Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, April 23, 2013

ĐÔI DÉP NHỰA TRÊN ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN - Bút ký của Hoàng Đình Chiến

Ký họa của Hoàng Đình Tài

           Trên chuyến xe định mệnh bị lật nhào ở Nam Lào ngày ấy có một chàng trai với dáng vẻ thư sinh. Bộ quân phục màu xanh như mọi người nhưng chân lại mang đôi dép nhựa Tiền Phong màu trắng. Đây là loại dép thời thượng của thanh niên thời đó. Trước lúc lên đường, mọi người đều được trang bị như nhau. Đặc biệt là đôi dép râu đã trở thành huyền thoại bởi sự tiện ích của nó. Không hiểu sao chàng trai này không mang dép được phát như mọi người mà lại mang dép nhựa để vượt Trường Sơn. Cho tới khi bị thương bất tỉnh, cấp cứu ở Trạm Quân Y.78 - Trường Sơn, đôi dép nhựa vẫn như “bất ly thân”. Phải chăng anh còn lưu luyến một nét trai Hà Nội? Hay anh muốn mang thêm một chút lãng mạn vào cuộc “Xẻ dọc Trường Sơn” của một thời tuổi trẻ?
            Người thanh niên ấy là tôi cách nay tròn 40 năm. Ngày ấy, thực ra tôi chỉ đơn giản nghĩ là phải tiết kiệm. Đôi dép còn mới và là quà tặng của bạn gái mừng sinh nhật thứ 25 mà lúc ra đi còn 3 ngày nữa mới tới. Hơn nữa, da chân tôi thường dễ dự ứng với cao su. Tôi cất đôi dép được phát vào đáy ba-lô để khi cần bắt buộc mới dùng.
           Gần trưa hôm đó, đang thiu thiu tôi bị hất tung khỏi xe và không biết gì nữa. Khi được khiêng vào bóng cây, tôi mơ hồ nghe thấy tiếng ai vẳng từ cõi xa xăm: “ chết hết anh em mình rồi” và lịm đi trong khi toàn thân bất động. Tỉnh dậy, nằm trên sàn xe lắc lư, tôi ráng ngồi lên để nhổ nước miếng mà tôi biết là lẫn máu tanh lợm trong miệng. Nhưng toàn thân ê ẩm không nhúc nhích nổi. Tiếng đồng đội Nguyễn Thị Tý xa xôi: “Ch. ơi, cố mở miệng, mình cho viên sâm để Ch. ngậm nhé”. Rồi vừa đỡ đầu vừa cậy miệng, Tý nhét cho được viên sâm. Nước miếng lẫn máu lập tức trào ra chảy ướt cổ và ngực áo. Tôi chỉ cảm nhận chứ không nói được, phía mắt trái đau thốn. Một mảng mặt trái rát bỏng và lại lịm đi. Khi tỉnh lại lần thứ hai tôi thấy khá hơn (chắc nhờ viên sâm lúc nãy). Có tiếng sóng nước, tôi linh cảm thấy mình đang nằm trên một chiếc thuyền chạy giữa sông. Hai chiếc võng bên cạnh cũng bất động, chẳng biết là ai nữa. Mắt phải còn he hé, tôi thấy bóng trăng lơ lửng đơn côi… Lần thứ ba lại ngất. Khi tỉnh lại thấy mình nằm trên giường. Bóng  áo blu trắng cúi xuống và một giọng nói ngọt như nước mía rót vào tai:
              - A! Anh tỉnh rồi. Mệt lắm phải không anh. Anh ăn ít cháo nhé.
              Rất muốn cất lời nhưng không thể, tôi phó mặc cho cô gái cậy miệng bón từng thìa cháo và nén đau nuốt một cách khó khăn. Vậy là đúng hai ngày, cái bụng rỗng mới có chút tinh bột.
             Một tuần trôi đi chậm chạp giữa cái nóng khô rát miền Hạ Lào. Ngày thứ tám mắt trái mở được. Ba viên sỏi cơm nằm trong mắt suốt thời gian qua được lấy ra bởi đôi tay mềm mại của Nga, y tá Trạm. Sau, tôi biết Nga quê làng chiếu nổi tiếng Nga Sơn, Thanh Hóa. Khi tỉnh táo, tôi đã đọc thơ trêu Nga: “Em ở Nga Sơn bán chiếu con/ Hỏi em chiếu đã hết hay còn/ Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi/ Đã có chồng chưa có mấy con?”. Em cười bẽn lẽn, ném một cái lườm có đuôi về phía tôi, trước khi chạy ra khỏi lán.
             Không chỉ có Nga là người chăm sóc cho lán thương binh chúng tôi, nhưng tôi chú ý nhiều tới em hơn. Có lẽ những lời ngọt ngào bữa vào Trạm, khuôn mặt đầu tiên khi tôi mở được con mắt bị thương nhìn thấy, những thìa cháo chầm chậm bón cho tôi và nhất là những lần em nâng tôi ngồi dậy, tôi lọt giữa vòng tay em… đã cho tôi một cảm nhận dịu ngọt giữa Trường Sơn bỏng cháy. Điều đặc biệt khiến tôi để ý là trong các ca trực, Nga chỉ đi chân trần, không giầy dép. Một lần thấy chân Nga tứa máu và những vết trầy xước, tôi đánh bạo hỏi:
            - Chân em làm sao chảy máu kìa?
            - Em đi tìm măng rừng nấu canh cho các anh, bị gai và đá nhọn làm trầy tí thôi. Vừa nói em vừa kéo ống quần che bắp chân trần thấm  máu. Ống quần kéo hết cỡ không che hết bàn chân. Một ngón chân em đang rỉ máu. Tôi nghẹn lòng :
            - Dép em đâu, sao không đi, đá gai cào rách chân hết rồi?
            - Dép em bị bom vùi mất rồi. Em chờ quân nhu gửi vào mãi không có - em nói bình thản như không. Tôi nghe đắng ngắt, nước mắt muốn trào. Thì ra trong một lần tránh B.52, em chạy rớt dép, một trái bom nổ gần hất văng em và vùi luôn đôi dép, không tìm được. Em đi chân không giữa Trường Sơn từ đó.
              Chờ em ra khỏi lán, tôi lục vội ba-lô, lấy ra đôi dép cao-su chưa xỏ chân. Đêm đó, tôi trằn trọc mãi. Nghĩ về Nga mà vời vợi thương em.
              Trước hôm chúng tôi rời Trạm Quân y, đi tiếp về phương Nam, tôi ra sông chà rửa kỹ lưỡng đôi dép nhựa Tiền Phong đã gắn bó với mình nửa con đường huyền thoại. Tối đó, tôi xuống nơi Nga ở, nói lời cám ơn và từ biệt. Nga đang sốt, tôi đưa cho Nga gói giấy trong đó có đôi dép nhựa Tiền Phong. Em ngập ngừng mãi mới nhận, không nói nhưng khóe mắt nhòa lệ.
              Sáu năm sau, tôi ra thăm quê và nhân tiện đi thẩm tra lý lịch kết nạp Đảng của một đối tượng quê Ninh Bình. Trong khi chờ cấp ủy cho ý kiến, tôi hẹn hôm sau ghé lấy hồ sơ và tức tốc đi Nga Sơn. Một mình một xe com-măng-ca của cơ quan, tôi rong ruổi về chợ chiếu, háo hức một niềm vui không rõ rệt. Đang đảo quanh chợ tìm cách hỏi thăm thì trước mặt tôi là một phụ nữ, trên chiếc xe lăn giữa đống chiếu lớn, chiếu con cao ngất ngưởng. Người ấy nhìn tôi đăm đăm. Ánh mắt có nét quen quen khiến tôi chựng bước. Nga chăng? Đúng Nga rồi.
               Rối rít mời tôi về nhà, Nga quên hẳn bao ánh mắt tò mò đang hướng vào mình. Ngôi nhà một gian hai trái đơn sơ nằm sát chợ chiếu ngổn ngang cây lác và đồ dệt. Nga mời tôi ngồi giữa hiên nhà. Vừa ngồi, tôi thấy Nga rời xe lăn, xuống cặp nạng gỗ và xỏ chân vào đôi dep nhựa bên bậu cửa. Trời ơi! Đôi dép ngày xưa! Chút xíu nữa tôi kêu lên. Đôi dép nhựa mòn vẹt, hai quai hậu không còn, giống như đôi dép lê đi trong nhà nhưng vẫn giữ màu trắng ngà sạch sẽ. Nga vẫn lặng lẽ đưa chén trà mời tôi, không tỏ thái độ gì khác lạ.
              Cô em gái mau mắn làm cơm mời khách. Trong suốt bữa ăn, Nga và tôi ôn lại những ngày ở Trường Sơn. Miệng tôi đắng đót không nuốt nổi mặc dù bữa cơm khá thịnh soạn. Tôi và Nga không ai nói tới chuyện làm sao Nga phải ngồi xe lăn. Tôi không dám hỏi còn Nga cũng không nói. Chợt Nga vừa cười vừa hỏi :
           -Chắc anh đã có gia đình? (hỏi mà như tự trả lời)
           -Anh đã có hai cháu trai. Tôi đọc được một chút bối rối trong mắt Nga:
           -Lẽ thường thôi. Gần chục năm rồi còn gì. Anh và  chị chắc chắn hạnh phúc. Em mừng lắm. Mình còn có ngày gặp nhau. Biết bao người không được như mình, anh nhỉ…
           Vâng, em nói đúng. Chúng ta vẫn lời: Sự Sống. Đồng đội ta nhiều đứa không về!
         Về lại TP.HCM, tôi viết bài thơ “BÓNG LẺ”, với lời đề tặng N, cựu TNXP Trường Sơn:
                                                                                  
                                      BÓNG LẺ
                        (Thương tặng N, cựu TNXP Trường Sơn.)

                           Anh tặng em đôi dép nhựa Tiền Phong
                           Dép con trai nên thừa chân non nửa
                           Đá gai đại ngàn chân trần máu tứa
                           Dép râu em bom đạn xé tan rồi.

                           Gửi cho em một nét trai Hà Nội
                           Em ngập ngừng chút e lệ Xứ Thanh
                           Cơn sốt rét rừng giữa đêm trở lạnh
                           Chưa nói lời thương anh vội lên đường.

                           Gặp lại em giữa chật chội phố phường
                           Ngồi xe lăn không cần mang dép nữa
                           Đôi dép ngày xưa vẫn bên bậu cửa
                           Ngay ngắn chờ em sớm tối đi về.

                           Dép vẫn còn đôi, thương người bóng lẻ.

                                                HOÀNG ĐÌNH CHIẾN
                                      hoangdinhchien48@yahoo.com

No comments: