Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, August 5, 2013

NHỮNG KẺ ĐI XIN - truyện ngắn Nguyễn Bá Trình



Ông Huyên, giám đốc sở Giáo dục sắp nghỉ hưu. Ông là người liêm khiết ít có giữa thời buổi nầy. Hai vợ chồng ông có ý định lúc về hưu sẽ vào thành phố HCM ở với hai vợ chồng đứa con trai và hai đứa cháu nội. Thường người già thích ở một mình cho yên tĩnh, nhưng ông Huyên lại thích ở chung với con cháu cho vui. Cậu con trai làm ăn thành đạt, nên nhà cửa tiện nghi đầy đủ. Ở với hai vợ chồng cậu thì mọi sinh hoạt sẽ rất thuận lợi. Chỉ có điều là hơi buồn vì ông   không có bạn bè trò chuyện. Đúng ra ông Huyên cũng có vài bạn già ở thành phố nầy, nhưng ông thì không thể đi xe máy ở cái thành phố chật nứt người mà hầu như tất cả người lớn đều ở ngoài đường suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ, không ai chịu ở trong nhà cả. Những ngày  mới đến ông có cảm giác như vậy. Bởi giờ nào đường phố cũng đông nghẹt người. Còn con trai ông thì làm việc ngày hai buổi từ thứ hai cho đến thứ bảy. Chỉ có ngày chủ nhật là rảnh nhưng nó còn phải ở nhà chăm sóc vợ con, nếu không thì cũng khó mà giữ được cái không khí của một gia đình. Cứ lú nhú hoài trong nhà hết ngày nầy sang ngày khác tù túng không chịu nổi. Nhưng dù gì thì ông cũng phải ở thử một vài tháng đầu xem sao. Và như vậy, trước thời hạn nghỉ hưu đúng một năm ông Huyên quyết định ăn một cái tết đầu tiên ở thành phố giàu có nhất nước nầy.

 Giữ quen tập tục tránh đi thăm tết vào ngày mùng một, sợ mang xui xẻo đến cho bà con lối xóm, ông Huyên chọn chiều mùng hai. Khoảng ba giờ chiều ông ăn mặc nghiêm  túc giống như lúc đến công sở, bước ra khỏi nhà. Bắt đầu vào thăm gia đình người hàng xóm ở sát nách nhà con trai mình. Đó là gia đình một người đàn ông chừng năm mươi tuổi hay nhiều hơn một chút. Dù vào ở đây đã hơn mấy tháng nhưng ông Huyên chưa có dịp gặp, chỉ loáng thoáng thấy anh ấy vào những buổi sáng khi anh ta đi làm hoặc trước khi tối lúc anh đi làm về. Cũng như mọi ngôi nhà khác, nhà anh ấy đóng cỗng kín mít. Có nên bấm chuông chăng, ông Huyên ngần ngại. Cuối cùng ông quyết định bấm chuông. Mình đến thăm và chúc tết chứ có làm phiền họ gì đâu. Người đàn ông hé cửa ngõ, thấy ông, anh ấy hỏi:

-Xin lỗi có chuyện gì không chú?

-Dạ không, nhân ngày tết tôi muốn đến thăm để chúc tết gia đình mình.

Người đàn ông nhìn ông Huyên từ đầu đến chân như đắn đo cân nhắc điều gì đó, sau cùng anh nói:

-Vậy thì mời chú vào.

Ông Huyên  bước vào phòng khách rộng rãi bài trí sang trọng. Có một chậu mai thân cành thẳng tắp đang trỗ những bông hoa vàng rực đầu tiên. Người miền Nam họ chơi mai bằng những thân cây phát triển tự nhiên không uốn éo cầu kỳ  như người miền Trung. Người đàn ông tiếp ông Huyên  bằng những câu hỏi xã giao lạt lẽo mà ông đã cảm nhận được ngay từ ánh mắt đầu tiên khi anh ấy nhìn ông từ ngoài cỗng. Cũng thái độ xã giao lịch sự ông Huyên hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, như chuyện học hành của con cái, chuyện công việc làm ăn của hai vợ chồng anh ấy. Cuối cùng trước khi ra về ông chúc gia đình người hàng xóm được sức khỏe, con cái học hành tấn bộ và công việc làm ăn thông hanh. Khi vừa bước ra khỏi ngõ, ông Huyên nghe cánh cửa cỗng kéo rít khép chặt sau lưng. Ông  nghĩ có lẽ ông  là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng đến thăm và chúc tết gia đình anh âý.

Ngồi trong phòng khách nhà đứa con trai ông Huyên  nhớ lại những cái tết hồi nhỏ ở quê nhà. Chỉ trừ ngày mùng một tết mọi người đi lễ chùa, hoặc nhà thờ. Kể từ ngày mùng hai và mùng ba, bà con xóm làng gần xa có khi cách nhau cả hàng chục cây số đều tìm đến thăm nhau chúc tết và mừng tuổi ông bà. Bây giờ mà kể chuyện mừng tuổi ông bà chắc bọn trẻ sẽ phá lên cười. Chết rồi mà còn mừng tuổi nổi gì. Thời gian trôi qua, số năm của người đã chết cứ thế mà tăng. Một năm, hai năm, trăm năm, ngàn năm …có gì mà phải mừng. Nhưng thực ra ông Huyên nghĩ đấy là một việc làm thấm đậm tình người, có ý nghĩa nhân văn đẹp đẽ. Cứ nghĩ cha mẹ ông bà lúc chết đi không phải là vĩnh viễn mất hẳn mà vẫn ở quanh quẩn đâu đó quanh ta. Vẫn vui vẫn buồn cùng ta. Ta có thêm một tuổi thì ông bà có thêm một tuổi. Cho đến ngaỳ ta chết đi thì ta trở lại gặp ông bà cha mẹ, những người thân thích quá cố của ta. Trong lòng ta vì thế không bao giờ xao lãng việc thờ phụng chăm sóc cho ông bà. Cái tình máu mủ huyết thống gia đình không phải vì cái chết mà làm cho mất hẳn. Cả năm làm ăn bận rộn chỉ có ngày tết là rảnh rỗi, mọi người  tranh thủ đến thăm nhau và  thăm ông bà của nhau. Lúc đó ông bà chúng ta ở đâu đó` cũng ăn mặc quần áo mới để về đón tết cùng con cháu, phù hộ giúp đỡ chúng ta gặp điều may mắn khi bước vào năm mới. Bây giờ người ta đã bỏ đi tục lệ mừng tuổi ông bà, và việc thăm xuân nhau trong mấy ngày tết cũng đang dần bị mai một. Thật đáng tiếc. Ngày nay việc thăm xuân chúc tết thường là việc đền ơn trả nghĩa cho ai đó mà trong năm họ đã giúp đỡ mình, hoặc là năm tới mình định nhờ ai đó  một điều gì, chẳng hạn chạy một chiếc ghế hoặc lo lót một vụ làm ăn…

-Ba sang thăm chú Bình có gặp chú ấy không (Bình là  tên người hàng xóm mà ông Huyên vừa ghé thăm). Nghe cậu con trai hỏi, ông Huyên kể lại sự việc đang khiến ông ngồi buồn. Nó cười bảo:

-Ở thành phố người ta quen nếp sống như vậy rồi. Không ai thăm ai đâu ba à. Tết sang năm ba về ngoài ăn tết cho vui. Có bạn bè, bà con. Con đã nói tết ở đây buồn lắm. Làm việc vất vả cả năm người ta mong có mấy ngày tết để nghỉ ngơi. Mình đến thăm không khéo lại làm phiền mất thì giờ nghỉ ngơi của họ.

 Vậy là sau cái tết đó, ông Huyên thay đổi quyết định, không ở lại thành phố HCM nữa. Dù rằng thành phố có nhiều điểm hấp dẫn hơn là ở tỉnh lẻ. Và đứa con trai của ông Huyên thỉnh thoảng vẫn đưa cha đến các nhà hàng sang trọng để thưởng thức những của ngon vật lạ dành cho giới thượng lưu. Nhưng với ông  nơi này lại thiếu đi cái tình cảm thân mật của bạn bè, của hàng xóm, thứ tình cảm mà ông  thấy không thể thiếu trong quan hệ hằng ngày. Và nhất là nó thiếu mất cái gì đó thiêng liêng của ngày tết.

 Thế là  năm nay ông Huyên ăn tết ở nhà mình. Dù nơi chốn nầy cũng chưa phải là quê hương của ông. Đây chỉ là nơi ông làm việc nhiều năm. Và ông cũng đã chọn nơi đây làm quê hương thứ hai của mình, vì đấy là nơi sinh của mấy người con của ông.

 Biết cha mình không vào thành phố ăn tết nữa, cậu con trai đã chuẩn bị cho cha  một cái tết khá chu đáo. Nó gởi về cho ông  một chai rượu Whiskey Tennessee, dung lượng một lít rưởi. Nó bảo đây là loại rượu ngon đắt tiền dành để ba  tiếp khách trong mấy ngày tết. Mấy gói trà Ô long cũng thuộc loại danh trà. Bà Huyên ở nhà thì sắm sửa, ôi thôi là mứt bánh ê hề, vì bà  nghĩ rằng chồng mình  sẽ có rất nhiều khách. Nhất là năm nay ông Huyên lại mới về hưu chắc bạn bè sẽ đến thăm hỏi ông nhiều hơn so với  những tết khác.
Chiều hai mươi tám tết cậu con rể của ông Huyên  mua hai chậu cúc thật sum suê giá đến tám trăm ngàn đồng. Ông hỏi giá nhưng nó chỉ cười không nói. Hà tiện gì, một năm chỉ có mấy ngày tết mà ba. Bà Huyên cười: Nó biết tính ông già vợ của nó, nói ra thế nào cũng bị la cho một trận là tiêu tiền  hoang phí. Chỉ cần một chậu là đủ sáng nhà sáng cửa rồi, mua chi đến hai chậu. Chỉ chơi vài ngày tết rồi bỏ đi cũng phí.

 Đến chiều ba mười tết phòng khách nhà ông Huyên sáng trưng chuẩn bị cho một ngày tết hết sức có ý nghĩa. Cái tết đầu tiên của một cán bộ nhà nước vừa hoàn thành xong trách nhiệm với xã hội để  bắt đầu bước vào  một cuộc sống mới an nhàn tự tại.

 Nói vậy nhưng người trong nhà ông ai cũng biết, ông Huyên đời nào chịu ngồi không. Ông vẫn ngồi đều đặn một ngày đến bốn năm tiếng bên chiếc máy vi tính như lúc ông còn đang công tác, để nghiên cứu những vấn đề trong chuyên môn mà lúc tại chức ông chưa có thì giờ nghiên cứu kỹ. Có ai hỏi, ông chỉ cười. Mình đã tập cho mình một thói quen làm việc từ nhỏ. Ở không chịu không được.

 Ngày mùng một tết, ông Huyên cùng vợ đi lễ chùa. Ngày  nầy theo tục lệ ít ai đến thăm xuân.

Ngày mùng hai tết. Ông Huyên ngồi trong phòng khách nhìn ra đường, trời nắng xuân trong veo ấm áp. Trước sân mấy con chim sẻ tranh nhau mổ những hạt gạo còn sót lại mà ông đã vãi ra trong lễ cúng cuối năm. Trên bàn khách chai rượu Whiskey Tennessee đã khui sẵn. Ông sợ lát nữa khách vào đông cái khui rượu bỏ lẫn đâu đó tìm không ra, lại sinh lung túng đầu năm không hay.  Vợ ông đã để sẵn một phích nước nóng, cẩn thận kiểm tra các khay hộp bánh kẹo đã tươm tất chưa, sợ đồ ngọt để qua đêm kiến lại chui vào. Đầu năm mở hộp bánh tiếp khách mà thấy kiến gặm nát cả miếng bánh thì hết sức mất lịch sự. Mấy đứa cháu ngoại đã được cha mẹ chúng tổ chức ăn uống ở nhà sau không cho đứa nào lên phòng khách sợ chúng sẽ làm nhếch nhác. Ông Huyên ngồi nói chuyện với vợ, kể lại những kỷ niệm của năm tháng công tác. Vui có buồn có.

Bà Huyên nói:

-Nhớ mấy cái tết anh còn làm Giám đốc khách khứa thật tấp nập đông vui. Xe cộ đầy sân. Xe máy có, xe con có, đậu choán cả một khúc đường. Có nhiều vị chức sắc lớn, không nằm trong ngành cũng đến thăm, có người đi  cả hai vợ chồng. Thường mấy vị nầy có con cái sắp ra trường, dự định sau khi tốt nghiệp sẽ xin vào sở của anh. Hồi đó tiếp khách mệt nhưng cũng vui anh nhỉ.

 Đang mãi mê nói chuyện ông Huyên chợt nhìn lên đồng hồ, đã hơn mười một giờ trưa. Vậy là sáng nay chưa có ai đến xông đất.

 Hai vợ chồng ông Huyên ngồi trực ở phòng khách hết chiều mùng hai cho đến sáng mùng ba nhưng chẳng có khách khứa nào đến thăm.

Chiều mùng ba tết, hai vợ chồng ông vẫn kiên trì  ngồi đợi ở phòng khách. Hết nói chuyện về những cái tết hồi ông đang còn đương nhiệm,  ông Huyên lại lùi về những cái tết xa xưa hồi còn nhỏ. Ông nói về những ngày lễ hội. Những phiên chợ tết. Vợ ông  hoài  cảm  đọc lại bài thơ Chợ Tết của nhà thơ Đoàn Văn Cừ, rồi đọc luôn bài Ông Đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên. Đọc xong bà nói:

-Anh Huyên nầy, em nghĩ giá như bài thơ Ông Đồ mà tác giả dừng lại ở hai câu:Lá vàng rơi trên giấy\Ngoài trời mưa bụi bay, cũng đủ nói lên hết ý nghĩa của bài thơ. Giọng bà như như giọng cô giáo bình giảng bài thơ (bà Huyên cũng là nhà giáo đã nghỉ hưu), khiến cụ học trò vừa tròn sáu mươi tuổi chăm chú ngồi nghe vì phát hiện ý tưởng  lạ : Hình ảnh lá vàng rơi trên giấy, ngoài trời mưa bụi bay diễn tả hết cảnh  thê lương đông tàn của nền Nho học Việt Nam sau một thời gian cực thịnh như phượng múa rồng bay. Rồi bà nói: Nhưng tiếp đó tác giả  thêm hai câu: Năm nay đào lại nở\ Không thấy ông đồ xưa, và chấm dứt bài thơ bằng câu hỏi: Những người muôn năm cũ\Hồn ở đâu bây giờ, không phải như thế sẽ làm loảng ý bài thơ đi không anh?

Ông Huyên gật gù, ngẫm nghĩ một lát rồi trả lời vợ:

- Anh nghĩ: Diễn biến của lịch sử thì lần lượt qua đi nhưng hình ảnh của những con người tiêu biểu  làm ra những vẻ đẹp của lịch sử thì vẫn còn để  lại sự ngưỡng mộ và luyến tiếc  mãi trong lòng người đời sau. Và có lẽ đó cũng là tình cảm của tác giả đối với những Ông Đồ đã từng làm nên những vẻ đẹp phượng múa rồng bay trong chữ nghĩa đấy em ạ.

Bà Huyên gật đầu với ý kiến của chồng. Chợt bà nhìn  chiếc  đồng hồ treo tường rồi thốt lên: Đã gần ba giờ chiều rồi.
Như không thể kìm được, bà nói với chồng:

-Sao không ai đến thăm xuân nhà mình cả vậy anh?

Mặc dầu không nói ra nhưng lòng ông Huyên cũng buồn và cũng tự hỏi như vậy: Sao chẳng ai đến thăm mình cả nhỉ.

Bỗng bà Huyên nói một câu làm chồng hoang mang:

-Mình ăn ở có sao đâu!

Mình ăn ở có sao không? Ông Huyên yên lặng không nói gì. Câu than phiền của vợ làm ông suy nghĩ. Rồi ông Huyên tự rà soát lại trong quá trình làm việc, kể từ lúc còn là một giáo viên cho đến khi lên làm giám đốc sở, thử xem mình có điều gì không phải với đồng nghiệp, với nhân viên không. Nhưng không có. Lúc làm giáo viên thì ông giảng dạy hết lòng, lúc làm quản lí thì ông hết sức mẫu mực. Nhưng ở đời ai mà không lầm lỗi thiếu sót. Thế nhưng ông Huyên chắc chắn mình chưa bao giờ cố ý trong những lầm lỗi của mình. Và những thiếu sót nếu có thì chắc không đến đổi trầm trọng. Vậy là chuyện bạn bè khách khứa không đến thăm xuân không phải là do mình.

Bắt đầu từ ngày mùng ba, mấy đứa cháu bị giam hãm ở nhà sau đã tỏ ra túng rối, chúng bắt đầu tấn công lên quậy phá ở phòng khách, đứa thì bốc hột dưa, đứa thì lấy bánh kẹo, vung vãi khắp nhà.

-Khoan đã mấy cháu, để hết ngày hôm nay coi có ai vào thăm không. Bà Huyên  nói với mấy đứa cháu, rồi sửa sang lại mấy hộp bánh kẹo cho tươm tất.

Đã đến ba giờ ba mươi vẫn không có ai vào thăm, ông Huyên nói với vợ:

-Vậy thì chắc không ai đến thăm nữa đâu, tôi và bà chuẩn bị đến thăm mấy bác hưu trí một chút, để hết tết mất không hay. Mấy người khác nhỏ tuổi hơn thì để con cái đi thăm cũng được.

  Chợt có tiếng đứa con gái từ nhà sau chạy lên miệng không ngớt la:

-Đuổi ra, đuổi ra. Đừng cho bà ta vào.

Bà Huyên hốt hoảng hỏi:

-Gì vậy con?

Ông Huyên chợt nhìn ra cửa, một bà ăn xin rách rưới đang bị gậy bước vào ngửa tay ra xin.

Con gái ông Huyên vẫn không ngừng la:

-Đi xin chỗ khác đi bà ơi. Đầu năm bà vào xông đất nhà tôi thì xui lắm. Đi ra đi.

Ông Huyên chợt hiểu, vội nói với con gái:

-Đưa bà ấy vào nhà sau và cho bà ta ăn uống  đàng hoàng đi con. Có thức ăn gì thì gói bỏ thêm trong bao cho bà.

Trước vẻ mặt không bằng lòng  của người con gái, ông nói:

- Người ăn xin đến xông đất là hên lắm đấy con ạ.

Bà Huyên chừng như hiểu được ý của chồng, cũng cười. Sợ con  gái còn lo về sự xui xèo khi có người bần hàn xông đất đầu năm, ông Huyên  nói với con gái:

 -Đầu năm mà có người ăn xin đến xông đất thì cả năm nhà ta sẽ có nhiều người đến xin đấy con ơi.

Người con gái nói:

-Vậy thì tốn nước xước nhà  chứ được gì ba.

Ông Huyên cười hiền hòa:

-Mình có ăn ra làm nên thì người ta mới đến nhờ cậy xin xỏ  chứ con.  Con không nhớ những ngày ba còn làm giám đốc thì ngày tết ngày giỗ  nhà ta khách khứa nườm nượp đó sao. Không phải họ đến thăm ba mà họ đến xin đấy con ạ. Năm nay ba nghỉ hưu, mọi người thấy ba không còn gì để họ đến xin xỏ nhờ vã nên chẳng ai đến cả.

Ông Huyên lại mỉm cười nó tiếp với con gái:

-Cùng là những người đi xin cả, sao với những người đến xin những điều lớn lao và sai trái thì ta lại tiếp long trọng, trong lúc bà lão chỉ xin một bữa cơm trợ đói mà ta không tiếp? Điều thoải mái đối với ba lúc nghỉ hưu không phải là được nằm đong đưa trên võng mà là có quyền từ chối tiếp những người không đáng tiếp và chỉ tiếp những người đáng tiếp thôi.

Bà lão sau khi được cho ăn uống xong, bà chào mọi người và xách bị bước ra.

Người con gái nhìn theo bóng dáng còm cõi của bà cho đến hút cuối đường rồi nói với cha:

-Không biết bà ấy có tâm sự gì mà lúc ăn con thấy bà quẹt nước mắt đến mấy lần. Ngày đầu năm con không muốn nghe chuyện  buồn nên con không hỏi.

Ông Hiên làm thinh một lát rồi nói với con gái:

-Những người có hoàn cảnh bất hạnh trong cuộc sống, khi nhìn thấy cảnh đầm ấm của gia đình người khác nhất là trong những ngày tết nhứt làm sao họ không buồn. Có thể trước đây bà ấy cũng có một mái ấm gia đình hạnh phúc như gia đình mình bây giờ. Không ai có thể biết được ngày mai.

Nhớ lại sự xua đuổi bà ăn xin của người con gái lúc nãy, ông Hiên nói với con:

- Những kẻ đi xin có thể đem xui xẻo đến cho ta chính là  những kẻ đã giàu sang có chức tước, còn những người thiếu ăn thiếu mặc đến xin là họ đem đến cho ta niềm hạnh phúc đấy con ạ.


Nguyễn Bá Trình
Quê quán: Lương Điền, Hải Sơn, Hải Lăng, Quảng Trị
Nhà giáo nghỉ hưu
Hiện sinh sống tại TP HCM
bichlien101046@yahoo.com.vn

No comments: