Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, March 12, 2016

Đến với bài thơ hay. NHỮNG BÔNG HỒNG TÁI NHẠT - Thơ H.Hai- Nơ - Lời bình Nguyễn Văn Khánh



Heinrich Heine, tranh vẽ của Moritz Daniel Oppenheim (Chép từ vi. wikipedia)


Đến với bài thơ hay.

NHỮNG BÔNG HỒNG TÁI NHẠT*
                                                                               (H.Hai-nơ.)

Những bông hồng tái nhạt
Em có hiểu vì đâu
Những hoa tím im lặng
Trên cánh đồng xanh màu.

Vì sao trên không trung
Chom sơn ca than khóc
Vì sao đóa hoa tươi
Tỏa một mùi chết chóc.

Vì sao trên cánh đồng
Mặt trời buồn ảm đạm
Sao trái đất quạnh hiu
Mang một màu tang xám.

Vì sao anh đau khổ?
Em hãy nói giùm anh
Em nói đi em hỡi
Vì sao em bỏ anh?

Lời bình

  Tập thơ Bản tình ca của H. Hai –Nơ được ông viết trong hai năm 1822-1823 và xuất bản năm 1823. Đây là tập thơ tiêu biểu của ông. Bên cạnh những bài thơ ngợi tình yêu tuổi trẻ, về hạnh phúc, ta thấy có nhiều bài thơ viết về tình yêu dang dở. Bài thơ Những bông hồng tái nhạt là bài thơ tiêu biểu cho đề tài này. Đây là bài thơ viết trong hoàn cảnh bị người yêu phụ bạc. Từ nỗi đau này, tác giả đã nhìn đời, nhìn cuộc sống, cảnh vật bằng một đôi mắt buồn, một trái tim tan nát với một hồn thơ thống khổ.

  Mở đầu bài thơ là một  khổ thơ viết trong một hoàn cảnh bế tắc, trong cùng cực của một tâm hồn. Chính vì vậy mọi thứ bình thường đã không còn bình thường được nữa.

Những bông hồng tái nhạt
Em có hiểu vì đâu
Những hoa tím im lặng
Trên cánh đồng xanh màu.

  Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du của chúng ta đã từng viết: “Người buồn cảnh có vui đau bao giờ?”. Phải chăng đó cũng là sự đồng điệu của mọi tâm hồn đau khổ trên thế gian này? Như chúng ta đã biết, những bông hồng xưa nay vẫn tượng trưng cho tình nồng thắm vô bờ. Nhưng giờ đây khi mà tình yêu đó đã không còn nữa với nhà thơ. Vì vậy, bông hồng ấy đã trở nên “tái nhạt”, đã chuyển sắc thay màu. Đó là sự lô gíc của tâm hồn khi trái tim đau thương đã nhuốm màu dang dở thì những bông hồng kia đã không còn tồn tại một cách bình thường nữa. Những bông hoa còn đó nhưng không hương, không sắc, nó đã “im lặng”;“ trên cánh đồng xanh màu” và “em có hiểu vì đâu” khi những bông hoa kia vẫn nở, khi anh sống mà chỉ như tồn tại giữa những chua cay, chát đắng của cuộc đời.

  Proverb đã từng nói: “đời là đóa hoa mà tình yêu là mật ngọt” nhưng giờ đây khi đời không còn là hoa và tình yêu không là mật ngọt thì Hai-Nơ đã nhìn cảnh vật, nhìn bầu trời bằng đôi mắt đau thương đổi khác.

Vì sao trên không trung
Chim sơn ca than khóc
Vì sao đóa hoa tươi
Tỏa một mùi chết chóc?
Vì sao trên cánh đồng
Mặt trời buồn ảm đạm
Sao trái đát quạnh hiu
Mang một màu tang xám?

  Ta vẫn biết trong tình yêu, niềm đau lớn nhất đó là tình yêu trong vô vọng. Chính vì vậy mà trong những câu thơ của mình, tác giả đã nói lên niềm đau của chính mình. Vì sao…? Những câu hỏi như day dứt không tiếng trả lời. Tác giả đã liệt kê ra những điều mình thấy, những gì đang nếm trải hay tác giả mượn những hình ảnh thơ ca để nói hộ lòng mình vậy? Trên bầu trời mênh mang, thăm thẳm kia, bấy nay tiếng chim vẫn luôn ca hát, vậy mà giờ đây nó đang “than khóc” giữa cái vô cùng, vô tận của đất trời. Tiếng khóc than ấy liệu trời xanh có thấu hiểu chăng? Và, nỗi lòng anh vậy, em có hiểu nỗi đau mà anh đang nếm trải, em có hiểu trên cánh đồng kia đang đón nhận màu “ảm đạm” của nắng chiều, để rồi “trái đất quạnh hiu”; “mang một màu tang xám

    Đến đây ta thấy nỗi đau của tác giả đã lên đỉnh điểm, những vần thơ sầu thảm đã nói lên điều đó. Khi tình yêu của em dành cho anh đã không còn nữa thì mọi thứ gần như đổ vỡ, mọi thứ  đã trở nên thất vọng. Những gì tin tưởng, những lâu đài tình ái được xây dựng bấy lâu giờ đây chỉ còn là kỷ niệm. Tất cả đã đi xa, đã đi vào quá khứ. Em đã trao anh một niềm đau trọn vẹn, một vết thương lòng không dễ gì hàn gắn.

  Trong ba khổ thơ đầu, ta thấy tác giả đã ba lần nói về hoa. Nhưng nó đã được tăng dần về cấp độ đau thương. Từ “những bông hồng tái nhạt” đến  “hoa tím im lặng” và cuối cùng là “tỏa một mùi chết chóc.”

   Nếu như ở ba khổ thơ đầu tác giả đã dùng ngoại cảnh để miêu tả nội tâm, thì đến khổ cuối cùng tác giả đã đi thẳng vào nỗi đau của chính mình bằng những vần thơ thống thiết.

Vì sao anh đau khổ?
Em hãy nói giùm anh
Em nói đi em hỡi
Vì sao em bỏ anh?

   Sống ở trên đời, ai cũng có một thời tuổi trẻ, một thời để yêu và một thời để nhớ. Ai chẳng mong cho mình có một tình yêu, có được hạnh phúc trọn vẹn. Nhưng trớ trêu thay ở đời tình yêu vẫn thường “long lanh dễ vỡ”. Bên cạnh những con người hạnh phúc vẫn có nhiều người bất hạnh về tình yêu. Chính vì vậy Hai-Nơ mới có những vần thơ thống khổ và tha thiết như thế.

Vì sao anh đau khổ?
Em hãy nói giùm anh.

   Một câu hỏi đầy day dứt, đầy hụt hẫng và thất vọng. Đó là nỗi khổ của chính mình nhưng tác giả không chịu trả lời, mà “em hãy nói giùm anh” bởi nỗi đau của anh chỉ một mình em hiểu, em đã làm anh thất vọng, đã làm anh đau khổ. Em đã đưa anh từ thiên đàng xuống địa ngục, từ tỉ phú giàu sang thành kẻ kiết xác trong tình yêu. Tiếng thơ ấy thật đau đớn nhưng cũng thật nhẹ nhàng dàn trãi.

Em nói đi em hỡi
Vì sao em bỏ anh?

   Đầu khổ thơ tác giả viết “vì sao anh đau khổ” đến cuối khổ thơ lại là một câu hỏi nữa: “vì sao em bỏ anh?”. Ta thấy tác giả không đưa chi tiết  người con gái bỏ mình trước mà là hình ảnh “vì sao anh đau khổ” để từ đó tác giả lần ra nguyên nhân đau khổ của chính mình. Nỗi khổ ấy được bắt nguồn từ tình yêu dang dở, em đã bỏ anh, bỏ lại những tình yêu và hạnh phúc, bỏ lại những kỷ niệm êm đềm để bây giờ còn lại trong anh là một dĩ vãng đau thương, một quá khứ buồn khổ.

  Ơ tình yêu là vậy, nó trớ trêu là vậy, có một thời ta yêu nhau, mến nhau rồi lại phụ nhau, để lại cho nhau là niềm đau vĩnh viễn, một trái tim tử thương, một thân xác rã rời.
  Năm tháng rồi sẽ trôi qua, thời gian có thể hàn gắn vết thương lòng. Nhưng với Hai nơ ta thấy tình yêu đã như là tất cả, thời gian chưa hẳn kéo được lớp da non để hàn gắn vết thương lòng. Bởi trái tim ấy vẫn luôn nhớ, yêu thương và hoài vọng về một mối tình xưa cũ. Điều này đã được thể  hiện trong bài thơ Ánh sao ngời của ông.

Hãy về đây sống bên nhau
Em ơi chớ để anh đau một đời
Anh đây là cả bầu trời
Mà em là ánh sao ngời riêng anh.

  Gần hai thế kỷ trôi qua, mặc dù chúng ta sinh ra ở hai dân tộc khác nhau, hai thời đại khác nhau. Nhưng đọc bài thơ Những bông hồng tái nhạt của Hai- Nơ -một nhà thơ của Đức, ta vẫn thấy được một tình yêu mãnh liệt của trái tim yêu mà không được đáp đền. Một trái tim đã yêu thương hết mình, biết đập vì một người, yêu vì một người.

  Sống ở thời hiện đại bây giờ ta luôn thấy cái nhố nhăng, kệch cỡm của tình đời, khi mà tình yêu vẫn luôn “thay tình đổi nghĩa như cơm bữa” (Nguyễn Bính) ta càng thấy những vần thơ của Hai- nơ đáng trân trọng và đáng quý làm sao. Phải chăng “Nước mắt của tình yêu dang dở sẽ không bao giờ tắt mà nó sẽ biến thành nguồn dầu đốt thắp sáng vô biên” ?

                                                                      
Nguyễn Văn Khánh                                            
Giáo viên Trường THCS Vĩnh Hanh,                                                  
Châu thành, An giang.                                                                         
SĐT:01655225997

_____________________
*Nguyên tác bằng tiếng Đức của Heinrich Heine. Bản Việt ngữ của Tế Hanh. 


No comments: