Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, May 17, 2017

ÔNG CHỦ HÔN - Ugno.Vn


       
                              Tác giả Ugno.Vn


              ÔNG CHỦ HÔN


Ra khỏi nhà họ gái, ông Cửu M. (ông Cửu) mặt hầm hầm, cắm cúi bước. Trời tháng chạp lạnh cắt da. Mưa phùn lất phất buổi sớm nhè nhẹt con đường len lỏi giữa ruột hai hàng tre xác xơ sau mùa mưa bão. Thế mà  cái khăn đóng không yên trên đầu, chốc chốc ông lại lấy xuống, xỏ vào ống tay ra vẻ vội vàng. Ông dẫn đầu đoàn người nhà họ trai vừa làm xong việc nạp lễ sáng nay cho đám cưới đứa cháu gọi ông bằng bác thúc bá. Khi đi ông hào hứng, vui vẻ bao nhiêu thì bây giờ  quay về, thái độ của ông như thế đó. Tôi là đứa cháu gọi ông bằng ông chú họ, được ông cân nhắc, chọn lựa với niềm kiêu hãnh. Theo ông, trong cái làng thuần nông nhiều đời nối nghiệp này, tôi là người “trẻ tuổi tài cao, ít nhất cũng là niềm tự hào cho nhà trai vì làm răng kiếm được một ông phụ rể là thầy giáo đã đậu tú tài”. Thế mà đi bên ông, bưng  khay hộp trầu rượu đã qua một vòng thử thách,  tôi vẫn chưa dám nói với ông lời nào. Ông đi nhanh, tôi cặm cụi bước theo như cái xác đồng, không mảy may có thời gian suy nghĩ. 
Mà đám cưới ở cái làng này cũng kỳ quặc! Nạp lễ lúc nào cũng khoảng từ 4-5 giờ sáng, rước dâu vào lúc 2-3 giờ chiều. Đám nào cũng thế cả, bất kể tháng đông lạnh giá hay ngày xuân  tươi mát. Tôi đem thắc mắc này hỏi ông Ấm L., ông thầy lãnh đạo tinh thần, nắm vững chữ nghĩa thánh hiền và là môn đệ tin cậy của tác giả sách “Thọ Mai Gia Lễ” duy nhất  được dân làng tôi tin tưởng, thì được nghe ông tuyên bố xanh dờn:
- Tốt trời cũng phải tốt người chứ! Ngày nào lại không tốt. Không tốt thì mặt trời đã không mọc.
-Thế giờ nạp lễ, đón dâu thì sao?.
-Nạp lễ sớm để còn về đãi khách. Đưa dâu chiều để cả hai nhà cùng tổ chức trong một ngày. Kéo dài mần chi nhiều ngày. Thớt côi mòn, thớt dưới còn mòn nhiều hơn.
Đúng là cái lý sự lấy dân làm gốc, đạo trời là đạo người được ông vận dụng  sáng tạo vào từng  hoàn cảnh cụ thể một cách linh hoạt tại làng tôi từ ngày tôi còn rất bé, thời đất nước chia cắt, trong khi ông chưa biết gì về chính trị, triết học tiên tiến. Quả là một  tiến bộ cần phải được tuyên dương! Các cặp đám cưới nhờ ông coi ngày vẫn sinh con đẻ cái ào ào, ăn nên làm ra phơi phới. Mấy chị làm công tác dân số sau này phải huýt còi cảnh báo nhiều lần mới dừng được cái tốc độ sản xuất tí nhau của mấy chị em gái sồn sồn làng tôi trong kỳ khoai sắn cõng cơm những ngày bao cấp, vui vầy hợp tác xã.
Trở lại chuyện ông Cửu, ông hầm hầm, tức tối cũng có lý do. Từ khi còn đêm đen, ông tập hợp đội hình đoàn người nhà trai đi nạp lễ từ khi gà mới gáy đầu. Những người ông chọn ghi vào danh sách từ chiều hôm trước được ưu tiên là tối đó miễn tham gia vào việc quết chả, luộc thịt, hôn xôi, nấu bánh… chuẩn bị cho ngày mai đại tiệc. Tôi kiếm một chỗ kín trong cái giường đặt ở một góc khuất, đánh một giấc trong mớ âm thanh hổn độn của tiếng gà vịt oang oác, tiếng chày cối quết chả thình thịch, tiếng nói cười rào rào của mấy o, mấy chị. Những tiếng đó từ nhà ngoài vọng vào khi rõ, khi rầm rì đến lúc tôi lặn vào giấc ngủ. Mấy lần bị ông vào đánh thức, tôi vẫn ậm ờ. Đến khi ông cầm tay kéo dậy, lôi tôi ra ngoài thì mọi người, ai cũng đã sẵn sàng trong vị  trí hai hàng đứng trước sân. Sau một hồi chỉnh huấn ông phát lệnh xuất quân.
Đêm cuối tháng tiết tiểu hàn không một ánh sao, trời tối đen như mực. Dẫn đầu đoàn người là ông và tôi. Tiếp đến bố chú rể, chú rể và năm thanh niên bưng mâm quả. Phía sau là các chú, bác, cô, dì…Cả đoàn hai chục người bước đi không một tiếng nói. Chốc chốc một cơn gió bấc về khuya thổi nghe loạt xoạt tiếng áo mưa cọ xát. Cái đèn dầu hỏa bốn mặt gương từ tay bố chú rể soi sáng đường đi, dao động theo từng cơn gió thoảng qua. Đến cổng hoa nhà gái, ông kiểm lại đội hình, cho đứng ngay ngắn trước cổng. Tôi mang khay trầu rượu theo ông vào nhà gái xin giờ nạp lễ.
Không khí trong nhà ấm áp làm tôi tỉnh người. Bàn thờ được trưng bày đơn giản mà trang nghiêm. Theo kịch bản ông đã đạo diễn cho trước khi đi, tôi loay hoay tìm cái bàn thấp trước bàn thờ để đặt khay trầu rượu. Mãi không thấy, tôi định liều mình băng vào trong, đặt khay trầu lên bàn thờ. Biết ý, ông chủ hôn nhà gái kéo tay tôi lên phía đầu trên nhà, ở đó có một cái bàn vuông trải khăn điều. Cái bàn này khá xa so với bàn thờ gian chính giữa nhà. Thế là kịch bản của ông Cửu đã bị phá vỡ cảnh quay đầu.
Trên bàn không có gì cả. Tôi đặt khay trầu rượu chính giữa, sửa lại tấm khăn phủ khay ngay ngắn rồi lui ra góc nhà nhường vị trí để hai ông chủ hôn diễn xuất. Ông Cửu đưa tay định mở tấm khăn phủ kín khay trầu rượu thì bị ông Đội V. (ông Đội, tên người chủ hôn nhà gái) chặn lại bằng một âm thanh khô khốc hiếm có trong màn sương khuya ẩm ướt:
- Chưa tới giờ!... Chờ chút!
Tôi nhìn cái đồng hồ con gà điểm tích tắc, trang trọng đặt trên hương án thờ Phật giữa nhà thì quả thật còn kém 15 phút nữa. Lần sau ông Cửu mó tay vào khay trầu rượu cũng đều bị ông Đội ca điệp khúc cũ. Đêm khuya lạnh lẽo, yên ắng, không khí trở nên  càng căng thẳng ngột ngạt. Trên trán ông Cửu đã lấm tấm vài giọt mồ hôi. Ông sờ tay lên gáy mấy lần. Tôi đoán là ông muốn gỡ cái khăn đóng xuống, nhưng nhớ lại yêu cầu vai diễn nên đành thôi. Hai ông chủ hôn đứng hai bên chiếc bàn vuông như hai ông La Hán trong chùa, không nhìn nhau, không nói với nhau lời nào, mỗi ông một khuôn mặt đăm chiêu khổ ải.
Rồi cũng qua 15 phút đợi chờ dài dẵng. Ông Cửu xin giờ nạp lễ. Ông Đội chấp thuận. Hai ông uống nhấp môi hai ly rượu tôi rót ra trước đó, còn ít hơn ý đồ ông Cửu chỉ đạo: “Chỉ một tí thôi, cho có lễ”. Mỗi ông nhai một miếng trầu. Số trầu còn lại trên khay, ông Đội lấy hết, chuyển cho mẹ cô dâu và các bà con nhà gái đứng im lặng bên góc nhà xem hai ông chủ hôn đàm phán.
Tôi bưng cái khay không, theo ông Cửu trở ra với các chiến hữu nhà trai đang xôn xao trước cổng hoa. Trời chưa sáng nhưng nếu có biệt nhãn xuyên suốt bóng đêm, tôi chắc chắn môi ai trong đoàn người cũng tím như miếng thịt trâu ngâm nước lạnh. Việc đầu tiên của ông Cửu là nhổ toẹt cái bã trầu mới nhai giập rồi ban lệnh:
- Vào!
Khẩu lệnh sắc mạnh như dao chém đá. Đoàn người mãi chờ lệnh ấy, quên hết kịch bản,  tiến vào sân nhà không còn hàng ngũ như lúc ra quân. Ông Cửu cũng chẳng buồn nhắc nhở.
Đến trước cửa lớn, đoàn người nhà trai bị ông Đội chặn lại. Ông Cửu phải dịu mặt cho chỉnh đốn hai hàng tuần tự bước qua ngạch cửa.
Cái bàn trải khăn điều đã được nhà gái chuyển vào vị trí trước bàn thờ, trên bàn có để sẵn hai cây đèn đồng và một quả bồng có nải chuối chín vàng. Tôi trịnh trọng đặt khay trầu rượu lên bàn thì bị ông Đội cản lại. Ông đón khay trầu đưa vào bàn thờ tổ tiên trước ánh mắt chưng hửng của ông chủ hôn  nhà trai. Bị lọt lưới liên tiếp mấy quả liền, chưa có cơ hội gỡ hòa, ông Cửu nuôi chí phục thù. Cơ hội đã đến: Năm mâm quả lớn không đặt hết được trên chiếc bàn nhỏ, ông Đội gọi người nhà mang vào mấy cái ghế đẩu, ông Cửu gạt ra:
- Không được!  Ghế ngồi ô uế.
Quây qua đám bưng quả hộp:
- Bây để xuống đây!
Mấy mâm quả dư ra được đặt bệt dưới nền nhà đất, trước ánh mắt căm tức của ông chủ hôn nhà gái.  Thế là ông Cửu gỡ được một bàn thua.
 Ông Cửu đi vào trong bàn thờ gia tiên nhà gái, mở tấm khăn phủ kín khay trầu, rót rượu vào hai cốc, lại đi vòng ra trước bàn thờ xin trình lễ. Ông Đội thay mặt nhà gái nhận lễ. Những  tấm khăn điều phủ trên những mâm lễ vật được cả hai ông chủ hôn hai nhà mở ra. Cặp đèn cầy lớn được châm lên, hai ông chủ hôn cùng cắm vào hai cây đèn đồng sáng bóng. Ông Đội thắp ba nén nhang khấn vái rất lâu trước bàn thờ rồi cho cắm vào lư hương, nhường vị trí cho mẹ cô dâu ra trình tổ tiên về việc con gái đi lấy chồng. Bố cô dâu đã mất, việc này ông Đội là bác, không làm thay được vì đã vào vai chủ hôn. Mẹ cô phải cáng đáng.
Nhà  gái đã làm xong thủ tục với ông tơ bà nguyệt và với tổ tiên. Đến lượt nhà trai, ông Đội trao cho bố chú rể nén nhang vừa đốt, vào lạy tổ tiên họ nhà gái, xin cưới con dâu. Ông Cửu kéo tay chú rể cùng với cô dâu vào lạy tiếp theo liền bị ông Đội chận lại:
              - Khoan đã! Mới có họ nhà trai xin với tổ tiên nhà gái về việc con cái thành gia thất. Còn ông chủ hôn nhà trai chưa trình hợp cẩn với ông tơ bà nguyệt chuyện hai đứa được xe duyên, nối chỉ.
