Tác giả Hoàng Đằng
CON CHIM NHỎ TRONG
VƯỜN NHÀ TÔI
Mùa hè, đáng lẽ nắng nóng, trời lại mưa liền
mấy hôm; lão xem lịch, đang tiết Tiểu Mãn, vậy mưa cũng là chuyện thường; mưa
để xả nóng, mưa để nông dân vào vụ mùa Hè - Thu dễ dàng.
Sáng nay, mưa không còn, trời âm u; lão bưng
cái ghế đặt ở cửa, ngồi, bắt mặt nhìn ra.
Lão không trông ai; giờ này, con cháu đang ở
nơi làm việc, chắc chắn không đứa nào đến vấn an; còn bằng hữu có lẽ mệt mỏi uể
oải do thời tiết thay đổi, quanh quẩn trong nhà thôi, không đi ra ngoài.
Lão nhìn cây, nhìn cỏ, nhìn trời, nhìn đất,
nhìn người dưng qua lại ngoài đường.
Chíp chíp! Lão nhìn ra vườn; trên que rác nhỏ
gác trên một que khác cao khỏi mặt đất một chút, con chim bé tí tẹo bằng lóng
tay đang, trong dáng vẻ mừng rỡ, rỉa con mồi – chắc là con sâu – mà nó vừa kiếm
được đâu đó. Miệng gắp chặt con mồi, quẹt qua quẹt về trên que rác; con chim
muốn con mồi nhừ đi cho dễ nuốt - cái miệng nó nhỏ không thể nuốt ngay. Con
chim lúc lắc, ngoe nguẩy cái đuôi tỏ vẻ sung sướng vì công việc mưu sinh buổi
sáng trúng mánh. Tuy nhiên, trong niềm sung sướng, nỗi lo âu chen lẫn, lộ rõ.
Tội nghiệp! Cặp mắt con chim đảo nhìn liên hồi, qua trái, qua phải, ra trước,
lui sau; con chim đang sợ bị các loài lớn hơn vồ chụp – mất miếng ăn mà cũng
mất mạng.
Con chim bắt được mồi không phải chuyện dễ -
khó lắm; tán cây đào vừa rộng vừa rậm, chim phải luồn bay giữa những cành lớn
bé, giữa những lá to dày chi chít, lục tìm sâu trong những kén trắng do bướm
kết chặt mặt dưới ngọn lá.
May mắn kiếm được sâu rồi, nuốt ngay không
được, chim không thể đậu trên cao, sợ lỡ miệng, sâu rơi xuống đất, thì biết mô
mà tìm! Ấy là chưa kể đến chuyện có thể bị các loài chim lớn hơn phát
hiện ra, tới doạ nạt giành phần – dù đồng loại, không riêng gì chim, những
giống bé hơn thường bị giống hớn hơn hãm hại. Kẹp sâu trong miệng, nhảy xuống
đậu trên cọng rác gần mặt đất, chim vẫn không yên thân; không cảnh giác, chim
có thể gặp phải nguy hiểm đến từ chuột, mèo, rắn, chó đang nằm rình đâu đó gần
thôi! Còn tai hoạ ập đến từ người nữa chứ! Mấy đứa trẻ con cầm ná rảo khắp xóm
làng tìm chim, bất kể lớn bé, bắn giết. Chả biết ở trường thầy cô, ở nhà cha
mẹ, có dạy chúng bảo vệ môi sinh không? có dạy chúng thương yêu loài vật không?
các lời dạy bác ái, từ bi của các tôn giáo có lọt tai chúng không? Bọn trẻ bắn
chết những con chim nhỏ chừng ấy chẳng để làm gì - ăn nào đáng chi! Chúng giết
chim chỉ để mua vui – vui trên sự mất mát chết chóc. Bọn trẻ đâu biết chúng
đang gây ra đau thương cho những loài sinh vật có ích cho cuộc sống con người –
chim bắt sâu bọ phá hoại hoa màu, chim hót líu lo cho đời thêm vui ...
Trước đây, trên cây đào trước sân nhà lão, một
cặp chim sinh sống, vừa nhảy chuyền cành, vừa kêu chíp chíp như thử nói chuyện
với nhau – chắc cũng chuyện đôi lứa yêu đương, chuyện bàn bạc công ăn việc làm
như con người vậy; trong nhảy nhót, con này đợi con kia, tình tứ như một đôi
trai gái vừa mới xong hôn lễ, đang hưởng tuần trăng mật. Rồi tự dưng, đôi chim
biến đâu mất, mấy ngày liền, lão chẳng thấy hình dáng, chẳng nghe tiếng tăm.
Lão cứ nghĩ chúng đã bay tìm nơi ở mới. Nào ngờ sáng nay chỉ một con xuất hiện
hí hửng với miếng mồi! Lão đoán một trong hai con đã bị mất mạng, có thể do một
tai nạn nào đó; thời gian qua, con chim còn lại chịu tang, ẩn mình, không hót,
không nhảy, giờ nỗi đau nguôi ngoai, xong tang, nó xuất hiện. Không biết con
chim đã mất là trống hay mái; mà dù trống hay mái, nó mất đi để lại sự tan nát
cho cả một gia đình - biết đâu cả tổ trứng đang ấp chờ ngày nở phải bị hỏng.
Lão đang nghĩ miên man thì một tiếng vèo “xẹt”
khiến que rác bung lên; con chim bay đâu không còn thấy; lão nhìn ra đường, một
đứa trẻ núp sau góc cây hoa sữa đang cuốn ná đút vào túi. Đáng trách thay bọn
trẻ, càng đáng trách hơn nhà trường và gia đình thiếu giáo dục con em!
Không chỉ bọn trẻ xâm hại sự sinh tồn của chim
mà dạo này, đáng buồn hơn là càng ngày càng nhiều người lớn đi bẫy chim. Đối
với người Việt chúng ta, bẫy chim là một nghề có từ xa xưa; khi mùa mưa rét về,
từng đàn cò bay về đậu kiếm mồi – tôm, cá, ốc, nhái – trên những cánh đồng lắp
xắp nước; một số người giăng lưới, cắm câu ... cho cò mắc phải, bắt về bán kiếm
tiền hay ăn thịt; rõ ràng là họ mang tội ác “sát sinh”, nhưng cũng tạm chấp
nhận được, “vật dưỡng nhân” mà! Với lại, cách bẫy chưa tinh vi, loài chim thoát
chết nhiều, tồn tại để phát triển. Còn bẫy chim thời nay thì sao? Thị trường có
bán cái bẫy hình dáng trông đơn sơ nhưng rất hiệu quả; một thanh bằng vật liệu
gì đó uốn hình chữ U với những góc thẳng, hai càng dài bôi một loại keo có độ
dính rất mạnh, người bẫy chim buộc càng ngang của thanh chữ U vào cột điện
thoại, hay cột điện đường ... ở mức cao ngang gần với các dây điện, chờ chim
bay tới đậu. Ở các đô thị, còn sống loài chim sẻ, từng đàn bay mưu sinh, sà
xuống đường vắng kiếm hạt thóc, mẩu bánh mì ... rơi vãi rồi lên đậu ở các dây
điện nghỉ ngơi; rủi là nhiều con đậu vào thanh bẫy, chân dính cứng không giật
ra được; đúng là cách giết hàng loạt! Người bẫy chim gỡ, đem về vặt lông, moi
ruột; có người nướng, làm đồ mồi nhậu với rượu với bia, có người đem ra chợ bán
để người mua về, cúng phóng sinh vào những dịp cầu an.
Cũng như cá sống nhờ nước, chim sống nhờ cây.
Ở nước ta, đà đô thị hoá nhanh, cây không còn, dân số đông, rừng bị phá nhiều,
cây cối đã thưa thớt; chim chóc không còn môi trường sống, lại bị gài bẫy đầu
này, nhắm bắn đầu kia, chim không thể phát triển giống nòi được. “Đất lành chim
mới đậu”, lão sợ rằng một ngày nào đó chim sẽ không còn ở đất nước mình.
Tiếng chim hót không còn, văn thi sĩ sẽ mất đi
một nguồn cảm hứng; tiếng chim hót là biểu hiện của niềm vui, niềm vui mất, đời
sẽ ra sao nhỉ?
Lão đọc sách báo, nghe người ta kể ở một vài
nước trên thế giới, cầm thú hoang dã thong dong bay nhảy, nô đùa trong rừng,
thậm chí trên đường có người qua lại; nhờ luật cấm người săn bắt cầm thú rất
nghiêm, cầm thú cùng người tồn tại bên nhau, góp phần bảo vệ môi sinh như bằng
hữu, như thân nhân. Nghe vậy, lão thấy dân ta sao nỡ độc ác với cầm thú thế! Từ
độc ác với cầm thú đến độc ác với đồng loại, đoạn đường gần lắm.
Nói vậy thôi chứ biết mần răng chừ?
Hoàng Đằng
28/5/2017 (03/5/Đinh Dậu)
No comments:
Post a Comment