- Đúng là sao quả tạ chiếu mệnh!- Người đàn ông cỡ bốn mươi tuổi làu bàu với tay bạn, gặp trong quán Cà phê Vườn sau khi rời khỏi điện của Cô đồng Thanh.
- Hai tuần tớ bị liền hai vụ "thuỷ tai". Vụ đầu
thì nước triều tràn vào hố móng, tí nữa chết con vợ của thằng cha bảo vệ công
truờng đang nhặt củi vụn. Vừa rồi là vụ tôi vôi. Thằng lái xe ben đổ ụp mấy tấn vôi sống xuống
hố làm sập tường gạch ngăn giữa hai hố. Vôi sôi sùng sục tràn sang làm hai đứa
nhãi đang thu dọn ngăn vôi cũ nhảy như cào cào rồi đều phải vào viện. Tiên sư
chúng nó! Toàn cứa vào gân túi ông. Mà mẹ kiếp, cũng chẳng biết đó là thuỷ hay
hoả nữa..-Tay chủ thầu vẫn vừa lo lắng vừa cáu
kỉnh kể lể với tay bạn cùng chơi bi ngày nhỏ.
Hắn đang thầu một công trình kha khá, nhưng mới triển khai
đã gặp mấy vụ rủi ro. Mê tín là đặc điểm
chung của mấy anh thầu khoán nên hắn vội vàng đến điện của một Cô Đồng nổi
tiếng thiêng và giỏi đoán vận để nhờ Cô mách nuớc giải hạn.
- Giáp Tuất, mệnh Kim…- Cô nhẩm tính - Năm nay tín chủ nhập
sao Thái Tuế. Chà, khổ căn nặng quá... Cung hạn lại có Bạch Hổ - Cô chặc lưỡi
mấy lần, nhìn hắn từ đầu đến chân. Thuỷ tai chỉ bén qua nhưng hoả tai mới đáng
ngại..
- Làm thế nào giải trừ đuợc ạ? - Phải nói là hắn cũng thấy
sợ, gối chân tự dưng run run - Trăm sự nhờ cô hết lòng giúp cho..
- Nếu may mắn gặp đuợc quý nhân phù trợ thì còn đỡ, nếu
không... - Cô ngần ngừ một chút mới nói tiếp. - Tín chủ đã đến điện cầu Thánh
thì Cô phải nói thật. Năm nay tín chủ có cơ nguy gặp họa sát thân... Nhưng nếu thành tâm dốc lòng cầu khấn các cô
thần, quả tú, có thể các ngài cử biệt nhân... hoặc hình nhân thế mạng thì may
ra tai qua nạn khỏi mà về sau vẫn còn được
tài lộc...
Lăn lộn từ khi còn rất trẻ, nếm trải khá nhiều đắng cay, xảo
trá nên cai thầu này chả ngại gì khi dở thủ đoạn với người, nhưng với thần
thì... biết làm sao đuợc. Bụng hắn tuy nửa tin nửa ngờ, không ưa bản mặt của Cô
cho lắm, nhưng vẫn phải tạ ơn Thánh khá hậu, còn hỏi kỹ cách cúng khấn với làm
lễ giải hạn ra sao.
- Vừa ở điện Cô ra hở ? - Bạn hắn hỏi - Tớ cũng vừa ở đấy
ra.
- Mày cũng gặp chuyện gì vậy, sụt lò à? - Chủ thầu hỏi.
- Không, hai vụ cháy. Cháy lán rồi cháy rẫy làm sụt hết vỉa
đang khai. Nhưng tớ đang băn khoăn vì Cô bảo đã đuợc "quý nhân phù
trợ". Không biết là ai nhỉ?
- Có thể trong số người làm của mày hoặc khách ..
- Đám ấy không có đuợc. Toàn những thằng cửu vạn, chỉ biết
đào hùng hục như trâu húc mả. Mà ăn trộm ăn cắp như ranh. Bã người lắm ông ạ!
- Nhưng có chuyện này hơi lạ - Sau mấy phút trầm tư anh bạn
khai khoáng lại nói tiếp - Một thằng nhỏ... Đúng rồi, có lẽ cả hai lần
đều là thằng nhỏ ấy. Trong khi mọi người hoảng hốt, cuống quít tít mù tìm đuờng
tháo chạy hoặc dập lửa thì nó ở đâu xuất hiện, cứ tưng tửng như chơi đùa mà tình cờ cứu bọn này thoát nạn.
- Thế à! Giờ nó còn ở chỗ các ông không? - "Chủ
thầu" vội hỏi vì hắn ta chợt nghĩ đến việc mình cũng đang cần có "quý
nhân phù trợ".
- Có lẽ nó chỉ tình cờ đi qua. Sau đó còn rối rít chuyện nọ
chuyện kia, đến lúc định tìm thì chẳng
thấy nó đâu nữa... "Tai ương là do
Thổ thần bản địa gây ra. Thổ thần
không muốn cho ngoại nhân hạ lạc, đào bới làm động đến các ngài-
"Khai khoáng" nhớ lại lời Cô phán - Tuy vậy đều tai qua nạn khỏi là
do đuợc quý nhân phù trợ. Có điều quý nhân này sắp tới sẽ không ở chỗ các anh
nữa, nhân vi vô định mà. Đi nơi khác đi, nên chuyển đi nơi khác.. Cô cũng không
thể nói thêm đuợc gì nữa đâu!
- Hai vụ thuỷ tai làm tao ớn cả người. Suốt tuần này trời
lại mưa, công truờng thành hồ nuớc. Cũng bã lắm. Này, giá có cách nào tìm đuợc
thằng nhỏ ấy nhỉ?.
- Chịu- "Khai khoáng" lắc đầu. Mưa thế này thì lò
ở trên ấy cũng thành hang lươn hết. Quân rút hết cả rồi. Chán thấy mồ!
Trong khi hai "cai" ngồi ế ẩm với nhau ở quán cà phê thì đứa bé đuợc nói
tới đang đi lang thang trên sườn một quả đồi lúp xúp những bụi sim giữa các gốc
cây nham nhở, dấu hiệu của một vụ phá rừng không thương tiếc. Nó đi một cách
bình thường như mọi đứa trẻ vào tuổi ấy đi chơi lang thang lúc bố mẹ không để
tâm đến, cũng không có việc gì phải làm. Chẳng ai quan tâm đến nó ngoại
trừ bà Toanh bán bún riêu cua ở gốc cây gạo bướu làng Hạ.
- Thằng bé bị ma làm đấy mà - Bà ta nói với ông giáo là
khách quen, rất "nghiện" món đánh đa cua - Nó bị từ năm lên chín cơ.
Lần ấy tôi thấy nó đi cất vó tép về, tự dưng bỏ cả vó, cả rá tép ở gốc gạo, rẽ
xuống cánh đồng rồi đi vơ vẩn theo các
bờ vùng bờ thửa. Tôi gọi nó không quay lại, cứ vất vơ đi về phía cánh đồng làng Tò. Tôi nghĩ
thằng bé sang bên đó mời lão Muỗi sang nhà nhậu nhẹt, lão là bạn thương
binh của bố nó, nghe nói bị cụt một chân
trên biên giới vì mìn miếc gì đấy. Khiếp, đám thương binh bạn bố nó có những
tên gọi nghe kinh lên được. Toàn những Muỗi,
K57, Cối 81 với Bom lân, Bom cháy gì đó. Nghe nói bị thương vì đạn tạc
gì thì họ đặt tên cho mình như vậy. Để đe mấy ông chính quyền và lên gân mặt
với thiên hạ mà - bà ta hạ giọng nhìn quanh rồi mới nói tiếp - đang bàn nhau
chiếm đất, chiếm ruộng gì ở bãi sau Uỷ ban xã, phường nào ấy...
Đấy là theo lời kể của bà Toanh. Còn chính thằng bé thì nó
chẳng nhớ đuợc gì. Hôm ấy, khi đến sát ngôi miếu giữa đồng tự dưng nó sững
người, nhìn quanh quẩn mãi cho đến lúc nhận ra đó là miếu Bồ Đề mới vừa đi vừa chạy về nhà. Đến gốc cây gạo
bướu thì nó tỉnh hẳn ra bởi tiếng quát
của bà bán bún riêu:
- Thằng kia, mày bị ma làm đấy à? Có về nhà ngay không, bố
mày đang tìm đấy.
- Này, để vó với tép ở đây à? Cứ thế thì liệu hồn với bố
mày, mông đít không đủ chỗ chứa lươn đâu con ạ! - Bà ta lại quát với theo khi
thấy thằng bé không nhớ gì đến chuyện nhặt đám vó tép bằng vải màn với những
con tép nâu nâu nhỏ như que tăm, đã hết hơi sức sau thời gian cong mình nhảy
tanh tách mà không thoát đi đâu đuợc.
Bị ma làm cũng hãi nhưng
không hãi bằng bị bố đánh. Bố đánh nó, đánh cả mẹ nó. Bị đòn sợ lắm,
nhưng khi bố đánh mẹ nó còn sợ hơn. Hồi bố
lên biên giới, ở nhà chỉ có nó và mẹ, thế mà lại vui. Thỉnh thoảng bác Huyên cán bộ xã đến chơi, giúp mẹ lợp lại
mái bếp bằng rạ mới. Làm cả chuồng lợn, chuồng gà bằng tre. Thỉnh thoảng bác ấy
mua cho nó chiếc bánh bỏng hay bánh dày đỗ. Mẹ có vẻ quý bác ấy, hay chuyện
trò, có gì cũng hỏi han bác ta, ngay cả chuyện học hành của nó.
Rồi bố về nhà với chiếc chân cụt làm thằng bé vừa thương vừa
sợ. Bố nó khác đi, không vui tính như nó nghĩ lúc còn tí hin. Thằng bé khoe
chuyện ở nhà làm chuồng gà, chuồng lợn cho bố vui, nhưng lần nó kể có bác Huyên
cán bộ xã thỉnh thoảng đến nhà thì bố căn vặn mãi rồi đùng đùng vác khúc củi
xuống bếp đánh mẹ. Nó sợ quá chạy xuống theo thì thấy mẹ khập khiễng chạy ra
cổng, còn bố lăm lăm thanh củi trong tay quát theo:
- Ông đi chiến đấu què chân để chúng mày ở nhà đú đởn với
nhau phải không? Ông sẽ cho những đứa ngoài kia què lê què dệt. Có thế mới công
bằng xã hội! Mày cút ngay đi. Cút đi đâu thì cút!
Bố quay lại định đánh nó nhưng chân què không đuổi đuợc nên thằng bé chạy sang nhà bà
Toanh. Mẹ thì không dám về nhà, rồi sau đấy vài ngày nó bỗng nhiên bị ma làm
như lời bà Toanh kể lại. Thằng bé muốn theo mẹ về bà ngoại nhưng bố không cho.
Phải hơn một tuần sau mẹ mới dám nhờ dì nó đưa về nhà nhưng được ít lâu thì một
việc kinh khủng xảy ra.
Đêm và sáng hôm ấy bố đã chửi mắng mẹ nó vì những chuyện gì
thằng bé không hiểu rõ lắm. Nó bỏ dở buổi học lẩn thẩn về nhà thì thấy bếp nhà
mình đang cháy. Bố nó không có nhà mà
không hiểu sao đống rạ đổ tung toé vào cửa bếp cũng cháy, làm mẹ nó ở trong bếp
không có đuờng nào chạy ra. Nghe tiếng mẹ kêu khóc ở trong nó chợt quên hết mọi chuyện. Quên cả chuyện
lửa cháy to như thế nào, thằng bé cứ chạy ào đến, nó nhảy một phát qua đống rạ
cháy truớc cửa bếp, như khi nhảy qua tuờng rào khu vườn rau ở đằng sau lớp học
để lấy quả bóng đá văng vào đó. Mái bếp
cháy đùng đùng, bếp đầy khói nhưng vẫn thấy rõ mẹ nó đang sặc khói, nước
mắt nuớc mũi dàn dụa, luýnh quýnh không biết làm thế nào. Thằng nhỏ chạy đến
nắm tay mẹ, xô lại chỗ chiếc chạn để nồi niêu thúng mủng. Sau chạn có một cánh
cửa phụ thông sang gian để cày bừa đã lâu không dùng đến, hai mẹ con đạp đuợc
cánh cửa ấy, chui lủi giữa đám nông cụ lủng củng thoát đuợc ra ngoài.
Sau lần ấy mẹ không
dám về nhà nữa. Bố chẳng cày cấy gì, chỉ hay sai nó xách chai đi mua rượu để
cùng mấy chú bạn thuơng binh uống cho đến khi say xỉn. Uống rồi ngồi đe người
này người nọ. Bàn nhau chiếm đất ở sân kho, ở bãi sau Uỷ ban..
Nó chẳng thích chút nào dù các chú ấy cũng hay cho tiền mua
bánh đa, mua kem. Một lần thằng bé rụt rè nói "Bố ơi, sao bố không ra làm
việc ở Uỷ ban xã như bác Thông, chú Thái, lại cứ bênh nhau đi chiếm chỗ nọ chỗ
kia.. " nhưng bố nó trợn mắt quát "Ôn con, ông đập chết cha mày bây
giờ. Cút nốt theo con mẹ mày đi!"
Nói thế nhưng bố cũng không cho nó theo về bên bà ngoại.
Cũng chẳng còn ai mà theo vì mẹ nó đã đi khai hoang ở Tây Nguyên rồi. Nghe nói
cùng đi với bác Huyên. Tây Nguyên xa lắm, làm sao mà tìm đuợc.
Nhớ mẹ, sợ đòn của bố nên thằng bé càng ngày càng hay bị ma
làm. Những lúc bị ma làm nó chẳng nhớ gì được điều gì rõ ràng, thường là nó
thấy cảnh những đám cháy. Trong đó mẹ nó đang kêu thất thanh, còn nó thì chạy
tới tìm cách để cứu mẹ ra ngoài. Nó càng ngày càng ít đến truờng. Lòng dạ nào
đến truờng khi người ta bắt quả tang bố nó ngủ với chị Tằng ở làng bên. Chồng
chị ấy đang ở bộ đội. Công an xã kéo đến bắt, bố nó chửi oang oang "Trong
khi tao đánh nhau để giữ gìn biên giới thì chúng mày ngủ với vợ tao. Bây giờ
tao ngủ với đứa đàn bà nào muốn ngủ với tao, chúng mày làm gì đuợc? Chồng nó có
phải đi đánh nhau như tao đâu. Nó chỉ huy
quân xây dựng, bỏ lửng vợ nó. Suốt ngày ăn nhậu, cũng ngủ với bao nhiêu
đứa con gái nghèo túng phải bán trôn nuôi miệng, cả con bé ở đầu làng này đấy.
Sao chúng mày không bắt nó đi?!
Công an định trói bố nó nhưng chú Muỗi và chú Bom-cháy chạy đến. Nạng và
gậy khua khoắng, bênh nhau rầm rĩ cả lên. Cuối cùng thì cũng thôi nhưng từ đấy
nó không muốn đi học nữa. Bố
cũng chả quan tâm gì đến nó, mặc cho thằng bé lang thang kiếm sống, lúc
nào không kiếm đuợc gì, đói quá nó mới quay về nhà sục nồi cơm nguội hay vét
các bát xáo xào còn thừa lại sau bữa nhậu của
bố với các chú thương binh khác.
Đầu óc bé nhỏ của đứa bé làm sao có thể hiểu đuợc những
chuyện gặp phải hàng ngày. Những lúc lang thang đi kiếm củi thuê, đi cất vó
tép hay đẩy xe ba gác với người ta nó
thường vẩn vơ nghĩ ngợi "Sao lại thế nhỉ ? Các thày cô dạy rằng được tôi
luyện trong chiến đấu là điều vẻ vang, là những người dũng cảm, có công với
nuớc. Nhưng bố và các chú ấy đi đánh
nhau trở về lại thành những người thế nào ấy. Ngay mấy bác không bị què cụt gì,
bây giờ được làm cán bộ cũng không như ngày xưa nữa. Nó thường thấy họ cuỡi xe
máy vè vè, ăn thứ thật ngon ở nhà hàng, uống những chai gì đó đắt lắm, mặt mũi
đỏ gay rồi ôm eo, thì thụt với các cô mà bà Toanh bảo là bọn cá-ve. Chắc đánh
nhau nhiều đã làm biến đổi tính nết người ta..." Nó đâm sợ chiến tranh,
không muốn nghe ai nói chuyện có chiến tranh ở đâu đó. Càng sợ lửa hơn, nhất là từ khi mẹ con nó
suýt chết cháy. Có điều khi có đám cháy
thì nó rất dễ bị ma làm như bà Toanh nói, thường xông vào dập cho tắt lửa nhưng
sau đấy lại chẳng nhớ gì cả. Bị ma làm mà, chính thằng nhỏ cũng tin như vậy.
Tháng truớc
mang máng như nó cũng dập lửa ở đâu đó trong những lần bị ma làm. Một lần một
cô giống như mẹ nó kêu cứu trong dãy lán đang cháy. Nó xông vào đạp thủng vách
đằng sau lôi cô ấy ra ngoài. Lần khác nó nhìn thấy bọn trẻ
đốt ong bò vẽ gây cháy rừng. Thấy cháy là lập tức nó bị ma làm, chẳng
nghĩ chẳng nhớ gì nữa. Không hiểu bằng cách nào mà nó đuổi đuợc lũ trẻ đang lấy
nhộng ong, vứt tung đống củi đang cháy để cho người ta lúc nhúc chui ra từ cái
hang trông như hang cáo đã bị lũ chó xúm vào đào bới ngay cạnh đấy..
Có lẽ số
phận đã run rủi để thằng bé đi ngang qua mặt hai tay "cai" sau đó mấy
ngày, lúc họ vừa định rời quán Cà phê
vườn. Trời vẫn còn mưa nên hai "cai" chẳng có việc gì để làm, đành
gọi nhau ra đó nhâm ly cà phê. Người ta
đang nhờ thằng bé đẩy hộ xe củi vào chợ,
người nó lấm lem như đứa móc cua.
- Hình như nó kia kìa, có lẽ đúng thằng bé ấy rồi -
"Khai khoáng" chợt đứng bật dậy. "Chủ thầu" lập tức cùng
bạn đi theo sau chiếc xe. Lúc xe củi đã bốc hết vào trong lán của xuởng Than Tổ
ong, chủ xe đang nhận tiền thì "Khai khoáng" nắm tay đứa bé nói
" Đi vào đây ăn bánh cuốn với bác, hôm nọ nhờ có cháu mà các bác thoát
đuợc cảnh chuột bị hun trong hang đấy".
Thằng bé ngần ngại, nó quay mặt nhìn người bán củi, ý đợi
trả tiền công nhưng "Chủ thầu" cũng nắm tay nó.
- Thôi, không cần đâu. Cứ vào đây rồi bác trả tiền công cho.
Bác cũng còn nợ tiền củi của ông ta mà - Hắn giơ tay ra hiệu cho cho tay chủ xe
ba gác cứ việc kéo xe đi rồi không để thằng bé quay đầu lại nữa, dẫn thẳng vào
hàng bánh cuốn.
- Cậu để nó về chỗ tớ ít ngày. Khi nào cần tớ lại đưa nó
sang chỗ cậu. Yên tâm đi. Cậu gọi thì tớ đưa nó sang chỗ cậu ngay -Trong khi nó
ăn "Chủ thầu' thì thầm với "Khai khoáng" như vậy.
Khác với "Khai khoáng" chỉ mướn người lớn khoẻ
mạnh đi đào vàng, đãi quặng cho mình, "Chủ thầu" thuê cả trẻ con vào
những việc gì hợp với sức vóc của chúng. Thuê như vậy trả theo công nhật, chả
hợp đồng hợp điếc gì, khỏi phải lo bảo hiểm nọ kia. Trẻ con nhưng ở độ choai
choai nhiều đứa còn khoẻ hơn mấy tay thợ lẻo khoẻo chuyên cầm bay, thuớc trát
tuờng, kẻ chỉ. Lỡ việc thì cho nghỉ, tự do xách hòm đi đánh giày, bán vé số,
lúc nào cần lại vẫy về. "Chủ thầu" có thừa kinh nghiệm đối phó với
những chuyện kiểm tra, thắc mắc. "Thằng cháu ở quê ra giúp chú coi vật
liệu ấy mà" hoặc " Chả biết đứa nào nẫng hòm đánh giày của thằng bé,
nó xin tôi phụ việc thu dọn mấy ngày để kiếm đủ tiền mua bộ đồ nghề.." đó
là những cách giải thích khi việc phiền
hà xảy ra có liên quan đến trách nhiệm của người thuê muớn nhân công.
Lần này hắn quyết tâm kéo thằng bé về chỗ mình, cho nó làm
cái gì cũng đuợc. Công xá thì đáng bao nhiêu, quan trọng là ở chỗ khi
"hạn" của hắn xảy đến biết đâu nó lại là "quý nhân phù trợ"
hoặc "biệt nhân thế mạng" không chừng. Cũng thấy hơi áy náy với tính
toán của mình nhưng hắn tặc lưỡi "muốn làm từ thiện thì đầu tiên phải biết
kiếm tiền. Thương người thì kiếm tiền thế đếch nào đuợc trong cảnh nguời khôn
của hiếm này. Những thằng đang vênh vang đi làm từ thiện bây giờ, chả đứa nào
ngại ngần việc làm hại thiên hạ lúc chúng
còn đang phải vơ bèo vạt tép..." Khi thư thả đọc truyện chưởng Tàu
hắn rất khoái với triết lý nhà Phật mà lão nhà văn Kim Dung hay dùng "Bỏ
con dao đồ tể xuống là lập tức thành Phật". Yên tâm đi. Khi nào giàu thì mình sẽ hối lỗi, cũng sẽ làm từ thiện...
Hắn bố trí thằng bé
phụ việc trong kho. Lau chùi, khiêng xếp, san chuyển vật tư từ thùng nọ sang
thùng kia. Khá ngột ngạt trong chiếc kho tạm vì sơn và dầu các loại đang đuợc
tập kết về để bắt đầu phần mộc và trang trí nội thất cho đơn nguyên đầu tiên.
Thằng bé lúc thức, lúc ngủ, lúc ngây ngây ngô ngô làm hắn cáu tiết. Đã có lần
hắn bợp tai nó nhưng nghĩ đi nghĩ lại hắn
cố chịu đựng vì nhớ tới quẻ bói của Cô đồng Thanh.
Không ngờ sự việc xảy ra khá nhanh. Hôm ấy hắn đang theo dõi
việc nhập lô sơn dầu và vec-ni cuối cùng vào gian kho hẹp và dài thì xảy ra
chập điện. Lửa toé ra ở chỗ nối của đoạn cáp điện cũ làm cháy dầu sơn loang vãi
duới sàn. Kể ra có thể sử lý vụ việc rất nhanh bằng cách nhảy qua chỗ cháy,
ngắt cầu dao điện ở cách đấy dăm mét là xong vì hắn vốn rất tháo vát. Nhưng bói toán đã ảnh hưởng khá
mạnh đến tâm trí người mê tín. Thấy lửa hắn nhớ ngay tới dự báo hoả tai của Cô
đồng Thanh, không còn hồn vía nào nữa. Phản xạ khiến hắn quay lưng lại chỗ
cháy, định tìm chỗ tránh xa nhưng làm gì còn đuờng nào khác? Càng không thể leo
lên nóc các thùng sơn vì hắn đã cho xếp khá cao, gần sát mái tôn rồi.
Mấy phút chần chừ khiến ngọn lửa bốc lên che hết khe hẹp
giữa bức tuờng và dãy thùng sơn cao hơn
đầu người, có thể chỉ tí nữa cả gian kho sẽ thành biển lửa. Cai thầu chỉ còn
biết gào lên "Cu ơi, cứu tao, cứu
tao với!". May làm sao thằng bé nghe thấy tiếng kêu trong kho. Nó thò đầu
nhìn vào. Cũng như mọi lần, thấy lửa là
nó lập tức bị ma làm, chạy băng qua đám cháy tới chỗ có người kêu cứu, tuởng
như chạy tới với người mẹ đang nguy khốn
của mình. Nhưng nó đã bị điện giật, vấp ngã
ngay ở chỗ lửa cháy.
Thân hình của đứa trẻ tuy không to lớn nhưng khi ngã xuống
cũng làm ngọn lửa ở sàn khe giảm đi. Cai thầu nhân cơ hội bước thẳng lên lưng
thằng bé con để chạy ra ngoài, thoát ra ngoài rồi hắn mới hò hét để nguời ta
vào cứu thằng bé và cứu hoả.
Đúng là tai họa khi
đến thì cưỡi trên cánh đại bàng, mà bám theo chân rùa khi nó ra đi. Tuy kho sơn
chỉ bị thiệt hại nhỏ do kịp thời dập lửa nhưng thằng bé bị bỏng nặng và chết
sau đấy vài ngày. Lúc sống ông bố chả mấy quan tâm đến mẹ con nó nhưng lúc này đội ngũ ăn vạ hùng hổ
kéo đến khá đông khiến cai thầu dở sống dở chết, tuy về mặt pháp lý hắn ta hầu
như vô can. "Thằng nhỏ cầu bơ cầu bất này mấy hôm nay ngủ nhờ ở đây, tôi
không nỡ đuổi nó đi. Tôi có bao giờ thuê muợn nhân công trẻ con như nó đâu. Mà
người ta nói nó hay bị ma làm, cứ thấy lửa cháy ở đâu là xồng xộc chạy vào.
Trong lúc rối ren như vậy, tôi làm sao
để ý ngăn cản đuợc nó..!"
Bà Toanh và ông giáo nghiện món bún riêu cua cũng đi theo
đám tang thằng nhỏ xấu số.
- Thằng bé không phải bị ma làm, nó chỉ bị người ta làm cho
thành như thế mà thôi. Cả tuổi ấu thơ nó đâu có đuợc mấy ngày sống trong may
mắn. Sự bội phản của mẹ nó, những hành vi tàn bạo của bố nó khi rắp tâm trả
thù đời đã làm căng đến nứt rạn những
sợi dây thần kinh non tơ, làm thằng bé mắc bệnh mộng du đấy mà- Ông giáo nói.
- Khi bị mộng du thằng bé đi lại và làm một cách vô thức
những việc hàng ngày, đặc biệt là những việc gì đã gây ấn tuợng mạnh vào tâm
hồn nó.- Ông tiếp tục giải thích cho bà Toanh đang sụt sịt- Tuy vậy tai nạn chỉ
không xảy ra khi nó làm những công việc quen thuộc mà không ai đánh thức nó đột ngột. Nhưng đây đâu
phải là đám cháy đống rơm ở bếp nhà nó.. Tội nghiệp!
Tuy không phải họ hàng, cũng chẳng dạy thằng bé học ngày nào
vì về hưu đã lâu nhưng ông giáo cũng đi theo đám tang đến tận nghĩa trang.
Thằng bé chết rồi, lần này nó chết thật chứ không phải là thấy mình chết trong
cõi mộng như nó hay kể với bà Toanh. Mới có mười lăm tuổi đầu mà đã đuợc người
đời tiễn đưa bằng những vòng hoa trắng.
"Mong sao khi chết rồi thằng bé mới thật là đang sống,
vì lẽ từ tuổi ấu thơ nó mới chỉ sống
gửi như mấy bà đi chùa đang lâm râm khấn
vái, tiễn linh hồn đứa nhỏ về cõi vĩnh hằng. Trên cõi đời này nó đã phải chịu bao nhiêu bất hạnh, là do người
lớn gây ra cho nó, liệu khi đã thác về
nó có còn bị người ta lừa gạt thêm ở một cõi vĩnh hằng nào đó hay
không?!"- Những giọt chua chát ứa ra làm thầy giáo già phải lau hai mắt
kính.
Một con quạ khoang
chầm chậm bay lên với tiếng kêu khàn khàn giận giữ khi đám người tiến lại gần.
Đã lâu lắm rồi giống quạ này hầu như không thấy...
Ngọc Châu
No comments:
Post a Comment