Nhà thơ Chu Vương Miện
BÀN THÊM VỚI ANH PHẠM ĐỨC NHÌ
Đọc bài phân tích bài thơ của cô giáo Trần Thị Lam "Đất Nước Ta Ngộ Quá" của anh, chúng tôi xin được phép bàn thêm, có tính cách ngoài lề, không chen vào nội dung bài viết của anh, và các thân hữu liên hệ, mà chỉ được phép bàn riêng về từ NGỘ, để cho có tính cách thuyết phục, Chu Vương Miện xin được diễn giải đôi chút về Từ và Ngữ giai đoạn trước năm 1954, tức là giai đoạn 1945 của cụ Trần Trọng Kim làm Thủ Tướng và sau 1949 Đức Vua Bảo Đại làm Quốc Trưởng, danh từ hành chánh cũng đã thay đổi :
- Nhà Giây Thép - Ty Bưu Điện
- Nhà Thương - Bệnh Viện
- Nhà Lục Lộ - Ty Công Chánh
- Nhà Thương Bạc - Ty Ngân Khố
- Nhà Học Chánh - Ty Tiểu Học
Nay xin nói tới Địa Danh của quê nội chúng tôi, xưa là Quảng An Châu, Lục Châu, Quảng Yên, Quảng Ninh, Hồng Quảng, sau chót bây giờ là tỉnh Hạ Long, có một địa danh ngay sát nách tỉnh Hạ Long "nguyên là Hồng Gai cũ" gọi là Vạ Cháy, bãi đất trống này rộng chừng 2 mét vuông, dùng để hun thuyền và đóng thuyền, sau được chuyển thành bãi tắm du lịch, thiên hạ gọi là Bãi Cháy, tuy nhiên ai gọi Vạ Cháy cũng không sao, hoặc những địa danh ở Châu Vạn Ninh (tức Móng Cái), nhà Lý cho một bộ phận của người Nùng nguyên quán gốc Quảng Đông sang định cư vào thế kỷ thứ 12 vì bộ phận này chống nhau với nhà Tống. Phần đất này có nhiều địa danh người Nùng đọc theo kiểu người Hán :
Âm Việt : Hà Tu, Hà Đầm, Hà Cối
Âm Hán : Tu Hà, Đầm Hà, Cối Hà
Quê ngoại của Chu Vương Miện ở huyện Thủy Nguyên thuộc tỉnh Kiến An, bây giờ là thành phố Hải Phòng, Huyện này cách bến đò Bính chừng 10 km, thường đựợc dân địa phương gọi chung là Thủy Nguyên, Núi Đèo hoặc Dẹo, đền thờ phò mã Dẹo, đền thờ Đức Trần Hưng Đạo Dẹo, quê mẹ của Chu Vương Miện ở làng Phục Phả, sau làng nhiều dân đinh chia làm hai, nửa trên gần tỉnh lộ là Phục Lễ, phần dưới tiếp với sông Bạch Đằng là Phả Lễ, phu nhân nhà thơ Nguyễn Khôi ở nơi đây. Phục Lễ và Phả Lễ chỉ là tên đơn vị Hành Chánh rất ít người biết và nói tới
*
Xin trở lại từ NGỘ, trước năm 1954 chưa có xuất hiện danh từ Bệnh Tâm Thần, mà chỉ có từ Ngộ, Dại và Điên, cái bệnh này thường xuât hiện vào mùa Hè, vì trời nóng quá, nhất là cho loại Chó Ngộ, chó Dại là Chó mới bị bệnh Điên, có thể chữa cấp kỳ thì khỏi bệnh.
Người Điên là Điên rồi, chỉ còn cách đưa vào nhà thương Điên điều trị, còn mới bị Ngộ chẳng hạn như Ngộ Độc chữa ngay thì không sao, để chậm thì thành Dại và Điên, có nhiều vị học giỏi, được gọi là Ngộ Chữ, hay đi ra ngoài đường dơ chân chỉ tay nói tiếng Tàu, tiếng Pháp... nhưng qua mùa hè hết nóng lại trở lại bình thường, chẳng hạn như thi hào Bùi Giáng lang thang ở Sài Gòn thuộc vào loại Ngộ Cuồng chớ chưa Điên. Xin được đơn cử trường hợp của đại thi hào Tản Đà, được nhà đại phú Diệp Văn Kỳ thỉnh mời vào Nam làm báo, cụ Tả Đàn đòi điều kiện là phải mời cho bằng được lão Tố "tức học giả Ngô Tất Tố" đi theo làm bạn, chớ không thì đất lạ quê ngừời buồn lắm, cụ Kỳ OK, đến nơi được vài ngày cụ Tản Đà bèn mượn xà beng, nạy khoảng chừng 2 mét vuông gạch đá hoa nền nhà, cụ Kỳ thấy ngộ qúa vòng tay hỏi :
- Kính bẩm tiên sinh, làm chi vậy ?
- À , không làm chi hết, chẳng qua ăn thịt cá mà không có rau thơm nó nhạt miệng quá, nên đào một ít đất trống để trồng rau ngò, rau răm, rau húng vậy mà!
Sau đó thì cái chuyện gì dễ và hay thì cụ Tản Đà làm, như dịch thơ Đường thì bài nào tuyệt cú mèo và thời danh thì cụ dịch, chẳng hạn như Hoàng Hạc Lâu, Phong Kiều Dạ Bạc. Còn ba cái bài có tính cách giáo khoa, dịch… giống như cụ Trần Trọng Kim, thì cụ Tản Đà phê ngay vào bài thơ "bài bày để lão Ngô dịch", những lúc đối ẩm quá say sưa, thì cụ Tản bèn cầm quạt đánh nhẹ vào đầu lão Ngô, nếu lão Ngô cứ ngồi yên cho cụ đánh thì không sao, hoặc vô tình đứng lên chạy thì cụ Tản vừa chạy theo vừa đánh tới cùng, khi gia nhân trong nhà thấy hai cụ rượt nhau như vậy, bèn ba chân bốn cẳng chạy theo hai bên để bảo vệ những của gia bảo vật quí như đồ sành sứ Trung Quốc... cụ Ngô chạy trước ngoảnh đầu lại nói : "ngưng ngay lại đi, không thì thiên hạ họ cho chúng mình là hai đứa Ngộ, làm gì mà giống y như trong ciné vậy! cụ Tản chạy sau nhưng cố nói vọng to lên "anh tưởng chúng ta đang sống thật đấy à, cũng toàn là ciné cả đấy! "
Trước năm 1954 thì chia đôi đất nước, và sau năm 1975 thì thống nhất đất nước. Đây là bà con của Chu Vương Miện nói chuyện với nhau :
Ngoài Bắc gửi thư vào Nam Nói :"Làm ơn mua giùm cái Đài!" trong Nam hỏi lại "Mua loại nào ? loại Mo Cau hay loại bằng Tôn ? vì nghĩ mua Đài (cái gàu) để tát nước hay múc nước dưới giếng. Ngoài Bắc trả lời :" Cái Đài là cái Radio đấy."
Chữ Ngộ không chỉ dừng ở Ngộ Nghĩnh dễ thương, mà còn nhiều nghĩa ngoại lệ nữa, chẳng hạn như có một cuộc chia tay của hai người tình như Phạm Thái, Quỳnh Như trong Tiêu Sơn Tráng Sĩ của Khái Hưng thì Quỳnh Như hỏi Phạm Thái :" Ngộ có ngày gặp lại ?
Câu chuyện đến đây có thể tạm dừng được rồi, tuy nhiên nếu các thân hữu muốn trao đổi thêm thì người viết sẵn sàng!
Chu Vương Miện
No comments:
Post a Comment