Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, May 22, 2012

Trần Hữu Thuần - TẾT TRUNG THU CÓ PHẢI LÀ TẾT TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM KHÔNG?

Tác giả Trần Hữu Thuần

Còn ít hôm nữa là đến Tết Trung Thu. Các chợ Việt Nam ở vùng này—Grand Rapids, Michigan—đã bày bán đủ loại bánh Trung Thu: bánh dẽo, bánh nướng vv. Có chợ còn bán cả lồng đèn cho trẻ em chơi. Các tôn giáo, hội đoàn người Việt cũng rập rình tổ chức cho các cháu vui chơi, gọi là “để giữ truyền thống văn hóa Việt Nam.”

Chút suy tư trong bài này muốn đề cập đến cái “truyền thống văn hóa Việt Nam” đó. Có đúng tết Trung Thu là truyền thống của văn hóa dân tộc ta không? Sở dĩ đặt câu nghi vấn như vậy là vì thôn quê Việt Nam ngày xưa, khi chưa chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa thị thành, hình như thiếu bóng dáng của cái tết này.

Có lẽ không ai tìm thấy chuyện cổ tích nào liên quan đến tết Trung Thu trong kho tàng chuyện cổ nước ta. Lược qua Tục ngữ Phong dao  của Ôn như Nguyễn Văn Ngọc sưu tập, tôi nhận ra có mười hai bài nói về các tháng trong năm: trang 142 bài số 46, các trang 195-198 các bài số 4-11. Các bài này nếu đề cập đến tháng giêng thì cho đó là “tháng ăn chơi” hoặc tháng “ăn tết ở nhà.” Không bài nào đề cập đến tháng tám là tháng ăn tết Trung Thu, ngoại trừ bài số 10 trang 197. Bài này ghi lại các lễ hội trong năm, kể cả Tháng tám chơi đèn kéo quân. Chơi đèn kéo quân thì đích thị là tết Trung Thu. Thế nhưng một bài trong một tuyển tập phong dao tục ngữ chưa đủ sức thuyết phục để nói lên lễ hội này là truyền thống từ ngày dựng nước của dân tộc ta. Liệu có phải bài ca dao đó xuất hiện sau khi một số gia đình và địa phương hấp thụ việc mừng tết Trung Thu của Trung hoa chăng? Thử nghĩ đến một bài ca dao có đề cập đến lễ Valentine (dịch nôm thành lễ Vạn tình!). Một hai ngàn năm sau khi câu ca dao đó ra đời, nếu không có tài liệu giải thích nguồn gốc cặn kẽ, chúng ta chắc cũng sẽ xếp lễ hội này vào “truyền thống văn hóa Việt Nam!” Có buồn cười không nếu lúc đó có người hô hào tổ chức lễ Vạn tình để duy trì truyền thống văn hóa dân tộc ta? Minh họa cho ngày Trung Thu là chuyện Đường minh hoàng du nguyệt điện. Nội cái tên của câu chuyện đã cho thấy phong cách Trung hoa của nó. Nếu không, câu chuyện đã phải khởi đầu bằng Đời vua Hùng vương theo phong cách của bao nhiêu câu chuyện truyền thống của dân ta. Chúng ta có cổ tích Thằng Cuội ngồi gốc cây đa để giải thích bóng mờ trên mặt trăng nhưng không có chuyện tả bồng lai tiên cảnh với Hằng nga, Hậu nghệ và bầy tiên nữ múa khúc Nghê thường! Chúng ta có chuyện cổ Đời vua Hùng Vương để giải thích nguồn gốc bánh tét bánh chưng truyền thống của dân ta trong ngày tết Nguyên đán, nhưng không có chuyện giải thích bánh nướng bánh dẽo dùng trong tết Trung Thu.



Nhân bánh tét bánh chưng làm bằng đậu xanh và thịt heo, hai bằng chứng không thể chối cãi được là sản phẩm của đất Việt. Nhân bánh dẽo bánh nướng không thể được xem là bằng chứng này. Lạp xường và hạt dưa không thể là sản phẩm nguyên thủy của đất Việt. Tên lạp xường  tự nó đã nói lên đầy đủ là sản phẩm của người Trung hoa. Hạt dưa thì chắc nhiều người xuất thân từ chốn quê mùa như tôi và từ lứa tuổi tôi trở về trước không ai biết nó là gì. Dân làng An do tây  của tôi, mãi sau năm 1954 di cư vào Nam cũng vẫn chưa thấy bao nhiêu gia đình dọn món hạt dưa đãi khách trong ngày Tết. Nếu tết Trung Thu là tết truyền thống của dân tộc ta, tại sao ông cha ta không thưởng trăng bằng một loại bánh “dân tộc” như ngày tết Nguyên đán mà lại dùng bánh không phải là sản phẩm quê hương?


Tết Trung Thu không phải là một lễ tiết phổ biến ở thôn quê, cách riêng miền Trung ngày trước. Vùng quê tôi suốt từ bờ biển các làng Nhu lý, Di loan, vào chính giữa là bốn làng An do đông, tây, nam, bắc, lên miệt núi  các làng Liêm công đông, tây, hết các phủ huyện Vĩnh linh và Gio linh, dân làng có lẽ không ai ăn tết Trung Thu. Bản thân tôi sống sáu, bảy năm thơ ấu ở làng quê, theo gia đình đến ở nhiều phủ huyện và thị xã Quảng trị, tôi không nghe phố phường thôn xóm thành thị thôn quê chộn rộn mừng tết Trung Thu bao giờ. Trưởng thành ở Huế, tôi cũng không nhận thấy rõ rệt sự chộn rộn của ngày tết này trong đời sống sinh viên học sinh và dân thường. Không có lễ hội mừng Trung Thu nào cho giới trẻ để gọi là tết Nhi đồng, mặc dù đã có hương vị bánh Trung Thu và một vài bài hát về Trung Thu. Sự chộn rộn nếu có chỉ ở trong các gia đình chịu ảnh hưởng Nho học, chẳng hạn gia đình “các mệ.”Mãi cho đến khi đã lớn vào sống ở Hội an, một thành phố cổ chịu rất nhiều ảnh hưởng của văn hóa Trung hoa, tôi mới thấy phần nào sức sống của tết này trong các gia đình. Thế nhưng riêng với gia đình tôi, ngoại trừ sự hiện diện của bánh dẽo bánh nướng—thường là quà biếu ba tôi—các em tôi cũng không thấy một chút nao nức nào như ngày tết đầu năm mới. Khi là quân nhân ở Qui nhơn, tôi thấy đã có sinh hoạt ở các trường và các tổ chức xã hội mừng Trung Thu cho nhi đồng, nhưng trong sinh hoạt gia đình, tết Trung thu cũng không có chỗ đứng mạnh mẽ. Nếu không sợ sai lầm có lẽ ở miền Bắc và vùng Sài gòn Chợ lớn, ảnh hưởng của tết Trung Thu mạnh hơn các nơi khác chăng?


Trong tác phẩm Linh địa Trà kiệu , tác giả Lê Công Đắc liệt kê “mười cái Tết” “theo tục lệ của người Tàu” kể cả tết Nguyên đán. Không hiểu tác giả căn cứ vào đâu để cho rằng tết Nguyên đán cũng là của người Trung hoa, vì tôi nhận thấy người Trung hoa không mừng tết Nguyên đán này long trọng như người Việt Nam chúng ta. Quí vị nào quen biết người Hoa ở Chợ lớn trước đây và ngày nay có lẽ nhận thấy họ không ăn Tết. Họ vẫn sinh hoạt vẫn buôn bán như thường, không như các cửa hàng Việt nam đóng cửa ít nhất ba ngày đầu năm. Nếu có cửa hàng Việt Nam nào mở cửa thì cũng chỉ để “lấy ngày.” Tối hai mươi chin tết Đinh Hợi vừa qua (2007), tôi tình cờ phải qua đêm tại một khách sạn ở vùng phụ cận Đài bắc, Đài loan. Khách sạn, các tiệm buôn, các tiệm ăn, và ít nhà cư dân, còn mở cửa về khuya chung quanh khách sạn, chẳng có nơi nào có một chút không khí tết. Chẳng có nơi nào trang hoàng để mừng Xuân mới. Không một cành hoa, không một câu đối. Trò chuyện với nhân viên khách sạn, nhân viên tiệm ăn, và một số người chung quanh, họ ngạc nhiên khi nhắc đến sắp Tết. Có người thậm chí còn hỏi, “Tết gì?” Chỉ tại phi trường Đài bắc mới có một bảng điện tử chúc mừng Xuân mới bằng ba thứ tiếng Trung hoa, Việt Nam, và Anh! Nếu tết Nguyên đán là truyền thống của dân tộc Trung hoa thì tại sao họ lại không ghi nhớ và ăn mừng? 


Nhưng đó không phải là vấn đề của bài này cho bằng câu trích dẫn sau đây từ trang 76 của tác phẩm trên: Trước kia Trà kiệu không có Tết Nhi đồng, nhưng vào khoảng năm 1949, Chi Thông tin quận Duy xuyên đóng tại Trà kiệu đã đứng ra tổ chức một cuộc rước đèn “bỏ túi” cho một số rất ít trẻ con vào đêm Trung thu tại chợ Trà kiệu. Kể từ đó Trà kiệu mới biết tới cái Tết này. Một chi tiết đáng nghi ngờ là năm 1949, Duy xuyên không thể được gọi là quận vì vẫn còn dưới triều Bảo đại với tổ chức hành chánh là phủ, huyện. Quận chỉ được sử dụng thay thế phủ, huyện dưới thể chế Ngô Đình Diệm. Tôi được may mắn làm thầy giáo một thời gian ở Duy xuyên nên biết chút ít về Trà kiệu. Trà kiệu là một làng (hay xã) Công giáo toàn tòng ở Quảng nam, cũng như Phủ cam ở Thừa thiên hay quê tôi An do tây ở vùng Đất đỏ Quảng trị. Vây quanh Trà kiệu là những làng (xã) Xuyên Trường, Xuyên Mỹ, Xuyên Châu. Trong mười nhân vật được tác giả Lê Công Đắc tri ân sự giúp đỡ để hoàn thành tác phẩm, tôi đã hân hạnh được quen biết bốn vị. Vấn đề là, nếu các địa phương chung quanh Trà kiệu biết đến tết Trung Thu như là một tết truyền thống dân tộc, không có lý do nào mà Trà kiệu lại không biết. Tác giả viết Trà kiệu mới biết tới cái Tết này năm 1949, nghĩa là trước đó hoàn toàn không biết. Tác giả không viết Trà kiệu có biết nhưng không tổ chức vì lý do chọn lựa như đã chọn lựa các lễ tiết khác trong mười lễ tiết tác giả đã nêu ra vì lý do tôn giáo. Trà kiệu không biết tết Trung Thu chỉ vì các vùng chung quanh đều không biết, không tổ chức ăn mừng. Không ai tổ chức ăn mừng vì đó không phải là một ngày truyền thống của dân tộc đã có khởi đầu từ thời tổ tiên.


Tết Trung Thu cũng không thực sự là tết cho nhi đồng. Ngày trước, những người mừng tết này thường là các thi nhân văn sĩ, các quan lại, những người có Nho học muốn cùng Đường minh hoàng viếng thăm cung Quãng. Họ cùng nhau nhâm nhi bánh Trung Thu, nhâm nhi trà rượu, để thưởng nguyệt đàm thi. Đèn kéo quân và các đèn khác cũng không phải cho trẻ em dùng kéo nhau đốt đèn đi chơi mà để treo tại các hoa viên và đại sãnh. Nhiều truyện Tàu tả cảnh mừng ngày Trung Thu này, Hồng lâu mộng là một. Trẻ em là một thành phần tham gia chứ không là mục đích chính. Tôi nhớ tết Trung Thu này có tên gọi là Tết Nhi đồng vào quãng cuối giai đoạn chính quyền Ngô Đình Diệm, đồng thời với các ngày ghi nhớ khác như là ngày Phụ nữ (lễ hai Bà Trưng). Trước đó ở nước ta, việc mừng ngày Trung Thu chỉ thu gọn trong phạm vi những gia tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung hoa qua Nho học, sau đó phát triễn qua giới thương gia như một dịp để biếu xén quà cáp cho quan chức.


Một lý do khác vững chắc cho thấy ngày trung thu không phải là ngày tết truyền thống của dân tộc. Đó là chúng ta không có mùa thu. Miền bắc nước ta cũng chỉ phảng phất mùa thu chứ chưa thực sự là mùa thu của các xứ lạnh. Vùng Michigan tôi đang sống cũng như nhiều vùng khác tương tự ở Mỹ có mùa thu rõ rệt. Chớm thu , trời hết vân vũ hết mưa giông sấm sét, bắt đầu có sương mù và giá. Khí trời se lạnh. Không khí như trong hơn. Chỉ tiếc ở đây không mấy khi được nhìn thấy mặt trăng vì nhà cửa và đèn điện che khuất. Lá bắt đầu thay màu: đỏ, tím, nâu rồi chuyển sang vàng. Nhiều người nhiều nơi bỏ công bỏ của đặt chỗ khách sạn để đến một vùng nào đó ngắm cảnh mùa thu thay lá. Mùa thu là mùa đẹp nhất trong năm, nếu không bi quan nghĩ đến việc mùa thu dẫn lối cho mùa đông tuyết giá. Sau thời gian ngắn với phong cảnh tuyệt đẹp đầy màu sắc đó, chúng ta có thể ngâm câu thơ bất hủ của thi hào Tản đà, Ngọn gió thu, phong rụng lá vàng. Đất nước chúng ta, nhất là miền Trung và Nam, chỉ có hai mùa mưa nắng. Thế thì lấy đâu ra mùa thu để có truyền thống dân tộc mừng tết Trung Thu? Làm sao cha ông chúng ta lại có thể mừng cái chúng ta không có?


Nếu các suy tư trên của tôi có đủ tính thuyết phục, tết trung thu đã rõ không phải là một ngày truyền thống của văn hóa dân tộc mà chỉ là một ngày bị ảnh hưởng của nền văn hóa Trung quốc thời thống trị. Do đó, ngày này không có lý do gì để gọi là tết truyền thống và để tồn tại tại quê hương Việt Nam chúng ta . Thêm nữa, sự tồn tại của ngày gọi là Tết Nhi đồng này có nhiều cái hại ai cũng trông thấy. Trước tiên, cái hại về vệ sinh. Thời gian gần đây, đã có tin về việc bánh trung thu do Trung quốc sản xuất không đủ tiêu chuẩn vệ sinh của Mỹ. Tôi không trực tiếp ghi nhận tin này để biết đó là các hiệu bánh nào và có bị cấm bán hay không. Tại quê nhà, tôi cũng không được biết tình trạng vệ sinh của các loại bánh trung thu ngày nay đạt tiêu chuẩn thế nào. Một điều chắc chắn là dù với tiêu chuẩn nào thì các loại bánh này ở quê nhà cũng không thể nào có đủ tiếu chuẩn cao như tiêu chuẩn của Mỹ. Vào những năm sau 1982, tôi có dịp đạp xe đạp ngang qua vùng phía tây Chợ lớn, trên những con đường hẽm hoặc đường đất đỏ chưa tráng nhựa. Các hiệu bánh nhộn nhịp sản xuất bánh trung thu. Nhân bánh—mứt các loại—phơi đầy hai bên lề đường. Một chiếc xe đạp hay một người đi ngang qua là xôn xao hàng ngàn hàng vạn ruồi nhặng lớn nhỏ đủ mọi loài. Một chiếc xe gắn máy hay xe hơi đi qua, ngoài chuyện ruồi nhặng, còn tung thêm lên nhân bánh hàng triệu hạt bụi trắng bụi đỏ li ti. Dĩ nhiên là không ai tiệt trùng hoặc rửa ráy lại các nhân bánh này trước khi cho vào bánh. Có lẽ không ai bị ngộ độc là vì bánh đã được nướng chin trong lò, đủ sức tiêu diệt các vi khuẩn. Nhưng dơ bẩn thì không vì nướng chin mà trở nên sạch sẽ được.


Thứ nhì, trẻ em các gia đình được ăn bánh nhiều hay ít tùy theo khả năng tài chánh của cha mẹ. Nhà giàu, con cái được ăn nhiều bánh. Nhà nghèo một cái chia năm xẻ bảy. Trẻ nhà nghèo nhìn chiếc bánh mà thèm thuồng. Ấy là nếu may mắn cha mẹ có tiền mua bánh. Cũng trong những năm 1980, còn là một tù nhân chính trị, tôi có dịp đi ngang qua một đống khoai lang chất trước một cổng trường tại một vùng thôn quê thật hẻo lánh thuộc Tây Ninh. Hỏi ra mới biết đống khoai đó sẽ được luộc lên cho các trẻ trong vùng vui tết Trung Thu! Ngày gọi là tết Nhi đồng này thực sự cộng thêm một nỗi băn khoăn lo lắng cho những cha mẹ kém may mắn trên phương diện tài chánh muốn cho con cái họ khỏi thua kém bạn bè. 


Cuối cùng, đã gọi là tết Nhi đồng sao bánh lại có nhiều thứ khác nhau đến thế? Giá trị chiếc bánh nằm ở nhân bánh. Nhân yến có lẽ là loại nhân bánh cao cấp nhất, dĩ nhiên không sánh được với nhân kim cương vàng khối. Giá tiền cũng khác nhau tùy theo loại nhân bên trong. Trẻ em đâu cần phải dùng bánh nhân yến? Người lớn bình thường chắc cũng không mấy ai dùng tới. Vậy ai cần tới? Những người biếu xén cho các quan chức. Tết Trung Thu chính là một dịp thêm vào các dịp để biếu xén mưu cầu tư lợi. 
  
Như thế đã rõ ngày trung thu không có bất cứ lý do nào để tồn tại như là một ngày Tết truyền thống của dân tộc. Đặt nó làm ngày tết dân tộc vừa không có cơ sở văn hoá truyền thống, vừa nguy hại cả thể xác (bánh thiếu vệ sinh), tiền bạc, lẫn tinh thần (hối lộ mưu tư lợi). Tết Nhi đồng là nhu cầu cần thiết để chứng tỏ sự lưu tâm đến thệ hệ tương lai. Tại sao chúng ta không chọn một ngày khác phù hợp với lịch sử và truyền thống của dân tộc ta bốn ngàn năm văn hiến? Ngày Phù đỗng thiên vương chẳng hạn có phải là ngày nói lên sự cần thiết của giới trẻ khi cần đóng góp cho đất nước không? Chọn ngày này làm ngày tết Nhi đồng liệu có phải hoàn toàn xứng hợp cả hai phương diện: ý nghĩa tượng trưng và nhu cầu phải có một ngày riêng cho trẻ em không? Tập trung các em lại trong một buổi lửa trại. Các em ca hát, cỡi ngựa, múa gươm, rước đèn, diễn lại sự tích Phù đỗng vươn vai thành người lớn dẹp giặc cứu quê hương.


Suy tư thì suy tư như vậy, nhưng tôi biết đây cũng chỉ là một giấc mơ, có lẽ còn huyễn hoặc hơn giấc mơ lên cung trăng thăm chị Hằng của người xưa mà người nay các phi hành gia đã đáp phi thuyền lên tới!


Ngày Phù đỗng Thiên vương, Tết Nhi đồng nghe cũng hay quá đấy chứ, phải không quí vị?
Trần Hữu Thuần
jbtranthuan@hotmail.com

No comments: