Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, July 31, 2016

VỀ ĐI EM - Thơ Đặng Xuân Xuyến

  


V ĐI EM
Thương tặng T.T.Q.T 

Về đi em! Về ngắm trăng buông
Câu mái đẩy lèn sâu ký ức
Dựa vai anh ngắm đời rất thực
Cổ tích trầu cau đã hết nhựa rồi.

Em cứ về! Ừ! Một lần thôi
Dẫu nắng bên sông không còn chấp chới
Câu lý ngày xưa dẫu thôi diệu vợi
Ta tựa vai nhau nối lại câu hò.

Em cứ về! Đừng mải đắn đo
Về một lần thôi nằm nghe sông hát
Về một lần thôi rộn đêm gió mát
Nghe tiếng lòng khủa nước đêm trăng

Em cứ về! Ừ! Một đêm trăng...

Hà Nội, đêm 30 tháng 07/2016
          ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - VỀ ĐI EM - Thơ Đặng Xuân Xuyến

VỀ LÀM CHI NỮA ? - Thơ Nguyễn Khôi


                         Tác giả Nguyễn Khôi
 




VỀ  LÀM CHI NỮA ?
  "Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai "
                                      (Thôi Hiệu)
Tặng Đặng Xuân Xuyến tác giả bài "Về đi em"
                
Ừ, có nhớ... thôi, đừng về em ạ 
Có còn đâu mái rạ, bờ tre
Xóm lên phố đã bê tông tất cả
Đường lấn sân không còn nữa viả hè...
                      
Ừ , có nhớ... thôi, đừng về em ạ
Ánh trăng mơ ? - đã có điện thay rồi
Trầu cau chỉ còn trong Cổ tích
Mảnh vườn xưa đã theo mẹ về trời...
                       
Ừ, có nhớ... thôi, đừng về em ạ
Máy bơm kêu xình xịch trên đồng
Chẳng có ai "xịch xòm" tát nước
Nhạc "chát bùm" loa xóm váng đoài đông...
                        
Ừ, có nhớ... thôi, đừng về em ạ
Đâu còn rừng rợp trắng cánh Cò bay
Tiếng sáo diều chỉ còn trong film ảnh
Còn đâu "cầu Quan Họ" để chia tay...
                        
Ừ, có nhớ... thôi, đừng về em ạ
Dòng sông xanh trong ký ức thầm thì
đã thành dòng Formosa nhiễm độc lòng quê mẹ
Trai gái làng đang bỏ xứ mà đi...

               Quê đêm 31-7-2016
                 NGUYỄN KHÔI

READ MORE - VỀ LÀM CHI NỮA ? - Thơ Nguyễn Khôi

Saturday, July 30, 2016

ĐỌC THƠ CŨNG LẮM CÔNG PHU - Phạm Đức Nhì


         
                    Tác giả Phạm Đức Nhì


TÔI ĐỌC THƠ

Với tôi, đây là một “bí kíp võ công” về bình thơ do tôi tự soạn mấy năm trước với sự góp ý của vài người bạn có kiến thức và kinh nghiệm về hai lãnh vực “Sáng Tác” và “Phê Bình”. Tôi dựa vào đấy, coi như là những gợi ý, hướng dẫn,  để Đọc Thơ và - nếu có hứng - viết những bài Bình Thơ của mình. Nhân tiện có cuộc tranh luận thơ của 2 anh Lại Quảng Nam và Phú Đoàn tôi gởi đến coi như là một đóng góp nhỏ vào cuộc chơi lý thú. Và rồi tôi nghĩ “Sao lại không chia sẻ với độc giả yêu thơ?” Có thể họ sẽ tìm thấy ở đấy những thông tin hữu ích. Biết đâu đấy!


 ĐỌC THƠ CŨNG LẮM CÔNG PHU

!/ Hiểu nghĩa của những chữ, từ trong câu thơ, hiểu câu thơ.
2/ Thấy, hiểu được cái hay của từ, chữ trong câu thơ.
3/ Hiểu được cái hay kỹ thuật của câu thơ - về mặt diễn tả ý.
4/ Cảm được cái hay của câu thơ - về tình. (Cảm Xúc Tầng 1)
5/ Bắt được tứ thơ - hiểu được nghĩa đen của cả bài thơ.
6/ Bắt được ẩn ý (nghĩa bóng) của tác giả (nếu có Show, Not Tell hoặc Ẩn dụ toàn bài)
7/ Thấy được cái hay, dở của thế trận chữ nghĩa - đấu pháp toàn đội
8/ Cảm được tứ thơ – thấy, thông cảm, đồng cảm với tâm tình của tác giả gởi gắm trong bài thơ. (Cảm Xúc Tầng 2)
9/ Thấy được dòng chảy (hoặc không có dòng chảy) của tứ thơ.
10/ Cảm được hơi nóng cảm xúc của thơ tỏa ra – không phải từ con chữ mà từ bên ngoài. (Tây phương gọi là giữa 2 hàng kẻ - between the lines). Đây là khởi đầu của hồn thơ.
11/ Cảm được sự lớn mạnh của hồn thơ dựa vào tốc độ và cường độ dòng chảy của tứ thơ. (Cảm Xúc Tầng 3)
12/ Tổng Hợp để định Giá Trị Nghệ Thuật của bài thơ. Chính ở chỗ này mức độ khen chê của người đọc khác nhau tùy chỗ họ coi trọng.
      a/ Coi trọng kỹ thuật cá nhân - chữ, từ, câu thơ hay
      b/ Coi trọng đấu pháp toàn đội - thế trận chữ nghĩa của bài thơ.
      c/ Coi trọng hồn thơ

                                                                Phạm Đức Nhì
                                                           nhidpham@gmail.com

READ MORE - ĐỌC THƠ CŨNG LẮM CÔNG PHU - Phạm Đức Nhì

CHÙM THƠ THỦY ĐIỀN


   
         Tác giả Thủy Điền



ĐỢI CHỜ

Cứ mỗi lần xa, ai vẫn nói
Chờ anh em nhé, hẹn ngày về
Dù đi mấy tận sơn khê
Dù đi khắp nẻo vẹn thề chung đôi

Rồi mỗi hoàng hôn em vẫn đợi
Xem thuyền người ấy có về không?
Đêm dần trăng sáng soi dòng
Thuyền xa vạn dặm, nỗi lòng đơn côi

Và, Mỗi hằng đêm em vẫn đợi
Người về e ấp chuyện trăm năm
Thế rồi biền biệt mất tăm
Bao lời hẹn ước, cô, mang một mình

Cứ mỗi mùa thu nhìn xuyên kính
Ngoài trời lá úa chuyển lung linh
Sót thương số phận lênh đênh
Lửng lơ, lơ lửng một mình. Về đâu ?

Thủy Điền
29-7-2016


NGOẢNH MẶT LẠI

Ngoảnh mặt để tỏ lòng luôn lưu luyến
Như tiếc thương một hình bóng xa dần
Đã bao năm gắn bó mối tình thân
Giờ chia cách mỗi người đi mỗi ngã

Ngoảnh mặt lại để che lòng dối trá
Đi theo chồng phụ rẩy mối tình xưa
Bỏ sau lưng đầy ấp những cơn mưa
Mà chẳng chút đặng đừng và thương sót

Ngoảnh mặt lại xem như lần sau chót
Leo lên xe chở nặng tập sách dầy
Người ở lại bùi ngùi nơi góc mái
Khóc thương thầm tình đã vội chia, xa.

THỦY ĐIỀN
28-7-2016


TRẢ QUẢ

Vớ tay em bẻ quả Xoài
Con Ong giữ của hắn đòi đốt em
Thưa rằng chỉ một, vì thèm
Xin Ong đừng vội, thân mềm, gái tơ
Ngày mai mặc áo học trò
Thân gầy, liểu yếu, mặt to nở bành
Bao người xúm lại đứng quanh
Tay che, miệng mỉm sao nhanh thế nầy?
Ong ơi ! Ong hỡi! Ong bầy!
Để yên ta bẻ quả dầy nhá Ong
Ơn nầy ta sẽ trả công
Ăn xong mang hạt ra trồng thêm cây
Năm sau cũng đúng mùa nầy
Ong tha hồ giữ Xoài cây, nặng quằn.

Thủy Điền
27-7-2016

READ MORE - CHÙM THƠ THỦY ĐIỀN

Friday, July 29, 2016

EM & TÔI NGƯỜI LÍNH - Chùm thơ Đoàn Vũ

Tác giả Đoàn Vũ


Thơ: Đoàn Vũ
EM & TÔI NGƯỜI LÍNH…

Chiến tranh…
em nằm lại
đường Trường Sơn một thời.
giờ
miên man rừng, núi
em có nhận ra tôi?!
… đêm ấy
cùng ra trận
cõng theo hương của rừng
bịn rịn trăng mờ, tỏ
mắt em buồn rưng rưng!
núi ơi!
nhắc hộ chút
rừng ơi!
thỏ thẻ giùm
trầm hương quấn quít núi
em…giờ em nơi đâu?...
đầu mùa mưa có phải
mà búp măng ngoi tròn
hay hồn em trẻ mãi
giữa tháng, năm Trường Sơn?!...

Dáng Mẹ

Mẹ về!... đến chỗ trăm năm
Khói hương đỏ mắt - khuyết rằm trăng ơi!
Chiều hôm mây xám lưng trời
Phải chăng dáng mẹ xa vời vợi… xa?!

Ngày Về

Ngày về
nắng quái chân mây!
Vành khăn
chít vội lên ngày chịu tang
Mưa chiều
lạnh không nghĩa trang?
Quỳ bên mộ mẹ…
nén nhang gục đầu.

Ðoàn Vũ – Hội viên hội Văn Nghệ Bình Thuận.
Địa chỉ: 48 Trần Hưng Đạo, Phan Rí,Tuy Phong, Bình Thuận.
Email: vudoan0102@gmail.com.


READ MORE - EM & TÔI NGƯỜI LÍNH - Chùm thơ Đoàn Vũ

LÀN HƯƠNG - Thơ Trần Mai Ngân


          
                         Tác giả Trần Mai Ngân


LÀN HƯƠNG

Làn hương ai giữ được
Chỉ mộng mị thoảng qua
Khi trong cõi ta bà
Có, không người với ta !


Chênh vênh nẻo luân trầm
Xin đừng mong mỏi nữa
Dòng thinh sắc rủ rê 
Thôi... rời chốn u mê


Dùng dằng chi ở, về 
Hoàng hôn đà tiễn biệt 
Sầu tan như buổi tiệc 
Men say còn dư âm !


Bóng đổ lề nhân gian
Một bi lụy âm thầm 
Xin giam vào sinh tử
Ai giữ được... làn hương !


            Trần Mai Ngân

READ MORE - LÀN HƯƠNG - Thơ Trần Mai Ngân

Thursday, July 28, 2016

CẦN THƠ DẤU YÊU - Thơ Nhật Quang



           



CẦN THƠ DẤU YÊU

Mơn man gió khẽ ru chiều 
Hoàng hôn trên bến Ninh Kiều nhẹ rơi
Cái Răng chợ nổi đón mời
Tây Đô nét đẹp rạng ngời, thiết tha
Lưng ong, dáng liễu bà ba
Môi cười em gái nở hoa chân tình
Mênh mông sóng nước dập dzềnh
Mái chèo lướt nhẹ, dáng hình thân thương
Bồi hồi...dạ chợt vấn vương
Ngẩn ngơ quên lối, quên đường phố quen
Loanh quanh phố đã lên đèn
Sánh vai chung bước bên em ngỡ ngàng
Cần Thơ đêm xuống rộn ràng
Bên dòng sông Hậu mênh mang câu hò...
Trăng soi bến nước con đò
Gái, trai khúc khích hẹn hò... đắm say
Trăng tàn lưu luyến vòng tay
Tình trao ánh mắt...ngất ngây tiếng lòng
"Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về"

                             Nhật Quang
                               (Sài Gòn)

READ MORE - CẦN THƠ DẤU YÊU - Thơ Nhật Quang

ĐỌC "CHIỀU LOANG BẾN VẮNG" CỦA NHÀ THƠ TRƯƠNG ĐÌNH ĐĂNG - Lang Truong


         
                                Lang Trương




ĐỌC "CHIỀU LOANG BẾN VẮNG" CỦA NHÀ THƠ TRƯƠNG ĐÌNH ĐĂNG

Lang Truong vốn không giỏi bình thơ. Hôm nay may mắn đọc được bài thơ hay quá, bài Chiều Loang Bến Vắng của nhà thơ Đình Đăng, nên viết đôi điều cảm nhận.

Phàm vạn vật trong vũ trụ, không có gì thoát khỏi quy luật nghiệt ngã của thời gian. Đời người cũng vậy, hết ban mai sẽ lại đến hoàng hôn. Đây cũng chính là thời điểm để tác giả mở đầu bài thơ:


        Ta thành bến vắng giữa chiều hoang

Không gian và thời gian trong câu mở đầu gợi lên một khung cảnh hư ảo, cô liêu, cứ tưởng sẽ dần trôi vào quên lãng. "Bất chợt" điều kỳ diệu đến, thổi bùng lên sức sống, để vạn vật bỗng chốc nên thơ:

        Bất chợt thuyền em ghé muộn màng

Một con thuyền ghé bến là rất đỗi bình thường. Nhưng thuyền lại đến đúng vào thời khắc ít mong chờ nhất, làm cả không gian như bừng lên sức sống, tựa đốm lửa sắp lụi tàn lại bùng cháy giữa đêm đông.

Ngay ở hai câu mở đầu, tác giả đã đưa ta đến với hình ảnh ẩn dụ rất quen thuộc trong văn học: Thuyền và bến. Motip thường thấy là: Thuyền, chàng lãng tử hào hoa phiêu du theo sóng nước Hải hồ. Bến, nàng thôn nữ thơ ngây son sắt và thủy chung:


       Thuyền ơi có nhớ bến chăng
       Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.


Ở đây, tác giả lại sử dụng hai hình ảnh ẩn dụ ấy theo một cách rất riêng, tạo ra một cặp thuyền bến hoàn toàn trái ngược:


Bến: Chàng lãng tử đã chán mùi dâu bể.


Thuyền: Nàng giai nhân phiêu bạt giữa dòng đời.


Và sự gặp gỡ của đôi tài tử, giai nhân ấy không vồ vập, cuồng nhiệt như thủơ thanh xuân, mà đằm thắm, dịu dàng, nồng nàn mà cũng rất da diết:


        Sóng nước vỗ về ru dỗ mạn
        Hoàng hôn đổ bóng tím chiều loang.


Người đọc có thể cảm nhận được, chỉ ở đúng thời khắc đó, không gian đó, hoàng hôn mới phủ choàng lên đôi lứa yêu nhau một màu tím diệu huyền, một màu tím của sự nhớ nhung, thủy chung và son sắt.


Khổ thơ thứ hai là sự so sánh độc đáo. Sau khi hóa thân làm bến đỗ, trải qua bao năm tháng phong trần, tác giả lại có dịp soi bóng mình trong ánh mắt giai nhân:


       Như là quán trọ miền biên lộ
       Thả hồn ru dỗ mộng phồn hoa.


Người đời xây nên bai ước vọng, suốt cả cuộc đời theo đuổi những ước vọng ấy, nhưng có mấy ai tìm được bến đỗ bình yên cho cuộc đời mình.


Thật bất ngờ, con thuyền em đã từng phiêu du qua biết bao bờ bến, lại tìm thấy một chốn bình yên nơi quán trọ cũ kỹ bên đường nơi miền biên tái kia. Trong cõi bình yên riêng tư đó, đôi lứa bắt đầu xây mộng ước. Tác giả đã rất tài hoa khi sử dụng ngôn ngữ. Mộng ước mà người đời kỳ vọng ấy, cũng chỉ là "mộng phồn hoa". Đẹp đấy, nhưng không có thực giữa cuộc đời. Khôngai có thể dùng lý trí để kiểm soát trái tim mình. Đó chính là điều kỳ diệu của cuộc sống, là đặc ân mà Tạo Hóa riêng ban cho mỗi chúng ta.


      Kể từ hôm ắy thuyền quen lối
      Hẹn mỗi thu về mỗi lại qua
      Bến cũ giờ rơi chùm phượng cuối
      Ta ngồi bổi hổi ngóng trời xa.


Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh chùm hoa phượng xuất hiện trong khổ thơ này.


Ai trong chúng ta cũng từng trải qua bâng khuâng, xao xuyến của tuổi học trò, những đam mê, rung động đầu đời. Tình yêu không có tuổi! Người từng trải, kẻ ngây thơ, người sắp kề b
ên miệng lỗ hay kẻ ngập ngừng thả bước vào đời, niềm rung động trong tim nào khác chi nhau!


Mùa thu, mùa của thi ca, mùa của hẹn hò, là mùa tựu trường, mùa của nỗi nhớ nhung. Một ánh mắt, một tà áo cũng khiến tim ai loạn nhịp.


Khi chùm hoa phương cuối mùa rơi xuống, là lúc tim ta thắp lên ngọn lửa tươi hồng, cũng là dấu hiệu cho thấy trời đã chớm sang thu:


        Lá đã sang thu mùa tiết báo
        Lá xanh rừng thẳm áo thay màu


Trời sang thu thì rừng xanh thay lá. Đó là luật của tự nhiên. Trong khổ thơ trên tác giả dùng cụm từ "Áo thay màu" khiến ta mơ hồ nhận ra có điều gì đó không bình thường trong quy luật ấy: Thuyền đã không trở lại bến xưa!


Không còn mạn thuyền để "sóng nước vỗ về ru dỗ" nữa. Thay vào đó là những con sóng xô đập vào bờ, tạo ra khúc nhạc đớn đau, cứa vào tim người đọc:


       Bến xưa hoang hoải chiều hư ảo
       Nhạc sóng xô bờ dạo nỗi đau.


Đến đây, ta cứ ngỡ như tác giả sẽ oán trách người xưa, phụ bạc, phũ phàng. Nhưng không, thay chơ lời oán trách lại là lời biện minh cho viêc thuyền không trở lại bến cũ theo lời hẹn ước, là di dòng đời đưa đẩy, nào phải ai đó thay lòng:


       Thuyền đi bắc lạch về nam ngan
       Bến cũ tàn thu một chốn chờ.


Đọc hai câu này, tôi lại nhớ đến lời biện minh của chàng Kim, vỗ về mười lăm năm lưu lạc của nàng Kiều:


       Rằng nàng lấy hiếu làm trinh
       Bụi nào cho đục được mình ấy vay.


Yêu nhau, hiểu nhau như thế nên bến xưa vẫn chung tình son sắt, chờ đợi đến "
tàn thu " để góp nhặt chút tình em rớt lại, vỡ ra từ mạn thuyền, chắp nối, hiến dâng cho đời một áng thơ hay:


       Ví có ngày kia thuyền rã mạn
       Bấn buồn khắc chạm ván vào thở.


Nghệ thuật không phải miêu tả cảm xúc, mà là khơi gợi nên cảm xúc. Tâm hồn người yêu thơ giống như một cung đàn câm nín, chờ đợi những ngón tay người nghệ sĩ khẽ chạm vào nó, để bật tuôn những dòng thác âm thanh.


Chiều Loang Bến Vắng là bàn tay tài hoa đó. Đọc hết bài thơ mà cám xúc trong lòng vương vấn mãi không thôi.


Cám ơn tác giả Đình Đăng, với một áng thơ tình đã đạt đến độ hoàn mỹ, êm đềm mà sâu lắng, đắm say và tha thiết, da diết và cũng rất nồng nàn.


Thi ca là tinh hoa của ngôn ngữ. Lang Truong tôi đang dùng cái thô thiển để miêu tả cái tinh túy, cảm nhận sâu sặcsư bất lực của mình. Mong rằng lời bình thô lậu trên đây không làm tác giả cau mày.
Đại thi hào J.W.Goethe từng nói "Hãy đánh chết chúng đi, nhà phê bình văn học, cái thằng khốn!"
                                                                      Lang Truong


     
             Tác giả Trương Đình Đăng




CHIỀU LOANG BẾN VẮNG

Ta thành bến vắng giữa chiều hoang
Bất chợt thuyền em ghé muộn màng
Sóng nước vỗ về ru dỗ mạn
Hoàng hôn đỗ bóng tím chiều loang.

Như là quán trọ miền biên lộ
Kèo cột liêu xiêu cũng gọi nhà
Lữ khách buông màn đêm lỡ độ
Thả hồn ru dỗ mộng phồn hoa .

Kể từ hôm ấy thuyền quen lối
Hẹn mỗi thu về mỗi lại qua
Bến cũ giờ rơi chùm phượng cuối
Ta ngồi bổi hổi ngóng trời xa.

Lá đã sang mùa thu tiết báo
Núi xanh rừng thẳm áo thay màu
Bến xưa hoang hoải chiều hư ảo
Nhạc sóng xao bờ dạo nỗi đau.

Thuyền đi bắc lạch về nam ngạn
Bến dẫu tàn thu một chốn chờ
Ví có ngày kia thuyền rã mạn
Bến buồn khắc chạm ván vào thơ.

                  Trương Đình Đăng
                         26/7/2016 

READ MORE - ĐỌC "CHIỀU LOANG BẾN VẮNG" CỦA NHÀ THƠ TRƯƠNG ĐÌNH ĐĂNG - Lang Truong

NGẪU HỨNG - Thơ Lê Phước Sinh


VNQT xin giới thiệu bài thơ NGẪU HỨNG của anh Lê Phước Sinh nguyên là sinh viên lớp Văn ĐHSP Huế Khóa 1974-1978. (Năm 1974 có tên là lớp Việt Hán, sau 1975 mới gọi là lớp Văn)



             Tác giả Lê Phước Sinh


Những ngẫu hứng hồi tưởng quý giá
khiến mình nhớ lại bài thơ viết mười bảy năm trước.
                                                      Lê Phước Sinh
NGẪU HỨNG

Dăm bảy đứa hề… nay phiêu dạt
đứa lên ghềnh thác, đứa xuôi sông
tình cờ gặp lại trong khoảng Phố
Ê, mầy còn có nhớ tao không?

Bá cổ quàng vai như say tỉnh
hét toáng lên ở giữa Chợ Đời
Đi, đi… tìm nơi nào quán vắng
tao với mầy kêu rượu nhậu chơi.

Vợ con mấy đứa nay đâu cả
nhà cửa cao sang ở chốn nào
chén rượu nhấc lên đừng sóng sánh
uống khơi men dậy, giấu giọt trào…

Uống, uống đi… đừng có biện bạch
sự đời đếch sá cái công danh
cao thấp hèn sang… Nào tri kỷ
cổi áo mà xem Mộng : bất – thành ?

Bao năm bỗng gặp nhau ở Phố
thấp thoáng mà qua một góc Đời
Ta – Bạn dìu nhau về chốn cũ
chốn nào là Thật chốn nào Chơi

Ờ Say – Ngông thì làm Trang Tử
Tỉnh rượu – Bạn, Ta tính chuyện Đời.
 

                             Lê Phước Sinh
                                 01.1994

READ MORE - NGẪU HỨNG - Thơ Lê Phước Sinh

Wednesday, July 27, 2016

KÝ ỨC QUÊ NHÀ - tản mạn của Huy Uyên

Tác giả Huy Uyên
  

1- 
 THỜI MỚI LỚN 

     Ở giữa làng là xóm chợ, bên cạnh đường quốc-lộ vắt ngang. Mùa đông về trên những chòm hoa sầu đông đứng lặng lẽ.
     Ký ức trong tôi với những tháng ngày hai buổi đi về. Chiếc cầu sắt bắc qua sông và một chiếc cầu xi-măng bên dưới đã gảy nhịp từ thời Pháp thuộc. Con sông Ô-Lâu hiền hòa chia hai xóm, nước êm đềm chảy qua bốn mùa yên ả. Những bờ tre làng rợp bóng soi mình trên mặt nước trong xanh.
      Lòng cứ nhớ mãi về những mùa đông làng xóm chìm ngập một màu trắng xóa vì cơn lụt. Những chiếc thuyền bơi xuôi ngược giữa đại dương nước mênh mông. Nước bạc màu đến bất ngờ, nước tuôn vào sân, vào nhà, rộn vang những tiếng bì bõm khi lội trong nước. Làng trên xóm dưới gọi nhau í ới. 
      Mùa xuân đã đến ngoài hiên và nước vẫn ngập đầy vườn.
      Đâu đó tiếng nghé ọ trên cánh đồng vàng mùa bội thu.Tiếng hò đối đáp rộn ràng trong mùa gặt.
     Tiếng kẻo kịt của những chiếc đòn gánh nhún nhảy trên những đôi vai người nông-phu. Những bát nước chè xanh bốc khói bày ra trên sân với đêm đập lúa. Những ông già rung rinh chòm râu bạc khề khà nhấp chén rượu đầu mùa.
     Đêm treo lơ lửng ngọn trăng trên đầu, trăng bàng bạc khiến không gian càng tỉnh lặng. Trăng soi sáng vườn khoai đang bắt đầu xanh ngọn, vườn chè xanh biếc dưới ánh trăng dịu hiền. Những bờ tre trở mình rên kèn kẹt. Làm sao nói hết cái lâng lâng giữa đêm trăng qua làng quá mường tượng, kỳ ảo.Thoảng dưới ánh trăng tiếng hò giả gạo, khoan hụi dìu dặt rộn niềm vui ngày mùa.
     Con đường đó tôi và em từng dìu bước nhau đi biết bao lần. Con đường của kỷ-niệm ngàn đời ẩn nấp trong tim đứa con trai thời mới lớn. Lời thề xa xăm. Mai sau nếu có xa nhau cũng không quên con xóm cũ dòng sông xưa với chiếc cầu đi về hai xóm. Thế rồi em đã ra đi, đi biền biệt với một khung trời đầy kỷ-niệm cháy bỏng trong tôi. Lời thề hẹn đó đã vội vàng chôn ở nơi con dốc đầu làng khi hai đứa cầm tay từ biệt và đã ở lại đó vĩnh-viễn. Tôi cũng ra đi ôm theo mối tình đầu đau đớn, đứng ngắm nhìn quá khứ chưa một lần trọn vẹn. Hỏi em giờ này còn nhớ gì không, quê hương hai tiếng nặng lòng cho đến lúc nhắm mắt. Quê hương với những sớm mai, những chiều về tay trong tay kể nhau nghe những chuyện vui buồn, những ước mơ thời trẻ dại. Lần đầu gặp em e ấp dưới chiếc nón lá, áo dài màu tím với nụ cười long lanh dưới nắng chiều, hoàng hôn rãi cùng khắp xóm làng. Em đã mang đến cho tôi ngày mà cuộc đời bắt đầu biết vui buồn chờ đợi.
      Chiến tranh đã đi qua làng ngày đêm đì đùng tiếng súng. Chiến tranh đã cướp đi tháng năm bình lặng, yên ả. Trai tráng lên đường để lại những cánh đồng trơ gốc rạ. Trâu bò không người cày lơ lửng bước trong đêm.
      Con đường qua làng nhiều lần bị cắt chia bởi đạn bom và chiếc cầu bỗng một đêm bị gảy nhịp phân chia hai xóm. Những tiếng khóc và những chiếc quan tài mang dấu hiệu binh lửa về đốt cháy quê hương. Những mái tranh ngập chìm khói lửa. Mặt trận đi qua bỏ lại xóm làng xơ xác gảy đổ. Giáo đường trơ nóc, đình chùa ngã nghiêng.
       Những trảng cát bây giờ đã lấp đầy những ngôi mộ nằm san sát. Những hàng bạch-đàn mọc thẳng tắp thay thế tre làng bị thiêu cháy. Lớp lớp người đi không trở về mà còn nằm lại đâu đó. Biệt ly và chia rời ngày một lớn dần thêm, xóm nhỏ bỗng tiêu điều sau những cơn đánh phá của bom Mĩ.
       Rồi người cũng quay về khi một mai tin vui hòa-bình trở lại. Trên bờ đê, những trai tráng trong làng vai vác cày theo sau đàn trâu chậm rải bước. Đồng quê lại rộn ràng tiếng cười tiếng nói sau mùa binh lửa. Những cụ già lại khề khà chén rượu bên bầy con cháu vui đùa ngoài sân. Con đường về xóm dưới bây giờ đã được bắc qua sông một chiếc cầu chắc chắn thay chiếc cầu tre đã gảy nhịp từ lâu rồi. Ngày tôi đưa em qua chiếc cầu này với bao rộn ràng của con tim mới lớn. Em bảo giá mà hai ta suốt đời đưa đón đi về.Thế rồi em bỏ đi mà không bao giờ quay lại.
       Sông xưa vẫn nước chảy hiền hòa. Sông nuôi đồng ruộng quanh năm. Núi kia vẫn ngàn đời lừng lững che chắn những cơn gió Lào rát bỏng mùa hè. Hàng tre làng vẫn kẻo kẹt rung rinh trước gió.Tre che mát cho đời người nông phu quanh năm suốt tháng.Trong vườn đã lắt lay từng nụ hoa cà, hoa bí mang lại cho người niềm vui bình dị. Những mùa đông sớm mai bà con vói những cũ khoai luộc hay những bắp ngô nướng thơm giòn. Niềm vui ấm áp nhân đôi với tiếng hít hà phả ra những làn khói trắng trên đường đến trường. Thầy cô, bạn bè  đã bay đi khắp bốn phương trời, mỗi người một đoạn đời riêng rẻ. Có mấy ai quay về đúng trước mái trường xưa để ngậm ngùi với những tàn phá của ngày xưa cũ.
       Ở đầu làng là ga xép quanh năm phơi mình dưới trảng cát trắng xóa nóng, nằm chờ những chuyến tàu qua hiếm khi dừng lại. Vẻ đìu hiu trùm lên vài người khách lẻ lên xuống từ đầu hạ đên cuối đông. Một mình đi, một mình về thui thủi. Lòng lại nghẹn khuất với những hồi còi tàu kéo lên giữa không gian xám xịt. Tiếng còi như ứ nghẹn ở trong tim. Ôi những tiếng còi tàu buồn bã qua làng đến não nuột. Ngày tôi tiễn em đi sân ga chỉ có hai người. Tay trong tay bịn rịn nói lời chia biệt hẹn hò. Em nước mắt lưng tròng ngã lên vai tôi. Chiếc khăn tay em thêu tên hai đứa lồng vào nhau nghẹn ngào đưa tay vẫy khi tôi làm người ở lại. Con tàu bỏ đi mang theo em làm cho tôi thêm quạnh hiu tiếc nhớ. Ngày đó đã qua mất rồi.
       Cô đơn xưa hình như trở lại quanh đây. Nơi đó tít mờ ánh sương mai, nơi ánh nắng chiều rọi soi ngày đầu tôi gặp em lung linh dưới nắng. Nụ cười rạng rỡ tỏa sáng quanh em. Làm sao tôi nói hết nỗi bồi hồi lao xao với một buổi chiều đầy kỷ-niệm.
       Em còn đó với hiện thân của một bóng hình miên viễn quanh tôi. Vẫn dịu dàng với hai bàn tay vẫy vẫn đong đưa từng nhịp bước, từng tiếng thở dài về một mối tình đến sớm đầy tràn niềm hạnh-phúc mong manh của thời trẻ dại.
       Ngày tôi đưa em qua chiếc cầu chông chênh, không lối nhỏ về nhà. Em chợt im lặng níu giữ một mối tình vừa mới hái. Hạnh phúc quá mỏng manh, sương khói. Ngày em đi qua nhà tôi, bước chân không hề có tiếng động  dấu kín một mối tình. Em trong tôi cuộc tình đầu chứa chất bao đắng cay khốn khó. 
       Tôi một mình biết bao lần quay lại nơi xưa tìm kiếm mối tình đầu đời dù trải qua những tháng năm dâu bể, ngược xuôi. Em về một phương trời xa xăm nào đó để lại trong tôi ánh mắt nụ cười. Điều đó đã theo tôi suốt đoạn đời còn lại,đã mang trong tôi dấu ấn đậm đà mãi mãi xa người. Hỏi em có còn nghĩ lại, hỏi em có còn nhớ về ảnh hình của thời xưa cũ, giấu trong tim hết cả thời mới lớn.
       Em đi rồi làng xóm bổng chìm khuất trong nổi buồn lặng lẽ. Không gian bỗng chìm sầu vạn cổ. Những  ước mộng ban đầu, đẵng cay theo bóng hình em. Có thể trong tôi vẫn mãi giữ những kỷ-niệm buồn. Có thể trong em vẫn ẩn chứa hình dáng quê hương. Nơi đó được đặt tên là nơi trú ngụ của tình yêu.
       Có chăng mong một lần quay lại, trở về bên sông cũ, xóm nghèo xưa để nhớ để nghĩ về cuộc tình tan vỡ. Đau đớn cho đến lúc bạc mái đầu có còn để gọi nhau là cố nhân không?
       Ở giữa làng là xóm Chợ, nơi em ngày hai buổi sáng chiều bán cá.Vẫn khuôn mặt đỏng đãnh, nụ cười chúm chím. Em đã để lại trong tôi mãi hoài của những nụ hôn xa, của con tim liên hồi đập mỗi lần đón đợi người thương. Em còn lại trong tôi những đêm trăng hò hẹn, những đêm lễ hội, lòng hồi hộp dưới ánh trăng cổ tích. Tay cầm tay không nói thành lời chờ một thủy chung mai mốt. Thế rồi em đi. Xóm làng xưa vẫn bên cuối bãi biền sông. Con sông xưa vẫn đổ từ triền núi ra biển cả.
       Ngày đó ai mơ một ngày về.

2-
QUÊ NHÀ VÀ TRƯỜNG LỚP:
Bến Đá, Hải-Lăng & Nguyễn-Hoàng.

       Lần lữa hẹn mãi lòng một lần quay về với Bến-Đá, nơi quê nhà xưa đã một thời tắm mát bên dòng sông Ô-Lâu xanh biếc hiền hòa. Nơi những người thân hai mùa mưa nắng dầm mình đồng chiêm cày ải. Nơi tiếng chim bìm bịp kêu chiều theo con nước ròng nước lớn. Nơi tuổi thơ tôi vốn sinh ra trong một gia đình lam lũ nghèo nàn.
     Tôi mất cha từ năm lên một. Cha tôi hi sinh ở mặt trận Ba-Lòng thời kháng chiến chống Pháp. Mẹ tôi ở vậy tảo tần sớm hôm nuôi tôi khôn lớn. Những đêm, những ngày quanh quẩn sau lũy tre làng với con đường quê hai bữa đến trường. Ngoài những buổi học, tôi phụ mẹ tôi bắt ốc mò cua, mót khoai mót lúa. Cuộc sống cơ cực ở thôn làng đã rèn luyện cho tôi nên người từ thuở đó. Đến năm mười hai tuổi mỗi ngày tôi phải đi bộ mười cây số ra phố quận Hải-Lăng để theo bậc trung-học.Tháng ngày dãi dầm mưa nắng. Những ngày hè oi bức mồ hôi trên con đường cái quan rãi nhựa bốc khói. Những sớm mai, chiều đông rét lạnh căm căm, tôi bó mình trong chiếc áo tơi do tôi chằm từ lá nón, lầm lũi bước với bụng đói lép kẹp cho đến ngày khôn lớn. Tuổi học trò trôi đi với những buổi trưa đói lòng qua bữa bằng một chiếc bánh chưng nhỏ dưới gốc bàng trước đình làng Diên-Sanh thật tội-nghiệp.
     Người ta gánh về đặt bên ngoài hàng rào phía tây dồi cát của trường  chừng mười xác chết. Những vết đạn băm đầy mình cháy đen nham nhở. Người ta bảo đó là Việt-cộng bị sát hại bởi trận phục-kích đêm qua. Những xác chết nguội ngắt trần truồng. Ai đã cắc cớ gắn trên môi người chết những điếu thuốc lá còn bốc khói nghi ngút. Nắng bắt đầu rát và những xác chết cũng bắt đầu trương lên. Ký-ức tôi xót đau cho phận người từ đó. Ý nghĩa về chiến tranh cháy đỏ trong tôi về một sự hi sinh đầy máu, nước mắt của hai phía, của nhân dân lớn dần lên. Trong cuộc chiến trả giá bằng những cái chết, mất mát đau thương để dành lấy sự tồn tại. Chính là những người đang nằm đó. Cũng là người mà ai nỡ đầy đọa nhau dường ấy.  Hận thù cứ buộc mãi mà không bao giờ tháo bỏ. Tôi bắt đầu lớn lên bằng những ý niệm chiến tranh giữa những người anh em thù hận trong không khí chiến cuộc đầy mùi thuốc súng, phía sau rình rập đêm đêm ở làng quê cho đến phố chợ vốn nghèo lại càng nghèo xơ  xác."Phố nhỏ Diên-Sanh lạnh buồn tê tái" giữa bốn mùa xuân hạ thu đông im lìm lặng khuất rêm mình dưới thời chiến. Lại những đợt hành-quân càn quét. Quê nhà vốn đã chìm sầu trong khói lửa - cây không mọc nổi giữa hai làn đạn, ruộng không người cày vì người đã bỏ lên núi. Trâu bò lơ lững bước trong đêm nhớ về một mùa vàng bội thu, êm đềm dưới trăng đêm giã gạo. Hồi đó quê nhà bình yên đầy ắp giọng nói tiếng cười.
     Thế rồi đầu năm sáu lăm tôi được ra tỉnh học lớp tú-tài. Hình ảnh ghi đậm trong tim tôi là ngày bác (Sáu) tôi đứng bồi hồi chờ trước cửa trường nam-tiểu-học khi tôi thi Trung-học. Bác vốn thay cha tôi cùng mẹ tôi bảo ban nuôi nấng tôi nên người, bởi tôi vốn không cha từ lúc lọt lòng.Trưa bụng đói bác đưa cho tôi ổ mì "xíu" mà lần đầu trong đời tôi được ăn. Cái hương vị tuyệt vời mãi đi theo tôi cả chiều dài năm tháng. Cái mùi cay bùi đó không làm sao tôi quên được. Chiều trời đổ mưa tôi gói mình trong tấm ni-lông màu nước mắm băng qua đường gặp bác, hai mắt của bác nhìn tôi ứa lệ với cảnh tình túng thiếu của tôi. Bác nhẹ nhàng cởi tấm ni-lông rồi lặng lẽ mặc cho tôi chiếc áo mưa (đầu đời) hiệu Blair màu khói hương. Tôi nuốt nước mắt vào lòng mừng vui khôn tả.Tôi lặng thinh nắm lấy tay bác đi bộ về chỗ trọ lòng đầy bồi hồi xúc động. Kỳ đó tôi đổ trung-học.
     Để có cơm ăn tôi đi làm précepteur suốt ba năm học trường Nguyễn-Hoàng.Với một bà mẹ quê quanh năm ruộng lúa nương khoai lo cho cái ăn cái mặc thì làm sao kham nổi cho con ăn học xa nhà nên đành phó thác tôi cho trời cho đất. Những ngày đầu bỡ ngỡ với lớp với trường tôi xoay quanh với nghề gia-sư ở nhà sách Tao-Đàn, đêm kèm ba đứa nhỏ tiểu-học. Cho đến năm đệ-nhị thì chuyển lên kèm cho một gia đình xóm chài  Quảng-Trị. Cái xóm chài ven sông Thạch-Hãn cứ theo mãi tôi đén bây giờ, những con đò nằm sát bên nhau nơi bến đổ đầy … và rong rêu dại dập duềnh theo từng đợt sóng lô xô. Những bữa cơm trưa với hạt gạo chan mùi dầu diesel nhà binh thiếu đói.
      Nhà tôi dạy kèm vốn nghèo nên nửa niên khóa sau tôi ghi tên ăn cơm xã-hội miễn phí và thuê một cái giường để ngủ và học hàng ngày. Vì đói mà tôi đã cố nuốt cho qua bữa cá mòi, cá mối sình thiu.
     Cuối ngã ba đường là MACV, từ Cine Đại-Chúng, từ Cổ-Thành đi lại và từ Long-Hưng ra là Nguyễn-Hoàng. Tôi học ban C nên được xếp học ở dãy nhà dọc phía trái, có cái cổng phụ rất dễ cho những lần cúp cua lang thang ngoài phố. Tôi vốn không có một bạn gái nào để vắt vai một mối tình, vì nghèo đói vì thân phận hẩm hiu. Đám nữ sinh quá cao vời vợi với tôi. Cứ mỗi chiều cuối tuần tôi háo hức về lại quê nhà, bên mâm cơm nghèo cùng mẹ tôi với những trái cà đọt bí. Hương vị của đất trời  tỏa một mùi thơm dìu dịu. Hình như để bù lại cho những ngày ở tỉnh-lị thiếu đói mẹ tôi lại chạy vạy lo cho từng bát cơm có trứng, có cá.
      Ở trường tôi có  thầy cô  quan tâm đến phận nghèo như cô Thanh, thầy Gary Carkin, thầy Diên, thầy Nguyễn-đăng-Ngọc. Hình như chỉ có Việt và Anh văn là tôi chăm chú học còn các môn khác tôi lại lơ đểnh, nhất là môn vạn-vật vì thế mà năm thi tú tài tôi bị thiếu điểm của cô Toàn. Thật nghiệt ngã.
    Hồi này tôi bắt đầu có thơ trên các báo Sài-gòn.Tết đó tôi viết bài thơ buồn:
                Nói Với Lớp Học
    Dĩ vãng đó xin người đem dấu kín
    Kỷ niệm buồn đứa con nhỏ hoang mê
    Đến với người bằng tháng ngày đông tím
    Bằng hạ buồn bằng thu chết ngất ngư .

    Tôi chong mắt nhìn đời mình ở đó
    Lớp học buồn khuôn mặt lạ trầm ngâm
    Ghế bàn trơ im lìm lên nước gỗ
    Buồn lưng đầy theo từng tháng từng năm .
    ....
    Người về đó xem xóm làng tôi gục chết
    Bầy trâu nghèo lơ lửng bước trong đêm
    Ruộng cằn khô bên từng khoang mạ cháy
    Người bỏ đi nhung nhớ cả trăm miền .

    Xin dung tha một đời tôi vô phước
    Sớm xa người về trong cảnh nát tan ....

   Thời gian cứ mãi trôi đi, đi mãi cho đến một ngày tôi cũng bỏ trường mà đi sau những năm tháng sống cực nhọc, gian khó. Có ai biết đến một đứa con Nguyễn-Hoàng trong bỗng chốc thấy mình cô đơn quá đổi giữa một quê hương đầy súng đạn nghèo đói. Ngày mai không có đường về. Lại những lần ra đứng thơ thẩn bên sông Thạch-Hãn. Nhìn bên kia ẩn hiện ngôi chùa Sắc-Tứ thong thả từng hồi chuông. Những hàng cây liêu xiêu, dòng nước lững lờ.
    Những đứa con xưa của Nguyễn-Hoàng có lẽ đã đơm hoa kết trái trên vạn nẻo đường. Tiếp nối mãi về một thân tình ấm áp, mãi cầm tay nhau cho dù tuổi đời đã sửa soạn về chiều. May thay vẫn còn lại những trái tim người đầy nhân ái và đậm đà thủy chung tình bạn, tình thầy trò.

     Đoạn viết này xin được gởi đến cô Thanh để nhớ đến một đứa học trò đã từng khốn khó.

      Những tháng ngày đói ốm, cơm thừa cá cặn lại diễn ra với đời sống thiếu thốn ăn nhờ ở đậu. Đến nổi tôi không có một bộ đồng-phục, quần-xanh-áo-trắng  để đi đến trường mà mặc toàn đồ cũ xì.Thầy cô hàng ngày đã nhẵn mặt tôi, một đứa học trò nghèo khó. Lần tôi nhớ nhất là lần cô giáo Thanh-dạy Pháp-văn, sinh-ngữ phụ gọi tôi lên trả bài nhưng tôi không biết một cái gì cả. Cô bảo tôi ở lại sau giờ học, sau khi tôi trình bày về hoàn cảnh thiếu đói đi làm gia-sư nên không có đủ sức để học. Cô thông-cảm và bảo ban tôi như một người chị với đứa em có cảnh đời tội-nghiệp cho dù nghèo khó vẫn ham muốn đến trường đến lớp. Đã nhiều lần cô tìm cách giúp đỡ tôi. Thế hệ Nguyễn-Hoàng dường như ai cũng biết cô Thanh. Những cảm thông của cô đã chắp cánh cho tôi sau này bay lên với cuộc đời vốn không hề bình-dị.
        Lại những lần đổ quân bên sân bay dã chiến cạnh trường. Chiến cuộc hồi này đã ác liệt. Những tiếng nổ đêm đêm vọng về thành-phố. Tiếng đại-bác gầm rú đêm ngày tù phía rừng núi. Những xác chết những thương binh ngập ngụa mùi tử khí.
      Tôi hỏng tú-tài năm đó và chỉ có hai cách là lên rừng hoặc bị động-viên-trừ-bị vì hồi này miền Nam rất cần những tấm bia người đỡ đạn ngoài mặt trận cho một chính-quyền vốn rệu rã ...
      Ngày tháng rồi cũng đi qua, nhiều lần tôi đã về ngồi lại bên sông, bên chiếc cầu tre gảy nhịp nhìn dòng nước chảy, nhìn bóng chiều tà đậu dài hai bên bờ ngẫm nghĩ đến đời mình cho đến khi chiều tối.Tôi vốn sinh ra nơi quê nghèo, nơi đây ngày xưa ăm ắp những tiếng hò mái nhì mái đẩy, gạo trắng trăng thanh, thế nhưng sau chiến cuộc mọi chuyện đã đổi thay không còn nữa. Biết đến bao giờ, đợi đến bao giờ cho quê nhà thay da đổi thịt.
      Quê ơi cứ hẹn một lần về.

3-
VÀO ĐỜI  

       Khi qua khỏi cầu Mĩ-chánh, ngã ba con lộ không vui là quê làng tôi. Hơn bốn mươi năm trước trường Trung-học Hải-lăng nằm sát bên con đường đó đối mặt với huyện lị Hải-lăng với hàng kẻm gai chằng chịt. Năm 1961, trường được xây trên bãi cát mọc đầy xương rồng lẩn hoa mua sim dại. Hàng dương dập dìu trước gió, trống trường điểm từng hồi. Tuổi thơ bồng bềnh phiêu hốt về một ngôi trường bé nhỏ nép mình trong thời buổi chiến-tranh loạn lạc.
      Tôi trở về đây, chốn xưa đã thành một khu mới.Giữa ngã ba đi về khi xưa không tìm đâu dấu vết của ngôi trường cũ. Ngày đó thời bé nhỏ ngày hai buổi đi về cùng bè bạn thầy cô chung vui trường lớp, xẻ chia đau thương mất mát một thời súng đạn .Trong nổi đau chung của Hải-lăng từ cuộc chiến huynh-đệ tương tàn trong đó có ngôi trường mẹ Hải-lăng.
     Ngày ấy làm sao nói hết những chiều thu hạ đến xuân đông ở phố nhỏ Diên-sanh lạnh buồn. Ở giữa ngã ba đường quốc-lộ băng ngang là những mái ngói của một thị trấn nhỏ buồn. Ở dưới gốc đa già là bến xe nho nhỏ hằng ngày đi về tỉnh lị. Bên cạnh đó là ngôi đình làng trầm lặng với những cây bàng lớn hơn vòng hai người ôm. Những buổi lên lớp nắng xiên mai chiều cát gió, một tiếng trống, một tiếng còi tàu để lại cô quạnh thêm cho con phố nhỏ. Ở nơi đó những Lộc, Hoa của Mai-đàn, Tục, Tiếp của Trung-đơn đã đi qua và đã nằm xuống. Một thế hệ buồn!
      Ngôi trường bị xóa bỏ từ mùa hè đỏ lửa 1972, sau đó thì vĩnh viễn chết ở cái huyện lị nghèo này. Những cánh chim bay không mỏi mãi nhớ về trường xưa. Ở đó tôi vẫn nhớ về từng hồi chuông nhà thờ đổ trong những mùa giáng-sinh từ nhà thờ cha Minh, tiếng chuông ngân nga tít mãi tận đồi cát bên kia. Đã chết đi những bóng hình xưa cũ, còn chăng chỉ còn lại những đám mây trời trôi ngang qua đầu.
     Cảnh cũ muôn năm đi vào cổ-tích của nhớ nhung hoài niệm.

Huy Uyên
(1961-2015)


READ MORE - KÝ ỨC QUÊ NHÀ - tản mạn của Huy Uyên