Ông Lê Cao Phan năm nay đã đầy 90 tuổi, quê ở làng Ngô Xá
Đông - Triệu Phong - Quảng Trị là một nhạc sĩ đa tài. Ông nguyên là một nhà
giáo và là người am hiểu nhiều lĩnh vực nghệ thuật như: thơ ca, âm nhạc, điêu
khắc, hội họa… Ông có thể sử dụng nhiều loại nhạc cụ như dương cầm, đàn nguyệt,
đàn tranh, Harmonica.
“Ông đã sáng tác được nhiều ca khúc với nhiều thể loại:
thiếu nhi, giải trí, xã hội, Phật giáo. Đặc biệt, ông là tác giả của ca khúc
Phật giáo Việt Nam, một bài hát gắn liền với lịch sử Phật giáo nước nhà trong
hơn 55 năm qua, trở thành Đạo ca của Giáo hội Phật giáo Việt Nam” (Quy định tại
Điều 4, Chương I, Hiến chương Tu chỉnh tại Đại hội Đại biểu toàn quốc GHPGVN,
kỳ VI, 2007).
Lời bài ca này là:
Phật Giáo Việt Nam thống nhất Bắc Nam Trung từ nay
Một lòng chúng ta tiến lên vì đạo thiêng
Nào cùng vui trong ánh đạo vàng rạng ngời bốn phương
Vang ca đón chào Phật Giáo Việt Nam
Noi tấm gương Ngài Thích Ca giải thoát chúng sanh
Chúng ta dốc lòng nguyện cùng gieo rắc quanh mình
Bao mối vui lành tràn lan hàng tan đau đớn
Chắp tay ta cùng dưới Đài sen thắm kết đoàn
Phật giáo Việt Nam thống nhất Bắc Nam Trung từ nay
Nào cùng nắm tay kết nên một Đài sen
Cùng làm sao cho đóa sen ngời đời đời ngát hương
Muôn phương thấm nhuần Phật Giáo Việt Nam
Một lòng chúng ta tiến lên vì đạo thiêng
Nào cùng vui trong ánh đạo vàng rạng ngời bốn phương
Vang ca đón chào Phật Giáo Việt Nam
Noi tấm gương Ngài Thích Ca giải thoát chúng sanh
Chúng ta dốc lòng nguyện cùng gieo rắc quanh mình
Bao mối vui lành tràn lan hàng tan đau đớn
Chắp tay ta cùng dưới Đài sen thắm kết đoàn
Phật giáo Việt Nam thống nhất Bắc Nam Trung từ nay
Nào cùng nắm tay kết nên một Đài sen
Cùng làm sao cho đóa sen ngời đời đời ngát hương
Muôn phương thấm nhuần Phật Giáo Việt Nam
Ghi chú: Ca khúc này xem trên mạng tại đường dẫn:
www.youtube.com/watch?v=EU8G8vG3Zeo
Tại Hội nghị kỳ 2, khóa VI của Trung ương Giáo hội cuối
tháng 12/ 2008 (?) , ông đã được tuyên dương công đức. Nhân dịp năm mới, phóng
viên Văn Hóa Phật Giáo đã có cuộc trò chuyện với Nhạc sĩ Lê Cao Phan.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc những nội dung chi
tiết cuộc gặp gỡ nhạc sĩ Lê Cao Phan với phóng viên báo Văn hóa Phật giáo:
-“Phóng viên báo Văn hóa Phật giáo [PV]: Vào ngày
30/12/2008, tại hội nghị thường niên của Trung ương Giáo hội, ông được tuyên
dương là người đã có nhiều đóng góp vào công tác văn hóa của Phật giáo, trong
đó có ca khúc "Phật giáo Việt Nam" (PGVN) được chọn làm Đạo ca của
Phật giáo Việt Nam, ông có cảm tưởng như thế nào khi nhận được vinh dự này?
-Nhạc sĩ Lê Cao Phan[NSLCP]: Quả thật làm tôi rất xúc động,
vì không có gì hạnh phúc bằng đứa con tinh thần của mình được công chúng đón
nhận và trở thành tài sản chung. Tôi luôn biết ơn chư tôn đức Tăng Ni và các
Phật tử trong nhiều chục năm qua đã dành tình cảm yêu quý cho tôi. Thật sự đối
với tôi, là một người Phật tử, nếu có khả năng gì thì lúc nào cũng chỉ muốn
đóng góp vào các Phật sự để cúng dường Tam bảo, hoàn toàn không vì mục đích nào
khác.
Hòa thượng Thích Thanh Tứ - Phó Chủ tịch TT HĐTS GHPGVN trao
bằng tuyên dương công đức cho nhạc sĩ Lê Cao Phan.
Khi viết PGVN, tôi cũng chỉ thực hiện với tâm niệm cúng
dường, mặc dù về sau được đông đảo Tăng Ni, Phật tử yêu thích nhưng tôi không
hề nghĩ đến nó sẽ trở thành Đạo ca. Buổi lễ tuyên dương đã thể hiện sự quan tâm
của Giáo hội đối với các Phật tử lão thành như chúng tôi, khiến tôi rất xúc
động.
-PV: Tại hội nghị,
tôi thấy ông trình diễn ca khúc PGVN bằng harmonica. Cảm xúc lúc đó của ông như
thế nào?
-NSLCP: Tôi xúc động
lắm. Thể theo yêu cầu của mọi người, tôi đã cố gắng thổi harmonica để tặng các
đại biểu tham dự hội nghị. Do năm nay đã 87 tuổi và quá xúc động nên tôi thổi
không được chính xác một số nốt.
Mỗi lần nghe lại PGVN, tôi lại được dịp trở về với quá khứ
hào hùng của Phật giáo, nhớ đến một thời trai trẻ tôi sống hết mình với âm nhạc
và đến với âm nhạc bằng cả tấm lòng trong sáng. Nhạc sĩ Phạm Duy có lần nói: Âm
nhạc có sức chuyển hóa, lan tỏa đến trái tim người khác và làm sống lại những
kỉ niệm của thời đã qua. Tôi nghĩ điều này rất đúng.
-PV: Ca khúc PGVN
được ông sáng tác chính xác vào thời gian nào và trong hoàn cảnh nào?
-NSLCP: Tôi viết ca khúc PGVN đúng vào tối mùng 9 tháng 5
năm 1951, trong dịp đại hội thống nhất Phật giáo ba miền Bắc Trung Nam, diễn ra
từ ngày 6-10 tại chùa Từ Đàm (Huế). Đây là lần đầu tiên một đại hội Phật giáo
được tổ chức nên đại biểu về dự rất đông. Lúc đó tôi 28 tuổi, anh Võ Đình Cường
đã là Trưởng ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử (GĐPT) Trung phần, tôi được bầu làm
Trưởng ban Hướng dẫn GĐPT tỉnh Thừa Thiên. Chứng kiến hàng ngàn chư Tôn đức
Tăng-già quy tụ về chùa Từ Đàm lịch sử, chúng tôi rất vui mừng, xúc động. Chính
ấn tượng đó đã thôi thúc tôi viết một bài hát để ca ngợi.
Vào đêm trước khi đại hội bế mạc, cảm xúc dâng trào, tôi đã
ôm cây đàn ghuitar đánh nốt và ghi vội lời nhạc. Trong vòng 15 phút thì ca khúc
hoàn thành. Tôi hát thử cho các anh chị Phật tử nghe, ai cũng đề nghị tôi hát
tặng đại hội.Được chư Tôn đức đồng ý, tôi tập vội cho các em đoàn sinh GĐPT và
chỉ huy trình diễn bài hát này tại lễ bế mạc vào ngày hôm sau. Tất cả đại biểu
hôm đó nghe xong đều rất xúc động. Về sau tôi có nhờ các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Võ
Văn Thu… xem lại và chỉnh sửa trước khi phổ biến. Các nhạc sĩ đàn anh đều đã
đánh giá tốt ca khúc này.
-PV: Ông sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị, nhiều năm
sống và làm việc tại Huế, hai tỉnh nghèo về kinh tế nhưng lại có nhiều Phật tử
giàu đạo tâm. Phải chăng ca khúc PGVN là kết tinh của tinh thần Phật giáo tại hai
vùng đất đó?
-NSLCP: Nói PGVN là kết tinh của tinh thần Phật giáo thì tôi
không dám nhận. Tuy nhiên, có thể nói chính truyền thống kính Phật trọng Tăng
mà tôi được hấp thụ từ nơi sinh ra và lớn lên đã góp phần rất lớn giúp tôi
chuyển tải được phần hồn của bài hát. Nhưng yếu tố chính như tôi vừa nói, sự
thành công của đại hội thống nhất Phật giáo là kết tinh lớn nhất để tôi hoàn
thành bài hát này.
-PV: Trong PGVN, phần đầu mang âm hưởng hành khúc rất rõ,
nhưng phần sau tiết tấu có phần dịu lại, khi viết như vậy ông đã có sự tiên
liệu nào đối với Phật giáo hay không?
-NSLCP: Thú thật, tôi viết PGVN là để chào mừng đại hội,
không có chủ đích gì khác. Tất nhiên trước không khí hào hùng lúc đó, tôi cũng
như hầu hết các Phật tử bấy giờ đều tin tưởng Phật giáo nước nhà trong tương
lai sẽ còn phát triển hơn nữa. Bởi vì Phật giáo đã có những bước tiến đáng kể
mà công cuộc chấn hưng Phật giáo ba miền vào giai đoạn 1930-1945 đã đặt được
nền móng vững chắc, làm tiền đề đưa đến đại hội thống nhất Phật giáo vào năm 1951,
và về sau tiếp tục phát triển đúng như niềm tin của chúng tôi: Phật giáo đã tạo
được sức mạnh to lớn vào thập niên 1960 khi bị chính quyền Diệm-Thiệu đàn áp.Ca
khúc Từ Đàm quê hương tôi của nhạc sĩ Nguyên Thông (Phan Văn Giảng) và Tâm Đại
(Lê Văn Dũng), sáng tác năm 1963 cũng đã phần nào nói lên được sức mạnh này.
-PV: PGVN và Từ Đàm
quê hương tôi có thể nói là hai ca khúc vượt thời gian, ra đời trong những biến
cố lớn của Phật giáo Việt Nam, vì vậy tiết tấu của cả hai đều chứa đựng tính
chất trang nghiêm, hùng tráng. Trong những biến cố của Phật giáo, ca khúc PGVN
đã có tác dụng như thế nào?
-NSLCP: Sau khi ra đời, PGVN đã nhanh chóng trở thành bài
hát phổ biến trong giới Tăng Ni và Phật tử, được sử dụng làm ca khúc mở màn
trong các chương trình văn nghệ và các buổi lễ lớn của Phật giáo. Giai đoạn này
tuy chưa chính thức trở thành đạo ca nhưng PGVN đã gần như là bài hát thông
dụng trong các sinh hoạt của Phật giáo.Tôi đã chứng kiến ca khúc PGVN được dàn
dựng rất quy mô tại chùa Xá Lợi vào năm 1963, dàn hợp ca này lên đến cả trăm
người. Đặc biệt, trong phong trào chống kì thị tôn giáo của chế độ Diệm-Thiệu
vào thập niên 1960, những cuộc xuống đường biểu tình của Tăng Ni, Phật tử, các
giáo chức, sinh viên và học sinh, đi đâu tôi cũng nghe họ hát ca khúc này, làm
cho sức mạnh tinh thần đấu tranh bảo vệ đạo pháp tăng lên gấp bội, không khí
trở nên rất hào hùng.
Từ đó đến nay, tôi đi đâu, dù ở trong nước hay ra nước
ngoài, cũng nghe thấy ca khúc này được đa số đồng bào Phật tử hoan nghênh, quý
mến. PGVN đã đi vào lòng quần chúng Phật tử, trở thành món ăn tinh thần chung
của mọi người, cũng như quốc ca, nó không còn là của riêng tôi nữa, dù tôi là
tác giả.
-PV: Với PGVN, có thể nói Lê Cao Phan là cái tên được các
Phật tử qua nhiều thế hệ mến mộ, ông đã có những kỉ niệm ấn tượng nào khi được
quần chúng yêu quý?
-NSLCP: Thú thật, kỉ niệm về đứa con tinh thần của tôi nhiều
lắm, không thể nói hết được, vì đi đâu tôi cũng được mọi người quý mến. Có
những lúc tôi rất vui và ấn tượng khi nhiều người yêu thích ca khúc PGVN, hâm
mộ tác giả Lê Cao Phan nhưng không biết mặt tôi. Do bài hát ra đời đã trên 55
năm nên có nhiều người nghĩ tôi không còn sống nữa.
Có lần tôi đến dự lễ tại một ngôi chùa ở Vũng Tàu, thầy trụ
trì giới thiệu tôi là tác giả ca khúc PGVN, tất cả các em đều trố mắt nhìn. Có
một em nói: Cháu gặp bác ở Vũng Tàu rất nhiều lần nhưng không biết bác là nhạc
sĩ Lê Cao Phan. Lâu nay cháu cứ nghĩ bác qua đời rồi. Được gặp bác, cháu mừng
quá!...”.
(Ghi chú: Đoạn này đã
trích trong bài đã đăng trên: http://phattuvietnam.net,
ngày 14/02/2009)
No comments:
Post a Comment