Tác giả Phạm Đức Nhì
ĐỌC THƠ LÚC ĐIÊN HAY LÚC TỈNH?
Trong mỗi con người
đều có một Tam Tạng
một Tề Thiên
một Trư Bát Giới
một Sa Tăng
(dù họ có nhận biết điều đó hay không)
Tam Tạng: bản tâm, Tề Thiên: lý trí, Trư Bát Giới: bản năng, Sa Tăng: tình cảm.
Bộ tứ Tam Tạng, Tề Thiên, Trư Bát Giới, Sa Tăng luôn luôn có Tề Thiên xông xáo băng lên phía trước để dọ thám, xem xét. Khi nào nhắm thấy đường xá an toàn rồi Tề Thiên mới ra hiệu cho 3 người kia đi tới.
Người nào may mắn có Tề Thiên thần thông biến hóa, võ nghệ cao cường thì 3 nhân vật còn lại đỡ khổ. Đi đến vùng đất mới có thể ung dung thưởng thức cảnh đẹp, hoa thơm, cỏ lạ. Người nào Tề Thiên “yếu cơ” thì bộ tam còn lại trên đường đi thường phải đối diện với nghịch cảnh và “chấp nhận đau thương”.
Đọc thơ cũng vậy. Nhiều người tưởng lầm là mình có thể ngay lập tức vứt lý trí qua một bên, thả hồn vào bài thơ để cảm, để thưởng thức, để cùng “trôi” theo dòng cảm xúc của tác giả. Thật ra là lý trí đã phải “đi” vào bài thơ trước, dòm ngó trên dưới, trước sau, giải quyết những trục trặc bất ổn, thấy OK thì mới cho phép phần hồn “lặn” vào bài thơ để tìm sự “đồng cảm” với tác giả. Tiến trình “dọ thám” này nói ra có vẻ dài dòng nhưng trong thực tế - nếu dòng thơ chảy hợp tình, hợp lý – thì có khi chỉ trong vài giây ngắn ngủi. Trường hợp lý trí nhận thấy có gì “bất ổn” nó sẽ ra hiệu cho “phần hồn” dừng lại để lượng giá tình hình và đưa ra quyết định có cho “phần hồn” đi tiếp nữa hay không.
Trong bài viết của mình ông Tàn Chiến Cuộc viết: “Tôi nghĩ đọc văn chương thì cái đầu phải hơi ‘điên điên’ một tý. Thì nó mới hay.”
Tôi đồng ý với ông ở điểm này. Nhất là đọc thơ. Cái đầu càng điên thì đọc thơ càng phê, càng thấm. Nhưng cũng nên để lý trí làm nhiệm vụ của nó. Chữ dùng có đúng không? Có chữ, có câu nào “trật bàn đạp” với tứ thơ không? Dòng chảy của thơ có hợp lý, hợp tình không? … . Trong lần đối thoại với một vị lớn tuổi (xấp xỉ 80) có cách đọc thơ giống như ông TCC – đưa cái đầu “điên điên”vào trước. Ông ta ca tụng cách thưởng thức thơ của một chị giúp việc (rất ít học) – không cần hiểu ý nghĩa sâu xa chi cho mệt, cứ ngâm nga cho thơ thấm vào hồn, nếu thấy hay, thấy thích là … sướng.Sau đây là 2 câu đối thoại
Những bài thơ hay hay mà cô thích là thế nào?
Dạ, theo cháu thì đó là những bài ngắn gọn, có vần có điệu, nghe êm tai, dễ nhớ dễ thuộc và cháu cảm thấy với mình nó là rất hay, thích lắm!(1)
Số người nghĩ như vậy không phải ít. Nhưng ngược lại, cũng có rất nhiều người yêu thơ nghĩ khác. Có điều không phải ai cũng có đủ kiến thức, kiên nhẫn để làm công việc rà soát sự hợp tình, hợp lý của bài thơ, tìm ra cái hay, cái dở trong kỹ thuật thơ ca của tác giả. Để hỗ trợ những người có phần lý trí hơi “yếu cơ” (như chị giúp việc) họ yêu cầu giới văn chương “đẻ” ra những ông bà bình thơ.
Một trong những nhiệm vụ của việc bình thơ là nâng tầm thưởng thức của người đọc thơ. Có tý hiểu biết về kỹ thuật, kinh nghiệm bếp núc, các tiêu chí thẩm định giá trị thơ ca, người đọc sẽ không còn ù ù cạc cạc khi nghe hoặc ngâm nga những vần thơ ưa thích mà sẽ tự tin hơn, sảng khoái hơn khi thả hồn vào dòng thơ. Đọc thơ chỉ bằng trí sẽ không thấy hơi nóng của cảm xúc, không “bắt” được hồn thơ, sẽ chẳng bao giờ cảm được cái hay trọn vẹn của thơ. Còn nếu chỉ đọc thơ bằng hồn, không có sự soi sáng của kiến thức thì sẽ như chị giúp việc, một là, lắm khi gặp những tuyệt tác thi ca lại dè bỉu, chê bai, hai là, suốt đời“tự sướng”, sướng mà không biết vì sao mình sướng, miệng ngâm nga những vần thơ “cả đẩn” mà mắt cứ sáng long lanh, mặt rạng rỡ như đóa hoa xuân. Đó là cái sướng của những kẻ “ngu si hưởng thái bình” rất tội nghiệp, rất đáng thương.(1)
Ông Tàn Chiến Cuộc viết tiếp:
Tôi giả định ông Hoàng Cầm hồi nhỏ tới nhà bạn mình chơi. Nhà bạn ông có cô em gái rất xinh, mới 13 tuổi, trong khi ông 19 tuổi. “Nể” bạn, ông không thể nói tao yêu em gái mày! Nhưng ông vẫn trò chuyện với cô em gái, thậm chí muốn “níu” cái tuổi 19 của mình xuống còn… 13 tuổi!
Tôi cũng giả định ông Hoàng Cầm hồi nhỏ tới nhà bạn mình chơi. Nhà bạn ông có người chị lớn hơn ông chục tuổi. “Nể” bạn, ông không thể nói tao yêu chị gái mày! Nhưng ông vẫn trò chuyện với người chị gái, thậm chí muốn “níu” cái tuổi 19 của chị xuống còn… 13 tuổi! Hay “nâng” cái tuổi 13 của mình thành 19 tuổi.
Ông Tàn Chiến Cuộc ơi! Chính vì khi đọc thơ ông đưa cái đầu hơi “điên điên” vào trước, không có sự “dọ thám” của lý trí nên ông đã hiểu chữ “níu” hơi bị sai. “Níu” là kéo lại, giữ lại cái gì sắp vuột mất chứ không phải “ép” cho tuổi 19 thành tuổi 13 hoặc “nâng” tuổi 13 thành tuổi 19.
Cuối cùng ông kết luận:
Cũng như, tôi nghe người ta nói, nếu bây giờ mà ra ngoài chợ mua bó rau có… sâu! Thì lại càng mừng, vì chứng tỏ nó là rau sạch. Tội gì phải “vạch lá tìm sâu”!
Rửa rau mà không vạch lá tìm sâu thì ông cũng lại giống như bà già ăn bánh xèo ở chợ An Đông – đút con sâu tổ chảng vào miêng nhai nhồm nhoàm ngon lành, lại còn gật gù ra vẻ khoái trá. Người “ăn sâu” thì chẳng biết gì đâu nhưng những người xung quanh nhìn cảnh ấy thấy rất … tội nghiệp.
Tôi đã từng “vừa ngu vừa sướng” như thế một thời gian khá dài. Cũng may nhờ những bà chị, những người bạn, những “bậc thầy” vừa ban cho kiến thức vừa nắm tay kéo ra khỏi cái nhóm “đáng thương” đó để gia nhập một nhóm khác “ít đáng thương hơn”. Và rồi theo năm tháng, tôi tìm cách mời gọi, quy tụ chung quanh mình những người yêu thơ trình độ “khá” hơn để trao đổi, bàn luận, và cứ thế từng bậc, từng bậc tự nâng kiến thức và khả năng cảm thụ thơ ca của mình lên.
Bây giờ thỉnh thoảng viết mấy bài bình thơ để trước hết, thỏa mãn cái thú đam mê riêng, sau nữa, gọi là một chút đáp đền ân nghĩa những người đã ra công giúp đỡ, bồi đắp để tôi có điều kiện tự nâng cấp hồn thơ của mình. Và biết đâu những lời bình nhăng tán cuội như thế này lại tiếp tục đem đến những cuộc đối thoại về thơ ca lý thú.(1)
Phạm Đức Nhì