Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, April 5, 2016

VÀ ANH LÀ MẸ! - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân




Tác giả Lê Hứa Huyền Trân



VÀ ANH LÀ MẸ!

Truyện ngắn LÊ HỨA HUYỀN TRÂN


Từ lúc mẹ qua đời anh trở thành trụ cột trong gia đình, từ lúc tôi ra đời, tôi lại trở thành gánh nặng trên vai anh, bởi lẽ ba hay đau yếu thường xuyên, còn anh, anh hãy còn quá nhỏ để gánh vác trọng trách của người đàn ông trụ cột và rồi, giờ, với trách nhiệm của một người anh đang đè nặng trên vai, anh dường như đánh mất hẳn tuổi thơ với những trò chơi đứng tuổi mà thay vào đó, anh phải mang rất nhiều trách nhiệm. Trong đó, dường như vai trò của một người anh với anh lúc này bỗng trở thành gánh nặng bởi tôi chưa lớn, và cũng vì chưa lớn nên tôi đã làm anh đau lòng rất nhiều bởi những nghĩ suy con nít của riêng tôi.

Từ bé, tôi đã thiếu thốn tính thương của mẹ, tôi cần lắm những điệu hò à ơi ru tôi trong giấc ngủ say, tôi thèm lắm được thả mình trong cơn khát sữa của bầu vú mẹ căng tròn và khát khao được mẹ đưa điệu trưa hè nóng nực. Khi biết đi, tôi thèm được mẹ dắt đến trường và chỉ cho tôi kia là thấy, đây là bạn, thậm chí mới biết nói chẳng hiểu sao tôi lại tập được tiếng "mẹ ơi" bập bẹ để rồi ba và anh ứa nước mắt không thành lời, dẫu đó cũng là tiếng "mẹ ơi" duy nhất của tôi. Anh hơn tôi 2 tuổi nhưng chững chạc hơn rất nhiều, khi tôi đương tiểu học anh đã nghỉ học để đi làm bởi ba tôi nằm nhà vì mất sức, dường như bao mệt mỏi và gánh nặng đổ dồn lên vai anh, dẫu ngày đó anh cũng còn thơ bé quá, chưa thể đỡ đần giúp đỡ gì nhiều nhưng cũng nhờ bà con lối xóm, thương gia đình tôi, thương anh, thương cả tôi mà chúng tôi cũng đắp đổi qua ngày. Tôi lên trung học thì bàn tay anh đã chằng chịt những vết chai, anh không còn là cậu bé con ngày nào mà bỗng nhiên lớn bổng, anh thương tôi bằng tình yêu của một người anh lẫn sự dịu dàng của một người mẹ. Thế nhưng dù gì tôi vẫn là một đứa con gái, và dường như là một đứa con gái ai cũng cho phép mình cái quyền được yếu đuối và nhạy cảm trước những biến chuyển xung quanh lẫn những cảm xúc nội tại, và cũng vì là một cô gái, tôi thèm lắm bàn tay của một người mẹ, thèm lắm lời khuyên nhủ, hỏi han, thèm lắm những sẻ chia mà anh, một người con trai sẽ chẳng bao giờ biết và thấu hiểu được, tôi đương bước vào tuổi dậy thì thì những biến đổi trong cơ thể làm cảm xúc tôi không định hình nổi ,tôi yêu thích một cậu trai, tôi lớn bổng lên,hay tôi dễ vui buồn giận hờn đầy cảm xúc tất cả đều làm anh thấy lạ . Lạ có lẽ bởi vì anh không nhận ra tôi đã đổi thay như thế nào dù anh luôn dõi theo tôi kể cả khi anh luôn bận túi bụi ngoài đồng còn tôi bận chơi trò đuổi bắt trên những triền đê. Lạ có lẽ bởi vì tôi đã biết vướng trong những suy tư khờ dại, còn anh thậm chí không có nổi thời gian cho riêng mình khi có cô bé bên nhà nói tiếng yêu thương . Lạ có lẽ bởi vì tôi đã lớn bổng lên không còn là cô em gái nhút nhát ngày nào anh vẫn hay cõng trên vai kể cho tôi nghe những câu chuyện thần tiên cổ tích. Thế nhưng dường như có lẽ bởi anh là con trai, bởi dường như con trai lúc nào cũng hay có tính vô tâm và chẳng nhạy cảm được nhiều như con gái nên cứ dần lớn lên, khi vai trò trụ cột dần trở nên nặng nề hơn khiến vai anh oằn gánh thì cũng là lúc vai trò người mẹ trong anh trở nên nhạt dần.

Bắt đầu bắng những ngượng ngùng khi tôi dùng những vật dụng của người thiếu nữ mà anh thấy đến lúc những tâm sinh lý trong tôi biến chuyển mà tôi chẳng thể nào nói được với anh vì ngại và cũng vì anh không thể nào hiểu nổi, từ những ngượng ngùng khó nói ban đầu trở thành hờn giận, và từ những hờn giận tôi bỗng có những khát khao. Nhiều lúc nhìn anh vất vả đổ mồ hôi ngoài cánh đồng nhưng sự thương yêu anh chẳng thể nào bù đắp nổi cho cảm xúc ganh tị khi thấy cô bạn cùng lớp được mẹ đi họp phụ huynh cho. Nhiều lúc nhìn anh đang quét dọn trong nhà rồi tất bật nấu cơm, cho lợn ăn thì sự thương yêu chẳng thể nào bù đắp nổi khi tôi nghe bạn tôi kể nõ đã khóc trên vai mẹ khi lần đầu đến tháng, hay lúng túng không biết phải giải quyết như thế nào. Và nhất là khi tôi đang yêu thương một ai đó, tôi đương cơn say cảm xúc của chính mình thì anh lại biết và ra sức ngăn cấm tôi vì với anh tuổi nhỏ không được yêu đương, chú tâm vào học , những lúc ấy tôi thèm có được một người mẹ biết bao vì trong cả chân trời tuổi thơ tôi ngày ấy, dường như chỉ có mẹ mới hiểu được tâm tư tình cảm của tôi, còn anh dù có cố gắng cách mấy cũng khổng thể thế thay một người mẹ.

Biến cô xảy ra khi tôi vào lớp 10, ba tôi trở bệnh nặng,vật dụng gia đình dường như bán thốc bấn tháo ,cả tôi ngoài giờ học cũng phải ra đồng giúp đỡ anh dẫu anh luôn đuổi tôi lên bờ để tranh thủ thời gian rảnh mà học. Anh gồng mình làm cả phần việc của riêng tôi. Ngày ấy tôi tự hào về anh lắm, anh là một người đàn ông tốt, một người trụ cột vững chắc. Anh hay kể cho tôi nghe về những buồn khổ trong cuộc đời và tự khuyên nhủ tôi đừng bao giờ trở thành người xấu. Anh không có đủ thời gian dạy tôi như những cuôn sách đạo đức mà anh mang tôi bước vào thế giới của tình thương với những vòng ôm thật chặt, những câu nói lúc anh buồn nhưng lại tràn đầy tình cảm “anh thương bé Ba lắm” hay những lúc anh rơi nước mắt vì nhiều khi người ta dồn anh vào cảnh khốn cùng. Anh làm tôi tự hào bởi tính siêng năng cần mẫn mà theo mấy bà trong làng anh là một chàng trai khá đĩnh đạc và lích sự chứ không phải như đám con trai ngày nay. Dẫu đôi lúc anh cũng thật trẻ con luôn quấn quýt bên em gái hay thậm chí nối quạu với thẳng ranh con nào đấy vô tình làm tôi khóc.

Nhưng cũng trong thời gian ấy, khi tôi quen dần với vai trò của một người con gái trong gia đình cũng là lúc sự thèm khát tình mẫu tử trong tôi nổi dậy mãnh liệt. Có ai đó trong cơn giận vô ý gọi tôi là một kẻ mồ côi,tôi nhớ ngày ấy tôi đã khóc trắng đêm dẫu anh hỏi hoài tôi cũng không nói và anh đã ngồi thức cả đêm đến khi mệt lả rồi ngủ gục. Và khi nhìn thấy anh, dường như bao bức bối trong tôi trỗi dậy, dẫu tôi biết không phải lỗi tại anh, dẫu tôi biết anh cũng chịu nhiêu mất mát như tôi nhưng tôi vẫn không ngừng trách anh, hỏi anh tại sao mẹ lại mất? Tại sao người ta có mẹ tôi lại không? Và rồi tại sao anh không thể làm tốt vai trò một người mẹ mà để em gái mình bị mang tiếng mồ côi rồi đù thứ. Và tôi càng không hiểu sao nhìn bộ dạng câm nín không nói nên lời của anh rồi lại ấp úng nói : “Anh sẽ cố gắng làm một người mẹ bù đắp cho em” thì tôi vẫn có thể tàn nhẫn nói những lời làm anh đau lòng cho được. Kể từ ngày đó anh thay đổi. Anh thay đổi nhiều tới mức tôi không nhận ra đâu là bóng dáng một người anh. Đúng, anh đã hoàn toàn trở thành một người mẹ! Anh chăm sóc tôi hết sức dịu dàng, sẵn sàng tư vấn cho tôi chuyện tình yêu, chuyện bản thân một cách rất tinh ý mà tôi không biết rốt cuộc anh phải đọc bao nhiêu cuốn sách tâm lý, thay đổi bao nhiêu trọng nhận thức để có được sự mềm mỏng , dịu dàng đến vậy. Anh vỗ về tôi trong những giấc ngủ say và thậm chí còn làm những công việc nội trợ thay cho tôi, khuyên lơn tôi hêt như những người mẹ hay làm. Anh thậm chí cũng không còn xuất hiện để bào vệ tôi bằng sự mạnh mẽ của chàng lực điền ngày xưa mà thế thay là những lời khuyên lơn ,dạy bảo .Ai cũng nhận thấy anh thay đổi. Kẻ xấu thi thoảng chậc lưỡi tiếc nuối vì anh đã dần mất đi vẻ mạnh mẽ ban đầu,để bây giờ công việc gì của đàn bà con gái anh cũng làm,kẻ ác miệng thậm chí bảo anh đông bóng,chỉ vài người hiểu cớ sự lại thấy thương anh vô vàn. Nhưng dù ai nói gì anh vẫn làm tròn vai trò một người mẹ trong tôi và “để bé Ba sẽ yêu thương anh hơn,gần gũi anh hơn thì gì anh cũng làm”. Tôi mặc nhiên cho đó là quyền lợi của riêng tôi dẫu cảm xúc anh chẳng bao giờ tôi đoái hoài tới, ừ, vì tôi ích kỉ.

Tôi lên đại học thì ba mất, người con trai mang dáng dấp một người mẹ càng vất vả lo cho cô em ăn học nhiều hơn. Đã đôi ba lần tôi thấy anh ghé mắt nhìn cô hàng xóm để rồi buồn bã nhìn pháo hoa rộn đường, Đã bao lần tôi thấy anh đưa những cô bạn ghé chơi nhà để rồi tôi không ưa anh lại ngậm ngùi từ chối. Đã bao lần vì cần anh che chở,cần cái suy nghĩ là “mẹ đang ở trước mặt” và “một người đàn bà sẽ hiều con gái hơn một người đàn ông” mà đã rất lâu rồi tôi chưa thốt nổi tiếng gọi anh ơi. Và cũng đã bao mùa xuân qua cho tới khi tôi đi lấy chồng anh vẫn luôn làm tròn trách nhiệm mà không nhận ra anh vẫn chưa có một nửa của đời mình. Rồi tôi cũng theo chồng đi xứ khác, anh vẫn mãi chí thú làm ăn thi thoảng gửi tôi ít tiền trang trải cuốc sống vì gia đình tôi cũng chật vật,rày đây mai đó. Mỗi lần về thăm, anh lại hỏi thăm đủ điều, dặn dò đủ thứ cứ như một bà nào đáy mà tôi cũng ngỡ ngàng sao anh kĩ tính hơn cả tôi, Khi thì gói chút quà cho sắp nhỏ, khi lại dặn tôi uống thuốc gì cho căn bệnh đau gan của tôi, khi lại tíu tít ngoài vườn hái đủ thứ rau bắt tôi mang về bằng được cho chồng. Nhiều lúc tôi cũng muốn nói anh hãy lấy một ai đó tựa nương nhưng tôi nhớ lại mình đã ích kỉ như thế nào lại không đủ can đảm để nói, nhiều lúc tôi muốn nói rằng lúc anh đang là “một người mẹ” tôi vẫn thấy anh là “một người anh, một người đàn ông đúng nghĩa” nhưng bởi tính ích kỉ của mình tôi lại không dám nói ra,vì tôi đã bảo tôi cần một người mẹ, và cũng vì sau đó anh làm tốt quá, tôi không dám nói ra, tất cả chỉ tại tôi ích kỉ.

Ngaày anh lấy vợ tóc đã bạc rất nhiều, cô góa trong thôn về gá nghĩa cùng anh xây tổ ấm. Nhìn anh cười hạnh phúc trong ngày cưới tôi chợt cảm thấy tim mình đập mạnh. Phả đến gần cuối đời người anh mới tìm được hạnh phúc của cuộc đời mình, hạnh phúc đến từ tổ ấm riêng. Dường như đọc được suy nghĩ của tôi anh vội lắc đầu, và nhìn tôi thật lâu, nụ cười tươi rạng rỡ hạnh phúc tràn trề.


Tác giả : Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định

Mọi thư từ phúc đáp xin chuyển về địa chỉ : Lê Hứa Huyền Trân, Hội VHNT Tỉnh Bình Định, 103 Phan Bội Châu, thành phố Quy Nhơn, Tỉnh Bình Định

phongtruongtu201@gmail.com


No comments: