Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, November 24, 2018

ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY: ĐƯA DÂU QUA CẦU BẾN HẢI - Phạm Xuân Dũng đọc thơ Cảnh Trà



Phạm Xuân Dũng

ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY:
ĐƯA DÂU QUA CẦU BẾN HẢI

Một buổi mai nắng vàng hoa ngâu
Đám cưới đưa dâu qua cầu Bến Hải
Cầu vừa bắc xong
Sơn còn tươi rói
Đôi bờ xanh lúa mới ngậm đòng
Nhìn lại họ qua cầu mà nước mắt rưng rưng
Mà sung sướng vui tràn như trẻ nhỏ
Chàng trai Vĩnh Linh cưới cô gái đất Cùa, Cam Lộ
Sông tưng bừng nhìn đôi lứa thương nhau
Gió lâng lâng con sóng vỗ chân cầu
Mà thắt ruột câu hò xưa tê tái
Bước chân Hiền Lương sao đường nghẽn lại
Đáo tới Bến Hải sao gác mái tình duyên…
Đám cưới hôm nay cũng tự nhiên
Như là hoa, là lá
Như là chị lấy chồng, như là tôi lấy vợ
Mà hay chưa, bỡ ngỡ như chiêm bao
Tôi nhìn sông, nghe sông chảy rì rào
Ai hát đó tưởng như mời tôi hát
Ngắm mây bay tôi thấy trời bát ngát
Chân người đi rộn rịp quá người ơi!
Không chỉ là tôi, ai cũng thế, bồi hồi
Ai cũng thế, niềm vui này tột đỉnh
Chúng ta đã trải qua ngàn trận đánh
Để bây giờ đất nước được vẹn nguyên
Cho con đò khỏi “gác mái tình duyên”
Và chiếc cầu, “chặng đường thôi nghẽn lại”
Chừng vui quá nên cô dâu bối rối
Mắt thẹn thùng, chen trong đám chị em
Tóc cài hoa với chiếc áo thanh thiên
Mới nắng đó mà đỏ lừ đôi má
Chàng trai bâng khuâng tay đung đưa trong gió
Sông long lanh nước sóng sánh đôi bờ
Tiếng nói cười như chim hót sau mưa.

                                                           CẢNH TRÀ

Chỉ ít tháng sau ngày nước nhà thống nhất, năm 1975 có một bài thơ hay ra đời khi cả nước hân hoan trong niềm đại đoàn viên sau hơn hai mươi năm cách trở. Đó là bài thơ “Đưa dâu qua cầu Bến Hải” của nhà thơ Cảnh Trà, phóng viên Đài phát thanh Giải phóng, đạt giải bài thơ hay nhất nhân kỷ niệm tạp chí Văn nghệ Giải phóng ra 100 số báo.

Tác giả viết bài thơ này ngay tại thôn Hiền Lương khi chiếc cầu mới vừa nối lại Nam-Bắc một nhà:“Một buổi mai nắng vàng hoa ngâu/Đám cưới đưa dâu qua cầu Bến Hải/Cầu vừa bắc xong/Sơn còn tươi rói”.

Mở đầu bài thơ là khung cảnh thời bình, một buổi sáng an lành khi đón nhận tin vui đám cưới qua sông. Chắc sẽ chẳng có điều gì đáng nói nhiều nếu như dân tộc này không kinh qua bể dâu thế sự. Nên đây chính là đám-cưới-ước-mơ suốt mấy mươi năm nơi đụng đầu lịch sử. Những ngày tháng dòng sông nghèn nghẹn không thể trọn vẹn đôi bờ vì nỗi đau chia cắt đất nước, vì chiến chinh tàn phá, hủy diệt mọi ước vọng thanh bình, hạnh phúc. Chính vì lẽ đó mà một điều tưởng chừng rất đỗi bình thường ở hết thảy các vùng quê lại trở thành “sự kiện” trong thơ. Điều bình thường đã hóa thành điều khác thường khi hòa bình như một giấc mơ đi xa mới quay về với người dân đất Việt. “Đôi bờ xanh lúa mới ngậm đòng/ Nhìn lại họ qua cầu mà nước mắt rung rưng/ Mà sung sướng vui tràn như trẻ nhỏ/Chàng trai Vĩnh Linh cưới cô gái đất Cùa, Cam Lộ/Sông tưng bừng nhìn đôi lứa thương nhau/Gió lâng lâng con sóng vỗ chân cầu”. Chao ôi, khó lòng nói hết cảm xúc sau màu xanh đầu tiên khi đám cưới đưa dâu qua cầu Bến Hải. Cảnh vật xung quanh từ đồng lúa xanh cho đến nước dưới chân cầu như được phục sinh, như vừa trẻ lại hoan hỉ đón mừng cảnh tượng quen thuộc đã vắng bặt trên chiếc cầu lịch sử trong suốt hai mươi năm cách biệt. Chiến tranh dưới góc nhìn về sự tàn bạo của nó không chỉ hiện ra với lưỡi hái tử thần mà còn xa lạ với khái niệm hạnh phúc lứa đôi, một hạnh phúc vốn dĩ rất đỗi đời thường mà ai cũng có và cũng muốn. Vậy nhưng đã có một thời: “Mà thắt ruột câu hò xưa tê tái/Bước chân Hiền Lương sao đường nghẽn lại/ Đáo tới Bến Hải sao gác mái tình duyên”. Cũng chính vì lẽ đó mà hãy trả lại cho cuộc đời này những gì thanh bình, quen thuộc như cuộc đời sinh ra vốn vậy, ấy là hòa bình và khát khao hạnh phúc. Để không còn cảnh bờ Bắc, bờ Nam, để chàng trai từ Vĩnh Linh có thể cưới một cô dâu vùng quê Cam Lộ mà không còn lo chuyện chia ly, mà có thể đàng hoàng đưa dâu qua cầu Bến Hải: “Đám cưới hôm nay cũng tự nhiên/Như là hoa, là lá/Như là chị lấy chồng, như là tôi lấy vợ/ Mà hay chưa, bỡ ngỡ như chiêm bao”.

Giá trị nhân văn của bài thơ là nói lên tiếng lòng của người Việt Nam về ước nguyện hòa bình, hạnh phúc, vì chiến tranh là trái với lẽ tự nhiên và mang nhiều nguy cơ phi nhân tính. Bởi vậy, qua đằng đẵng ngăn cách nên khi chứng kiến một đám cưới, ai nấy đều ngỡnhư mình đang mơ một giấc mơ.

Bài thơ kết thúc với một cảm nhận về khung cảnh làng quê trong tình cảm thiết tha, bình dị: “Sông long lanh nước sóng sánh đôi bờ/Tiếng nói cười như chim hót sau mưa”. Với cách khai thác đề tài tưởng chừng bình thường mà độc đáo, Cảnh Trà đã thành công khi sáng tác nên một bài thơ hay, có sức sống lâu bền. Bài thơ dung dị, chân thành và da diết, sâu lắng nên để lại nhiều dư vị trong lòng người đọc, được công chúng văn học gần xa đón nhận. Có thể nói sau ngày nước nhà thống nhất, cùng với bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao, bài thơ “Đưa dâu qua cầu Bến Hải” của nhà thơ Cảnh Trà đã có một cách nhìn khác biệt về chiến tranh và hòa bình bằng tư duy văn nghệ đặc sắc, đầy chất nhân văn. Những tác phẩm như thế thường sống mãi với thời gian.                                                                                                                           
PHẠM XUÂN DŨNG
Nguồn: Quảng Trị Online (baoquangtri.vn).

No comments: