Tác giả Tuệ Thiền
GẶP LẠI CHÍNH MÌNH
Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)
Gặp lại mình giữa tâm vô ngôn
Dừng bước lang thang – bặt tâm
hành
Quên thuở vô minh theo huyễn ngã
(Cái “tôi” hư ảo cõi phù vân)
Quán tâm: vọng tưởng hóa chân như
Tuệ giác chiếu soi vạn nẻo đời
Hòa ánh Tâm Kinh vào tục lụy
Truyền đăng tục diệm chốn luân
hồi (*)
Gặp lại mình giữa lúc định tâm
Im bặt nói năng tận đáy lòng
Giải thoát bao si mê chấp thủ
(Cái “tôi” mộng mị cõi vô thường)
Quán vọng tâm: hiện tiền chân ngã
Tịch lặng vầng trăng – sáng cửa
thiền
Tri ngộ Tâm Không là diệu hữu
Tịnh độ khơi nguồn giữa đảo điên
Gặp lại chính mình – thôi quẩn
quanh
Thôi lang thang cỏ nội mây ngàn
Gương đối gương: bổn lai diện
mục… (**)
Kính chào thánh thót tiếng chim
xuân!
---
Kính mời đọc thêm:
Thơ Thiền
& Ý Kinh
Đọc bài thơ Hữu Không của Thiền sư Từ
Đạo Hạnh:
“Tác hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu không như thủy nguyệt,
Vật trước hữu không không”. (***)
Thơ thiền thì khế hợp ý kinh. Tôi xin
nêu vài ý kinh.
-“Tác hữu trần sa hữu”: “Tam giới duy
tâm, vạn pháp duy thức”.
-“Vi không nhất thiết không”: “Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức… (đến) vô
trí diệc vô đắc”.
-“Hữu không như thủy
nguyệt”: “Dĩ vô sở đắc cố”. (Không thể nắm bắt được thủy nguyệt).
-Câu cuối cùng, tôi
mạn phép thêm cái dấu “:” và viết hoa chữ “Không” cuối bài.
“Vật trước hữu không: Không”: “Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt hiện tiền”.
(Tịch Diệt hiện tiền: Tâm Không hiện tiền, Tánh Không hiện tiền).
------------
Ghi chú:
(*): Truyền đăng tục
diệm: truyền đèn tiếp lửa.
(**): Bổn lai diện
mục: Mặt mũi xưa nay; khuôn mặt nghìn đời.
(***):“Có thì có tự may may,
Không thì cả thế gian này cũng không.
Kìa xem bóng nguyệt lòng sông,
Ai hay không có, có không là gì!”
(Phan Kế Bính dịch).
No comments:
Post a Comment