Tác giả THANH TRẮC NGUYỄN VĂN |
1. Mình quen nhau vào một ngày Valentine, ngày mà em và anh cùng dự buổi họp
mặt của một người bạn thân. Qua sự đùn đẩy của bạn bè hai đứa mình bị dồn lại
phải ngồi cạnh nhau. Hầu hết đám bạn hôm ấy đều đã có đôi có cặp, chỉ riêng
trong nhóm chỉ cỏn em và anh vẫn cô đơn... Em vẫn còn nhớ rất rõ lúc đó anh bận
một chiếc áo sơ mi trắng sọc xanh rất hợp thời trang và khá đẹp trai! Dù ngồi
bên em nhưng anh chỉ nhìn em vài cái lấy lệ rồi thản nhiên cười đùa trước sự
châm chọc của bạn bè. Em vừa tự ái vừa ngạc nhiên: Không hiểu sao một người có
ngoại hình khá, có thể dễ dàng quyến rũ các cô gái như anh, lại vẫn thích lối
sống cô độc một mình? Tàn tiệc, trước khi chia tay, em hỏi tên anh rồi tự giới
thiệu tên em là Quỳnh Như. Anh nghe một cách miễn cưỡng, khẽ cười mỉm rồi bỏ
đi. Em hiểu, em hoàn toàn chắng có gì để anh đáng phải lưu tâm và đáng nhớ
cả...
2. Mình yêu nhau cũng vào một ngày Valentine, sau khi anh đã ngỏ lời với em và tặng cho em một tấm thiệp Valentine có in hình hai trái tim buộc bởi một sợi dây ruy băng nơ màu hồng. Sau này anh vẫn thường luôn miệng gọi ngày kỷ niệm đáng yêu của hai đứa là ngày Valentine hồng.
Năm đó em về nhận nhiệm sở tại trường và gặp lại anh sau ba năm cứ ngỡ là mình sẽ không bao giờ có dịp còn gặp lại. Khi biết hai đứa cùng đồng nghiệp là nhà giáo, em đã cười ra nước mắt. Thông tin về nhau mù mờ cũng đúng thôi, vì khi cùng ngồi cạnh nhau có đứa nào chịu nói với nhau câu nào đâu? Với lại theo lời nhỏ Mai, em ruột của em, thời gian trước em vẫn còn rất gầy và rất xấu nên anh có chê cũng phải! Khi về trường em mới bắt đầu “trổ mã” phổng phao để thật sự trở thành một thiếu nữ, và khi diện vào chiếc áo dài cô giáo em lại càng xinh đẹp nhiều hơn...
Do tổ chuyên môn chưa phân công kịp nên em tạm thời được cử làm giám thị và thường phải ngồi trực ở phòng giám thị. Thế là các thầy giáo trẻ trong trường cứ rảnh là cứ xuống tập trung tại phòng giám thị, khiến căn phòng người ta nói trước kia vẫn thường vắng lặng nay bỗng trở nên nhộn nhịp hẳn lên! Trường em về là một trường lớn của thành phố nên có rất nhiều phòng học và có rất nhiều giáo viên. Các thầy giáo trong trường vẫn thường nói đùa phòng giám thị dạo này là phòng “hot” nhất của trường, là nơi các Sơn Tinh và Thủy Tinh thường xuống “tranh tài đấu trí” với nhau để giành mỹ nhân. Em lúc đầu cũng hơi buồn cười và có chút tự hào, nhưng càng về sau em càng quí trọng tình cảm của các thầy giáo trong trường đã dành riêng cho em.
Này là thầy Lộc vừa dạy vừa tự học nên mới có thêm bằng thạc sĩ toán. Thầy Lộc còn khá trẻ, cũng là một trong những giáo viên dạy giỏi của trường. Nghe nói lúc trước gia đình thầy Lộc rất nghèo, khi còn là sinh viên thầy Lộc vừa học vừa phải đi làm thêm, có khi bán vé số, có khi rửa chén bát cho các tiệm phở để có tiền ăn học. Nay tuy đã thành danh, dạy thêm có rất nhiều học trò theo học, nhưng thầy Lộc chắc vẫn còn nhớ thuở hàn vi nên rất khiêm tốn. Thầy lúc nào cũng biết nói đùa và biết dừng câu nói đùa đúng lúc. Trong các thầy, theo em thầy Lộc rất vui tính và cũng dễ gần gũi nhất.
Này là thầy Quang, giáo viên dạy thể dục, tuổi chừng ba mươi. Thầy Quang rất giỏi chuyên môn và giỏi tiếng anh. Thầy Quang đã nhiều lần được cử làm trọng tài bóng chuyền cho nhiều giải quan trọng trong nước và ngoài nước. Thầy Quang cũng là đương kim vô địch bóng bàn và đương kim vô địch quần vợt của quận nhà. Em đã nhiều lần theo các cô giáo trong trường đi xem và cổ vũ thầy Quang thi đấu. Em rất thú vị khi biết khi đánh bóng bàn thầy Quang đánh bằng tay trái, còn khi đánh quần vợt thầy Quang lại đánh bằng tay phải! Mỗi tay đánh một môn, để không bị lẫn lộn làm hư kỹ thật của tay, thầy Quang mỉm cười giải thích khi em tò mò hỏi.
Này là thầy Quý, hai mươi sáu tuổi, giáo viên dạy môn sinh. So với các thầy cô khác trong trường, thầy Quý có vẻ không khá giả. Quần áo đi dạy thầy bận thường cũ kỹ, nhưng rất sạch sẽ và phẳng phiu. Gặp em thầy Quý có vẻ ngại, ít nói. Cũng như nhiều giáo viên nam chưa vợ khác, thầy Quý cũng thường xuống phòng giám thị nhìn lén em. Nhưng không giống như mọi người, thầy Quý xuống phòng giám thị chỉ là để ngồi và lặng im soạn giáo án! Em rất quí thầy Quý vì biết thầy có rất được nhiều học sinh quí mến. Tuần trước nhờ đọc một tờ báo em mới biết thầy Quý đã từng nhặt được hai lượng vàng miếng trong một cái giỏ xách bị đánh rơi bên lề đường. Dù biết người bị rơi mất vàng là người rất giàu có thầy Quý vẫn trả lại. Và hơn thế nữa thầy vẫn kiên quyết không nhận một lượng của người chủ khi bà ta có nhã ý tặng để đền ơn.
Này là thầy Phong, là giáo viên dạy hóa nhưng lại là một nhà thơ, có tên trong Hội nhà văn của thành phố đàng hoàng. Thầy đã gần bốn mươi tuổi nhưng vẫn chưa có vợ. Nói chuyện với thầy Phong thật thú vị. Còn nhớ buổi đầu gặp thầy Phong, em nói với thầy em có nghe nhiều người trong trường gọi thầy là nhà thơ? Thầy Phong mỉm cười bảo nhà thơ là danh hiệu bây giờ nhiều người rất dễ tự xưng nhất. Ai cũng có thể xưng là nhà thơ được. Nhưng danh hiệu nhà thơ không phải là mình tự xưng cho mình, không phải là của bạn bè gọi cho mình mà phải để độc giả phong tặng cho mình, thế mới xứng đáng là nhà thơ! Ngoài ra nhà thơ cũng phải là người cần có bản lĩnh nữa... Em hỏi bản lĩnh gì? Thầy lẳng lặng viết tặng cho em một bài thơ tình có hai từ “quỳnh như”, là tên của em, được ghép rất khéo léo trong bài thơ rồi bỏ đi. Tuần sau, thầy đến phòng giám thị tặng em một tờ báo vừa in bài thơ đó! Một tháng sau thầy Phong lại đến tặng em một tuyển tập thơ, mở ra lại thấy bài thơ thầy viết tặng em đã được tuyển vào tuyển tập! Khỏi phải nói em “tâm phục khẩu phục” thầy Phong sát đất luôn!
Và còn rất nhiều thầy nữa, mỗi người mỗi vẻ... Nhưng không hiểu sao em vẫn cứ ngong ngóng chờ đợi một người vẫn chưa thấy xuống phòng giám thị bao giờ. Người đó chính là anh. Tuy ba năm trước anh đã chẳng thèm ngó ngàng gì đến em, khiến em vừa buồn vừa tủi phận, song hình bóng của anh thỉnh thoảng vẫn cứ phảng phất trong giấc ngủ của em.
Từ ngày em về trường, mình vẫn thường chạm mặt nhau nhưng anh vẫn cứ thích “làm ngơ” mỗi khi em đi qua. Sau này, chắc có lẽ do ảnh hưởng của “tin đồn” về cô giáo trẻ Quỳnh Như mới về trường, anh mới chịu mon men xuống phòng giám thị rồi làm quen với em. Nhiều người trong trường đã rất bất ngờ khi thấy em nhận lời đi ăn tối với anh quá dễ dàng và cũng thật quá nhanh. Thế là mình yêu nhau...
3. Em chia tay anh cũng vào ngày Valentine, đúng vào ngày mình chính thức yêu nhau tròn được một năm. Khi đó mình đã làm lễ hỏi được ba tháng và chỉ còn năm tháng nữa thôi là sẽ làm lễ cưới...
Trong thời gian làm người yêu của anh, em luôn rất tự hào về anh. Có một lần anh hướng dẫn cho hai cô giáo sinh trẻ đẹp. Hai cô này đi khoe với mọi người anh đúng là một người giáo viên mẫu mực và có tâm. Hai cô kể có một lần họp với anh tại phòng giáo viên, một trong hai cô chỉ vì lỡ miệng gọi học trò là “tụi nó”, lập tức bị anh nghiêm mặt nhắc nhở ngay. Theo anh, đã là người thầy thì phải biết tôn trọng học trò. Có tôn trọng các em, các em mới tôn trọng mình. Dù có mặt hay vắng mặt học sinh đi nữa cũng không được gọi các học sinh của mình là “tụi nó”! Và còn nhiều chuyện khác nữa khiến mọi người, trong đó có em, càng lúc càng ngưỡng mộ anh nhiều hơn. Nhưng điều làm em bực mình nhất chính là chuyện dù đã hết đợt thực tập, hai cô giáo sinh vẫn thường kiếm cớ về “thăm học sinh” để có dịp lại quấn quít bên anh...
Em vẫn nhớ mãi những ngày Valentine định mệnh đó. Ngày mình lần đầu gặp nhau, ngày anh ngỏ lời yêu em và rồi cũng là ngày em chia tay anh. Anh vẫn gọi chung với một cái tên là ngày Valentine hồng với những lời thật hoa mỹ. Còn đối với riêng em, em đặt tên rất dễ nhớ cho từng giai đoạn một: Ngày Valentien nhớ, ngày Valentine yêu và ngày Valentine quên...
Tiệc đã tàn, buổi tiệc tổ chức tại nhà một người bạn cũ của anh, do uống rượu hơi nhiều nên nhiều bạn bị say ngồi không còn vững. Lúc đó em biết anh vẫn còn tỉnh táo không hề say. Một là vì anh rất khôn ngoan luôn tìm cách uống ít hơn những người khác. Uống ít để quan sát xem và nghe người ta nói gì về mình khi người ta ngỡ mình không còn tỉnh, anh vẫn thường nói với em như vậy. Hai là anh có bí quyết riêng, anh vẫn thường uống một chút dầu ăn trước khi nhập tiệc (dầu ăn có tác dụng làm giảm khả năng hấp thụ rượu vào cơ thể). Ba là tửu lượng của anh cũng rất cao. Cha của anh là một vị quan chức cao cấp trong nghành giáo dục, nhà của anh luôn được người ta tặng cho những loại rượu ngoại đắt tiền quí hiếm. Mấy chai rượu mang tiếng là “mua ở nước ngoài về” ở buổi tiệc này chẳng có nghĩa lý gì đối với anh cả.
Lác đác đã có nhiều bạn nam ói mửa ra cả chén bát. Nhiều bạn nữ thấy gớm tỏ ý không muốn dọn dẹp. Lập tức anh hùng hồn tuyên bố:
- Mấy bạn nữ cứ để đó đi, mình bảo con Như nó dọn cho!
- Được không đó ông? Ông lấy quyền gì mà bắt bà Quỳnh Như bả dọn?
- Quyền là chồng sắp cưới có được không? Ông bà ta có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ. Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”. Ngay từ bây giờ phải dạy dỗ nó từ từ, cho con vợ tôi nó hiểu thế nào là “chồng chúa vợ tôi” chứ!
Lập tức một tràng pháo tay vỗ rào rào tán thưởng. Em từ nhà vệ sinh đi lên nghe trọn câu nói của anh mà chạnh lòng! Tuy vẫn có nhiều bạn nữ giúp em cùng dọn dẹp và rửa đống chén bát đáng ghê tởm đó, nhưng nước mắt em lúc nào cũng muốn chực trào ra. Không được gọi học trò là “tụi nó” vì gọi như vậy là thiếu tôn trọng học trò. Vậy gọi người yêu và cũng là vợ sắp cưới của mình là “con” và “nó” thì sao? Gọi như vậy có thật sự là tôn trọng nhau không? Với lại cưới vợ là để cùng chia sẻ, cùng yêu thương nhau, có phải đâu cưới vợ là để biến vợ thành ôsin, để có cái quyền sai vặt nhằm thỏa mãn cái “tôi” ích kỷ của mình trước mặt bạn bè?
Mẹ em mất sớm. Em và nhỏ Mai từ nhỏ sống chung với cha và bà nội. Bà nội từ đó nghiễm nhiên trở thành người mẹ tinh thần của em. Theo lời bà nội kể lại, ông nội em ngày xưa rất thích bóng đá. Cầu thủ ông ái mộ nhất là cầu thủ T. Còn bà nội em thì lại thích cải lương. Nữ nghệ sĩ mà bà yêu thích nhất chính là nữ nghệ sĩ cải lương B. Cả hai người đều là những người nổi tiếng trước năm 1975 và cũng đã từng có thời gian yêu nhau tha thiết. Nhưng cầu thủ bóng đá và nghệ sĩ cải lương sống vào thời đó thường bị xã hội khinh rẻ. Cầu thủ luôn bị xem thường, chỉ là một loại “quần đùi áo số”; còn nghệ sĩ cải lương cũng không khá gì hơn, cũng chỉ là một thứ “xướng ca vô loài”. T và B hiểu rất rõ điều đó. Họ yêu nhau và cùng thỏa thuận với nhau, chàng không bao giờ được vào rạp xem nàng hát cải lương. Nàng lý giải, nàng không muốn chàng phải nghe người ta nói “con B bữa nay hát hay quá”! Còn nàng cũng sẽ không bao giờ đến sân vận động xem chàng đá bóng, nàng cũng không muốn nghe người ta vỗ tay và hét với nhau “thằng T đang đi bóng kìa”! Tình yêu của họ đẹp vì họ không những biết yêu nhau mà còn biết tôn trọng nhau nữa. Còn anh?...
Quyết định hủy hôn của em gặp sự phản đối quyết liệt của của cả hai họ nhà trai và nhà gái. Cha em bảo em là con nhỏ điên, làm xấu hổ cho cả gia đình. Nhỏ Mai thì bảo em quá cố chấp, quá tự ái. Chỉ riêng có bà nội là thông cảm với em. Bà nói bà vẫn luôn cho rằng quyết định của em là đúng.
Xa anh rồi, em vẫn đau và vẫn nhớ... Nhưng em vẫn cứ tin rồi một ngày không xa em sẽ tìm được một người yêu em chân thành. Và người ấy sẽ không bao giờ gọi em là “con” trước mặt mọi người như anh đã từng gọi...
2. Mình yêu nhau cũng vào một ngày Valentine, sau khi anh đã ngỏ lời với em và tặng cho em một tấm thiệp Valentine có in hình hai trái tim buộc bởi một sợi dây ruy băng nơ màu hồng. Sau này anh vẫn thường luôn miệng gọi ngày kỷ niệm đáng yêu của hai đứa là ngày Valentine hồng.
Năm đó em về nhận nhiệm sở tại trường và gặp lại anh sau ba năm cứ ngỡ là mình sẽ không bao giờ có dịp còn gặp lại. Khi biết hai đứa cùng đồng nghiệp là nhà giáo, em đã cười ra nước mắt. Thông tin về nhau mù mờ cũng đúng thôi, vì khi cùng ngồi cạnh nhau có đứa nào chịu nói với nhau câu nào đâu? Với lại theo lời nhỏ Mai, em ruột của em, thời gian trước em vẫn còn rất gầy và rất xấu nên anh có chê cũng phải! Khi về trường em mới bắt đầu “trổ mã” phổng phao để thật sự trở thành một thiếu nữ, và khi diện vào chiếc áo dài cô giáo em lại càng xinh đẹp nhiều hơn...
Do tổ chuyên môn chưa phân công kịp nên em tạm thời được cử làm giám thị và thường phải ngồi trực ở phòng giám thị. Thế là các thầy giáo trẻ trong trường cứ rảnh là cứ xuống tập trung tại phòng giám thị, khiến căn phòng người ta nói trước kia vẫn thường vắng lặng nay bỗng trở nên nhộn nhịp hẳn lên! Trường em về là một trường lớn của thành phố nên có rất nhiều phòng học và có rất nhiều giáo viên. Các thầy giáo trong trường vẫn thường nói đùa phòng giám thị dạo này là phòng “hot” nhất của trường, là nơi các Sơn Tinh và Thủy Tinh thường xuống “tranh tài đấu trí” với nhau để giành mỹ nhân. Em lúc đầu cũng hơi buồn cười và có chút tự hào, nhưng càng về sau em càng quí trọng tình cảm của các thầy giáo trong trường đã dành riêng cho em.
Này là thầy Lộc vừa dạy vừa tự học nên mới có thêm bằng thạc sĩ toán. Thầy Lộc còn khá trẻ, cũng là một trong những giáo viên dạy giỏi của trường. Nghe nói lúc trước gia đình thầy Lộc rất nghèo, khi còn là sinh viên thầy Lộc vừa học vừa phải đi làm thêm, có khi bán vé số, có khi rửa chén bát cho các tiệm phở để có tiền ăn học. Nay tuy đã thành danh, dạy thêm có rất nhiều học trò theo học, nhưng thầy Lộc chắc vẫn còn nhớ thuở hàn vi nên rất khiêm tốn. Thầy lúc nào cũng biết nói đùa và biết dừng câu nói đùa đúng lúc. Trong các thầy, theo em thầy Lộc rất vui tính và cũng dễ gần gũi nhất.
Này là thầy Quang, giáo viên dạy thể dục, tuổi chừng ba mươi. Thầy Quang rất giỏi chuyên môn và giỏi tiếng anh. Thầy Quang đã nhiều lần được cử làm trọng tài bóng chuyền cho nhiều giải quan trọng trong nước và ngoài nước. Thầy Quang cũng là đương kim vô địch bóng bàn và đương kim vô địch quần vợt của quận nhà. Em đã nhiều lần theo các cô giáo trong trường đi xem và cổ vũ thầy Quang thi đấu. Em rất thú vị khi biết khi đánh bóng bàn thầy Quang đánh bằng tay trái, còn khi đánh quần vợt thầy Quang lại đánh bằng tay phải! Mỗi tay đánh một môn, để không bị lẫn lộn làm hư kỹ thật của tay, thầy Quang mỉm cười giải thích khi em tò mò hỏi.
Này là thầy Quý, hai mươi sáu tuổi, giáo viên dạy môn sinh. So với các thầy cô khác trong trường, thầy Quý có vẻ không khá giả. Quần áo đi dạy thầy bận thường cũ kỹ, nhưng rất sạch sẽ và phẳng phiu. Gặp em thầy Quý có vẻ ngại, ít nói. Cũng như nhiều giáo viên nam chưa vợ khác, thầy Quý cũng thường xuống phòng giám thị nhìn lén em. Nhưng không giống như mọi người, thầy Quý xuống phòng giám thị chỉ là để ngồi và lặng im soạn giáo án! Em rất quí thầy Quý vì biết thầy có rất được nhiều học sinh quí mến. Tuần trước nhờ đọc một tờ báo em mới biết thầy Quý đã từng nhặt được hai lượng vàng miếng trong một cái giỏ xách bị đánh rơi bên lề đường. Dù biết người bị rơi mất vàng là người rất giàu có thầy Quý vẫn trả lại. Và hơn thế nữa thầy vẫn kiên quyết không nhận một lượng của người chủ khi bà ta có nhã ý tặng để đền ơn.
Này là thầy Phong, là giáo viên dạy hóa nhưng lại là một nhà thơ, có tên trong Hội nhà văn của thành phố đàng hoàng. Thầy đã gần bốn mươi tuổi nhưng vẫn chưa có vợ. Nói chuyện với thầy Phong thật thú vị. Còn nhớ buổi đầu gặp thầy Phong, em nói với thầy em có nghe nhiều người trong trường gọi thầy là nhà thơ? Thầy Phong mỉm cười bảo nhà thơ là danh hiệu bây giờ nhiều người rất dễ tự xưng nhất. Ai cũng có thể xưng là nhà thơ được. Nhưng danh hiệu nhà thơ không phải là mình tự xưng cho mình, không phải là của bạn bè gọi cho mình mà phải để độc giả phong tặng cho mình, thế mới xứng đáng là nhà thơ! Ngoài ra nhà thơ cũng phải là người cần có bản lĩnh nữa... Em hỏi bản lĩnh gì? Thầy lẳng lặng viết tặng cho em một bài thơ tình có hai từ “quỳnh như”, là tên của em, được ghép rất khéo léo trong bài thơ rồi bỏ đi. Tuần sau, thầy đến phòng giám thị tặng em một tờ báo vừa in bài thơ đó! Một tháng sau thầy Phong lại đến tặng em một tuyển tập thơ, mở ra lại thấy bài thơ thầy viết tặng em đã được tuyển vào tuyển tập! Khỏi phải nói em “tâm phục khẩu phục” thầy Phong sát đất luôn!
Và còn rất nhiều thầy nữa, mỗi người mỗi vẻ... Nhưng không hiểu sao em vẫn cứ ngong ngóng chờ đợi một người vẫn chưa thấy xuống phòng giám thị bao giờ. Người đó chính là anh. Tuy ba năm trước anh đã chẳng thèm ngó ngàng gì đến em, khiến em vừa buồn vừa tủi phận, song hình bóng của anh thỉnh thoảng vẫn cứ phảng phất trong giấc ngủ của em.
Từ ngày em về trường, mình vẫn thường chạm mặt nhau nhưng anh vẫn cứ thích “làm ngơ” mỗi khi em đi qua. Sau này, chắc có lẽ do ảnh hưởng của “tin đồn” về cô giáo trẻ Quỳnh Như mới về trường, anh mới chịu mon men xuống phòng giám thị rồi làm quen với em. Nhiều người trong trường đã rất bất ngờ khi thấy em nhận lời đi ăn tối với anh quá dễ dàng và cũng thật quá nhanh. Thế là mình yêu nhau...
3. Em chia tay anh cũng vào ngày Valentine, đúng vào ngày mình chính thức yêu nhau tròn được một năm. Khi đó mình đã làm lễ hỏi được ba tháng và chỉ còn năm tháng nữa thôi là sẽ làm lễ cưới...
Trong thời gian làm người yêu của anh, em luôn rất tự hào về anh. Có một lần anh hướng dẫn cho hai cô giáo sinh trẻ đẹp. Hai cô này đi khoe với mọi người anh đúng là một người giáo viên mẫu mực và có tâm. Hai cô kể có một lần họp với anh tại phòng giáo viên, một trong hai cô chỉ vì lỡ miệng gọi học trò là “tụi nó”, lập tức bị anh nghiêm mặt nhắc nhở ngay. Theo anh, đã là người thầy thì phải biết tôn trọng học trò. Có tôn trọng các em, các em mới tôn trọng mình. Dù có mặt hay vắng mặt học sinh đi nữa cũng không được gọi các học sinh của mình là “tụi nó”! Và còn nhiều chuyện khác nữa khiến mọi người, trong đó có em, càng lúc càng ngưỡng mộ anh nhiều hơn. Nhưng điều làm em bực mình nhất chính là chuyện dù đã hết đợt thực tập, hai cô giáo sinh vẫn thường kiếm cớ về “thăm học sinh” để có dịp lại quấn quít bên anh...
Em vẫn nhớ mãi những ngày Valentine định mệnh đó. Ngày mình lần đầu gặp nhau, ngày anh ngỏ lời yêu em và rồi cũng là ngày em chia tay anh. Anh vẫn gọi chung với một cái tên là ngày Valentine hồng với những lời thật hoa mỹ. Còn đối với riêng em, em đặt tên rất dễ nhớ cho từng giai đoạn một: Ngày Valentien nhớ, ngày Valentine yêu và ngày Valentine quên...
Tiệc đã tàn, buổi tiệc tổ chức tại nhà một người bạn cũ của anh, do uống rượu hơi nhiều nên nhiều bạn bị say ngồi không còn vững. Lúc đó em biết anh vẫn còn tỉnh táo không hề say. Một là vì anh rất khôn ngoan luôn tìm cách uống ít hơn những người khác. Uống ít để quan sát xem và nghe người ta nói gì về mình khi người ta ngỡ mình không còn tỉnh, anh vẫn thường nói với em như vậy. Hai là anh có bí quyết riêng, anh vẫn thường uống một chút dầu ăn trước khi nhập tiệc (dầu ăn có tác dụng làm giảm khả năng hấp thụ rượu vào cơ thể). Ba là tửu lượng của anh cũng rất cao. Cha của anh là một vị quan chức cao cấp trong nghành giáo dục, nhà của anh luôn được người ta tặng cho những loại rượu ngoại đắt tiền quí hiếm. Mấy chai rượu mang tiếng là “mua ở nước ngoài về” ở buổi tiệc này chẳng có nghĩa lý gì đối với anh cả.
Lác đác đã có nhiều bạn nam ói mửa ra cả chén bát. Nhiều bạn nữ thấy gớm tỏ ý không muốn dọn dẹp. Lập tức anh hùng hồn tuyên bố:
- Mấy bạn nữ cứ để đó đi, mình bảo con Như nó dọn cho!
- Được không đó ông? Ông lấy quyền gì mà bắt bà Quỳnh Như bả dọn?
- Quyền là chồng sắp cưới có được không? Ông bà ta có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ. Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”. Ngay từ bây giờ phải dạy dỗ nó từ từ, cho con vợ tôi nó hiểu thế nào là “chồng chúa vợ tôi” chứ!
Lập tức một tràng pháo tay vỗ rào rào tán thưởng. Em từ nhà vệ sinh đi lên nghe trọn câu nói của anh mà chạnh lòng! Tuy vẫn có nhiều bạn nữ giúp em cùng dọn dẹp và rửa đống chén bát đáng ghê tởm đó, nhưng nước mắt em lúc nào cũng muốn chực trào ra. Không được gọi học trò là “tụi nó” vì gọi như vậy là thiếu tôn trọng học trò. Vậy gọi người yêu và cũng là vợ sắp cưới của mình là “con” và “nó” thì sao? Gọi như vậy có thật sự là tôn trọng nhau không? Với lại cưới vợ là để cùng chia sẻ, cùng yêu thương nhau, có phải đâu cưới vợ là để biến vợ thành ôsin, để có cái quyền sai vặt nhằm thỏa mãn cái “tôi” ích kỷ của mình trước mặt bạn bè?
Mẹ em mất sớm. Em và nhỏ Mai từ nhỏ sống chung với cha và bà nội. Bà nội từ đó nghiễm nhiên trở thành người mẹ tinh thần của em. Theo lời bà nội kể lại, ông nội em ngày xưa rất thích bóng đá. Cầu thủ ông ái mộ nhất là cầu thủ T. Còn bà nội em thì lại thích cải lương. Nữ nghệ sĩ mà bà yêu thích nhất chính là nữ nghệ sĩ cải lương B. Cả hai người đều là những người nổi tiếng trước năm 1975 và cũng đã từng có thời gian yêu nhau tha thiết. Nhưng cầu thủ bóng đá và nghệ sĩ cải lương sống vào thời đó thường bị xã hội khinh rẻ. Cầu thủ luôn bị xem thường, chỉ là một loại “quần đùi áo số”; còn nghệ sĩ cải lương cũng không khá gì hơn, cũng chỉ là một thứ “xướng ca vô loài”. T và B hiểu rất rõ điều đó. Họ yêu nhau và cùng thỏa thuận với nhau, chàng không bao giờ được vào rạp xem nàng hát cải lương. Nàng lý giải, nàng không muốn chàng phải nghe người ta nói “con B bữa nay hát hay quá”! Còn nàng cũng sẽ không bao giờ đến sân vận động xem chàng đá bóng, nàng cũng không muốn nghe người ta vỗ tay và hét với nhau “thằng T đang đi bóng kìa”! Tình yêu của họ đẹp vì họ không những biết yêu nhau mà còn biết tôn trọng nhau nữa. Còn anh?...
Quyết định hủy hôn của em gặp sự phản đối quyết liệt của của cả hai họ nhà trai và nhà gái. Cha em bảo em là con nhỏ điên, làm xấu hổ cho cả gia đình. Nhỏ Mai thì bảo em quá cố chấp, quá tự ái. Chỉ riêng có bà nội là thông cảm với em. Bà nói bà vẫn luôn cho rằng quyết định của em là đúng.
Xa anh rồi, em vẫn đau và vẫn nhớ... Nhưng em vẫn cứ tin rồi một ngày không xa em sẽ tìm được một người yêu em chân thành. Và người ấy sẽ không bao giờ gọi em là “con” trước mặt mọi người như anh đã từng gọi...
THANH TRẮC NGUYỄN VĂN
Tên thật: Nguyễn Văn Tạo,
giáo viên trường PTTH Võ Thị Sáu,
95 Đinh Tiên Hoàng, Quận Bình Thạnh tp.HCM
ĐT: 0913 115 094
thanhtracnguyenvan@thotre.com
No comments:
Post a Comment