VỀ KẾT THÚC TRUYỆN TẤM CÁM
CỦA NGƯỜI VIỆT
CỦA NGƯỜI VIỆT
Trong
kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, truyện Tấm Cám là một truyện được đông đảo
nhân dân ta biết, chẳng những thế, mô-tip/kiểu này hầu như nhân loại đều hình
thành, sáng tác thành những truyện nổi tiếng với các tên gọi Cô Lọ Lem, nàng
Tro Bếp, Tấm Cám. Bởi những truyện này phản ánh, bao hàm hiện tượng xã hội
chung của đời sống con người: hiện tượng dì ghẻ con chồng. Và tác giả dân gian
bao đời luôn dành cho Tấm tình cảm ưu ái; dù muôn đắng ngàn cay, chết đi, hóa
thân sống lại, rốt cuộc Tấm vẫn trọn vẹn hạnh phúc. Hơn thế nữa, một số tác giả
thơ, nhạc hiện đại, một vài bài phát biểu, một số M.C các chương trình… thỉnh
thoảng vẫn lấy hình tượng Tấm làm cảm hứng sáng tác, lời dẫn cho mình: hiền dịu
như Tấm, lam làm như Tấm, lẩn khuất đâu đó cô Tấm dịu hiền, Cô Tấm ngày nay…
Đương nhiên rằng cô Tấm là tội nghiệp, đáng thương vì những oan nghiệt do mẹ
con dì ghẻ gây ra rồi. Trong thể loại ca dao cũng đúc kết: Mấy đời bánh đúc có
xương… Với cách nhìn nhận biện chứng thì không phải tất cả mọi dì ghẻ trên đời
đều ác cả. Chúng ta nhớ lại phim Dì ghẻ của Liên Xô trước đây xây dựng nhân vật
dì ghẻ thật nhân từ, tràn đầy tình thương yêu con chồng.
Bài
này chỉ luận trong phạm vi truyện Tấm Cám, và chỉ đề cập đến kết thúc truyện
liên quan số phận mẹ con Cám mà thôi; đồng thời đặt nó trong hệ thống truyện
theo mô-tip Tấm Cám của một số dân tộc.
Cốt truyện theo mô-tip Tấm Cám
của các dân tộc thường giống nhau, ở đây tôi xin nhấn mạnh là truyện các dân
tộc ở phương Đông hay trời Tây đều có chi tiết chiếc giày của Tấm xuất hiện, kỳ
lạ thay; còn sự khác nhau là những chi tiết tùy theo đặc điểm cuộc sống, phong
thổ, quan niệm tâm linh để sáng tạo ra người phò trợ Tấm như: Bụt, Thánh Thần,
Người tóc xõa, cô Tiên, thậm chí người mẹ hóa thân thành bò cái hoặc thành chim
về giúp… Nhưng đáng chú ý hơn là kết thúc truyện liên quan mẹ con dì ghẻ và
nhất là thái độ hành xử của Tấm.
Trước hết chúng ta xem một số
truyện như sau:
- Truyện Nàng Diệp Hạn (do Đoàn
Thành Thức, đời Đường ghi chép từ thế kỷ thứ IX). Đây là một truyện ghi chép rất
sớm. Nội dung truyện đại lược như sau:
“Tương truyền khoảng trước đời
Tần Hán có người chúa động họ Ngô ở phương Nam, lấy hai vợ, người vợ cả sinh
đựơc một cô gái tên là Diệp Hạn rồi chết. Sau đó cha Diệp Hạn cũng chết. Mụ dì
ghẻ hành hạ cô, thường sai đi hái củi ở những nơi núi rừng nguy hiểm và gánh
nước ở những chỗ khe sâu”
Sau đó truyện dẫn dắt việc Diệp
Hạn bắt cá nuôi => dì ghẻ lừa Diệp Hạn giết cá ăn => người tóc xõa chỉ
chỗ chôn xương cá bày Diệp Hạn đem về chôn trong buồng => ngày hội, mẹ con
dì ghẻ sai giữ nhà, giữ vườn => Diệp Hạn cầu xin xương cá cho áo lụa, giày
vàng => Diệp Hạn đi hội => gặp dì ghẻ, Diệp Hạn sợ hãi bỏ chạy rơi chiếc
giày => có người nhặt được bán cho vua nước Đà Hãn. Tiếp đó truyện kết thúc:
“Nhà vua sai phụ nữ khắp cả nước đi thử giày nhưng không một ai đi vừa; sau tìm
được Diệp Hạn thì cô đi vừa ngay. Diệp Hạn mặc áo đi giày, đẹp như người trời.
Nhà vua liền đưa cô cùng nắm xương cá về cung. Còn hai mẹ con mụ dì ghẻ thì bị
đá bay tới đánh chết…”(1).
- Truyện Ta Gia - Ta Luân của dân
tộc Choang có nội dung như sau:
Ta Gia là cô gái người Choang mồ
côi bị dì ghẻ bạc đãi => Mẹ cô hóa thân thành bò cái ăn vỏ gai thải ra lụa
trắng => Dì ghẻ biết chuyện giết chết bò => Quạ mách bảo Ta Gia chôn
xương bò => ngày hội, Ta Gia bị dì ghẻ và con gái dì là Ta Luân sai giữ nhà => Quạ bảo Ta Gia đào đất áo lụa, vòng vàng, giày vàng => Ta Gia đi hội
đánh rơi giày xuống cầu => công tử con chúa động nhặt được treo ở hội => Ta Gia nhận lại giày => kết hôn công tử => Ta Gia về thăm nhà bị giết, Ta
Luân mạo nhận là Ta Gia về với công tử => chim quạ chế nhạo Ta Luân bị bỏ
vào nước sôi => nước sôi chế nhạo Ta Luân bị hất đổ ngaòi cửa => chỗ đó
mọc cây tre => cây tre móc đầu tóc Ta Luân bị chặt đốt => bà già nhặt
lóng tre làm ống thổi lửa => ống thổi lửa hóa thành cô gái thành con nuôi => nhà công tử ăn gà bị mèo vồ đùi gà chạy đến nhà bà già => công tử đuổi
đến nhà bà già thì gặp vợ cũ mình là Ta Gia sống lại.
Truyện kết thúc: “Thế là vợ
chồng, mẹ con đoàn tụ cùng nhau về nhà. Ta Luân thấy Ta Gia trẻ đẹp trắng trẻo
hơn trước, bèn hỏi Ta Gia xem làm thế nào được vậy? Ta Gia nói là nhờ người
khác bỏ vào cối mà giã. Ta Luân vào nằm ngủ trong cối gạo, rồi bảo mẹ nó giã;
chày vừa nện xuống thì Ta Luân chết luôn. Mẹ nó tức uất lên cũng chết nốt”(2).
Truyện Ta Gia - Ta Luân này có 2
dị bản:
- Bản trong Từ điển truyện kể dân
gian Quảng Tây cũng có những tình tiết như bản ghi của Lam Hồng Ân. Cũng từ tre
bà lão nhặt về làm ống suốt khung cửi. Bà lão bắt gặp cô gái và nhận làm con.
“Cô gái đó chính là Ta Gia, nhờ bà lão giúp đỡ, cô gặp lại chồng và con trai,
cả nhà lại đoàn tụ. Hai mẹ con Ta Luân thì biến thành hai con chim mà ai thấy
cũng ghét”(3).
- Bản do Qua Vĩ ghi: khi chết dì
ghẻ hóa thành chim kêu: “hại người hại mình”.
- Thú vị là truyện Chị Tấm em Cám
của tộc người Kinh ở Trung Quốc (tiếng Hán Mễ Toái thư hòa Khang muội). Người
Kinh là người Việt di cư sang Trung Quốc vào năm 1511. Về căn bản giống truyện
Tấm Cám ở Việt Nam ,
có khác một số chi tiết quan trọng so với truyện ở ta: không có ông Bụt giúp mà
chính mẹ Tấm hóa thành chim ngầm giúp Tấm, kết cục không có chuyện Tấm trả thù
mẹ con nhà Cám. Chi tiết chị Tấm bị hành hạ => mẹ biến thành chim ngầm giúp => Tấm hát hay, vua tìm đến => Dì ghẻ đuổi Tấm đi => Tấm rớt giày hoa,
quân nhà vua nhặt được => dì ghẻ lừa đưa Cám về làm vợ vua => Tấm bị đầu
độc chết chôn ở cánh đồng => Mộ Tấm mọc cây la thi (cây thị) => bà lão
xin thị rụng xuống vạt áo bà => Trái thị hóa thân của Tấm giúp bà lão cơm
canh => nhận nhau làm mẹ con => biết sự thật bà lão đi báo vua => vua
đến gặpTấm đưa bà lão và Tấm về cung…
Kết thúc như sau: “Vua đòi mụ dì
ghẻ đến hỏi chuyện. Mụ ta nói: Nếu bệ hạ tìm được một cô Tấm thứ hai thì mẹ con
tôi xin chịu lửa thiêu dầu nấu”. Nhà vua liền sai đun sôi vạc dầu, rồi gọi Tấm
lên điện. Thế là hai mẹ con nhà Cám sợ quá kêu thất thanh, rồi ù té bỏ chạy”.
Có bản kể là: “Hai mẹ con mụ dì
ghẻ sợ quá ngã quỵ xuống ngất xỉu”(4).
Đó là những kết của những truyện
kiểu Tấm Cám. Thế giới truyện cổ tích vô cùng phong phú, bởi đó là sức tưởng
tượng của dân gian, vô cùng đa dạng, bởi đó là truyền khẩu, tam sao nên nhiều
dị bản… Thế thì ở đây kết thúc truyện, hay như ngày nay chúng ta thường nói:
Tấm ổn rồi, còn số phận mẹ con Cám thế nào? Và qua những truyện vừa kể trên,
không có chuyện Tấm có hành vi trả thù, ngay cả truyện Ta Gia - Ta Luân của dân
tộc Choang, Tấm cũng ở mức: “... thấy Ta Gia trẻ đẹp trắng trẻo hơn trước, bèn hỏi
Ta Gia xem làm thế nào được vậy? Ta Gia nói là nhờ người khác bỏ vào cối mà
giã. Ta Luân vào nằm ngủ trong cối gạo, rồi bảo mẹ nó giã; chày vừa nện xuống
thì Ta Luân chết luôn. Mẹ nó tức uất lên cũng chết nốt”.
Thậm chí chúng ta còn nhớ mô-típ
Tấm Cám khi lên phim Ba hạt dẻ dành cho Lọ Lem, các nhà làm phim CHDC Đức đã
tuân thủ kết cuộc có hậu. Lọ Lem cuối cùng là vợ của Hoàng Tử. Còn trong các
bản dịch Cô bé Lọ Lem thì Lọ Lem nhân hậu, sau khi kết hôn với Hoàng Tử đã tha
thứ cho dì ghẻ, gả chồng cho hai em con dì ghẻ. “Lọ Lem vốn vừa đẹp vừa nhân
hậu. Cô cho hai em ở trong hoàng cung và gả ngay hôm ấy cho hai vương hầu trong
triều”(5).
Như thế chúng ta xem lại truyện
Tấm Cám trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam do Nguyễn Đổng Chi công bố: nội
dung và tình tiết truyện thì ai cũng biết, song chúng tôi xin trích lại phần
kết thúc truyện để chúng ta xem xét: “Cám thấy Tấm trở về và được vua yêu thương
như xưa thì nó không khỏi sợ hãi. Một hôm Cám hỏi chị:
- Chị Tấm ơi chị Tấm, chị làm thế
nào mà đẹp thế?
Tấm không đáp, chỉ hỏi lại:
- Có muốn đẹp không đẻ chị giúp!
Cám bằng lòng ngay. Tấm sai quân
hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố, rồi sai
quân hầu dội nước sôi vào hố. Cám chết, Tấm sai đem xác làm mắm bỏ vào chĩnh
gửi cho mụ dì ghẻ, nói là quà của con gái mụ gửi biếu. Mẹ con Cám tưởng thật,
lấy mắm ra ăn, bữa nào cũng nức nở khen ngon. Một con qua ở đâu bay đến đậu
trên nóc nhà kêu rằng:
Ngon ngỏn ngòn ngon,
Mẹ ăn thịt con,
Có còn xin miếng!
Mẹ con Cám giận lắm, chửi mắng
rầm rĩ, rồi vác sào đuổi quạ. Nhưng đến ngày mắm ăn gần hết, dòm vào chĩnh, mụ
thấy chiếc đầu lâu của con thì lăn đùng ra chết”(6).
Kết cuộc này nhìn vào ban đầu
thấy có vẻ thỏa mãn tâm lý người nghe kể chuyện, người nào ác độc thì cuối cùng
cũng phải đền tội ác. Phải gặt bão thôi. Nhưng ở đây nhân vật Tấm làm mắm Cám
và gửi đến cho dì ghẻ ăn, chỉ đến khi phát hiện ra thứ mắm chính là thịt da con
mình thì dì ghẻ lăn đùng ra chết. Hiệu quả của chi tiết trả thù này có quá mức
bình thường không, có bị phản cảm không khi ta nhớ lại những kết cuộc của cốt
truyện các dân tộc liệt kê trên đây? Hầu như các truyện đều kể cái chết mẹ con
dì ghẻ là do Trời, sấm sét, đá bay vào, người khác, hoặc uất lên mà chết; nhưng
quan trọng không phải là Tấm trực tiếp trả thù.
Hình như trong Tấm Cám có một
điều gì đó không ổn?
Chúng tôi cho rằng: sáng tác dân
gian là sự bồi đắp/thêm bớt liên tục theo hành trình dân tộc, nhất là thời đại
các sáng tác này chỉ truyền khẩu, chưa được văn bản hóa. Có bản truyện, câu ca
tưởng như là ổn định, hóa ra ở đâu đó lại có hiện tượng na ná. Và khó lòng phân
định cái nào là trước/sau, trừ trường hợp ngôn ngữ xuất lộ để định dạng. Hiện
tượng này gọi là dị bản, dị bản văn học dân gian vừa làm khó con người hậu thế,
nhưng là tính chất làm phong phú dòng văn học dân gian của một dân tộc. Nói đâu
xa, ngay cả hiện tượng giữa ca dao và thơ của tác giả cụ thể hẳn hoi, có khi
không biết bên nào có trước, bên nào có sau mà truyện Kiều và ca dao là một ví
dụ.
Điều không ổn này phải tìm ở yếu
tố sự bồi đắp/thêm bớt liên tục may ra mới giải thích được, phải chăng có
trường hợp bồi đắp của một cá thể trong dân gian hay một trí thức nào đó xưa
làm thay chi tiết Trời phạt/sét đánh chẳng hạn bằng chi tiết trả thù tàn nhẫn
này? Văn mạch truyện Tấm Cám, lô-gich tất yếu là kết cuộc là mẹ con dì ghẻ phải
chết, đạo lý dân gian rất đơn giản: Gieo gió ắt gặt bão(7). Nhưng vấn đề là
phần lớn cái chết của mẹ con dì ghẻ đều không do nhân vật Tấm trực tiếp tác
động, mà gián tiếp: xấu hổ tự tử, đá bay vào. Mỹ học dân gian thông thường khó
cho phép Tấm làm điều gì ác cả, hiền lành như thế, lam làm như thế, Tấm chỉ
việc chống lại, không tiêu diệt mẹ con dì ghẻ.
Vẫn phải để ngỏ vấn đề gọi là sự
trả thù của Tấm một cách tàn nhẫn này. Chừng nào chưa lý giải rốt ráo sự bất
bình thường này của tính cách nhân vật Tấm trong truyện cổ tích này và có thể
nhiều truyện các dân tộc khác nếu phát hiện, tôi chưa dám xem cô Tấm là dịu
hiền, lam làm, như một biểu tượng trong sáng tác của mình./.
ĐÌNH HY
Văn học Nghệ Thuật Ninh Thuận
dinhhy_nt@yahoo.com.vn
ĐÌNH HY
Văn học Nghệ Thuật Ninh Thuận
dinhhy_nt@yahoo.com.vn
------------------------
(1) Kiều Thu Hoạch, Văn học dân
gian người Việt: góc nhìn thể loại, NXB Khoa học xã hội, H. 2006, trang 518 -
519.
(2) Dịch theo bản ghi của Lam
Hồng Ân trong sách “Bàn luận tản mạn về văn học dân gian Quảng Tây” – dẫn theo
Kiều Thu Hoạch, sđd, trang 522.
(3) Tào Đình Vĩ, Quảng Tây dân
gian cố sự từ điển, – dẫn theo Kiều Thu Hoạch, sđd, trang 524.
(4) Kiều Thu Hoạch, sđd, trang
527.
(5) Cô bé Lọ Lem, NXB Thanh Niên,
2006, trang 15.
(6) Dựa theo Đỗ Thận: Một truyện
kể An Nam về cổ tích Tro Bếp, BEFEO, tập VII, q. 1-2 (1907) và lời kể của người
của người miền Bắc. Dẫn theo Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam,
tập 4, NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, 1995, trang 222 - 223.
(7) Xem thêm: Chu Xuân Diên: Về
cái chết của mẹ con người dì ghẻ trong truyện Tấm Cám, trong “Văn hóa dân gian,
mấy vấn đề phương pháp luận và nghiên cứu thể loại”, NXB Giáo Dục, 2001.
No comments:
Post a Comment