TRANG THUẦN TÚY VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ VÀ NGƯỜI YÊU MẾN QUẢNG TRỊ.
Chúc Mừng Năm Mới
Friday, April 29, 2011
NHƯ MAI và LAN ANH - THƠ
HOÀNG TẤN LINH - NẮNG THẬT THÀ
Còn in màu nắng trinh nguyên cuối mùa
câu thơ nối chênh vênh bờ nắng
hạt sương sa và nguồn cội trên cành
ngày còn nắng chiều đi trong cỏ rối
ngoan nhé em, ta về lại ngày xanh
này ngọn gió từ tâm em có thấy
bờ mi ngoan ngày khép lại tần ngần
chân trần bước những nhu mì ngà ngọc
đời bên kia trong veo mộng nguyên lành
ngày về xa để trăng sao hoài niệm
cánh mỏng sơ nguyên chút môi mềm
ồ trăm năm giật mình ta thảng thốt
dưới chân kia đời lặng lẽ âm thầm
bờ núi cao trong tầm mắt em với
đỉnh sa mù lí lắt gió ngân nga
ta hư hoảng trăm năm về khép nép
này này em, ta nhìn nắng thật thà.
Rằm tháng năm- Canh Dần
26-6-2010
Tuesday, April 26, 2011
HOÀNG TẤN TRUNG - ĐÔI MẮT NGƯỜI HÀ TĨNH
Đôi mắt ấy một lần tôi chứng ngộ
Có một đêm sao sáng đầy trời
Khi em đến có điều gì rất lạ
Ngàn sao kia ngấn lệ chơi vơi !
Đôi mắt ấy một lần tôi chứng ngộ
Có một ban mai từ phía em nhìn
Mắt em cứa hồn tôi rĩ máu !
Và trong tôi vời vợi một niềm tin
Đôi mắt ấy một lần nghe em hát
Tôi mê ly uống cạn từng lời
Đêm phố biển nghe sóng lòng dào dạt
Em vô tình níu cánh buồm tôi !
Ôi đôi mắt tuyệt vời linh hiển !
Mắt Mẹ cho mang bóng dáng dòng sông
Cho tôi được làm con đò mộng
Tiếng thơ tôi ngân mãi trên dòng !
Đôi mắt ấy một lần tôi chứng ngộ
Giọng quê mình trọ trẹ ru nôi
Chiều hôm ấy một lần rồi mãi mãi
Đôi mắt Người Hà Tĩnh đốt lòng tôi !
HTT
VÕ VĂN LUYẾN - TRÀ THỦY KHÊ: MỘT ĐỀN BỒI CỦA KHÁT VỌNG
Một trùng phùng nằm trong khát vọng bấy lâu của người dân quê tôi giữa những ngày tháng hạ hồng lên sắc nắng, cộng hưởng sắc màu niềm vui lễ hội là cuộc đua thuyền rộn rã trên mặt hồ rộng, đủ soi dáng hình một thị trấn tuổi dậy thì búp nõn.
Giữa muôn nẻo đi về líu ríu niềm vui ấy, tôi muốn nói đến một cái tên hẳn đã khảm vào tâm thức nhiều người. Đó là Trà Thuỷ Khê, từ bàn tay kỳ diệu của hoá công qua cái nhìn giàu trí tưởng của con người làm nên một “bát nước chè khổng lồ” thật ấn tượng, xoa dịu cơn khô khát vốn bao đời nay gây nỗi kinh hoàng với khách bộ hành khi qua “tiểu sa mạc” hoang sơ lửa trời thiêu đốt này.
Cái hồ nước lớn cơ hồ lây cái hân hoan mà cuống quýt của đàn sóng đuổi nhau quên cả những con mắt đắm theo ký ức ấy xưa kia là khe Nước Chè. Ngỡ tưởng chỉ biết điều ấy cũng đủ nhưng lật giở Đại Nam nhất thống chí có ghi Trà Thuỷ Khê lại cho thấy cái tên hơn một lần được định danh trong thư tịch cổ. Vâng, đem suy tư chia sẻ với anh bạn thơ Trần Xuân An – một người con quê hương ở tận “vầng sáng phía chân trời” – thành phố Sài Gòn hoa lệ, tôi tâm đắc một điều: Những gì thiên nhiên ban tặng con người không phải không có lý. Đó là triết lý thiên sinh chỉ có trời đất mới hoá giải.
Thì ra, có những cái bên ta thật gần gũi, gần gũi như chính hơi thở sự sống nhưng cuốn theo dòng đời cuộn chảy phía trước mặt, khiến ta như vô tình. Cũng từng bước thụt, bước lùi trên những làng cát nghèo khó của quê nhà; cũng từng có những phút giây khô cổ rát họng bởi đi về trong cái chảo rang mùa gió Tây Nam nắng đốt; từng nhờ đến những trái quả, trái dưa “giải hạn” nhưng khi ngụp lặn trong thế giới của những bài ca nổi tiếng quê tôi, mới càng vỡ ra lời than khó thật vô nghĩa. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên đặt ra thử thách ý chí con người và hồ như, con mắt thiên nhiên cũng tìm cách theo dõi và trợ sức con người vượt qua gian khó. Từ ý nghĩ ấy, Trà Thuỷ Khê trong tôi như một biểu tượng vẫy gọi khi không có gì trong tầm tay nó vẫn là “bát nước chè tinh thần”cổ vũ con người nỗ lực để chiến thắng chính mình. Hẳn nhiều người còn nhớ chuyện Tào Tháo với rừng Mơ ảo. Đó là điều sắp đặt thông minh của một nhân vật vốn nổi tiếng “gian hùng” trong tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa. Còn đây mới là sự sắp đặt tuyệt vời của đấng tạo hoá. Trà Thuỷ Khê chính là sự sắp đặt ấy.
Trà Thuỷ Khê bây giờ không còn lặng thầm chảy dưới ngút ngàn lau sậy, tràm chổi. Lòng người với đất trời dường đã tao ngộ sáng lên gương mặt hồ, gương mặt một thị trấn long lanh niềm vui được đền bồi từ khát vọng. Bất chợt, tôi nghĩ đến thị xã Đông Hà đã có một Khe Mây đã biến thành hồ Khe Mây mang vẻ đẹp thơ mộng không thua gì các hồ ở Đà Lạt hay hồ Núi Cốc ở Thái Nguyên, thì nên chăng cái tên dân dã nằm lòng khe nước Chè hay sang trọng sách vở Trà Thuỷ Khê cần được phục danh, vì “vật tự nó” đã tồn tại, đừng để thời gian bôi xoá lãng quên.
Và rồi ý nghĩ lội ngược dòng, tôi lại tự cho mình lẩn thẩn, khác gì “nỗi lo ngò mất thơm” cả thôi!
Hình như đọc được băn khoăn của tôi, anh Lê Anh Phước, Chủ tịch thị trấn Hải Lăng nói:
- Anh biết rồi đấy. Những ai từng sống trên đồi cát nóng bỏng ở Hải Lăng, nhất là ở ngay thị trấn chúng ta mới thấy vị trí đắc địa của cái hồ này. Nó không chỉ góp phần tạo ra vẻ đẹp văn hoá cho trung tâm huyện lỵ mà còn mang lại nguồn lợi chưa tính đếm hết. Đó là sự cân bằng môi trường sinh thái (cùng với cây xanh), là nguồn nuôi thuỷ sản có khả năng cung cấp cho người dân nội thị, vân vân và vân vân…
Đang lúc anh nhấp ngụm trà, tôi chen vào:
- Thế giới sông hồ quả thật có nhiều điều để nói. Thử hình dung, nếu không có một khe nước Chè trên thị trấn xinh xắn này thì thật đáng tiếc. Nó như một lúm đồng tiền trên gương mặt thiếu nữ. Có nhiều nơi người ta còn huyền thoại hoá bằng câu chuyện tình thấm đẫm để ca ngợi hay lý giải ngọn nguồn sinh ra để đặt tên. Khe nước Chè có ngoại lệ không?
Sự nhạy cảm của anh Phước như bắt đúng tần số:
- Đúng vậy, khe nước Chè không ngoại lệ. Tôi cũng đã nghe thiên tình sử cảm động về nó. Chuyện là thế này, một người mẹ trẻ bồng con đi tìm chồng (chuyện sinh ly tử biệt ấy mà, đất nước hình chữ S trong chiến tranh loạn lạc ở nơi đâu không có!). Đường dài, nắng lửa, sức cùng lực kiệt vì khát. Thương mình một, thương con mười. Người mẹ bó tay ngồi khóc cho đến khi mình tan trong đất trời. Những giọt nước mắt chảy thành dòng tạo khe nước Chè ngày nay.
- Những nơi nghèo khó thường “bi kịch hoá” mọi chuyện – Tôi cùng anh chia sẻ – Nhưng trong bi kịch có lạc quan, niềm lạc quan dựng trên nền yêu thương cuộc sống. Ai cũng thấy từ khe lên hồ, từ “con số không to tướng” ( chữ của Lỗ Tấn) lên phố như là huyền thoại vậy!
Thật tình , công việc của tôi dường không có cơ duyên “mặn nồng” với tư duy kinh tế nhưng lại có một thoáng đêm bên hồ uống tách cà phê Gió Lộng giữa những nam thanh nữ tú đông chật, mà ở không gian còn khiêm tốn này chưa nơi nào đông hơn thế, thì những câu hỏi dẫu tiếp tục đặt ra đã có thực tế trả lời đó rồi.
Ơi Trà Thuỷ Khê, một nghĩa tình trời đất dành cho mảnh đất dấu ái của tôi!
Võ Văn Luyến
* Trà thủy khê (Khe nước chè), một địa danh ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
VÕ CÔNG DIÊN - CÁNH CÒ
Nhạc sĩ Võ Công Diên quê ở xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng , tỉnh Quảng Trị. Sinh năm 1957, anh lớn lên bên con sông Thạch Hãn bốn mùa nước xanh trong vắt. Lưu lạc vào phương Nam lập thân , anh đã tỏ ra đồng cảm sâu sắc với những mảnh đời cơ cực của trẻ thơ đường phố phải "lặn lội thân cò", bầm thân kiếm sống dù tuổi đời còn đang non dại. Nhạc phẩm "CÁNH CÒ" được viết để tặng các em bé bơ vơ cơ nhỡ đó. (La Thụy giới thiệu)
Monday, April 25, 2011
MAI THANH TỊNH và QUỲNH HỢP - HẢI LĂNG ĐẤT MẸ NGỌT NGÀO
Mời các bạn nghe ca khúc
HẢI LĂNG ĐẤT MẸ NGỌT NGÀO
THƠ: MAI THANH TỊNH
NHẠC: QUỲNH HỢP
GIỌNG CA: Y JANG TUYN
Nguyên tác bài thơ
ĐẤT MẸ NGỌT NGÀO
Thương tặng: Hải lăng quê tôi
Hải Lăng ơi! quê mẹ yêu ơi!
Khúc hát đưa nôi Ô lâu lắng đôi bờ
Lúa đồng chiêm ươm vàng mùa thương nhớ
Cát bạc đầu cháy bỏng giấc mơ trưa
Vĩnh Định êm đềm ai trao gởi duyên xưa
Mỹ Thủy bãi ngang dập dìu sóng múa
Đã qua rồi thương đau thời binh lửa
Trà Lộc ta về chiều nắng hát vu vơ
Rượu Kim Long men ủ bến mong chờ
Cá Cu Hoan thơm hương đồng ngầy ngậy
Em gái làng cười tươi vào vụ cấy
Cho ai say ngây ngất cả hoàng hôn
Ôi quê mình đẹp lắm Hải lăng ơi!
Cho đôi ta tìm nhau đêm diệu vợi
Gió miên man ru tình yêu ngày mới
Ấm áp ngọt ngào đất mẹ Hải Lăng ơi!
5/2009
MTT
Thursday, April 21, 2011
VÕ QUÊ - ĐỒNG HÀNH "BÊN KIA TÍT TẮP ĐẠI DƯƠNG"
Bên kia tít tắp đại dương. Hồi ức đẹp, tuyệt vời nơi chốn quê nhà nắng mưa, thăng trầm, nổi trôi cùng thời gian hằng sống. Ngoại. Ba. Mẹ. Anh.Chị. Em. Thầy. Cô giáo… là tứ thơ đẹp cho từng hình tượng thăng hoa, hồi quang trên từng con chữ lấp lánh niềm kính yêu vô hạn, trang trọng mà bình dị, gần gũi vô cùng giữa cõi nhân gian trìu ái.
Bên kia tít tắp đại dương. Thế giới bạn bè đồng trang lứa đầy ắp kỷ niệm hồng, tràn trề khát vọng xanh. Người thơ đằm thắm, dịu dàng gọi tên từng người một. Những thước phim chậm đẹp, hiền lành tái hiện sinh động lên thơ. Thơ chuyển sắc thanh hương thành hồn, thành nội tâm ngợi ca tình bằng hữu. Bên kia tít tắp đại dương, người thơ không đơn độc. Vòng tay bè bạn luôn ấm áp ngày đông. Vòng tay bạn bè thường mát lạnh ban trưa mùa hạ. Thơ đồng cảm ngợi ca sự đồng điệu muôn nơi, muôn thưở rất tình người.
Bên kia tít tắp đại dương. Thơ vẽ nên nhiều bức tranh phong cảnh đẹp, trữ tình từ nhiều miền đất khác nhau trên quê Việt. Địa danh này. Địa danh kia. Mỗi tên đất. Mỗi tên phố thị… Thơ sáng lên những dấu chân qua cuar người thơ với muôn hồng nghìn tía đã được thu vào ánh mắt thi ca. Hừng đông. Hoàng hôn. Cỏ hoa. Bốn mùa thiên nhiên kỳ diệu… Thơ và họa. Ảnh và thơ trong Bên kia bờ tít tắp đại dương ngời lên những vầng sáng thực và hư.
Bên kia tít tắp đại dương. Chân dung người tình ẩn hiện. Nụ hôn hái tặng. Khúc yêu đầu điệu luân vũ thơ. Tình dan díu. Tình lãng mạn em và anh “vương mùi hoa trên áo”. Từ tình, thơ bay lên đôi cánh nạm óng ả những từ ngữ đã được người thơ chắt lọc, đan kết thật thuần khiết, dung dị nhưng sâu lắng ngọn nguồn yêu.
Bên kia tít tắp đại dương hay đại dương tít tắp bên kia? Người thơ đã níu đôi bờ biển lớn thẳm xanh kia gần lại. Thật gần! Hồn thơ giàu ý, cảm, chứa chan thương, bát ngát yêu của người thơ đã hình thành một tứ hay: Trái đất này đâu có rộng gì hơn! Cho nên từ bên kia tít tắp đại dương, người thơ mới tinh tế buông câu lục bát ngọt ngào:
Dường như bưởi đã trổ bông
Mưa đã ngớt phía hừng đông nắng đầy…
Hừng đông nắng đầy bên kia tít tắp đại dương. Hừng đông nắng đầy cũng ấm lành trên quê mẹ.
Xin cảm ơn người thơ đã cho tôi có dịp đồng hành Bên kia tít tắp đại dương!
Võ Quê
Huế, 20. 2011
Lê Ngọc Trác - "BÊN KIA TÍT TẮP ĐẠI DƯƠNG":NỖI NIỀM CỦA NGƯỜI CON GÁI XA QUÊ
Võ Thị Như Mai nguyên quán ở làng Mỹ Chánh, Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt. Khi tốt nghiệp đại học, có một thời dạy học tại Châu Đức, tỉnh Bà Rịa. Hiện nay Võ Thị Như Mai sống ở miền Tây nước Úc và là giáo viên đang dạy học tại trường Dryandra.
Võ Thị Như Mai tại buổi ra mắt tập thơ Bên Kia Tít Tắp Đại Dương ở Quảng Trị |
Tập thơ gồm hơn 50 bài thơ và 6 bài tản văn, mà phần lớn là những bài được Võ Thị Như Mai sáng tác khi ở phương trời miền Tây nước Úc, bên kia bờ đại dương tít tắp mù khơi. Người đọc bắt gặp những vần thơ với ngôn từ giản dị, trong sáng, chân thật và đầy cảm xúc. Với một tâm hồn nhạy cảm, Võ Thị Như Mai đã bắt những con chữ chạy theo cảm xúc của mình khi trong lòng chợt rung lên tha thiết trước những hình ảnh đầy ấn tượng. Võ Thị Như Mai viết về những vùng đất đã từng qua, từng sống, viết về tình yêu, về những hoài niệm một thời chưa xa về hình bóng quê nhà: Hải Lăng – Quảng Trị, một thời nghèo khó hay Đà Lạt ngàn hoa của một thời mộng mơ. Võ Thị Như Mai viết những câu thơ chứa chan tình yêu với niềm tin hạnh phúc:
"là em, là em, là em
là em nồng nàn, em tha thiết
là em cài nụ hồng lên môi
dõi mắt trông biền biệt
ưu tư và lụy phiền
là em, là em thôi, rất hiền
có khi buồn cũng khóc
là em, là em gánh giấc mơ nặng nhọc
trên đôi chân nhẹ tênh
là em của lênh đênh
trong màu mắt anh có còn không, đắm đuối
em gói mùa xuân giấu vào hộp tuổi
xóa đi những vết nhăn
em hái tặng anh nụ hôn vĩnh hằng
đặt vào trong túi áo
để em nghe trái tim anh táo bạo
riết róng nhịp tình gần ...."
Trong khoảnh khắc, người đọc bỗng cảm thấy cuộc sống điềm nhiên xanh, tràn đầy yêu thương trước những câu thơ của Võ Thị Như Mai:
"sinh nhật tháng năm
gửi yêu thương vào tóc bím
đôi má hồng ngây thơ mười tám
vào cái nháy mắt vu vơ lưu luyến rất đằm
có những khoảnh khắc chỉ hòa tan vào máu thịt một lần không hơn
dòng chảy suy tư âm thầm trêu phạm trù cảm xúc
rừng hoa Linh Lan hòa chung nhịp nhớ nhung kết thành ca khúc
cho hành giả nghiêm trang khe khẽ hát trong chiều
mấy mươi cái mặn mà
và thế là có một mùa quá đỗi thương yêu!"
"một mai thức dậy thấy mình trơ trọi giữa sa mạc hoang vu
không người thân, không cây xanh, không mái hiên râm mát
hơi thở cũng chẳng phải của mình, e rằng hồn đi lạc
quờ quạng bên nào cũng trống vắng như nhau"
(Trích "Như có như không")
"ở xứ người có loài kangaroo
cứ mỗi sáng chúng nhảy lui nhảy tới
thảo nguyên trải dài vời vợi
mơ quê hương ở cuối chân trời
một chiếc lá cong khô chao rơi
đã bắt đầu yêu nơi dừng chân này anh ạ
chỉ sợ cuối thu gom mưa về nhiều quá
mỗi giọt rơi là một nỗi nhớ người
..."
Đối với người Việt chúng ta, xuân về tết đến là ngày gia đình sum họp, những đứa con đi xa đều trở về đoàn tụ dưới mái ấm gia đình. Riêng đối với những ai sống xa quê hương, xứ sở, nay chỉ còn "đón tết online":
đón Tết qua phone nghe tiếng Mẹ ấm trong hơi thở
đọc thơ bạn đó đây yêu mùa xuân lách khách cười hớn hở
con trai hồn nhiên chưa biết Tết quê mình
...
bao năm rồi con đón Tết online
may mà vẫn còn nghe nàng xuân khều lanh canh trong trí nhớ
may mà vẫn còn nghe hơi ấm của mẹ qua phone trong từng nhịp thờ
bên khung cửa xứ người lặng lẽ một nụ mai
bên khung cửa xứ người nỗi nhớ bẻ làm hai"
Võ Thị Như Mai viết những câu thơ thật giản dị đến tự nhiên. Không có một từ nào thốt lên nỗi thương nhớ đau buồn. Nhưng, sao khi đọc xong chúng ta nghe lòng mình nặng trĩu và cay cay trên đôi mắt...
Trong tập thơ chỉ có một bài duy nhất Võ Thị Như Mai viết theo thể thơ lục bát. Ý và lời nhuần nhuyễn, sâu sắc, tạo được độ rung, đưa người đọc trở về với những thương nhớ xa xăm trong cuộc đời:
"hình như người vẫn như xưa
xốn xang mắt biếc đong đưa nụ cười
chuyển mùa lá nõn xanh tươi
quạnh hiu là bởi dế lười ca thôi
Em về khua bớt đơn côi
gieo câu lục bát đãi bôi nỗi lòng
dương như bưởi đã trổ bông
mưa đã ngớt phía dòng sông nắng đầy
nhập nhằng ký ức tuột tay
ngờ đâu quên bẵng tháng ngày xa xăm
thưa rằng có dịp về thăm
vết thương màu nhớ gửi trăm cánh chuồn
ủ mềm kỷ niệm rồi buông
dặm trường mê mải, nỗi buồn đang vui"
Võ Thị Như Mai là một người "yêu thơ cực kỳ". Chúng tôi tin rằng trong tương lai Võ Thị Như Mai sẽ có những tác phẩm thơ làm say đắm, lay động tâm hồn người yêu thơ nhiều hơn nữa.
* Lê Ngọc Trác
Email: