Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, December 7, 2016

Tác phẩm và tác giả: VÕ THẠNH VĂN qua Kinh VÔ THƯỜNG - Chu Vương Miện giới thiệu

Tác phẩm và tác giả:
VÕ THẠNH VĂN
qua Kinh VÔ THƯỜNG
*
Chu Vương Miện giới thiệu

“Kỷ hồi sanh - Kỷ hồi tử. Sanh tử du du vô định chỉ.”
[Chứng Đạo Ca, Huyền Giác Thiền Sư]
*****
Kinh Vô Thường là đại thi phẩm thứ ba của Nhiếp Ảnh Gia kiêm thi sĩ Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn, sau trường thi thứ nhất là Đoạn Trường Hư Thanh (phổ thơ lục bát dựa vào nguyên tác Truyện Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, gồm có 5 nghìn câu lục bát), và thi phẩm thứ nhì là “Kinh Vô Tự” gồm 10 nghìn câu thơ ngủ ngôn. Hai thi phẩm vừa nói chưa được in ấn / xuất bản. Cả 3 tập trường thiên thi nầy đều phôi thai và hoàn thành trong cùng một thời gian trên 10 năm, kể từ giữa năm 1989 đến cuối năm 2000.
Cuối Quyển Hạ của Kinh Vô Thường, Cát Bụi 10, chúng ta đọc được bài thơ “Mười Năm Trôi Giạt Viết Kinh Vô Thường.” Bài thơ giúp chúng ta hiểu được hoàn cảnh, không gian và thời gian, mà trong đó tác giả đã khởi sự và hoàn tất 3 tập thơ lớn. Xin trích nguyên văn:
Mười năm trôi giạt sông hồ
[Núi khe ao rạch mương đồi đầm khơi]
Mười năm hành khất chợ đời
Vô Thường Kinh --chép rạc rời mây trôi

Mười năm ăn đứng ngủ ngồi
Co ro chiếu đất màn trời sắc không
Sương rơi. Mưa rớt. Gió lồng
Gom mây nhiếp ảnh. Góp hồng chép thơ

Mười năm cát bụi dật dờ
Viết Kinh Vộ Tự Vạn tờ vô ngôn
Băng thao thức. Tuyết bồn chồn
Non cao. Vực thẳm. Trăng bồng. Đèo ngang

Mười năm cháo chợ cơm đàng
[Miệt mài. Rong ruổi. Độc hành. Như nhiên]
Trưa dừng quán. Tối ghé đình
Góp vần vô thức. Viết kinh vô thường

Võ Thạnh Văn cũng còn là một nhiếp ảnh gia. Tài Nhiếp Ảnh của Võ Thạnh Văn thuộc vào hàng Quốc Tế, và thơ của anh thuộc vào loại siêu Quốc Gia. Trường thiên thi Kinh Vô Thường gồm có hai tập [tập Thượng và tập Hạ], tổng cộng 2 tập gồm 1600 trang, có khỏang vài triệu chữ, do nhà xuất bản Hồng Lĩnh ấn hành. Hai tập thơ Kinh Vô Thường nặng ngang với bộ Tam Quốc Chí [3 cuốn] và bộ Thủy Hử [2 cuốn] do dịch giả thiên tài Tử Vi Lang chuyển ngữ.
Hai bộ truyện Tàu và một bộ thơ Việt Nam, kẻ gầy còm cầm vào có khi gẫy cả tay? Cuốn nào cũng cân nặng cả 2 ki lô, rất khó khăn khi đọc. Đọc ngồi thì mỏi lưng, mà đọc nằm thì hai tay nâng tập thơ nặng nề quá. Cứ năm ba phút sau là sách rớt xuống, còn người thì ngủ gật?
Với tựa đề "Kinh Vô Thường" mang nặng triết lý Phật Giáo, nên rất ít người cầm bút am tường để phê bình / điểm sách Đại Thi Phẩm này. Kinh Vô Thường vừa nặng nề về hình thức (nặng quá) lại vừa cao siêu về nội dung, cho nên chúng tôi cũng thử cố gắng hết sức, và liều lĩnh dò dẫm để làm công việc không chuyên này.
*****
Nhớ lại trước đây 60 năm, chúng tôi đang học lớp đệ ngũ niên khóa 56-57 bài học Pháp Văn có tựa là "La Vie es Écho" của đại văn hào Pháp là LaRochefoucauld. Bài văn tập đọc này có nghĩa là "Đời Là Tiếng Dội" mô tả một cậu bé chừng 12 tuổi đi vào một cánh đồng dẫn đến một thung lũng phía trước mặt là một dẫy núi. Thấy phong cảnh hữu tình cậu bé cười vang lên "ha ha ha" rồi nghe tiếng vọng từ phía núi trở ra "ha ha ha." Cậu bé thấy lạ lùng quá, bèn la lên: "Tu est un fou!" (Mày là một thằng điên!). Tức thì trong thung lũng và vách núi cũng vang vọng lại một câu y như cậu bé vừa nói: “Tu es un fou." Cậu bé chạy về nhà than phiền với người cha: "Hôm hay con gặp một thằng điên!”
Và cậu bé mô tả lại sự cố cho người cha nghe. Người cha hiểu và giải thích cho cậu ta rằng: "Con ạ, cuộc đời là những tiếng dội. Con nói với họ lời tử tế thì họ sẽ nói lại với con lời tử tế, con nói vói họ lời vô lễ láo xược, thì họ sẽ trả đũa con bằng những lời vô lễ láo xược.” Cũng tương tự như võ sĩ kiêm bác sĩ tâm thần Lý Hùynh Sanh thường rao giảng trên Tivi: “Nhân Quả chả khác nào tay ta cầm trái bóng ném vào bờ tường. Ném mạnh thì trái bóng sẽ văng ra mạnh, ném nhẹ thì trái bóng sẽ văng ra nhẹ.”
Cuộc đời vốn là Vô Thường vì vạn sự Vô Ngã. Ngay cái vòng Thái Dương Hệ Mặt Trời này, mọi định tinh, mọi tinh tú [các vì sao] đều bồng bềnh quay chung quanh Mặt Trời, và dẫn nhau đi vô cùng vô tận. Ngay cả Trái Đất nơi mà con người chúng ta đang sinh sống cũng bồng bềnh, không một chỗ tựa. Chúng ta thở ra và hít vào để mà hút khí oxy để mà sống cũng là vay mượn.
Tất cả chỉ là cát bụi và cõi tạm. Vô Ngã là ngay cái Ta. Cái Tôi cũng đã là Không có. Vì tất cả cũng đều là Vô Thừơng như một vị Hoàng Tử nhà Lý đã ngộ được. Khi nhà Lý bị nhà Trần soán ngôi, thì hai vị Hoàng Tử anh có điều kiện mang một đoàn chiến thuyền di tản qua Cao Ly lập lên nhà Lý Hoa Sơn ở Nam Hàn, còn vị Hoàng Tử thứ ba thì chạy vào nam nhờ quân Chăm Pa về phục quốc.
Khi liên quân Việt Chăm lên đường đi đánh Đại Việt thì vị Hoàng Tử này mới ngộ ra rằng: "Ngôi vua này truyền từ nhiều đời cho đến đời nhà Lý, hết đời nhà Lý thì sẽ truyền qua đời nhà khác. Đất nước này, ngôi vua này là của chung mọi người, chớ không thuộc một dòng họ nào cai trị mãi mãi, và giữ ngôi mãi mãi.” Vị Hoàng Tử bèn quăng gươm xuống đất rồi bỏ đi. Ôi cái sự Vô Thường sao mà nó vô hình nhưng nhiệm mầu tới thế!?
Cốt lõi của Vô Thường là Nhân Quả? vậy Nhân Quả là gì ? Nói theo chữ nghĩa thông dụng đời thừơng là Nguyên Nhân và Hậu Quả. Nói theo danh từ nhà Phật là Nhân Quả. Nói về Nhân Quả thì có cái Quả Báo Nhãn tiền là “ngay tức thời." Nhưng cũng có cái chưa biết bao giờ mới có, mới đến, mới xảy ra.
Để tránh ngộ nhận và khó hiểu, chúng tôi xin miêu tả một cách cụ thể rõ ràng như sau: Nhân nào thì Quả nấy. “Chủng qua đắc qua, chủng đậu đắc đậu.” Thí dụ ta gieo hạt mà thành Quả là những quả tròn như quả cam, quả bưởi, quả quit. Cứ cái gì trên cành cây mà tròn thì gọi là quả. Quả được nhìn thấy cụ thể rõ ràng. Trồng hột Cam ra cam, gieo hột bưởi ra bưởi.  Ba (3) tháng là có kết Quả nhãn tiền.
Cây nào cho thành phẩm lòng thong, và dài như bầu bí mướp, khổ qua… thì gọi là Trái [tức là Nhân Trái ], cũng nhìn thấy nhãn tiền, thấy ngay, thấy tức thời. Cây nào có lá trên mặt đất, nhưng thành Quả dưới mặt đất như củ đậu, đậu phụng, củ mì, củ sắn… thì gọi là Nhân Củ. Tuy củ nằm dưới mặt đất, không nhìn thấy được rõ ràng, vẫn có củ như thường.
Rồi có nhiều loại cây như xương rồng [cactus] không ương bằng Nhân mà chỉ cặm lá xuống cũng thành cây, cũng ra hoa kết trái (thành trái), như thanh long, quỳnh… [đỏ vàng trắng] và trái xương rồng…
Nhưng có người cho rằng biết bao nhiêu kẻ phạm tội tàn ác, xấu xa, mà vẫn sống thọ, giầu sang vinh hiển, con cháu cả đàn cả lũ, ruộng đất cò bay thẳng cánh, chả thấy Nhân Quả gì hết trọi. Xin thưa là như vầy: Có nhiều loại cây chỉ trồng trong ba tháng là thu hoạch như lúa, bắp; 4 tháng là khoai sắn; nhưng có loại cả 5, 6 năm mới có Quả như cam, quít; nhiều loại cần 7, 8 năm mới có trái như nhãn, mít...
Có loại Quả phải chờ tới cả ngàn năm, như tuyết liên trên Thiên Sơn, mọc trong Hàn Đầm. Và nhân sâm cùng hà thủ ô, mọc hoang ở chân núi Trường Bạch, cả ngàn năm mới thu hoạch, mới dùng được. Hoặc, qua truyện Tây Du Ký của tác giả Ngô Thừa Ân, thì, cây đào tiên của bà Tây Vương Mẫu trên thượng giới phải ương trồng 4000 năm mới thành cây, 4000 năm kế tiếp ra hoa và 4000 năm tiếp theo mới kết trái. Tổng cộng là 12.000 năm mới từ Nhân ra Quả?
Lưới trời lồng lộng, tuy rộng thênh thang, nhưng đến con mén cũng không thóat (Thiên võng khôi khôi, sơ, nhi bất lậu)… thì chuyện Nhân Quả chắc chắn phải xảy ra, tuy nhanh chậm khác nhau, tuỳ từng loại nhân, tuỳ từng nghiệp quả. Nhưng dù gì thì cũng không qua định luật của trời đất.
Kinh Vô Thường của Thi Sĩ Phu Hư Dật Sĩ diễn đạt cái thân phận phù du của con người. Bản lai diện mục của con người là cát bụi, thì, cát bụi vẫn hoàn cát bụi. Tu es poussière redeviens poussière. Người từ cát bụi, hãy trở về cát bụi.
" Có thì có tự mảy may
“Không thì cả thế gian này cũng không.
*****
Bây giờ, đến lúc chúng tôi mời quý bạn duyệt sơ qua 2 tập trường thi Kinh Vô Thường của nhà thơ Võ Thạnh Văn mà chúng tôi đã giới thiệu dông dài. Đầu tiên, lật qua tập Thượng, ngay những trang đầu, chúng ta thấy 4 chữ viết bằng cổ ngữ La-Tinh rất nổi tiếng trong Cựu Ước. Chỉ chừng nầy chữ đã nói lên được chủ đề mà tác giả xoay quanh qua 10 nghìn câu lục bát trời trăng mây khói đồi trũng thác ghềnh…
Vanitas. Vanitatum. Omnia Vanitas
được dịch là:
Phù vân.
Phù vân của phù vân.
Tất cả đều phù vân.
Những trang thơ kế tiếp, xin giới thiệu 10 khổ thơ đầu tiên của Kinh Vô Thường, trích trong Cát Bụi #1, Quyển Thượng. Đó là 10 khổ thơ khai phá, mở đầu cho nước chảy mây trôi nói về thân phận làm người… bất cứ kiếp người nào, thân phận làm người nói chung, tự cổ chí kim, từ đông sang tây… với nhiều hệ luỵ nhân sinh… Mười nghìn câu thơ rất thành thật, rất khiêm tốn, rất giản dị, không úp mở, không đạo đức giả hình, không làm dáng văn nghệ, không làm dáng trí thức (dù rất lãng mạn và uyên bác), rất người, rất phổ quát… phản ảnh nhiều văn hoá dị biệt, đa dạng, phản ảnh nhiều màu sắc triết lý, tôn giáo, nhân sinh quan...
[001] phận ta hạt bụi mê lầm
trong cơn say tỉnh gọi thầm giai nhân
lạc nhau cát bụi bần thần
gác khuya trở giấc gieo vần ngả nghiêng
[002] vốn ta hạt bụi ưu phiền
trong cơn ngái ngủ triền miên gọi người
luân hồi gợn thoáng tâm hư
sắc không dậy chút tâm từ hỗn mang
[003] trong mơ cát bụi bàng hoàng
trong ta còn trắng vành tang tình dài
trong em mờ cuộc tình phai
trong tình còn đẹp dấu hài nghìn sau
[004] sương chia khói lạc chờ nhau
cát xa bụi khổ nỗi đau phận nầy
tương tư giọt bụi rạc gầy
thủy chung cát lịm ngất ngây cõi ngoài
[005] chờ nhau cát bụi mệt nhoài
gặp nhau dã dượi vòng xoay nghê thường
thương nhau tình rộn ràng vương
tìm nhau cát bụi đêm trường mộng đưa
[006] kể từ hạt bụi thấm mưa
rơi tài tình tứ - rớt bừa bãi duyên
đam mê bụi lụy thuyền quyên
lưu vong phận cát ngủ miền giang khê
[007] cát gầy bụi ốm hôn mê
chiều đông bỏng sốt - đêm hè lạnh căm
với tay sờ cõi nghìn năm
mây che đỉnh tuyết biệt tăm dấu hài
[008] bụi từ hóa kiếp đầu thai
hóa thân vô lượng tóc dài cõi âm
sóng chìm cát nổi tự thân
vỗ bao nhiêu bến vẫn nần nợ quanh
[009] truy tầm hạt bụi tiền căn
thấy trong kinh điển mộ phần hoang sâu
bụi đành gặm nhấm nỗi đau
vết loang tiền kiếp nghìn sau còn hằn
[010] tình về treo võng băn khoăn
cát ngờ ngợ dậy – bụi vằng vặc lên
mây nghiêng - mưa trộn - trăng chênh
giang đầu thác đổ - cuối ghềnh đẫm sương
Tiếp theo là 10 khổ thơ cuối cùng của 10 nghìn câu trong Kinh Vô Thường, Quyển Hạ, CÁT BỤI 10. Có thể nói 10 khổ thơ nầy là tổng kết của toàn bộ thi phẩm. Đó là tổng kết các triết thuyết và tôn giáo lớn như lớn như Ấn Giáo, Hồi Giáo, Phật Giáo, Đạo Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo, các tông phái Thiền và những ý niệm Thần Học (theology) trong Kinh Thánh Cựu Ước (La Bible Ancienne). Cũng có thể nói được đây là 10 khổ thơ (40 câu) đúc kết cho “luận án vô thường” của tác giả.
[2491] niệm nào (tương đối) nhị nguyên
thức nào bát nhã từ uyên nguyên về
tâm si - tâm ngộ - tâm mê
tình ta vữa khối buồn tê rạc hồn
[2492] lời ru ngõ ngách sương cồn
lao xao gió lụa - bềnh bồng mây tơ
buổi nào tình mộng luyến mơ
thuở nào nghiêng nón trên bờ vực chong
[2493] gương soi (rã mục) góc hồn
phấn hong buổi ấy - mưa dồn chiều nay
dối gian - cuối mắt - đầu mày
hậu đình hoa khúc sầu cay đêm tàn
[2494] vừa rơi vào kiếp phong trần
đã nghe thấm nhục mấy lần đầu thai
kiếp nào lỡ một lầm hai
mà nay nợ trả nối dài kiếp sau
[2495] con chim thức trắng đêm sầu
khung tường gió tạt - chân cầu sóng dâng
nguyên đêm dế mộng bao lần
thấy từ tiền kiếp sương ngần cỏ mơn
[2496] chợt buông - chợt mất - cợt còn
như thanh kiếm báu qua sông vuột chìm
bỗng nhiên biệt tích đường chim
một đôi huyền hạc về tìm bến quê
[2497] trang kinh diệu hữu nhạn về
hư hư mây ráng - thê thê khói ngần
từng chương diễm tuyệt phong vân
dòng dòng chữ nổi - vần vần mực khoe
[2498] nghiêng sông cho suối theo về
nghiêng lòng cho khúc đèo kề truông xưa
nghiêng mây cho thác rót mưa
nghiêng lòng cho rợp bóng dừa phấn tươi
[2499] hành hương trọn một kiếp người
mù mù tây trúc - vời vời đông thiên
bước chân nở đóa hoa thiền
môi chênh chếch nụ - mắt phiên phiến cười
[2500] thiên thu một nắm tro rời
vần - xoay - dịch - chuyển - đổi - dời - hoại - sinh
sắc - không - chân - giả - bóng - hình
cát: ân thiên hựu - bụi: tình khởi nguyên
Điều đáng nói là, qua 10 nghìn câu thơ lục bát của Kinh Vô Thường, tác giả đã lần mò soi dọi hầu hết những chủ thuyết của mọi tôn giáo và đi vào hầu hết những tư tưởng và triết lý lớn của đông tây kim cổ và… mà không hề triết lý lôi thôi, hay lý luận dông dài, hoặc tranh cải sôi nổi. Tất cả mọi triết thuyết đã được tác giả nêu lên một cách âm thầm nhẹ nhàng như thơ như mộng (mà quả thật là thơ), qua đó, chúng ta không hề hay biết hay quan tâm, như gió thoảng, như mây trôi, như sương rơi, như nước chảy, như trăng sao, như sông suối…
[Người viết bài giới thiệu nầy xin mở một ngoặc đơn nho nhỏ để chú thích vài thi ngữ tác giả đã dùng, trong câu thơ thứ 10 nghìn, mà có lẽ không phổ biến lắm đối với một số người đọc. (a) “Thiên Hựu” = Providence: Thiên Ân, Thiên Phúc, Thiên Sủng, sự che chở, sự hộ phù, sự Quan Phòng của Đấng Tối Cao (Thượng Đế, Thiên Chúa). (b) Khởi Nguyên = Genesis, cuốn sách mở đầu của Cựu Ước Kinh, nói về công cuộc tạo thiên lập địa của Đấng Sáng Thế, tức Thượng Đế trong quan niệm Thiên Chúa Giáo].
Ôi Quảng Ngãi, miền đất Địa Linh Nhân Kiệt, vốn là chỗ “kết nghĩa" của Việt - Chăm Pa, từ một nửa Châu Rí kề cận với Đồ Bàn, nơi có ngọn núi Thiên Bút Phê Vân, có thắng cảnh Thiên Ấn Niêm Hà. Nơi ấy có ấn (triện) và bút, nơi mà từ ngày xưa đã sản sinh ra toàn là những hào kiệt, những công thần danh tướng, những khoa bản nguyên khôi… Làm tể tướng dưới một người trên vạn người như tam triều cố mệnh đại thần Trương Đăng Quế, như Tả Quân Lê Văn Duyệt Tổng Trấn Gia Định Thành, như Thượng Tướng Trần Quang Diệu (phu quân của Nữ Tướng Bùi Thị Xuân) của nhà Tây Sơn; lẫy lừng như Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Công Định… Sau nầy có Nguyễn Thân. Và mới đây có Phạm Văn Đồng, Trần Đức Lương (mà chúng tôi không đặt vấn đề lương tâm và đạo đức)… Trước năm 1975 thì có hào kiệt Nguyễn Liệu với Quảng Ngãi Nghĩa Thục. Sau năm 1975 thì có Nguyễn Quang và Võ Thạnh Văn.
Phù hư dật sĩ Võ Thạnh Văn, người bạn trẻ vong niên của tôi, nguyên quán xã Tịnh Minh, tức “Ba Gia," Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Giữa cuộc đời lưu lạc tha phương, tạm dung xứ người, mà thi nhân đã trứ tác được những bộ trường thiên thi như Kinh Vô Thường (và Kinh Vộ Tự, Đoạn Trường Hư Thanh), thuộc loại những thi phẩm đồ sộ để đời, đáng ngợi ca, đáng biểu dương, đáng bái phục. Thiết nghĩ, những tác phẩm nầy không còn riêng của tác giả, mà là của chung, đáng trân quý và giữ gìn.
Viết tại Cucamonga, miền Nam Cali
Mùa Đông cuối năm 2016.
CHU VƯƠNG MIỆN

[PS/TB: Vì VTV còn là một Nhiếp Ảnh Gia Nghệ Thuật yêu sáng tạo, nếu quý bạn Văn Nghệ Sĩ có cơ duyên đi về miền Thủ Phủ Sacramento của Tiểu Bang California, hãy ghé Phù Hư Am uống chén trà nhạt… tiện tay, am chủ NAG/VTV sẳn sàng bấm cho quý bạn năm ba tấm chân dung hầu để lại lâu dài… Liên lạc email: phuhudatsi.phds@yahoo.com ].

No comments: