chú đã xuất bản tập “Điêu tàn”. Ở tập thơ đầu đời này thể hiện rõ nổi đau sâu kín trong tâm hồn của một cậu bé mới 18 tuổi, do đồng cảm với nỗi đau mất nước của một dân tộc đang dần đến chỗ diệt vong, chú trở thành thần đồng về thơ thời đó. 
   Khi chiến tranh ở Miền Bắc trở nên ác liệt, tôi lại nghe các chú Hổ, Long nhất là bác Khương Hữu Dụng v.v...bình thơ chú Chế rất sôi nổi: “Thơ Chế bây giờ mang hình viên đạn nhiều hơn mùa xuân” Sở dĩ có nhận xét này là do trong một bài thơ nào đó có câu “hạnh phúc nhất trên đời là được đi đánh Mỹ”. Ba tôi không tán thành ý nghĩ đó của chú, rằng:
 “Sao Chế lại có ý nghĩ đi đánh Mỹ là hạnh phúc nhất đời  chứ? Nếu tất cả mọi người trên thế giới sống hòa bình với nhau có hơn không?” Bác Dụng đồng tình với ba, nói  “Không có gì hạnh phúc hơn khi con người được sống trong hòa bình, đoàn kết giúp đỡ, yêu thương nhau; không bom đạn, chết choc, được sống tự do thăm nhau... thế mới là hạnh phúc!“..Và tôi còn nghe tranh luận về tập thơ Vàng sao: 
- “Cái điên loạn trong “điêu tàn” người đọc có thể chấp nhận được, còn trong Vàng sao làm cho người ta không chịu đựng được nữa:
              Điên! Điên, điên và say nữa xin say
             Điên đến chết và say cho đến khóc
              Say thêm nữa! Phút giây điên vàng ngọc

Chính vì vậy Vàng sao không để lại cho người đọc một ấn tượng nào hết, nó lặng lẽ đi qua. Hình như chú Chế nhận ra, nên đã tâm sự với bạn trong một bức thư   
    “Mình thấy thơ nó (Tế Hanh) thơ anh em thì “chant”, “bel canto” còn mình thì hơi “cri”, “hurter” quá. Nói thế chứ còn nước còn  tát, Quí ạ.  Mình sẽ cố sửa chữa lại giọng mình”   
                                              (Thư đề ngày 15/9/1972)

Nhân một chủ nhật, Phan Lai Triều đến nhà thăm ba tôi và  lấy cây đàn Mandoline, tôi mượn để bập bênh cho vui mấy ngày nghỉ bù. Triều nói chuyện với ba tôi được một lúc thì tôi chen ngang; rất thẳng thắn, không úp mở: “Tớ nghe mọi người ca ngợi tình bạn của ba tớ và ba cậu, vậy mà chẳng thấy ba cậu đến nhà tớ bao giờ!” Chắc Triều về méc lại chú Chế. Ngay chủ nhật liền sau, chú và cô Thường tản bộ đến. Bước vào cửa, chú kịp cười chào ba má tôi, rồi đưa mắt tìm kiếm trong hai cô gái sàng sàng nhau, cùng nói “chào chú ạ”. Chú đưa mắt nhìn vào tôi, vào Tú Thủy, hỏi: “Trong hai, đứa nào là Bích Thủy”. Tú chỉ vào tôi:- “chú ơi, là chị này ạ”. Ba tôi nghe chú cháu hỏi nhau thì ngơ ngác; hết nhìn chú, lại nhìn tôi như muốn có lời giải thích của một ai đó, song tôi chỉ cười mỉm. Tôi lúc đó ư? chẳng hề ngạc nhiên khi biết, đó là chú Chế Lan Viên - ba của Phan Lai Triều đã bị tôi lục vấn hôm trước. Và tôi tin chắc, nếu còn sống đến giờ, ba tôi cũng không thể hiểu chuyện gì giữa tôi và chú Chế đâu.

                                                                                   Lâm Bích Thủy

No comments: