Tác giả Châu Thạch |
NGHE BÀI
VỌNG CỔ
"ĐẤT
QUÊ TA ĐÂU CŨNG CÓ LINH HỒN"
CỦA TRÚC THANH TÂM
Bài viết: Châu Thạch
Đã giữa mùa
đông. Noel sắp tới. Tôi ngồi trong phòng nghe bài ca vọng cổ "ĐẤT QUÊ TA
ĐÂU CŨNG CÓ LINH HỒN" do nhà thơ Trúc Thanh Tâm sáng tác và được nghệ sĩ
Dương Thanh thể hiện. Hình như giọng ca ấm áp của Dương Thanh làm cho cái lạnh
bớt đi se thắt, vì lời bài ca phát họa một bầu trời quê hương miền Nam lung
linh ánh nắng với hoa lá thắm tươi.
Tôi là người
miền Trung, chưa hề sống lâu ở Nam Bộ. nhưng không phải vì thế mà những bài dân
ca thắm thiết không đi vào lòng tôi, vì những bài ca như thế đến người ngoại
quốc khi nghe âm điệu cũng biết là hay. "Đất quê ta đâu cũng có linh
hồn" là một bài vọng cổ mà nhà thơ Trúc Thanh Tâm đã cô đọng lại bốn bài
thơ tâm đắc mà ông đã sáng tác qua một thời gian dài có đến mười năm.
Đó là bài thơ
"Gió trời Nam" ca tụng quê hương với muôn vàn vẻ đẹp.
Đó là bài thơ
"Đất quê ta đâu cũng có linh hồn" tác giả "đưa em tìm lại quãng
trời thơ ấu" với bao nhiêu chan chứa yêu thương mà "từng hạt bụi cũng
mang niềm trăn trở" trong linh hồn tác giả.
Đó là bài thơ
"Cái Nước" nói về những ngày sống giữa quê hương cùng mẹ cùng cha.
Cuộc sống "dễ thương như hoa mướp, hoa cà".
Đó là bài thơ
"Mười năm" xa cách quê hương mà nhà thơ đã "Mười năm, ai hát bài
thương nhớ/ Để thắt lòng ta chút tình hồng".
Cả bốn bài thơ
không khác chi những khúc dân ca vọng qua thôn làng, vọng qua cánh đồng mang
làn gió tinh trong của hương đồng cỏ nội, chuyển tải vào lòng ta hương sắc ngọt
ngào, dậy lên trong hồn ta niềm vui thanh khiết.
Trúc Thanh Tâm
đã chắc lọc ngôn ngữ tinh luyện trong thơ của mình để sáng tác thành bài vọng
cổ "Đất quê ta đâu cũng có linh hồn". Nhờ đó mà mỗi dòng ca từ mang
trọn vẹn một ý nghĩa và mỗi đoạn trong bài ca bày tỏ một giai đoạn của đời mình.
Mở đầu ca
khúc là phần ngâm thơ, tác giả dùng hai vế của bài thơ "Mười năm" :
Mười năm, ai hát bài thương nhớ
Để thắt lòng ta chút tình hồng
Từng tiếng thời gian như đọng lại
Một màu huyền diệu của đêm trăng
Nước vẫn trôi êm qua mùa đổ
Óng ánh phù sa bên lở bồi
Cánh cò trăng trắng in màu trắng
Mắt vẫn đưa tình thuở rong chơi
Ở vế thơ thứ
nhất tác giả cho thời gian mười năm đọng lại trong màu trăng. Thời gian không
có tiếng, trăng cũng không có tiếng, "Từng tiếng thời gian" ở đây là
từng tiếng thổn thức trong con tim tác giả. Tiếng thổn thức đó đã được thể hiện
ra trong sự huyền diệu của ánh trăng về đêm.
Vế thứ hai
của bài thơ tác giả vẽ được thời gian qua hình ảnh "Nước vẫn trôi êm
qua mùa đổ" trong bức tranh về quê hương đẹp vô cùng với "óng
ánh phù sa" với "cánh cò trắng"…và thi vị vô cùng khi trong bức
tranh đó, có "mắt vẫn đưa tình" của em theo suốt thời gian.
Chính từ mỗi câu
thơ của tác giả đã vẽ lên một hình ảnh sống động cho nên khi ngân lên người
nghe như thấy được dòng phù sa hùng vĩ, cánh cò trắng nên thơ, ánh trăng đêm
huyền diệu và trên tất cả hình ảnh đó là đôi mắt em bao quát như đôi mắt trong
bài thơ "Đôi mắt người Sơn Tây" của nhà thơ Quang Dũng.
Qua phần
vọng cổ âm điệu được chuyển tông, ca khúc thể hiện dồn dập niềm vui. Nhà thơ
"đưa em về tìm lại quãng trời thơ ấu, chiếc cầu khỉ và con mương nhỏ,
trăng phương Nam trai gái vẫn ươm tình…". Rồi bao nhiêu khung cảnh tươi
vui rộn rã hiện lên theo giọng ca truyền cảm. "Sông chở phù
sa", "nón nghiêng nghiêng tóc xõa hẹn hò”, "ngày mùa mở hội
hừng đông", "hạnh phúc cuộc đời còn những tà áo trắng tung bay".
Câu vọng cổ như
một màn hoạt hình trình diễn bao nhiêu sắc màu quê hương với dòng nhạc vút cao,
vút lên rộn ràng vui vẻ, khiến người nghe cũng thấy háo hức trong lòng theo
từng cung bậc của lời ca mà nghệ sĩ Dương Thanh thể hiện. Đoạn vọng cổ nầy tác
giả rút ý từ hai bài thơ "Gió trời nam" và "Cái Nước".
Ca khúc đến đây
lại được chuyển tiếp qua vế ngâm thơ. Phần nầy tác giả dùng vế chót của bài thơ
"Mười năm" để thổ lộ tâm can của mình :
Ta thương ta lắm đêm viễn xứ
Mười năm cay đắng một chút đời
Mười năm, nước mắt thành rêu vỡ
Ôm đời ấm lạnh trước gương soi
Mười năm với
biết bao nhiêu da diết trong lòng. Mười năm ấy, nước mắt đã đóng thành rêu
nhưng không phải thành từng mảng rêu như những phiến sầu mà rêu đó còn vỡ ra
như trái tim ta nát. Chữ "vỡ" không còn là động từ, nó đã trở thành
hình tượng thể hiện cho nỗi đau mà nhà thơ đã gánh chịu.
Thế rồi bước vào
phần ca vọng cổ tiếp theo, tác giả cô đọng bài thơ "Đất quê ta đâu cũng có
linh hồn". Đây là một bài thơ chan chứa tình yêu quê hương, trải ra trong
hai câu 5 và 6 của phần vọng cổ. Lời ca đồng vọng lời của quê hương vô cùng ấp
áp: "Anh đưa em về với hương đồng lúa trổ, đất quê ta đâu cũng có linh
hồn", "Rượu đế nâng ly bạn bè chung vui, nước dừa ngọt lịm mát lòng
trưa nóng bỏng", "cá lóc nướng trui", "rau đắng vị
ngọt", "Ai gọi ai giữa chiều quê êm ả, hay tiếng đời rất khẽ với
riêng ta".
Từ bốn câu thơ
buồn chuyển qua phần vọng cổ với ca từ tràn ngập niềm vui trong lòng, ấm áp
linh hồn của đất quê ta, người nghe như được mở cánh cửa để nhìn cả bầu trời
với hương và hoa tươi thắm.
Để kết bài vọng
cổ, nhà th đã đưa bốn câu thơ như có tác dụng kéo dài dư âm, kéo dài hương vị
đang có trong lòng người :
Thời gian dấu chấm hững hờ
Đâu màu mắt tháng giêng xưa gió lùa
Lên trời sợi khói vu vơ
Trời già mưa nắng tình ta chung tình
Đầu bài vọng cổ
thời gian đọng lại trong màu trăng, cuối bài thì thời gian chỉ còn là dấu chấm
hững hờ. Hai hình ảnh đó đều thể hiện cho sự phôi pha, giống như màu mắt, màu
khói, bị cơn gió lùa lên trời tan biến mất.
Đoạn thơ kết thật lãng
mạn tuyệt vời, nó như một vòm cong thanh bai lóng lánh bởi những từ "màu
mắt", "tháng giêng", "gió lùa", "sợi khói", "vu
vơ" đã đưa chúng ta đến những ngây ngất trong dịu êm không thể diễn tả hết
bằng lời.
Để dứt câu 6 của
bài vọng cổ, nhà thơ hạ bút bằng câu thơ độc đáo để bài ca thêm có hậu:
"Trời già mưa nắng tình ta chung tình".
Bài vọng cổ "Đất
quê ta đâu cũng có linh hồn" được nhà thơ Trúc Thanh Tâm sáng tác, theo
tôi là rất thành công. Thành công vì từng quãng đời được thể hiện qua từng đoạn
của bài ca tạo ra yếu tố bất ngờ trong kịch tính. Thành công vì nhà thơ dùng
cảnh vật thật để miêu tả quê hương mình và lồng vào đó diễn đạt tình cảm thật
của lòng mình.
Từ đó triết lý
sống được nhà thơ gởi vào nhẹ nhàng trong ca từ. Người nghe ca khúc hay người
đọc lời ca không cần chiêm nghiệm mà tự nhiên cảm thấy trong lòng mình có bàn
tay êm ái của quê hương vuốt ve, dậy lên trong con tim tình cảm mến yêu, lời
thề chung thủy với quê cha đất tổ của mình .
CHÂU THẠCH
( Đà Nẵng )
No comments:
Post a Comment