Sau ngày
thống nhất đất nước, tôi có ý định về thăm làng Thi Ông, Hải Lăng, Quảng Trị. Nơi
đây có người bạn gái đã thương tôi trong
thời còn niên thiếu. Hè năm 1978, tôi gặp được anh Khiểm (anh ruột của em Võ thị
Hy), tôi mừng quá và đề nghị anh dẫn tôi về thăm mộ liệt sĩ Võ Thị Hy tại nghĩa
trang Liệt sĩ xã Hải Vĩnh. Anh rất nhiệt tình sẵn sàng dẫn tôi đi thăm.
Dọc đường đi, tôi kể cho anh Khiểm nghe về tình cảm bạn
bè giữa tôi và Hy và có những kỷ niệm đáng nhớ của thời chiến tranh. Tôi kể cho anh biết một kỷ niệm cuối cùng giữa
tôi và Hy. Đó là trước khi tôi lên đường ra Bắc sau hoà bình (1954). Hôm đó,
khi tôi đang vác cày đi lên Rú Hộp (làng Thượng Xá) để cày đất trồng khoai giúp
mẹ ngày cuối cùng để rồi tạm biệt xa nhà, xa bà con, bạn bè, thân thích để lên
đường thì bạn Hy cũng vừa đến thăm tôi và xin phép mẹ tôi cùng đi với tôi, giúp
tôi lao động trồng khoai, đồng thời có dịp chuyện trò với nhau để rồi xa cách.
Trên đồi cát, chúng tôi vừa chuyện trò vừa làm việc bên nhau vui vẻ.
Sau khi tôi cày xong đất và trổ đường cày thành từng luống
thì bạn Hy nhặt cỏ, bỏ phân, tôi đánh luống rồi cùng nhau trồng khoai. Chúng
tôi vừa trồng vừa chuyện trò thích thú. Lúc nghỉ giải lao, hai đứa ngồi dưới gốc
cây uống nước nhìn nhau vui cười hồn nhiên của tuổi đời 15,16 giữa chốn đồi quê
thanh tịnh...
Bỗng nhiên thấy Hy kêu lên vì bị con rết to cắn vào cẳng
chân phải của Hy. Tôi hốt hoảng liền bật ngón tay búng con rết ra rồi dùng nước
bọt bôi vào vết rết cắn. Hy nhìn tôi có vẻ e thẹn vì đôi ống quần của Hy đang
xăn gọn lên mà lao động để lộ hai chân trắng nõn, mịn màng... Tiếp đó tôi tháo nhanh giây quai nón buộc chặt
phía trên nốt rết cắn. Hy đau quá khóc. Tôi rất thương và động viên cô: “Hy yên
tâm, rồi sẽ hết đau thôi. Bây giờ Hy sẽ cho tôi cõng Hy về nhà để cứu chữa tiếp”.
Nghe nói tôi cõng Hy, cô bạn thẹn thùng, bẽn lẽn... Lúc đầu cô không chịu, nhưng
rồi đành phải chịu một cách xấu hổ mà lại sung sướng thầm kín trong lòng vì một
chuyện không may mà lại hay là được nằm trên lưng người bạn trai thân thiết một
cách ái ân, trìu mến và dù có đau nhức cũng cảm thấy dễ chịu…
Về tới nhà mọi người xúm quanh hỏi han, tôi liền chạy đi
tìm hạt vông đặt vào vết đỏ (dấu rết cắn) và bắt con gà trống thò ngón tay vào
mỏ gà lấy nước bọt bôi mấy lần vào vết thương. Vài giờ sau Hy đỡ đau nhức và
khá dần. Cả nhà tôi mừng quá. Đến chiều tối thì Hy xin phép mẹ tôi ra về. Mẹ
tôi nói Hy ở lại cho hết đau chân rồi về. Cô ta nhìn tôi cười và nói: “Hy chưa
xin phép cha mẹ ở lại qua đêm nên Hy phải về thôi, Hy xin bác và anh Trân cho
Hy được về, mong có dịp khác...”.
Thế là tôi tiễn Hy qua khỏi đình làng Thượng Xá. Dọc đường
đi chúng tôi nói với nhau những điều đơn sơ thân mật và hai đứa hiểu nhau theo
cảm nhận của lòng mình...Lúc chia tay, Hy nhìn tôi trìu mến và nói: “Anh Trân ra Bắc,
khi mô biên thư về gia đình thì nhớ hỏi thăm em với nghe !”
Ôi ! một lời nhắn nhe sao mà rụt rè dễ thương đến thế !
Tôi liền gật đầu với Hy rồi nói ngay: “Trân sẽ viết thư riêng thật dài cho Hy được
không? Bây giờ Hy cầm tờ lịch này về nhà hãy đọc và giữ lấy nhé”. Tôi đưa cho
cô tờ lịch đúng vào ngày Rằm trung Thu năm Giáp Ngọ (1954). Phía sau tờ lịch
tôi chỉ ghi mấy câu thơ:
Thương người bạn gái đến thăm tôi.
Gặp gỡ làm sao nói hết lời !
Hẹn đến hai năm ta gặp lại ,
Cho nhau biết hết nỗi buồn vui....
Đôi mắt
Hy ươn ướt nhìn tôi mỉm cười rồi quay đi nhanh. Tôi nhìn theo em xa dần trên đường
quê vắng lặng và bóng dáng mái tóc đen dài của em cứ rung rinh nhẹ nhàng trong
gió chiều lộng mát ở làng quê.
Nghe tôi kể như thế, anh Khiểm rất xúc động nhớ tới người
em gái út của mình. Tôi nói thêm với anh rằng: “Giá như sau ngày thống nhất đất
nước mà em Hy còn sống và có gia đình chồng con ở quê hương thì hay biết mấy!
Lúc ấy Trân về thăm lại Hy và nhắc lại kỷ niệm xưa về chuyện con rết cắn, rồi
hai đứa nhìn nhau và hình dung nhiều chuyện cũ của hai đứa bên nhau thì thật là
buồn cười, thú vị ...
Nhưng bây giờ thì không được như thế. Thật tiếc quá anh
nhỉ?”. Nghe như vậy, anh Khiểm cũng ừ, ừ...và rất thông cảm, tán đồng ý kiến với
tôi như vậy.
Chiều hôm ấy, tôi và anh Khiểm đến thắp hương ở nghĩa
trang LS xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Tôi và anh Khiểm vào thắp
hương trên cái đỉnh lư to chung của nghĩa trang. Sau đó, tôi dừng lại trước dãy
mộ mấy người liệt sĩ ruột thịt của gia đình anh: mộ anh Thống, mộ anh Hướng và
mộ em Hy. Tôi ngồi xuống rất lâu đọc kỹ hàng chữ ghi trên mộ và lòng bùi ngùi,
thương nhớ Hy vô cùng... Võ Thị Hy đã hy
sinh lúc còn trẻ chưa đầy 30 tuổi, chưa chồng con.
Tôi cứ hình dung Hy đang về trước mặt tôi rất rõ nét và
tôi thì thầm khấn vái chia sẻ với em, chúc em siêu thoát bên thế giới vĩnh hằng.
Sau đó tôi ghi lại xúc cảm của mình trong buổi chiều đi viếng mộ em Hy thành một
bài thơ lưu niệm.
HẸN EM...
Tìm người bạn gái đã thương tôi,
Em đã ra đi vĩnh viễn rồi...
Dũng cảm hy sinh cho Tổ quốc,
Vì dân vì nước đã dâng đời.
Anh về tìm em ngồi bên mộ,
Biết nói gì đây hỡi Hy ơi !
Lặng lẽ nhìn em trong nhang khói.
Lòng buồn vô hạn nước mắt rơi.
Đành phận hẹn em sang kiếp khác,
Chúng mình nhất định gặp nhau thôi..
*****
Thi Ông, Hải Lăng, Quảng Trị năm Mậu Ngọ 1978.
(Trích đoạn trong Hồi ký “DÒNG ĐỜI TÔI” trong chương 2:
Trở về quê...)
Ghi chú: Gia đình cô Võ Thị Hy ở làng Thi Ông xã Hải Vĩnh
là một gia đình có 4 liệt sĩ: Cha là Võ Văn Hiến, hai anh Võ Văn Thống, Võ Văn
Hướng và võ Thị Hy. Bà mẹ đẻ của em Hy
(là bà Phan Thị Quế) và bà nội của Hy (là Cáp Thị Chánh) đều là bà mẹ Việt Nam
anh hùng.
Nguyễn Hồng Trân (Cựu GV Đại học Khoa học Huế)
1 comment:
Bài viết cảm động ghi lại một chuyện tình những năm thập kỷ 50 thế kỷ trước !
Anh Trân ơi ! Ai cũng có một thời để yêu, một đời để nhớ phải không anh ?
Post a Comment