Tác giả Hoàng Đằng
“XIN CHỮ”, “CHO CHỮ”
VÀ “ĐI CHỮ”
Bây giờ, được mời dự đám cưới, người ta sửa
soạn quà tặng cô dâu chú rể hoặc là nữ trang bằng vàng, hoặc là đồ gia dụng,
hoặc là phong bì đựng tiền; đi viếng đám tang, người ta đặt vòng hoa, đa số vẫn
đem phong bì đựng tiền; đi mừng tân gia, khẵm tháng, chúc thọ ... cũng thường
đi tiền. Việc đi đối, trướng tức là “đi chữ” còn có nhưng đã ít đi nhiều.
Ngày xưa thì khác; trong việc hiếu, việc hỷ …
người ta thường “đi chữ”. Muốn “đi chữ” mà không đủ khả năng đặt chữ và viết
chữ, người ta đi “xin chữ”. Xin ai chữ? Việc “cho chữ” dành cho những vị có học
vấn cao theo đánh giá của cộng đồng.
Việc “đi chữ” là để thể hiện sự tôn trọng, mối
thân tình của mình với một ai đó có sự kiện gì vui hoặc buồn. Không phải gặp
trường hợp nào cũng “đi chữ” được; nơi “nhận chữ” và nơi “đi chữ” phải có gia
thế tương đương và nơi “nhận chữ” phải được xét có đủ trình độ văn hoá đọc và
hiểu chữ.
Thời trước, chữ xin, chữ cho và chữ đi được
viết bằng chữ Nho, một số ít viết bằng chữ Nôm – Tàu đô hộ nước ta dài
ngày, dân ta ít nhiều nhiễm thói nô lệ cho rằng chữ Nho là chữ của ông bà !!!
Không ai viết đối trướng bằng chữ Quốc Ngữ vì cộng đồng chưa coi trọng và chưa
rành, chưa nghĩ ra cách viết thư pháp Quốc Ngữ như bây giờ để trình bày đối,
trướng, hoành phi, liễn cho cân đối, bắt mắt.
Thời nay, “đi chữ” hiếm rồi, chỉ còn thỉnh
thoảng trong viếng tang, và người “xin chữ” đã ít nhiều; đối trướng thêu đã bán
sẵn ở phố, cứ đến đó mà mua; hiện tại, người ta quan niệm đối trướng thêu càng
đẹp trên vải càng tốt thì càng có giá trị cao. Ngày xưa, muốn “đi chữ”, phải tự
mua vải về viết hoặc nhờ viết; giá trị chủ yếu của đối trướng ở ý nghĩa chữ,
chứ hình thức của đối trướng chỉ là thứ yếu.
Và cũng do chính tầm quan trọng của ý nghĩa
chữ đi, nhiều rắc rối, phiền toái đã xảy ra với người “cho chữ” và “đi chữ”.
Những rắc rối, phiền toái ấy đến từ sự hiểu lầm, sự diễn dịch ý nghĩa chệch
hướng của người xem, còn người “cho chữ”, “đi chữ” ít khi có chủ ý không tốt.
Cụ Nguyễn Văn Tâm (1893 - 1990) được Quốc
Trưởng Bảo Đại mời làm thủ tướng (tháng 6/1952 – tháng 12/1953) chính phủ Quốc
Gia Việt Nam (1948 – 1955) – chính phủ Việt Nam trong vùng Pháp tạm chiếm – đã
được ai đó mừng bức hoành phi sơn son thết vàng, đề 4 chữ Hán: “Đại Điểm
Quần Thần” (ý nói cụ là vị quan to nhất trong các quan). Mới nhìn qua, nghe
qua, người ta chỉ thấy đó là ý xưng tụng; tuy nhiên, khi cụ treo lên, có người
diễn dịch: “Đại Điểm” là chấm to, “Quần Thần” là bầy tôi; “chấm to bầy tôi”
nói lái thành “chó Tâm bồi Tây”. Chưa chắc đó là thâm ý muốn
“chửi” cụ Nguyễn Văn Tâm làm tay sai cho giặc Pháp của người “đi chữ”!
Ở quê tôi, trong cuối thập niên 1960, một cụ
lão có con đi làm sở Mỹ, khá giả lên, tổ chức lễ mừng thọ. Một khách mời đi bức
trướng mừng đề 4 chữ Hán: “Phúc Phùng Mỹ Lộc” (ý nói có phúc nên
hưởng cái lộc đẹp). Tốt quá chứ! Vậy mà có người gièm pha, suy diễn nghĩa 4 chữ
trên trướng thành “có phúc gặp được lộc của Mỹ” (ý châm
biếm). Có thể người “đi chữ” không nghĩ như vậy.
Cũng ở quê tôi, gần đây thôi, một ông lão goá
vợ kết tình thông nghị với một bà lão goá chồng. Ông lão qua đời, bà lão sai
con lên cửa hàng bán trướng đối mua một bức đi viếng chia buồn. Bức trướng thêu
4 chữ Quốc Ngữ: “Vô Cùng Thương Tiếc”. Bức trướng treo lên, trong tang
trường, nhiều người xì xầm: “Răng ông nớ chết mà mụ nớ thương tiếc dữ
rứa hè, không chừng khi còn sống có tình ý gì với nhau!”.Tội nghiệp cho bà
lão có biết chi mô!
Còn tác giả viết bài này sống trong thôn xóm
cũng được nhiều người tín nhiệm đến “xin chữ”; đó là một vinh dự!!! và ai đến
xin thì mình sốt sắng cho; nhưng qua “cho chữ”, mình đã nếm trải nhiều phen
chua xót ngoài ý muốn.
Cách đây trên 10 năm, một nông dân do tai nạn
giao thông chết, để lại vợ và 4 con dại. Nông dân này ăn ở tử tế, được xóm
giềng mến mộ. Một ông lão đại diện cho xóm đến xin câu đối để viếng tang. Mình
thấy nguyên do đưa đến cái chết của nông dân vô cùng tội nghiệp, hoàn cảnh vợ
con vô cùng đáng thương và tình cảm xóm giềng đối với anh vô cùng nồng ấm; mình
nghĩ ra được câu đối:
Vợ con đó sao đành
nỡ bỏ!
Xóm làng đây há lẽ
nào xa!
Đọc đi đọc lại, mình thấy câu đối mình cho đã
lột tả được đủ chuyện; vừa ý!. Thế nhưng câu đối viết xong, treo lên, một ông
lão “đa sự” trong làng vừa đọc, vừa mím môi, nói xỏ:
- Người ta đã chết rồi mà còn tới trách móc, ác chi mà
ác dữ rứa!
Lại một lần khác, cách đây cũng hơn 30 năm
rồi, một phụ lão do tuổi cao sức yếu qua đời; trước đó 3 tháng, bà vợ phụ lão
này cũng mất do tuổi già. Một cụ ông gọi phụ lão vừa mất là anh rể trong họ,
nghĩa là gọi bà vợ của phụ lão này bằng chị họ, đến xin mình câu đối đi khóc
tiễn; mình dựa vào thực tế, viết câu đối như sau:
Ngồi nhớ chị,
dạ đau quặn thắt!
Đến đưa anh, lòng
cảm ngậm ngùi!
Câu đối nói lên tấm lòng thương tiếc của người
thân đối với người thân; mình cũng rất vừa ý. Vậy mà câu đối viết xong treo
lên, có người đọc, đưa ra lời bình phẩm độc ác:
- Câu đối “giẻ”(giễu) tang gia đó, dẹp đi, đừng treo!
Qua đôi ba ví dụ trên, bạn đọc có thể thấy
“cho chữ” và “đi chữ” không phải dễ. Chữ nghĩa muốn trút nỗi lòng, tình cảm
chân thật của người trong cuộc, nhưng người ngoài cuộc có thể nhìn dưới lăng
kính khác, ác ý diễn dịch theo hướng tiêu cực, làm sinh chuyện, có khi tạo sự
thù oán giữa người “đi chữ” và người “nhận chữ”.
May là thời đại bây giờ việc “cho chữ”, “đi
chữ” không còn phổ biến!
Hoàng
Đằng
17/10/2016
(17/9/Bính Thân)
No comments:
Post a Comment