Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, July 30, 2010

LÀNG TÔI LÀNG CHẮT CHẮT - Đinh Thanh Hải

Ảnh Lê Đức Dục


Con Chắt Chắt là họ hàng với Ngao, Hến ... nhưng nó nhỏ hơn con Hến một tý, con Chắt Chắt sống chủ yếu ở những vùng nước lợ. Đất bùn phù sa cộng với cát là nơi sinh sống của Chắt Chắt. Không biết từ bao giờ mỗi khi nhắc đến làng tôi họ đều ví von là làng Chắt Chắt. Quê tôi là một ngôi làng nằm dọc theo con sông Thạch Hãn, làng An Giạ xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Nếu ở Sài Gòn ta nói con Chắt Chắt thì chắc chắn không ai biết là con gì? Vì con Chắt Chắt đặc biệt chỉ có người quê Quảng Trị chúng tôi mới gọi như vậy? Nhiều khi tôi đưa cho bạn bè ăn bát canh Chắt Chắt, họ nói sao con Hến này nó ngọt vậy? Ở Huế người ta có món Cơm Hến (nhiều người cứ nghĩ con Hến là con Chắt Chắt) Thực chất nó là 2 con khác nhau.





Để bắt con Chắt Chắt người ta thường dùng một dụng cụ tự tạo là cây Cào và một con thuyền tre. Đi dọc theo bờ sông và cào, có chỗ cào nước sâu ngang đầu gối, có nơi phải lặn một hơi sâu mới cào được. Người làng tôi hay nói câu " Nghề cào Chắt Chắt ni là nghề Ăn Tới, Mần Lui". Bà con phải cầm cây Cào và đi thụt lùi, cho chắt chắt vào cây cào. Ngay khúc sông làng tôi, con Chắt Chắt sinh sôi và phát triển rất nhanh, bà con cứ cào hoài mà không cạn kiệt. Làng tôi cung cấp con Chắt Chắt với khối lượng khá lớn cho Đông Hà và các làng lân cận: làng Gia Độ, Đồng Giám, An Lợi, Trung Yên, Thanh Liêm ...



Bà con sau những ngày làm ruộng, rãnh rổi lại ra sông làm thêm nghề cào Chắt Chắt kiếm thêm cái ăn cái mặc. Sáng sớm, chúng ta đã thấy bà con đi cào Chắt Chắt, đứng trên bờ nhìn ra sông thấy bà con ngụp lặn để cào. Khi cào đầy thuyền bà con lại đem về nhà ngồi sàng lọc, nhặt những viên đá nhỏ ra, rồi lấy Chắt Chắt sạch ngâm với nước. Sáng ra thì bà con lại đem lên Chợ Đông Hà hay chợ Đồng Giám bán. Những buổi sáng sớm, chồng và con trai thì ra sông ngụp lặn cào Chắt Chắt, còn các mạ, các mệ hay các O thì đi lên chợ bán. Những gánh Chắt Chắt đè nặng trên đôi vai, chạy bộ một quãng đường dài mới tới chợ. Trên đôi quang gánh đó có biết bao nhiêu người con đã học hành nên người, thành ông này bà kia.





Quê tôi, một vùng quê với thời tiết rất khắc nghiệt, vào mùa hè oi bức với những cơn gió Lào thổi, mang theo cái nóng, cái cháy ... Bà con dân làng phải tìm ra những cái món ăn thức uống cho giảm đi cái khô nóng đó. Trong những món ăn giúp cho ta thoải mái nhất thì phải nhắc đến món canh Chắt Chắt. Để nấu được một nồi canh cho cả nhà ăn thì phải mua tới 6 hay 7 lon Chắt Chắt. Bà con đi chợ họ bán bằng lon (Lon sửa ông Thọ mài đi một phía). Muốn có một nồi canh thật ngon thì phải đi chợ từ sớm, chọn mua những mớ Chắt Chắt tươi. Đem về nhà ngâm với nước, cho Chắt Chắt nhả bùn non ra, ngâm khoảng 2 giờ đồng hồ thì đem rửa lại bằng nước giếng, rồi đem lên bếp nấu. Nước sôi thì lấy đũa khuấy liên tục cho Chắt Chắt mở cái vỏ mỏng ra (lửa phải đều không làm cho nước quá sôi hay quá nguội, con Chắt Chắt sẻ ngậm lại). Sau đó đem đi đãi vỏ lấy mặt (xác Chắt Chắt), rồi xào qua với dầu phi hành tỏi, cho thấm đều với gia vị (ngày xưa bà con dùng tóp mỡ heo). Tiếp đến, đổ nước lên nồi xào thêm mắm muối, nhớ cho Gừng vào để khử mùi tanh của bùn đất. Khi nước xôi là cho rau muống thái nhỏ vào. Nếu đúng bài của nó thì phải có thêm bắp rang, bắp sau khi thu hoạch về phơi khô, bà con lấy cát để rang bắp, những hạt bắp khô gặp cát nóng cứ nổ lốp bốp trên nồi. Bên cạnh đó đâm một chén muối ớt, những hạt muối sống với trái ớt tươi + Gừng, đâm thật cay. Cái canh Chắt Chắt là vị mát lạnh thêm muối ớt và Gừng vào, thứ nhất cho hợp khẩu vị mặn nhạt của từng người, thứ 2 giúp ta không lo bụng kêu khóc. Bên cạnh rau muống, Chắt Chắt còn nấu với Khế chua hay trái bầu ... để thay đổi khẩu vị. Cái nước luộc Chắt Chắt thật là ngọt, lúc nấu không cần phải cho gia vị nhiều, vì cái chất ngọt trong con Chắt Chắt ra đã đủ. Mà nếu cho quá nhiều gia vị khác vào thì mất đi cái chất, cái hương vị của con Chắt Chắt.

Cả dòng sông Thạch Hãn ở đâu cũng có con Chắt Chắt, nhưng riêng khúc sông ở làng tôi Chắt Chắt mới ngọt, mới ngon. Thế nên bà con các làng đặt cho làng tôi cái tên là làng Chắt Chắt. Ở quê người ta hay ví von các món ăn, hay các ngành nghề thành cái tên. Như làng Thanh Liêm là làng Mắm Còng ...

Dọc theo con sông làng tôi, ta thấy bên những hàng tre chắn gió có những cụm vỏ Chắt Chắt, đó là cái sau cùng của bát canh ngon ngọt. Có nơi người ta thu gom vỏ Chắt Chắt để nung Vôi. Nung Vôi để dùng ăn với Trầu Cau, hay quét tường nhà.

Trong những bữa ăn của người dân quê Quảng Trị, ta luôn thấy món canh Chắt Chắt. Mỗi khi đi xa, không người con nào lại không nhớ cái món ăn đơn sơ mà nhiều tình cảm đó. Nó như gắn với cuộc sống của từng con người, cái cơ cực, cái vất vả đi cùng trên chặng đường xưa. Giờ đây con cháu làng quê có người đã bôn ba đi tìm nơi khác lập nghiệp. Nhưng mỗi khi nhớ về quê họ lại nhớ cái món ăn mà mạ ngày xưa thường hay nấu. Chan bát canh đầy ngọt bùi sớt chia bao khó nhọc đắng cay. Bát canh như những lời mạ nhắn nhũ: Ăn đi con cho có sức mà lớn mà khôn, rồi học hành sau này mong khỏi cực ...

Mỗi lần về quê, bà con hỏi thích ăn món gì? Tôi không trả lời mà tự lấy xe chạy đến nhà có người Cào Chắt Chắt. Thấy còn một gốc bao cát gai, tôi mua luôn, mà đâu chỉ hơn mười mấy ngàn đồng, thế mới thấy sự cơ cực cào Chắt Chắt, mà bán thì được mấy đồng tiền. Lúc mua về ai cũng cười tôi: Mua về Nung Vôi xây nhà à? mua gì nhiều rứa mi ... Tôi nói lâu lâu về ăn cái cho đã mà. Ăn thì ngon thiệt, nhưng mà cái công nấu lên một nồi mà ăn thì thật khổ.

Chắt Chắt còn làm thêm món xào với hành tây, rồi lấy bánh tráng xúc ăn. Cái món này mà làm món nhấm thì không có gì bằng. Bà con ngồi quây quần, một dĩa Chắt Chắt xào + mấy cái bánh tráng + 1 chai rượu là thành một cuộc vui rồi. Đến đêm ngà ngà men say, lại đem Chắt Chắt đi đãi rồi nấu với cháo gạo ăn. Ôi thật đậm đà cái hương vị Quê hương.
Ngày nay đôi khi cuộc sống nhanh hơn, vội hơn, bà con ở thành thị họ thường mua con Chắt Chắt đã đãi thành xác về ăn. Như vậy thì bát canh sẻ mất đi cái ngon rất nhiều. Mình phải tự đãi lúc còn tươi, thì mới ngon và ngọt. Đôi khi tôi hay nói với người quen, mình ăn nhớ hoài là do: Mạ ngồi đãi, mồ hồi mạ nhỏ xuống càng làm canh ngọt hơn đó ...
Có những bà con đi xa, trở về thăm quê, mới cầm bát canh húp 1 cái, con mắt đã nhoè đi vì nước mắt. Nước mắt nhớ về người mệ, người mạ tảo tần năm xưa, nhớ đến cái vị ngọt mà bát canh mạ nấu cho đàn con ăn ...

Trong cuộc đời có những món Sơn Hào Hải Vị, có thể là những món ăn đắt tiền. Nhưng hãy thử húp một bát canh Chắt Chắt, thì không gì tả được, nó làm lòng mình thật là mát, bao nhiêu cái mệt nhọc cũng tự nhiên tan biến.

ĐINH THANH HẢI, KTS
Sài Gòn 21-12-2009
READ MORE - LÀNG TÔI LÀNG CHẮT CHẮT - Đinh Thanh Hải

Friday, July 23, 2010

LÊ DIỄN - NGÔI NHÀ TRÀN ĐẦY THƯ PHÁP

Tư gia của nhà thư pháp Hoàng Tấn Trung. Ảnh NKP



Ngôi nhà của nhà thư pháp Hoàng Tấn Trung nằm trên đường vào Cổ Thành Quảng Trị. Bạn bè thường lui tới viếng thăm, và đặc biệt vào ngày xuân, khách phương xa đến xin chữ tấp nập làm chủ nhân hết sức bận rộn. Dưới cội mai vàng sắc xuân lồng lộng, anh ngồi múa máy chữ nghĩa như bóng dáng ông đồ xưa.


Lâu nay Hoàng Tấn Trung được biết đến như một nhà thư pháp nổi tiếng ở Quảng Trị. Anh đã có vài cuộc triển lãm ở quê nhà. Tác phẩm của anh được treo tại các nhà hàng cà phê lịch sự ở thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị. Anh rành chữ Hán, thông thuộc cổ thi lẫn thi ca hiện đại. Anh cũng là người làm thơ chuyên nghiệp. Vì thế, thư pháp của anh, ngoài cái tài hoa bay bỗng của đường nét, bố cục để con chữ sống động, nghệ thuật hơn, vẫn bàng bạc đâu đây nỗi lòng u uẩn của một thi nhân, kiểu: Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ, rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà…


Anh viết thư pháp chỉ để tặng bạn bè trong Nam ngoài Bắc chứ không màng đến chuyện bán mua, mà có bán cũng hiếm người mua ở cái đất gió Lào cát trắng còn tang thương ngẫu lục này. Đó là một cuộc chơi tự bày ra mà lưu linh lạc địa với đời thôi, nói theo cách của anh, đúng tạng của một người ham chơi, thì viết thư pháp cũng để chơi, để sống cho thỏa chí bình sinh.

Anh em văn nghệ mừng cho anh vì cách đây không lâu anh đã dựng cho mình một ngôi nhà rường ba gian hai chái với sân vườn thoáng đãng đủ sức thỏa chí tang bồng giữa không gian nghệ thuật của riêng mình. Ngay ở gian giữa, trước ban thờ ông bà trang nghiêm, anh bày biện những kỷ vật, tặng phẩm, nhất là những bộ ấm chén cổ bằng sứ anh sưu tập được lâu nay trên bộ sập gụ óng ánh màu gỗ mật làm tăng thêm nét u tịch cổ xưa giữa ngôi nhà rường…

Vườn cây cảnh cũng rất phong phú, đa dạng bởi các loại lan rừng được chăm sóc cẩn thận nên quanh năm hoa nở ngát bên thềm. Trước sân là vạn tuế, lộc vừng, mai xuân thi nhau khoe sắc mỗi độ xuân về, ẩn đằng sau là bức bình phong chữ PHÚC như để che chắn bớt những cơn gió chướng từ cuộc đời nhiêu khê thổi lại. Ngôi nhà cũng là nơi để chủ nhân trưng bày tác phẩm của mình. Những bức thư pháp được chắt lọc từ gan ruột, tựa như ký thác tâm sự. chí khí của mình. Mạnh mẽ hào khí ngất trời bên cạnh sự thâm trầm hiu quạnh đậm chất suy tư của một người đã trải nghiệm đời qua cái tuổi tri thiên mệnh.

Hoàng Tấn Trung đã dựng cho mình một nơi chốn đi về tĩnh lặng để sống và để chiêm nghiệm những dâu bể cuộc đời. Ai có ngược xuôi qua vùng đất Thành Cổ xin hãy dừng chân ghé thăm không gian sống của nhà thư pháp, người đã suốt đời sống và làm việc nơi mãnh đất này.
READ MORE - LÊ DIỄN - NGÔI NHÀ TRÀN ĐẦY THƯ PHÁP

Monday, July 12, 2010

NGUYỄN NGỌC HƯNG -Một lần ru ngoại


MỘT LẦN RU NGOẠI

Thơ : Nguyễn Ngọc Hưng
Lời bình: Võ Thị Như Mai

Hôm nay là ngày đầu tiên tôi được nghỉ giữa kỳ. Kỳ nghỉ hai tuần này tôi sẽ chỉ quanh quẩn trong nhà, ngoài sân, ra sau vườn cho cá ăn, tưới nước, dọn dẹp nhà cửa, tìm vài công thức nấu ăn và thực hiện vài món ngon cho gia đình, dẫn con đi chơi và đọc sách, hẹn chồng đi ăn trưa và nhất định cả nhà sẽ cùng đi xem bộ phim Toy Story 3 vào một buổi chiều mưa gió nào đó (trời mưa và lạnh mà ngồi trong rạp chiếu phim màn ảnh rộng cũng là một cái thú).

Sáng nay lướt net, bất chợt đọc được một bài thơ lục bát rất nhẹ nhàng và đầy những hình ảnh thân thương của tâm hồn con người và quê hương Việt Nam , “Một lần ru ngoại” của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng, lòng tôi không khỏi bồi hồi. Tình cờ đây cũng là bài thơ đạt giải tư trong cuộc thi sáng tác thơ lục bát “Ngàn Năm Thương Nhớ” vừa được trao giải cách đây mấy ngày.

“Một lần ru ngoại” là một bài thơ khá dài với 28 câu liền mạch từ đầu đến cuối không phân khổ, có nhịp điệu 2/2 êm đềm và trữ tình. Toàn bài có một dấu lặng (…), không có dấu chấm, dấu phẩy nhưng mỗi dòng là một câu với ý tứ sâu sắc và hoàn chỉnh tạo nên nhịp tâm tưởng liền mạch rất đặc trưng. Ngày xưa tôi thường ít thích đọc thơ lục bát cũng như ít thích nghe những bài tango vì có lẽ do nhịp điệu đều đặn chăng? Hay do thời điểm tôi lớn lên, các thi nhân hiện đại đã bắt đầu viết nhiều thể thơ tự do, phóng khoáng, tân kỳ về cả nội dung, hình thức và kỹ thuật? Tôi cũng không biết nữa. Sau này khi bắt đầu sống xa nhà, tôi yêu lục bát hơn và kể từ khi xa quê, mỗi khi đọc những câu thơ lục bát giản dị, nền nã, tôi lại càng thấm thía nỗi lòng của một người xa xứ được thì thầm ngâm nga câu thơ của những tác giả sống trong lòng quê hương, chuyên chở tâm tình và tư tưởng của mình qua các bài thơ lục bát.

Bài thơ của tác giả tạo cho tôi một ấn tượng khá mạnh do từng từ, từng ý thơ dường như nói hộ lòng tôi vậy. Kỷ niệm đua nhau kéo về. Hàng cau ngoại trồng thân dài thẳng tắp trong một khu vườn đầy hoa trái, niềm vui lao động cần mẫn quanh năm bươn chải cũng đồng hành với thời gian làm hao gầy đi sức lực con người, đồng hành với các nếp nhăn, với “lưng còng”, và với nụ cười móm mém đầy trìu mến. Nhớ lắm ngoại tôi hiền từ nhưng thẳng tính và minh mẫn, nhớ lắm ngoại tôi cơ cực dặm trường suốt một đời, vất vả một mình nuôi các con. Tôi không có cái may mắn được gần ngoại như những người em họ của mình, nhưng mỗi lần gặp ngoại tôi đều cảm thấy ngoại rất gần gũi, dễ chịu và thân thương để rồi sau những cuộc gặp ngắn ngủi, trở về nhà lòng quay quắt nhớ.

“Lâu lâu nhớ ngoại con về
Ba bên gió thổi bốn bề nắng vương
Mắt nhìn me dốp ổi ương
Nhìn cau mọc thẳng mà thương lưng còng”

Hình ảnh ngoại của tôi cũng y như “ngoại” trong bài thơ của Nguyễn Ngọc Hưng. Theo như lời kể của mẹ, thì ngoại tôi đã lận đận từ thuở nảo thuở nao, cũng “lắng trong gạn ngoài”, “chạy từng hạt muối củ khoai”, cũng tất tả hết ra Trung rồi lại vào Nam tìm kế sinh nhai, hết lo cho từng người con rồi đến xoay vần bên đàn cháu. Ông ngoại bị bệnh mất sớm, ngoại tần tảo nuôi mẹ và dì, rồi ông ngoại hai xuất hiện trong đời ngoại chẳng được bao lâu, ngoại chưa kịp vui với niềm vui của một người vợ, có thêm ba cậu con trai năm một nối tiếp nhau ra đời, thì ông ngoại hai qua đời. Rồi mẹ và dì được một người bà con nhận nuôi, ngoại trở vào nam lập nghiệp cùng ba cậu con trai những năm dài sau đó.

“Từ ông như nước xuôi dòng
Một mình ngoại phải lắng trong gạn ngoài
Chạy từng hạt muối củ khoai
Xuống đông ngăn bão lên đoài cản giông
Hết lo con gái ế chồng
Lại đàn cháu dại lông bông suốt ngày
Mỏi mòn như chiếc cối xay
Ngoại quay theo những vòng quay cuộc đời”

Các cậu lần lượt lớn lên, lấy vợ, sinh con. cậu Cả giỏi nhất nhà, một tay gây dựng sản nghiệp, cuộc sống bắt đầu dễ chịu hơn cho đến một chiều mẹ nhận điện thoại của ngoại, tiếng được tiếng mất, rằng cậu lớn đã qua đời do bị lật xe bò. Cậu Út thì hơi lãng đãng, lâu lâu ngoại và vợ con của cậu phải đăng báo hoặc lặn lội đến một xứ xa ngái nào đó để tìm cậu về, để rồi trong một lần kiếm tìm như thế, nước mắt những người đàn bà lại xối xả tuôn khi họ tìm thấy xác cậu Út bên đường do tai nạn giao thông. Ngoại lặng lẽ hơn bên hai nàng dâu hiền và bầy cháu, vẫn trồng trọt, chăn nuôi, vẫn hiền từ, vất vả và lưng không còn thẳng, những bước đi vì thế mà kém phần nhanh nhẹn. Cậu Ba ở cạnh mẹ tôi, thỉnh thoảng gia đình tôi và gia đình cậu Ba rủ nhau về thăm ngoại, các mợ và các em.

“Rộng dài tấm áo thương yêu
Dù khi tơi tả giữ điều thơm tho
Quẩn quanh đồng vạc bãi cò
Mà “xương thịt” ngoại gởi cho trăm miền
Vì yêu tổ quốc mẹ hiền
Tuổi xanh các cậu hồn nhiên góp bồi”

Nhớ lần đầu tiên gặp ngoại, tôi sà vào lòng bà với cảm giác như đang ở bên một người mẹ thứ hai. Mẹ tôi giống bà lắm, từ nụ cười hiền lành đến đôi mắt ấm áp, từ giọng nói miền Trung ngọt ngào đến vóc dáng thâm thấp, tròn tròn. Những năm dạy ở Châu Đức, thỉnh thoảng tôi rủ vài đồng nghiệp chạy xe qua thăm ngoại, lần nào trước khi về lại trường, ngoại cũng cột vào xe tôi không bịch tôm khô thì cũng quả mướp, không bịch mận thì cũng quả mít.

“Còn không sợi tóc câu chuồn
Quả na cấp củm ngoại luồn tay con
Chùm mận chín trái xoài non
Để dành ai nữa héo hon sớm chiều”

Ngoại tôi có cả thảy bảy chị em, lúc tôi còn học cấp hai, chỉ anh và chị đầu ngoại đã qua đời ở tuổi trên tám mươi, năm người còn lại thỉnh thoảng được con cháu tạo điều kiện để rồi tứ phương quay về một nơi. Chị em ai cũng gần tám mươi nắm tay nhau, ôm nhau mừng mừng tủi tủi, cười vang cả nhà mà nước mắt của niềm vui cứ chảy giọt giọt trên má.

Ngoại rất tự hào về người em Út của mình. Mà cũng phải, ông là một Phật Tử chuẩn mực, điềm đạm, huynh trưởng cấp Dũng kiêm nhiệm trưởng ban hướng dẫn trung ương GĐPT VN từ nhiều năm trước đến nay. Còn người em kế của ngoại, mụ Thảo, cũng được ngoại nhắc đến luôn, ngoại luôn xuýt xoa về mối tình thiên niên kỷ giữa mụ Thảo và người đàn ông của mình. Từ thuở mới kết hôn cho đến giờ phút này, sáng sáng họ luôn nắm tay đi dạo bờ sông, lúc nào cũng đầu gối tay ấp, luôn nhìn nhau bằng ánh mắt trìu mến, xưng “anh anh em em” ngọt xớt, và luôn bên nhau như hình với bóng. Còn mụ Dung quả thật tôi không còn nhớ, hình như cũng đã mất cách đây vài năm.

Ngày tôi mới kết hôn, trên đường từ Sài Gòn về Đà Lạt, ông Châu và vợ chồng tôi quyết định ghé sang thăm ngoại. Ngoại vui vì gặp em trai Út, vui vì gặp tôi và cháu rể tóc nâu đang ngồi yên ắng một góc khuất và quan sát. Ngoại ghé vào tai tôi thì thầm: “Răng hắn ít ỏi rứa con hè, tau tưởng hắn ít ra cũng xì lô xì la dăm câu ba sợi để tau nghe tiếng Tây hắn ra răng”. Tôi cười ôm ngoại vào lòng, cảm nhận trong vòng tay tôi, ngoại gầy đi nhiều, nhịp tim ngoại hoà vào nhịp tim tôi, đập rộn ràng. Tự dưng tôi thấy buồn, giá mà có thể được một mình ở bên ngoại lâu hơn. Những ngày cuối cùng ngoại lên ở với cậu Ba ở Đà Lạt, gần nhà tôi, như thể muốn bù đắp nỗi đau chia xa từ bấy lâu nay. Để rồi sau này tôi nhận ra, lần cuối cùng tôi được gặp ngoại đó là chuyến ghé thăm ngắn ngủi kia, cái lần ngoại dúi vào tay ông xã tôi bịch chả ram dòn tan vừa mới chiên xong còn nóng hổi.

“Con về nhặt lá trầu rơi
Vàng lên nỗi nhớ bao lời hát ru
Rưng rưng từ phía xa mù
Như thầm vọng lại tiếng tu hú buồn”

Quay trở lại với toàn bài thơ của Nguyễn Ngọc Hưng, không biết những độc giả khác thì sao chứ với tôi, có cảm giác như tác giả lấy tâm tư của tôi mà dệt nên vần điệu của bài thơ vậy. Phải chăng ngoại trong thơ anh là đại diện cho hình ảnh chung của những người phụ nữ Việt Nam thân thương đậm tính cách, tâm linh, phẩm chất trong sáng và cao đẹp vô cùng. Ta tìm thấy trong bài thơ của anh vẻ đẹp giản dị, mộc mạc và lam lũ của con người gắn bó tình nghĩa với làng quê, làm nên giá trị đặc sắc và giàu truyền thống văn hoá qua những vần thơ lục bát nhẹ nhàng mà mênh mông, thuần túy mà bình dị. Bài thơ là sự kết hợp khá tài hoa giữa nét duyên dáng của vần lục bát truyền thống với vẻ trữ tình của ý và lời thơ, là sự giao hoà giữa nghệ thuật văn hoá làng thôn với tiết tấu âm nhạc toát ra từ cảnh vật, đời sống dân dã của một tâm hồn có cảm xúc trong sáng và giác quan tinh tế.

Xin được cảm ơn tác giả về một bài thơ hay và xúc động. Xin cho con được mượn lời thơ dịu dàng này như một dấu lặng để được ru ngoại vào giấc ngủ ngàn thu, và, bỗng dưng con nhớ ngoại lắm. Rồi con sẽ dạy cho con trai mình tình yêu thương nguồn cội, con sẽ trở về thăm mẹ con nhiều hơn ngoại ạ, để con trai con còn được nhiều lần sà vào lòng bà ngoại của nó, để được hít hà hơi ấm đầy yêu thương của bà ngoại và thốt lên rằng “cháu thương bà lắm cơ”.

“Ạ ời… ngoại ngủ đi thôi
Vườn cau nở trắng hoa rồi gió ru!”

VTNM 6/7/2010



MỘT LẦN RU NGOẠI
Tác giả: Nguyễn Ngọc Hưng

Lâu lâu nhớ ngoại con về
Ba bên gió thổi bốn bề nắng vương
Mắt nhìn me dốp ổi ương
Nhìn cau mọc thẳng mà thương lưng còng
Từ ông như nước xuôi dòng
Một mình ngoại phải lắng trong gạn ngoài
Chạy từng hạt muối củ khoai
Xuống đông ngăn bão lên đoài cản giông
Hết lo con gái ế chồng
Lại đàn cháu dại lông bông suốt ngày
Mỏi mòn như chiếc cối xay
Ngoại quay theo những vòng quay cuộc đời
Con về nhặt lá trầu rơi
Vàng lên nỗi nhớ bao lời hát ru
Rưng rưng từ phía xa mù
Như thầm vọng lại tiếng tu hú buồn
Còn không sợi tóc câu chuồn
Quả na cấp củm ngoại luồn tay con
Chùm mận chín trái xoài non
Để dành ai nữa héo hon sớm chiều
Rộng dài tấm áo thương yêu
Dù khi tơi tả giữ điều thơm tho
Quẩn quanh đồng vạc bãi cò
Mà “xương thịt” ngoại gởi cho trăm miền
Vì yêu tổ quốc mẹ hiền
Tuổi xanh các cậu hồn nhiên góp bồi
Ạ ời… ngoại ngủ đi thôi
Vườn cau nở trắng hoa rồi gió ru!
.
READ MORE - NGUYỄN NGỌC HƯNG -Một lần ru ngoại

Thursday, July 8, 2010

Người Quảng Trị ăn...ớt - PHẠM XUÂN HÙNG




Cũng liều cắn ớt nhai gừng
Chua cay mặn chát ta đừng quên nhau
(Ca dao)



Folklore hiện đại kể rằng ở một đô thị lớn nhất nhì trong nước xảy ra vụ tai nạn giao thông khủng khiếp. Người bị tai nạn không có giấy tờ tùy thân nên không xác định được danh tính. Do vậy trước khi khâm liệm, chôn cất người ta mời pháp y giám định để hòng tìm ra manh mối. Bác sĩ pháp y sau khi mổ và xem xét nội tạng đã khẳng định như đinh đóng cột rằng người bị nạn quê ở Quảng Trị bởi biên bản ghi rõ: Ruột của nạn nhân chỉ toàn là ớt.

Chuyện khác nữa kể rằng: Một chị quê ở Quảng Trị đưa con nhỏ ra theo học một ngành gì đó ở thủ đô. Trường mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia nhưng các cô giáo chẳng làm sao dỗ được đứa bé ăn uống mặc dù cháu đang ở độ tuổi ăn dặm, bú dặm. Đến khi hỏi phụ huynh thì chị quê Quảng Trị điềm nhiên bảo: Nhờ các cô khi pha sữa hoặc khuấy bột cho nhiều nhiều ớt vào cháu mới ăn…

Đó là hai trong số rất nhiều những câu chuyện dân gian hài hước mà nội dung đều nói rằng người Quảng Trị ăn cay, cay đến mức… khủng khiếp. Tại sao lại ăn cay, ăn cay có nghĩa là ăn nhiều ớt, vậy thì liệu có hình thành một tính cách ớt của người Quảng Trị không? Tôi nghĩ đây cũng là một vấn đề thú vị.

Thứ nhất là đức tính chịu khó. Theo tôi, tập ăn cay buổi đầu phải chịu khó, trẻ em muốn ăn cùng thức ăn người lớn chẳng dễ dàng, cũng phải năm lần bảy lượt toát mồ hôi, long óc mới nuốt được miếng ớt. Lâu dần tính chịu khó ngấm vô người trở thành phản ứng tự nhiên lúc nào không hay. Dĩ nhiên đã chịu khó thì sẽ tìm cách vượt khó, vượt khổ. Người Quảng Trị theo tôi có tính cách này.

Thứ hai là sống đơn giản, đạm bạc. Khi xưa nhà tôi nghèo, cả làng cũng vậy, nghèo lắm. Bữa ăn chẳng có gì ngoài mớ cá nhỏ bắt ở khe, trái khế trong vườn, đọt môn sau giếng. Nhưng bữa ăn nào cũng thấy ngon nhờ có ớt. Ớt như thứ dopinh kích thích người ta ăn xong bữa. Lâu dần thành nếp sống đơn giản, đạm bạc.

Thứ ba là giỏi nín nhịn và hay nổi nóng. Nghe có vẻ đối lập nhưng biện chứng. Ăn cay phải chịu khó, trên chịu khó là nín nhịn nhưng nhiều khi cay quá phải hít hà, phải nổi nóng. Từ nhỏ đã vậy lớn lên khắc thành tính cách.

Nhân loại từ khi có lửa, đã biết tìm cách chế biến, nấu nướng thức ăn. Ăn không chỉ để no mà còn để đưa dưỡng chất cần thiết vào cơ thể nên cùng với nguyên vật liệu chính người ta phải nêm nếm vào đó nhiều thứ. Hẳn nhiên, đầu tiên là muối. Cơ thể mà thiếu muối thì bải hoải, da dẻ bủng beo rồi phù thủng mà chết. Sau đó, người ta nhận ra rằng ăn không chỉ để no mà còn phải ăn ngon. Thế là sau muối người ta phải thêm vào thức ăn nhiều thứ tạo vị thơm, ngọt, chua, cay như đường, dấm, ớt, hồ tiêu…

Nghĩa là khi con người biết ăn ngon thì gia vị bắt đầu lên ngôi. Nhưng ớt có từ bao giờ và nguồn gốc từ đâu? Theo tài liệu mới nhất của một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, trong đó có nhà khảo cổ học Scott Raymond của Canada sau khi phân tích hóa thạch tinh bột trên những mảnh đá dùng để đâm hạt ớt cổ nhất từ trước đến nay đã đi đến kết luận rằng các hạt ớt cổ nhất có niên đại đến…6.000 năm.

Và căn cứ vào địa điểm thu mẫu vật hóa thạch cùng những nghiên cứu liên quan, các nhà khoa học cho rằng, khác với điều người ta nhầm tưởng xưa nay là tổ tiển của các nền văn minh lớn ở vùng cao như người Inca, người Aztec là những người đầu tiên trồng ớt, bằng chứng cho thấy ngược lại, cây ớt trồng có nguồn gốc từ miền nhiệt đới và vùng thấp thuộc châu Mỹ La tinh.

Tôi cũng thành thật nói rằng không phải vì tôi là người Quảng Trị mà cho rằng tính cách ớt thuộc về người Quảng Trị. Mà thôi, chuyện cũng dông dài, xin được trải lòng với bạn đọc sau. Nhưng trước hết, xin được thưa rằng, cả nước ăn ớt, cả miền Trung ăn ớt chứ không riêng người Quảng Trị. Nhưng rõ ràng, người miền Trung ăn cay nhiều nhất và nổi tiếng ăn cay hơn cả. Người miền Trung cũng là cách nói chung chung chứ tình thực, theo tôi, hay ăn ớt nhất cũng chỉ có người Quảng Trị, người Huế và người Quảng Nam, nhưng cách ăn thì mỗi nơi mỗi khác.

Người xứ Quảng hay dùng loại ớt xanh, thơm nhưng ít cay. Người Quảng cũng không ăn ớt tràn lan, chỉ một vài món đặc sản như mỳ Quảng kèm theo trái ớt xanh, ớt xanh vài miếng thả vào nước chấm dùng cho món bánh tráng cuốn thịt heo... Người Huế thì ăn ớt không chỉ là gia vị mà còn là chất liệu để trang trí mang tính mỹ cảm. Vì là chất liệu trang trí nên cái sự ăn nặng về thị giác.

Tô bún bò Huế bên cạnh màu trắng nà nõn của sợi bún, lớp màu mỡ màng của nước dùng, những cọng hành, rau thơm xanh non còn phải có những lát ớt màu đỏ điểm xuyết. Hay như bánh bột lọc sau khi luộc xong người ta phi hành xóc đều cho lá hành thấm dầu bám vào từng chiếc bánh. Khi bày bánh ra dĩa, màu bánh trắng trong nhìn rõ nhân tôm màu đỏ, lá hành dính xung quanh thì nhất thiết phải có ớt xanh xắt lát rải lên làm mặt.

Nhìn cứ như tranh. Đại loại kiểu ăn của người Huế với nền văn hóa ẩm thực bậc cao là thế. Còn người Quảng Trị ăn ớt thì khác với người xứ Quảng và đất thần kinh. Người Quảng Trị cũng dùng ớt làm chất liệu bày biện món ăn nhưng không nặng về trình bày, ăn ớt thì nhất quyết phải lấy sự cay làm trọng!

Vâng, đã quan trọng cái sự cay thì ớt phải…cay. Muốn có ớt cay thì phải tìm giống ớt cay để trồng. Người nhà quê không như thành thị, đất đai trồng hái thì khỏi phải lo, về quan hệ thì xóm trên có một người đỏ mắt cả xóm dưới đều hay. Nên chi nhà nào có giống ớt ngon, thơm, cay bao giờ cũng chọn vài trái để già héo trên cây, đặng làm giống, đặng đem cho hàng xóm. Cây ớt và giống ớt cay vì thế mà được nhân bản khắp nơi, từ làng này sang làng khác.

Về khoa học, tôi nhớ đọc đâu đó tài liệu cho rằng người ta đã lập bảng chia độ cay của từng loại ớt, độ cay cũng tính như độ cồn trong bia rượu, độ đạm trong nước mắm. Nghĩa là độ càng cao thì ớt càng cay. Tôi cũng không rõ các giống ớt cay của Quảng Trị thì bao nhiêu độ nhưng quả thật là có nhiều loại ớt đạt đến độ cay…khủng khiếp.

Xét độ cay từ thấp lên cao thì nhóm cuối bảng có ớt sừng (giống ớt xanh), ớt sáp, ớt chìa vôi, ớt kiểng… Loại này thường chỉ dùng để bày biện hoặc gia giảm vào các món ăn cho trẻ để tập chúng ăn cay. Cay hơn một chút là giống ớt đỏ, ớt chỉ thiên. Nhóm này thường trực trong các món ăn và được trồng phổ biến ở vùng quê.

Thuộc hàng “top” thì phải kể đến hai loại đó là ớt mọi và ớt de. Ớt mọi là ớt được đồng bào dân tộc vùng cao trồng sau đó di thực về vùng xuôi, loại ớt này cay đáo để, trái nhỏ bằng đầu đũa nhưng chỉ nửa trái cũng đủ làm bát nước mắm cay xè. Ớt de còn độc đáo hơn, trái chỉ lớn hơn hạt lúa một chút, nhưng cay thì tàn khốc.

Người không quen ăn cay thấy trái nhỏ tưởng bở ăn liền một miếng thì sau đó nhịn đói luôn vì mồm miệng bỏng rát. Giống ớt trồng qua mấy vụ thì thường thoái hóa, ít cay hơn. Để kiếm hạt giống người ta phải nhờ vào chim, nhất là loài vẹt. Những loài chim ăn ớt thường rất khôn, chỉ chọn loại ớt cay và những trái ớt chín đạt đến độ cay nhất. Nhờ vậy, người ta tìm phân của những con chim ăn ớt sau đó về rửa, đãi sạch lấy hạt giống về trồng. Cũng nói thêm, loại ớt này ngày xưa được bộ đội Trường Sơn gọi là ớt đại đội vì cho rằng chỉ cần một trái là đủ cho một đại đội dùng bữa (nghĩa là người ta không cần cắn, mỗi người chỉ quẹt trái ớt ngang lưỡi thì đủ cay cho cả bữa ăn!).

Người Quảng Trị ăn ớt cay nhưng không chỉ ăn ớt sống theo kiểu nhai ngang mà còn chế biến nhiều loại thức ăn. Cay thường đi với mặn. Món kết hợp cay mặn đó là muối trắng giã với ớt, nước mắm xắt ớt thật nhiều và ruốc hấp trộn với ớt giã nhỏ. Cả ba loại trên vừa dễ chế biến, vừa hợp với gia cảnh thanh bần, ăn uống không cầu kỳ chỉ cần đưa cơm là được. Sang hơn một chút, trong các bữa ăn chính quy là cá kho ớt, thịt xào ớt. Cá kho ớt thì lượng ớt bỏ vào có khi bằng lượng cá.

Những loại cá kho ngon như cá biển (thu, ngừ, nục…) khi nấu người ta để nguyên hoặc bẻ đôi từng trái ớt thả vào. Kho càng lâu, vị thơm cay thấm vào cá, nước cá kho sánh lại quyện từng hạt ớt, nước này dùng để ăn cơm nóng hoặc bún thì quên cả trời đất. Đặc biệt trong các bữa ăn người ta rất quan tâm đến bát nước chấm.

Nước chấm dùng cho rau luộc, thịt luộc đều phải giã ớt tỏi thật nhiều, khi chấm da ớt và hạt ớt dính theo gắp rau, lát thịt mới gọi là đáo khẩu. Nhưng có lẽ trong các món ăn thì món mắm ớt mới thực sự độc nhất vô nhị. Ớt tươi sau thu hoạch đem rửa sạch phơi heo héo rồi xếp thành lớp trong vại giống như muối cà, giữa hai lớp ớt là một lớp muối mỏng.

Đậy kín lại cất vào xó bếp vài tháng sau đem ra là đã có món mắm ớt. Lúc này vị muối hút nước trong quả ớt tạo thành thứ tương ớt cay xé và mặn mòi. Còn quả ớt sau khi rút nước teo lại đưa lên răng cắn nghe giòn tan, rất đã.

Nói chung, mùa nào thức nấy, nhưng với người Quảng Trị các bữa ăn quanh năm đều phải có ớt. Mùa thu hoạch ớt đại trà hoặc nhà nào có trồng vài cây ớt chỉ thiên ra quả quanh năm thì đến bữa trên mâm chí ít cũng phải có nắm ớt không dưới mươi quả. Mùa đông trời lạnh, cây cối nghỉ ngơi đã có hũ mắm ớt để dành. Không có ớt tươi hay mắm ớt người ta dùng ớt khô nguyên trái hoặc ớt bột cho vào thức ăn. Người lớn ăn cay, trẻ em cũng ăn cay, đứa nào chưa ăn được thì cũng phải ăn cho quen dần không thôi nhịn đói.

Ăn ớt nhiều nên người Quảng Trị chỉ nhìn trái ớt dù là ớt xanh cũng biết ớt non hay ớt già, cay hay không cay. Ớt xanh non có màu xanh trong, ớt xanh già có màu xanh thẫm hơn, cuống ớt rụng bao xòe ra. Ớt non ngửi bên ngoài có mùi hăng của quả non, ớt già thì vị cay như chui ra khỏi vỏ xộc vào mũi.

Nói chuyện ớt đã nhiều bây giờ thì xin nói về tính cách ớt của người Quảng Trị. Tôi xin thử nêu mấy điểm trong tính cách của người Quảng Trị liên quan đến ớt.

Thứ nhất là đức tính chịu khó. Theo tôi, tập ăn cay buổi đầu phải chịu khó, trẻ em muốn ăn cùng thức ăn người lớn chẳng dễ dàng, cũng phải năm lần bảy lượt toát mồ hôi, long óc mới nuốt được miếng ớt. Lâu dần tính chịu khó ngấm vô người trở thành phản ứng tự nhiên lúc nào không hay. Dĩ nhiên đã chịu khó thì sẽ tìm cách vượt khó, vượt khổ. Người Quảng Trị theo tôi có tính cách này.

Thứ hai là sống đơn giản, đạm bạc. Khi xưa nhà tôi nghèo, cả làng cũng vậy, nghèo lắm. Bữa ăn chẳng có gì ngoài mớ cá nhỏ bắt ở khe, trái khế trong vườn, đọt môn sau giếng. Nhưng bữa ăn nào cũng thấy ngon nhờ có ớt. Ớt như thứ dopinh kích thích người ta ăn xong bữa. Lâu dần thành nếp sống đơn giản, đạm bạc.

Thứ ba là giỏi nín nhịn và hay nổi nóng. Nghe có vẻ đối lập nhưng biện chứng. Ăn cay phải chịu khó, trên chịu khó là nín nhịn nhưng nhiều khi cay quá phải hít hà, phải nổi nóng. Từ nhỏ đã vậy lớn lên khắc thành tính cách.

Thứ nữa, nhiều lắm, cả xấu lẫn tốt, chẳng hạn: thủy chung với bạn bè nhưng lại hay cà khịa, miệng nói tay làm nhưng hay nói trạng, chịu khó học hành, học giỏi nhưng cũng hay khoe chữ, cao ngạo… Tất cả nếu phân tích thấu đáo hẳn ít nhiều cũng liên quan đến ớt.

Viết đến đây nghĩ cũng hòm hòm về chuyện người Quảng Trị với ớt. Định nói thêm một câu kết luận rằng người Quảng Trị có tính cách…ớt, nhưng thôi. Nói dài, nói dai là nói dại. Với lại, kết luận như thế chắc có người xứ khác không đồng tình, bảo rằng tôi nói lấy được, nói trạng.

Biết làm sao được, cái nói lấy được, nói trạng của tôi cũng bởi tôi là người Quảng Trị. Một người Quảng Trị ăn ớt.

Phạm Xuân Hùng
READ MORE - Người Quảng Trị ăn...ớt - PHẠM XUÂN HÙNG