Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, December 31, 2013

ĐÊM CHÙA HƯƠNG - chùm thơ 4 bài của Vũ Từ Sơn



ĐÊM CHÙA HƯƠNG 

Dạo chùa Hương buổi trăng suông
mõ ai rối nhịp thơ buông lẻ vần
tịch u , tâm tĩnh , nghĩa nhân
bốn phương tụ hội , đường trần thẳng cong 


Suối Giải Oan nước xanh trong
Thiên Trù khói tỏa , mấy vòng tu thân
cửa thiền tâm sáng riêng phần
nhũ hứng động thẳm , lộc thầm cầu mong


Đỉnh Hương Tích bước thong dong
sánh vai thưởng ngoạn , chung lòng sắt son
Xuân Hương nữ sĩ dấu còn
Tản Đà , Nguyễn Bính ... câu tròn , thơ vuông


Dạo chùa Hương buổi trăng suông
mõ ai rối nhịp , thơ buông lẻ vần ...!



ÁNH MẮT TÂM LINH 

Ở cơ quan hay phòng khách gia đình
những ánh mắt ngự trên tường
nghiêm nghị và hào hoa
hồn hậu mà khinh bạc
thẳm sâu mà cởi mở
bàng quan mà sắc sảo
tươi tỉnh trần gian ... như vừa mới chia xa 

Những cặp mắt ngự trên bàn thờ
nghiêm trang mà trìu mến
khắt khe mà bao dung
thăm thẳm sâu xa , nhắn nhủ  

Ánh mắt tâm linh
gợi ta bộn bề quá khứ
nhắc ta hướng thiện làm người
can đảm vượt trùng khơi ... 

Đến khi nào ta cũng nhìn như thế
hòa với tổ tiên ánh mắt diệu vời ...



TRONG KHU TƯỞNG NIỆM NGUYỄN THÁI HỌC 


Nguyễn Thái Học đã đi cùng dân tộc
tới chân trời giữa thế kỷ hai mươi
và ông mãi vẫn đi cùng đất nước
tới xa vời mặc sóng gió chơi vơi ... 

Ông đã sống chan hòa giữa những người thân
và tỏa sáng giữa bạn bầu đồng chí
vì độc lập tự do , tình yêu , nghĩa khí
để “Không thành công cũng thành nhân" (1) 

Yên Hòa xanh giữa Yên Bái xanh xanh
“Việc nước xưa nay có bại thành" (2) ...


(1)        Trong khu tưởng niệm Nguyễn Thái Học tại Yên Hòa , Yên Bái có dòng chữ lớn : “ Không thành công cũng thành nhân “
(2)        Câu thơ của Hoàng Văn Thụ .


  
GIỮ BIỂN TRỜI TRƯỜNG SA
Kính tặng bộ đội Trường Sa 

Đảo ta nhiều kẻ dòm ngó
biển trời bão gió bao la
cá nhiều, tầng tầng khoáng sản
đảo chìm, đảo nổi Trường Sa ... 

Nam quốc sơn hà ...” định phận
trời ta đâu thể mập mờ
Trường Sa biển trời sóng sánh
trùng trùng sóng cả - trang thơ 

Giữ biển , giữ trời Tổ Quốc
ngàn năm Hoàng Sa - Trường Sa ...!

VŨ TỪ SƠN
ĐC:Số 29, ngõ 137 Hùng Vương
TP Bắc Giang , tỉnh BG .


READ MORE - ĐÊM CHÙA HƯƠNG - chùm thơ 4 bài của Vũ Từ Sơn

BÀI THƠ SÁU CHỮ CUỐI NĂM - Bình Địa Mộc




ngày ba mốt tháng mười hai
điện cúp cả nhà tối hoẳm
bố hỏi, tiền trả chưa hả
con thưa, xong tự hôm qua

loay hoay dưới bếp mẹ la
coi chừng đường dây tủ lạnh
cũ rồi, có khi chập mạch
chị rằng, chẳng phải thế đâu

bà rơi tỏm giữa đêm sâu
dặn cháu ra ngoài đóng cửa
kẽ trộm thường hay chọn lựa
bóng đêm đồng loã giết người

em gái tủm tỉm ngồi cười
cất vở lên giường ngủ sớm
thầy ơi, nhà em điện rởm
lỗi nầy nhà nước chịu cơ

cô hàng xóm bỗng dưng nhờ
ấy ơi, cho mình chút sáng
thưa, đây thơ còn chạng vạng
lập lờ đêm với ngày va

gió một cơn rít từ xa
ong ong thời kỳ đồ đá
lượt tôi thấy mình xa lạ
lạc loài giữa chốn phồn hoa

Sài Gòn, 31.12.2013

Bình Địa Mộc
READ MORE - BÀI THƠ SÁU CHỮ CUỐI NĂM - Bình Địa Mộc

VÔ CẢM - Tản-bút-thơ - Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)



Khi trên đầu không Thượng Đế
Không Chúa không Phật
Trái tim khô cằn cảm hứng
Phản tỉnh tự tri
Lụi tàn ánh sáng trí-lương-tri
Lộng ngôn “nhân văn” “minh triết”
Cái “tôi” quẫy đạp đảo điên
Giữa vô minh bể khổ
Trí-công-cụ quỷ quyệt
Vô cảm
Rất “văn minh” và lang sói hoang sơ!

26/12/2013
Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)

READ MORE - VÔ CẢM - Tản-bút-thơ - Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)

THAY ÁO - thơ Hoàng Anh 79



Cuối tháng chạp về mùa thay áo
Nắng trải vàng tươi một góc sân 
Nghe gió xôn xao đường bụi đỏ
Lòng vui phơi phới ngóng chờ xuân.

Áo học trò xưa em trắng quá
Tháng chạp chưa sang níu tháng giêng
Mùa thi hai đứa bài không học
Mà đọc thơ tình Nguyễn Tất Nhiên.

Sông quê lau lách chiều sương lạnh
Anh bước phiêu du với cuộc đời
Chia tay em khóc trời mưa đổ
Rớt nhẹ vào tim một giọt rơi.

Mấy tháng chạp về nơi viễn xứ
Nhớ nhiều em thuở tóc hoàng kim
Nhớ ô môi rụng mùa gió chướng
Cút bắt ta chơi để trốn tìm.

Nay anh ghé lại nơi quán cũ
Giọt cà phê đắng tận đầu môi
Em đến mang mùi hương rất lạ
Mai về bên ấy rất xa xôi.

Ngày cưới em  khoe màu áo mới
Nút khuy hờ hững làn da thơm
Thời yêu say đắm xa lăn lắc
Trời xuân lất phất giọt mưa hờn.

Ngày 28/12/2013
Hoàng Anh 79


Tên: Hồ Mạnh Phi Hùng.

Bút hiệu: Hoàng Anh 79.
Sinh ngày 14/09/1973.
Đt : 0918.974.522.
mail: homanhphihung.mt@gmail.com
Đc nhà : 1S5 Lương Văn can, Chung cư Bình Khánh, Bình Khánh, Long Xuyền, An giang. 
Blog cá nhân : hoanganh79.blogtiengviet.net

READ MORE - THAY ÁO - thơ Hoàng Anh 79

ĐỜI NHƯ MỘT GIẤC MƠ - truyện ngắn Lê Hoàng



  Tôi đến nhà của bà Tuyết trong một buổi chiều cuối Đông năm … 20 …..

 Lúc này cả nhà chị đang quay quần trong phòng ăn. Các thức ăn chưa được đem lên đầy đủ, nên họ đang trao đổi với nhau về những công việc đang làm …

   Khi tôi bước tới nhấn chuông, một người đàn bà luống tuổi (chừng trên 40) ra mở cổng. Sau này, tôi mới biết đó là người đàn bà giúp việc cho bà Tuyết đã hơn năm năm qua.

- Kính chào mọi người. (Tôi chào cả nhà).

- Chào anh H. Lâu lắm tôi mới gặp lại anh (Tiếng bà Tuyết). Hôm nay chắc có điều gì mà anh đến nhà tôi? Chứ nhà báo thì ít có thời gian rảnh rổi để đi chơi, thăm viếng bạn bè?

- Vâng! Thưa chị, chắc cũng có vài lời đến phỏng vấn chị và luôn tiện thăm gia đình vào cuối năm.

(Mấy người con chị đều đứng dậy chào tôi và bắt tay. Những cái bắt tay thật chặt và đầy ưu aí…)

Tất cả năm người con cũa chị Tuyết đều lớn cả. Họ đã đều trưởng thành, đều có gia đình riêng, chỉ trừ cô em út đang độc thân, nhưng cũng đã trở thành một nữ giáo sư âm nhạc khá nhiều người biết ở Đại học Quốc gia âm nhạc.

Tôi gọi chị Tuyết bằng chị cho nó trẻ theo lối “ngoại giao” thường tình. Thực tế, chị Tuyết chỉ nhỏ thua mẹ tôi vài tuổi mà thôi.

 - Kính thưa chị, cùng toàn cả gia đình, hôm nay tôi đến đây, trước là thăm sức khoẻ chị cùng gia đình.Sau cũng xin phép chị cùng các thành viên trong gia đình cho tôi được làm một cuộc phỏng vấn “chớp nhoáng cuối năm để khán giả biết về một gia đình của một : nhà văn, một nhạc sĩ, thi sĩ và cũng là một họa sĩ, thiết kế thời trang nổi tiếng mà cả nước ai cũng đều biết tên và ngưỡng mộ. (Tôn nữ Aí Tuyết).

- Vâng! Gia đình chúng tôi rất hân hạnh được anh H. nghĩ tới, đến thăm viếng và làm cuộc phỏng vấn này. Có thể anh bắt đầu được rồi. Xin mời (Chị Tuyết nói xong, ngồi xuống).

Anh Hãi (Bác Sĩ) người con cả của chị rót một ly rượu đưa đến mời tôi, trước khi tôi bắt đầu phỏng vấn.

- Kính thưa cả nhà. Trong cuộc phỏng vấn này, tôi xin phép được chụp vài tấm hình lưu niệm cùng gia đình, cũng như để đính kèm cho cuộc phỏng vấn này thêm phần phong phú.

- Vâng! Anh cứ tự nhiên (BS Hãi trả lời).

- Trước tiên , tôi xin phỏng vấn chị Tuyết nhé.  Kính thưa chị, sau vài năm nghỉ hưu, chị có còn sáng tác thêm nhạc phẩm nào để chuẩn bị cho album mới của chị nữa hay không?

- Thưa anh! Tôi đã nghỉ sáng tác hai năm nay rồi. Việc đó có lẻ tôi chuyển lại cho con gái út tôi - Lê thị Kiều My - như anh biết lớp sóng sau sẽ đè lớp sóng trước mà. (Cười).
- Vậy thưa chị, về thơ, truyện và hội họa thì thế nào?

- Lảnh vực này cũng thế, tôi đều muốn chuyển hết cho các con chúng tôi. Có thể anh sẻ phỏng vấn từng đứa con tôi thì anh sẽ rõ hơn.Tuy nhiên, còn vấn đề thiết kế cho một vài công ty may mặc thời trang thì tôi thỉnh thoảng vẫn còn.

- Cám ơn chị. (Tôi trả lời). Sau đây, tôi bắt đầu phỏng vấn BS Hải.  Kính thưa BS Hải. Hiện nay BS đang công tác ở đâu và gia đình  như thế nào ?

- Tôi là: Trần Trung Hải.  Chức vụ: BS Trưởng khoa ngoại Bệnh viện S.  Gia đình tôi ở chung cư X , tôi có một vợ, một con gái. Bà xã tôi hiện công tác cùng chung một bệnh viện với tôi. Đó là BS  Thùy Ngân.

- Thưa BS Hãi. BS có thể cho biết chiều hôm nay là buổi cả gia đình tụ họp ở đây có mục đích gì ạ?

 - À! Thưa anh H. Gia đình anh em chúng tôi có lệ cứ cuối mỗi năm vào ngày này, anh em, vợ chồng, con cái đều trở về nhà mẹ tôi để chúc phúc và cầu an cho mẹ tôi. Vì thế hôm nay anh mới có dịp gặp gia đình chúng tôi hầu như đầy đủ không thiếu ai.

 - Ngoài nghề nghiệp chuyên môn là một BS ngoại chẩn … anh có sáng tác về văn học, hội họa hay môn gì anh ưa thích không?

 - Thưa! Hình như tôi không thích hợp trong các thứ anh vừa nói. Lúc còn sinh viên, tôi thích bóng đá, thích thể thao các môn, nhưng chỉ đẻ tập luyện cho thân thể mà thôi.

- Cám ơn anh. 

Tiếp đến tôi phỏng vấn cô Duơng Thu Minh (người con thứ hai của bà Tuyết).

- Thưa chị Minh , chị có thể cho biết một it thông tin về chị không ạ?

- Vâng, thưa anh. Tôi là Dương Thu Minh, con thứ hai trong gia đình, hiện tại tôi là giám đốc công ty thời trang Công Nghệ Thời Trang tại thành phố … Gia đình tôi có mặt hôm nay là chồng Vũ Đình An (doanh nhân) và con trai 8 tuổi.

- Thưa chị, ngoài lãnh vực kinh doanh của anh chị, chị có sáng tác hay viết văn, thơ … gì không ?

- Thưa anh, có.  Tôi thỉnh thoãng có làm một ít thơ đăng trên một vài tạp chí hay trang báo mạng điện tử. Nhưng không nhiều lắm. Làm để “enjoy” thôi anh ạ.

- Vì chị là một giám đốc của một công ty thời trang chắc chắn chị phải nhờ tới mẹ cố vấn trong vấn đề này ?

- Vâng thưa anh. Đúng thế, có những ambum thời trang của mẹ tôi đã giúp cho công ty chúng tôi phát triển và vươn lên.

- Cám ơn chị …
Sau đây, tôi xin phỏng vấn anh Hòa. Thưa anh Hòa, anh cũng có thể cho tôi biết một it về hoạt động  hiện tại của anh ?
- Thưa anh, có thể. Tôi là Hoàng Thanh Hòa, giáo sư thạc sĩ toán. Hiện tại tôi đang giảng dạy tại một đại học ở thành phố này .Tôi và vợ tôi Lê Thị Liên cùng cô con gái 4 tuổi đang sống ở căn biệt thự mini ở ngoại ô thành phố này.

- Ngoài những giờ lên bục giảng dạy, anh có sáng tác về văn học nghệ thuật không?

- Vâng. Thưa anh, có. Tôi cũng là nhà thơ Thùy Dương, đã xuất bản hai tập thơ “Ướt mi” và “ Góc tối”, nhà xuất bản Thanh Niên.

-Cám ơn anh.

- Tiếp theo, tôi xin phỏng vấn anh Phạm Triệu Dương. Kính thưa anh Dương, nhìn anh, tôi đoán anh là người từ xa về đây, chứ không phải đang sống ở thành phố này?

- Thưa! Anh đoán đúng. Tôi ở xa về… Cứ cuối mùa Đông, bắt đầu mùa Xuân thì tôi lại trở về Việt Nam để thăm mẹ tôi và anh chị, em của tôi. Hiện tôi đang cư trú tại Hoa Kỳ. Nghề nghiệp luật sư về ngành di trú và bảo lảnh.  Hiện tôi vẫn đang còn độc thân.

- Thưa anh, ngoài chuyên môn, anh có hoạt động về lãnh vực văn học nghệ thuật không?

- Vâng, tôi có ảnh hưởng tới mẹ tôi về môn hội họa. Hồi còn đi học bên Mỹ, tôi định theo ngành hội họa. Nhưng, một lý do khác đã đưa tôi qua học luật anh ạ.

- Vậy, anh có sáng tác nhiều về lãnh vực hội họa hay không?

- Thỉnh thoảng thôi anh. Vì công việc nghề nghiệp của tôi bên đó khá bận rộn.

- Cám ơn anh. Sau cùng, tôi xin hỏi cô Tôn Nữ Hoàng Yến. Xin cô cho biết một it thông tin về cô?

- Thưa anh H. Cám ơn anh đã hỏi về em. Em là Tôn Nữ Hoàng Yến, một cái tên mẹ cho tức lúc đang còn nằm nôi. (Khai sinh: Lê thị Kiều My). Hiện nay Yến đang giảng dạy về ngành  âm nhạc tại  Đại học âm nhạc thành phố X. Ngoài những bài giảng về lý thuyết căn bản về âm nhạc. Yến còn chuyên giảng và phát huy về đàn Piano … nên cũng khá bận rộn lắm anh ạ.

- Vậy, Yến có sáng tác thơ, nhạc hay hội họa gì nữa không?

- Sáng tác về nhạc thì có, như anh đã biết nhiều nhạc phẩm của Yến được nhiều ca sĩ nổi tiếng trình bày. Thơ thì thỉnh thoảng thôi … hội họa cũng thế …. Em hơi “lai lai” mẹ em một chút. Nói xong Yến cười, một nụ cuời thật dể thương và đầy thiện cảm.

- Bao giờ thì Yến lên xe hoa?

- Ồ! Hình như số em cũng long đong như mẹ em. Người yêu thì cũng có, rồi cũng qua đi, chưa có anh nào muốn dừng lại với cuộc đời riêng của em anh ạ.

- Cám ơn Yến. Kính thưa  chị Tuyết và các anh chị em trong gia đình. Tôi rất cám ơn sự ưu ái, thịnh tình của cả gia đình đã dành một ít thời gian quý báu dành cho tôi cuộc phỏng vấn chiều hôm nay.  Trân trọng kính chúc toàn gia đình an vui và hạnh phúc trong năm mới sắp đến. Sức khoẻ  sẽ đến với mọi người. Như ý trong mọi công việc.

- Này anh H. có một điều đáng ra anh đã hỏi tôi, tuy nhiên, vì tế nhị, tôi biết anh không hỏi phải không?

Tôi im lặng, không trả lời chị Tuyết. Cuối cùng chị nói với tôi : Tôi hiểu ý anh, bây giờ tôi mời anh qua phòng khách, chỉ riêng có anh và tôi thôi, tôi sẽ “giải tỏa” nỗi thắc mắc trong lòng anh, mà anh không dám nói ra vì lý do dễ hiểu . Đó là sự tế nhị của cuộc đời riêng con người.
    
Thế rồi, chị Tuyết đưa tôi qua phòng khách và chị kể :
        
- Tôi sinh ra ở Huế, ngày xưa tôi là nữ sinh Đồng Khánh, sau đó, tôi vào Sài gòn  theo học  Đại học Văn Khoa. Ở đây, tôi sinh hoạt với các hội đoàn về nhiều ngành: Hội họa, âm nhạc, văn học nghệ thuật v.v… từ đó, tôi mất phương hướng cuộc sống, không biết mình sẽ theo nghề nghiệp nào cả. Thế  rồi, có một dạo tôi đi hát ở một club của bạn bè tổ chức. Thế là, tôi trở thành ca sĩ bất đắc dỉ. Nhưng tôi không theo nghề ca sĩ. Tôi lại trở thành nhạc sĩ vì tôi đã  phổ  một bản nhạc tặng cho một người đàn ông tôi yêu. Thế rồi, tôi đi dạy giờ ở một trường trung học ở thàng phố và … mối tình đó đưa đến kết quả đưá con trai đầu lòng của  tôi ra đời. Nó là Bác sĩ Trần Trung Hải. Bố của Hải  hồi đó là một quân nhân rất lãng tử. Một hôm, tôi được tin báo anh đã tử trận. Thế là hết, tôi nghĩ rằng, tôi sẽ không còn ai để nhớ, để thương nữa.

Nhưng không, ba năm sau, trong lúc đi dự một đám cưới  của một người bạn, tôi gặp anh Dương Bá Luật. Đó là ba của Dương Thu Minh. Mối tình đến với tôi cũng rất bất ngờ và thật lãng mạn. Chúng tôi đi chơi  Đà Lạt và kết quả là Dương Thu Minh ra đời. Nhưng ông trời cũng quá bất công. Anh Dương Bá Luật đã bị thương trong một buổi tham gia đấu tranh, biểu tình nên anh  đã qua đời đột ngột khi bị “chấn thương sọ nảo”. Nỗi buồn lại đến với tôi. Người ta thường buồn, bi quan, ngược lại, tôi đem nỗi buồn vào sự sáng tác  âm nhạc, hội họa và viết văn.

Cũng sự run rủi thế nào đó, tôi lại gặp Hoàng Thái Sơn. Anh này dân vùng “giới tuyến” đẹp trai, tốt nghiệp Học viện “chiến tranh chính trị Đà Lạt”, ăn nói có duyên và đã chinh phục tôi ngay lúc mới gặp. Thế rồi Hoàng Văn Hòa ra đời. Lúc này, tôi nghĩ hạnh phúc sẽ đến với tôi. Nhưng không, thời thế biến chuyển, đất nước thống nhất Bắc Nam  thành một mối và Luật ra đi biền biệt không có tin tức.
   
Tôi  lại công tác ở  Đại học Văn Khoa nay đã đổi thành Đại học Tổng hợp thành phố X. Tôi lại gặp Phạm Ngọc Tân. Anh từ Hà Nội vào và làm viện trưởng. Thế rồi, mắt nhìn mắt, tay nắm tay. Tình yêu đến với tôi như chuyện thường tình. Một năm sau,  Phạm Triệu Dương ra đời. Lớn lên, Phạm Triệu Dương đã đi du học Hoa Kỳ; nó làm việc bên đó và như hiện nay anh biết.

 Sau khi công tác ở Đại học Tổng hợp X một thời gian,  anh Tân về Hà Nội, tôi không chịu theo anh về Hà Nội vì  tôi sống ở Sài Gòn quen và không muốn xa rời nó. Rồi, đúng tám tháng sau, tôi được tin anh Tân qua đời vì ung thư phổi (mà đúng  thôi, ở Sài Gòn, tôi khuyên anh nên bỏ thuốc lá, nhưng anh có chịu nghe đâu).
  
Từ đó tôi sống im lặng, viết nhạc, hội họa và bắt đầu làm ambum cho thời trang. Cuộc đời vẫn không tha thứ tôi, nhân chuyến về Huế, tôi gặp lại Điền. Nguyên Điền và tôi  cùng một lứa nhưng học khác trường. Điền học  Quốc Học, tôi Đồng Khánh. Sau khi học xong lớp đệ nhất thi Tú Tài 2, Điền vào Đại học Sư Phạm ban Pháp Văn. Tôi vào Sài Gòn 

Chúng tôi gặp lại nhau, mừng rỡ, kể lại chuyện ngày xưa. Đến bây giờ Điền vẫn còn độc thân? Thế rồi ý nghĩ cùng Điền lập thành một gia đình cuối đời. Vì thế, Tôn Nữ Hoàng Yến ra đời.

Cuộc đời không bằng phẳng như mình mong ước. Tôi và Điền đi Đà Lạt để vui trong cuộc vui sau cùng của cuộc tình mà mình tìm lại được với nhau.  Chúng tôi đang đi bộ trên con đường lên dốc, nhìn xuống là chợ Đà Lạt. Không ngờ, một chiếc xe hơi vô tình đã cướp mất mạng sống của Điền. Thế là hết. Tôi thề không “gặp” bất cứ một người đàn ông nào nữa. Tôi nguyện sống độc thân nuôi con lớn khôn, ăn học đến nơi, đến chốn.
  
Như bây giờ  anh đã chứng kiến. Số tôi sát phu mà? Thầy tướng nói như thế.  Dù sao, gia đình con cháu tôi hiện nay rất hạnh phúc.
  
Tôi nhìn đồng hồ đã quá 8 giờ tối, tôi thấy cô Yến qua phòng khách như muốn mời mẹ về phòng ăn. Tôi xin phép cáo từ ra về.

Qua vài tiếng đồng hồ để tiếp xúc, phỏng vấn một gia đình thấy cuộc sống hiện tại cũa con ngưòi cũng chỉ là một giấc mơ.  Cái gì đến, rồi đi chỉ trong chốc lát mà thôi. Sinh ra đời ai cũng muốn có một đời sống tử tế. Nhưng ông trời có cho ta tử tế hay không đây ? 
       
Nhớ nhé, chúng ta sẽ là người luôn luôn tử tế với bạn bè, anh em, tử tế với chính bản thân mình.                                                                                         

Lê Hoàng 

Lời tác giả: Câu chuyện chỉ là hư cấu hoàn toàn, nếu có sự trùng hợp nào chỉ là ngẩu nhiên ngoài ý của tác giả .
READ MORE - ĐỜI NHƯ MỘT GIẤC MƠ - truyện ngắn Lê Hoàng

Monday, December 30, 2013

CỔNG RÀO Ở HUẾ - Bài & ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh

- Ảnh 01:  Hàng rào công viên, ngăn cách mà như không ngăn cách.

1. Mỗi lần về Huế, tôi có thói quen đi bộ dọc đường Lê Lợi để... ngắm phố. Con đường chính chạy dọc sông Hương, và cũng là con đường đẹp nhất Huế này có sức quyến rũ kỳ lạ. Dù bận thế nào, hay có những kế hoạch đi đâu, thì tôi cũng phải dành thời gian đi bộ dọc đường Lê Lợi. Bỏ qua lời mời của các bác xích lô, xe ôm nhiệt tình; bỏ qua cả thiện ý chân thành của người bạn Huế cho mượn xe máy; tôi đi bộ. Chỉ có đi bộ thì ngắm nhìn (và chụp ảnh, dĩ nhiên rồi) mới sướng. Phố rợp cây xanh, mặt sông thấp thoáng, kiến trúc đẹp, cuộc sống bình yên...; đó là những gì hấp dẫn cho một lữ khách, hay người yêu cái đẹp. Nhưng một lý do quan trọng mà những lần đầu tôi chưa thể nhận ra ngay là tại sao tôi lại thích đi bộ dọc con đường này. Đó là cổng rào của những công trình kiến trúc...


- Ảnh 02:  Cổng – rào của một biệt thự
-  kiến trúc thời Pháp thuộc, từng là trụ sở
HĐND - UBND TP Huế và hiện nay là
Bảo tàng Văn hoá Huế (đường Lê Lợi).
Nếu có thể gói gọn một cách vui vui về cổng rào ở thành phố Huế, mà đường Lê Lợi ở khu “phố Tây” được coi như một điển hình, thì tôi dùng 3 chữ: thấp - thưa – thoáng. Chính những cổng rào này đã tạo nên giá trị của con đường, tạo nên giá trị và phần nào bản sắc của không gian đô thị. Không phải tất cả, nhưng những cổng rào ở đây luôn thấp, mở rộng tầm nhìn, không bó con đường hẹp lại, không vây kín, che chắn công trình; mà thân thiện và gần gũi. Dường như cổng và những hàng rào nơi đây chỉ là một ngăn cách, định hướng lối đi mang tính ước lệ. Hàng rào luôn thấp hơn tầm mắt nhìn, thấp hơn cả đầu người, và có những công trình, không gian; hàng rào thấp bằng... đầu gối. Nhìn ngắm những hàng rào ấy, kiến trúc ấy, không gian ấy, thoả mãn thị giác là một phần; mà tâm hồn như cũng thanh thản. Nhiều công trình có cổng, hàng rào đặc sắc, như thể một phần của kiến trúc khó tách rời.


- Ảnh 03: Biệt thự với cổng rào xây gạch rất thấp. 
Công trình này hiện là trụ sở Hội Văn học nghệ thuật 
Thừa Thiên - Huế (Đường Lê Lợi).

Kiến trúc từ thời Pháp thuộc, kiến trúc mới, công viên, biệt thự nhỏ, công trình lớn... như có một sự hô ứng, đồng điệu nhau, mà cổng – rào cũng vậy. Hàng rào gạch, hàng rào thép, hàng rào cây..., tất cả đều khiêm nhường như chẳng hề ngăn cách. 

2. Rời khu phố Tây và đường Lê Lợi, đi vào trong Thành Nội ở bờ bắc sông Hương, hay đi ra các vùng xa trung tâm hơn như Kim Long, Phú Hiệp, Phú Cát... hay ra ngoại ô thành phố; cũng dễ dàng gặp những cổng rào thân thiện như thế. Tôi hay lang thang trong Kinh thành, để lần tìm những ngôi nhà cũ xưa, như thể tìm lại bóng dáng quá khứ vàng son một thủa...


- Ảnh 04: Một công trình biệt thự khác, là Trung tâm Festival Huế, 
với hàng rào cao bằng... đầu gối (Đường Lê Lợi). 

Huế đổi thay nhiều, Thành Nội cũng đổi thay nhiều, nhà mới kiểu nhà phố mọc lên nhiều. Những ngôi nhà xưa đang dần dần chìm khuất; hay đang cố níu giữ, chống đỡ trước một cuộc sống mới, sự thay đổi mới khó cưỡng? Dẫu vậy thì vẫn còn đó những ngôi nhà truyền thống với mái ngói liệt, với khoảng sân cùng cây xanh, với bình phong trước cửa. Những ngôi nhà này hàng rào cũng thấp, có thể là hàng rào gạch, có thể là hàng rào cây xanh với trụ cổng xây; và cổng cũng như vừa đủ người đi. Nhưng điều thú vị là hàng rào dù thấp, nhưng tương quan với ngôi nhà nhỏ, khoảng lùi xa, cùng bình phong chắn trước cửa lại tạo nên một sự kín đáo, dùng cổng rào chẳng hề bưng bít.


- Ảnh 05: Hàng rào ở công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh -
Thừa Thiên - Huế (đường Lê Lợi).
Nếu như ở khu phố Tây, cổng và hàng rào, dù thấp, dù thoáng vẫn có sự “nghiêm cẩn”, chặt chẽ của kiến trúc đô thị; thì cổng – rào của những ngôi nhà xưa trong Thành Nội hay vùng ven lại như tự do hơn; thoải mái hơn, thân thiện hơn, nhưng vẫn trong một chừng mực nhất định, vẫn có sự chuẩn mực của một kiến trúc đại diện, là gương mặt công trình. Hình như ở đó có sự khoáng đạt của nắng gió miền trung, có sự thâm trầm, kín đáo khiêm nhường của con người xứ Huế và nét lãng mạn riêng của đất cố đô!?




- Ảnh 06: Hàng rào ở Khách sạn Century (đường Lê Lợi).




- Ảnh 07: Cổng – rào của một cơ quan hành chính tỉnh Thừa Thiên - Huế, với kiến trúc trụ cổng mang âm hưởng truyền thống (đường Lê Lợi).




- Ảnh 08: Cổng rào Trường Đại học Huế. Trụ cổng có tính điêu khắc, kết hợp hiện đại và dân tộc (đường Lê Lợi).





- Ảnh 09: Cổng trường Quốc học Huế, một kiến trúc đặc sắc mang phong cách thời Nguyễn (Đường Lê Lợi).




- Ảnh10: Hàng rào trường Quốc học Huế - thấp, thoáng và rất tinh tế.




- Ảnh11: Cổng vừa đủ, tường rào khiêm nhường ở Thiên Giang Tự - ngôi chùa ở phố cổ Bao Vinh (xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế).




- Ảnh 12: Phủ thờ Ngọc Sơn Công chúa (phường Phú Hiệp, TP Huế) với hàng rào xanh uốn lượn qua 2 trụ cổng.

- Ảnh 13, 14, 15 (dưới): Những ngôi nhà xưa trong Thành Nội.








Hà Nội 13/08/2013
Nguyễn Trần Đức Anh




READ MORE - CỔNG RÀO Ở HUẾ - Bài & ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh

CHỜ NHAU - thơ Nguyễn An Bình




Chờ nhau thuở tuổi còn xanh
Nụ xuân vừa hé đầu cành hương bay
Ngực trầm hương ấm tình say
Áo hồng cuối phố ngỡ dài chân son.

Chờ nhau mấy độ trăng tròn
Tóc mai mười sáu tình còn thơ ngây
Lưng trời cánh nhạn vừa bay
Cọng rơm vàng rớt trên tay lời thề.

Chờ nhau én rủ mây về
Môi thơm đã khép ngực kề cận nhau
Lá rơi vương cánh hoa đào
Tình tôi đánh mất bên cầu chiêm bao.

Chờ nhau biển hóa nương dâu
Khói mây đã trắng tóc sầu lên cây
Hoa vàng một thuở hương phai
Cuối đông chợt nhớ áo dài ngày xuân.

Chờ nhau em nhé bao năm
Thềm xưa hiên vắng lạnh căm ghế mòn
Tình về say giấc đầu non
Trăm năm sỏi đá có còn hẹn nhau?

         Cuối năm 2013
         NGUYỄN AN BÌNH

READ MORE - CHỜ NHAU - thơ Nguyễn An Bình

Saturday, December 28, 2013

MÙA XUÂN TINH KHÔI - Ca khúc Trầm Thiên Thu



READ MORE - MÙA XUÂN TINH KHÔI - Ca khúc Trầm Thiên Thu

GIAO THỪA VIỄN XỨ - thơ Hoàng Anh 79




Sương khuya lành lạnh bờ vai
Thềm nhà ai mấy nụ mai chưa vàng
Thấy xuân vồi vội đã sang
Ta còn lững thững miên man xứ người.

Bon chen hơn nửa cuộc đời
Bến sông đò nhỏ trông vời vợi xa
Trước gương sợi tóc phôi pha
Thót lòng nhớ mẹ, chắc già hơn xưa.

Đêm nay đứng đón giao thừa
Mưa bay lất phất gió lùa từng cơn
Bao năm tay gối hao mòn
Môi nào em hãy còn thơm cuộc tình.

Lắng nghe trời đất chuyển mình
Nghe thời gian khẽ gọi tinh khôi về
Đồng vàng lúa chín hương quê
Hẹn mùa xuân tới con về mẹ ơi.

Ngày 29/11/2013 
Hoàng Anh 79
READ MORE - GIAO THỪA VIỄN XỨ - thơ Hoàng Anh 79

HỘI-AN MÙA THU ĐÃ ĐI - thơ Huy Uyên


            
Em đứng cuối sông Hoài thật buồn
giọt mưa bỏ quên hương hoa-móng-cọp
xót xa hoài cúc nở muộn thu sang
chiều đi qua,  người nhìn mưa chiều rớt .

Mãi trong ai tháng ngày vương-vấn
lửa đã tàn theo khói thuốc vàng phai
đêm cỏ bên đường dấu mình cô-quạnh
ngày xưa ơi
ngày xưa còn đón bóng thu về.

Sông dài hắt hiu quán cà-phê
ai sầu chi theo từng giọng hát
thu ơi về đây mà có lắng nghe
tình phôi pha xưa -người còn hay mất .

Thu cũng đi bỏ lại chiều thương nhớ
tang-chế màu phủ rừng, mây và cây
chầm chậm bước đi-ngỡ bước ta về
ơi thu sao chất đầy gió bão
sót lại trong người từng đoạn heo may .

Bâng quơ xót đau mấy cuộc tình
lối về cho cỏ thu thêm hiu hắt
lao xao đời - em bên ấy đã lấy chồng
có thay áo cho mây trời bay lạc .

Dịu ngọt hôn môi mùa thu chết
hanh hao theo những giọt nắng vàng
tôi mở toang tim mình mà nào vui được
màu áo lụa về còn dịp chở thu sang .

Tình tôi chao theo mấy dăm sương mù
em bỗng đổ ào cơn mưa vỡ
tôi bây giờ giòng sông em gió lộng ngang qua
dại lòng chi mà mất nhau từ đó .

Hương thu nào ngờ đậu hoài trên tóc
em còn cười hai mắt lúng liêng
đợi Tết về em diện đôi guốc mộc
thả hồn tôi về say đám cỏ tháng giêng 
em đi mà có hết ưu-phiền.

Tôi bước dài theo thu-hội-an
lững lờ sông trôi cùng giòng nước
bờ xa sót hơi thở thu muộn màng
cơn mưa, tiếng đàn, tiếng gió
lặng yên mà nào ngờ đâu phai nhạt.

Chiều đi cớ chi em vội-vã
mắt chờ người phố-cổ trăm năm
ta trong tay nhau mà xa lạ quá
hay thu về, đi mà cũng lại nhầm.

Phố nỡ bên chùa Cầu sắc hoa màu tím
em còn thương còn nhớ người xưa
biết đến bao giờ
đám tang người cho tình sầu đã chín
em một mình đứng lặng dưới trời mưa .

Lá thu goi hoài sương khói
thương ai bên đướng đứng đợi vàng rơi
thôi dặm lòng hai ta từ đây lạc lối
tình trong nhau bay tận cuối chân trời.

Tội cho một người cầm thu đi hoang
qua bên kia cầu Cẩm-nam mà không nói
cho dù chiều xa vời vợi
thu rơi ai níu lại lá thu vàng.

Huy Uyên

(14-12-2013)
READ MORE - HỘI-AN MÙA THU ĐÃ ĐI - thơ Huy Uyên

SAY RƯỢU - thơ Bình Địa Mộc



năm sinh thì đếch nhớ rồi
còn nơi sinh chắc là ngôi làng nghèo
chiều chiều con nít chạy theo
chiếc xe hơi chở người trên phố về


vợ ư, chắc ở dưới quê
say rồi chẳng nhớ có thề thốt không
ngày đi tiễn tận bến sông
buông bàn tay sóng dợn gồng gánh trưa


à quên, còn một lời thưa
rằng lâu lắm bước chân chưa về nhà
không nói cũng biết mẹ già
rằng thời gian vó ngựa qua cầu vồng


hình như ở giữa cánh đồng
con cào cào trốn dưới vồng đất nhô
cộng rơm nắng đốt cháy khô
tự thành tro để mùa cô đọng mùa


bây giờ đến lượt qua tua
cơ may còn tỉnh se sua với đời
ơi cô bán rượu đầy vơi
vì sao chiếc lá lại rơi âm thầm


cho thi sĩ bước thăng trầm
cầm câu thơ ngỡ đang dầm tay em
để rồi chợt nhớ chợt quên
chợt ngồi xuống khắc tên lên mộ mình ...


Bình Địa Mộc
READ MORE - SAY RƯỢU - thơ Bình Địa Mộc