              Ông gọi xuống nhà dưới mang lên cái dao nhíp bửa cau rồi chuyền cho ông Cửu. Ông Cửu trân người như trời trồng. Quả là bị đối phương tấn công tới tấp, đội hình có vững vàng mấy thì người đội trưởng cũng nao núng. Ông nhớ ra là mình đã quên kịch bản này. Hai tay run run theo cái môi cũng run run, ông chìa ra đón lấy con dao, lẳng lặng cắt trái cau từ buồng cau lễ, bửa đôi, đặt lên chiếc dĩa  có ngọn lá trầu quệt vôi, nhà gái đã chuẩn bị cho ông. Ông Cửu lạy trước bàn thờ nguyệt lão như cái máy rồi đứng thẳng lên nhìn quanh. Cơ hội gỡ bàn thua có đây rồi! Ông Đội đưa tay đón nén nhang từ ông Cửu thì bị ông gạt đi. Trên bàn nguyệt lão không có lư hương, ông chọn chỗ cắm nén nhang vào một khay lễ vật trên bàn. Ông cố ý cắm nén nhang ba cây chĩa ra ba hướng như chọc tức ông Đội đang săm se tìm cách gỡ gạc.
Cái gì mà ông tơ bà nguyệt đã xe vào thì dù thế nào cũng phải xong. Trầy trật nghi lễ mấy lần giữa hai ông chủ hôn, kết cục buổi nạp lễ cũng thành công tốt đẹp. Hai họ nhà trai, nhà gái vui vẻ cầm tay nhau ngồi vào hai dãy bàn dài ngoài rạp. Tôi mạnh dạn kéo chú rể vào bàn với hai cái bụng đói lả. Hai thằng thanh niên định bốc những miếng xôi đường đã đóng khuôn thành bánh, có chữ song hỷ trên mặt, cho vào mồm. Nhìn quanh, thấy người lớn chẳng có ai đụng tay vào, hai chú cháu nhìn nhau, đành phải thôi. Hai ông chủ hôn hết đấu lễ bây giờ đến đấu lý. Tôi nghe ù ù, cạc cạc như vịt nghe sấm. Lời của hai ông khi thì lý sự cùn, khi vận dụng thực tế, khi tra cứu kinh điển. Mà kinh điển và thực tế của mỗi  ông này nói ra thì ngay tức khắc bị ông bia bôi nhọ. Tôi hoang mang không biết phải nghe sao cho thấm được cái lễ nghi cưới hỏi tinh túy từ miệng các ông. Hai ông cứ nói mãi. Riêng ông Cửu thì cứ chầm chầm nhìn vào lực lượng họ nhà trai như thầm ra lệnh: “Cấm đụng vào bánh trái trước mặt”. Cái lệnh ngầm ấy không lời mà hiệu quả trông thấy. Gà trong xóm đã qua đợt gáy xả mà những dĩa bánh ngọt vẫn còn nguyên. Tôi kéo chú Đ. (tên chú rể) ra ngoài đứng nhìn trời khuya. Cầu thủ hai đội trên sân cũng tìm cách rút khỏi sân cỏ. Chỉ còn hai ông chủ hôn đội trưởng, ông sui nhà trai và bà sui nhà gái như hai thủ môn của hai đội còn ngồi lại. Chiếc đồng hồ con gà reo lên. Không biết ai đã lập trình cho tiếng reo này. Là vô tình thường ngày của gia đình hay một hẹn báo cho một lịch nào của nhà gái chăng? Dầu sao tiếng reo cũng lôi được hai ông chủ hôn ra khỏi cuộc tranh luận “ai thắng ai” nói mãi không hết này.
   
                                                              *

Con đường  từ giáp Đông qua giáp Trung đến quá giữa làng thì rẽ vào giáp Nam. Trời còn nhá nhem tối. Con sông Bồ  phía dưới đã hắt một ít nguồn sáng làm rõ bờ tre là ngà đen ngòm chạy dọc ven sông. Khi đoàn người nhà trai về đến nhà thì trời đã sáng rõ. Các mâm cơm cúng dọn ra phục vụ người nhà vội vàng để kịp thời gian đón khách đến chúc mừng hôn lễ.
Làng tôi ngày ấy không có lệ mời khách dự đám cưới. Nhà nào có tổ chức lễ cưới cho con thì bố mẹ phải báo cho bà con nội ngoại biết và nhờ các vị đến giúp đỡ. Ngoài ra, khách đến mừng lễ là hoàn toàn tự nguyện do có quan hệ qua lại, do thân quen xóm giềng. Trong các mâm cỗ cưới, mỗi bàn sáu thực khách thì sắp đặt có một hai người cao tuổi là bà con trong nhà ngồi chen vào tiếp khách. Hễ khách đến, sắp đặt đủ mâm sáu người thì cỗ bàn được dọn ra. Mâm này đến mâm khác nối tiếp nhau từ sáng đến xế chiều.
Tổ chức một tiệc cưới thật công phu. Từ nhiều tháng trước, chủ nhà phải chuẩn bị một đến hai con  heo lớn, vài chục con gà vịt, nếp đậu, củi than... Từ hôm trước ngày cưới, bà con đã đến giúp việc cỗ bàn. Người lo dựng rạp; người lo sính lễ, cau trầu; người lo mổ heo, gà, vịt, làm chả, hôn xôi, gói bánh, nấu cỗ. Trong ngày dọn tiệc, ông cai rạp quán xuyến các khâu tổ chức. Thực phẩm được phân thành từng nhóm có người phụ trách riêng, cố định trong từng vị trí đã được sắp xếp tiện cho việc điều động. Mấy bà lớn tuổi lo việc cau trầu, trà nước, xôi bánh. Mấy ông khéo tay, quen việc cỗ bàn lo việc nem chả, thịt lợn, thịt gà, vịt… Một nhóm khác lo việc múc dọn các món thịt kho, đồ mộc. Một tốp thanh niên sung vào ban bưng dọn thực phẩm ra bàn để người một người khác chuyên việc bày tiệc. Một tốp thanh nữ chuyên trách rửa lau chén bát kịp thời, chuẩn bị cho các mâm sau. Mấy cụ ông lớn tuổi lo việc tiếp tân, bày cổ, mời khách.
Mâm cỗ cưới bày ra trên bàn trải khăn vải hoặc giữa tấm phản trải chiếu hoa là cả một công trình mang tính văn hóa ẩm thực của một làng quê nổi tiếng, có nhiều đầu bếp Ngự Thiện, một thời  hưởng ân sủng được ưu tiên tuyển chọn vào phục vụ chốn cung đình. Sau tuần trầu chè đón khách, đủ sáu người, khách được mời sang bàn tiệc. Mâm cỗ bày biện thuận tay sáu thực khách ngồi hai hàng trên phản. Trung tâm là một chiếc dĩa lớn bày món chủ đạo vừa ngon, vừa có tính trang trí nhiều màu sắc (tùy loại thức ăn, có nhà dùng tô lớn, hoặc tìm lớn). Những thứ còn lại bày cân đối trên mâm, thường là nem tré, chả lụa, chả thủ, thịt quay, thịt phay, thịt nướng, thịt hon, gà nấu, vịt nấu, vài dĩa đồ mộc... Thực phẩm ăn kèm là bánh tét, xôi vò, xôi trắng, xôi đường, bánh phu thê, có nhà dọn thêm cơm, hoặc bánh mì. Món ăn thay đổi theo từng nhà tổ chức tiệc cưới nhưng cái phương châm của người được nhờ làm bếp trưởng thời ấy thường chủ trương là  dọn “cơm pha hàng”, không sang trọng như Dinh nhưng cũng không quá tầm thường như quê. Tất cả các món ăn được dọn ra đồng loạt. Các màu sắc phối hợp có chọn lọc của người đầu bếp được người bày tiệc sắp dọn hài hòa. Mâm cỗ trông vào như một bức tranh tĩnh vật  lấp lánh trên chiếc chiếu hoa còn tươi hai màu vàng đỏ.
Vì  khách không mời, việc dự trù cỗ bàn là một vấn đề nan giải. Có nhà tấp nập khách đến mừng, thiếu món để dọn những  khách đến sau thì ông cai rạp phải tức tốc có kế hoạch thay đổi. Cũng có nhà chuẩn bị quá chu đáo trong khi khách mừng thưa thớt thì cỗ bàn dư thừa là chuyện phải xảy ra. Lo đám cưới chú Đ., ông  L. (bố chú Đ.), đã cho mổ hai con heo, thịt mấy chục con gà vịt  mà đến gần trưa thì ngót ghét đã hết hơn ba phần. Khách đến mừng quá đông. Con cháu trong nhà túi bụi phục vụ. Ông Cửu chủ hôn kiêm cai rạp vòng một lượt các phản công xưởng chế biến thăm nắm tình hình sản xuất của các quản đốc phân xưởng món ăn, ra lệnh giảm món này, thế món khác. Riêng thủ lĩnh phân xưởng chả nem, ông lệnh  phải chừa lại hai khúc chả lụa hình tròn và chả thủ hình trái tim để đãi khách nhà gái. Ông gọi mụ L.(mẹ chú rể) cùng mấy o phụ bếp lên chợ tức tốc mua thêm thực phẩm kịp chế biến bổ sung. Quân lệnh như sơn, lệnh ông đã ban ra, mấy chiếc xe đạp được huy động, phom phom băng đường làng, lên chợ Phủ Thờ làm nhiệm vụ tiếp phẩm.
Xế chiều, khách đã thưa, ông Cửu tổ chức một đoàn gọn nhẹ ba, bốn người mang hộp trầu qua nhà gái xin dâu. Tục lệ làng tôi là cha đưa, mẹ rước. Nhà gái tổ chức một đoàn chừng hai chục người đủ đôi, đủ cặp, con cái đủ nếp đủ tẻ được ông chủ hôn dẫn đầu và người cha (nếu còn sống) theo mấy bà đón dâu đưa con gái về nhà chồng. Khăn áo, trang sức nhà trai đã nạp cho nhà gái trước đó mấy hôm, theo ý đã giao ngôn của hai gia đình. Hôm nay nhà gái  diện vào cho con làm cô dâu đi lấy chồng. Rời tổ ấm gia đình về nơi ở mới xa lạ với biết bao thử thách đang chờ phía trước, không cô dâu nào mà không khóc lóc bịn rịn. Bà mẹ lưu luyến tiễn con đứng tựa cửa trông theo bóng con gái xa dần, nước mắt trào dâng.
Đám rước dâu về trước cổng nhà trai đúng bốn giờ chiều. Mấy bà rước dâu vào nhà trước, chuẩn bị đón dâu vào. Thím H. (cô dâu, vợ chú Đ.) lóng ngóng theo cánh tay đỡ của ông Đội, bước qua bậc cửa trước nhà. Thím mặc hai chiếc áo dài màu xanh, màu hồng chồng lên nhau, đứng trước họ nhà gái, một  bên bàn thờ chờ hành lễ. Cũng giống nhà gái buổi sáng, ông Cửu, chủ hôn nhà trai, cáo nguyệt lão, tổ tiên  lễ tác thành thông gia hai họ. Ông L., bố chú rể, trình gia tiên nhà có con dâu mới và cầu xin gia hộ, độ trì. Màn nhà gái cho cô dâu vào lễ cặp với chú rể, hứa hẹn nhiều gay cấn giữa hai ông chủ hôn đã đến. Ông Đội xin cho cô dâu và chú rể chỉ bái gia tiên. Một vài lời qua tiếng lại giữa hai ông, cuối cùng ông Cửu quyết định như đinh đóng cột: “Phải lạy ba lạy”. Lệnh đã được cô dâu chú rể thực hiện đầy đủ. Cô dâu chuyển về bên nhà trai. Mụ L. nhanh ý, chớp ngay cơ hội, cầm tay con dâu mới, dẫn  vào phòng hợp hôn cúng lễ tơ hồng trước cặp mắt chưng hửng của hai ông chủ hôn của hai nhà.
Cô dâu không còn trước bàn thờ gia tiên thì nghi lễ thành hôn coi như đã xong. Ông Cửu, chủ hôn nhà trai đứng vào thế bị thím em dâu, mẹ chú rể, gác kèo, đành xá lễ tạ và xuống giọng mời họ nhà gái và chú bác trong nhà ngồi vào các mâm cỗ đã bày sẵn chờ thực khách.
Khác với không khí trận cầu  hồi sáng, ông Đội đá trên sân khách nên ra chiêu có vẻ ôn tồn. Một tiếng là thưa gởi, hai tiếng là cám ơn, thứ ngôn ngữ ít thấy trong giao tiếp thường ngày chốn quê mùa  nông thôn cục mịch. Phát huy thế mạnh sân nhà, ông Cửu tung nhiều pha tấn công hiểm hóc. Nhưng bản lĩnh thuộc loại có hạng, ông Đội vừa hóa giải các đòn tấn công của đối phương, vừa giữ phong cách chơi đẹp. Buổi tiệc chiêu đãi hai họ bước đầu diễn ra khá thành công.
Tôi không biết nghi thức cúng tơ hồng trong phòng hợp hôn do bà mẹ chồng chủ trì cho chú rể và cô dâu mới diễn ra như thế nào. Tôi chỉ thấy sau đó mụ L. và chú rể ra dự tiệc. Cô dâu ngồi lại trong phòng. Tôi kéo chú Đ. vào bàn với tôi. Bây giờ tôi mới thấy chú cười thoải mái (ít ra là chỉ tôi thấy). Sau một ngày vật lộn với vai chú rể giữa hai ông đạo diễn có kịch bản không thống nhất bàn bạc, mỗi ông lại muốn chứng tỏ khả năng tay nghề vượt trội hơn đối phương, chú chỉ biết răm rắp tuân lệnh và cười trừ cho xong. Tôi thấy chú thấm mệt. Tôi và chú Đ., hai thằng thanh niên có máy xay trong bụng, chỉ mới đứng cạnh mâm cỗ khói bốc thoang thoảng trên những dĩa thức ăn còn nóng hổi, bụng đã  thấy cồn cào. Theo vai vế thì chỉ có nhà gái và các bậc chú bác họ nhà trai mới được ngồi vào vị trí. Thứ con cháu như tôi, nam thuộc tốp chạy bàn, nữ sung vào khâu chén bát thì chỉ được tham gia trận cúng cơm mở màn buổi sáng và trận kiểm kê thực phẩm, tổng kết  buổi tối để  thu dọn sân bãi. Suốt ngày có bụng đói thì vào mấy phản phân xưởng thực phẩm, lương thực xin cứu trợ vắt xôi, miếng thịt qua bữa. Hai chú cháu chần chừ chưa dám sà xuống. Ông Cửu ngồi ở mâm giữa nói vọng sang: “Hai đứa ngồi vô đi!”. Suốt hai  ngày nay, bây giờ tôi nghe ông nói sao dễ thương lạ! Mùi thơm bốc vào mũi, vị béo ngọt đẫm vào môi, vào lưỡi, chén bún tàu nấu thịt gà khai vị, có mấy sợi thịt xé phay (như món miến gà bây giờ) cứ trôi tuồn tuột vào cổ, muốn dừng chậm chậm để thưởng thức hết hương vị đậm đà mà sao thấy khó quá. Cỗ bàn vẫn tiếp tục, hai chú cháu như hai cái máy nghiền thức ăn chạy hết công suất vẫn cố giữ tốc độ đều đặn, tránh sự cố hỏng hóc. Cho đến bây giờ nhớ lại, tôi thấy chưa bao giờ được ăn một bữa tiệc ngon như thế.
Hai họ ăn uống cười nói vui vẻ. Hai ông chủ hôn ngồi đối diện nhau ở mâm cỗ dọn trên bộ ngựa giữa nhà, im tiếng, không nói gì với nhau. Cái tục lệ cưới ngày ấy ở làng tôi  là thế. Biết là các ông chủ hôn thường gây khó cho cô dâu, chú rể và hôn lễ nhưng không có không được. Nhà nào cũng cố mời một người trong dòng tộc có tài ứng phó, bắt bẻ, ăn nói… có hiểu biết để nhà sui khỏi khinh. Ông chủ hôn nào chứng tỏ được là tay trên để đối phương phải tâm phục, khẩu phục là một thắng lợi không những cho ông mà còn cho cả dòng họ. Mà làm sao có được chiến thắng nốc ao! Cuộc tỉ thí giữa hai ông chủ hôn đôi khi đưa hai nhà họ trai, họ gái vào hoàn cảnh khó xử. Tôi đã dự một đám cưới không vui khi hai ông chủ hôn hết đấu khẩu đến đấu tay. Dĩ nhiên hai họ phải xông vào hòa giải. Lý do chỉ vì ông chủ hôn nhà gái có tật lác mắt, ông chủ hôn nhà bên kia chân yếu, phải chống gậy đi nạp lễ. Hai ông chủ hôn hết chuyện tranh cãi về hôn lễ không ai thắng ai, lại bươi nhau về chột và què. Khi họ nhà trai  sùng sùng kéo ông chủ hôn nhà mình ra khỏi cuộc xô xát, cáo lỗi xin về, thì ông còn vung gậy dọa dẫm, trả lời câu nói kháy tục tĩu của ông chủ hôn họ nhà gái gởi vói theo. Chiều, đúng giờ nhà trai đến đón dâu, ông chủ hôn và ông tộc trưởng nhà gái nhất định không cho dâu đi, mặc dù bà mẹ góa và cô dâu hết lời năn nỉ hai ông bỏ qua. Khổ thân cho bà mẹ góa, tối đó, khi mọi người đã về hết, bà phải tự dẫn con gái mình đến đứng lấp ló ngoài ngõ tre, bà vào nói nhỏ to với ông bà sui cho con mình vào nhà. Sui gia hai bên thẩn thờ, thở ra mãi. Dĩa trầu và bình nước hết rồi lại được chế thêm. Hai nhà sui gia nói chuyện mãi, đến khuya quá phải cáo từ nhau ra về. Cặp vợ chồng ấy  sống hòa thuận. Đôi sui gia ấy đến khi có cháu nội ngoại vẫn không quên nhắc lại chuyện cũ khi gặp nhau chuyện trò. Thiệt là rối rắm chuyện mấy ông chủ hôn!

                                                    *

Mùa đông năm nay, chú Đ. từ ngoài quê vào đây tổ chức lễ cưới cho đứa con trai. Chú Đ. thím H., cả hai ông bà lên nhà tôi “mời anh chị và nhờ anh làm chủ hôn cho  em”. Thấy tôi giật mình, chú Đ. lại cười như cái cười ngày xưa ấy. Tính chú hay cười và nụ cười thật dễ chịu như nụ cười Di Lặc. Tôi cười theo. Thím H. (Tôi có thói quen riêng với bà thím này là ít gọi chung tên với chú) nói nhắc theo: “Chi mô! Không khó như xưa mô”. Hai chú cháu tôi nhắc lại chuyện đám cưới chú thím ngày xưa và hai ông chủ hôn. Chú Đ. nhắc lại:
- Anh biết không? Ông Cửu giận mạ tui nhanh tay kéo vợ tui vào buồng, không cho ông cơ hội bắt bẻ ông Đội, giận lây cả cha tui, mấy tháng không qua nhà.
Thím H. thêm vào:
- Khi  vào buồng, cúng xong lễ tơ hồng, mạ tui không cho tui ra ngoài. Bà bảo: “Mi ngồi đó, đừng ra thì mấy ông hết nói”. Mạ tui còn đưa xôi, thịt vô cho tui ăn và dặn thêm: “Ăn cho no, ra ngoài ốt dột, khó ăn”. Mụ gia như rứa làm tui dễ chịu liền !
Ông Cửu M., ông Đội V., ông Ấm L., Ông Bà L. đã ra người “muôn năm cũ” rồi. Cái lý sự của mấy ông  nay cũng chẳng ai theo. Chú em họ tôi là giáo viên ở một trường đại học, cưới cô em dâu là một giáo viên trung học dưới huyện. Hai đứa trước đây học cùng trường phổ thông ngoài quê, cách nhau mấy lớp nhưng cạnh nhà nhau. Khi vào đây, tình cảm đồng hương và mối dây nghề nghiệp xe kết chúng lại với nhau. Hai đứa đều ở phòng trọ, không tổ chức nghi thức nạp lễ, rước dâu. Hai đứa đưa nhau ra ủy ban phường đăng ký kết hôn và làm tiệc cưới đãi chung tại nhà hàng. Song thân cô dâu, chú rể còn phảng phất mùi bùn đất ngọt ấm quê hương chiêm trũng, được mời vào chứng kiến. Hai cặp sui gia đứng hai bên “đôi uyên ương đẹp nhất, hạnh phúc nhất hôm nay” ra mắt quan khách. Mọi việc người dẫn chương trình của nhà hàng đã làm thay. Tôi, ông chủ hôn, ngồi dưới bàn tiệc chờ được gọi lên đọc lời cám ơn. Thế là xong việc của ông chủ hôn mà theo chú Đ. là phải có, theo lệ không có không được.
Ôi! Cái ông chú rườm rà này!
                                                             Ugno.Vn

No comments: